Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 13 - Phần 1
Chương 13: Đối diện cố nhân
Trong bóng nắng dưới tán cây, thiếu nữ nhàn tản cúi đầu, mân mê quai nón, tưởng như những ồn ào nơi phố chợ sầm uất nhất nhì Đông Kinh chẳng hề liên quan đến mình. Nhưng sự tĩnh tại của Hải Triều chẳng kéo dài được bao lâu khi Phượng bước từ trong cửa hàng ra, không nói nhiều mà thẳng tay kéo tuột nàng vào trong.
- Nào, nào, Tiểu Kiều của tôi cũng phải lựa lấy vài tấm vải may áo chứ! – Chị cong môi lên trêu đùa, ấn vào tay nàng một súc lụa màu mỡ gà nhàn nhạt, trơn mịn, mát rượi.
- Chị Phượng, em… – Hải Triều ấp úng nhưng thấy ánh mắt nghiêm nghị ra lệnh của cô đào đáo để ấy liền thôi, căm cụi lựa chọn, ra vẻ rất nghe lời.
- Cô muốn may áo màu gì để tôi giúp? – Bà chủ cửa hàng mặc chiếc áo cánh trắng, thân hình đẫy đà mỉm cười hòa nhã, gợi ý. Các cô đào đã không đến thì thôi, lần nào ghé qua cũng mua rất nhiều, tiền trả cũng hào phóng, nói chuyện lại có duyên khiến công việc buôn bán càng thêm thuận lợi. Ấy thế mà bà chủ không những chẳng bận lòng vì những tiếng cười đùa rôm rả của họ, lại còn chuẩn bị cả mấy ấm tích nước chè xanh với vài đĩa kẹo lạc gọi là giúp vui.
- Bà cứ để cháu tự xem. – Hải Triều cười đáp, đưa mắt nhìn những chị, những em trong giáo phường ướm hết tấm lụa này lại đến tấm lĩnh kia lên người, xoay qua xoay lại. Dáng vẻ thiếu nữ hồn nhiên của họ có cái gì đó thực sự rất trong trẻo, rất đáng yêu, khác hẳn những khi tiếp khách.
- Em ưng màu này không?
Lơ đãng ngắm nghía từng xấp, từng xấp lụa được bày trên tấm phản gỗ, đến khi nghe tiếng gọi, nàng mới giật mình nhìn sang. Súc lụa màu hồng nhàn nhạt, giơ ra dưới ánh sáng lại thấy láng lên một sắc vàng trong nhìn vô cùng nhã nhặn, dệt rất công phu là thứ Kim Oanh dành cả buổi để tìm cho kì được. Cô mỉm cười, có ý như chờ đợi cái gật đầu của đứa em gái.
- Cô Kim Oanh quả nhiên sành sỏi, súc lụa này đúng là hàng thượng hạng. Cả cửa hàng của tôi chỉ còn độc một miếng này thôi. Cô lấy nốt đi, tôi tính rẻ cho! – Người đàn bà đon đả tiến lại, ngầm ra hiện cho mấy con bé người ở mang cây thước gỗ đo vải cùng cái kéo sắt to bản, nhọn hoắt đến.
- Tiền bạc không thành vấn đề. – Kim Oanh đáp, dáng vẻ ung dung khoáng đạt không thua các bậc tiểu thư quyền quý chút nào. – Là quà mừng cô bé này sang năm đến tuổi cập kê, cháu không muốn so đo quá. Nào, Huyên, em ưng không?
Miết nhẹ lớp vải trong tay, cảm nhận cái mỏng nhẹ và sắc màu hư ảo ấy, thiếu nữ gật đầu, định mở lời thì đã bị cô gái đứng trước mặt ngăn lại:
- Tiền chị trả, em chớ có lằng nhằng. Còn phải mua thêm mấy tấm nữa để may áo ngoài và thắt lưng nhỉ, chọn màu nào đây?
