Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 23 - Phần 3

Vì việc của Lê Nghi Dân, Khắc Xương ngẫm nghĩ một hồi rồi cũng thuận theo, quay lại cung Tiềm để thêm một lần nữa. Không ngoài mong đợi, Tư Thành trước lời thỉnh cầu của chàng cùng các đại thần chỉ mỉm cười rồi đồng ý ngay việc kế thừa đại thống.

- Em sắp đăng cơ kế vị, chuyện này em là người có thẩm quyền nhất ở đây để quyết định. – Chàng nghiêng người về phía Tư Thành, ngầm ra hiệu bảo em trai mình nói trước.

Không cần suy nghĩ quá lâu, Gia vương nhìn thẳng vào các vị trọng thần đang ngồi trong sảnh chính của cung Tiềm để, dứt khoát cất lời. Không ai nghe ra dù chỉ là một chút tình thân, một chút nhân nhượng trong từng câu, từng chữ.

- Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nay phế Lạng Sơn vương xuống làm Lệ Đức hầu, xử chém để thị chúng, lập lại quy củ, lấy lại công bằng cho Đại hành hoàng đế và Tuyên Từ hoàng thái hậu.

Lời lẽ gọn gàng, lạnh lùng đến cực điểm. Chàng làm những người ngồi trong sảnh chính không khỏi rùng mình. Liếc nhìn vẻ mặt của Lê Lăng, Nguyễn Xí không thể ngăn lòng mình bật cười một tiếng khoái trá. Khí chất của đứa trẻ bao năm nay ông dạy dỗ giờ mới thực là thời điểm để phát lộ hoàn toàn, không thể không khiến người ta sợ hãi mà dè chừng. Vài tiếng xì xầm bàn tán nổi lên, cuối cùng Lê Lăng vẫn là người lên tiếng trước:

- Bẩm điện hạ, dù sao Lạng Sơn vương cũng là huynh trưởng của người, là con trai của Thái Tông hoàng đế, phế bỏ từ tước vương xuống tước hầu rồi đem chém đầu thị chúng e rằng sẽ vạch áo cho người xem lưng.

Nhấp môi vào chén trà, mỉm cười rồi đưa mắt nhìn Thiếu úy, chàng đáp nhẹ nhàng:

- Lúc Nghi Dân bắc thang trèo tường thành cửa Đông, hắn đã không còn tư cách nói mình mang huyết thống hoàng tộc. Một kẻ bức chết đương kim hoàng đế, giết chết Hoàng thái hậu, không coi di chiếu truyền ngôi của Thái Tông ra gì liệu có tư cách để sống hay không? Án này nếu xảy ra trong dân gian đã là điều không thể dung tha thì với người của hoàng thất càng phải nghiêm trị.

Bàn tay đặt lên tay vịn ghế không biết từ lúc nào đã toát mồ hôi lạnh. Cái chết của Bang Cơ làm Khắc Xương dù muốn cũng không thể nhân từ với Nghi Dân, nhưng để nói ra những lời không chút lưu tình như Tư Thành, chàng quả thực không dám. Sự từ chối kia, chàng thực sự chọn đúng rồi.

- Hoàng đệ, anh nghĩ thế này. Pháp luật phải giữ cho nghiêm nhưng đây dù sao cũng là việc nhà, nên tính đến thể diện của hoàng thất. Xuống chiếu bố cáo thiên hạ tội trạng của Lệ Đức hầu rồi ban cho hắn một cái chết lặng lẽ là đủ rồi. Anh biết em không cam tâm với những gì đã xảy ra với Đại hành hoàng đế, nhưng với loại người như Lệ Đức hầu, không cần tính toàn chi li làm gì.

