Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 16 - Phần 3

Lướt qua bờ môi mềm ửng hồng hơn vì làn nước nóng dường như là một nụ cười nhàn nhạt. Hải Triều làm ngơ, không đáp. Chùm chuông bên dưới hộp trầu đính trên sợi xà tích vang những tiếng đinh đang theo mỗi bước chân. Kim Oanh thấy vậy cũng không nói nữa. Chị hiểu không phải bậu cửa nơi trái tim cô tiểu thư của mình quá cao, mà vốn cánh cửa ấy lúc nào cũng đóng kín, có gõ mạnh đến đâu cũng chẳng có tiếng đáp lại. Thậm chí, Kim Oanh còn ngờ rằng cái khóa đồng kia bản thân Hải Triều cũng chẳng biết chìa để mở đã quẳng ở chốn nào.

- Em đi mau lên kẻo trễ! – Cô lườm con bé người ở theo hầu Hải Triều đến lúc này mới mang chiếc áo khoác dày xuống rồi quay sang, vén lại tóc mai cho nàng. – Sang năm em mười lăm tuổi rồi, mái tóc này đến lúc cài trâm được rồi.

Trời đông, nắng tắt sớm. Màu xám ảm đạm dần được nhuộm sắc lam thẫm trùm xuống phố xá càng làm những ánh đèn lồng thêm rực rỡ, vui mắt. Phẩy thêm vài nét vào mặt nước buồn thiu là những đường vân theo nhịp mái chèo loang ra mãi. Hải Triều chống hai cùi chỏ lên đầu gối, dùng hai tay đỡ lấy má, chăm chú ngắm nhìn bầu trời lộn ngược nơi đáy nước. Chợt, điểm trên mặt sông xanh thẫm một sắc vàng tươi nhỏ xíu, ngời lên như nắng của đóa hoa cải rụng rơi, bập bềnh trên con nước làm đôi mắt dưới hàng mi cong cong sáng lên. Chỉ một sắc vàng mỏng manh nhưng thanh tân mới mẻ, đủ khiến người ta mỉm cười.

- Anh theo cô đi hát ngần ấy năm, đếm được số lần cô cười như vậy không kín được hai bàn tay. Thật là keo kiệt! – Anh Thuận ngây ra nhìn nụ cười trên môi Hải Triều, đằng hắng mấy tiếng rồi quay đi. Nụ cười dường như được tính toán rất chi li hoặc cũng có khi nàng chẳng mấy khi vui đến vậy, nhưng chỉ cần đôi môi ấy nhoẻn cười, lúc nào cũng rực rỡ, đẹp đến ngẩn ngơ, giản đơn mà nhẹ thênh thênh.

Cười tươi thêm một chút, Hải Triều so vai, xuýt xoa vì rét rồi ngoảnh mặt đi, ngắm nghía hai bên bờ sông hàng quán đang dọn dẹp qua làn mưa bụi lâm thâm. Sắc vàng kia cũng vì thế mà trôi đi xa mãi. Tiếng sáo trúc thánh thót trong buổi chiều tàn tạ của anh Thuận làm con sông thêm dài, chảy trôi đi mau hơn một chút. Thanh âm tựa như một tấm vải mỏng mảnh bay lên trong không gian nặng trĩu, khiến lòng người không khỏi thấy mênh mang. Mạn thuyền vừa đập vào bờ đá đã thấy tán ô tròn vẽ một khoảng tối mờ mờ trên nền đá xanh, một bàn tay chìa ra như có ý đợi:

- Bà lớn đợi cô Ngọc Huyên từ chiều đến giờ. Cô vào nhà hong quần áo cho khô rồi lên hầu các quan.

Đưa mắt nhìn cánh cửa gỗ rộng mở dẫn vào con đường lát đá trắng viên nào viên nấy vuông vắn, hai bên là hàng trúc xanh rì lao xao trong gió đông hàn, Hải Triều không khỏi cảm thấy lạ vì nơi này hiếm khi nào đông vui đến thế.

***

Bữa tiệc hôm nay rõ ràng Đình thượng hầu Đinh Liệt cùng nhất phẩm phu nhân Minh Nguyệt tốn không ít tâm tư. Vừa nhìn những người có mặt trong gian phòng, Tư Thành đã nảy ngay ra ý nghĩ ấy.

