Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 20 - Phần 3

Lần đầu tiên tự mình rời xa kinh thành, đi về miền biển, đứng trước mây trời một dải, non bể mênh mang, lòng người không khỏi thấy choáng ngợp. Chàng trai mình vận chiếc áo màu hồ thủy nhàn nhạt ngồi xếp bằng trên mũi thuyền, phóng tầm mắt ra mênh mông biển cả. Tư Thành từng nghe đám môn sinh ở Kinh Diên kể nhiều chuyện lên rừng xuống bể, từ nơi núi non trùng điệp của các tộc người man đến những vùng ven biển mặn mòi tôm cá. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, cảnh tượng thật bao giờ cũng dễ làm lòng người xúc động hơn nhiều. Ngọc Dao ắt không bằng lòng cho chàng một mình rời kinh chuyến này. Tư Thành phải viện đủ lý do, từ việc An Bang là nơi năm xưa mẫu thân từng được Ức Trai tiên sinh dẫn ra lánh nạn, đến biên thư về bảo với ông ngoại có lời với mẹ thì chuyện mới xong. Nam nhi phải đi cho biết đây biết đó, riêng điểm này chàng hoàn toàn đống ý với anh Khắc Xương.

Không phẳng lặng như tấm gương khổng lồ, mặt nước gợn lên những sóng nước nhấp nhô, vỗ vào mạn thuyền từng nhịp, từng nhịp đều đều yên ả. Gió biển hiu hiu nhưng không lạnh như gió trong đất liền, lại quyện thêm mùi mặn nồng của muối, của cá tôm. Trời đông ảm đạm làm màu nước cũng kém phần tươi sáng, nhưng vẫn đủ để lộ ra một sắc xanh trong như ngọc biếc.

- Cháu từ trong đất liền ra, thấy biển lạ lắm phải không? – Ông lão chèo thuyền với bộ râu dài màu muối tiêu hệt như màu mái tóc lom khom bước lại, bắt chuyện. Ông cụ đã già nhưng đôi mắt hãy còn tinh anh, nước da nâu giòn vẫn nguyên màu bánh mật thuở còn trai tráng.

Đông Kinh cũng ngập tràn nước bởi có nhiều sông, cũng ồn ào rồi lại lặng lẽ. Nhưng cái lặng yên ấy không địch lại được cái vắng lặng tứ bề đến mức muốn nuốt chửng con người này. Nước xanh vô tận, mây trắng điệp trùng. Dựng lên trước mắt là những ngọn núi sừng sững, lẫn màu xanh mướt của cây cỏ trong màu trắng của đá vôi. Núi mọc lên giữa biển tựa như một ốc đảo, đột ngột và thách thức. Giật mình vì tiếng mái chèo khuấy nước, một cánh chim hoảng hốt vút bay về phía tà dương chập chờn như một ánh đuốc xa xa.

- Nhiều người không thích An Bang vì sợ nước bủa vây, sợ cái lặng ở chốn này. Lão thì lại thích, yên ả, thanh nhàn. Xem chừng, cháu cũng thích đúng không?

Tư Thành ngoái lại, khẽ gật đầu tán đồng rồi hỏi:

- Biển hình như không phải lúc nào cũng hiền hòa thế này phải không ông?

Vuốt chòm râu bạc, ông lão ngơi tay kéo lưới, cười:

- Cháu cứ thử ra đây mùa biển động xem. Gió cuốn tung nhà cửa, sợ cuốn bay cả lũ trẻ con đi được ấy chứ. Sóng bốc cao cả thước, thuyền bè mùa bão chỉ biết cột chặt ở bến, nào có dám dong buồm đi đâu. Biển lắm lúc nguy hiểm, khó chiều, vừa hiền lành, vừa hung dữ, dò không thấy đáy nên… khó yêu lắm. Nó giống như thói quen hơn, quen rồi thì khó bỏ. À, cháu có hỏi ông núi Truyền Đăng đúng không, nó kia kìa…

Vượt lên hẳn những hòn núi đủ hình thù rải rác trên mặt bể xanh xanh là một ngọn núi bề thế, bên trên còn đặt lầu gác. Tư Thành nheo mắt nhìn về phía ấy, không khỏi thấy háo hức:

- Cháu nghe nói tên núi là Truyền Đăng vì khi nào có biến thì tướng quân trấn giữ An Bang sẽ cho người nổi lửa trên đỉnh núi báo tin về thượng kinh đúng không ạ? Đứng ở trên đó chắc bao quát được cả vùng biển này ấy ông nhỉ?

