Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 09 - Phần 2

Đông Kinh những ngày áp Tết Nguyên Đán, đến hăm bảy, hăm tám chợ vẫn còn họp. Tưởng như bao nhiêu người đều dồn hết đến chợ Cầu Đông này đặng sắm cho được mâm cỗ tết tươm tất. Trừ dăm ba cô xin phép về quê với gia đình, phần lớn đào hát, kép đàn thường ở lại giáo phường cho đến ra giêng. Người thì chẳng có nơi nào để về, người thì còn phải đi hát ở đình nọ, đền kia hay vào các phủ, các dinh hát hầu các quan lớn. Thế là họ ăn tết với nhau. Mấy gói mứt vừa mua được buộc kĩ, đặt trong lòng nhưng con bé vẫn thấy không yên tâm nên dùng cả hai tay giữ chặt. Con thuyền lắc lư lách mình trôi đi trên con sông Tô tuy rộng nhưng giờ chật ních thuyền bè. Đông Kinh toàn sông là sông, vốn đã là chốn đô hội nhưng tết nhất còn đông vui hơn ngày thường nhiều lần. Trên bến dưới thuyền nêm chặt những người; âm thanh cười nói, mặc cả, bán buôn rộn cả một góc. Những cánh hoa đào bập bềnh trôi trên sóng nước những ngày đông tàn, điểm một nét màu tươi sáng vào bầu trời ảm đạm nơi đáy sông. Kéo chặt tấm áo dày mặc bên ngoài bộ áo tứ thân màu hoa hiên, Hải Triều khum tay hà hơi vào cho ấm, xoa xoa rồi áp lên tai, gò má ửng hồng trong gió rét thổi trên mặt nước. Kim Oanh nhẩm tính lại chỗ hàng hóa trong chiếc làn mây nhìn thấy vẻ mặt ấy liền tiện tay bẹo má con bé một cái.

Từ hôm hăm ba ông Công ông Táo, trên sân giáo phường Khán Xuân đã dựng lên một cây nêu cao thật cao, từ bến thuyền đi bộ về đến cửa nhà đã có thể trông thấy. Vươn lên cao hẳn khỏi những mái ngói âm dương, khỏi màu xanh xanh của vườn cây là những thân tre hơi cong mình đu đưa, làm nên những vệt màu giữa khoảng thinh không. Hải Triều dừng bước, theo thói quen liền ngửa cổ nhìn vòng tròn trên ngọn cây treo nào cá chép cắt bằng giấy xanh đỏ lấp lánh, bùa bát quái để trừ tà, vò rượu bện bằng rơm và cả những chiếc khánh đất va vào nhau kêu lanh canh trong gió. Năm xưa lúc nó còn ở nhà quan lớn, cây nêu ngày tết chắc cũng chỉ to đến thế này là cùng.

- Con cái Huyên đâu, thời mày con đứng đấy phỏng? Lại bà bảo cái đây!

- Dạ! – Con bé đáp lớn rồi co chân chạy vào khi nghe thấy vợ ông trùm Tuân đang ngồi bổ cau, têm trầu trên cái sập gỗ cất tiếng gọi.

Hàng ngày chỉ thấy các anh kép quần là áo lượt, khăn vấn tóc đường hoàng, các cô đào mặc áo mớ ba mớ bảy, tóc cài trâm hoa đi ra đi vào không thua gì tiểu thư với cả công tử nhà quyền thế, vậy mà đến tết, ai cũng vận nhưng bộ quần áo nâu sồng cho tiện làm việc. Đằng sau nhà, chỗ gian bếp vang lên tiếng lợn bị chọc tiết kêu rống lên thống thiết, váng động cả một vùng.

- Giáo phường năm nay ăn tết to quá nhẩy? – Có người đi qua, nghển cổ nhìn vào.

- Dạ, cũng gọi là có chút dư giả! – Ông trùm Tuân đáp khiêm tốn lấy lệ chứ bụng thì đã mở cờ. Con lợn năm nay to hơn năm ngoái, ông hận là không thể chọc tiết kiểu gì để nó kêu lớn hơn nữa cho cả kinh thành được biết ấy chứ. Vung que tre dùng để cắm vào cái điếu bát, hết chỉ đứa này lại bảo đứa kia nhanh tay lau dọn bảng tên, cột gỗ, cầu thang, lan can con tiện… ông lấy làm khoan khoái lắm.

