Dưỡng Tính - Chương 07

Dưỡng Tính
Chương 7

Editor: SQ

_____________________

Xí trước khi đọc: Trong chương này có trích dẫn trong tạp kịch, vì mình không tìm được bản dịch tương ứng nên mình mạn phép tự dịch luôn T_T. Nếu mọi người thấy có gì chưa ổn thì cứ thoải mái góp ý nhe:d Ai cần bản tiếng Trung hay Hán Việt thì hú mình mình gửi nhe, để vào đây sợ dài quá.

Sau ngày hôm đó, giữa hai người luôn có chút ngại ngùng. Cũng không phải chỉ có ngại ngùng, mà cũng có một sự im lặng khó gọi tên. Cả hai cùng muốn giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng không ai biết cách giả vờ. Đường Thi có hơi không chịu nổi, cô ít đến phòng sách dần, dành nhiều thời gian gian ở tầng trệt trên tầng ba hơn.

Kỳ Bạch Nghiêm có chút khó hiểu, không biết cảm giác ngượng nghịu của cô gái nhỏ này đến từ đâu. Có phải vì mình là người giới thiệu, cho nên ngại gặp mặt chăng? Thấy cô mất tự nhiên đến mức này, Kỳ Bạch Nghiêm càng giữ im lặng không nhắc đến chuyện đó nữa. Đường Thi thấy anh không nhắc đến thì cũng không nói gì, nhưng trong lòng ngập tràn thất vọng.

Tết đã gần kề, Đường Thi được nghỉ một tuần. Hai người tạm biệt nhau trong bầu không khí ngượng ngùng và khó xử này. Vừa kết thúc đêm giao thừa, Đường Thi soạn tin nhắn chúc tết gửi cho mọi người, gửi cho La Bân Sinh, gửi cho Hạ Minh Nguyệt, gửi cho tất cả bạn bè cũ lẫn mới. Khi gửi cho Kỳ Bạch Nghiêm, văn chương lai láng phong phú biến mất tăm, chỉ viết một câu “Chúc mừng năm mới”, nhận lại được một câu “Chúc mừng năm mới” tương tự. Hai người không liên lạc với nhau trong kỳ nghỉ.

Ngược lại là, cô nói chuyện với Chử Trần càng lúc càng nhiều hơn. Vừa nghỉ lễ, Đường Thi không chịu nổi cảm giác khó xử trong lòng nên chủ động gọi điện trước, bày tỏ nghiêm túc và rõ ràng rằng mình không có chút ý định nào phương diện kia, Chử Trần nghe xong thì cười hào sảng, nói rằng bản thân cũng không biết trước chuyện này, và cũng không có suy nghĩ nào về chuyện đó với cô. Nhưng cái cảm giác vừa gặp đã thân giữa hai người cũng rất rõ ràng, rất có cảm giác đồng chí hướng, cộng thêm hướng nghiên cứu của cả hai, hai người thường xuyên trao đổi email, trò chuyện thoải mái, thỏa thích và thẳng thắn, góp vui cho cuộc sống của nhau.

Đường Thi phải chuẩn bị một bài luận văn học thuật mới, quan điểm và ý tưởng đã được ấp ủ từ lâu, nhân dịp Tết, cô lập dàn ý, sửa lại nhiều lần, rồi gửi cho Chử Trần đọc, nhờ anh góp ý. Sau khi đọc, Chử Trần nhắn lại cho cô, nói rằng có vài vấn đề viết quá phức tạp, hẹn giờ gọi điện thoại.

Chử Trần đang ở nước ngoài, hai nơi có chênh lệch múi giờ. Đường Thi nhìn khoảng giờ chênh lệch, hẹn vào một thời gian cũng xem như thích hợp cho đôi bên.

Nói xong chuyện chính, tự nhiên nói sang chuyện ngoài lề. Đường Thi không dám nghe ngóng về Kỳ Bạch Nghiêm từ Chử Trần, nhưng Chử Trần lại thường xuyên nhắc đến Kỳ Bạch Nghiêm. Vì vậy, Đường Thi biết được vài chuyện về Kỳ Bạch Nghiêm.

“Ôi, nhắc Tào Tháo Tào Tháo đến ngay.” Chử Trần cười nói, “Cô Đường, hôm nay thế đã nhé, anh cúp máy đây.”

“Vâng.” Đường Thi cũng nghe thấy bên kia có tiếng chuông điện thoại, không nói nhiều nữa, “Làm phiền rồi ạ, lần sau trò chuyện.”

