Ếch - Chương 07
Chương 4
Tiên sinh Sugitani Yoshihito kính mến,
Sau khi về hưu, chúng tôi chuyển nhà về sống ở quê hương Cao Mật. Thoắt đó mà đã ba năm. Tuy trong thời gian này cũng có nhiều chuyện rắc rối nhưng nói chung là vui vẻ và êm thắm. Việc ngài đánh giá rất cao những tài liệu về cô mà tôi đã gửi cho ngài khiến tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Ngài nói, những tài liệu này được chỉnh lý tại sẽ trở thành một cuốn tiểu thuyết và có thể in thành sách. Nhưng tôi vẫn thầm lo lắng lẫn nghi ngờ. Nỗi lo thứ nhất chính là, tôi sợ các nhà xuất bản sẽ chẳng chịu in những cuốn sách viết về đề tài này. Thứ hai là sợ cô tôi sẽ tức giận khi đọc những gì do thằng cháu của mình viết ra. Cho dù tôi đã cố gắng để tránh những kỵ húy đối với bậc trưởng bối nhưng đôi lúc vẫn động đến những gì sâu kín nhất trong tâm hồn của cô. Ngay cả trong thâm tâm, khi viết những trang tài liệu này để gửi cho ngài, tôi vẫn thầm nghĩ mình đã phạm một lỗi lầm lớn và đang tìm cách để làm giảm nhẹ những lỗi lầm của mình. Những lời an ủi và động viên của ngài khiến tôi yên tâm được đôi phần. Đã biết là nếu tiếp tục viết là tiếp tục sai lầm, nhưng tôi không thể dừng lại ở đây. Viết một cách trung thực là một cách chuộc lỗi. Thế thì tôi sẽ viết một cách trung thực vậy.
Mười mấy năm trước tôi đã từng nói, khi viết số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn của người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình. Lúc này, tôi vẫn tiếp tục viết về những nỗi đau lớn nhất của nhân sinh, những gì bạo tàn nhất của loài người. Tôi muốn tự đưa mình lên bàn mổ, đặt dưới ánh sáng của những ngọn đèn y học để nhận ra mình.
Hơn hai mươi năm trước, tôi đã từng dương dương tự đắc không biết xấu hổ khi tuyên bố rằng: Tôi viết cho chính mình. Viết để mà chuộc lỗi đương nhiên có thể được xem là viết cho chính mình, nhưng chừng đó chưa đủ. Tôi nghĩ, tôi vẫn phải viết về những người đã từng bị tôi hại, đồng thời cũng phải viết về những người đã từng hại tôi. Tôi cám ơn họ, bởi vì mỗi lần bị hại, ngay lập tức tôi lại nghĩ đến những người đã từng bị tôi hại.
Thưa tiên sinh,
Bây giờ tôi sẽ tiếp tục gửi cho ngài những điều vụn vặt, đứt nối mà trong một năm qua tôi đã viết ra. Những chuyện có liên quan đến cô Vạn Tâm của tôi. Tôi nghĩ là nên dừng lại ở đây. Tiếp theo tôi sẽ hoàn thành một cách nhanh chóng kịch bản mà trong đó, cô tôi được thể hiện nguyên diện mạo.
Mỗi lần gặp tôi, cô đều nhắc đến ngài và cô ấy hy vọng một cách chân thành là ngài còn có cơ hội quay trở lại. Thậm chí cô ấy còn nói, có phải là tiên sinh Sugitani không đủ tiền mua vé máy bay? Cô ấy còn nói: “Cháu cứ nhắn với ông ấy là cô sẽ mua vé máy bay cho ông ấy! Trong lòng cô còn có nhiều điều muốn nói nhưng không thể dễ dàng nói với bất cứ ai. Nhưng nếu tiên sinh Sugitani đến, cô sẽ không do dự gì mà tâm sự hết với ông ấy”. Cô nói, cô ấy còn biết một bí mật vô cùng trọng đại về phụ thân ngài và chưa bao giờ nói với bất kỳ ai. Cô ấy chỉ chờ ngài đến và chỉ nói với mỗi một mình ngài mà thôi.
Ngoài ra, cho dù trong mớ tài liệu hỗn tạp mà tôi gửi theo đây tuy đã có đề cập đến, nhưng tôi nghĩ là cũng cần nên nói với ngài ở đây: Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi nhưng gần đây tôi lại trở thành bố của một đứa trẻ! Thưa tiên sinh, cho dù đứa trẻ này được sinh ra như thế nào, cho dù từ nay trở về sau sẽ có rất nhiều chuyện phiền phức chung quanh đứa trẻ này, tôi vẫn mong ngài chúc phúc cho nó trong tư cách của một đại quý nhân. Và nếu có thể, xin ngài hãy đặt cho nó một cái tên!
Khoa Đẩu
Cao Mật, tháng 10 năm 2008
1
Trong ấn tượng của tôi, lá gan của cô tôi bao trùm cả trời đất này. Hầu như cô không sợ bất kỳ người nào trên thế gian này, càng không có chuyện gì khiến cô phải sợ hãi. Nhưng... chính mắt tôi và “Tiểu sư tử” lại trông thấy cô bị một con ếch làm cho kinh sợ, kinh sợ đến độ ngất đi và sùi cả bọt mép.
Đó là một buổi sáng tháng tư, tôi và “Tiểu sư tử” được mời đến làm khách tại cơ sở nuôi ếch do Viên Tai và em họ Kim Tu của tôi hợp tác sáng lập. Thời gian chỉ có mấy năm mà diện mạo quê hương Đông Bắc Cao Mật của tôi - vốn được xem là một vùng đất lạc hậu, nay đã thay đổi ghê gớm. Hai bên bờ sông là hai con đê bằng đá trắng cao ngất ngưỡng, đồ sộ và kiên cố. Hai bên bờ sông trồng toàn những kỳ hoa dị thảo xanh mướt. Sau bờ đê thấp thoáng mấy mươi khu chung cư cao tầng cao thấp khác nhau, lại còn có cả những khu biệt thự kiến trúc theo lối phương tây. Làng tôi đã nối kết với phố huyện, đi đến sân bay Thanh Đảo chỉ mất bốn mươi phút ô tô. Thương nhân Hàn Quốc và Nhật Bản đổ xô đến để đầu tư mở cửa hàng, xí nghiệp, nhà máy. Tuyệt đại bộ phận đất đai nông nghiệp của làng tôi đã biến thành sân gôn. Cho dù cái tên của quê tôi đã được đổi mới, bây giờ được gọi là khu Triều Dương. Nhưng do thói quen, chúng tôi vẫn gọi là vùng Đông Bắc Cao Mật.
Từ nơi ở của chúng tôi đến cơ sở nuôi ếch mất năm cây số. Kim Tu định đánh xe đến đón nhưng chúng tôi đã khéo léo từ chối. Chúng tôi đi bộ dọc theo con đường dành cho người đi bộ ven sông đi xuôi về phía hạ nguồn, thi thoảng lại bắt gặp những phụ nữ đẩy những chiếc xe bé tẹo đưa con đi dạo. Gương mặt ai cũng hồng hào bóng loáng. Mùi nước hoa ngoại đắt tiền xông lên sực nức từ thân thể họ. Những đứa trẻ ngồi trên xe miệng ngậm núm vú nhựa, có đứa ngủ say, có đứa mở tròn đôi mắt thơ ngây nhìn thế giới chung quanh... Tất cả đều đẹp đẽ, đều thơm tho. Mỗi khi gặp một đứa bé, “Tiểu sư tử” đều kéo mẹ chúng lại chào hỏi, sau đó cúi cái thân thể mập mạp xuống chiếc xe sờ nắn những bắp tay bắp đùi tròn trịa của mấy đứa bé rồi hôn vào đôi má lính phính của chúng. Những gì biểu hiện trên mặt “Tiểu sư tử” lúc ấy chứng minh rằng, cô ấy thật lòng yêu trẻ con. Trước một thiếu phụ ngoại quốc tóc vàng mắt xanh đang đẩy một chiếc xe, trên đó có hai đứa bé song sinh, đầu đội mũ len, xinh đẹp chẳng khác hai chú búp bê Baby, “Tiểu sư tử” hết ve vuốt đứa này rồi sang đứa kia, những tiếng xuýt xoa vang lên nho nhỏ và đôi mắt ngấn đầy nước mắt. Tôi nhìn gương mặt rất lễ phép và nụ cười của người thiếu phụ ngoại quốc, nhẹ kéo áo “Tiểu sư tử”, nói:
“Đừng để nước mắt rơi lên mặt hai đứa trẻ đấy!”
“Tiểu sư tử” thở dài, nói: “Trước đây em đâu có nghĩ là trẻ con lại đẹp như thiên thần như thế này”.
“Điều này chứng minh là chúng ta đã già”.
“Cũng chưa hẳn” - “Tiểu sư tử” nói - “Người thời đại mới, cuộc sống đã cao nên việc nuôi nấng con cái cũng đầy đủ hơn. Do vậy mà trẻ con đứa nào cũng xinh đẹp”.