Bước chân người làm những cánh hoa đào rơi trên nền đất khẽ cuộn mình bay lên. Hai cây đào thế trồng trước cửa nụ nào nụ nấy căng tròn, đến mấy hôm nữa vừa kịp nở thì còn gì đẹp bằng. Hải Triều muốn đứng ngoài ngắm cảnh thêm chút nữa nhưng rồi cũng ngoan ngoãn học theo mấy đứa trẻ khác cầm lấy chiếc khăn khô lau sạch từng tàu lá chuối xanh mướt vừa được các cô đào rửa xong. Gạo nếp trắng hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đỗ xanh đồ chín màu vàng tươi, thịt lợn đặt lên trên rồi được những bàn tay chỉ quen cầm miếng gảy đàn gói lại thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, buộc lạt trắng bên ngoài những tàu lá xanh sẫm mỡ màng. Nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.

- Rồi tối nay cho các cô thức trông bánh chưng nhớ! – Một anh kép trêu đùa.

- Trông thì trông, sợ gì? Nhưng nhà có mấy anh đàn ông, thời lại để đàn bà con gái làm cái việc đó hết? – Chị Phượng dài giọng, môi cong lên đanh đá.

- Cô Phượng chả phải bảo, chiều nay các anh ấy cùng các ông trùm đã ăn tất niên sớm rồi. Gì chứ sáng bảnh mắt ra tôi đi chợ đã thấy người bên giáo phường Hồng Hà í ơi gọi nhau thui chó đợi người bên mình qua đánh chén rồi đấy! Ăn cho lắm, nốc cho nhiều vào rồi chỉ tổ nằm kềnh ra đấy thôi!

- Cô Kim Oanh không phải nói thế nhớ. – Anh kép Thuận ngơi tay buộc lạt, ngẩng lên. – Một năm mới được một ngày, mà cô có công nhận với tôi cuối năm ăn thịt chó là đúng lẽ không nào? Mấy khi huynh đệ được chén tạc chén thù với nhau!

- Vâng, xin kính các anh! – Cô gái cất tiếng cười lanh lảnh rồi quay ra bảo đám trẻ con. – Mấy đứa xem thế nào rồi tối nay thức trông bánh với các chị nhớ!

Niềm vui con trẻ những ngày này là được ăn ngon, được mặc áo mới, được trông nồi bánh chưng và nhất là được nhận những đồng tiền gói trong những tờ giấy đỏ. À, quên mất, với đám người ở trong giáo phường, chúng còn có một niềm hí hửng khác khi trong ba ngày tết sẽ không bị sai quét nhà, đổ rác. Thế là vui rồi. Đặt chiếc ghế gỗ vào giữa đống rơm rồi thoải mái ngồi xuống, Hải Triều cười tít mắt khi thấy Kim Oanh mở rộng chiếc chăn ấm sực đang quấn xung quanh người cho con bé chui vào.

- Rét thật đấy! – Nó hắt xì một cái, vươn tay sưởi cho ấm rồi mới rúc vào lòng cô gái.

- Gió hôm nay còn lớn hơn mấy hôm trước. Lúc nãy về đi qua cầu tưởng bị hất xuống sông luôn rồi. – Anh Thuận vẫn còn ngà ngà say nhưng nói như chị Phượng là vì sĩ diện nên cũng lết xác xuống nhà bếp trông nồi bánh với mọi người.

Củi cháy dưới đáy nồi đen thui lép bép, rực sáng ánh lửa. Hơi nóng cuộn lên thành khói trắng sưởi ấm cả căn bếp nhỏ. Đám trẻ con chốc chốc lại kéo áo mấy anh chị lớn hỏi bao giờ bánh chín. Chúng nó đợi những cái bánh chưng con con tự tay gói đang được luộc trong nồi bằng sự háo hức, hồi hộp, thấy mình tự nhiên lớn hẳn ra. Ban đầu chúng còn ríu rít chạy quanh nói luyên thuyên đủ điều, càng về khuya trời càng thêm lạnh, chuyện vãn, mắt cứ díp hết cả lại.

- Mai cô Trà, cô Phượng gói nem nhá. Đấy, còn phải mua thêm ít nến đỏ, hoa hải đường để cắm ban thờ bên nhà thờ tổ, cứ thế này thì đến ba mươi vẫn chưa xong việc mất. Tôi đã nhờ người dưới quê gửi lên củ đậu, gà mái mơ với gà trống rồi đấy, liệu bảo nhau mà làm dần đi! – Anh kép trưởng rút ra ít rơm lót tay rồi bưng cái chậu đồng đựng nước nghi ngút khói đặt trên nồi bánh lên. – Bánh chưng năm này của nhà mình rền phải biết đấy nhỉ? À… Con bé Huyên sắp tới làm lễ mở xiêm áo, đã nhắm ai chơi đàn cho chưa?… Thằng Tị đâu, lại mở nắp nồi cho anh cái nào.