Hai người cúp máy.

Từ câu “nhắc Tào Tháo Tào Tháo đến ngay” mà Đường Thi đoán rằng người gọi chính là Kỳ Bạch Nghiêm. Cả hai cùng lúc gọi cho cùng một người, vừa nghĩ đến điều này thôi mà tim Đường Thi đã đập nhanh như trống. Giống như hai người đang sống trong cùng một vòng tròn, với mạng xã hội chồng chéo lên nhau. Sau khi tim đập nhanh, lại có chút mất mát không giải thích được.

Hôm sau, Đường Thi và bạn thân đi dạo phố, khi đi ngang qua khu thời trang nam ở tầng hai, cô nhìn thấy ngay trong cửa kính bên cạnh thang máy có một bộ trang phục của nam màu đen tuyền, là áo khoác len cashmere dài vừa phải, một hàng khuy, cổ áo cao, đường kim mũi chỉ chỉn chu, đẹp vô cùng. Vừa mới nhìn thấy, Đường Thi đã nghĩ ngay đến Kỳ Bạch Nghiêm.

Thực sự là một chiếc áo khoác rất hợp với Kỳ Bạch Nghiêm, vô cùng thanh lịch, rất có khí chất. Đường Thi không khỏi nhìn mãi.

Cô bạn nhìn theo ánh mắt của cô, khen: “Ánh mắt tốt đấy, đẹp thật, nhưng áo này kén người mặc lắm.”

Đường Thi mỉm cười.

Hai người lên lầu ba, Đường Thi lại nhìn lần nữa qua khe hở thang máy. Thấy cô thích đến mức này, cô bạn trêu: “Sao đấy, thích tới vậy hả? Vậy thì tìm một anh đi, mua cho người ta!”

Đường Thi véo nhẹ bạn mình: “Lại nói linh tinh!”

Cô bạn cười hì hì: “Mình nói linh tinh hồi nào! Ánh mắt cậu nhìn cái áo đó như nhìn người yêu ấy.” Rồi nháy mắt ra hiệu, Đường Thi bật cười.

Đi dạo lầu ba được một lúc, hai người thấy trong một cửa hàng concept [1] có một chiếc áo khoác nữ, dù hướng đến đối tượng khác nhau nhưng có phong cách tương tự với chiếc áo khoác nam ở tầng hai, ma xui quỷ khiến, Đường Thi mua một chiếc.

Trên đường về, cô bạn nói: “Chăm sóc len cashmere cực lắm, e là cái áo này của cậu không mặc được lâu đâu.” Chợt ngẫm lại thì thấy không đúng, “Nhưng trước giờ cậu cẩn thận mà.”

Về đến nhà, bà Đường nhìn chiếc áo mà Đường Thi mua thì tỏ ý khen ngợi, “Đẹp lắm đẹp lắm, ngày mốt mặc cái này đi ăn với mẹ.”

Đường Thi bất lực, “Nữ sĩ Đường à, chưa giặt nữa mà.”

Mẹ Đường vung tay, “Hôm nay đem ra tiệm giặt luôn, ngày mốt mặc, kịp chứ.”

Cái vẻ vội vội vàng vàng của mẹ Đường làm Đường Thi cảnh giác. “Nữ sĩ Đường, mẹ tính làm gì?”

Mẹ Đường bực bội nhìn Đường Thi, “Mẹ tính làm gì? Mẹ làm gì được đây, khoe con gái mẹ không được hả?”

Bạn đại học của mẹ Đường về nước vào ngày mốt, hai người đã có hơn mười năm không gặp, hẹn nhau dùng bữa, mẹ Đường kiên quyết yêu cầu Đường Thi chở mình đi.

Vì trước giờ ông bà Đường rất tiến bộ, cũng không thúc giục chuyện chung thân đại sự của Đường Thi, nên Đường Thi không đề phòng chuyện này nhiều, mà bà Đường chỉ yêu cầu Đường Thi chở mình tới đó, cũng không có yêu cầu gì khác, thế nên Đường Thi hoàn toàn không nghĩ gì nhiều.

Hai ngày sau, Đường Thi lái xe chở bà Đường hiếm khi ăn diện đến nhà hàng.

“Chiều nay con định làm gì?” Bà Đường hỏi bâng quơ.

“Chắc loanh quanh trong nhà sách.”

“Đi cả ba tiệm?” Đường Thi có ba tiệm sách trong khu cô thường đến, bà Đường từng đi với cô vài lần.