- Chị Oanh, em…
Tảng lờ lời từ chối Hải Triều đã sắp nói ra đến nơi, Kim Oanh lấy thêm vài tấm lụa nữa, tự tay ướm lên người cô em gái. Chị không nhìn lên, lặng lẽ nói:
- Chị đã nói rồi, trang phục chỉnh tề, đẹp đẽ cũng là lễ nghi của đào nương. Chị không biết tại sao em luôn khách sáo như vậy, không phải chúng ta sống với nhau rất lâu và em luôn nói coi Kim Oanh là chị của mình sao? Phu nhân không ở đây, những gì có thể làm được, cô Đào Thịnh với chị sẽ hết sức làm cho em. Ngọc Huyên, đừng quên em cũng là con gái, trên đời còn rất nhiều thú vui khác. Nhiều khi chị vẫn bảo với cô Thịnh, em lớn nhanh quá, thậm chí chị còn chẳng nhớ có lúc nào em hành xử giống trẻ con không nữa. Lắm lúc ngây thơ một chút, vô tư một chút, mơ mộng một chút cũng không phải là điều xấu.
Đôi mắt đen lặng của nàng rơi xuống mấy tấm lụa trong tay. Những ngón tay hơi co lại làm hiện lên trên nền vải những nếp gấp. Hải Triều từng nhớ đứa bé ngày trước rất tin chị Đào dưới quê. Nhưng giờ, đứa trẻ ấy đi đâu rồi thì nàng không biết.
- Huyên ơi, đi thôi cháu, muộn rồi. Đừng để phu nhân phải chờ!
Ngoài cửa vọng vào tiếng Đào Thịnh nhắc cái hẹn ở chỗ phu nhân Minh Nguyệt tại phủ Đình thượng hầu, chút nữa vì câu chuyện với Kim Oanh lại làm Hải Triều quên mất. Gấu váy lĩnh lướt qua bậc cửa, nàng chần chừ một lúc rồi ngoái lại, cười:
- Chị, em thích một chiếc áo ngoài màu trắng ngà, loại mình khô hoa ướt[1] ấy. Nếu có hoa tường vi thì tốt.
[1] Loại vải dệt hơi dày, gần giống gấm, có hoa nhưng chất vải ở hoa và nền là khác nhau. Nền là vải thường, hoa được dệt trên vải ấy có độ bóng hơn.
Vành nón quai thao đập nhẹ bên hông thiếu nữ theo mỗi bước đi. Đôi quang gánh kẽo kẹt trên vai các cô bán hàng, những tấm lưng ong sau lớp vải thô ướt những mồ hôi lẫn với bụi đường đi lướt qua Hải Triều. Gương mặt dưới vành nón ấy bất giác làm nàng nhớ đến Mai Loan, nhớ đến những buổi chợ trưa của bà ngày trước. Vừa bước chân ra khỏi cửa hàng đồ bạc gần đấy, nhìn dáng vẻ lãng đãng của thiếu nữ, Đào Thịnh cười hiền:
- Cháu lại đang nghĩ gì vậy?
- Nhìn mấy chị hàng xén, cháu tự nhiên nhớ mẹ thôi! – Nàng đáp gọn, trong đáy mắt chứa vài phần yêu thương ẩn trong sắc đen thẳm cố hữu chẳng thể nào nhạt đi. Những lời ấy của Hải Triều khiến Đào Thịnh ngạc nhiên bởi thực sự rất hiếm khi cô tiểu thư của bà chủ động nhắc đến những chuyện riêng tư ấy. Không cần nàng nói nhiều, chỉ một chút ấy thôi cũng khiến người phụ nữ yên lòng đi nhiều lắm. Đào Thịnh vẫn nghĩ trẻ con phiền phức quá cũng rất mệt, nhưng những đứa cả ngày im lặng không để ai dò ra nông sâu trong lòng còn đáng sợ hơn.
- Đình thượng hầu… – Người phụ nữ đi sát cạnh thiếu nữ, nhỏ giọng nói, ngoài mặt vẫn thản nhiên như đang đàm tiếu những chuyện giời bể tào lao của đám đàn bà – … với vị chủ nhân đang ở dãy nhà cạnh chùa Huy Văn là họ hàng ruột thịt. Ngô Tiệp dư đó chính là người năm xưa được phụ thân cháu và tam phu nhân dùng tính mạng để cứu về. Giờ cháu còn muốn biết những chuyện nào nữa?
