Dưới Đóa Hoa Hồng - Chương 116
Dưới Đóa Hoa Hồng
Chương 116
Tuần trăng mật tân hôn kết thúc, Tạ Âm Lâu về Lịch Thành định cư. Hơn nửa năm nay cô đã chạy khắp các viện bảo tàng thêu dệt lớn, dọc đường gặp được phong cảnh tuyệt đẹp thì vẽ lên giấy, khi ghé qua Biệt Chi Phường thì bế quan nghiên cứu, không nhận thêm bất cứ chương trình nào nữa.
Cuộc sống của cô yên bình trở lại, thỉnh thoảng rảnh rỗi thì pha ly trà ngồi trước cửa sổ nhìn Thang Nguyễn hoan nghênh những người hâm mộ vì nghe danh tiếng mà đến, nhiệt tình giới thiệu một số tác phẩm thêu trong cửa hàng.
Mùa hè đến, Thang Nguyễn nuôi chú mèo lông cam trong sân, đặt tên là Tiểu Nhung Cầu.
Tiểu Nhung Cầu thích nhất nằm ngủ say dưới tán tường vi rải sắc hoàng hôn, Tạ Âm Lâu thấy nó quá mềm mại quá đáng yêu bèn lấy dáng vẻ Tiểu Nhung Cầu thêu thành chiếc khăn tay hai mặt, rồi để ở trong cửa hàng tặng cho khách hàng có duyên phận.
Nơi ở của cô không còn là căn chung cư trước khi kết hôn nữa, cô chọn sống ở biệt thự Hồ Đảo.
Phó Dung Dữ bày trí lại biệt thự một lần nữa, tất cả đều là theo sở thích của cô. Thường sau khi bàn chuyện làm ăn xong anh sẽ tự mình đến đón cô về.
Ánh đèn trong biệt thự đều là tông màu ấm, sàn nhà trải thảm nhung kéo dài đến trước cửa sổ sát đất, lụa trắng nhẹ nhàng phấp phới theo gió đêm, bên ngoài còn trồng một cây hồng lấy quả.
Tạ Âm Lâu ăn xong cơm tối thì ngồi trong phòng khách mở cái hòm gỗ ra.
Trong hòm cất giữ vật phẩm Phó Dung Dữ thu được trong buổi đấu giá tuần trước, một bức là tranh thêu màu Đan Thanh, tên là Giang Nam Quế Vũ.
Anh chuẩn bị quyên tặng nó cho viện bảo tàng, lấy về nhà cho cô thưởng thức trước.
Một bức khác là bức bình phong thêu nhỏ. Lúc đưa đến, thư ký có nói: “Phó tổng nói, thơ cổ trên bình phong có tên của bà chủ nên đã lấy nó.”
Hàng mi cong dài của Tạ Âm Lâu rủ xuống, mượn ánh đèn thưởng thức ở khoảng cách gần trong chốc lát, phát hiện ra phía bên trái bức bình phong tinh xảo có thêu một dòng thơ: Thanh sơn tịch tịch thủy du du, độc tọa hoàng hôn nguyệt thượng lâu (Núi xanh vắng vẻ con nước xa vời, ngồi một mình lúc trăng chiều lên lầu) Nhất điểu bất minh nhân tích nguyệt (Không một tiếng chim hót người không còn xuất hiện)... Sạ văn thiên lãi tự nghênh thu. (... Thoạt nghe âm thanh thiên nhiên tựa như đang cất tiếng chào thu.) Cô mỉm cười, ngón tay thon gầy trắng trẻo đóng hòm gỗ lại, đứng dậy ôm vào phòng sách.
Phó Dung Dữ xã giao xong trở về hơi muộn, vừa vào nhà thì nhìn thấy Tạ Âm Lâu đã tắm xong đang mặc một chiếc váy ngủ hai dây đứng trong phòng bếp chuẩn bị bữa ăn khuya cho anh, vai lưng và cánh tay thon gọn trắng như tuyết, tóc búi lên lộ ra nửa sườn mặt.
Anh dừng bước, đứng dưới ánh đèn quan sát thật lâu.
Bất kể là nhìn như thế nào, Tạ Âm Lâu cũng thật sự xinh đẹp, tựa như hai người chưa từng hẹn hò yêu đương.
Nghe thấy tiếng động, cô xoay người đi ra, đầu ngón tay còn đang ôm cái chén đã chạy về phía anh: “Anh về rồi!”
Phó Dung Dữ một tay ném áo vest đi, ôm chầm lấy vòng eo nhỏ gọn được lớp vải lụa mềm mại bao bọc của cô: “Nấu gì mà ngon thế?”
