Duyên - Quyển 1 - Chương 2
Duyên
Quyển 1 - Chương 2: Trà duyên, vị khách qua đường ung dung bình thản
gacsach.com
Tới tìm Lục Hồng Tiệm mà không gặp
Dời nhà vào phố chợ,
Dâu gai dọc nẻo xa.
Cạnh rào dăm khóm cúc,
Thu về chẳng thấy hoa.
Gõ cửa không tiếng chó,
Đành sang hỏi bên nhà.
Đáp: Người vào trong núi,
Đợi về phải chiều tà.
Giảo Nhiên
Mấy năm nay, cứ canh cánh một ý tưởng xa xỉ là mở một quán trà, hay có thể gọi là phường trà, tiệm trà. Đương nhiên, quán trà phải tọa lạc tại một nơi nào đó gần sông nước ở Giang Nam. Mà tên quán trà, gọi là Vân Thủy Thiền Tâm, hoặc Trà Duyên Quá Khách. Vân Thủy Thiền Tâm, lòng thiền mây nước, mấy chữ này mang một cảm giác thanh khiết rất phong nhã, rất tịch mịch. Tựa hồ mấy chữ ấy đều liên quan tới những người có Phật tính, có tuệ căn, còn những hạng phàm tục thì không nỡ lòng nào quấy nhiễu. Mấy chữ Trà Duyên Quá Khách, lại thoang thoảng mùi khói lửa, khiến những người ngang qua quán trà đều muốn dừng chân bước vào, uống một bình trà, rũ sạch bụi bặm trên mình. Đúng vậy, quán trà mà tôi muốn có, không chỉ nhằm xây đắp giấc mộng ưu nhã cho bản thân, mà còn để chúng sinh có thể yên lòng dừng chân lại nơi đây.
Mỗi ngày, sẽ có rất nhiều vị khách khác nhau, mỗi người thưởng thức một bình trà mình ưa thích. Mà trà, lại cam lòng được khách pha bằng nước sôi, sau đó khởi đầu và kết thúc câu chuyện một đời trong chén. Quán trà phải có một khung cửa sổ đã dãi dầu năm tháng, vài bộ bàn ghế, cùng mấy ấm trà kiểu dáng khác nhau, dăm bức tự họa cũ xưa, mấy nhành hoa dại đã bị mùa qua gọt giũa. Việc buôn bán có lẽ cũng rất ảm đạm, phù hoa đều bị khóa bên ngoài cổng, chỉ có mấy đọt nắng vàng, dăm hạt bụi nhỏ, lẳng lặng đậu xuống bên bậu cửa sổ, trên mặt bàn, hay trên vạt áo khách nhân. Khách uống trà xong, lại phải hối hả đi tới trạm kế tiếp của cuộc đời, bất luận phía trước là con đường rộng thênh thang hay là ngõ nhỏ chật hẹp, hẳn đều không ngăn nổi bước chân. Chỉ mình tôi không phải lên đường, quán trà này chính là chốn nương náu của tôi, khiến tôi có thể yên ổn trú lại, tĩnh tại trông giữ năm tháng dung dị.
Khi màn đêm buông xuống, việc đời trả hết về gió bụi, mỗi đồ vật trong quán trà lại lau đi lớp phấn mờ son nhạt ban ngày. Còn tôi, cũng có thể dùng gương mặt thật, cùng chúng ngắm nhìn quang âm của trà quán. Sực tỉnh ra, mới hiểu sâu sắc rằng, trà có định mệnh của trà, ấm có nhân quả của ấm, khách có hẹn hò của khách, vạn vật trên đời, đều có tín ngưỡng và sứ mệnh riêng. Hết thảy gặp gỡ, đều bởi bèo tan ngày trước, tất cả biệt ly, đều để kiếm tìm chốn về sau cuối. Thưởng trà, chính là nhằm thưởng thức một chén thuần túy, một chén đẹp đẽ, một chén từ bi, mà chúng ta, trong sự an tĩnh, trong cái ẩm ướt của trà, cứ thế thong thả già đi...