Trên đường, chúng tôi cũng gặp khá nhiều người quen, bắt tay hàn huyên và một cảm nhận chung của chúng tôi là “chúng ta đã già”, là “thời gian trôi nhanh quá, chớp mắt mà đã mấy mươi năm”...
Trên sông, một chiếc du thuyền trang hoàng sặc sỡ xanh xanh đỏ đỏ đang trôi từ từ, trông nó chẳng khác một lâu đài di động. Âm nhạc du dương từ trên du thuyền vẳng đến tai tôi. Rất nhiều cô gái hóa trang ăn mặc theo lối xưa tay ôm đàn che nửa mặt hoa ngồi trước mũi thuyền. Một vài chiếc tàu cao tốc xé nước bay trên sông. Những đợt sóng trắng tung lên cao khiến những con chim âu trắng hoảng sợ lao vút lên trời.
Tôi và “Tiểu sư tử” dắt nhau đi một cách bình yên. Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ là chúng tôi đang hòa chung nhịp đập của trái tim. Nhưng chúng tôi tự biết, mỗi người chúng tôi đang đuổi theo những suy nghĩ riêng. Trẻ con! Những đứa trẻ xinh đẹp khả ái của hiện tại..., có thể đó là những gì trong đầu “Tiểu sư tử” lúc ấy. Nhưng trong đầu tôi lúc này lại là những hình ảnh của quá khứ - Cuộc rượt đuổi kinh tâm động phách hai mươi năm trước, cũng ngay trên chính khúc sông này.
Chúng tôi bước lên lối giành cho người đi bộ chiếc cầu sắt được thiết kế theo mô hình dây văng vượt qua con sông vừa mới khánh thành. Rất nhiều chiếc ô tô sang trọng như BMW, Camry... đang lưu thông trên cầu. Hình dáng chiếc cầu rất đẹp, trông như một con hải âu đang chao cánh. Qua khỏi cầu là sân gôn đạt tiêu chuẩn quốc tế nằm bên phía tay phải. Bên tay trái là miếu Nương Nương đã trở nên nổi tiếng xa gần trong thời gian gần đây.
Đó là ngày mồng tám tháng tư Âm lịch, là ngày đại tế miếu Nương Nương. Trên những bãi cỏ chung quanh miếu, xe hơi đậu san sát. Từ các bảng số, chúng tôi biết hầu hết những chiếc xe này đều đến từ những thành phố thuộc tỉnh Cáp Nhĩ Tân, một số ít là bảng số ngoại tỉnh.
Vùng đất này trước kia vốn là một thôn nhỏ, được gọi là thôn “Nương Nương Miếu” vì giữa thôn có miếu Nương Nương. Thuở nhỏ tôi đã từng theo bố đến đây để dâng hương. Có điều việc này đã quá lâu, tôi chẳng còn ấn tượng gì cả. Ngôi miếu này đã bị san phẳng trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Ngôi miếu mới được trùng tu cực kỳ nguy nga đồ sộ, tường đỏ ngói vàng. Hai con đường dẫn vào miếu là những dãy hàng bán hương hoa, giấy vàng mã và có cả người bán những búp bê bằng đất sét. Người bán búp bê đang cao giọng rao chào mời du khách: “Mua búp bê nào! Mua búp bê nào!”
Trong số người bán búp bê ấy, có một người mặc áo khoác vàng, đầu trọc lóc, hình dạng có vẻ là một nhà sư. Người này đang gõ mõ và đang cao giọng xướng một bài trông cũng có vần có điệu lắm:
Mua một búp bê mang về nhà,
Cả nhà cao hứng cười ha ha!
Năm nay mua về năm sau dưỡng,
Năm nữa nở miệng gọi: Má! Ba!
Chất lượng búp bê thật là cao,
Đại sư công nghệ chính tay tạo.
Búp bê của tôi dung mạo đẹp,
Mặt hoa da phấn miệng anh đào.
Búp bê của tôi linh nghiệm tuyệt,
Bán khắp một trăm linh tám huyện.
Mua một chiếc, sinh con rồng! Mua hai chiếc, thai rồng phượng!
Mua ba chiếc, sao Tam tinh! Mua bốn chiếc, quan Tứ trụ!
Mua năm chiếc, quan Ngũ hổ! Mua sáu chiếc, tôi không bán!
Sợ quý bà, nói lôi thôi!
Giọng rao của người này sao mà quen thuộc. Tôi bước đến gần để xem, hóa ra là Vương Can! Cậu ta đang chào mời một nhóm du khách Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi đang do dự và định kéo “Tiểu sư tử” rời khỏi chỗ này vì không muốn gặp mặt người quen khiến hai bên đều khó xử, đặc biệt là đối với Vương Can thì “Tiểu sư tử” đã vùng khỏi tay tôi, chạy thẳng đến trước mặt cậu ta.
Thật ra thì tôi thừa biết, “Tiểu sư tử” chạy đến trước mặt Vương Can nhưng không phải để gặp mặt cậu ta mà chính vì cái vật mà cậu ta đang cầm trên tay. Quả nhiên Vương Can không hề quảng cáo quá sự thật. Những con búp bê cậu ta bày bán trên quầy hoàn toàn khác với những người chung quanh. Trên quầy hàng của những người chung quanh, búp bê đủ màu đủ sắc rực rỡ nhưng bất luận là búp bê nam hay nữa đều chỉ có một khuôn mặt, một bộ dạng. Trên giá của Vương Can, tuy màu sắc không rực rỡ nhưng tất cả búp bê đều như một sinh mệnh đang sống, có khuôn mặt trầm tư tĩnh lặng; có khuôn mặt đang nhíu mày nhăn trán như đang suy nghĩ điều gì đó; có khuôn mặt cười tươi như hoa nở... Chỉ cần nhìn lướt qua là tôi biết, những con búp bê này đều được bàn tay của đại sư nặn búp bê nức tiếng huyện Cao Mật Hách Đại Thủ làm ra.
Năm một ngàn chín trăm chín chín, Hách Đại Thủ kết hôn với cô tôi. Cách bán búp bê đất độc đáo của ông Hách vẫn được sử dụng mấy chục năm nay không hiểu vì sao lại chuyển giao cho Vương Can, đồng thời lại biến đổi cách thức ra bán như vậy? Lúc này Vương Can đang nói với những du khách đang đứng chung quanh: “Những búp bê đang bày bán chung quanh tôi rất rẻ là vì họ dùng khuôn để dập. Còn những búp bê của tôi có đắt hơn một tí, nhưng chúng lại được nặn thủ công từ chính bàn tay của đại nghệ nhân nổi tiếng khắp huyện Cao Mật Hách Đại Thủ và ông vua nặn búp bê Tần Hà nhắm mắt mà nặn ra. Thế nào thì gọi là sống động như một sinh mệnh?” - Vương Can nhặt lên một búp bê đang chúm cái miệng nho nhỏ đầy sinh khí lên, nói tiếp - “Đây là con búp bê lấy nguyên mẫu từ phu nhân Dusa người Pháp đã được nhào nặn qua bàn tay thiên tài của Tần Hà đại sư của chúng tôi. Vạn vật sinh ra từ đất, các vị có hiểu không? Nữ Oa vắt đất nặn ra con người, các vị có biết không? Đất là vật có linh khí nhất. Đại sư Tần Hà đã lấy đất này từ lòng sông Giảo Hà ở độ sâu hai mét dưới mặt đất. Đó là loại đất sét đã trầm tích trên ba nghìn năm, là đất sét lịch sử, là đất sét văn hóa, các vị có hiểu không? Sau khi đưa lên khỏi mặt nước, chúng tôi phơi khô đất sét dưới mặt trời rồi để dưới ánh trăng để đất có thể hấp thu tinh khí của vũ trụ, hấp thu ánh sáng của mặt trời mặt trăng, sau đó được đặt lên bàn đá, mài vụn thành bột. Tiếp theo đó, chúng tôi lấy nước sông khi mặt trời vừa mới mọc, lấy nước giếng khi ánh trăng vừa lên đến đỉnh đầu để nhào thành bột nhão, dùng tay nhào một tiếng đồng hồ để cho chúng nhuyễn như bột miến... Lúc ấy mới bắt đầu nặn. Tôi cũng muốn nói thêm để quý vị hiểu rằng, Tần đại sư của chúng tôi khi nặn một búp bê thì công việc đầu tiên là dùng cành trúc chọc một lỗ nhỏ trên đầu, sau đó cắn ngón tay cho chảy máu và cho vào cái lỗ nhỏ ấy một giọt máu của chính mình, dùng một chút đất sét lấp miệng lại và bắt đầu nặn. Nặn xong thì đặt nó vào một chỗ tối, sau bảy bảy bốn chín ngày lấy ra, bắt đầu tô màu, tô mắt tô miệng. Như vậy, bản thân những đứa trẻ đất sét này đã là một sinh mệnh, nếu không nói là một sinh linh... Không giấu giếm các vị, tôi nói điều này nhưng mong các vị đừng sợ hãi... Gặp những đêm trăng tròn, những búp bê của Tần đại sư đều có thể thổi sáo và nhảy múa, vừa nhảy vừa vỗ tay vừa cười. Những tiếng cười tiếng vỗ tay ấy cũng giống như những âm thanh xuất phát từ điện thoại di động của các vị vậy, tuy không lớn nhưng rất trong và rất rõ ràng. Nếu không tin, các vị cứ lấy vài con đem về nhà để kiểm nghiệm những lời tôi nói. Nếu không đúng như vậy, các vị cứ đem lại đây và đập vỡ trước mặt tôi... Nhưng tôi tin rằng, các vị không nỡ lòng nào đập vỡ chúng, đúng không? Bởi đập vỡ chúng, các vị sẽ thấy máu, các vị sẽ nghe thấy tiếng khóc của chúng...” - Trong số những du khách đang vây chung quanh Vương Can, có mấy nữ du khách mua búp bê. Vương Can lôi hộp chuyên dụng ra, gói lại thật cẩn thận, các du khách cầm trên tay với vẻ mặt mãn nguyện và bỏ đi. Đúng lúc ấy, Vương Can mới nhận ra sự có mặt của tôi và “Tiểu sư tử”.