Từ khi kết hôn, Tạ Âm Lâu đã quyết tâm cải thiện kỹ năng nấu nướng của mình.
Tuy không phải là kiểu người có thiên phú nhưng cô siêng năng chăm học, từ chỉ biết nấu ô mai khoai tây trở thành bình thường, còn mì sợi cà chua nấu không quá nhừ, muối cũng biết cho ít lại, không cho đường.
Cô giống như dâng lên vật quý cho Phó Dung Dữ nếm thử, cười nói: “Em cho tôm vào đấy.”
Phó Dung Dữ ăn vào thấy toàn vị gừng tươi, hỏi: “Còn gì nữa không?”
“Ừm, cho thêm chút gia vị khử mùi tanh nữa, thế nào?”
Đôi mắt trong veo sáng ngời của Tạ Âm Lâu tỏa sáng nhìn chằm chằm gương mặt anh không rời.
“Cực kỳ ngon.”
Phó Dung Dữ vừa dứt lời liền bưng trà ướp hoa Thanh Khẩu lên, biểu cảm không dao động uống một ngụm.
Tạ Âm Lâu vô cùng vui vẻ rúc vào bên cạnh anh, lấy di động ra nhấp mở bản ghi nhớ rồi soạn một đoạn văn bản: “Nấu mì phải cho một củ gừng tươi, Dung Dữ thích ăn cà chua với tôm.”
Phó Dung Dữ rũ mắt nhìn cô cong môi cười, cũng không nói gì thêm.
Tạ Âm Lâu cất di động xong, tự nhiên như không thò ngón tay vào trong áo sơ mi của anh, s0 soạng hình xăm hoa tường vi chỗ xương quai xanh. Cô trò chuyện cùng anh, kể lại ở Biệt Chi Phường đã gặp những vị khách như thế nào.
Dần dà, sự chú ý của Phó Dung Dữ liền lệch khỏi trọng tâm, cúi đầu dán lên mái tóc đen mượt của cô: “Đã tắm chưa?”
Tạ Âm Lâu chớp chớp mắt, biết rõ anh ám chỉ việc gì, ừ một tiếng rất khẽ.
Ngay sau đó Phó Dung Dữ bế cô lên, đặt trên sô pha trong phòng khách.
Khi toàn bộ cơ thể ướt đẫm mùi hương tuyết tùng quen thuộc của anh, Tạ Âm Lâu bỗng giữ chặt cánh tay anh, ẩn chứa ý cười: “Anh có còn nhớ... Cảnh tượng lần đầu tiên ở nơi này của hai chúng ta không?”
Làm sao mà Phó Dung Dữ quên cho được, anh khẽ lặp lại đoạn đối thoại trong ký ức: “Em đã gặp được người tình nào cường tráng mạnh mẽ lại dịu dàng như thế chưa?”
Tai của Tạ Âm Lâu bị hơi thở nóng bỏng của người đàn ông làm cho ngứa ngáy, cười hỏi lại: “Anh thì sao, có sở thích đặc biệt gì không?”
Đôi mắt màu hổ phách của Phó Dung Dữ vẫn áp chế cô giống như lúc trước: “Làm theo cách bình thường là được rồi.”
Tạ Âm Lâu nâng cánh tay trắng như tuyết ôm chặt lấy anh, ngẩng đầu lên, chóp mũi bắt đầu ngửi nhẹ từ chiếc cằm của anh, lướt qua yết hầu gợi cảm nơi cần cổ rồi nhẹ nhàng cắn một cái.
Mà Phó Dung Dữ đã kéo chiếc cà vạt sắp rơi khỏi sô pha đến, quấn lên cổ tay cô một vòng.
Dường như giống với dây tơ hồng của Nguyệt Lão...
Quấn lấy Tạ Âm Lâu thật chặt.
...
Cái giá đau đớn của một đêm phóng túng chính là hôm sau dậy không nổi. Tạ Âm Lâu ngủ đến giữa trưa, mơ mơ màng màng bị Phó Dung Dữ lôi ra khỏi chăn đệm lao vào phòng tắm tắm rửa đơn giản.
Khi cơ thể sắp sửa xiêu vẹo ngả sang một bên thì cô nghe thấy anh nói: “Không phải hôm nay em còn định đến thăm hỏi cô sao?”
Tạ Âm Lâu lập tức tỉnh táo lại ngay, chủ động nhận lấy chiếc váy màu xanh lá nhạt anh đưa đến.