Câu cuối cùng nói ra, trên môi Khắc Xương có điểm một nụ cười nhẹ bởi chàng thấy thấp thoáng mờ ảo trong mắt của Gia vương cuối cùng cũng có chút tiếc thương, uất hận thật lòng. Phất tay áo, Tư Thành nhắm mắt lại trong chốc lát rồi mới hạ lệnh:

- Nếu hoàng huynh đã nói vậy, em xin nghe theo. Thiếu úy Lê Lăng cùng đại nhân Lê Niệm truyền khẩu dụ của ta cho Lệ Đức hầu. Đức Vượng, ân huệ ngươi nhận của Đại hành hoàng đế và quan thị hậu phó chưởng Đào Biểu cuối cùng có thể báo đáp được rồi đấy. Ta ban cho Nghi Dân một dải lụa, ngươi mang đến Thiên lao, tiễn hắn lên đường. Còn về phần Dương thị, giải ả đàn bà đó ra khỏi Cung thành. Thuốc độc, dao găm, lụa trắng, bà ta thích thứ gì thì ban thứ đó, nhưng nhớ trước đó phải kể cho ả chi tiết từng sự việc xảy ra hôm nay.

Trông tà dương dần buông xuống bên ngoài ô cửa sổ nhỏ xíu trổ ra trên bức tường đá, viên hoạn quan cất giọng thúc giục không chút nể nang:

- Phiền Lệ Đức hầu nhanh lên đường để thần còn về bẩm báo lại với chủ nhân.

Phớt lờ bản mặt của tên hoạn quan dám bán đứng mình, Nghi Dân miết tay dọc theo dải lụa thả xuống từ trên xà nhà, bất giác bật cười, cười mỗi lúc một lớn, mỗi lúc một sắc lạnh, mỗi lúc lại thêm oán hận.

- Thật nực cười khi thằng ranh con đó dám giáng con đẻ của Tiên đế xuống tước hầu. Nếu ta có thể là Đông cung thái tử rồi đường hoàng kế thừa ngôi báu… Nếu như lũ các ngươi không mù quáng tin vào mẹ con Nguyễn Thị Anh… Nếu như ta giết Lê Tư Thành và Lê Khắc Xương thì lũ các người đừng hòng đẩy ta lâm vào thảm cảnh hôm nay.

- Lệ Đức hầu, thân là nam nhi đại trượng phu thì không nên nói “nếu”. – Lê Lăng khoanh tay trước ngực, ngước mắt vô cảm nhìn lên – Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bài học này đến lúc chết ngươi cũng không học được sao? Đã đến giờ, mời Lệ Đức hầu.

- Là… thắng làm vua… thua làm giặc sao?

Cuối cùng, cái bóng in trên bức tường xám trong ánh hoàng hôn phủ lên không gian một màu tím thê lương nhạt nhòa cũng thôi giãy giụa. Chuông chùa xa đánh lên nghe tiếng được tiếng mất, lẫn cùng tiếng chim chóc chí chóe nhau thành ra một bản đàn dang dở, đứt vỡ, hỗn loạn rồi lại lặng im. Đức Vượng khe khẽ sụt sịt rồi đưa tay lên chùi hai hàng nước mắt không biết từ lúc nào đã lăn dài trên gương mặt mình. Giữa trán hắn in hằn một rãnh sâu khi đôi lông mày chau lại. Câu nói cuối cùng vang lên rồi tắc nghẹn trong họng Lệ Đức hầu ẩn chứa sự chua cay, phẫn hận và nhất là không chút cam lòng. Chẳng có nhẽ những người bị hắn giết thì cam lòng? Chẳng có nhẽ chỉ mình hắn biết cảm thấy không phục?

Ngày mồng ba tháng mười năm Diên Ninh thứ sáu (1459), chỉ trong một đêm, Lạng Sơn vương đã khống chế Cung thành, giết chết Hoàng đế khi ấy là Lê Bang Cơ, đoạt lấy đế vị rồi tự xương làm vua.

Tám tháng sau, Thiếu bảo Nguyễn Xí phát động binh biến, cùng các huân cựu đại thần đầu triều dấy binh trừ bỏ nghịch tặc tiếm ngôi cùng một trăm tên đồng đảng. Quần thần đem xe kiệu đến cung Tiềm để, đồng lòng tôn Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế. Sau giáng Lê Nghi Dân từ vị trí thân vương xuống làm Lệ Đức hầu, ban lụa bắt phải tự tử. Khi ấy Nghi Dân mới hai mươi hai tuổi.

