Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 08 - Phần 1

Chương 8: Bình Nguyên vương

Thái Hòa năm thứ chín (1451)

Từ khi Hoàng đế đăng cơ, hạn hán, tai dị thường xuyên xuất hiện. Thánh hiền dạy thiên nhân hợp nhất[1] nhưng dù bản thân quan gia lẫn các văn võ đại thần có nhất mực nghiêm cẩn tự kiểm điểm bản thân đến mấy, cho rằng vì chữ đức của mình chưa vẹn toàn nên khiến trời quở trách thì khí hậu vẫn chẳng thuận hòa. Trong dân gian đã có người thầm than thở rằng cái cảnh no đủ:

“Thời vua Thái Tổ, Thái Tông

Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.”

[1] Chỉ sự thống nhất, cảm thông với nhau giữa trời và người, giữa tự nhiên và con người. Quan niệm cũ cho rằng vì vua, quan không sửa mình nên trời làm ra tai dị.

nay không còn thấy đâu nữa. Chưa nên nỗi người người chết đói, giặc cướp nổi lên liên miên nhưng lại nảy ra nạn khác. Quan lại càng làm to thì càng tự tung tự tác, tự tư túi riêng, không cần nhìn trước ngó sau hay kiêng nể gì trời cao đất dày. Đám môn sinh tại Kinh Diên nhìn cảnh ấy không thiếu người thấy chướng tai gai mắt, thường nhân lúc chưa đến giờ học, đem chuyện chính sự ra luận đàm gay gắt, hăng say lắm. Nhìn vào ai cũng lấy làm mừng vì giang sơn lại sắp có một lứa người tài mới.

Tuy nhiên trong đám thiếu niên ấy không hề có sự góp mặt của ba người mà địa vị khiến thiên hạ không ai vươn tới được. Người đầu tiên hẳn nhiên là đương kim hoàng đế. Bang Cơ chỉ đến Kinh Diên sau khi tan buổi chầu, ngày nào cũng vậy, một khắc cũng không chậm trễ. Hai người còn lại chính là Tân Bình vương Lê Khắc Xương – Hoàng huynh của quan gia và Bình Nguyên vương Lê Tư Thành – Hoàng đệ được quan gia vô cùng yêu quý. Đám môn sinh không lạ gì tính cách ôn hòa, điềm đạm của Khắc Xương. Ngày đầu gặp gỡ, nếu không vì các học trò đều phải tự giới thiệu mình, họ nhìn thế nào cũng không nghĩ cậu thiếu niên ăn vận đơn giản, khí chất khiêm nhường ấy là một thân vương. So với dáng vẻ của Bang Cơ lẫn Tư Thành, Khắc Xương giống một thư sinh bình thường hơn, thậm chí nhìn còn chẳng giống con cái nhà quan lại. Cậu làm thơ rất hay, vẽ tranh vô cùng xuất thần nhưng trước sau với chuyện chính trị đều thờ ơ, lãnh đạm nên đám môn sinh chẳng ai hơi đâu gợi chuyện làm gì. Thái độ ấy trong mắt người khác không phải phong thái của bậc vương tôn xuất thân từ hoàng tộc. Còn đứa bé tên Tư Thành kia tuy rất ít lời, thường chẳng để lộ ra điều gì trong suốt mấy năm đi học nhưng lần nào trả bài, bao giờ những kiến giải của cậu cũng được các thầy dạy đánh giá rất cao, thường hay đứng đầu lớp.

- Sao em không tham gia với họ? Mấy chuyện này anh vốn không mấy quan tâm, có muốn nói cũng chẳng biết nói gì. Em thì khác… Chúng ta là người của hoàng tộc, với những bạn đồng môn này không nên xa cách quá. Đó cũng là nghệ thuật xã giao. Sau này ai mà biết được liệu có cùng làm quan trong triều hay không. – Khắc Xương gập tờ giấy viết bài luận lại đưa trả cho đứa em đang cắm cúi đọc sách ngồi ngay cạnh. – Như anh thấy, bài lần này của em lại có một bước tiến mới về cách hiểu đạo làm thần tử rồi.