Thực ra thì trong thâm tâm, tôi biết là Vương Can đã nhận ra sự có mặt của tôi cũng như của “Tiểu sư tử” - người mà cậu ta đã theo đuổi một cách tuyệt vọng đến mười mấy năm từ rất sớm. Có điều, cậu ta vẫn làm ra vẻ rất kinh ngạc khi trông thấy chúng tôi, kêu lên rất điệu nghệ:
“Ôi chao! Thì ra là nhị vị!”
“Cậu vẫn tốt đấy chứ, anh bạn! Lâu lắm rồi không gặp nhau!”. Tôi nói.
“Tiểu sư tử” nhìn Vương Can cười, miệng nói gì đó nhưng tôi nghe không rõ. Tôi bắt tay Vương Can rồi rút thuốc lá mời cậu ta. Vương Can cũng rút thuốc lá mời tôi. Tôi hút điếu thuốc “Bát hỷ” của Vương Can, còn cậu ta thì hút điếu thuốc “Tướng quân” của tôi.
“Tiểu sư tử” quan sát thật tỉ mỉ những con búp bê của Vương Can.
“Nghe nói cậu đã trở về từ lâu rồi.” - Vương Can nói - “Đúng là đi khắp cùng trời cuối đất, không đâu bằng chính quê hương!”
“Đúng thế! Cáo chết quay đầu về núi, lá rụng về cội.” - Tôi nói - “Nhưng chẳng qua cũng gặp phải thời thế thay đổi. Nếu là vài chục năm trước, ngay cả nghĩ tới thôi cũng không dám nghĩ”.
“Ngày xưa, mọi người sống như trong lồng kín. Nếu không bị nhốt trong lồng kín thì cổ cũng bị thắt một sợi dây thừng.” - Vương Can nói - “Bây giờ, đã tự do rồi, chỉ cần có tiền, muốn làm gì thì đều làm nấy, chỉ cần không phạm pháp là được”.
“Đúng vậy!” - Tôi vừa nói vừa chỉ vào những con búp bê - “Này ông bạn, tất cả đều là thật đấy chứ? Tất cả đều linh nghiệm như ông nói đấy chứ?”
“Ông cho là tôi buột miệng nói bừa để lừa người ta sao?” - Thái độ Vương Can rất nghiêm túc - “Những gì tôi nói đều là sự thật, tuy có chút ít cường điệu nhưng căn bản vẫn là sự thật. Ngay cả chuyện quốc gia đại sự, người ta cũng cường điệu lên một chút, có sao đâu?”
“Dù sao thì miệng lưỡi của tôi cũng không so được với ông” - Tôi nói - “Nói thật đi, tất cả đều do Tần Hà nặn cả, phải không?”
“Lẽ nào lại là đồ giả!” - Vương Can nói - “Tôi nói, những con búp bê này có thể thổi sáo và nhảy múa trong đêm trăng tròn, đó là nói dóc. Nhưng chuyện Tần Hà nhắm mắt và nặn ra chúng, đó là chuyện thật trăm phần trăm. Nếu ông không tin, ngày nào đó rảnh rỗi, tôi đưa ông đi xem”.
“Tần Hà đang sống ở đây à? Hộ khẩu vẫn ở đây chứ?”
“Mấy năm gần đây sống ở đâu mà chả được, cần gì hộ khẩu với chả hộ khẩu. Chỗ nào sống được thì cứ sống thôi.” - Vương Can nói - “Cô của ông sống ở đâu thì Tần Hà sống ở đó. Người như ông ta, nhân gian khó tìm!”
“Tiểu sư tử” cầm một con búp bê rất đẹp, thoạt trông cũng nhận ra đó là một đôi được nặn theo mô hình pha trộn hai dòng máu đông tây trong tay, đưa lên cao, nói: “Tôi cần đứa trẻ này”.
Tôi chăm chú nhìn con búp bê và đột nhiên, một cảm giác lạ lùng xuất hiện. Đúng! Không sai tí nào! Trông có vẻ quen lắm. Nhưng tôi đã gặp khuôn mặt này ở đâu? Là ai?
Đúng rồi! Chính là Trần Mi, con gái Trần Tị và Vương Đảm, là đứa con gái bé bỏng mà cô tôi và “Tiểu sư tử” đã chăm sóc trong nửa tháng và sau đó đành lòng trả về cho bố nó là Trần Tị.
Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm mà Trần Tị đến nhà tôi để thăm đứa con gái của cậu ta. Đó là đêm cuối cùng của một năm, là đêm giao thừa tết âm lịch. Tiếng pháo đì đùng nổ trong thôn, không gian khét lẹt mùi thuốc pháo và lởn vởn khói. “Tiểu sư tử” đã hoàn tất mọi thủ tục để có thể đi theo tôi, đã có thể rời khỏi tổ sinh đẻ có kế hoạch công xã. Qua tết là tôi đã có thể đưa cô ấy và Yến Yến đến ga tàu hỏa để đến Bắc Kinh. Trong đơn vị của tôi ở Bắc Kinh có một khu tập thể giành cho những quân nhân độc thân, cứ xem đó là nhà mới của chúng tôi. Bố không đi theo chúng tôi, cũng không muốn lên sống với anh cả lúc này đã công tác ở huyện. Ông muốn bám giữ mảnh đất của mình. May mà anh hai tôi đang công tác trên thị trấn gần nhà, có thể chăm sóc bố.
Sau khi Vương Đảm chết, Trần Tị sống ngập ngụa trong rượu, uống say thì hát và khóc, đi ngêu ngao khắp hang cùng ngõ hẻm. Ban đầu, mọi người còn biểu lộ sự thương xót và thông cảm. Nhưng dần dần, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Khi tổ chức truy tìm Vương Đảm, công xã đã dùng số tiền trong ngân hàng của Trần Tị để trả công cho xã viên. Sau khi Vương Đảm chết, hầu hết những người đã nhận số tiền ấy đều mang đến trả lại cho cậu ta. Lãnh đạo công xã cũng quyết định không thu những khoản chi phí đã cung cấp cho Trần Tị trong thời gian bị giam giữ tại công xã. Do vậy, nếu tính toán một cách đơn giản, ai cũng biết là trong tay cậu ta ít nhất cũng có ba mươi nghìn đồng, đủ để cho cậu ta uống rượu trong vài ba năm. Gần như Trần Tị đã quên đứa con gái bé nhỏ được cô tôi và “Tiểu sư tử” ôm về trạm xá để chăm sóc. Thực ra, mục đích của Trần Tị khi mạo hiểm để cho Vương Đảm mang thai đứa thứ hai chỉ là mong muốn có một đứa con trai để nối dõi họ Trần. Do vậy mà cậu ta mới liều sống liều chết để bảo vệ cái bào thai ấy. Nhưng khi nhận lấy kết quả là một đứa con gái được sinh ra từ trong gian lao tột cùng, cậu ta không còn quan tâm gì nữa mà chỉ biết đấm ngực kêu khóc: Trời hại tôi rồi! Trời bắt tôi tuyệt tự!... như tôi đã kể ở trước.
Cái tên Trần Mi là do cô tôi đặt cho đứa con gái ấy. Bởi mắt nó sáng, mày nó thanh, lại đã có một con chị tên là Trần Nhĩ nên cô tôi chỉ nói gọn lỏn: Tên nó là Trần Mi! “Tiểu sư tử” vỗ tay tán thưởng: “Cái tên này quá hay!”