Uống trà, đương nhiên sẽ nhớ tới Lục Vũ, ông tổ của ngành trà, được người đời xưng tụng là Trà tiên, Trà thánh, Trà thần, viết ra cuốn "Trà kinh" bao hàm rất nhiều văn hóa về trà cũng như về ấm. Trăm ngàn năm nay, lò lửa tháng năm vẫn cháy rực, trong làn nước suối, lá trà xanh biếc nở ra câu chuyện kinh niên. Đã bao nhiêu vật cũ đổi qua chủ mới, song tâm trạng thưởng trà trước sau chưa từng biến đổi. Nhớ đến Lục Vũ, lại nhớ đến Giảo Nhiên, một người ngang vai ngang vế với ông, một vị cao tăng nhà Phật được tôn xưng là Thi tăng, Trà tăng. Đương nhiên, tên tuổi ngài không thể sánh với Lục Vũ, nhưng ngài và Lục Vũ là bạn vong niên sống chết có nhau, dưới sự dìu dắt và giúp đỡ của ngài, Lục Vũ mới hoàn thành được cuốn "Trà kinh" đóng vai trò to lớn trong ngành trà cũng như trong Trà học của Trung Quốc. Trên đời có rất nhiều cao nhân vô danh, họ chấp nhận bị rêu phong tháng năm che lấp, chỉ cần giữ được một tấc quang âm thuộc về mình cũng đủ rồi.
Thay đổi tâm trạng, đọc thơ Giảo Nhiên, ngọn gió thiên nhiên tươi mới từ triều Đường chầm chậm thổi lại, khiến người ta không ngớt xao lòng. Sân nhỏ rào tre, đường mòn thu cúc, mấy tiếng chó sủa, chiều tà trong núi, ý cảnh trong đó, thực ấm áp mà trong sáng chẳng khác nào gió mát trăng thanh. Như thưởng thức một ấm trà chiều thu, giữa môi răng còn vương vấn hương cúc trắng, hương nhài, hương quế, trong đầu chúng ta lại hiện ra một bức họa, một vị cao tăng mặt mày sáng sủa, cốt cách rắn rỏi, giẫm lên bóng chiều đi trên đường núi, bỗng dừng chân trước một mảnh sân giản dị có rào tre dưới núi, song gõ cửa không thấy ai thưa. Chỉ có mấy đóa cúc hoa chưa nở, thủ thỉ những tâm sự lắt lay giữa cơn gió thu nhè nhẹ.
Vị cao tăng ấy chính là Giảo Nhiên, Thi tăng, cũng là Trà tăng thời Đường, khi chưa xuất gia mang họ Tạ, cháu mười đời của Tạ Linh Vận, người sáng lập ra phái thơ Sơn Thủy thời Nam Bắc Triều. Lục Hồng Tiệm mà ngài tìm gặp, chính là Lục Vũ. Hai người nhờ trà mà gặp gỡ, rồi quen biết nhau. Lục Vũ từ nhỏ bị người nhà bỏ rơi, được Trí Tích thiền sư trụ trì chùa Long Cái nhặt được bên bờ Tây Hồ, đem về chùa nuôi dưỡng. Lên mười hai tuổi, vì không quen sống trong chùa, ông bèn trốn khỏi chùa Long Cái, gia nhập đoàn kịch làm con hát. Về sau cơ duyên run rủi, may được quen biết với Giảo Nhiên đại sư trụ trì chùa Diệu Hỉ ở Trữ sơn, Lục Vũ mới có thể chấm dứt cuộc đời phiêu bạt lênh đênh, dốc lòng nghiên cứu Trà đạo.