- Nói rất dễ. Viết cùng rất dễ. Mấy thứ này… – Tư Thành lật qua trang giấy rồi đặt ngay ngắn dưới một cuốn sách khác – …chưa nói lên điều gì cả. Em vẫn nghĩ nói được làm được thì mới có thể bình luận, phê bình kẻ khác. Giờ ngồi dưới mái nhà, mưa không đến mặt, nắng không đền đầu, mọi chuyện đều chỉ nghe người khác kể lại, sao dám chắc mà mở miệng lớn tiếng được chứ? Với những người ấy, em chẳng có gì để bàn luận cùng.

Lắc đầu, Khắc Xương biết mình nói không lại cái miệng của đứa em, ý Tư Thành đã quyết, không ai có thể thay đổi. Khắc Xương cũng muốn giúp cải thiện quan hệ của cậu em này với những người xung quanh nhưng xem ra không được. Đến quan gia thân thiết đến thế mà còn phải chào thua, huống hồ… Khắc Xương với Tư Thành vốn đã là hai bầu trời hoàn toàn khác biệt, sợ rằng nếu không phải vì huyết thống, vì có Bang Cơ ở giữa, dám đứa trẻ kia cũng sẽ đối xử với cậu hệt như với đám đồng môn đang rôm rả bàn tán sau lưng. Là xã giao nhạt nhẽo, là những người đi lướt qua nhau, không yêu mến, càng không thù ghét hay để mếch lòng nhưng chẳng lưu lại một dấu vết gì. Ban đầu, trước sự nổi trội của Tư Thành, Khắc Xương cũng có ý e ngại, cũng từng nghĩ với những kẻ xuất chúng như thế, loại người bình thường như mình chẳng đáng để người ta phí thời giờ mở lời, lưu tâm. Phải là bậc danh nho hay đại tướng quân giáp trụ sáng lòa, lăn lộn trên sa trường như Đinh Liệt, Nguyễn Xí mới đáng để Tư Thành tiếp chuyện. Ngoài mặt chẳng để lộ ra nhưng ấy là một sự kiêu ngạo ngấm ngầm. Đến giờ Khắc Xương vẫn cho là vậy, nhưng có lẽ vì đứa bé đang chuyên chú đọc sách kia là em trai cậu nên cái nhìn về nó cũng bao dung hơn nhiều. Thùng rỗng kêu to mới đáng chê trách, chứ đã được thiên phú cho tư chất, có điểm này, điểm kia khác người một chút thì vẫn có thể chấp nhận được.

Nhưng sự thật không hẳn chỉ có thế.

“Là đề phòng. Tư Thành đề phòng tất cả mọi người, không tin bất kì ai trừ Ngô Tiệp dư.”

Lúc Bang Cơ nói vậy, Khắc Xương hoàn toàn sửng sốt nhưng rồi nhận ngay ra nguyên do của mọi chuyện cuối cùng cũng lại quay trở về hậu cung của Thái Tông năm xưa. Là cậu may mắn vì thân mẫu không được sủng ái, yêu thương nên mới có thể bình an sống như một đứa trẻ bình thường, hoàn toàn xa lạ với những chuyện tranh đoạt, đấu đá. Vì thế nên mới có thể biết đến lòng tin, mới có thể an tâm mà học: “Nhân chi sơ tính bản thiện” không hề hồ nghi hay thắc mắc. Đến giờ Bang Cơ vẫn chưa hề hay mối quan hệ phức tạp giữa Hoàng thái hậu và Ngô Tiệp dư ngày trước. Cả Khắc Xương lẫn Đào Biểu tuy biết chuyện đem kim giấu vào bọc gấm là chuyện ngu ngốc, hoang đường nhưng vẫn muốn làm, đến đâu hay đó.

“Chúng ta là anh em mà. Dần dần từng chút một sẽ khiến Tư Thành thay đổi!” – Hoàng đế đã mỉm cười nói thế khi cùng thưởng trà ở đình hóng gió sau điện Trường Xuân với Tân Bình vương, trong đôi mắt chứa cả bầu trời ngập nắng.

Mấy chữ anh em một nhà bất giác khiến Khắc Xương nghĩ đến đại hoàng tử Lê Nghi Dân – con trưởng của phụ hoàng. Từ lúc thân mẫu Nghi Dân bị phế, bản thân đang từ Đông cung thái tử cao cao tại thượng, đột nhiên bị giáng xuống làm Lạng Sơn vương mà không rõ lý do, chưa lần nào cả bốn anh em cùng gặp mặt.

