Đợi một loài hoa nở - Quyển 2 - Chương 06
Chương 06: Người lạ tựa đã quen
(Ảnh: Internet)
Ngày đầu xuân đi chùa bái phật hôm nay có mẫu thân, Mai Hại Du ca ca, Mã Phong, tôi cùng Lệ Na. Phụ thân phải ở lại Mai gia tiếp khách làm ăn của người hằng năm đến chúc Tết nên không thể đi cùng. Chuyến đi này vì chờ đợi tôi mà thời gian chuẩn bị rồi ngồi xe ngựa tới chùa kéo dài hơn mọi năm, khi đặt chân đến nơi cũng đã quá ngọ. Nhưng đổi lại được đến nơi an toàn cũng đủ làm tôi thấy vui mừng ở thời kỳ không có an ninh như bây giờ.
Ngôi chùa chúng tôi đến là một ngôi chùa Phật giáo của Thiền tông nằm ở phía Bắc-Tây thành Lâm An [thủ đô của nhà Nam Tống (1126-1276), nay là Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang,] hùng vĩ ngự trị trong thung lũng dài và hẹp dưới chân núi Phi Lai Phong, cái tên này có nghĩa là “nơi gió tụ về”. Nơi đây cách Mai gia cũng không xa, khoảng năm dặm về phía Tây Hồ. Mấy người chúng tôi chầm chậm leo từng bậc thang một. Hai bên lối đi ngập tràn những góc đào khoe sắc sánh tựa chốn bồng lai, hoa đào nở trong gió xuân, nắng gắt đưa mùi hương nồng nàn bay vào cánh mũi, thơm đến ngỡ ngàng!
Lệ Na bảo với tôi đây là tu viện lớn nhất và giàu có bậc nhất của nước nhà. Do chưa quen nên tôi lại không nghe ra được tên của ngôi chùa này. Lòng thầm trách bản thân một chút, rốt cục tôi cười cười, phất tay cho qua: “Muốn học phải từ từ, bất kể cái gì cũng cần thời gian”. Ở hiện đại, tôi đã tìm hiểu các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của các nước bạn qua tivi, qua internet, chứ chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến như thế này. Nó làm lòng tôi cứ rạo rực, lâng lâng mãi. Tôi bước chậm mấy bước để thu hết quan cảnh kỳ vĩ vào trong tầm mắt. Nhìn từ cổng vào đã thấy ấn tượng với những pho tượng phật chạm khắc vào vách núi một cách công phu tỉ mỉ không bỏ sót bất cứ chi tiết nào, hoàn hảo đến mức làm tôi choáng ngợp. Lối vào chính điện nấp dưới hàng cây tán xum xuê, vừa cổ kính lại vừa lãng mạn khiến tôi như lạc vào chốn tiên cảnh, vương vấn không muốn quay về.
Chỗ mẫu thân dẫn mấy người chúng tôi vào bái phật thật đông đúc, người người chen nhau không khác gì ở hiện đại. Ai ai trên gương mặt rạng rỡ, trong ánh mắt đều tràn ngập niềm tin. Có lúc chen lấn, lỡ giẫm phải chân các cô nương khác, thay vì đáp lại bằng ánh mắt thù hằn, các cô nương ấy lại trao cho tôi những cái gật đầu đầy thân thiện. Tôi dần nhận ra được sự gắn kết, sự thân thiết tỷ lệ nghịch với sự phát triển xã hội. Lối sống xô bồ đem chúng ta xa nhau, xa hoa đua đòi ganh ghét hơn thua bóp chết bản chất tốt đẹp của con người. Tại đây không có công nghệ, khoảng cách con người dường như càng ngày càng ngắn lại. Mọi người có thể quây quần, tề tựu bên nhau, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau đi lễ, đi chùa, đi đến những nơi yêu thích và chia sẻ những lời chúc ấm áp ngày đầu năm mới. Những giây phút hiếm hoi quý báu mà tôi không sao tìm được ở các gia đình ngày nay. Nghĩ mà thấy đau lòng, những lần sum họp ở hiện đại, chỉ vẻn vẹn đôi ba câu qua loa hỏi thăm nhau rồi thắp vội vài nén hương cho tổ tiên gọi là tưởng nhớ. Quanh đi quẩn lại, kết quả trói mặt mình vào màn hình điện thoại, thi nhau cười vui với những thỏi sắt vụn vô tri. Thật là nhạt nhẽo, thật là lãng phí!