Tất cả đều diễn ra nhằm ngày mùng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460).

***

Trời đổi gió. Đèn lồng đung đưa, hương sen tản mát, tan tác trên mặt nước hồ Ngọc Liên.

Đứng lặng bên ngoài ngắm nhìn vẻ bồn chồn của người ngồi trong thi đình hồi lâu, cuối cùng thiếu nữ cũng đưa tay gạt tấm mành tre, nhẹ nhàng đi vào. Một lần nữa trong cung diễn ra đảo chính, dân gian loạn lên như cào cào châu chấu huống hồ là chốn quan trường. Mai là đại lễ đăng cơ của Gia vương, ngài ấy đường đường là Lễ bộ thị lang mà giờ này còn đến đây tìm đào hát, thực sự vì quá mệt mỏi nên đâm ra lú lẫn rồi sao?

Ngón tay đang vô thức gõ lên mặt bàn gỗ chân thấp ngừng lại. Phan Tuấn Ngọc ngẩng lên, trên gương mặt thư sinh hiền lành pha lẫn dịu dàng là một nụ cười nhã nhặn.

- Ấm trà thế kia… có thật tôi là khách quen của em không vậy? – Chàng cất lời, vờ như phật ý khi thấy chiếc ấm đất màu nâu nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong tay Hải Triều.

“Cô Kim Oanh bận chút việc nên nhờ em đến tiếp công tử một lát!” – Nàng viết lên giấy mấy chữ rồi bắt đầu bày biện bộ đồ trà cho ngay ngắn. Những cử chỉ nhỏ nhặt cũng làm người đàn ông trẻ trước mặt ngồi thẳng dậy, nghiêm trang và bình tĩnh. Trong không khí là hương rượu nhàn nhạt nhưng khách của nàng tuyệt đối không say.

- Được đích thân Tiểu Kiều hầu trà, xem như tôi có phúc. Lâu rồi không nghe em chơi đàn bầu… hay là chơi cho tôi nghe một khúc đi. Khúc nhạc Ức Trai tiên sinh và bà Lễ nghi học sĩ cùng hợp tấu ấy. – Tuấn Ngọc lịch sự đề nghị, không nài ép nhưng ánh mắt thực sự tha thiết, chân thành.

Chăm chú nhìn biểu cảm của người thanh niên đối diện, Hải Triều thoáng băn khoăn rồi ra hiệu bảo con Lê chạy về giáo phường mang đàn ra. Khúc nhạc như màn đêm không trăng không sao của mẹ, khúc nhạc đem bán buồn thương ấy nàng không tùy tiện gảy cho ai nghe bao giờ nhưng đêm nay, nể mặt chị Kim Oanh, nể mặt cả giao tình lâu năm của mình với Lễ bộ thị lang, que tre mới hạ xuống trên sợi dây tơ.

Có lần, Kim Oanh đã vui miệng hỏi Tuấn Ngọc rằng:

“Công tử cuối cùng cũng bị đại mỹ nhân của giáo phường Khán Xuân hớp hồn rồi sao?”

“Là ngưỡng mộ.”

Phải, mãi mãi chỉ là ngưỡng mộ, chiêm ngưỡng mà thôi vì thực lòng, nhiều khi Tuấn Ngọc thấy Tiểu Kiều không thật. Dù chàng là một trong số ít những khách quan không bị sự tĩnh lặng của cô đào ấy làm khó mà thành ra lúng túng, ngại ngùng, dù chàng được nàng ấy tự tay hầu trà, tự tay chơi độc huyền cầm cho nghe đi nữa… Khách dù quý đến mấy cũng chỉ là khách mà thôi.