- Mưa rồi sao? – Tư Thành ngẩng lên, ánh mắt tĩnh lặng nhìn ra ngoài trời.

Cơn mưa này không chút bình thường. Những viên ngói mũi hài lợp trên mái nhà kêu những tiếng nghe rất đanh như thể ai đứng từ trên cao ném xuống những hòn sỏi nhỏ, càng ném càng mau. Trời đất bỗng chốc tối sầm, gió cuốn làm cây cối nghiêng ngả. Trời mưa nhưng lại không thấy ướt, trên trảng cỏ xung quanh tòa Kinh Diên lấp lánh những viên nước đá trong veo, lạnh ngắt.

- Điềm xấu! Điềm xấu rồi! – Có đứa lắc đầu nói.

- Thời tiết thế này… hay kể chuyện ma đi! – Một cậu gợi ý, ngay lập tức được cả đám học trò hùa theo.

Ngoái lại một chút rồi tiếp tục chuyên chú vào bức tranh của mình, Khắc Xương lờ đi những tiếng thì thào làm ra vẻ nghiêm trọng và ghê sợ của đám trẻ nhưng thực lòng phải thú nhận, trò tảng lờ kẻ khác này bản thân không giỏi bằng Tư Thành.

- Thầy đến… Thầy đến! – Có đứa ré lên.

Tiếng bàn ghế xô đẩy nhau khi lũ học trò cuống cuồng ai về chỗ nấy, tay lấy sách bút, tay chỉnh lại y phục cho đàng hoàng. Người đàn ông gương mặt hơi choắt, mình mặc chiếc áo xanh lá cây thẫm bên trong chiếc áo the đen thẳng tưng, một nếp cũng không nhàu nhĩ lạnh lùng bước vào. Đôi mắt hẹp như mắt lươn nhìn khắp lượt đám môn sinh khiến chúng im bặt, khoanh tay trước ngực trông ngoan ngoãn lắm. Luận gia thế, luận xuất thân, thầy dạy ở Kinh Diên thậm chí còn không bằng một số học trò. Cảnh thầy dạy còn trẻ hay vô phúc để cho lũ nhất quỷ nhì ma phát giác ra quê quán, họ tộc rồi bị bắt nạt không phải là chuyện hiếm. Với đám học sinh đặc biệt này, người khiến chúng phục chỉ có hai dạng: Một là bậc danh nho túc học, luôn luôn ở thế thượng phong trong những cuộc tranh luận học thuật; hai là người biết rõ lẽ mềm nắn rắn buông, nắm chắc một điều rằng bên ngoài có thể thân phận cách xa nhau nhưng một khi đã ngồi trong giảng đường, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Người đàn ông tên Trần Phong đứng trước mặt bọn trẻ chính là người thuộc vào dạng thứ hai ấy. Những ngón tay xương xương của ông sờ lên những quyển luận hồi tuần trước học trò đã nộp, ánh mắt theo thói quen dừng lại trên gương mặt bình thản không buồn, không vui của Bình Nguyên vương. Đứa trẻ này chưa bao giờ biết hồi hộp hay lo lắng trước những bài thi hay lúc yết bảng thông báo kết quả cuối mỗi kì.

Tư Thành chăm chú nhìn lại thầy dạy nhưng thực ra trong mắt chẳng đọng lại thứ gì, lòng biết thừa mục đích của người trước mặt. Từ khi đến Kinh Diên, người đầu tiên đứa bé nhận ra không đối xử với mình bình thường chính là người đàn ông này. Khi những thầy dạy khác không rõ là mượn cớ hay thật lòng đều hướng sự chú ý đến cậu, sự tảng lờ của Trần Phong lại trở thành điểm bất thường. Với ai dạy cũng thế, Tư Thành nhất nhất trước sau chỉ có im lặng nếu không bị buộc lên tiếng. Trong những giờ giảng, cậu vờ như tàng hình và Trần Phong cũng coi như không tồn tại đứa học trò này. Sự chú ý của ông chỉ tập trung vào những lúc trả bài, khi con chữ đã hiện rõ trên giấy trắng. Lúc ấy, tất cả những căn vặn xoay xung quanh những điều Tư Thành đã viết dù cậu có muốn hay không cũng phải trả lời cho có đầu có đũa, không thể giấu giếm hay nói tránh đi như lúc đang thảo luận trên lớp.