- Đúng rồi. Nhưng đó cũng là nơi trấn giữ của triều đình, dân thường như chúng ta không lên được đâu. Cháu thích thì để mấy bữa nữa ông dẫn đến ngọn núi khác thấp hơn một chút, lại phải trèo nhưng cũng có thể nhìn thấy được toàn bộ An Bang. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, hệt như bày thạch trận trên biển vậy.

Những điều viết trong sách đều đúng cả. Nói đến tập luyện thủy quân, ngoài hồ Lục Thủy cùng vài con sông lớn, diễn tập được tại An Bang thì còn gì bằng. Chưa kể từ đây đến vùng biển của Đại Minh cũng không quá xa, vừa được việc của mình, vừa đánh tiếng cho người, đúng là nhất cử lưỡng tiện. Đến khi lai kinh, nhất định Tư Thành phải nói lại với hoàng huynh như vậy.

Đêm đó, ông lão neo thuyền cách xa mép nước, nhóm một đống lửa lớn nổi bật giữa màn đêm đen đặc không phân biệt được đâu là trời, đâu là biển. Nhờ đống lửa cháy lép bép ấy, Tư Thành có thể thấy nước triều dâng lên mỗi lúc một gần. Sóng xô trắng xóa vào bờ cát, nghe như một bản nhạc vô tận. Cái đều đặn trong yên bình, tĩnh lặng ấy dường như có gì đó rất riêng. Ôn hòa đấy, vẻ như đơn giản đến đơn điệu nhưng lại làm người ta không hiểu được cho trọn, tùy hứng suy nghĩ miên man trên con nước dập dềnh.

Những chuyện ân ái khi xưa của Thái Tông với hết nữ nhân này đến nữ nhân khác không phải chỉ là ham sắc, vui vẻ của tuổi thanh niên. Ngài đăng cơ khi hãy còn quá nhỏ, bên trong không có mẫu hậu buông rèm nhiếp chính, hẳn nhiên bị đại thần vốn là công thần khai quốc coi không ra gì, nhiều chuyện vì thế không thể tự chủ được. Nhưng chẳng phải khi sủng ái Dương thị lẫn Nguyễn Thị Anh, Thái Tông đã dựa vào đấy để không đại thần nào được lợi từ phía hậu cung, ngấm ngầm góp sức giành lại vị thế cũng như quyền lực của mình hay sao? Từ những chuyện riêng tư như hôn nhân, quan lại mong qua đường ấy để kết thêm bè cánh, gây ảnh hưởng với Hoàng đế, thậm chí thao túng hoàng vị. Quân vương muốn tự mình nắm thiên hạ, muốn xuống tay không phải kiêng nể tình thân thì phải giành cho kì được thế chủ động, hoặc chặt bỏ đi những ràng buộc ấy. Đó cũng là lẽ thường tình. Nhìn qua thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy thực sự cao tay. Điểm này Tư Thành thừa nhận mình phục Tiên đế, thậm chí trong lòng còn thấy hơi tiếc vì người băng hà quá sớm, nên chàng không có cơ hội được nhìn xem, người cha này còn định thao túng, sắp xếp những gì.

- Ăn tối thôi! – Ông lão bưng đến một cái nong lớn, bên trên đặt cái nồi ám muội than đen xì, bốc khói nghi ngút, rồi bảo chàng chui vào trong thuyền lấy ra thêm hai cái bát cùng một vò rượu nếp thơm nồng.