Cô kế thừa bậc thầy về nghệ thuật Chu Thục Cầm, người được mệnh danh là “Tay thêu dân tộc”
rất nổi tiếng trong giới thêu dân gian. Kể từ sau khi truyền dạy tuyệt kỹ thêu gấm Tô Châu cho Tạ Âm Lâu thì Chu Thục Cầm đã chuyển đến quận Lão Thành nghỉ ngơi dưỡng bệnh, song, vẫn có vô số người xếp hàng muốn gặp mặt.
Lần này Tạ Âm Lâu đến thăm là vì một bức tranh thêu Ánh Trăng Có Núi Có Sông bằng mực nước trước đó của cô được cô giáo cầm đi dự thi và giành được giải thưởng. Có phóng viên muốn phỏng vấn cô, chọn địa điểm là tại nhà của Chu Thục Cầm.
Không gian bên ngoài náo nhiệt là cửa tiệm, vườn sau ở bên trong mới là nơi để ở.
Khi Tạ Âm Lâu đang thảo luận việc giành được giải thưởng với cô giáo, Phó Dung Dữ không làm phiền bọn cô mà đợi ở trong cửa tiệm. Anh mặc một chiếc sơ mi trắng thoải mái sạch sẽ và quần tây màu lam, một tay đút vào túi quần, nhìn giống như sinh viên ở trấn đại học bên cạnh.
Các cô gái đi ngang qua đều sẽ lén nhìn trộm, tò mò một người đàn ông ưa nhìn như vậy làm gì ở tiệm thêu.
Phó Dung Dữ chẳng làm gì cả, anh chỉ đang nhìn khung ảnh treo trên tường, hẳn là bức ảnh lớn chụp nhóm lúc còn nhỏ, Tạ Âm Lâu khi ấy trông còn rất non nớt, mặc một chiếc sườn xám gấm Tô Châu đứng bên cạnh Chu Thục Cầm, khi cười thích cong khóe mắt lên trước hết.
Qua một lúc, bên ngoài cửa tiệm có một người phụ nữ cũng mặc sườn xám đi vào.
Phó Dung Dữ nghe thấy tiếng bước chân là đi về phía anh bèn nhường đường, trong lúc vô tình nhận ra người phụ nữ trước mắt khuôn mặt trời sinh rất xinh đẹp, nhưng không ngờ mắt phải của cô ấy bị khiếm khuyết, khi cơn gió bên ngoài cửa sổ thổi thốc vào mặt, vài sợi tóc che mất nửa khuôn mặt. Cô ấy mỉm cười thân thiện với anh.
Vài giây sau, cô ấy chủ động bắt chuyện với Phó Dung Dữ: “Anh còn nhớ tôi không?”
“Mười tệ.”
Phó Dung Dữ nhớ lại, là cô gái khuyết tật đêm tuyết hôm ấy dựa vào một cây kim thêu để dựng một quầy hàng bên đường, may vá giúp người khác để nuôi sống bản thân. Năm xưa cô ấy đã giúp anh thêu đóa tường vi lên tay áo.
Chỉ nhận mười tệ tiền thù lao.
“Tôi tên là Dương Liên.”
Người phụ nữ tên Dương Liên dịu dàng nói: “Năm ấy có người đàn ông tên Phó Thanh Hoài tài trợ cho tôi đi học, còn trang trải tiền thuốc men giúp ông bà tôi, nhưng anh ta nói với tôi, ân nhân thật sự là một người khác... mấy năm nay tôi đều biết, người đó chính là anh.”
Cô ấy nợ Phó Dung Dữ một câu cảm ơn, từ tận đáy lòng cảm ơn anh đã ra tay cứu giúp.
Phó Dung Dữ nói: “Tôi tài trợ cho cô là bởi vì bà xã nhà tôi xấp xỉ tuổi cô, cô ấy cũng học thêu.”
Dương Liên thoáng kinh ngạc, nhanh chóng hiểu ra ý tứ trong lời nói của anh: “Tôi làm công ở chỗ này của cô Chu Thục Cầm đã hai năm, từng nghe nói đến bà xã của Phó tổng, cô ấy là người kế thừa xuất sắc... Đọc báo thấy hai người đã kết hôn vào năm ngoái, tân hôn vui vẻ.”
...
Lúc Tạ Âm Lâu đi vào cửa tiệm, vừa lúc nhìn thấy Phó Dung Dữ đang nói chuyện với người phụ nữ mặc sườn xám, thế nhưng cô lại không bước đến quấy rầy, đợi người đi rồi mới chậm chạp đi qua, nâng tay vỗ nhẹ lên vai anh: “Anh cũng có người quen ở đây à?”