- Lúc nãy đứng ngoài cửa lớp, ta có nghe trò nào đó mang chuyện ma mị đến lớp kể có đúng không?

Đám học trò im phăng phắc, tay vài đứa đã ướt mồ hôi.

- Là người của cửa Khổng sân Trình[2] mà dám làm chuyện đó, không thể tha thứ được! – Trần Phong nghiêm giọng, quét ánh mắt lạnh nhìn khắp lượt dáng vẻ sợ hãi của đám trẻ. – Trò nào đầu têu hay hùa vào, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt khác nhau. Còn… người thấy rõ cảnh trái lẽ ấy, tuy không tham gia vào nhưng cũng không ngăn cản khiến ta rất khó nghĩ, không biết nên xử lý ra sao mới là thỏa đáng. Bình Nguyên vương có thể có lời hạ hồi phân giải hay không?

[2] Thành ngữ Việt Nam chỉ nơi dạy Nho học.

Lưng đứa bé vẫn giữ thẳng như hồi nào đến giờ. Tư Thành chỉ đắn đo một lúc, chẳng khó khăn gì để nhận ra dụng ý của Trần Phong muốn khép nó vào tội tiếp tay cho đám môn sinh kia. Nhìn thấy sai mà không can ngăn thì cũng là tội, chuyện này thằng bé rất hiểu.

- Thưa thầy, Đức Khổng Tử trong Luận ngữ dạy: “Kính quỷ thần nhi viễn chi” nghĩa là với quỷ thần vừa phải kính nhưng cũng vừa phải tránh xa. Trong sách cũng nói đến Tử bất ngữ là những điều Khổng Tử không nói gồm: quái, lực, loạn, thần, tức là chuyện quái lạ, bạo lực, loạn lạc và thần thành. Học trò chỉ theo lời dạy của tiền nhân thôi ạ!

Thong thả đi xuống rồi lại đi lên giữa những dãy bàn kê san sát, Trần Phong gật gù theo tiếng nói của Tư Thành, vẻ như tâm đắc lắm. Nhìn đám học trò thêm một cái nữa, ông nói:

- Các trò phải lấy Bình Nguyên vương làm gương. Thuộc bài là một chuyện, chăm chỉ đọc sách là đáng khen nhưng phải biết áp dụng những điều đã học để tự sửa mình, có như thế mới có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được.

Khắc Xương lén lén liếc mắt nhìn đứa em, mỉm cười khích lệ nhưng đến cả một cái nhếch môi đáp lại Tư Thành cũng tiết kiệm, vẻ mặt vẫn rất mực nghiêm túc, có phần còn căng thẳng hơn lúc trước. Ban đầu, Khắc Xương không hiểu cho đến lúc Trần Phong tiếp lời:

- Điện hạ, lúc nãy là người nhắc lại lời của thánh hiền. Trước giờ trong những bài luận của mình, bao giờ sau khi viện dẫn kinh sách, người đều trình bày rõ chủ ý của bản thân. Chẳng hay với việc lần này, ý của điện hạ thế nào?

Đầu ngón tay kín đáo bấm mạnh vào lòng bàn tay. Tư Thành vờ suy nghĩ đôi chút rồi tiếp tục thong thả, khiêm nhường cất lời, ngữ điệu hết sức ôn hòa:

- Học trò là người thường, biết chuyện người thường còn không xuể huống hồ nói đến quỷ thần. Hơn nữa, học trò cho rằng người ta vừa sợ, vừa phụ thuộc ma quỷ thần thánh vì đó là những thứ chúng ta không nhìn thấy, cho là khác mình, mình không hiểu được. Thực ra có nhiều điều mắt thấy tai nghe hẳn hoi, tưởng giống mình, tưởng có thể hiểu được, cuối cùng lại là những thứ còn đáng sợ hơn cả những thế lực siêu nhiên. Nói chữ thì là vì: Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Còn nôm na, dân dã thì gói lại trong một câu: Dò sông, dò biển dễ dò/Mấy ai lấy thước mà đo lòng người.

Tư Thành biết có những ánh mắt nhìn theo mình nên đáp xong liền hơi cúi đầu, vẻ mặt vẫn như lúc trước. Không ai kịp nhìn thấy khóe miệng ấy hơi nhếch lên đắc ý, chỉ thoảng qua như một cánh bướm mỏng.