Cô em gái được Kim Oanh nhất mực yêu chiều, niềm tự hào lúc nào cũng dâng đầy trong mắt nói cho cùng không phải không có lý do. Tuấn Ngọc nhớ lúc mình hãy còn là một quan ngũ phẩm cỏn con từng dẫn một vị nhạc sư Đại Minh, nổi tiếng tinh thông âm luật đến giáo phường Khán Xuân để người ấy được mục sở thị một phần nhỏ của nền âm nhạc Đại Việt. Dù Đại Minh có thua trên chiến trường đi chăng nữa, trong khẩu khí của người ta cũng không vì thế mà nhún nhường, nhân nhượng, một hai tỏ ý khinh thường, chê bai âm nhạc nước Nam là sao chép, là kém cỏi, tầm thường, không sánh được với nhã nhạc kinh điển của thiên triều. Khi ấy, chính cô bé trước mặt chàng lúc này đã dứt mình ra khỏi sự đắm chìm vào cảnh tượng mùa hè bên ngoài cửa sổ, thì thầm bảo Kim Oanh hát Tì bà hành của Bạch Cư Dị theo lối ca trù cho quan viên được thưởng thức. Quả nhiên khiến không ít người phải bớt đi vài phần mồm miệng.

Cũng trong buổi gặp gỡ ấy, vị khách Đại Minh kia có mang ra cây sáo bằng bạch ngọc cùng mấy cây cổ cầm quý giá của người phương Bắc ra vừa có ý khoe khoang, vừa có ý rẻ rúng chỗ đàn, trống của giáo phường. Xưa nay đa số người Việt chỉ biết đến cây sáo trúc, lần đầu được thấy ngọc quý cũng có thể làm ra nhạc cụ nên không tránh khỏi lóa mắt, trầm trồ. Chưa kể, khúc nhạc người ấy thổi tuy kiêu ngạo, lấn lướt, phô trương nhưng quả thực rất hay, không tìm ra dù chỉ một điểm thiếu tinh tế. Tuấn Ngọc không rành mấy thứ trân châu, bảo thạch nhưng nhìn ánh mắt của ông trùm Tuân vốn là người sành đồ quý hiếm, xem ra cây sáo kia quả thực là món đồ không tầm thường. Ngoài miệng phải giữ lễ mà khen ngợi, tỏ ý muốn học hỏi thì trong bụng, chàng vẫn mong có thể dạy cho lão già kiêu căng kia biết nên cúi bớt bản mặt hắn xuống. Trước những lời xã giao của Tuấn Ngọc, của ông trùm, vị nhạc sư người Đại Minh ngửa cổ, nói rất lớn bằng tiếng Việt rằng:

“An Nam muốn học hỏi bản quốc ư? Còn lâu, lâu lắm mới từ bùn lầy mà thành thượng phẩm được!”.

Mặt vài người đã tối sầm lại. Môi vài người đã mím chặt. Tiểu Kiều chăm chăm nhìn vào cây sáo, lắng tai nghe hết khúc nhạc rồi tự nhiên vỗ tay, tỏ vẻ tán thưởng. Nàng cất lời khiêm nhường, nhã nhặn, trên môi lại còn mỉm cười nhưng cả gương mặt vẫn là một nét lạnh lùng cố hữu:

“Quả nhiên quý quốc không thiếu nhân tài, không thiếu những món đồ tinh xảo, giá trị liên thành. Ngọc đã quý đương nhiên cây sáo làm ra sẽ phải là món đồ bậc nhất. Bản nhạc đại nhân vừa tấu lên âm trong mà sắc lạnh, nghe thôi đã thấy quý hiếm, tráng lệ rồi, khiến con vừa mê mẩn vừa sợ hãi. Sợ hãi vì nó lộng lẫy quá, hoành tráng quá, rất xứng với vị thế của Đại Minh. Sừng sững thì phải như Vạn lý trường thành mà tỉ mỉ, kỹ lưỡng thì phải sánh với những bài phú của Tư Mã Tương Như. Thật làm cho người ta phải đứng xa chiêm ngưỡng, thán phục.”