Hàng mi rủ xuống đôi mắt đen, nàng lặng thinh suy nghĩ, không nóng vội cũng chẳng lúng túng, bất an. Quàng quai nón lên vai, Hải Triều nhìn bầu trời xanh ngắt với tầng tầng mây xốp trên đầu, cười nhẹ:
- Rõ ràng hơn một chút thôi, vì mẹ để lại cho cháu quá nhiều uẩn khúc mà có lẽ cả đời cháu cũng không hiểu được. Cháu chỉ muốn biết cha là người thế nào mà mẹ lại yêu đến vậy. Kí ức của cháu về ông… gần như là không có, toàn là hồi ức của mẹ mà thôi, nên là… Cô yên tâm, cháu nhất định sẽ cẩn thận, sẽ không làm liên lụy đến mọi người ở giáo phường đâu!
- Cô không nói liên lụy chi hết, chuyện gì cần biết để sống tiếp thì nhất định phải truy vấn đến cùng. Cô tin cháu là người thông minh, cẩn trọng. Chỉ là… Huyên, đến giờ cháu vẫn nghĩ ngày đó phu nhân bỏ rơi cháu sao?
Người phụ nữ dừng bước trên cây cầu đá, đăm đăm nhìn thẳng vào đôi mắt ôn hòa, hờ hững của nàng, nhìn những sợi tóc mỏng mảnh như tơ lay động trong gió chớm thu. Không phải Đào Thịnh không nhìn ra những uẩn khúc trong lòng thiếu nữ trước mặt, là xưa nay cố tình lờ đi coi như không hay, vờ coi đó chỉ là nỗi buồn phiền của trẻ con như mây trôi gió cuốn. Cuối cùng, đối mặt vẫn là đối mặt, bởi cô bé trước mặt người đàn bà đã trót biết quá nhiều, đã trót vướng vào những sợi dây đan chồng lên nhau ấy.
- Phu nhân không nói những chuyện trước đây là bởi người muốn giữ cháu tránh xa những ân oán ở nơi lầu son gác tía. Biết nhiều thì khổ nhiều! – Đào Thịnh cất lời, xua đi sự im lặng giữa hai người đột nhiên dâng lên ở nơi phố chợ ồn ào. Hải Triều không trả lời cũng được. Ít nhất, con bé cũng biết nên đối diện với bản thân mình ra sao theo cách khác với những gì suốt bao nhiêu năm nay vẫn nghĩ, vẫn tự ám ảnh mình như thế.
Lọn tóc đuôi gà quệt qua nước da trắng, những ngón tay vô thức đưa lên vén lại những sợi tóc sổ ra, ánh mắt nàng rơi xuống đáy sông Tô xanh trong chứa cả một dải mây trời. Thỉnh thoảng, mái chèo khua nước làm vỡ tan cái ảo mộng tươi đẹp nơi đáy sông. Tiếng người buôn bán, tiếng những mạn thuyền đập vào nhau trên con nước dập dềnh của mạch sông chảy giữa kinh thành nghe nhộn nhịp và xa cách biết mấy. Móng tay nơi ngón cái bấm mạnh vào ngón trỏ, Hải Triều lảng sang chuyện khác:
- Cô, phụ thân… đối với mẹ cháu… là… thế nào?
Người phụ nữ thoáng ngạc nhiên rồi từ từ tiến lại, đứng cạnh nàng, cân nhắc hồi lâu rồi mới nói:
- Cô là người ăn kẻ ở trong nhà, những chuyện ấy… thực tình không biết rõ. Nhưng như những gì cô thấy, đại nhân đối với bà hai rất tốt, đối với các vị phu nhân khác đều rất mực chu toàn.
- Nhưng người phụ thân yêu nhất là… bà ba, không phải sao? Tốt ư? Thế nào là tốt? Phu thê lấy nghĩa, lấy lễ đối xử với nhau là đủ tốt rồi? – Hải Triều ngoảnh sang, đôi lông mày chau lại. Ấy là lần đâu tiền Đào Thịnh nhìn thấy trong đôi mắt đen thẳm kia chưa một thứ cảm xúc gì khác không phải sự yên tĩnh thường ngày.
Bàn tay gầy gầy của người đàn bà vỗ nhẹ lên bờ vai thiếu nữ, giúp nàng chỉnh lại lọn tóc rồi thuận mắt nhìn Hải Triều chăm chú:
- Trái tim của nam nhân là một ẩn số. Hạnh phúc cũng là một ẩn số. Cô với cháu là người ngoài, nói đến khô nước bọt cũng chưa chắc đã đến đâu. Huyên, đã bao giờ cháu thử hỏi… nếu như thân mẫu cháu được chọn lại, người sẽ chọn điều gì chưa?