***

Tất cả câu chuyện diễn ra tại Kinh Diên là kết quả những gì Tư Thành biết được về câu chuyện giữa mẹ mình và Hoàng thái hậu. Xưa nay, người đàn bà đẹp đẽ ngồi sau tấm rèm sa ấy là một bức tranh cậu chỉ muốn đứng từ xa ngắm bởi luôn linh cảm thấy sự không lành. Những nô bộc Nguyễn Thị Anh ban, người tử tế thì Tư Thành khéo nói với Ngọc Dao dựng vợ gả chồng cho hết; kẻ khiến cậu không ưa thì tạo ra một vụ trộm cắp nho nhỏ để mượn cớ đuổi đi cũng chẳng phải việc gì khó khăn. Dần dần trong nhà chỉ còn lại hai mẹ con và một bà cung nữ chân yếu, tay run, chẳng sớm thì muộn cũng phải cho về quê. Tình hình này không thể kéo dài nên Ngọc Dao đã nhanh chóng đi mướn thêm vài người làm để mọi sự thành việc đã rồi, không để cơ hội cho Hoàng thái hậu can dự vào.

Chẳng biết may mắn hay là ác duyên, một lần vào cung, Tư Thành đã gặp người đầu tiên lật tung những chuyện trong quá khứ ra phơi bày trước mặt cậu. Không phải Ngọc Dao, không phải Nguyễn Xí hay Đinh Liệt mà lại là cung nữ trưởng tại cung Khánh Phương năm xưa, tên Thụy An.

Cũng kể như vì Ngọc Dao đối xử với người dưới không bạc nên qua ngần ấy năm tháng vật đổi sao dời, sự trung thành tận tụy vẫn còn như cũ. Sau khi Ngô Tiệp dư bị chuyển đến chùa Huy Văn, cung Khánh Phương bỏ trống, Thụy An cũng bị điều đi làm ở hết ở phòng giặt đồ lại đến phòng tạp vụ. Dù có thế, việc phong con trai thứ tư của Thái Tông trở thành thân vương, vào ở trong kinh sư đến người ngoài chợ còn biết huống hồ là một cung nữ sống ngay trong Cung thành. Lần ấy, Tư Thành rất ngạc nhiên khi đang thơ thẩn đi dạo vô định trong vườn hoa ở điện Trường Xuân đợi Bang Cơ, đột nhiên có người phụ nữ ở đâu chạy lại, dập đầu khóc lóc rất thống thiết, miệng không ngớt gọi khẽ: “Hoàng tử”. Những chuyện nghịch phá Đào Biểu có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng riêng chuyện liên quan đến mẹ mình, Tư Thành hiểu rõ không thể trông chờ vào viên hoạn quan tốt bụng ấy. Nói thế nào chủ nhân của Đào Biểu cũng là Hoàng đế, là Hoàng thái hậu, chuyện gặp Thụy An phải nhờ vào chút mưu mẹo của Tư Thành. Thực ra phải nói là… lợi dụng sự tin tưởng của Bang Cơ để lẻn xuống phòng giặt đồ mới đúng. Chuyện đối đáp Hạ Liên và Đào Biểu ra sao về sự vắng mặt của Bình Nguyên vương đành giao lại hết cho Hoàng đế. Nhất thời lúc ấy, Tư Thành thấy mình thật may mắn. Nhưng về sau, rất nhanh thôi, cậu lại ở một thái cực hoàn toàn đối lập.

Ghen tuông, mưu hại, chỉ vì một cái ghế tại Đông cung.

Một giấc mơ hư ảo, một lời thưa bẩm của ả cung nữ dám bán đứng chủ nhân cho Nguyễn Thần phi lập tức đẩy Ngô Thị Ngọc Dao vào cái tội dùng bùa ngải trù ếm Hoàng thái tử.

Tình nghĩa lạnh nhạt đến nỗi chưa cần biết đúng sai, bất chấp cả một sinh mạng chưa ra đời, người Tư Thành phải gọi là phụ hoàng đã ghép mẫu thân cậu vào tội chết. Là một xác hai mạng nhưng Thái Tông cũng chẳng hề đoái thương.