Đôi mắt như dòng sông lững lờ trôi lấp lánh ánh sáng như một buổi sớm mùa xuân, nàng vui vẻ nói thêm:

“Còn, người Đại Việt quanh năm mải lo cày cấy, còn phải đánh đuổi cái lũ người cứ dăm bữa nửa tháng lại muốn thò chân xuống phương Nam nên chỉ có thời gian làm ra một cây sáo trúc thổi chơi thôi. Âm sắc giản đơn, nhàn và mộc, hợp với tất cả người trong thiên hạ. Ai cũng có thể thổi để trải lòng, ai cũng có thể nghe, thế là vui rồi. Thứ nhạc lý đó đâu so được với cả nghìn năm văn hóa phương Bắc. Trên đời trăm hoa, đâu ai dám nói sen đẹp hơn hay mẫu đơn đẹp hơn. Nhạc trăm điệu, hơn kém cũng bằng một chữ ‘cảm’ mà thôi. Nhờ đại nhân mà hôm nay con đã hiểu thêm được câu tri nhân giả trí, tự tri giả minh[4] của Lão Tử rồi!”

[4] Trích từ Đạo đức kinh của Lão Tử. Nghĩa là: Biết người mới là trí, tự biết mình mới là sáng.

Lời nói cung kính, khiêm tốn lại vờ vịt tự ti, đến khi nhìn thấy ánh cười trong đáy mắt của thiếu nữ mười lăm tuổi năm ấy, Tuấn Ngọc mới hiểu hết hàm ý trong tám chữ tri nhân giả trí, tự tri giả minh kia. Một cô nàng đáo để, chắc chắn vô cùng đáo để!

- Ngày mai là đại lễ đăng cơ của tân đế, chẳng hay Lễ bộ thị lang có việc gì gấp mà phải đến tìm Kim Oanh?

Giọng nói của cô đào cất lên cắt đứt dòng suy nghĩ của Tuấn Ngọc, cắt ngang bản đàn của Hải Triều. Xưa nay, chị không bao giờ làm vậy khi khúc nhạc còn chưa kết, xem chừng tâm trạng Đại Kiều hôm nay không tốt rồi. Đặt cây đàn bầu sang bên, thiếu nữ đứng dậy, khom người tính lui ra. Dưới ánh sáng mờ nhạt của những ngọn đèn, dường như nàng thấy ánh mắt công tử chợt trở nên hỗn loạn, phảng phất nét thê lương rất thi sĩ.

- Ngọc Huyên, em muốn quay lại đội nữ nhạc cung vua không? Chuyện em không nói được không thành vấn đề. Tôi đang cần những người thông hiểu nhạc lý, sách vở như em. – Chàng lờ đi gương mặt của người con gái đứng đối diện, dường như chỉ chờ đợi cái gật đầu của thiếu nữ.

“Để em suy nghĩ thêm. Công tử, trà em pha không thể ngon bằng trà của cô Kim Oanh, cậu từ từ thưởng thức đi!” – Nàng xoay người, viết lên giấy mấy chữ rồi dúi vào tay Tuấn Ngọc, mỉm cười dịu dàng. Ngay từ lúc bước vào thi đình, Hải Triều đã hiểu cả, nàng đâu có ngốc. Cả Lễ bộ thị lang và chị Kim Oanh muốn lôi nàng vào giữa họ để không phải đối mặt với nhau mà thôi.

Đi đến khúc ngoặt, cô gái bị một người bịt miệng, kéo tay lôi vào một góc. Lúc trấn tĩnh lại, dưới ánh sáng nhạt nhòa hắt ra từ ngôi đình, nàng thở phào khi thấy chị Phượng. Ban đầu, Hải Triều chỉ nghĩ cô Phượng muốn hóng hớt chuyện riêng của Kim Oanh nên kiên quyết không muốn tham gia vào. Đến khi cô đào một mực không buông tay, lôi lôi kéo kéo nàng đến núp sau cây ngâu rậm rạp, giọng nói thản nhiên ẩn chứa niềm vui mừng giả dối của Kim Oanh truyền đến trong gió:

- Đại nhân, em có chuẩn bị rượu Mơ, xin kính ngài một chén. Thiệp hồng em đã nhận được nhưng với thân phận này, không nên xuất hiện ở hôn lễ của ngài thì hơn. Kim Oanh mượn trà thay rượu, chúc ngài trăm năm hạnh phúc.