Tư Thành vui vẻ nhấp môi vào bát rượu cay, gật gù tán thưởng thứ rượu ủ này thực sự rất ngon, khác hẳn những thứ chàng từng được uống qua tại kinh thành. Đoạn, chàng để ý ông lão gắp ra cái đĩa sứt sẹo nhưng con gì trông kì quái. Chúng nhỏ nhỏ, có những tua cuốn loằng ngoằng, dưới ánh lửa bập bùng không nhìn ra được màu sắc.

- Đây là đặc sản con ruốc[6] Hoành Bồ[7]. – Ông cụ hào hứng. – Ông phải dặn mấy đứa nhỏ ở nhà đi móc ruốc về hấp với lá ổi. Cháu thử xem, ăn cùng với khế chua là nhất đấy nhé.

[6] Một loại sinh vật biển, tìm thấy ở vùng nước lợ, khá giống con bạch tuộc nhưng nhỏ hơn, ăn đậm đà hơn.

[7] Tên một huyện ven biển An Bang, gồm huyện Hoành Bồ hiện nay và một phần thành phố Hạ Long.

Ngửa cổ uống rượu rồi cười khà khà, ông lão làng chài tỏ vẻ khoan khoái, hài lòng vì vị khách trước mặt. Cậu thanh niên đó ăn mặc tao nhã, dáng dấp với khí chất tỏa ra bét nhất cũng là con nhà địa chủ quen ăn sung mặc sướng. Thế nhưng trước những thứ bình dân, một chút khó chịu, ngại ngần hay so đo cũng không hề có. Cái sảng khoái không câu nệ này thực làm người ta thấy thích. Cơm no, rượu say, giữa tiếng sóng vỗ rì rào, Tư Thành cao hứng rút cây sáo ra thổi một khúc. Tiếng nào cũng trong trẻo, cao vút. Ông cụ lắc lắc mái đầu, dùng hai cây đũa tre gõ vào miệng bát, bắt chước kiểu các cô đào trên kinh gõ phách, ngâm ngợi:

- Lộ nhập Vân Đồn san phục san;

Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan.

Nhất bàn lam bích trừng minh kính;

Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn.

Chàng hạ cây sáo xuống, hào hứng tiếp lời:

- Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc;

Phong ba bất động thiết tâm can.

Vọng trung ngạn thảo thê thê lục,

Đạo thị Phiên nhân trú bạc loan.[8]

[8] Bài thơ Vân Đồn của Nguyễn Trãi

Dịch thơ của Đào Duy Anh:

Đường đến Vân Đồn lắm núi sao

Kỳ quan đất dựng giữa trời cao

Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng

Muôn hộc xanh om tóc mượt màu

Non biển gợn trong tay vũ trụ

Tim gan chẳng núng sức ba đào

Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục

Nghe đấy người Phiên vụng đổ tàu.

Ông cụ bỏ một con ruốc vào miệng, chầm chậm thưởng thức hương vị của nó trong khi ngắm nghía cậu thanh niên đang thêm củi vào đống lửa. Ông vỗ đùi đánh đét một cái, hào sảng:

- Thơ của cụ Trãi hay như vậy, tráng khí như vậy mà triều đình lại tiêu hủy hết, thật đáng tiếc. Hầy, nghĩ lại vụ án Trại Vải… đúng là một câu chuyện buồn. Thôi, uống, uống nào!

Nói đến việc ấy, Tư Thành chợt nhớ hôm nọ, Ngọc Dao có ý nói với chàng đợi thêm một thời gian nữa thì cử người đi tìm tung tích người thân của Ức Trai tiên sinh. Canh cánh mãi trong lòng mẹ chàng vẫn là việc báo ơn đó. Tư Thành hiểu nhưng bản thân cũng từng tự hỏi mình, nếu giờ gặp được những người ấy, chàng và mẫu thân liệu có thể làm được gì cho họ? Cái họ cần lại là thứ đến Hoàng đế cũng rất khó để trao cho. Nghĩ đến đấy thì bế tắc, chàng trai vui vẻ chuyển đề tài, đề nghị:

- Cháu nghe nói thương cảng Vân Đồn rất gần đây? Ở đó có những con thuyền lớn của người nước ngoài thường neo đậu, trao đổi hàng hóa đúng không ông?