“Chắc vậy ạ.”

“Ờ.” Trông bà Đường không để ý lắm, “Để ý giờ giấc, chiều mẹ gọi cho con.”

“Vâng.”

Đến cổng nhà hàng, từ xa bà Đường đã thấy người bạn thân mới về nước, hai người tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau, niềm vui sướng lộ rõ trên mặt.

Bà Đường giới thiệu Đường Thi, “Đây là con gái mình, Đường Thi.” Nói với Đường Thi, “Đây là dì Chu.”

“Dạ chào dì Chu.”

“Chào con chào con.” Dì Chu là một người phụ nữ có khí chất xuất sắc, đoan trang thanh lịch, nhưng cũng gần gũi và cởi mở, khi cười đuôi mắt cong cong, rất quyến rũ, bà quan sát Đường Thi, khen ngợi, “Cô bé xinh xắn quá.”

Đường Thi mỉm cười, không nói gì.

Hiền lành ít nói, tính cách cũng tốt, dì Chu càng nhìn càng hài lòng, không khỏi nói: “Sau này chàng trai nào cưới được con là có phước lắm!”

Bà Đường cười hì hì, nhân lúc Đường Thi không nhìn thấy thì lén trừng mắt với bạn thân của mình, cười nói: “Được rồi được rồi. Chuyện của bọn trẻ cứ để bọn nó tự sốt sắng đi ~ mấy chuyện như duyên phận, không ai nói trước được!”

Dì Chu gật đầu: “Cũng phải.” Rồi mỉm cười nói với Đường Thi, “Được rồi, dì mượn mẹ con nhé!”

Đường Thi gật đầu, nhìn hai người vào trong nhà hàng mới quay lại xe.

Đường Thi dành cả buổi chiều trong nhà sách, chọn được năm quyển, trong đó có bốn quyển liên quan đến Phật giáo. Mẹ Đường và bạn thân đã tàn tiệc, báo cho Đường Thi, Đường Thi lái xe đến đón.

Lúc đến, cô thấy mẹ Đường, dì Chu và một chàng trai đang cười nói vui vẻ trong một quán cà phê ngoài trời. Đường Thi đến chào hỏi.

Khi chàng trai đó quay mặt sang, Đường Thi thấy hơi quen, nghe thấy chàng trai đó nói: “Thì ra cô là con gái của dì Triệu! Chúng ta có duyên quá!” Triệu là họ thật của bà Đường.

Đường Thi thầm thắc mắc —— hửm, biết nhau?

Dì Chu mỉm cười giới thiệu: “Đây là Khâu Kiệt, con trai dì.” Nhìn hai người, bà có hơi ngạc nhiên nói, “Sao thế, con biết Thi Thi hả Tiểu Kiệt?”

Khâu Kiệt nhìn Đường Thi một cái, nói: “Cũng không tính là quen biết, chỉ là hồi nãy đi nhà sách, nhìn thấy ở cả ba tiệm.”

Đường Thi mỉm cười, trong lòng vẫn thấy nghi ngờ —— gặp lúc nào? Sao cô không có ấn tượng? Chỉ là thấy quen quen chút xíu thôi….

Bà Đường vỗ tay cười nói: “Ôi, hai đứa đúng là có duyên quá! Biết bao nhiêu nhà sách trong thành phố, vậy mà hai đứa gặp được nhau tận ba lần!”

Đường Thi lập tức hiểu ra.

Lần xem mắt không giống ai này – chậc.

Cực công bà Đường nghĩ ra quá.

Sau khi hiểu ra, Đường Thi thấy hơi xấu hổ, nhưng cô không thể nói ngay rằng mình không có ấn tượng gì với Khâu Kiệt, làm vậy thì hai bên càng lúng túng hơn, đành phải mỉm cười, nói theo: “Trùng hợp thật.”

“Có lẽ đây là sự sắp đặt của số phận đó.” Khâu Kiệt nháy mắt với Đường Thi. Đường Thi lặng lẽ kéo tay bà Đường trong nơi khuất, không nói thêm gì nữa.

Bà Đường tất nhiên cảm nhận được, ngoài mặt không tỏ gì, nói: “Nếu bọn trẻ đã có duyên thế này, sau này có thể hẹn nhau đi chơi. Hôm nay không còn sớm nữa, hai mẹ con mình về trước nhé. Cậu mới từ nước ngoài về, cũng nghỉ ngơi sớm đi, chỉnh lại lệch múi giờ. Sau này liên lạc.”