Giảo Nhiên lớn hơn Lục Vũ mười mấy tuổi, từng ngao du qua rất nhiều danh sơn như Lư sơn, Thái sơn, Tung sơn, Lao sơn v.v..., đã thu hết phong cảnh trên đời vào đáy mắt. Ngài rất tâm đắc với việc tăng lữ uống trà trong danh sơn cổ tự, đó gọi là trà thiền một vị, trong chùa chiền, trà đã trở thành một thứ tập tục và văn hóa, có quan hệ mật thiết với cuộc sống của tăng nhân. Nước trà thuần tịnh, vị trà thơm mát, giúp người tu hành tẩy sạch muộn phiền thế tục, gột rửa tâm tình. Một ấm trà thơm, một vầng trăng sáng, một cơn gió lành, mấy cuốn sách kinh, bầu bạn với họ qua vô vàn tháng năm tịch mịch. Mà trà, ở trong chén của họ, cũng dần có tính linh, có thiền ý. Giảo Nhiên đã đem những đạo lý về trà mà mình ngộ được trao đổi với Lục Vũ, giúp "Trà kinh" của Lục Vũ đạt tới cảnh giới tối cao giữa thời hoàng kim của văn hóa thưởng trà.
Uống rượu là tự dối, tự say, còn thưởng trà là tự tỉnh, tự tháo gỡ khúc mắc. Người đời quá nửa là mê rượu, cho rằng hết thảy phiền não, đều có thể một chén nuốt xuống, nào biết đâu say rồi sầu muộn lại càng tăng. Nhưng uống trà có thể thanh tẩy tinh thần, chỉ mấy chén trà nhạt mà như ngọc dịch quỳnh tương, sau khi thưởng thức, phiền não tự tiêu tan. Trà ngon thực sự phải bắt nguồn từ núi sâu, không vướng bụi trần, chỉ tẩm đầy mây khói và sương móc. Ấm tốt thực sự, lại do bùn đất chôn sâu lâu ngày trộn với nước mà nặn ra, được lửa thời gian hun đúc, rồi kinh qua tháng năm đánh bóng. Người thưởng trà, phải là hạng sâu sắc mà thuần khiết, trong một chén nước trong, nhẫn chịu dụ hoặc của cõi thế. Mặc cho thế gian mù mịt gió mây, vẫn đếm hết những bình thản của tháng năm trong nhu tình của một chén trà.
Đời người phải chịu được tịch mịch. Thế gian lúc nào cũng nhan nhản phồn hoa, khuấy động cõi lòng vốn chẳng bình hòa của chúng ta. Nếu gặp lúc nôn nóng hay uể oải, nhất định sẽ có một quán trà nhàn tĩnh, thu nhận bạn và tôi. Vào những mùa khác nhau, những thời tiết khác nhau, với những tâm trạng bất đồng, thì trà uống vào, cũng sẽ có mùi vị khác nhau. Có lẽ chúng ta không hiểu được bao nhiêu văn hóa về trà trong "Trà kinh" của Lục Vũ, không hiểu những huyền diệu ẩn trong các thứ các loại trà, cũng chẳng hiểu được nhật nguyệt trong lòng ấm, nhưng trong quán trà, chỉ cần thưởng thức một chén trà hợp khẩu vị mình, chẳng vì phong nhã, chỉ để thanh tâm. Lại đọc thêm thơ của Giảo Nhiên, tuy không phải ai cũng hiểu được áng thơ ngài, nhưng chắc chắn có thể cảm nhận được ý cảnh mộc mạc đơn thuần ấy. Khi người đời đều cho rằng thiền ý thâm sâu khó biết, thực ra thiền ý chính là bãi tha ma trên nẻo đường quê, là đóa cúc trồng bên giậu, là một tiếng chó sủa, mấy hộ nhà nông.
Chớp mắt lại đã vào tiết thu trong, sen trút hết lớp xiêm y thuần tịnh, chỉ còn lá tàn cành héo trong ao, trông giữ những tâm sự dở dang. Vào lúc không người, còn có mấy cành cúc, mấy gốc quế, dưới ánh dương tự thị thanh cao. Nếu bạn từ chân trời đến, vừa khéo ngang qua một quán trà tên Trà Duyên Quá Khách, xin hãy nhớ rằng, nơi đó có một chén trà thuộc về bạn.