Cả “Tiểu sư tử” và cô tôi đều đã có ý định nhận Trần Mi làm con nuôi. Có điều khi làm hộ khẩu và các thủ tục nhận con nuôi đều rất phiền hà phức tạp, cho nên khi Trần Tị đến và lôi con bé từ trong tay của “Tiểu sư tử” đi, nó vẫn chưa được kê khai hộ khẩu và cũng chưa có giấy khai sinh. Và tất nhiên, trong tổng số nhân khẩu hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chưa hề có tên con bé ấy. Thời ấy, người ta gọi loại trẻ con này là “con đen” và cũng chưa ai bỏ công ra để thống kê loại “con đen” này là bao nhiêu trong thời kỳ ấy. Nhưng nếu có thống kê chưa chắc đã đầy đủ, cho dù không đầy đủ thì con số thống kê vẫn có thể làm cho người ta giật mình kinh sợ. Cho đến năm một chín chín mươi, vấn đề “con đen” này tạm thời được giải quyết sau đợt tổng điều tra dân số trong toàn quốc. Và tất nhiên số tiền phạt vì “sinh con ngoài kế hoạch” này lớn không biết bao nhiêu mà kể. Có điều số tiền phạt ấy được nhập vào kho bạc của nhà nước là bao nhiêu, không ai có thể tính toán được. Mười mấy năm gần đây, nhân dân tiếp tục tạo ra bao nhiêu là “con đen”. Nếu thống kê được thì lại là một con số làm cho người ta tiếp tục sợ hãi và đương nhiên số tiền phạt cũng cao lên gấp mấy chục lần so với ngày ấy, chờ đến đợt tổng điều tra dân số tiếp theo và nếu những bậc bố mẹ của những “con đen” ấy nộp tiền phạt thì…
Trong những ngày ấy, thiên chức làm mẹ của “Tiểu sư tử” bộc lộ rất rõ rệt. Ôm ấp, hôn hít Trần Mi hình như vẫn chưa đủ làm cô ấy thỏa mãn. Thậm chí tôi còn nghi ngờ rằng, cô ấy đã từng lén lút vạch vú cho con bé bú. Cơ sở để tôi nghi ngờ là đầu vú của “Tiểu sư tử” có phần khác lạ. Có điều, cô ấy có sữa để cho con bé bú hay không thì rất khó nói. Tôi không dám phủ định nhưng cũng không dám khẳng định, bởi kỳ tích ấy nghe đâu đã từng phát sinh. Thuở nhỏ tôi đã từng xem một vở kịch kể về một gia đình gặp phải tai ương: bố mẹ chết cả, chỉ còn một cô con gái mười tám tuổi và một đứa con trai đang thời kỳ bú sữa. Trong lúc cùng quẫn, cô chị đã nhét đầu vú trinh nguyên của mình vào miệng cậu em trai. Tất nhiên ban đầu là không có sữa. Nhưng phép thần kỳ đã xảy ra, cậu em mút mãi và cuối cùng sữa cũng tiết ra! Chuyện thần kỳ ấy tất nhiên khó lòng xảy ra trong cuộc sống. Chị mười tám tuổi mà em còn bú sữa ? Mẹ tôi nói, thời trước, mẹ chồng và con dâu đẻ cùng một lúc là chuyện bình thường. Nhưng… chuyện ấy cũng từng xảy ra trong hiện tại. Bạn đại học của con gái tôi vừa có thêm một đứa em gái. Bố của con bé này là chủ một mỏ khai thác than đá, tiền nhiều đến độ chỉ biết đếm bằng gang tay trong khi nông dân bỏ đất lên đào than cho lão ta thì ăn không đủ no. Lão này có nhà ở Bắc Kinh, Thượng Hải, San Francisco, Washington… Toàn là những biệt thự hào hoa phong nhã và ở đó, lão đã cùng với những bà vợ hai, vợ ba sinh con đẻ cái…
Thôi thì tôi đành phải ghìm dây cương con ngựa bất kham là hồi ức của chính mình để quay lại với chuyện chính vậy. Đêm trừ tịch, khi tôi đang đổ sủi cảo vào nồi, khi con gái tôi Yến Yến đang vỗ tay hát một bài hát của thiếu nhi giành cho sủi cảo “Một đoàn thiên nga bay đến từ phương nam, Kêu lên nháo nhác sà xuống sông”, khi “Tiểu sư tử” đang ôm Trần Mi hôn hít không biết chán thì Trần Tị, với chiếc áo khoác bằng da cũ mèm, đội chiếc mũ có hai nắp chụp lên tai, khập khà khập khiễng bước vào nhà tôi. Trần Nhĩ nối gót ngay phía sau và đang níu một chéo áo của bố. Trần Nhĩ mặc một chiếc áo bông, tay xắn đến khuỷu để lộ đôi cánh tay rét cóng đến độ đỏ rực. Đầu tóc con bé rối bời chẳng khác nào một đống cỏ khô, liên tục chun mũi hít hít nước mũi chảy dài xuống miệng, rõ ràng là con bé đang bị cảm nặng.
“Đến được đây là quá tốt! Cứ ngồi xuống đó đã!” - Tôi vừa đảo sủi cảo trong nồi vừa nói.
Trần Tị ngồi xuống ngạch cửa. Ánh lửa trong lò hắt ra chiếu rọi khuôn mặt cậu ta, chiếc mũi to tướng lúc này giống hệt như một chiếc củ cải trắng được đẽo gọt nhẵn nhụi đeo lên mặt. Trần Nhĩ vịn vai bố đứng bên cạnh, ánh mắt có vẻ sợ hãi lẫn hiếu kỳ, thi thoảng liếc nhìn nồi sủi cảo đang sôi trên bếp lò, lúc thì nhìn “Tiểu sư tử” và đứa bé trong lòng cô ấy, lúc thì chuyển ánh mắt sang Yến Yến. Yến Yến đưa viên kẹo sô cô la đang cầm trong tay cho Trần Nhĩ. Nó nghiêng đầu nhìn vào mặt Trần Tị rồi len lén nhìn vào mặt tôi.
“Cầm lấy đi! Em Yến Yến đã cho thì cháu cứ nhận.” - Tôi nói.
Cánh tay nhỏ nhắn rụt rè đưa ra cầm lấy chiếc kẹo.
Trần Tị nghiêm giọng quát nhỏ: “Trần Nhĩ!”
Cánh tay ấy nhanh chóng rụt lại.
“Cậu làm gì thế! Trẻ con mà!” - Tôi bực mình gắt.
Trần Nhĩ khóc òa lên.
Tôi bước đến bên tủ vốc một nắm kẹo sô cô la đến bên Trần Nhĩ bỏ vào túi áo nó.
Trần Tị đứng dậy, nói với “Tiểu sư tử”: “Trả con cho tôi!”
“Tiểu sư tử” trừng mắt: “Không phải là anh không cần nó hay sao?”
“Ai nói tôi không cần?” - Giọng Trần Tị có vẻ hung hãn - “Nó là con tôi, là cốt nhục của tôi. Tại sao tôi lại không cần?”
“Anh không xứng là bố nó! Nó sinh ra trông chẳng khác nào một con mèo ốm. Nó sống được là nhờ tôi!” - “Tiểu sư tử” nói.
“Do các người truy đuổi nên Vương Đảm mới đẻ non!” - Trần Tị nói - “Nếu không, Vương Đảm sẽ không chết. Các người vẫn còn nợ tôi một sinh mạng!”
“Anh đang đánh rắm đấy à! Tình trạng của Vương Đảm, anh cũng biết, không nên mang thai nữa nhưng anh vẫn cố tình buộc cô ấy phải đẻ cho anh đứa con trai để nối dõi tông đường họ Trần nhà anh. Căn bản anh đã không quan tâm chuyện Vương Đảm sống hay chết! Vương Đảm chết là vì anh!”
“Cô nói gì?” - Trần Tị gào lên điên cuồng - “Cô mà nói thế thì tôi sẽ cho nhà cô không được ăn tết!”
Vừa nói, cậu ta vừa chộp lấy cái cối giã tỏi cầm trong tay rồi nhìn bếp lò như muốn quẳng nó vào đó.
“Trần Tị! Cậu điên rồi à?” - Tôi quát - “Dù sao chúng ta cũng là bạn bè một thuở!”
“Bây giờ mà còn nói chuyện bạn bè hay sao?” - Trần Tị cười gằn - “Vương Đảm trốn trong nhà bố mẹ vợ cậu, có phải cậu là người đã tố cáo chuyện này với cô cậu?’’
“Không có liên quan gì đến Tiểu Bão. Tiêu Thượng Thần cung cấp thông tin cho chúng tôi!” - “Tiểu sư tử” nói.
“Tôi không cần biết ai đã báo tin.” - Trần Tị nói - “Dù sao thì bữa nay cô cũng phải trả con gái lại cho tôi”.
“Đừng có nằm mơ!” - “Tiểu sư tử” nói - “Tôi không thể để cho đứa trẻ này chết trong tay anh. Anh không xứng làm bố nó!”
“Cô là đồ quỷ cái! Các người đều là loại quỷ cái hai đuôi không thể sinh nở được. Các người không biết sinh đẻ nên mới không cho người khác sinh con! Các người không thể đẻ con được nên mới lôi con của người khác ra từ trong bụng mẹ nó!”
“Trần Tị! Câm cái mõm thối của cậu lại đi!” - Tôi gào to đầy tức giận - “Đêm hôm khuya khoắt cậu đến nhà tôi để làm loạn à? Cậu có bản lĩnh thì quẳng cái cối vào bếp lò nhà tôi đi!”