Mấy đầu tay đặt mớm lên thành cầu đột nhiên chẳng còn sức lực, buông thõng xuống. Tựa nửa người vào bờ đá xám nóng rực lên dưới nắng, nàng cúi đầu, di di đôi dép mũi cong lên bóng của mình:
- Mẹ sẽ vẫn chọn theo phụ thân, vẫn chọn cuộc sống đó. Cháu nghĩ… bà mong ông còn sống không phải để có thể nối dài nhân duyên. Mẹ chỉ hy vọng mỗi ngày được nhìn thấy người, dù là nhìn thấy người ở cạnh tam phu nhân cũng không sao.
- Vì đó là hạnh phúc của mẹ cháu! – Đào Thịnh cười, vỗ nhẹ lên má thiếu nữ, chạm lên đuôi mắt nàng vừa vỗ về, vừa trấn an – Thứ cảm xúc ấy, cháu cho là đau khổ, là bất hạnh hay là gì không quan trọng. Quan trọng là mẹ cháu cảm thấy thế nào. Làm đào nương có nhiều chuyện tốt, một trong số đó chính là có thể hiểu được phần nào lý lẽ của trái tim nhị phu nhân.
Điều này Hải Triều có thể hiểu được. Những lần chị Phượng say, chẳng phải đều đem chuyện của mình ra vừa kể vừa uống rượu sao? Dưới bến sông, những thanh niên vạm vỡ gồng tay bê lên bờ từng chậu, từng chậu lớn sứ trắng men xanh vẽ hình tốt lành nào đào tiên, nào cây bách, cây tùng. Bên trong từng chậu là hoa cúc vàng tươi hãy còn đương phong nhụy, rực rỡ như nắng thu. Đó chắc hẳn là quà mừng gia đình giàu có nào đó. Đào nương cũng là hoa, hoa nở thì người hay rằng hoa đẹp. Có mấy ai biết để có thể đâm bông chẳng phải dễ dàng gì. Có mấy ai hay, hoa liệu có vương vấn người lỡ bước. Người ta vẫn bảo con gái chốn giáo phường phong lưu, ở lâu rồi nàng mới biết, những kẻ phong lưu ấy ai cũng có một nam nhân không thể thay thế trong lòng. Không thể với đến, không thể có được, không thể đường hoàng đối diện giữa thanh thiên bạch nhật chứ đừng nói đến kết tóc se duyên, nhưng chẳng thấy cô đào nào cố tình né tránh những sợi tơ hồng tuyệt vọng ấy. Có khi chị Phượng nói đúng, là hồi ức quá tươi đẹp, quá đủ để dựa vào đó sống cho hết một kiếp người.
Liếm bờ môi khô ran của mình, Hải Triều chầm chậm mở lời, tay vần vò dải thắt lưng màu quan lục:
- Nếu phụ thân bạc đãi mẹ, vì thiếp yêu mà khiến bà đau khổ, cháu sẽ thanh thản mà hận người, hận đến xương tủy. Nhưng… không phải vậy. Cháu biết mình không có cớ để căm ghét người, nhưng cũng không biết phải đối diện với người và bà ba thế nào mới phải, mới đúng.
- Những chuyện mà cháu đang làm, không phải là vì trong lòng cháu có đại nhân sao? – Đào Thịnh cười nhẹ, đưa đôi mắt ấm áp, kiên nhẫn của mình nhìn cô gái. – Có chuyện này cháu nhất định phải biết, ngày cháu ra đời, đại nhân thực sự rất vui, rất rất vui. Dù phu nhân nói thế nào, ắt trong lòng người cũng từng mong có ngày có thể đàng hoàng gọi cháu bằng tên thật của mình.
Nói đến đấy, người phụ nữ bước tới trước, cách xa Hải Triều một chút. Đào Thịnh nói tiếp mà chẳng hề ngoái lại, tựa như có một ranh giới tĩnh lặng nào đó sau lưng, riêng tư đến nỗi người ngoài không nên nhìn thấy:
- Cháu thích ăn bánh gio nhất đúng không? Vậy mua vài cái nhé? Đến nhà người ta nói chuyện ai lại tay không bắt giặc bao giờ.