Dì Chu gật đầu: “Ừa ừa ừa, sau này liên lạc.”

Về đến nhà, Đường Thi như cười như không nhìn mẹ mình.

Bà Đường tỏ ra cây ngay không sợ chết đứng: “Cảm thấy thế nào?”

Đường Thi thở dài: “Mẹ, mẹ đã nói không can thiệp vào chuyện tình cảm của con rồi mà.”

Bà Đường nhìn cô: “Con có chuyện tình cảm?”

Làm Đường Thi nghẹn họng không nói được gì.

Bà Đường nói: “Con mà có chuyện tình cảm thì còn lâu mẹ mới thèm can thiệp……”

Đường Thi lại không nói được gì.

“Nhưng mà nếu con đã không thích người hôm nay, mẹ cũng không nhắc nữa.” Bà Đường vẫn hết mực cưng chiều con gái mình, trước khi ra về làm như quên mất, không để cho hai bên lưu thông tin liên lạc của nhau.

Nghe thấy bà Đường vẫn còn ý định tiếp tục giới thiệu, Đường Thi vội từ chối trước: “Bà Đường à, mẹ đừng mà!” Thấy mẹ định nói tiếp, cô đành nói, “Mẹ khoan hãy hỏi là ai, nói chung….” Mắt mẹ Đường lập tức sáng lên, mặt Đường Thi hốt hoảng nóng bừng, cô vội nói, “Nói chung, nói chung là vậy đó, mẹ khoan hãy hỏi!” Rồi quay về phòng mình.

Bà Đường ngồi trong phòng khách nhớ lại trạng thái của con gái mình mấy ngày nay, cảm thấy có biến, rồi cũng thực sự từ bỏ suy nghĩ giới thiệu thêm người khác cho con mình.

“Haiz, tâm tình của thiếu nữ ngập tràn mùa xuân mà….” Bà Đường thở dài thườn thượt, chẳng mấy chốc, con gái cũng bắt đầu suy nghĩ về chuyện cả đời rồi.

Đường Thi quay về phòng, cởi áo khoác ra treo lên, viết luận văn một lúc, liếc nhìn thấy mấy quyển sách mới mua, tay gõ chữ chầm chậm dừng lại.

Xa rời thực tế thì suy nghĩ sẽ hóa vọng tưởng. Làm gì có một “ai đó”.

Đó là một nhân vật như thần thánh, xa vời với mình biết bao. Vọng niệm, vọng tưởng, vọng chấp [2]. Nhưng không thể thôi nghĩ. Đường Thi thở dài, lấy đại một quyển hí kịch đọc.

Đầu tiên lấy quyển «Hán Cung Thu»[3], trong tiếng nhạn kêu từng hồi, Chiêu Quân nơi biên cương xa xôi, khi gieo mình xuống sông Hắc Giang, nàng nói: “Hoàng đế triều Hán, kiếp này của thiếp thân đã vậy, đành mong chờ kiếp sau.” Đọc đến “làm hành động nhảy sông”, trái tim thắt lại, như bị kim châm.

Kiếp này của thiếp thân đã vậy.

Cả đời này của mình, chỉ đành thế này thôi.

Đổi sang quyển khác, rút quyển «Bái Nguyệt Đình»[4], chỉ mới đọc phần mở đầu của «Tiên Lữ. Khi ngắm hoa»: “Cuồng phong thổi tung cồn cát lạnh, nắng rọi rừng thưa quạ kêu chiều, ráng mây màu trải khắp, bên nhau chỉ một thoáng, gần kề mà cách xa.”

Gần kề mà cách xa.

Tim lại như bị kim châm.

Không đọc tiếp được nữa, lại đổi sang quyển khác, rút ra quyển «Tây Sương Ký», mở đầu là chàng thư sinh họ Trương vừa gặp đã yêu Oanh Oanh, trước hết phải lòng vẻ ngoài, sau đó mến mộ tài năng, một câu “Tôi chế.t đây.“[5], ba con chữ bộc lộ hết sự rồ dại của chàng thư sinh.

Đường Thi đóng sách lại, biết hôm nay chẳng đọc vào được gì. Dù thế nào cũng không phải anh, dù là tâm trạng nào cũng có cô.

Mình cũng chế.t đây. Đường Thi nói trong lòng.

Ai vứt xuống nét duyên mong ngóng, ai nhặt lấy trăm ngàn nhớ thương, nhớ nhung hao gầy, bao lần vẫn bình thản, lần này đỗi bất ngờ. [6]

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3