“Cậu cho rằng tôi không dám?”
“Cậu làm đi!”
“Nếu không giao con lại cho tôi, chuyện gì tôi cũng dám làm! Giết người đốt nhà, tôi làm tất!”
Bố tôi nãy giờ nằm im trên giường, lúc này mới trở mình dậy, nói: “Cháu à, hãy nể chú là người già cả, nể tình chú với bố cháu đã từng ăn ở với nhau không tồi, bỏ cái cối xuống đi!”
“Thế thì chú hãy bảo cô ta trả con cho cháu trước đã!”
“Ai có thể cướp được con của cháu nào!” - Bố tôi nói - “Nhưng cháu hãy thương lượng với “Tiểu sư tử”. Dù sao đi nữa, nếu không có nó, đứa bé này đã đi theo mẹ nó từ lâu rồi”.
Trần Tị vất chiếc cối xuống đất, ngồi bệt xuống ngạch cửa, khóc hu hu như trẻ con. Trần Nhĩ ôm vai bố, dỗ dành: “Bố… bố đừng khóc…”
Trông thấy cảnh tượng ấy, mắt tôi cay cay, nói với “Tiểu sư tử”: “Em xem…, hay là đưa đứa bé cho cậu ta vậy…”
“Đừng có mà nằm mơ!” - “Tiểu sư tử” nói - “Đứa bé này là tôi nhặt được!”
“Các người khinh người quá!… Các người không còn biết đạo lý là gì…” - Trần Tị gầm to.
“Hãy gọi cô con đến đây!” - Bố nói.
“Không cần gọi, tôi đến đây đã lâu lắm rồi.” - Tiếng cô tôi ngoài cửa.
Tôi có cảm giác là cứu tinh của mình đã xuất hiện.
“Trần Tị! Cậu hãy đứng dậy!” - Cô nói - “Tôi đang đợi cậu quẳng cái cối vào bếp lò đây!”
Trần Tị líu ríu đứng dậy một cách ngoan ngoãn.
“Trần Tị! Cậu biết tội chưa?” - Cô nghiêm giọng hỏi.
“Tôi có tội gì?”
“Cậu vi phạm chính sách nhân khẩu!” - Cô nói - “Trần Mi là do chúng tôi đưa về. Chúng tôi dùng cháo gạo, dùng bột sữa cho ăn, khó khăn lắm mới cứu sống được nó. Nửa năm rồi tôi có thấy cậu vác mặt đến đâu. Đứa con gái này đúng là nòi giống của cậu, nhưng một người bố như cậu, cậu thử nói xem, đã hoàn thành trách nhiệm chưa?”
Trần Tị ú ớ: “Nói gì thì nói… nó cũng là con tôi…”
“Là của anh?” - “Tiểu sư tử” hung hăng - “Anh thử gọi xem, nó có liếc mắt nhìn anh không? Nếu nó nhìn anh, anh cứ việc ôm nó về!”
“Cô không biết một tí lý lẽ nào cả, tôi không nói với cô nữa!” - Trần Tị nói - “Cô à, trước đây tôi đã sai, lúc này tôi nhận sai, nhận tội. Cô trả con lại cho tôi”.
“Trả lại cho cậu, được thôi.” - Cô nói - “Trước tiên là cậu hãy đến công xã nộp tiền phạt, sau đó thì hãy kê khai hộ khẩu cho con bé”.
“Phạt bao nhiêu?”
“Năm nghìn tám trăm đồng”.
“Sao nhiều thế? Tôi không có đủ chừng ấy tiền”.
“Không có tiền? Không có thì đừng nghĩ đến chuyện đem con về nữa”.
“Năm nghìn tám! Tiền thì không có, nhưng tôi có cái mạng này!”
“Cậu cứ giữ cái mạng ấy đi.” - Cô nói - “Cậu vẫn có thể để tiền lại mà uống rượu, ăn thịt, cũng có thể dùng để đi tìm gái đầu đường xó chợ!”
“Tôi không làm những chuyện đồi bại ấy!” - Trần Tị gào to - “Tôi sẽ tố cáo các người! Công xã không giải quyết tôi sẽ tố cáo đến huyện. Huyện không giải quyết tôi sẽ tố cáo lên tỉnh. Tỉnh không giải quyết tôi sẽ tố cáo đến tận trung ương!”
“Nếu trung ương không giải quyết thì sao?” - Cô tôi cười nhạt - “Có phải là cậu khiếu nại lên đến tận Liên hợp quốc?”
“Liên hợp quốc? Tôi cũng có thể khiếu kiện lên đến tận Liên hợp quốc!”
“Cậu có bản lĩnh quá nhỉ? Nhưng lúc này, cậu hãy cút đi!” - Cô tôi gằn giọng - “Chờ khi thắng kiện, cậu hãy đến đây mà nhận con. Nhưng nói cho cậu biết, lúc ấy cậu phải viết một tờ cam đoan là sẽ nuôi nấng đứa con này một cách đàng hoàng. Còn nữa, cậu phải trả tiền nuôi dưỡng nó cho tôi và “Tiểu sư tử” mỗi người năm nghìn đồng!”
Đêm trừ tịch ấy, Trần Tị không thể đưa được Trần Mi về. Nhưng ăn tết xong, đúng vào ngày nguyên tiêu, Trần Tị đem tất cả những chứng từ nộp phạt đến nhà tôi và ôm Trần Mi đi, tất nhiên là số tiền nuôi dưỡng mà cô tôi đã nói thì không cần phải trả. “Tiểu sư tử” khóc như mưa như gió, chẳng khác nào bị người ta cướp mất đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Cô tôi quát: “Khóc cái gì? Thích trẻ con thì tự đẻ lấy mà nuôi!”
Nhưng “Tiểu sư tử” vẫn khóc. Cô tôi ôm lấy vai “Tiểu sư tử” và an ủi bằng một giọng nói bi thương mà tôi chưa từng nghe thấy trên miệng cô: “Cuộc đời cô coi như đã an bài, nhưng các cháu thì chỉ mới bắt đầu. Nào, chuyện công tác là thứ yếu, cứ đi theo Tiểu Bão, đẻ được đưa con ôm về đây để gặp cô...”
Sau khi đến Bắc Kinh, chúng tôi toàn tâm toàn ý nghĩ đến chuyện sinh con, nhưng không ngờ lời Trần Tị thế mà linh nghiệm, “Tiểu sư tử” không thể mang thai. Cô ấy đối xử với Yến Yến vẫn rất tốt nhưng tôi biết, đứa trẻ trong mơ của cô ấy vẫn là Trần Mi. Do vậy, khi “Tiểu sư tử” cầm con búp bê có khuôn mặt giống hệt Trần Mi trong tay, tôi hiểu được tâm trạng cô ấy.”Tiểu sư tử” nói với Vương Can nhưng thực ra là đang nói với tôi:
“Tôi cần con búp bê này!”
“Bao nhiêu tiền?” - Tôi hỏi Vương Can.
“Sao thế, Tiểu Bão! Cậu vẫn coi thường tôi đến thế sao”. Vương Can nói.
“Cậu đừng có hiểu nhầm.” - Tôi nói - “Muốn có con thì phải thành tâm, không trả tiền thì sao gọi là thành tâm được”.
“Trả tiền mới không thành tâm.” - Vương Can hạ giọng nói - “Nếu có thể dùng tiền mua được thì chỉ là một cục đất sét, còn con thì mua không được đâu”.
“Thì thôi vậy. Nhà chúng tôi ở khu Tân Hà, số 902. Rất hân hạnh đón tiếp cậu.” - Tôi nói.
“Tôi sẽ đến. Chúc hai người mau chóng có quý tử”.
Tôi cười khổ, lắc đầu, nói lời từ biệt rồi dắt “Tiểu sư tử” nhập vào dòng người đổ về miếu Nương Nương.
Khói hương xông lên nghi ngút trong chiếc lư hương to tướng đặt trước miếu. Trên chiếc giá đặt bên cạnh lư hương, một rừng nến đỏ đang cháy trong gió, sáp chảy thành từng dòng. Rất nhiều phụ nữ vây chung quanh lư hương và giá nến. Có người thì gầy guộc như một que củi, có người đầu tóc bạc phơ nhưng cũng có nhiều cô còn rất trẻ... Có người thì lam lũ rách rưới, có người thì đeo vàng giát ngọc khắp người... Nói chung là đủ hình đủ sắc, đủ quý tộc bình dân nhưng đều có một điểm chung là gương mặt biểu lộ vẻ thành kính và hy vọng, ai nấy đều ôm trong tay một con búp bê đất sét.
Chính điện rất cao, lối lên cổng chính là một bậc tam cấp có đến gần hai mươi bậc. Tôi ngước mắt nhìn lên và nhận ra trên cổng chính có một tấm bảng sơn son thếp vàng viết bốn chữ “Đức dục quần anh”( ) to tướng, bốn góc mái nhà đều có treo chuông đồng, gió thổi qua, chuông lại kêu lên leng keng.