- Chúng thần xin thỉnh an điện hạ!

- Các vị đứng dậy cả đi, không cần câu nệ tiểu tiết như vậy! – Chàng đáp, nhìn qua gương mặt cả Đinh Liệt lẫn Nguyễn Xí, ngầm hiểu ra mục đích của buổi gặp gỡ. Trước mặt chàng đều là những bậc đại quan có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong triều, có người đã gặp qua, có người chỉ nghe danh. Rõ ràng với một thân vương tuổi hãy còn nhỏ, trọng lượng tiếng nói chưa có, lại luôn nằm trong tầm mắt của Hoàng thái hậu, dù chàng có muốn hay những người kia có ý cũng chẳng dễ gì để đường hoàng ngồi lại nói chuyện mà không để lại những điều tiếng, dị nghị.

- Điện hạ, đây là Nhập nội thiếu úy tham tri chính sự Lê Lăng. – Nguyễn Xí bước lại, trang trọng giới thiệu người đàn ông dáng người dong dỏng, gương mặt gầy khắc khổ, nghiêm túc đến khô khan rồi quay sang một người khác, dáng người tầm thước, da màu bánh mật, nói – Còn đây là Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung.

Màn chào hỏi xã giao chỉ cần đôi ba câu là có thể kết thúc, Tư Thành chỉ không ngờ nội dung cuộc thảo luận tại Kinh Diên của mình với Chuyết Am tiên sinh hôm bữa đã được đám môn sinh đồn đại đến tai mấy vị đại thần này nhanh đến thế. Hàng ria đen rậm của Nguyễn Đức Trung rung rung khi ông mỉm cười, gật gù vẻ tâm đắc lắm khi nhìn chàng:

- Kiến giải của người về luật pháp thực sự rất thú vị.

- Đó chỉ là lời của học trò, không dám nhận là kiến giải. Ta còn phải học hỏi các thầy, các vị đây nhiều lắm! – Chàng đáp, chợt nhận ra ánh mắt Lê Lăng nhìn mình có vẻ chăm chú hơn lúc trước.

- Thần vẫn nghĩ điện hạ là người đọc sách Thánh hiền, phải lấy nhân trị, đức trị làm đầu. Không ngờ người lại quan tâm đến pháp luật như vậy. Chẳng phải theo quan điểm của Nho gia, dùng luật để uốn nắn con người thực ra chỉ giải quyết cái bề ngoài, con người vì sợ mà theo chứ bên trong vẫn chẳng biết đâu là liêm sỉ hay sao? – Ánh mắt người đàn ông quét xuống, bờ môi chỉ nhếch lên tí chút khi mở lời làm các chữ như xít vào nhau, rất khó nghe, vừa lạnh nhạt, vừa có gì như ngờ vực.

Đưa mắt thoải mái đón nhận cung cách đó, Tư Thành cười:

- Nhập nội thiếu úy là người nổi tiếng cứng rắn. Sau cố đại nhân Trịnh Khả, ta nghĩ trong triều khó có ai hiểu được sức nặng của hai chữ “pháp luật”, “khuôn phép” bằng ngài. Những điều ngài hiểu chắc chắn uyên thâm hơn ta. Duy chỉ có điều… xưa nay đúng là các triều đại cả ta cũng thế mà Tàu cũng vậy đều nói dùng nhân trị, đức trị của Đức Khổng Tử để giáo hóa thiên hạ. Nhưng đằng sau cái vỏ nhân trị ấy là gì, chẳng phải là pháp trị sao? Nếu không tại sao phải đề ra luật, ra thưởng phạt để giữ gìn chữ “lễ”, chữ “nghĩa”, đưa xã hội vào trật tự? Nước thì có luật pháp, dân gian thì có tục, có lệ, đều nhằm một mục đích như nhau cả.

- Người đang hoài nghi Nho gia? – Lê Lăng nheo mắt, hỏi ngay.