Ánh mặt trời chênh chếch rọi vào mi mắt nhức nhối. Đứa bé lười nhác lấy cuốn sách để cạnh, tùy tiện mở ra rồi úp lên mặt mình, dáng vẻ nhàn nhã lắm nhưng nào có ai hay nó đang suy nghĩ những gì. Những lời Thụy An nói cứ bám riết lấy đầu óc của Tư Thành như những con rắn bò lúc nhúc, nhất quyết không chịu buông. Sau lần gặp gỡ tại phòng giặt, may có Bang Cơ giúp sức nên việc chuyển người cung nữ ấy đến chùa Huy Văn phục vụ Bình Nguyên vương và Ngô Tiệp dư mới suôn sẻ, kín đáo đến vậy. Thằng bé vẫn cho điều Hoàng đế đã làm là để trả một phần rất nhỏ những gì Nguyễn Thị Anh nợ Ngọc Dao, nợ chính bản thân cậu. Nhưng mặt khác, một giọng nói trung thực, trầm thấp vang lên trong đầu lại bảo với Tư Thành rằng, ấy thực ra là vì Hoàng đế tin những điều cậu nói. Nào là tình chủ – tớ thắm thiết; nào là không muốn kinh động đến Hoàng thái hậu đang bận rộn lo giải quyết hạn hán, mất mùa; nào là không muốn người ta đàm tiếu, dị nghị… Hoàng đế nghe xong chỉ nháy mắt, bảo: “Em bảo như vậy thì là như vậy! Mọi việc cứ để anh lo!”. Ấy là lần đầu tiên cậu bé nghĩ hoàng huynh của mình không biết là một người quá tốt bụng hay quá ngốc nghếch.

Tư Thành hiểu rõ chuyện mình làm là lợi dụng lòng tốt của chính anh trai, là một việc chẳng quang minh chính đại gì. Nhưng chút cắn rứt ấy không hề khiến cậu bé lên mười dừng lại, chỉ càng ngày càng muốn hiểu cho rõ những chuyện đã xảy ra, lôi tất cả ra dưới ánh sáng. Những điều cậu nói với Hoàng đế không phải dối trá. Tất cả đều là sự thật nhưng lại không thật. Giờ đã thế, sau này cũng thế, những việc Tư Thành làm luôn có vẻ như rất rõ ràng nhưng thật giả bất phân, bao nhiêu là thực lòng, bao nhiêu là mưu tính, người ngoài không hề hay biết.

Những viên ngói va vào nhau kêu lạch cạch khi có người bò lên. Khắc Xương xoay mình, gối đầu lên hai tay nhìn màu xanh bát ngát trên đầu, bảo:

- Giờ thì anh biết tại sao em thích trốn lên mái nhà thế. Bầu trời nhìn từ đây… rất thú vị.

- Thực ra… – Tư Thành kéo cuốn sách xuống một chút, ngập ngừng – …là em muốn trốn mấy cô tiểu thư mà Hoàng thái hậu giới thiệu cho thôi. Phiền chết đi được!

- Là học vấn của họ không làm em vừa ý?

- Là nhan sắc.

Tiếng cười vui vẻ, thoải mái của cậu thiếu niên nằm bên cạnh làm Tư Thành ngạc nhiên, quay hẳn sang, vẻ mặt thắc mắc lắm.

- Cuối cùng em cũng nói được một câu thật lòng. À, quan gia nhờ anh hỏi chuyện của em với cô cung nữ ở phòng giặt đồ đến đâu rồi.

Ậm từ trong cổ họng, cậu chợt nhớ lý do mình bịa ra để hợp pháp hóa chuyện mò xuống phòng giặt để rồi gặp lại người cung nữ cũ của mẹ. Úp lại cuốn sách lên mặt, đứa bé đáp qua loa:

- Chẳng đến đâu cả. Em chỉ hứng thú nhất thời thôi.

- Nam nhi với nữ nhi nên nghiêm túc một chút. Em đã làm bao nhiêu tiểu thư tương tư, giờ lại đi đùa nghịch với trái tim của một cung nữ nhỏ. Này, coi chừng quả báo!

- Em đang đợi cái quả báo ấy đây! – Tư Thanh nheo nheo mắt, mạnh miệng nói – Mà… nhiều lúc em muốn sống như anh.

Khắc Xương ngẩn ra, nhất thời không hiểu.

- Tự do tự tại. Rất giống thần tiên! – Tư Thành huýt sáo khe khẽ.

- Em không hợp với kiểu đó đâu, tin anh đi! – Cậu đáp.

***