Rất nhiều phụ nữ đang đứng trên những bậc tam cấp và trong tay người nào cũng ôm một con búp bê. Tôi len lỏi giữa đám phụ nữ và có cảm giác bàng quan đối với những gì đang diễn ra chung quanh. Không khí ở đây vừa có vẻ nghiêm trang vừa có nét phồn thực một cách dung tục, vừa có vẻ nghiêm túc vừa có nét hoang đường. Tôi chợt nhớ lại chuyện ngày xưa mình đã tận mắt chứng kiến đội Hồng vệ binh của Trường trung học số 1 huyện đã đến đây đập phá trong cao trào “phá bỏ bốn cái cũ”. Họ, có cả con trai lẫn con gái khiêng bức tượng Nương Nương vất xuống sông, miệng hô vang: Kế hoạch sinh đẻ phải thắng lợi, Nương nương hãy xuống sông mà bơi! Lúc ấy có một đám đông phụ nữ, chủ yếu là những bà già tóc bạc phơ đang quỳ thành một hàng bên sông, cúi đầu lạy và lầm rầm khấn vái gì đó. Có lẽ là họ đang khẩn cầu Nương Nương hiển linh trừng phạt những ông trời con này chăng? Không biết Nương Nương có trừng phạt bọn chúng hay không, nhưng điều này là có thật: Trên mảnh đất hoang tàng đổ nát ấy, người ta đã trùng tu một ngôi miếu thật đường bệ. Bên trong miếu đã có một tượng Nương Nương khác còn to đẹp hơn ngày xưa rất nhiều. Người ta nói, những công trình này nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa nhưng đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo mới; vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân nhưng cũng vừa lôi kéo du khách tham quan. Đúng là xây dựng một xí nghiệp sản xuất không bằng xây một ngôi miếu. Người quê tôi, bạn bè của tôi không phải đang bám vào ngôi miếu này để sống đấy sao?
Tôi ngước nhìn bức tượng Nương Nương. Mặt Nương Nương tròn như một vầng trăng mười sáu, tóc đen như gỗ mun, đôi lông mày dài cong vút, ánh mắt hiền từ. Toàn thân Nương Nương mặc áo trắng được đính ngọc ngà châu báu. Tôi không biết đó là đồ thật hay đồ giả, tay phải cầm một chiếc quạt lông đặt hờ lên vai, tay trái đang sờ đầu một đứa bé cưỡi cá chép. Hai bên tượng còn có mười mấy bức tượng trẻ con với đủ các gương mặt và tư thế khác nhau, trông rất đáng yêu. Tôi nghĩ, nghệ nhân có thể nặn được những tượng trẻ con hoàn mỹ đến như vậy ở vùng Đông Bắc Cao Mật này không ngoài Hách Đại Thủ và Tần Hà. Nếu lời Vương Can là sự thật thì có thể những bức tượng này ra đời dưới bàn tay Tần Hà thì hợp lý hơn, bởi nói vô phép, khuôn mặt của vị Nương Nương này phảng phất dung mạo của cô tôi thời trẻ! Có chín cô gái đang quỳ trên chiếc sạp đặt trước tượng Nương Nương. Có lẽ họ đã quỳ ở đây lâu lắm rồi nhưng vẫn chưa có biểu hiện nào là muốn đứng dậy. Có người thì lạy sì sụp, có người thì hai tay chắp trước ngực đưa ánh mắt sùng kính nhìn tượng Nương Nương, miệng lầm rầm khấn vái. Bên ngoài chiếc sạp cũng có rất nhiều phụ nữ. Họ đều quỳ trên nền đá Đại Lý. Cho dù là quỳ trên sạp hay quỳ trên đất, tất cả những phụ nữ này đều đặt những con búp bê đất trên đùi mình để cho mặt nó hướng về Nương Nương. “Tiểu sư tử” đang quỳ trên nền đá dập đầu lạy rất cung kính chân thành, miệng cũng lầm rầm khấn vái, nước mắt rưng rưng. Tôi biết, “Tiểu sư tử” đang rất muốn có con, muốn đến điên cuồng. Nhưng tôi cũng biết, cô ấy không bao giờ có thể toại nguyện. Cô ấy sinh năm một chín năm mươi, đã năm mươi lăm tuổi, tuy đôi vú vẫn rất to nhưng làm gì còn kinh nguyệt nữa. Khi tôi quan sát người khác thì tôi cũng biết là nhất định người khác cũng đang quan sát mình. Tôi cũng bắt chước “Tiểu sư tử” quỳ trước tượng Nương Nương. Những người đang quan sát tôi đang nghĩ rằng, cặp vợ chồng già này không biết tự lượng sức mình, già chừng ấy rồi mà vẫn còn muốn có con!
Lễ bái xong xuôi, những người đàn bà móc ví lấy tiền nhét vào chiếc hòm gỗ màu đỏ đặt trước tượng Nương Nương. Sau khi thấy các bà đã nhét tiền vào hòm xong, một ni cô bước đến và buộc vào cổ những con búp bê mỗi con một sợi dây lụa màu đỏ. Hai ni cô mặc cà sa màu xám đứng ở hai bên dưới chân tượng Nương Nương cúi đầu, gõ mõ và bắt đầu niệm kinh. Xem thần sắc thì cả hai vị ni cô này hầu như không quan tâm gì đến chiếc hòm đựng tiền cúng dường. Nhưng mỗi khi có ai đó nhét vào đó một hoặc hai tờ một trăm đồng thì tiếng cánh tay gõ mõ có vẻ mạnh hơn, tiếng mõ vang hơn và tiếng niệm kinh cũng to hơn. Hình như hai vị ni cô này nghĩ rằng, đó là cách để cho Nương Nương đứng trên cao chú ý đến những người cúng nhiều tiền hơn một tí.
Ban đầu, chúng tôi không có ý định đến đây nên không mang theo tiền. Trong lúc cấp bách, “Tiểu sư tử” tháo chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay ra nhét vào hòm gỗ. Tiếng mõ của vị ni cô đột nhiên vang lên ba tiếng “cốc cốc cốc” thật lớn khiến tôi nhớ đến tiếng súng lệnh của trọng tài bắn khi tôi tham gia một cuộc chạy thi việt dã trước đây đã nhiều năm lắm rồi.
Phía trong hậu điện còn có những bàn thờ của Thiên Tiên Nương Nương, Nhãn Quang Nương Nương, Tử Tôn Nương Nương, Nhũ Mẫu Nương Nương và ba bốn vị nương nương khác mà tôi không biết gọi tên là gì. Trong điện vẫn có người đang quỳ lạy sì sụp và vẫn có những ni cô đang gõ mõ tụng kinh. Tôi nhìn mặt trời rồi đề nghị “Tiểu sư tử” lần sau đến tiếp, cô ấy gật đầu nhưng vẻ mặt biểu lộ sự không bằng lòng. Khi chúng tôi đang đi theo lối ra khỏi điện, ngang qua một chiếc am nhỏ thì bất ngờ có mấy cái đầu ni cô ló ra:
“Thí chủ! Mời thí chủ hãy cho con mình một vòng khóa trường thọ!”
“Thí chủ! Mời thí chủ hãy cho con mình một bộ quần áo của ráng màu!”
“Thí chủ! Mời thí chủ hãy cho con mình một đôi guốc mây xanh!”
...
Chúng tôi không có tiền, thẹn thùng lắc đầu từ chối.
Rời khỏi miếu Nương Nương thì mặt trời đã gần lên đến đỉnh đầu. Em họ gọi vào máy di động của tôi hỏi tại sao vẫn chưa thấy anh chị đến. Phố xá nhộn nhịp, người đông như trẩy hội; hàng hóa chất chồng, người mua kẻ bán ồn ào… Chúng tôi không còn đủ thời gian để ngắm phố phường nữa, cắm cúi đi thẳng về phía trước. Em họ tôi nói, xe của cậu ấy đã chờ ở phía đông miếu Nương Nương. Hôm nay là ngày ra mắt Bệnh viện Nhi đồng Gia Bảo do Trung Quốc và Mỹ hợp tác, cậu ấy đang chờ chúng tôi ở trước bệnh viện.
Khi chúng tôi đến nơi thì phần lễ tiết đã kết thúc, trước lễ đài chỉ còn có xác pháo và mấy chục lẵng hoa đứng im lìm. Hai quả bóng bay to tướng đang lơ lửng giữa không trung kéo theo hai dải lụa màu đỏ, trên đó có mấy chữ chúc mừng ngày khai trương. Bệnh viện này được kiến trúc theo hình vòng cung. Hai tòa nhà sơn màu lam như một đôi tay muốn ôm lấy tất cả vào lòng mình, hình thành nên một sự đối lập với sự rực rỡ huy hoàng của miếu Nương Nương cách đó không xa.