Trong đôi mắt đen như nước hồ xao động của nàng là vẻ mặt cam chịu, ánh mắt nặng nề của cô Phượng. Hải Triều đi theo chị Oanh bao lâu thì cũng biết đại nhân Tuấn Ngọc lâu từng ấy. Trong giáo phường đồn đại nhiều chuyện li kì, trong đấy không thể không nói đến mối nhân duyên của hai người họ. Nghe đâu hồi trước, người ấy vì mê tiếng đàn của cô Kim Oanh nên mới đánh bạo làm quen. Lúc ấy, chị đã chút tiếng tăm nên không ai hiểu vì sao lại nhìn trúng anh học trò bình thường kia, để người ấy trở thành khách quen của mình. Thậm chí, chị còn quả quyết đánh cược với các đào nương trong giáo phường rằng, Phan Tuấn Ngọc nhất định sẽ làm nên công danh sự nghiệp. Những khúc nhạc đại nhân Tuấn Ngọc soạn ra, địa vị từ chức quan lục phẩm ở ty giáo phường thăng lên vị trí Lễ bộ thị lang quả nhiên là đáp án viên mãn nhất cho những điều Kim Oanh dự đoán.

Chén rượu run run trong tay người cuối cùng cũng cạn. Đôi môi đỏ màu son vẽ thành nụ cười hoàn mỹ, tuyệt đẹp. Giữa tĩnh mịch là thanh âm của khúc Ngọc nữ. Không rực rỡ, không huyễn hoặc, chỉ có nuối tiếc ngẩn ngơ khi giấc mộng đã tàn. Hải Triều thừ người, ngồi bệt xuống nền đất, cánh tay bị Phượng kéo về phía mình để ngả đầu lên. Bốn con mắt đăm đăm, đờ đẫn nhìn màn đêm phía trước. Chị thì thầm: “Tẹo nữa em ở lại với chị Oanh nhé. Đừng để chị ấy một mình!”. Một người vì đã từng yêu nên nhìn ra cái đắng cay mà vẫn mỉm cười tươi tắn trong từng cung đàn. Một người tuy chẳng muốn biết ái tình là gì nhưng rồi cũng vẫn buộc phải nhìn cho tỏ. Đào nương đợi người không coi họ như những món đồ trang trí, điểm xuyết trong những buổi yến ẩm xa hoa, đợi người có thể nghe lời họ hát. Văn nhân lại chờ một người không cần đến lời nói mà chỉ qua thanh âm đã có thể nhìn thấu nỗi lòng. Tiếc rằng…

- Đại nhân…

- Trước giờ nàng không gọi ta như vậy! – Chàng trầm giọng nói, trên khuôn mặt chỉ có sự tĩnh lặng, u buồn.

- Công tử. – Kim Oanh nhìn lên, run run lấy khẩu trầu vẫn ém trong dải yếm đặt vào bàn tay chàng trai trước mặt, chầm chậm khép những ngón tay chàng lại, – Ngài đã có gia đình, sau này chúng ta không nên gặp nhau nữa. Công tử buông tay, em cũng buông tay, mọi điều xin cứ để lại trong khúc Ngọc nữ. Giờ muộn rồi, mai còn đại lễ đăng cơ của thánh thượng, người nên về thôi.

Tiễn nhau vạn dặm rồi cũng có lúc phải nói lời từ biệt. Khi ánh mắt lưu luyến, thẫn thờ cùng tà áo người ấy lướt qua bờ vai gầy, đôi môi run run của cô gái cất thành tiếng hát:

- Người về em dặn mấy lời. Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua…

Cái bóng nhạt tràn xuống bậc cấp nhưng nam nhân không hề ngoái đầu. Tuấn Ngọc đứng dưới thềm, cả gương mắt ẩn sau bóng tối, chỉ nghe thấy chàng đọc mấy câu thơ đáp lại:

- Mình về, mình nhớ ta chăng

Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười

Năm quan mua lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc… tiếc người răng đen…[5]

[5] Ca dao.