Những câu chuyện lan man cứ dài mãi, chẳng mấy chốc cả Hải Triều và Đào Thịnh đã ở trước phủ Đình thượng hầu Đinh Liệt. Không phải lần đầu, từ sau cuộc gặp gỡ tại chùa Huy Văn, nàng đã lui đến đây không ít, gương mặt vị đại nhân kia nàng cũng đã nhìn qua. Chỉnh lại xiêm áo trên người, thiếu nữ hít vào một hơi, bờ môi mím lại đôi chút, đường hoàng bước lên bậc cấp. Dùng hai tay đỡ lấy cây đàn đáy trong tay người phụ nữ, nàng khẽ siết mấy sợi dây đàn khi nghe Đào Thịnh nói khẽ:
- Chuyện cháu muốn làm thì cứ làm đi.
***
Dưới dàn hoa thiên lý trong vườn nhà, người phụ nữ mình vận áo tứ thân màu tím sẫm, cổ áo thêu hoa cúc dây thong thả quạt cho nguội hai bát nước chè tươi đặt trên chiếc chõng tre. Cái niêu đất, cái điếu cày, con chó vàng nằm hếch mõm trong một ngày nắng đẹp… tất cả dường như lạ lẫm với danh xưng phủ đệ của Đình thượng hầu đề ngoài cửa. Thân là khai quốc công thần, cháu gọi Thái Tổ bằng cậu, đường đường nguyên lão tam triều, được Hoàng đế trọng vọng, uy tín bậc nhất là những gì người ta hay nghĩ về Đinh Liệt. Người đàn ông thu kiếm về, chầm chậm ngồi xuống cạnh người phụ nữ:
- Những ngày an nhàn thế này thật đáng quý. Ngồi dưới mái hiên nhà mình, uống nước chè phu nhân hãm bao giờ cũng là tuyệt nhất, ta thật may mắn!
- Chàng từ từ uống! – Người phụ nữ tên Minh Nguyệt nhìn lên, đưa chiếc khăn tay của mình cho chồng, nhìn những giọt mồ hôi trên nước da nâu đã in hằn những nếp nhăn của ông, thở dài.
- Là vì ta mà phu nhân và các con phải chịu thiệt thòi. – Ông nói, vỗ bàn tay to bản, gân guốc của mình lên bàn tay nhỏ nhắn, thơm mùi trầu thuốc của vợ.
Gạt sợi tóc bạc xòa xuống trán giúp Đinh Liệt, Minh Nguyệt cười:
- Những chuyện kham khổ hơn thiếp cũng đã trải qua với chàng rồi đấy thôi. Mấy năm trong ngục đó có là gì mà phải nhắc lại. Giờ thì tốt rồi. Thiên hạ thái bình, quan gia anh minh, Bình Nguyên vương của chúng ta thông minh đĩnh ngộ, thiếp thấy thế đã là viên mãn. Chỉ có chàng… vẫn canh cánh trong lòng chuyện khi xưa với cố Hành khiển đại nhân. Năm nào cứ đến gần rằm tháng tám, chàng lại không ngủ yên giấc, cả ngày trầm tư.
Bóng hoa trên sân mờ mờ nhàn nhạt. Bàn tay mở ra rồi đột ngột nắm lại, nơi cổ tay nổi gân xanh. Ông nói:
- Bàn tay này của ta đã giết chết không biết bao nhiêu tướng giặc, nếu nói chưa từng nhuốm máu người là nói dối. Nhưng nhuốm cả máu đồng liêu, biết rành rành là oan mà vẫn phải hạ lệnh xử trảm bao nhiêu mạng người, để nhà họ Nguyễn nên nỗi tuyệt tự tuyệt tông, nàng nói xem, tội nghiệt này phải trả thế nào cho đủ?