Cất tiếng cười sảng khoái, chàng gập cây quạt lại, thong dong đáp:

- Ta chỉ nói ngoại nho nội pháp, không nói thứ nào hơn thứ nào, cũng không hoài nghi gì cả, bởi nói sao thì ta cũng vẫn là học trò cửa Khổng sân Trình. Lấy nhân nghĩa giáo hóa được thiên hạ thì tốt nhưng liệu có phải lúc nào cũng làm thế được hay không lại là chuyện khác. Người học hành hiểu tam cương, ngũ thường trong thiên hạ không nhiều, người hiểu tam cương, ngũ thường mà vẫn làm trái cũng không hiếm. Yêu, thương thì phạt nhẹ, ghét bỏ thì nặng tay chẳng phải chuyện xưa nay chưa từng có. Ta cũng nói với quan gia, mấy năm trước Lê Quán Chi con trai Đại đô đốc Lê Khuyển đang đêm đánh giết người giữa chợ, theo phép thì cả hắn lẫn những kẻ liên quan đều phải bị xử. Nhưng cuối cùng, Hoàng thái hậu vị nể cha hắn là bậc đại thần, lại chỉ huy cấm binh nên tha cho, chỉ bồi thường cho người bị chết oan một ít tiền[8]. Nói đấy là lòng nhân, xót thương hay ưu ái cũng được, nhưng như thế thì công bằng, luật pháp để đi đâu? Những điều ta nói Nhập nội thiếu úy thấy đúng chứ?

[8] Theo Đại Việt sử ký toàn thư.

Ai cũng biết Bình Nguyên vương được quan gia ưu ái nhưng đến mức có thể thẳng thắn chỉ trích Hoàng thái hậu lại là chuyện khác. Đến đại quan trong triều tuy không phục, thấy gai mắt nhưng cũng chỉ dám ôm một cục tức, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua. Mấy ai dám đem tài sản, chức tước, gia đình mình ra làm trò đùa nơi chín bậc thềm rồng bao giờ. Nguyễn Xí nhẹ mỉm cười khi nhấp môi vào chén trà, ung dung cảm nhận không khí xung quanh mình dần đặc lại, căng thẳng. Sẽ có người cho những lời lẽ ấy của một đứa trẻ là ngông nghênh. Nhưng cũng sẽ có người nhìn ra lẽ khác. Trông nét mặt thản nhiên của Bình Nguyên vương, Lê Lăng giờ đã hiểu tại sao Hoàng thái hậu lại ưu ái vị thân vương năm xưa người từng đề phòng đến thế. Đơn giản chỉ vì những lời nói có cân nhắc nhưng thẳng thắn thay vì thở ngắn than dài, đàm tiếu sau lưng. Chắp tay cúi mình, người đàn ông cất lời:

- Ý điện hạ là nếu cứ như vậy, thiên hạ tất sẽ loạn? Để đưa từ loạn về trị, liệu có cách nào?

- Thánh hiền đạo Nho nói, muốn đưa xã hội từ loạn về trị thì mỗi người phải chính danh phận của mình, chỗ ai thì việc nấy, hết sức mà hoàn thành, cũng có nói nhân chi sơ tính bản thiện. Nhưng… Pháp gia của Hàn Phi Tử lại bảo nhân chi sơ tính bản ác. Bản tính của con người là hám lợi, là sợ thiệt thân – Tư Thành ngưng lại, có ý đợi để những người trong phòng từ từ nghe ra những điều chàng mới nói. – Với đại bộ phận dân chúng, muốn giáo hóa phải lấy cái đại đồng họ đều hiểu, đều phải tuân theo. Thế nên ta chỉ có bốn chữ.

- Thưa… là gì ạ? – Lê Lăng chau đôi lông mày, ngập ngừng hỏi.

- Là “thượng tôn pháp luật”. Thưởng phải thật hậu, phạt phải thật nghiêm, ai cũng như ai. Vì hám lợi mà theo, vì sợ phạt mà tránh, làm nhiều tất sẽ thành thói quen, sẽ thấy lễ, nghĩa… không phải cái gì quá khó để giữ.