- Sao anh không múc nước ngoài chum cho tiện? – Thằng bé ngáp một cái, đưa tay dụi mắt, miễn cưỡng đứng dạy.

- Phải là nước sôi! – Gương mặt anh đỏ hồng lên vì hơi nóng phả ra nghi ngút. – Không bánh bị lại gạo hết. Huyên à, hay là để anh làm kép đàn cho em hôm ấy nhé?

- Em chỉ mong thế thôi! – Con bé hỉ hả, đôi mắt đen lấp lánh ảnh lửa.

- Rồi cô còn hơn cả Kim Oanh cho xem! – Anh cười lớn, cất giọng nịnh bợ. – Lúc ấy anh chỉ đợi theo cô để hưởng phúc thôi!

- Em không dám, không dám đâu! – Hải Triều xua tay.

- Tre già thì măng mọc, hậu sinh phải khả úy chớ! – Anh Thuận cười góp, lén đưa mắt nhìn cô đào Oanh có ý như trêu đùa. – Mà đến bao giờ chúng ta mới được vào cung hầu Hoàng thượng nhỉ? Nghĩ lại cái đận lần trước, tôi vẫn cú lắm!

Hoàng cung trong lời kể của những tiền bối trong giáo phường Khán Xuân… ấy là lần đầu tiên đứa bé gái chú tâm đến cái tên ấy, đến cái nơi năm xưa Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ thường vào ra, phụng sự những bậc chủ nhân mà đám dân đen chân đất mắt toét cả đời chẳng bao giờ dám mơ tưởng đến.

Khi những chiếc bánh chưng được vớt ra mang đi ép thì trời đã tảng sáng. Những công việc chuẩn bị cuối cùng vẫn cứ phải dây dưa đến tận xẩm tối ngày ba mươi mới tạm gọi là xong. Mấy cô đào vặn vẹo người, than đau lưng, mỏi vai, người đầy mùi thức ăn nhưng rồi cũng cười tươi hết cả. Cái lệ mâm cỗ cúng tất niên luôn phải đủ sáu bát, tám đĩa[8] thật làm người ta nghĩ đến đã hãi hùng nhưng khi bắt tay vào làm rồi cũng xong. Quần áo mới đã được xếp từ mấy bữa trước, nồi nước lá mùi thơm ngát đã được đun sôi, đổ vào thùng tắm, giờ là lúc để các cô điểm trang, ăn vận cho đúng với tiết xuân đang về trong gió. Ngồi trên cái sập trải đệm, Hải Triều ngây ra nhìn sợi xà tích nó vẫn giữ trong hòm đồ, đến lúc này mới lấy ra.

[8] Sáu bát gồm: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; tám đĩa là: gà luộc, giò lụa, chả quế, xôi gấc, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà và cá trắm đen kho.

- Em lớn rồi, đến lúc dùng đến nó rồi đấy! – Kim Oanh mỉm cười, quỳ xuống giúp con bé thắt dải dây lưng lụa màu hoa đào và màu quan lục bên ngoài mấy lượt áo mới rồi đeo sợi xà tích bạc lên quanh eo. – Bà lớn và bà hai nhìn thấy cô thế này chắc chắn sẽ rất vui.

Điểm lên đôi môi mềm của đứa bé nước son hồng, cô gái đưa cho Hải Triều một mảnh gương đồng sáng loáng. Đáy mắt đen ấy cuối cùng cũng ánh lên chút xao động khi thấy bóng mình trong gương. Con bé lặng yên đi sau lưng Kim Oanh, hòa vào dòng người của giáo phường đi tế tổ. Vì dáng vẻ xinh đẹp, lụa là của các ca nương mà như thói quen, cứ đến chiều tối ba mươi người ta vừa bận lo cơm cúng nhà mình, vừa ngong ngóng ra cửa xem các cô đào đội mâm lễ đi sau ông trùm Tuân cùng các kép đàn ra nhà thở tổ để lễ bái. Trước lễ trời đất, Phật thánh, sau lễ tổ nghề, gia tiên, thành tâm khấn vái một hồi, trong nhang khói nghi ngút, lòng người ta trầm xuống. Hải Triều đưa nén hương trong tay mình cho Kim Oanh để chị cắm lên bát hương giúp, trong lòng chợt nghĩ đến mẹ, đến những ngày đang đến mà chưa thực rõ mình nên làm gì.