- Cháu với mấy thằng cu nhà ông giống hệt nhau. Hiếu kì rồi chứ gì? Chiều ngày kia ông cũng có việc ra đó, ông cháu ta cùng đi!

Hẹn là vậy nên hôm sau, Tư Thành băng qua cánh rừng ven biển, quay ngược vào trong làng, tự coi đó là một chuyến thị sát dân tình. Cát vàng dười chân mỗi lúc một mỏng đi, lộ ra lớp đất nâu quen thuộc. Gió thổi từ ngoài biển vào mang theo vị mặn mòi hòa cùng mùi ngai ngái của lá cây, cuốn tung vạt áo màu hồ thủy. Những tán cây đung đưa. Vi vút là tiếng gió. Bước chân người thanh niên không nhanh, không chậm, cứ bình tĩnh bước về phía trước trong khi bàn tay đã khẽ đặt lên thanh kiếm bên hông, nhẹ nhàng đẩy chuôi kiếm lên. Khi chàng quay lại cũng là lúc một thanh đao giáng xuống lưỡi kiếm, kêu “keng” một tiếng chát chúa.

Mím chặt bờ môi, quét ánh mắt nhìn những tên mặc áo đen, bịt mặt nhảy xuống từ trên cây, kẻ nào cũng lăm lăm vũ khí, chàng từ từ thu kiếm lại, thủ thế. Nếu tất cả cùng xông lên một lượt, đây sẽ không còn là chuyện chơi nữa. Không suy nghĩ nhiều, Tư Thành nhanh bước tới trước, né tránh lưỡi đao rồi vung kiếm lên chém một đường sâu hoắm vào cổ họng tên áo đen đứng trước mặt. Trên mặt, trên cổ áo chàng lấm tấm những chấm đỏ màu máu. Đường kiếm thanh thoát, tiến thoái khôn lường, một mình Tư Thành quần đảo với đám người lạ mặt. Không rõ cao thấp, càng không rõ ai là kẻ đang chiếm thế thượng phong.

- Thật phiền toái! – Chàng lạnh giọng nói, ánh mắt đen không chút lay động khi dùng chân đá kẻ ngáng đường mình lao thẳng vào lưỡi kiếm nhọn hoắt của tên đồng đảng đang xông tới.

Nhanh nhẹn thụp người xuống, đám người hai bên trái phải chưa hiểu sự tình thì thấy hai kẻ cùng bang hội đang xông tới lĩnh trọn hai mũi tên nhắm thẳng vào giữa trán. Mũi tên xé gió vùn vụt lao tới, trong chớp mắt cái vòng tròn xung quanh Lê Tư Thành toàn những xác người. Khóe miệng nhếch lên thành nụ cười nửa chán chường, nửa nhạt nhẽo. Dùng mũi kiếm lật khăn che mặt của một tên, chàng lắc đầu. Toàn một bọn lạ hoặc, võ nghệ chưa phải hàng cao thủ nhưng lấy đông hiếp yếu để đoạt mạng một kẻ thân cô thế cô thì cũng suýt thành công.

- Thần đến muộn, xin điện hạ giáng tội.

Chống mũi kiếm xuống nền đất, người thanh niên ngoái đầu sang bên trái, trên gương mặt hẳn nhiên là một nét cười:

- Việc đã xong, đây không phải lỗi của ngươi. Đúng là nhìn ngươi dùng cung tên đoạt mạng người ta vẫn quen hơn là dùng ám khí như vụ ở chùa Diên Hựu. Đứng lên đi, Ngô Quân. Toán người này không phải tay chân của Nguyễn Thị Anh. Bà ấy biết rõ ta, nếu có ý giết thì sẽ tìm cách khác. Ta thực không hiểu rút cuộc mình đắc tội với ai mà lại vướng vào vụ mưu sát này.