Thấy câu chuyện sắp sa đà vào những luận bàn học thuật lẫn chính trị, Đinh Liệt cất tiếng cười, lèo lái mọi người trong gian phòng sang vấn đề khác. Không khí im lặng ban nãy nhanh chóng được thay bằng những tiếng cười nói rôm rả, không hiểu sao lại quay sang câu chuyện đàn chim bồ câu đưa tin dùng trong những năm tháng chống giặc Ngô của ngài Trần Nguyên Hãn, rồi đàn chó săn đến cả trăm con vô cùng thiện chiến, tinh khôn Nguyễn Xí. Tư Thành lịch sự cười nói, góp chuyện vài câu rồi lẳng lặng tránh đi. Hôm trước là luận đàm với Chuyết Am tiên sinh, vừa nãy chàng có rẽ qua nhà Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân. May mà cuối cùng cũng có thể gặp được. Tuy đều là bậc danh nho nhưng phong thái hai người khác hẳn nhau. Nếu gọi là thích, chàng thích Cúc Pha tiên sinh hơn. Chuyết Am là người học sâu hiểu rộng, tuy từng tham gia chính sự nhưng thanh cao, giữ mình. Con người ấy tự nhiên khiến chàng cảm thấy giống anh trai Lê Khắc Xương. Là dạng người lặng lẽ quan sát, hiểu biết thế sự nhưng lại chọn cách đứng xa xa mà nhìn nhận, có chút gì đó rất giống thần tiên, lấy tiêu dao, thanh bạch, ít ràng buộc làm vui. So ra, Cúc Pha là người thú vị hơn hẳn.

“Điện hạ định hướng đến một đường lối mới?” – Người đàn ông sau khi nghe chàng thuật lại buổi nói chuyện với Lý Tử Tấn liền vuốt chòm râu, cười khà khà đầy hào hứng.

“Chỉ biết một thứ thì thật nhàm chán. Thiên lệch về một phía nào đó cũng không hay. Nho gia hay Pháp gia… Ta muốn lấy ở mỗi bên một chút để có quan điểm của riêng mình, lấy cái này để củng cố cái kia, đoạn tuyệt với tình trạng trong nước hỗn độn cả Nho, cả Phật, cả Đạo rồi chẳng biết ai nói, ai nghe, nghe ai”.

“Ý điện hạ là… người muốn quy tư tưởng về một mối, từa tựa năm xưa nhà Tần từng bãi truất bách gia, độc tôn pháp thuật[9], chấm dứt cục diện thất hùng? Người có ý định độc tôn học thuyết nào đây?”.

[9] Có một thời kỳ lịch sử tư tưởng Trung Hoa gọi là Bách gia tranh minh (hay Bách gia chư tử) nghĩa là trăm nhà tranh nhau làm thầy. Cụm từ này mô tả sự nở rộ của nhiều trào lưu triết học, tư tưởng (tức bách gia – trăm nhà) trong đó có Nho gia với người sáng lập là Khổng Tử, Pháp gia của Hàn Phi Tử, Đạo gia của Lão Tử, Âm Dương gia… Sự nở rộ này đưa đến một hệ quả khác là trong xã hội có quá nhiều tiếng nói, con người không biết nghe ai, theo ai. Vì vậy khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc đã tiến hành bãi truất bách gia tức là xóa bỏ các hệ tư tưởng khác, chỉ độc tôn pháp thuật tức Pháp gia của Hàn Phi, dùng pháp luật, sức mạnh quân sự đàn áp để thiên hạ quy phục. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn một hệ tư tưởng duy nhất để làm chuẩn mực, thống nhất trên dưới. Nói về chính sách này đầy đủ sẽ là: Bãi truất bách gia, độc tôn pháp thuật, phần thư khanh nho. Tức là: bãi bỏ (học thuyết) của trăm nhà, chỉ độc tôn Pháp gia, đốt sách, chôn học trò. (isis tổng hợp, ghi chép)

Mưa lất phất như những hạt bụi nhỏ bay trong không gian nhờ nhờ sắc xám, thấm ướt phiến lá của mấy chậu hoa nhài, địa lan trong vườn.

- Điện hạ, sao người lại ra đây? – Nguyễn Đức Trung lặng lẽ tiến lại, cất giọng ôn tồn.