Khi tôi thấy cậu em họ thì đồng thời cũng trông thấy cô tôi. Rất nhiều người, trong đó có cô đang đứng trước những lẵng hoa, tranh thủ chọn những bông hoa còn tươi. Trên tay cô tôi đã có mười mấy đóa hoa hồng trắng, đỏ, vàng tươi rói, tất cả đều mới hé nụ. Tôi nhận ra cô từ phía sau lưng. Nói thật lòng, cho dù cô tôi có đứng lẫn trong hàng vạn người mặc trang phục giống nhau, cùng một màu sắc như nhau, chúng tôi cũng chẳng tốn bao nhiêu thời gian để nhận ra cô.
Một đứa bé khoảng hơn mười tuổi đến trước mặt và đưa cho cô một túi giấy màu trắng rồi lập tức bỏ chạy. Cô tôi mở miệng chiếc túi giấy và ngay lập tức, toàn thân cô bất động, sau đó kêu lên một tiếng quái dị rồi lảo đảo đi lùi mấy bước và cuối cùng thì ngã xuống đất.
Một con ếch xanh gầy guộc nhảy ra từ chiếc túi giấy, bám vào áo cô rồi nhảy xuống đất.
2
Ngay trước cổng công ty nuôi ếch có một trạm bảo vệ. Một người đàn ông có lẽ là nhân viên bảo vệ kính cẩn chào em họ tôi rồi chiếc cổng điều khiển bằng điện từ từ mở ra. Chiếc Nissan đưa chúng tôi đến đây từ từ bò vào cổng. Viên Tai, đại sư tướng số kiêm bác sĩ phụ sản nghiệp dư ngày trước - lúc này là Tổng giám đốc Viên đang đứng trước một bức phù điêu đen đen chờ chúng tôi.
Trên bức phù điêu ấy là một con ếch to tướng.
Nhìn từ xa, nó giống như một chiếc xe bọc thép quân sự.
Đế của bức phù điêu ấy là một khối đá Đại Lý to tướng và vuông vức có hai dòng chữ: “Ếch trâu” và “Rana Catesbiana”.
“Chụp ảnh! Chụp ảnh!” - Viên Tai gào to - “Chụp ảnh trước rồi đi tham quan, sau đó thì ăn cơm!”
Tôi nhìn thật kỹ con ếch trên bức phù điêu, trong lòng cảm thấy sợ hãi. Chỉ cần thấy cái sống lưng đen xỉn và hoa văn trên toàn thân nó cộng với những chỗ lồi chỗ lõm là cũng đủ để người ta phải sợ hãi. Hai chỗ lồi trên đầu nó là hai con mắt với cái nhìn thật thâm trầm như muốn thông báo một điều gì đó vô cùng bí mật trong thời viễn cổ.
“Tiểu Tất! Đem máy ảnh đến đây!” - Em họ tôi quát to.
Một cô gái thân hình cao dong dỏng, đeo đôi gọng kính màu đỏ, mặc chiếc quần jean thật gợi cảm xách một chiếc máy ảnh có vẻ rất nặng xuất hiện.
“Tiểu Tất - vốn là sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật Tế Đông, bây giờ là trưởng phòng hành chính của công ty.” - Em họ tôi giới thiệu.
“Không chỉ là một mỹ nhân mà còn là một nghệ thuật gia!” - Viên Tai tiếp lời - “Hát hay, chụp ảnh giỏi, lại biết cả điêu khắc tượng… Còn tửu lượng thì… khỏi nói…”
“Tổng giám đốc quá khen!” - Tiểu Tất đỏ mặt nói.
“Ông bạn này của tôi cũng là một nhân vật đáng nể, thuở nhỏ chạy việt dã cực giỏi, cứ nghĩ sẽ là quán quân thế giới, không ngờ lại trở thành nhà văn!” - Viên Tai giới thiệu tôi với Tiểu Tất - “Nguyên danh Vạn Túc, nhũ danh Tiểu Bão, tên lúc này là Nòng Nọc!”
“Nòng Nọc là bút danh.” - Tôi vội vàng nói.
“Đây là phu nhân của đại tác gia Nòng Nọc, “Tiểu sư tử”!” - Em họ tôi chỉ “Tiểu sư tử” nói - “Chuyên gia sản phụ”.
“Tiểu sư tử” ôm chặt con búp bê, gật đầu một cách máy móc.
“Nghe đại danh của hai vị từ lâu. Giám đốc Viên giám đốc Kim nhắc đến hai vị từ lâu.” - Tiểu Tất khiêm nhường nói.
“Đây là con ếch đệ nhất thiên hạ! Chính là tác phẩm của Tiểu Tất!” - Em họ tôi nói.
Tôi tấm tắc khen lấy lòng.
“Xin nhờ thầy Nòng Nọc chỉ giáo thêm”.
Chúng tôi đi một vòng quanh bức phù điêu con ếch. Một cảm giác cứ đeo bám trong lòng tôi: Cho dù bất cứ bộ phận nào của nó, từ đầu đến chân đều có hai con mắt mở thao láo nhìn tôi, đe dọa tôi.
Công việc chụp ảnh đã xong, Viên Tai, em họ tôi và Tiểu Tất đưa chúng tôi đi xem những hồ nuôi ếch gồm hồ nuôi ếch giống, hồ nuôi ếch con, hồ nuôi ếch đã trưởng thành cũng như xưởng gia công thức ăn và xưởng chế biến ếch thành phẩm.
Sau buổi tham quan ấy, trong đầu óc tôi luôn luôn tái hiện những cảnh tượng ở những chiếc hồ nuôi ếch. Đó là những chiếc hồ rộng khoảng bốn mươi mét vuông, nước đục ngầu sâu khoảng nửa thước. Trên mặt nước, những con ếch đực đang phễnh cái bụng trắng hếu lên trời và miệng phát ra những tiếng kêu gào đòi được giao phối. Ếch cái rất nhàn nhã dang bốn chân nổi trên mặt nước và rất từ tốn bơi đến gần những con ếch đực. Nhưng nhiều hơn vẫn là hình ảnh những con ếch đã ôm chầm lấy nhau thành một đôi, ếch cái bám trên lưng ếch đực nổi lềnh bềnh trên mặt nước, hai chân trước của ếch đực ôm lấy ếch cái, hai chân sau không ngừng đạp đạp vào bụng bạn tình rồi những chùm trứng trong suốt từ cơ quan sinh dục của ếch cái phóng ra. Đồng thời, tinh dịch trong suốt của ếch đực cũng bắn vào nước - Loài ếch thụ tinh ngoài cơ thể - Hình như em họ tôi và cũng có thể là Viên Tai đã nói, mỗi lần đẻ trứng, ếch cái có thể đẻ từ tám nghìn đến mười nghìn trứng - Rõ ràng về mặt này, ếch bản lĩnh hơn con người nhiều. Nước hồ bị cái nắng tháng tư làm cho nóng lên, tản phát một mùi vị khiến người ta dễ buồn nôn - Đây là chiếc hồ để cho ếch giao phối và cũng là nơi để cho nòng nọc lớn lên. Để cho ếch cái đẻ được nhiều trứng, chúng tôi đã dùng chất kích thích cũng như âm thanh kích thích ếch cái ngay tại hồ này - Viên Tai đã nói như vậy.
Trong những ám ảnh và tiếng kêu của ếch cũng như hình ảnh thực của ếch, chúng tôi được đưa đến một nhà ăn cực kỳ sang trọng.
Hai cô nhân viên phục vụ mặt hoa da phấn rót trà mời chúng tôi rồi chuẩn bị thức ăn và rượu.
“Bữa nay chúng ta ăn một bữa đại tiệc thịt ếch!” - Viên Tai nói.
Tôi cầm tờ thực đơn lên đọc: Đùi ếch nướng muối, Da ếch chiên giòn, Ếch xào ớt xanh, Ếch xào măng, Canh trứng ếch…
“Xin lỗi, tôi không ăn được thịt ếch.” - Tôi nói.
“Tôi cũng không ăn.” - “Tiểu sư tử” nói.
“Tại sao?” - Viên Tai hỏi với vẻ rất kinh ngạc - “Thịt ếch là loại thực phẩm cao cấp, sao lại không ăn?”
Tôi đang cố gắng để quên đi những vết sần sùi trên da ếch, quên đi đôi mắt đáng sợ của ếch cũng như cái mùi tanh tanh từ chúng phát tiết ra nhưng không thể quên được. Tôi chỉ biết lắc đầu cười khổ.
“Các chuyên gia Hàn Quốc gần đây đã chế xuất được một loại axit amin cực kỳ quý hiếm có tác dụng chống ngứa, có thể tiêu độc, là một loại hóa chất tự nhiên chống bệnh lão hóa…” - Em họ tôi nói - “Đương nhiên, nó còn có những công hiệu rất đặc biệt khác, đặc biệt là có thể khiến phụ nữ mang thai song sinh hoặc hơn thế nữa…”
“Có cần thưởng thức một tí không?” - Viên Tai hỏi - “Mạnh dạn lên một tí đi! Bây giờ người ta còn ăn cả bọ cạp, đỉa, thằn lằn, rắn độc..., ếch là cái thá gì?”