Tư Thành rất cao nhưng người thanh niên mình vận áo lam sẫm, tên Ngô Quân kia còn cao hơn chàng một chút, dáng người khỏe mạnh, vạm vỡ. Đôi lông mày rậm trên gương mặt vuông chữ điền cương trực cau lại, ánh mắt đen lặng như màn đêm nhìn xuống mũi giày của chủ nhân, anh ta thưa:

- Điện hạ, Đông Kinh có biến. Khuya hôm qua, Lạng Sơn vương đột nhập vào Cung thành. Quan gia và Hoàng thái hậu đều đã bị giết hại. Thần vừa biết tin đã lập tức phi ngựa đến đây cấp báo cho người.

Thanh kiếm mới tra được nửa chừng trở lại bao chợt dừng lại. Tư Thành ngẩng lên, không giấu được vẻ sững sờ trong đáy mắt. Hồi sau, chàng mới chầm chậm cất lời, giọng trầm hơn hẳn:

- Hắn dẫn đại quân?

- Thưa không. Thần nghe ngóng được Lạng Sơn vương chỉ có hơn trăm người. Bình thường, hành vi đột nhập với số quân như vậy là liều lĩnh. Nhưng vì toàn bộ cấm binh dưới quyền của Đô chỉ huy Lê Đắc Ninh đều xoay ra giúp đỡ phản tặc cho nên các đại nhân trong kinh cũng trở tay không kịp. Điện hạ, là cấu kết mưu hại.

Ngón tay cái miết nhẹ lên chuôi kiếm, Tư Thành trầm ngâm nghiên cứu những xác chết vây xung quanh mình, chẳng mấy mà đôi mắt lại quay về sự tĩnh lặng, tối thẫm muôn thuở. Phủ tấm vải đen lên gương mặt một kẻ gần đấy, Bình Nguyên vương cất lời:

- Hôm nay mới là mùng bốn… Mẫu thân ta thế nào?

- Sáng nay thần nhận được bồ câu của Ngọc Hồ. Tiệp dư ở chùa Huy Văn vẫn bình an. Nhưng con bé nghi ngờ bên ngoài có người canh chừng. – Ngô Quân dùng cả hai tay trình bức thư cho chàng trai xem – Điện hạ, giờ chúng ta làm gì tiếp theo? Liệu có cần thần báo cho ông ngoại người thu xếp nơi lánh tạm hay không?

Phủi phủi những vết bẩn trên người, Tư Thành điềm nhiên nhìn sang:

- Chưa cần báo, chuyện này ta có thể tự thu xếp được. Bảo em gái ngươi chú ý những việc xung quanh mẫu thân. Kẻ nào cần giết, cứ giết. Xem ra mới chưa đầy một ngày, Lê Nghi Dân đã không ngồi yên được rồi.

Không ngạc nhiên trước kết luận của Tư Thành, càng không ngạc nhiên khi vị chủ nhân trẻ tuổi không hỏi sâu về những diễn biến trong vụ đảo chính ở kinh đô, chàng trai áo lam lặng lẽ đi theo sau Tư Thành, đợi chàng căn dặn. Cả Ngô Quân lẫn Ngô Ngọc Hồ vừa là người trong họ ngoại, vừa là những tai mắt thân tín mà Thái bảo Ngô Từ theo lời dặn của đứa cháu trai tuyển lựa ra. Thời gian hầu hạ kề cận đã lâu, cả hai dù ít dù nhiều cũng đoán được vài phần tâm ý của vị thân vương ấy. Nhưng Ngô Quân không khỏi ngạc nhiên khi Tư Thành ngẩng lên, khóe miệng nhếch thành một nụ cười:

- Chuẩn bị ngựa. Ta lập tức lai kinh, yết kiến tân Hoàng đế!

- Điện hạ, còn những xác chết này?

- Chúng đến không ai biết, ngươi tiễn chúng đi không ai hay cho ta. – Chàng thờ ơ ngoái lại, ánh mắt nhạt nhòa chán ngán. – Việc ra Vân Đồn đành hoãn lại vậy. Thật mất hứng!