Phó Dung Dữ vô cùng tự nhiên nắm lấy tay cô, môi mỏng mang theo ý cười: “Không phải người quen, là một cô gái trước đây anh từng ủy thác Phó Thanh Hoài tài trợ.”
Tạ Âm Lâu lại nhìn về phía bóng dáng gầy yếu nọ ở bên ngoài, hồi tưởng kỹ càng một lát, nói: “Là cô gái khuyết tật mắt phải anh từng nhắc đến trong thư viết cho em à?”
“Ừm.”
“Đã qua nhiều năm như vậy, cô ấy làm công ở đây lại có thể gặp được anh, thật sự là rất có duyên.”
“Nếu có duyên thì cũng là em và cô ấy...”
Nhớ đến lời Phó Dung Dữ nói làm Tạ Âm Lâu buồn cười, nhìn vào mắt anh, nắm tay cùng nhau đi ra khỏi tiệm, trong giọng nói nhẹ nhàng lộ ra đôi chút trêu chọc: “Phó tổng, dục v0ng sinh tồn của anh hơi bị mạnh mẽ, có sợ em dùng gia pháp hầu hạ anh không?”
Lúc cô cười lên, khuôn mặt phản chiếu ánh nắng mặt trời hắt dưới tàng cây, thật sự rất là đẹp.
Ngón tay thon dài của Phó Dung Dữ chạm lên làn da nhẵn mịn như ngọc, đôi môi mỏng thì thầm: “Mười năm trước, trong đêm tuyết anh gặp cô ấy ở bên đường, có thể tốt bụng tài trợ là vì em học thêu, đôi mắt của cô ấy rất sạch sẽ, cũng giống như em vậy.”
Điều này Tạ Âm Lâu đã biết từ trong lá thư. Cô lại hỏi: “Sau đó thì sao?”
“Hiện giờ gặp lại là bởi vì em đến hỏi thăm cô giáo, anh mới có thể đến nơi này.”
Phó Dung Dữ lấy tay che nắng giúp cô, giọng nói không nhanh không chậm tiếp tục: “Duyên phận liên kết với nhau bằng vô số cách thức, đều là vì em mà tồn tại.”
Tạ Âm Lâu ngẫm lại hình như cũng có lý, quay đầu lại nhìn cửa tiệm.
Chỉ thấy người phụ nữ mặc sườn xám có mắt phải tàn tật ấy đang lẳng lặng đứng trước cửa nhìn theo bọn họ rời đi. Cô ấy mỉm cười với Tạ Âm Lâu, là nụ cười thân thiện và tràn ngập lòng biết ơn.
* Sau khi việc tác phẩm đoạt giải đi đến hồi kết, Tạ Âm Lâu bế quan Biệt Chi Phường, tranh thủ trước khi qua tháng mới đã tự tay may một chiếc sườn xám, cô muốn tặng cho mẹ xem như món quà nhân dịp công chiếu phim điện ảnh “Vị Khách Trong Mưa”.
Cô muốn về Tứ Thành một chuyến, cho nên tạm thời cho cửa hàng ngừng kinh doanh nửa tháng, dẫn Phó Dung Dữ và Thang Nguyễn cùng nhau quay về.
Dù Phó Dung Dữ có bận rộn hơn nữa thì cũng phải đến cổ vũ cho mẹ vợ, hơn phân nửa chuyện làm ăn của anh bên phía Lịch Thành đều có liên quan đến Phó Thanh Hoài của nhà họ Phó, nếu không có thời gian để tham dự những sự kiện kinh doanh quan trọng thì lấy lý do có gia đình rồi đẩy lên đầu Phó Thanh Hoài.
Vì thế, trước khi anh cất cánh, Phó Thanh Hoài đã đích thân gọi điện thoại chào hỏi anh một lần.
Trước khi cúp máy, thậm chí còn hỏi: “Ra giá đi, cần bao nhiêu tiền mới có thể để cháu chuyển trụ sở công ty về Tứ Thành.”
Phó Dung Dữ nhận lấy chiếc chăn do tiếp viên hàng không đưa đến, vô cùng dịu dàng đắp lên người cho Tạ Âm Lâu, giọng điệu từ đầu dây bên này toát ra sự bình tĩnh thản nhiên: “Vô giá, cửa hàng sườn xám của vợ cháu mở ở Lịch Thành.
Cô ấy ở lại...
Thì cháu ở lại.”
- -----oOo------