- Ta vừa thấy một cô gái rất xinh đi qua, vì tò mò nên… Khiến đại nhân chê cười rồi!

Những lời ấy của cậu thiếu niên khiến người đàn ông bật cười lớn, nhất thời không nhận ra người đứng trước mặt mình lúc này cũng chính là người vừa tranh luận với Lê Lăng ban nãy. Chắp tay sau lưng, phóng tầm mắt ra khu vườn um tùm cây lá, ông nói:

- Tính khí Nhập nội thiếu úy như vậy, điện hạ đừng để bụng. Như hạ thần thấy, xem chừng hôm nay điện hạ đã thực sự khiến ngài ấy tâm phục khẩu phục rồi.

Mới kịp nhún vai cười chiếu lệ, từ xa chàng đã thấy phu nhân Minh Nguyệt tiến về phía mình, người chưa đến đã thấy tiếng rồi:

- Điện hạ với đại nhân sao còn đứng đây. Mời các vị lên nhà trên, bàn tiệc đã bày biện xong hết rồi ạ!

- Hôm nay liệu tôi có vinh hạnh được nghe nhất phẩm phu nhân hát một khúc hay không? – Đức Trung đưa tay tỏ ý nhường Tư Thành đi trước, đoạn quay sang bông đùa một câu.

- Không dám, không dám. Con hát đã già, có gì hay đâu mà nghe. Ngài đừng giễu tôi nữa! – Bà cười nhẹ, nâng tà váy bước lên bậc thềm.

- Phu nhân chưa nghe câu ngan già thì ngọt nước sao? Trẻ trung chưa chắc lúc nào cũng tốt! – Tư Thành ngoái lại, xoay xoay cây quạt giữa những ngón tay rồi cất bước, vui vẻ hỏi người bên cạnh. – Ta nghe nói các con trai của đại nhân đều đang giữ những chức quan trọng yếu trong triều. Bản triều ta được ngài với Thiếu bảo Nguyễn Xí là được cả đường công danh lẫn đường con cái. Thật đáng ngưỡng mộ!

- Điện hạ quá lời rồi!

- Mấy lần vào cung ta có gặp các thiên kim tiểu thư Hoàng thái hậu có ý cất nhắc để nâng khăn sửa túi cho quan gia nhưng lại không thấy ái nữ nhà đại nhân. Luận gia thế, luận tài mạo, chắc chắn ái nữ của ngài đâu thể thua kém các vị tiểu thư khác. Chẳng hay là…

- Đúng là thần có một mụn con gái nhưng tuổi lớn hơn quan gia nhiều quá nên lần này không tiến cung. Thần cũng đang xem có nơi nào trao gửi để con gái được yên bề gia thất. – Đức Trung đáp, khẽ thở ra một hơi.

Những lời ấy thoảng qua rất nhẹ chút nuối tiếc kín đáo. Tư Thành gật đầu khi lắng nghe nhưng không nói thêm điều gì nữa.

Một lần gặp gỡ, chuyện dài, đêm thâu.

Cơm rượu đã xong, phu nhân Minh Nguyệt cho đám người ở lên thu dọn mâm bát, chuẩn bị ít hoa quả cùng mấy ấm trà nóng rồi cho đám con hát tấu nhạc mua vui từ đầu bữa lui cả. Đèn, nến được bỏ bớt đi làm không gian thêm phần u tịch, trầm lắng, hướng mọi ánh mắt về chiếc phản gỗ gụ trải chiếu hoa giờ là điểm sáng nhất trong phòng. Tiếng bước chân người, tiếng vải áo cọ vào rất nhẹ, nghe đâu trong tiếng gió đông còn lẫn cả những âm thanh đinh đang trong vắt vui tai. Xếp lại ngay ngắn vạt áo, ca nương ngồi sau tấm mành mành cúi mình tỏ ý chào. Những thanh tre mỏng xếp xít nhau làm cả người ngoài lẫn kẻ trong đều chẳng nhìn rõ mặt. Hải Triều nhìn qua ô cửa sổ, mưa ngày một nặng hạt, nhỏ xuống từ mái ngói mũi hài từng giọt, từng giọt nước long lanh, rơi chạm mặt sân gạch, rơi trên phiến lá trong vườn những tiếng êm êm nửa hư nửa thực. Mưa làm trời thêm rét, để cái ẩm ướt buốt lạnh đến cắt da cắt thịt luồn vào qua từng lớp áo gấm khiến cả nàng lẫn anh Thuận phải so vai, xoa xoa mấy khớp ngón tay cho ấm lên một chút.