Một dòng nước lặng lẽ chảy qua bờ môi mím chặt, nóng hổi rồi lại lạnh giá, mặn chát rồi lại hư không, vô vị, nhạt nhòa. Kim Oanh không biết mình đã ngồi trong thi đình bao lâu, không biết ấm trà đã nguội lạnh từ khi nào, rồi tại sao đêm hè xanh lam dần ngời lên sắc tím hồng của buổi ban mai. Cuối cùng, một vòng tay mềm mại ôm siết lấy tấm lưng đã cứng đờ của nàng, bên tai là giọng nói rất nhẹ, êm êm như một dòng nước mát:

- Ngài ấy thực lòng yêu chị, bao nhiêu năm nay đã luôn như vậy. Có trách thì trách hữu duyên vô phận, trách ông Tơ bà Nguyệt keo kiệt, nhất quyết không se một sợi chỉ hồng.

- “Bao nhiêu năm nay” sao? – Kim Oanh bật cười, khẽ nhắm mắt lại. – Tiểu thư, chẳng phải cô nói với em, trên đời chỉ có người chết mới có thể chung tình sao? Yêu thương kia rồi cũng chỉ như mây trôi gió cuốn mà thôi.

Hải Triều sững người, đôi lông mày từ từ cau lại. Khi những lời ấy từ miệng nàng nói ra, nàng không hề thấy nó lạnh lùng, nghiệt ngã. Nhưng lúc được người khác nhắc lại, nàng chợt nhận ra mình độc mồm độc miệng, ác khẩu đến thế nào. Áp má mình vào nước da láng mịn, thơm mùi hoa mộc ngòn ngọt của cô gái, hàng mi hơi rủ xuống, nàng thì thầm:

- Ít nhất chị cũng có một đoạn ân tình. Giờ được chọn lại, chị có chắc sẽ không gặp ngài ấy hay không? Cây đàn nhị kia chị còn muốn nhìn thấy nữa không?

Cần đàn bằng gỗ đặt tựa vào mép bàn, bên cạnh chén nước là cây vĩ thân thuộc theo Kim Oanh đã nhiều năm. Để yên cho Hải Triều giúp mình lau nước mắt, nàng chăm chú nhìn, chẳng cần cố gắng cũng có thể thấy hình ảnh chàng tấu lên bản nhạc từ cây đàn ấy. Kim Oanh nói khẽ:

- Sao lại không muốn nhìn thấy nữa? Chị còn phải dùng nó để chơi khúc Ngọc Nữ cơ mà!

Đào nương cũng là con gái, biết khóc, biết cười. Có điều, khóc rồi thì lau nước mắt mà đứng dậy vấn tóc, tô son, hát cho người, hát cả cho mình. Sầu thương, bi lụy là kẻ thù của nhan sắc. Ả đào sống bằng giọng hát, bằng tiếng đàn, bằng cả dung mạo nữa mà. Buồn lâu làm gì cho nhan sắc tàn phai, đến mình nhìn vào gương còn thấy chán thì bảo ai yêu, yêu ai cho nổi.

Lặng lẽ bước sau Kim Oanh, Hải Triều ngước mắt nhìn bầu trời nhuộm màu hồng cam tuyệt đẹp, ôm siết cây đàn bầu trong tay mình, miết nhẹ ngón tay dọc theo sợi dây tơ mảnh. Mười năm. Nàng rời khỏi nơi có mẹ, có Lương Thế Vinh, có Lam Ninh đã gần mười năm. Nhiều việc chưa làm xong, không chắc có thể làm xong hay không nhưng lại có thể hiểu ra được vài điều có ích. Mỗi chuyện đã qua chưa bàn hay dở, cũng như một thanh âm điểm vào thế giới tĩnh lặng của Hải Triều, để cho nàng cũng có trong tay chút gì hoài niệm.

Vuốt nhẹ mái tóc mềm như tơ của thiếu nữ, Kim Oanh cúi xuống, trầm giọng nói:

- Hoa của đời người con gái vốn chỉ nở một lần. Khi hoa xuân khoe sắc, nếu có thể tìm được một người ngơ ngẩn ngắm nhìn, có khi thế đã là đủ rồi. Nhưng với em, chị lại thực sự cầu mong có ai đó đưa tay ra đón lấy đóa hoa ấy lúc lìa cành, sắc tàn phấn rụng. Sống đến lúc đó, được không?

Hết phần 1