Cúi đầu nhận lệnh, Ngô Quân không nói thêm một lời nào. Chàng biết Bình Nguyên vương lạnh tình, không gắn bó, càng không ràng buộc với bất kì ai trừ Ngô Tiệp dư. Đến Thái bảo ruột thịt là thế, dù năm nào Bình Nguyên vương cũng đều đặn về thăm hai bận, nói đủ chuyện giời bể nhưng tình cảm không đầy quá một cái chén nước. Ngô Quân chỉ không ngờ những đoán định xưa nay về quan hệ của Đại hành hoàng đế với chủ nhân mình hóa ra sai cả. Nó vốn chẳng hề sâu sắc như chàng nghĩ.

Ngửa cổ nhìn bầu trời, đáy mắt vị thân vương lấp lánh những ánh nhìn háo hức, thú vị như thể bắt gặp được một thế cờ hay. Nhưng trầm sâu đằng sau liệu còn ý tứ gì hay không, chẳng ai dò ra nổi. Tư Thành tin Bang Cơ, có thể tin Nguyễn Thị Anh nhưng với Lê Nghi Dân thì không bao giờ. Những ngày đợi chàng phía trước, không ngày nào không là một ván cờ sinh tử, chẳng thể nào nửa chơi nửa thật như lúc trước nữa rồi.

Ở Đông Kinh bây giờ, chưa cần bước ra chợ đã có thể nghe được những lời đồn đại về chuyện thay đổi đế vị trong Cung thành. Ông trùm Tuân ngồi xếp bằng trên cái sập gụ, lim dim mắt, nhả ra một bụm khói thuốc lào rồi lè nhè:

- Bà có ngồi xuống không thì bảo? Đi qua đi lại chóng hết cả mặt.

Bà trùm đưa tay vuốt miệng đỏ màu trầu thuốc, túm váy rồi ngồi phịch xuống cái sập, co một chân lên:

- Thời trong cái nhà này chuyện cơm gạo ai lo? Ông tính xem giờ phải làm sao? Mới sáng sớm ra đã gặp phải biến cố thế này thì giời đất nào chịu cho thấu. Tôi đang tính hay mình ra chợ mua ít gạo nước, rau củ, củi lửa dự trữ, nhỡ may mấy bữa nữa có biến thì…

- Phủi phui cái mồm. Bà đừng có rối lên nữa đi. Tôi cũng nhức hết cả đầu rồi đây. Thay đổi quân vương thế này, bao nhiêu quan hệ của tôi với trong cung coi như đổ sông đổ bể rồi còn gì nữa. Lo thì lo cái ấy chứ. Bớt mắm, muối, tương, cà đi. Đàn bà là nghĩ ngắn lắm! – Ông Tuân nóng ruột rung rung đùi, lớn giọng chì chiết.

- Không có con này thì khối đấy mà có cơm hốc vào mồm! – Người đàn bà nguýt dài rồi te te đi vào nhà trong, miệng còn lầm bầm gì đó.

Gõ mạnh cái que điếu xuống sập gỗ, ông Tuân lết đôi guốc lộc cộc ra phía cửa, vung tay đánh mấy cô đào:

- Lại thêm mấy đứa chúng mày nữa. Hóng hớt này! Vào! Sáng bảnh mắt ra không luyện tập thì lấy gì mà bỏ vào miệng? Thời ông đánh cho tuốt xác bây giờ!

Tiếng quát nạt cáu bẳn của ông trùm vọng vào đến cả bờ hồ sau nhà. Hải Triều thở dài, đưa mắt nhìn Kim Oanh. Cả kinh thành mới đấy mà khắp các ngóc ngách đã đồn ầm lên những chuyện li kì về vụ đảo chính của vị phiên vương nào đó đến từ tít tận Lạng Sơn. Lắm người còn quả quyết nhìn thấy bộ hạ của người ấy bắc thang trèo tường thành phía Đông vào cung. Có người còn bảo sớm hôm nay còn thấy thang tre vứt đầy bên ngoài. Mỗi người nói mỗi phách nhưng tựu chung lại, không hiểu lấy tin ở đâu ra mà đều nhất loạt nói rằng, Hoàng đế và Hoàng thái hậu đều đã bị giết chết. Chẳng ai thèm đính chính!