Trời càng muộn, càng lạnh càng làm hương hoa bưởi thêm thơm.

Roi chầu nện xuống mặt trống những tiếng rất đanh, nếu đang lãng đãng thả trôi tâm trí ở đâu ắt sẽ vì thế mà giật nảy mình. Tiếng đàn đáy trầm đục, tiếng lách cách cỗ phách lần lượt vang lên nhấn cả không gian vào một thế giới trầm lắng, chậm rãi đến vô cùng. Một canh hát bắt đầu. Quan viên nhắm hờ đôi mắt, khẽ đưa đầu theo tiếng đàn, tiếng hát rung rung trong cổ họng, vừa trong, vừa cao lại thêm tráng lệ của cô đào. Những ngón tay nhịp xuống bàn gỗ vẻ đắc ý lắm. Chẳng ai để ý tấm mành mành dần được kéo lên, phô ra dung mạo cô đào hãy còn ít tuổi. Ánh mắt hướng về phía trước nhưng chẳng lúc nào nhìn thẳng vào mặt quan khách ngồi hai bên mà như dán vào một cõi mông lung nào đấy. Đôi tròng mắt cũng chẳng đảo qua, đưa lại, chỉ có đôi môi hồng và những ngón tay cầm thanh phách là cử động, tự nhiên khiến người thưởng thức thấy một vẻ trang nghiêm mà u nhàn, xa cách, để đến nỗi quên mất người đối diện mình là một nữ nhân.

Mỗi lần roi chầu đánh xuống những tiếng thật đanh để khen tiếng đàn của anh kép, giọng hát của cô đào, thằng nhỏ theo hầu liền lấy mấy thẻ tre trong chiếc tráp trong tay ném xuống chiếc phản gỗ. Hải Triều một khi đã cất tiếng hát chưa từng để ý đến những tấm thẻ thưởng xuống vung vãi xung quanh theo sự cao hứng của quan viên. Thế mà lần này lọt vào mắt là một bàn tay không hề già nua, khiến nàng không nén được tò mò liền đưa mắt nhìn người cầm roi chầu một cái. Một ánh nhìn cũng đủ để thấy nhân gian cạn hẹp đến thế nào. Cậu thiếu niên từng ra vế đối trêu ghẹo ngoài bờ hồ giờ chỉ ngồi cách nàng đúng một chiếc đôn sứ đặt trống chầu và hẳn nhiên trong nụ cười lướt qua như một cánh bướm mỏng kia là thông điệp rõ ràng: cậu ta nhận ra nàng.

- Hạ thần nghe nói Bình Nguyên vương có tài xuất khẩu thành chương, hôm nay lại có cô đào giọng hát rất hay ở đây. Lấy nhạc, lấy tiếng ca để nâng thơ là cái lẽ của hát ca trù, chẳng hay điện hạ có cho chúng thần mở mang tầm mắt được không? – Nguyễn Đức Trung vui vẻ đề nghị, nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của những người ngồi xung quanh.

- Theo phép phải là tiền chủ hậu khách, xét tuổi tác ta chỉ đứng vào hàng hậu sinh. Xin để cho Đình thượng hầu bắt đầu trước. – Tư Thành đưa roi chầu về phía Đinh Liệt, trang trọng tỏ ý nhường.

Danh xưng “Bình Nguyên vương” vừa vang lên bên tai làm Hải Triều giật mình. Đưa mắt nhìn cậu thiếu niên một cái rồi như sợ mình quá thất thố liền vội cụp mắt xuống, xếp hai tay yên trên đầu gối, hàng lông mày cong cong hơi chau lại.

- Thần có một bài thơ chữ Hán sưu tầm được ở đây. Tuy là của người khác nhưng lại rất hợp với khung cảnh đêm nay. – Đinh Liệt gác bút, đưa mảnh giấy nét mực hãy còn chưa khô hẳn cho Tư Thành.