Ngày ấy, người trong Cung thành muốn nhanh nhanh chóng chóng hợp pháp hóa cái chết của Thái Tông. Đường đường là Hoàng đế đang xuân xanh tuổi trẻ, đột ngột ra đi mờ ám như vậy chỉ sau một đêm, không có lời giải thích cho có đầu có đũa thì ai có thể không nghi ngờ. Và để hoàn chỉnh câu chuyện ấy theo hướng hợp lý nhất, có nạn nhân, có bối cảnh, có hung thủ và có cả động cơ, cái điều mà cả thiên hạ biết hiện giờ đã được dựng lên vội vàng, chóng vánh như thế. Vì vội vàng nên phải có người đủ uy tín đứng ra cầm cân nảy mực để áp chế tối đa những lời ong tiếng ve chốn quan trường và cả nơi phố chợ. Đinh Liệt được chọn để làm người ấy. Tiên đế băng hà, hậu cung chỉ có những phi tần trẻ tuổi phút chốc trở thành mẹ góa con côi, đẩy qua đẩy lại cuối cùng ấn ông vào cái ghế Đề hình đó. Đinh Liệt đường hoàng ngồi trên công đường nhưng sau lưng, mũi đao đã nhắm vào yết hầu từng người, từng người trong phủ. Ngày ấy, vị tướng quân dày dạn kinh nghiêm nơi chiến trường không chọn lẽ phải, càng không chọn đồng liêu mà chọn người thân của mình. Bàn tay nhận di mệnh tôn Hoàng thái tử Lê Bang Cơ, con trai Nguyễn Thần phi lên ngôi Hoàng đế cũng là bàn tay hạ lệnh tru di tam tộc nhà Hành khiển Nguyễn Trãi. Giờ nghĩ lại cảnh tượng ngày hôm ấy, nghĩ lại tờ cáo trạng với những con chữ được thảo từ trước khi thăng đường, người đàn ông thấy ghê sợ, ghê tởm và tự mỉa mai chính bản thân mình.
- Nàng chuẩn bị dần đồ lễ đi nhé, báo trước cho sự cụ ở chùa ngày mười sáu chúng ta lên làm lễ cầu siêu cho gia đình đại nhân Ức Trai.
- Năm nào cũng vậy mà, thiếp nhớ rồi. Chàng cứ yên tâm! – Minh Nguyệt áp bàn tay mình quanh bàn tay phu quân, cười nhẹ, một nụ cười buồn. Bà hiểu lưỡi đao năm xưa quét xuống đoạt mạng một người tài giỏi, được lòng dân chúng thế nào, cũng hiểu những đứa trẻ ngày ấy phải chết oan uổng giờ là nỗi ám ảnh của người đang sống ra sao. Nhìn con cái mình lớn lên khỏe mạnh, nhớ lại cái ngày định mệnh ấy, chắc chắn chồng của người không dễ gì nguôi ngoai. Cán cân này một bên là người thân, một bên là đạo lý, phải làm sao cho phải? Chính trị thực ra vốn làm gì có đúng, có sai, có trắng, có đen bao giờ. Đã bị cuốn vào, chỉ mong giữ thân vẹn toàn đã là mãn nguyện.
- Nàng… đã tìm ra tung tích hai vị phu nhân nhà cố Hành khiển đại nhân đã trốn thoát chưa? – Người đàn ông nhỏ giọng hỏi, ánh mắt đau đáu, bồn chồn.
Minh Nguyệt thở dài, lắc đầu:
- Thiếp đã cho người đi dò la, đã nhờ cả người quen nhưng bặt vô âm tín. Phu quân, cứ nghĩ như các cụ đi, không có tin tức gì là tin tốt. Chúng ta nghe ngóng được thì Hoàng thái hậu cũng nghe ngóng được, rồi cái họa diệt thân ấy sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Mẹ con họ chắc giờ cũng yên ổn rồi.
- Bẩm ông, bẩm bà, có cô Ngọc Huyên của giáo phường Khán Xuân xin gặp ạ!
Tiếng đứa gia nô cắt ngang câu chuyện của đôi vợ chồng, Minh Nguyệt ra hiệu cho hầu gái dẫn khách vào nhà trong rồi cúi xuống:
- Phu quân, thiếp đã có ý mời ca nương nổi tiếng về phủ để giải khuây, chàng cũng nên nể mặt thiếp một chút.
Những cánh cửa bức bàn mở rộng để ánh sáng rọi vào căn phòng vuông vắn với những bộ bàn ghế bằng gỗ lim đen bóng, chạm khắc đơn giản nhưng lại khiến người ta nhìn vào bớt e sợ địa vị của chủ nhân. Ghì cây đàn đáy vào người, Hải Triều so chỉnh lại sợi dây, nhìn ngắm những đôi câu đối treo trên mấy hàng cột, nhẩm đọc trong lúc phu thê nhà đại nhân nói chuyện.
- Tiếng đàn của đứa bé này đúng là rất khá. Năm nay Thự Nhã nhạc[2] của Thái Thường tự tuyển người cho đội nữ nhạc cung đình chắc chắn không thể bỏ qua ngươi.