Thời gian lặng lẽ trôi. Thanh âm bên ngoài dù ồn ào đến mấy cũng không ảnh hưởng đến cô gái ngồi bên bờ hồ. Tô Mộc cầm nắm sỏi trong tay, chốc chốc lại lia một hòn xuống làm mặt nước loang những đường tròn đồng tâm, ngân ra mãi, làm xôn xao cả bầu trời nơi đáy nước. Nàng ngồi trên hòn đá xám đung đưa chân, mỗi lần như vậy là mỗi lần sự kiên nhẫn của bản thân bị thách thức. Bình thường đợi dài cổ như thế, thiếu nữ đã bỏ về từ lâu. Vần vò vạt áo trong tay, cô đào cúi đầu xuống thấp. Lê Tuấn là Hoàng đế, Hoàng đế cũng là Lê Tuấn. Người không còn nhưng lời hứa vẫn còn. Thậm chí giả như không có giao kèo ấy, Hải Triều cũng sẽ không bao giờ nói cho Tô Mộc biết sự thật người con bé quen là ai.

- Tô Mộc, muộn rồi, đừng đợi nữa. – Kim Oanh dịu giọng. – Đến tầm này công tử ấy không đến thì chắc là không đến nữa đâu. Vào nhà ăn chè với chị đi.

Những sợi tóc mái phủ qua gương mặt nghiêng nghiêng làm cô đào Oanh nhìn không ra những biểu cảm trên gương mặt ấy, chỉ nghe vang lên một câu rất nhẹ:

- Người đi rồi?

Ba chữ ấy khiến cô gái sành sỏi, trưởng thành không biết phải trả lời thế nào cho đúng, cứ lặng đứng yên đấy mà thôi. Mấy đầu ngón tay gõ nhẹ lên mặt đá lạnh. Mái tóc buộc cao khẽ đung đưa khi Tô Mộc nghiêng đầu. Nàng quay sang, nhún vai:

- Em thực sự là một đứa dại trai. Bị chị Phượng chửi cho cũng đúng lắm. Lần thứ hai trong đời bị cùng một kẻ cho leo cây, có ai ngu như thế không?

Cười hì hì, Tô Mộc bắc loa tay, gào ầm lên:

- LÊ TUẤN! ANH ĐÚNG LÀ MỘT TÊN KHỐN!

Dưới chiếc áo cánh, lồng ngực phập phồng theo hơi thở gấp gáp. Cô gái chớp chớp đôi mắt trong, nhảy xuống khỏi hòn đá rồi khom lưng phủi phủi chiếc váy lĩnh, chỉnh lại sợi dây lưng.

- Không đến nữa thì cũng nên… nói lời tạm biệt chứ!

Mấy lời ấy thoắt đến thoắt đi theo cái bóng như con chim chích. Con bé hất mái tóc dài cột cao ra sau, ngẩng cao đầu rồi nhảy tót ra cửa trước, bỏ về. Kim Oanh sững người, đứng ngẩn dưới bóng lá, không hiểu những điều mình nghe được là thực hay hư.

Dưới hiên, tiếng đàn bầu từng nốt sánh đặc vang lên, chầm chậm ngân ra khiến tứ bề vắng lặng, trang nghiêm mà tang tóc đến run rẩy. Sợi dây tơ đơn độc rung lên theo mỗi lần cổ tay mềm mại của thiếu nữ hạ que gảy bằng tre. Là khúc nhạc đưa tiễn. Kim Oanh vén váy ngồi xuống bên thềm, ôm đàn nhị vào lòng. Cây vĩ miết đi trên sợi dây đàn. Âm thanh như dải lụa màu mỡ gà nhẹ bay trong con gió đông lay lắt, không bắt đầu, chẳng kết thúc. Không lê thê, ai oán. Chỉ có da diết miên man.