- Điện hạ thường làm thơ Nôm, hay người diễn nôm bài thơ ra để cho đào nương đây nhập tâm mà hát theo? – Phu nhân Minh Nguyệt vừa tiếp rượu, vừa cất lời gợi ý.

Nhìn qua con chữ mấy lượt, Tư Thành đưa tờ giấy cho Hải Triều, nói đơn giản:

- Cô diễn nôm thử ta nghe.

- Chuyện này… – Nàng ngập ngừng, gương mặt trong ánh nến không giấu được sự ngạc nhiên đến mức không nói thành lời.

- Điện hạ, cô bé này chỉ là một đào nương, chữ có khi còn chẳng biết nữa là…

Lời ấy chàng làm như không nghe thấy, chỉ hướng ánh mắt nghiêm nghị của mình vào đôi mắt đen tựa mặt hồ thoáng xao động trong gió của thiếu nữ, nhìn cho đến khi nàng phải cúi đầu, dùng cả hai tay đón lấy tờ giấy mới thôi. Anh kép Thuận vờ đặt cây đàn sang bên, nhích về phía Hải Triều một chút, nhướn người nhìn mấy con chữ qua vai nàng. Thơ hay nhưng của ai thì anh không biết, nhiều người trong gian phòng đến khi nghe rồi cũng chỉ biết gật gù, hoàn toàn cho những vần thơ ấy là của người xa lạ.

Nhẹ uốn đầu cây roi trong tay, Tư Thành ung dung nhìn vẻ chăm chú của cô đào. Dáng người nhỏ nhắn, đường nét nào trên gương mặt cũng mềm mại, tinh tế từ đôi lông mày đến cánh mũi, khóe miệng. Ấn tượng ban đầu chỉ như chiêm ngưỡng một đóa sen trong sương, càng nhìn lâu càng thấy nét băng lạnh tịch mịch ăn sâu bén rễ vào cô gái ấy trở nên trong suốt, im lìm nhưng lại khiến người ta thấy dễ chịu. Lư đồng đặt giữa căn phòng sưởi không khí bằng một mùi hương ấm nóng nhưng không hiểu sao Tư Thành chỉ ngửi thấy duy nhất mùi hương của mấy loại hoa tỏa ra từ trên người cô đào. Hương thơm trên mái tóc, lẩn vào từng lớp váy áo, đến cả mười đầu ngón tay kia cũng có hương hoa. Nếu không phải vì ngồi gần cạnh Hải Triều, có lẽ bản thân chàng cũng không tin nàng ấy bấm nhẹ đầu ngón tay cái vào tờ giấy, để lại một vết hằn mờ mờ trước khi đặt nó xuống chiếu, rồi thưa:

- Con xin hát thế này.

Phách cái gõ xuống thành ra âm trầm đục. Phách con gõ xuống thành ra âm đanh, giòn. Tiếng trống chầu cắc cắc, toong toong vang vọng trong yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng mưa thấm ướt mái ngói dần nhòe đi, nhường chỗ cho tiếng mưa trên mái rạ trong kí ức. Cô đào hát rằng:

“Vò võ trai phòng vắng

Suốt đêm nghe tiếng mưa

Não nùng rung gối khách

Thánh thót mấy canh dư

Cách trúc khua song nhặt

Hòa chuông động giấc mơ

Ngâm rồi vẫn chẳng ngủ

Đứt nối đến tờ mờ.”[10]

[10] Bài thơ Thính vũ, Nguyễn Trãi toàn tập (1976), NXB KHXH.

Nguyên văn:

Tịch mịch u trai lý

Chung tiêu thính vũ thanh

Tiêu tao kinh khách chẩm

Điểm trích sổ tàn canh

Cách trúc xao song mật

Hòa chung nhập mộng thanh

Ngâm dư hồn bất mỵ

Đoạn tục đáo thiên minh.