[2] Cùng với thự Đồng văn là cơ quan phụ trách lễ nhạc, ca vũ cung đình nhà Lê Sơ, trực thuộc Thái Thường tự (một trong lục tự) là cơ quan quản lý chung lễ nghi, âm nhạc, ca múa của triều đình. Ty giáo phường (đã nói đến ở những chương trước) cũng trực thuộc Thái Thường tự nhưng quản lý âm nhạc dân gian. (theo Thiên Nam dư hạ tập)
- Đại nhân quá khen rồi. Đội nữ nhạc đó đến cô Kim Oanh còn chưa bước vào nổi, con đâu dám mơ tưởng nhiều! – Hải Triều cúi đầu cảm tạ.
- Khiêm tốn là tốt nhưng biết mình, biết người thì trăm trận trăm thắng. Ngươi cứ ở lại chơi với phu nhân, ta còn có việc.
Vạt áo màu lam sẫm của người đàn ông vừa khẽ động, cần đàn trong tay thiếu nữ vội đặt ngay xuống chiếc phản gỗ. Hải Triều vụt đứng dậy, quỳ rạp xuống nền nhà. Đào Thịnh nhìn cảnh tượng đó liền làm theo, không chút ngạc nhiên.
- Đại nhân xin dừng bước! Con có lời muốn thưa riêng với người. Xin đại nhân chấp nhận lời thỉnh cầu này.
Thời gian trôi qua dài tựa vạn năm. Nàng tì trán lên mấy đầu ngón tay, hé mắt nhìn có thể thấy bóng lá tre xào xạc trong khoảng nắng hắt vào qua ô cửa sổ. Tiếng trái tim đập dồn trong lồng ngực, đập mạnh đến nỗi làm đầu óc choáng váng, từng mạch máu trong người, nơi thái dương dường như căng phồng. Cảnh tượng trước mắt Hải Triều chòng chành, hai tai ù cả đi.
- Xem ra ngươi thực sự có việc cần nói với ta rồi. Phu nhân, nàng cùng đám nô tì lui cả ra đi, để lại cho ta ấm trà là được! – Sự ngạc nhiên trên gương mặt Đinh Liệt nhạt dần, nhường chỗ cho sự thắc mắc lẫn quan tâm khi trông xuống đứa bé gái nhỏ nhắn ấy.
Cánh cửa vừa đóng lại, tiếng người xa dần, chỉ còn nghe tiếng gió chiều vi vút trong cái nắng thu hanh hao như mật, người đàn ông bảo cô bé đứng lên. Hải Triều chầm chậm ngẩng mặt, lưng giữ thẳng nhưng vẫn quỳ nguyên tại đó. Trên nền gạch mờ mờ hiện lên vệt bàn tay ướt mồ hôi ban nãy nàng đặt xuống. Xích mích của người đàn ông này với Hoàng thái hậu như những gì Hải Triều đã nghe người ta đồn đại, vụ bắt bớ chẳng rõ nguyên nhân rồi lại thả ra, chuyện năm xưa cha nàng vì cứu cháu gái người mà bị liên lụy đến cả tính mạng, ngần ấy lý do tuy chẳng vững vàng gì nhưng đủ để khiến thiếu nữ dấn thêm một bước trên con đường nàng tự vạch ra từ trước.
- Đại nhân… – Đôi môi run run cử động, Hải Triều ngước lên – … con mạo muội đến xin người chỉ rõ cho vài chuyện về cha mình mà con không hiểu.
Đinh Liệt nhìn đứa bé gái, bất chợt bật cười:
- Cha ngươi? Ta có quen sao?
- Người quen, nhất định quen Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi.
Chiếc chén trên tay suýt chút nữa rơi xuống nền gạch nếu không phải người đàn ông nhanh tay dùng sức giữ chặt. Thu nụ cười lại, sắc mặt không đổi, Đinh Liệt ôn tồn cất lời:
- Ngươi nói vậy là có ý gì? Cô bé, ngươi có hiểu nhận xằng nhận bậy họ hàng đã là một tội lớn, người mà ngươi nói đến còn là tội thần của triều đình. Họa ở miệng này là họa diệt thân, không phải trò đùa được đâu!
- Con cũng đâu muốn đùa. – Nàng run run cười, ngực phập phồng theo nhịp thở gấp gáp. – Sinh ra là con gái người ấy, con gái không nhận cha không phải là tội bất hiếu nhất sao?