Tôi cùng mọi người lễ phật hơn một canh giờ thì xong. Nghi thức cũng đơn giản, bái phật từ ngoài vào trong, sau đó là quỳ ở chính điện sám hối, tiếp theo là nghe sư trụ trì thuyết giảng, cuối cùng mọi người được phép dùng bữa chay. Mẫu thân đang trò chuyện cùng sư trụ trì, mọi người cũng đang rất rảnh rỗi, đều đã đi tìm chỗ nghỉ ngơi. Tên mã Phong thì luôn đi kế bên mẫu thân, để săn sóc cho người. Tôi chẳng màng Mã Phong hắn nói nhăng nói cuội hay thậm chí còn nói những lời khi dễ tôi. Câu nào nghe được hiểu chút ít có vài phần khó chịu, câu không nghe được kể như hắn đang mắng chính mình. Chốc chốc tôi lại ngó sang nhìn trộm Mai Hạ Du để xem huynh đang làm gì. Huynh lại lặng lẽ tựa cột tròn, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong sân chùa. Tôi đã mỏi chân rã rời, liền không thể chịu được đau nhức khi mang hài gấm thêu hoa vừa chật, vừa bí, đành ngồi xuống nghỉ trên bệ đá cạnh một góc non bộ thật lớn phía tả sân, nơi có thể nhìn thấy toàn cảnh chính điện nguy nga cổ kính.
Tôi kéo tay Lệ Na, bảo muội ngồi cùng. Lệ Na ngồi xuống, nắm tay tôi, cứ ngó qua thăm dò. Muội sợ sức khỏe tôi chưa khá lên được, đi lâu sẽ mệt, nhẹ nhàng nới lỏng tay, hỏi nhỏ:
- Tiểu thư, tỷ có mệt lắm không?
- Tỷ không mệt, vì hài này không thoải mái, làm chân tỷ khó chịu!
Lệ Na nghe tôi than lập tức đứng phắt dậy, tôi liền kéo tay muội lại:
- Muội đi đâu vậy?
- Muội tìm cho tỷ một đôi hài khác thoải mái hơn!
- Nha đầu ngốc! Không cần đâu. Ở đây là chùa làm gì có ai bán hài.
Lệ Na ngang bướng không nghe:
- Muội cũng không biết nữa, nhưng mà muội đi một lát về ngay!
- Này! - Tôi ngăn cũng không kịp, liền lắc đầu nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn của Lệ Na thoăn thoắt chạy đến các gian hàng trong sân chùa gần cổng vào, miệng mắng yêu một câu. - Đồ nha đầu ngốc!
(Ảnh: Internet)
Tôi ngồi đó, rảnh rỗi đến mức không có gì làm, hết cởi hài ra lại mang vào, thấy chán, tôi giơ tay chậm mồ hôi trên trán, đầu nghiêng nghiêng thuận mắt ngó lên tấm biển đọc nhẩm ba chữ sơn son thếp vàng khỏe khoắn:
- “Tự Ẩn Linh”… “Tự Ẩn Linh”… - Lẩm bẩm độ dăm ba lần, trong đầu chợt lóe lên, tôi vỗ đùi một cái rõ to, reo vang. - Thì ra ba chữ này là “Linh Ẩn Tự”! Thứ tự đọc phải là từ phải qua trái. Mai Cô, mày ngu lắm!
Nếu Ngôi chùa này là Linh Ẩn Tự thì chẳng phải có Tế Công phật sống trong truyền thuyết sao? Nếu mà có đi nữa, ở thời điểm năm Thuần Hy thứ nhất đời nhà Tống cũng chưa chắc là giai đoạn Tế Công đang học phật ở chùa Linh Ẩn. Muốn gặp được ngài để xem xem có đúng như trên phim truyền hình mà ngày còn bé vẫn cùng bà coi hay không lại là một chuyện khó khăn. Tôi nghĩ rồi lắc đầu, bật cười cho mong ước trẻ con kia của bản thân rồi bất ngờ nhận ra Mai Hạ Du đã đứng dưới mái vòm. Huynh ngó lên tấm biển sau đó ngó qua chỗ tôi ngồi đến mấy lượt, cuối cùng lấy tay che miệng cười thật nhẹ, vừa như muốn như không để tôi nhận thấy thái độ nhạo bán của huynh. Bấy giờ tôi chỉ còn biết cúi thật thấp để tránh ánh mắt ấy.
(Ảnh: Internet)
Rất lâu đến khi cổ mỏi, tóc tai rũ rượi phủ xuống hai bên má trông lếch thếch, tôi mới ngẩng đầu lên, thì không thấy Mai Hạ Du đâu nữa. Tôi hết quay trái quay phải tìm huynh, đều chẳng thấy. Vừa hay, tôi trông ra phía sau hòn non bộ, có một người nam mặc áo gấm đen thêu một đóa hoàng mai đang nở rộ, dưới nắng vô cùng mỹ lệ. Nhưng cử chỉ vị huynh đài này rất lạ, không giống với những người khách tứ phương lên chùa để bái phật cúng dường mà cứ lấp la lấp ló như đang cố ý theo dõi tôi. Điều đáng nói là gương mặt huynh ấy chẳng những rất quen mà còn mang theo sự thân thuộc và an toàn khi vô tình chạm phải ánh mắt kia. Đôi mắt phượng dài và sắc nét, con ngươi nâu long lanh phớt nhẹ nắng ấm ban mai ẩn dưới hàng lông mày ngang rậm nhưng có đường lối rõ ràng. Gương mặt ấy đã rất gần trong tầm mắt, tôi không dám nhìn lâu, liền quay sang chỗ khác, trong đầu đang cố nhớ ra xem đã gặp qua ai như vậy chưa. Tôi ngồi đó nghĩ rồi lại nghĩ, thình lình tôi thốt lên:
- Phải rồi! Mẹ, mẹ của mình! Sao lại giống như vậy được?