Lời ca vừa dứt, khách quan đều gật đầu khen hay. Thẻ tre ném xuống đầy trước mặt. Anh Thuận lấy thế làm mừng, thở phào một cái. Tin ở học vấn con bé Huyên là một chuyện, từng nghe nó ứng tác với thi nhân cũng không phải lần đầu nhưng ở một nơi có toàn bậc tôn quý thế này thì giờ anh mới được chứng kiến. Riêng bản lĩnh này chắc chắn con bé hơn hẳn Kim Oanh vài bậc. Quả nhiên nữ nhân có học vấn vẫn hơn.

Đến khi canh hát tàn, Hải Triều cũng chỉ dám đưa mắt nhìn Bình Nguyên vương thêm một lần. Cậu thiếu niên ấy không khen ngợi nhưng roi chầu đánh xuống tiếng nào cũng rất đắc ý, thưởng cũng rất hậu. Trên gương mặt tuấn tú, sáng sủa ấy chỉ điểm một nụ cười rất khó hiểu rồi thôi. Thu dọn cỗ phách, vuốt lại vạt áo, nàng toan đứng dậy thì đã thấy gấu áo thêu tinh xảo trên nền gấm trắng đứng án trước mặt mình.

- Thứ này… – Trên tay vị thân vương là mấy thẻ tre nữa, chàng đưa mắt nhìn Hải Triều, nhẹ mỉm cười rồi đặt xuống – … là thưởng riêng cho câu đối hôm nọ của cô.

- Lần ấy con không biết nên đã mạo phạm đến điện hạ, xin người… – Liếc chừng thấy trong phòng không còn ai ngoài anh Thuận và mấy đứa hầu nhà phu nhân Minh Nguyệt, nàng cúi đầu nói chiếu lệ, ra cái vẻ sợ hãi.

- Cô tên gì? Không phải Tiểu Kiều, ta hỏi tên thật kia. – Tư Thành cất tiếng thờ ơ, chẳng rõ là hỏi cho có hay thực sự tò mò.

- Thưa… là Ngọc Huyên.

- Điện hạ nếu đã thích con bé này đến vậy, thẻ tre cũng thưởng rồi, giờ không phải nên tặng cho nó mấy câu thơ tốt lành sao? – Phu nhân Minh Nguyệt tiễn khách đã xong đột nhiên quay lại, nhìn qua cảnh tượng trong phòng rồi buông lời.

Thấy người ấy xoay lưng bỏ đi nàng mời từ tứ hé mắt lên nhìn, chỉ thấy một dáng người cao cao chầm chậm cất bước, dáng điệu thong dong. Chiếc quạt trong tay Tư Thành gập lại, chàng ngoái đầu, môi hơi mỉm cười khi ánh mắt dừng lại trên gương mặt cô đào:

- Băng ngọc tình hoài phương thốn khoảnh

Huyên hòa úc úc tứ thời xuân.[11]

Mấy chữ này cô hiểu cả, đúng không?

[11] Hai câu thơ trích từ Ngự chế văn nhân thi của Lê Thánh Tông, trích trong Quỳnh uyển cửu ca

Nghĩa là:

Tấc dạ trắng trong băng ngọc quý

Ôn hòa lai láng bốn mùa xuân.

***

Mùa đông năm ấy, trước Tết Nguyên Đán không lâu, Đông Kinh lại được một phen xôn xao. Xét án chóng vánh, không muốn dây dưa chuyện xui xẻo sang năm mới, ngày hai mươi hai tháng chạp, chỉ trước lễ ông Công ông Táo một ngày, triều đình xử chém thị chúng một nhóm đàn ông sáu người vì tội mưu phản, buông lời đàm tiếu nhục mạ hoàng thất. Một người trong số đó tên Nguyễn Kiệt. Nghe đầu người này có họ hàng xa với Nguyễn Trãi nên trong dân gian, ai cũng tin Hoàng thái hậu đích thân ra lệnh việc này để trừ cỏ tận gốc, những tội lỗi kia chưa chắc đã là thật.

Ngày xử án, bên cạnh những lời bàn tán xôn xao về đám phản tặc kia, tự nhiên lại rộ lên những tin đồn đại ý rằng: Hoàng đế đang ngự tại điện Kính Thiên vốn không phải là con đẻ của Thái Tông Văn hoàng đế. Là Tuyên Từ Hoàng thái hậu dám trộm long tráo phụng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3