Rót nước vào chén trà, cúi mình đặt xuống cạnh Hải Triều, Đinh Liệt đứng dậy:
- Trời nóng lắm, ngươi từ từ uống nước cho tĩnh tâm lại. Tĩnh tâm rồi sẽ thấy những điều mình nói ra rất hoang đường. Ngươi tuổi còn nhỏ, ta sẽ coi như chưa nghe thấy những gì ban nãy. Từ nay về sau đừng nên nói ra những lời ấy nữa!
Vạt áo lướt qua bờ vai nàng khi người đàn ông cất bước. Bàn tay nắm lại, Hải Triều ngẩng đầu, nhìn chằm chằm vào bức đại tự “Quang minh chính đại” treo trên xà ngang, cất lời:
- Đại nhân, con bạo gan hỏi người, người có thể nhìn bốn chữ kia nói rằng mình không biết Hành khiển Nguyễn Trãi có một thứ thiếp họ Phùng, có một đứa con gái tên Nguyễn Hải Triều không?
- Đại nhân… – Đào Thịnh từ từ quay mình, dập đầu một cái rồi thưa: – … người có thể không nhớ nô tì nhưng hẳn người nhớ đích phu nhân họ Phạm của Ức Trai tiên sinh chứ ạ? Cả người, cả Thiếu bảo Nguyễn Xí đã nhiều lần lui đến phủ uống rượu, thưởng trăng với đại nhân Nguyễn Trãi. Người còn bảo rất thích bánh trôi nước của đích phu nhân, thích tiếng đàn độc huyền cầm của nhị phu nhân. Những lời này lòng Đình thượng hầu ắt hiểu rõ là thật hay giả.
Nguyễn… Hải… Triều…
Thứ thiếp họ Phùng. Là Phùng… Thị… Mai Loan…
Hai cái tên ấy như đá nặng ngàn cân kéo chân người đàn ông lại, không nhấc nổi lên để bước qua bậu cửa cao. Bàn tay đã đặt lên cánh cửa bức bàn định kéo ra rồi lại đóng lại. Chắp tay sau lưng, Đinh Liệt từ từ bước đến chỗ hai người đang quỳ, trong đầu hiện ra rõ mồn một tờ danh sách những người liên đới bị xử tội cùng với Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Bà tư, bà năm cùng vài gia quyến của Ức Trai tiên sinh đã trốn được nhưng quân của triều đình hiện đang lùng sục khắp nơi, quyết không có sót. Ngoài những chỗ khuyết thiếu hiển nhiên ấy, sau khi qua tay Đinh Liệt, không ai thắc mắc bà hai nhà Hành khiển Nguyễn Trãi cùng đứa con gái đã đi đâu. Gia đình mắc tội, con trai nếu không bị xử chết thì bị sung quân, con gái bị đày xuống làm nô tì, đó là lẽ thường tình. Đinh Liệt niệm chút tình xưa nghĩa cũ, không thể lật lại bản án nhưng cũng có thể tìm được một nữ phạm nhân án tử thế vào cái chỗ đáng lẽ Mai Loan phải ở. Người đã giết xong thì sẽ không bị truy lùng nữa, đó là tất cả những gì ông nghĩ trong tình cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ.
- Ngươi tự nhận mình là Nguyễn Hải Triều? – Gác tay lên thành ghế, Đinh Liệt nhìn xuống, ánh mắt uy nghiêm đầy đe dọa.
Vươn người lấy chiếc hộp gỗ mang theo bên mình, nàng gạt những tấm thẻ tre bên trên ra, đăm đăm nhìn vào hai tờ giấy gấp tư nhàu nhĩ bản thân đã cẩn thận đặt vào đó. Vuốt phẳng những nếp gấp, mấy đầu ngón tay chạm khẽ lên những chỗ giấy nhăn, mực đã nhòe đi vì nước mắt từ ngày hôm ấy, nàng cúi đầu, dùng cả hai tay dâng lên cho người đàn ông trước mặt.
- Cái tên “Hải Triều” là cha đặt cho con vì quê gốc của mẹ ở đó. Mẹ và tam phu nhân tính ra có thể gọi là đồng hương, chuyện này người ngoài không phải ai cũng biết được. Con thực sự không có gì đủ chắc chắn để chứng minh thân phận với người. Đây là bút tích của cha, là bài thơ năm xưa cha đã từng làm, xin người soi xét.