Đôi môi màu hồng đào của Đại Kiều mấp máy. Nàng tựa đầu vào cây cột gỗ, ngâm mấy câu thơ rằng:

“Ước gì lan huệ đâm chồi

Ước gì quân tử sánh người thuyền quyên

Ước gì nguyện được như nguyền

Ước gì chỉ thắm se duyên tơ đào…”[9]

[9] Ca dao.

***

Máu đọng trên nền gạch đã khô, sắc liền thẫm lại. Viên quan ngự y khom người lại gần, run run đặt hai ngón tay lên cổ Bang Cơ, hít vào một hơi thật sâu rồi mới ngoảnh lại nói:

- Diên Ninh đế đã qua đời!

- Được rồi, việc của ngươi như vậy là tạm xong. Ta sẽ cho người đến mang xác đi.

Phạm Đồn gật gù cái đầu rồi phất áo bước ra ngoài. Theo sau ông ta là một đám nội thị trên tay bưng những khay gỗ đựng ấn báu. Đến chết có lẽ Dương Đán cũng không bao giờ ngờ được một quan ngự y nhỏ nhoi như mình lại có thể tận mắt nhìn thấy những báu vật biểu trưng cho quyền lực đế vương ấy. Ông còn bàng hoàng hơn khi được thấy kim ấn Thuận thiên thừa vận chi bảo được người ta mang đi. Đó là ấn báu duy nhất được lấy ra khỏi hộp vàng cửu long. Trên thân ấn, trên nước vàng ròng đúc hình rồng uy nghi là màu máu đỏ hãy còn tươi.

Nghiêng ngó canh chừng xem bên ngoài có người lạ hay không, Dương Đán run run lấy tay áo lau mồ hôi rồi lại gần Đại hành hoàng đế. Ông nén hơi thở lại trong lồng ngực khi cẩn thận dùng miếng vải sạch băng lại cẩn thận bàn tay bị thương hãy còn ứa máu của Bang Cơ. Vệt máu kéo dài trên những bản tấu chương, dừng lại trên vị trí ban nãy đặt kim ấn truyền ngôi. Lom khom bước xuống, người đàn ông ngửa cổ nhìn trời rồi nâng vạt áo, phủ phục trên sàn thay cho lời vĩnh biệt không thể nói ra.

Sau án thư, Đại hành hoàng đế ngồi đó, một cánh tay tựa khẽ lên tay ghế chạm rồng ngậm hột châu. Bàn tay kia người đặt trên bàn như thể vừa mới buông bút. Trước mặt ngài, tấu chương hãy còn để mở. Gió đùa làm vài sợi tóc mái phủ xuống gương mặt hơi cúi như say ngủ khẽ bay bay.

Kỷ Mão, Diên Ninh năm thứ sáu (1459), tháng mười, Hoàng đế Lê Bang Cơ qua đời, hưởng dương mười chín tuổi.

Quan tu sử Phan Phu Tiên bàn: Vua lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng mười bảy năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vị vua nhân từ.

Lại xét bài văn bia Mục Lăng, Nguyễn Bá Ký viết:

Vua thần sắc anh tuấn, dáng điệu đường hoàng. Mỗi khi tan chầu tự đến Kinh Diên nghe giảng, mặt trời lặn mới thôi.

Khi tự mình trông coi chính sự thì tế lễ thần linh, truy thờ tông miếu. Với Thái hậu dốc lòng hiếu thảo, đối với anh em trọng nghĩa yêu thương. Hòa thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn sùng đạo Nho, xét những lời thiển cận, nhận những lời can trung, chăm nom chính sự, thận trọng thưởng phạt, coi trọng nghề nông, chú ý nền gốc, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không mê săn bắn, không gần thanh sắc, không ham tiền của, hậu với người, bạc với mình, trong ấm ngoài êm.