Mọi năm giáo phường dâng mâm cúng cũng chỉ sáu bát, sáu đĩa là cùng, năm nay ông trùm quyết chí làm to cho các cụ được mở mày mở mặt. Nhìn mâm cỗ phải xếp đến hai tầng mới đủ, đám trẻ con bắt đầu liếm mép khi dạ dày sôi réo. Một đứa trông mấy cái bát chiết yêu[9] đặt trên mâm đồng rồi ôm má thở dài.

[9] Loại bát nhỏ vừa phải, hẹp dần từ giữa bát xuống đáy.

- Mất công làm, mất công đợi hết hương mà cái bát chỉ có toen hoẻn thế kia… Thật buồn hết cả sầu! Ăn thế đến chừng nào mới no?

- Không phải no bụng đói con mắt nhớ! – Phượng cốc lên trán đứa bé con ngồi cạnh, nhìn mâm cỗ tự tay bày biện không khỏi cảm thấy kiêu hãnh, thức nào cũng ngon lành, đẹp đẽ bày trên những chiếc đĩa vẽ cây mai cho đủ phong vị. Thế mà thằng bé dám nói này nói kia – Dưới bếp vẫn còn đầy ra đấy, em không ăn hết cô đổ vào tai nghe chưa? Ăn là ăn lấy ngon, lấy sang chứ không phải kiểu ăn thùng uống chậu hiểu không?

Để lại những tiếng rì rầm nói chuyện nho nhỏ trong nhà thờ tổ sau lưng, Hải Triều thong thả bước trên con đường lát gạch uốn quanh bờ sông. Chiều cuối năm nắng tắt sớm, trong không khí mùi khói rơm cũng tản mát dần, nhường chỗ cho hương hoa, hương nhang. Chiếc váy lĩnh hoa chanh quết xuống nền đất khi con bé cúi mình nhặt quả bưởi được đám trẻ con đang chơi trong sân nhà đá lăn ra ngoài cổng, ngáng ngay trước mũi chân mình. Kí ức những ngày tháng cũ chợt lướt qua làm Hải Triều mỉm cười.

- Của em này!

Đứa bé tần ngần hết nhìn quả bưởi lại nhìn cô gái nhỏ nhắn ăn mặc đẹp đẽ trước mặt, nhất thời không biết phải cư xử thế nào.

- Con xin chị đi! – Người đàn bà từ trong bếp chạy lại, khoanh hai tay đứa bé lại bảo nó cúi xuống – Thật xấu hổ, làm em chê cười rồi.

- Không sao ạ. – Hải Triều cười, ánh mắt dừng lại ở hai tờ giấy đỏ treo trong nhà – Câu đối kia… bút pháp rất tuyệt, ý tứ lại thanh nhã quá!

- Chả giấu gì em, nhà chị làm nghề tầm thường… là… đi hót phân, nào có biết gì chữ mới chả nghĩa – Chị chùi tay vào chiếc váy đụp bạc màu, ngoái cổ nhìn lại – Hôm qua có hai công tử đi chơi qua đây, thấy nhà cửa tuềnh toàng chẳng trang hoàng gì nên có hỏi thăm. Một vị bảo ông xã chị lấy giấy bút, nghiên mực ra viết cho câu đối ấy. Nghe cậu ấy giải thích xong, bố bọn nhỏ lấy làm ưng ý lắm, treo lên ngay. Thế cũng gọi như là có tết rồi!

Thiếu nữ mỉm cười, nhẩm đọc lại câu đối treo trên hai cột tả hữu trong căn nhà xập xệ thêm một lần nữa rồi mới xin phép ra về. Vế trên ra: “Ý nhất nhung y, nang đảm thế gian nan sự”; vế dưới đáp: “Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm”[10]. Tuy nghề nghiệp khiến bản thân gia chủ thấy xấu hổ, chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai nhưng người hạ bút cho những con chữ tươi đẹp ấy lại rất khéo viết, chắc chắn không phải hạng tầm thường. Giọng điệu tự nhiên, hào sảng và kiêu hãnh tỏa ra thứ khí chất mãnh liệt không dễ gì tìm được trong thiên hạ.

[10] Nghĩa là: Khoác mảnh nhung y, gánh việc khó khăn thiên hạ

Vung ba thước kiếm, thu hết lòng dạ thế gian.