Lập tức huynh ấy không nói không rằng, bước đi thật nhanh. Tôi bất chấp chân bị phồng rộp, đau nhức, liền loạng choạng đứng dậy, chạy theo, vừa chạy vừa gọi:
- Này, huynh đài ơi! Cho tôi hỏi thăm, xin huynh dừng bước! Này, huynh có nghe tôi gọi không? Này, cho tôi hỏi thăm một chút thôi, huynh đừng chạy mà!
Tà áo gấm đen thêu hoa vàng mơ màng như một cơn mê, phất ngang qua trước mắt, nhanh như cắt, rẽ ngoặt qua các ngã đường quanh co dẫn ra khỏi chùa, lúc ẩn, lúc hiện, thấp thoáng qua các vách đá chạm khắc sừng sững, rồi thoắt cái lại không thấy. Đâu đó xa xa còn nghe tiếng bước chân người chạy lúc mau lúc thưa văng vẳng dội lại trên vách núi đá rồi im bặt. Chỉ còn tiếng nguyệt cầm cất lên không tròn âm, vút cao, cao mãi trên nền trời xa tít. Tiếng nhạc dường như thật quen cũng dường như thật lạ, dạo lên những nỗi lòng dấu kín, những ưu tư không ai hiểu, không ai có thể giải bài. Tôi đang say vào trong khúc nguyệt cầm, chân không tự chủ, chạy loạn một vòng lớn, rất lâu, rất lâu! Không còn một dấu vết nào của vị huynh đài mặc áo gấm đen thêu hoa vàng nữa.
Tôi mệt lữ, thở đứt quãng, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm bộ y phục đẹp, còn đôi bàn chân đau rát đến nỗi không thể bước tiếp. Cuối cùng đành đứng lại một nơi không biết là nơi nào, chỉ biết trời đã nhá nhem tối, gần xa chẳng còn nghe được tiếng chuông chùa theo gió chiều đưa lại. Âm thanh hỗn tạp của lũ côn trùng không biết tên ngày một lớn dần, dày đặc lấn át cả dãy núi, len lỏi vào trong xương tủy làm lạnh lẽo khối óc cứng rắn nhất còn sót lại trong tôi.
Tôi thở ra mấy hơi, chống tay cố gượng trên vách đá để lấy sức và định hình lại quãng đường đã đi qua để tìm lối trở về. Tất cả đều vô dụng, xung quanh bóng tối bao trùm, lọ mọ mãi cũng không biết hướng nào là hướng nào. Lê chân được một lát, đôi chân lại không nghe lời, những bọng nước phồng rộp bắt đầu vỡ miệng, ướt át, rát đến nỗi nước mắt trào ra ngoài. Tôi vừa mệt vừa sợ, vô lực ngồi phục xuống đất, cắn môi khóc thúc thích. Tôi thu người lại, bó gối nhìn trời qua điệp trùng vách đá cheo leo như nâng màn đêm lên cao mãi.
Mỏi cổ, gục đầu vào giữa hai gối, lòng trách bản thân mình: “Mai Cô ơi là Mai Cô! Mày thật là ngu quá mức! Đang yên đang yên đang lành ở nơi lạ lẫm này, không biết an phận mà cứ thích gây rắc rối! Giờ thì hay rồi, có chết ở đây cũng không ai biết!” Tôi nghĩ đến từ “chết”, nước mắt không tự chủ mà ứa ra mặn đắng. Tôi đã nếm trải nó, đã vượt qua nó, cảm giác chết thật không dễ chịu chút nào! Bây giờ, tôi vô cùng hận vị huynh đài áo gấm đen thêu hoa vàng kia, tại sao lại giống mẹ đến vậy? Nhưng rồi tôi lại hận bản thân gấp bội, nếu không vì tính tò mò, đường đột thì tôi đâu phải khổ như thế này. Tôi không khóc nữa, có khóc cũng vô ích, sự thật vẫn là sự thật. Ba mươi Tết tối qua tôi vẫn là tôi đường đường chính chính, vậy mà hôm nay lại phải sống nhờ thể xác Mai tiểu thư, mặc dù bề ngoài tương đồng nhưng tôi vẫn thích là tôi của trước đây, một cuộc đời bình lặng giản đơn. Còn bây giờ, con người này, thời không này làm tôi rối bời, bấn loạn. Phải chi lúc này được ôm mẹ mà than với mẹ rằng tôi muốn bỏ cuộc, muốn được sà vào lòng mẹ mà chùi hết nước mắt nước mũi vào trong áo mẹ, mãi mãi ở bên cạnh mẹ không bao giờ đi đâu nữa cả. Tôi cứ ước, rồi ngã đầu vào vách đá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
(Ảnh: Internet)