Theo giai thoại về vua Lê Thánh Tông.

Phong cách đường hoàng pha chút tếu táo thanh tao ẩn trong câu chữ đột nhiên làm Hải Triều nghĩ đến Lương Thế Vinh, thầm hỏi trên đời liệu thực tồn tại một ai đó có nét giống người bạn ấy đến vậy?

***

Lễ cúng giao thừa đã xong, người ta đổ ra đường đến chùa chiêm bái, hái lộc xuân. Trong dòng người đông đúc không quá khó nhận ra hai vị công tử ăn vận sang trọng hơn hẳn những kẻ xung quanh.

- Này, em không phải về sao? – Người anh lớn hơn một chút, dung mạo ôn hòa đưa tay vỗ nhẹ lên vai đứa em đang háo hức nghiêng có xung quanh.

- Mẹ đồng ý cho em đi đến sáng mà, anh yên tâm đi! – Cậu em cười đáp – Chẳng phải xưa nay Khắc Xương huynh vẫn nổi tiếng là người văn hay chữ tốt sao. Đêm xuân cảnh đẹp hữu tình, thi hứng lên cao, coi như để đứa em này mở mang tầm mắt, có vinh dự được hầu thơ anh đi!

- Em ấy… – Khắc Xương cười, dùng cây quạt trong tay đập khẽ lên đỉnh đầu cậu thiếu niên trước mắt. Tân Bình vương nhìn thế nào cũng không ra người kia là đứa bé trầm ổn, ít lời mình vẫn thường gặp ở tòa Kinh Diên – …nhưng nói thế nào cũng nên cẩn trọng một chút.

Hai vị thân vương vừa bước thêm một bước vào trong đám đông, sau lưng họ, những cận vệ liền phải căng mắt nhìn, lách người đi theo cho kịp. Gió xuân lành lạnh thổi vào lòng Khắc Xương những dư âm êm ái, nếu không phải vì đang làm nhiệm vụ trông trẻ, ắt cậu đã chọn một thủy đình nào đó yên tĩnh để tận hưởng hết đêm nay. Vừa già dặn nhưng cũng vừa trẻ con, khi nghiêm túc không thua quần thần trong triều, lúc lại nghịch ngợm, ngang bướng, Tư Thành chính là người thay đổi liên xoành xoạch như thế đến mức khiến người làm anh này cũng không biết đâu mới là con người thật của đứa bé ấy. Trong đầu vị thân vương trẻ tuổi thoáng nghĩ lại hôm trước mình và Tư Thành có vui chân ghé vào một nhà bên đường, tết nhất đến nơi mà ảm đạm quá đỗi, hỏi ra mới biết nhà đó làm nghề hót phân nên đến một câu đối cũng chẳng biết nên treo gì. Đương lúc cậu còn đang nghĩ, Tư Thành đã nhanh chóng hạ bút viết xong, nét chữ khỏe khoắn, phóng khoáng nổi bật trên nền giấy đỏ tươi báo tin mừng. Vế đối rất chỉnh, lại rất thông minh, em ấy nói ngưỡng mộ Khắc Xương, thực ra phải đổi lại mới đúng.

- Khán Xuân… Là một cái tên đẹp. – Đứa bé trai đưa tay vin cành đào mọc ngang xuống, lẩm nhẩm đọc bảng đề rồi quay mặt hỏi người đứng sau lưng. – Anh, đây là chốn nào?

Kéo Tư Thành lùi lại một chút, Khắc Xương nhỏ giọng nói:

- Là giáo phường, nơi tập trung các đào nương, kép đàn. Với người đọc sách thánh hiền như chúng ta, chốn rừng son núi phấn này không nên lui đến.

- Hóa ra là vậy! – Cậu gật gù. – Em từng nghe nói nhiều người vì các cô đào mà tương tư ngày đêm, bỏ bê cả chuyện chính sự, gia đình. Có điều… một nơi như thế mà có cái tên hay đến vậy thì…

Lời nói chưa dứt, từ trong nhà một người đàn ông trung tuổi, mình mặc áo gấm đàng hoàng bước ra cổng, theo sau ông, trên tầng gác là các cô đào ai nấy đều như hoa như ngọc, miệng cười, mắt liếc xinh đẹp vô ngần. Lửa bén vào bánh pháo, trong chớp mắt những tiếng nổ giòn giã đì đoàng vang động cả một góc phố khiến đám đông hưng phấn hơn bao giờ hết. Tràng pháo đầu vang lên kéo theo một loạt những âm thanh nổ giòn nối tiếp nhau trước cửa những nhà khác.

- Anh Thuận vào đi, ông trùm bảo năm nay anh xông đất mà. Em vào sau! – Có đứa bé gái đẩy người thanh niên đang đi cùng mình về phía trước rồi lại chìm nghỉm trong đám đông chen vai thít cánh.

Chật vật một hồi mới thoát ra được khỏi đám ấy, chân mới dợm bước tiếp, con bé liền dừng lại, đưa tay bịt tai khi một bánh pháo khác lại nổ, xác pháo phủ kín đỏ cả một khoảnh đất trước giáo phường. Những tiếng chúc tụng, tiếng cười nói vang lên cố át đi âm thanh đùng đoàng rộn rã ấy.

- Xin lỗi, cậu cho em đi nhờ ạ!

Tư Thành hơi giật mình ngoái lại khi thấy giọng nói của đứa bé kia lại vang lên bên tai mình, giờ còn gần hơn lúc trước. Sau lưng cậu là cô bé nhỏ người với ánh mắt trong veo chỉ liếc qua mặt Tư Thành một cái chiếu lệ rồi vươn người, nhìn vào bên trong giáo phường. Cách ăn vận của cô nhóc ấy không khác những đào nương là mấy trừ việc nó còn quá nhỏ. Cậu mới nghiêng người nhường đường, đạp qua những xác pháo, trong một thoáng đã chẳng thấy đứa bé đâu nữa, lưu lại chỉ có màu hoa đào và màu bạc trắng của sợi xà tích trên dây lưng. Khói pháo chưa tan, đêm giao thừa trời tối như mực, chỉ có ánh sáng từ những chiếc đèn lồng đỏ treo dưới mái hiên nhà và những sắc hồng đào rụng rơi lả tả. Một lần chạm mặt chỉ thoảng qua như gió cuốn một cánh hoa đào.

- Thành, lùi lại em! – Khắc Xương cười, rút ra mấy đồng xu bỏ vào chiếc ống tre cho đám trẻ đang rồng rắn kéo nhau đi đến gõ cửa từng nhà, hát vang bài đồng dao của chúng[11].

[11] Tục hát sắc bùa vào dịp tết Nguyên Đán.

Xúc xắc xúc xẻ

Nhà nào còn đèn còn lửa

Mở cửa cho chúng tôi vào

Bước lên giường cao

Thấy đôi rồng ấp

Bước xuống giường thấp

Thấy đôi rồng chầu

Bước ra đường sau

Thấy nhà ngói lợp

Những đồng xu lẻ đập vào thành ống tre tạo nên những âm thanh rổn rảng vui tai. Đến trước cửa giáo phường, đám trẻ còn có cố ngoạc mồm ra hát to hơn nữa:

Voi ông còn buộc

Ngựa ông còn nằm

Ông sống một trăm

Linh năm tuổi lẻ

Vợ ông sinh đẻ

Những con tốt lành

- Chị Oanh, năm nay giáo phường mình bắt đầu tiếp khách hôm nào? Văn nhân khai bút lấy ngày, đào nương cũng phải chọn ngày lành “khai dây”, pha trà mới quan viên chứ? – Hải Triều tựa người vào thành lan can, trông xuống đám trẻ đứa buộc chỏm, đứa để tóc trái đào bên dưới, bâng quơ hỏi.

- Có chứ! – Kim Oanh đáp, trong lời nói có nhuốm chút hơi men – Chuyện ấy đã có thầy Nguyễn lo. Túi tiền của chị đâu ấy nhỉ?… Giờ già rồi, thấy chuyện đi mừng tuổi trẻ con là niềm vui. Của em này… Vạn sự như ý nhé!

Siết bao giấy đỏ trong tay, đôi mắt con bé liếc xuống đám đông, bất giác dừng lại dưới nhành đào ngoài cổng.

Những con như tranh

Những con như rối

Tôi ngồi xó tối

Tôi đối một câu

Đối rằng:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh

Những chiếc ống tre đồng loạt được lắc lên, tiếng những đồng tiền, tiếng cười đùa của đám trẻ khi được người lớn mừng tuổi làm Hải Triều giật mình.

Trên khoảng sân gạch chỉ có những cánh đào phai mong manh rơi trên xác pháo đỏ thẫm. Nó nhìn ai kia chứ, người đi rồi còn đâu!