“Cậu đã quên rồi sao? Bút danh của tôi là Nòng Nọc!” - Tôi nói.
“Đúng đúng đúng!” - Viên Tai quay lại ra lệnh cho các cô gái - “Dẹp hết những món trong thực đơn! Bảo với nhà bếp làm ngay một thực đơn khác, phàm món gì có liên quan tới ếch thì không được đưa vào!”
Những món ăn mới đã được đưa lên bàn, rượu cũng qua cốc thứ ba.
Tôi hỏi Viên Tai: “Sao cậu lại nghĩ ra được chuyện nuôi ếch nhỉ?”
“Muốn có tiền thì phải nghĩ ra những công việc mà người khác chưa nghĩ ra.” - Viên Tai phà ra một đụn khói thuốc lá đặc sệt, dương dương đắc ý nói.
“Cậu tài thật!” - Tôi bắt chước chất giọng của các diễn viên trong những tiểu phẩm hài, nói một cách châm biếm - “Từ nhỏ, cậu đã không giống với bất cứ ai. Nuôi ếch là tốt, nhưng những việc làm trước đây như lấy đinh từ trong bụng trâu ra hoặc ngồi giữa chợ xem bói cho mọi người, không làm những chuyện thần kỳ ấy nữa, cậu có tiếc không?”
“Nòng Nọc! Cậu là một kẻ đánh người không đánh vào mặt, chửi người không dùng từ tục tĩu!” - Viên Tai nói.
“Tiểu sư tử” lạnh lùng chêm vào: “Còn chuyện dùng móc sắt tháo vòng cho phụ nữ nữa!”
“Ôi chao! Chị dâu à, đừng nói đến chuyện ấy nữa.” - Viên Tai nói - “Lúc ấy, một là tầm giác ngộ của tôi thấp, hai là nhẹ dạ, không chịu nổi trước những lời năn nỉ của các bà quá muốn sinh con. Thứ ba là sao nhỉ, à, là khốn cùng phải làm để kiếm cơm mà thôi”.
“Bây giờ còn dám làm nữa không?” - Tôi lên tiếng.
“Làm cái gì?” - Viên Tai trừng mắt nhìn tôi, hỏi.
“Tháo vòng!”
“Cậu nói gì thế? Tôi không phải là thằng không biết sợ. Mấy năm lao động cải tạo đã khiến tôi thay da đổi thịt để biến thành người khác rồi.” - Viên Tai nói - “Bây giờ, tôi làm người một cách đường đường chính chính, kiếm tiền một cách chính đại quang minh. Chuyện gì không vi phạm pháp luật là tôi làm tất. Còn chuyện đụng đến pháp luật, có dùng súng kề vào đầu tôi cũng không làm”.
“Chúng tôi ở đây đều tôn trọng pháp luật, nộp đủ thuế, làm từ thiện, nộp công ích đầy đủ.” - Em họ tôi nói.
Tuy đang ăn tiệc nhưng con búp bê đất vẫn không rời khỏi bàn tay “Tiểu sư tử”.
“Thằng tạp chủng Tần Hà kia mới là một thiên tài chân chính. Cậu ta không ra tay thì thôi, đã ra tay thì vượt qua cả mặt Hách Đại Thủ.” - Viên Tai nói.
Tự nãy giờ chỉ ngồi nghe và cười, đến lúc này Tiểu Tất mới lên tiếng: “Tác phẩm của thầy Tần là kết tinh những tình cảm của ông ấy”.
“Nặn búp bê mà cũng cần phải có tình cảm sao?” - Viên Tai nói.
“Đương nhiên rồi! Mỗi tác phẩm đều được xem là con đẻ của nhà nghệ thuật.” - Tiểu Tất nói.
“Thế thì con ếch to tướng kia...” - Viên Tai chỉ vào bức phù đỉêu ngoài sân, nói - “Nó cũng là con đẻ của cô sao?”
Tiểu Tất đỏ mặt, không đáp.
“Chị dâu yêu búp bê quá nhỉ?” - Em họ tôi nói.
“Chị dâu của chú không yêu búp bê mà chị ấy yêu trẻ con thật.” - Viên Tai nói.
“Thế thì chúng ta hợp tác với nhau vậy!” - Em họ tôi nói với vẻ rất hưng phấn - “Anh Tiểu Bão cũng có thể làm!”
“Bảo chúng tôi cũng nuôi ếch với các người sao?”. Tôi nói - “Chỉ cần trông thấy ếch là tôi đã nổi da gà rồi”.
“Anh họ à, ở đây chúng tôi không chỉ nuôi ếch. Chúng tôi còn...”
“Đừng dọa anh họ cậu!” - Viên Tai cắt ngang lời em họ tôi, nói - “Uống rượu đi, ông bạn. Cậu còn nhớ ngày trước Mao Chủ tịch dạy bọn thanh niên “Tri Thanh” như thế nào không? Nông thôn là một cõi trời rộng lớn, ở đấy bất cứ chuyện gì cũng có thể diễn ra”.
3
Đúng như Vương Can ngày ấy đã từng đau khổ về mối tình tuyệt vọng của mình và cho rằng tình yêu là một căn bệnh dài, nhớ lại những ngày tháng cậu ta theo đuổi “Tiểu sư tử” một cách tuyệt vọng, tôi không thể tin là cậu ta lại có thể sống được sau khi “Tiểu sư tử” kết hôn với tôi. Từ đó mà suy, Tần Hà say đắm cô tôi cũng là một cơn bạo bệnh. Sau khi cô tôi trở thành vợ Hách Đại Thủ, anh ta không nhảy sông cũng không thắt cổ mà có lẽ những đau đớn ấy lại chuyển hóa thành nghệ thuật và một nghệ sĩ dân gian trác việt đã được sinh ra khiến tôi nghĩ, anh ta như một đứa trẻ đỏ hỏn mọc lên từ đất vậy.
Vương Can không hề tránh né chuyện xưa, thậm chí còn chủ động gợi lại chuyện yêu “Tiểu sư tử” ngày trước, cười cười nói nói như đang bàn luận chuyện của người khác. Thái độ của cậu ta khiến tôi cảm thấy thoải mái, được an ủi, những nỗi dày vò lâu nay trong lòng như được giải tỏa và trong thâm tâm, tôi cảm thấy kính phục cậu ta.
“Tôi nói điều này e rằng hai người không thể tin được.” - Vương Can nói - “Khi “Tiểu sư tử” không mang giày đi trên bờ sông để lại một hàng dấu chân, tôi đã như một con chó, bò lê bò lết trên bờ sông và ngửi những dấu chân ấy như muốn đánh hơi, vừa ngửi vừa khóc”.
“Anh đặt chuyện thì có.” - “Tiểu sư tử” đỏ mặt, nói.
“Đây là chuyện hoàn toàn có thật.” - Vương Can nghiêm giọng - “Tôi có nói thêm bớt một tí nào thì đầu tôi sẽ mọc đầy nhọt!”
“Đây là một tình tiết cực kỳ thú vị, nhất định tôi sẽ đưa vào kịch bản của mình” - Tôi nói.
“Cám ơn.” - Vương Can nói - “Cậu phải đem thằng ngốc ngếch tên là Vương Can ấy và những việc làm ngu xuẩn của nó vào kịch bản. Những chuyện hay về tôi còn nhiều lắm”.
“Anh mà dám viết những chuyện này thì tôi đốt sạch bản thảo của anh cho mà xem.” - “Tiểu sư tử” nói.
“Em có thể đốt được bản thảo nhưng không thể hủy được những ý tứ trong đầu anh được đâu”.
“Ghê thế cơ à!” - “Tiểu sư tử” nói - “Vương Can à, bây giờ nghĩ lại, làm vợ Tiểu Bão không bằng làm vợ anh. Dù sao thì anh cũng đã có một hành động rất đáng yêu là đã từng hôn vết chân tôi mà khóc”.
“Bà chị à, đừng có đặt chuyện tiếu lâm nữa. Chị và Tiểu Bão là một đôi rất tuyệt vời”.
“Tuyệt vời cái nỗi gì! Ngay cả một cái lông trẻ con cũng không đẻ ra được thì lấy gì để gọi là tuyệt vời!” - “Tiểu sư tử” ấm ức.
“Được rồi, đừng nói về chúng tôi nữa. Hãy nói về cậu đi.” - Tôi nói - “Lâu rồi mà cậu không tìm cho mình cô gái nào sao?”
“Sau khi khỏi bệnh, tôi mới phát hiện ra rằng, thực ra thì mình không hề yêu đàn bà”.
“Thế anh là người đồng tính à?” - “Tiểu sư tử” cười, nói đùa.
“Thực ra thì tôi không yêu ai cả, tôi chỉ biết yêu mình.” - Vương Can nói - “Tôi yêu cánh tay, yêu đôi chân, yêu tai mắt mũi miệng, yêu ngũ tạng lục phủ, thậm chí yêu cả cái bóng của chính mình. Tôi vẫn thường nói chuyện với cái bóng của mình”.
“Có thể anh đã mắc một chứng bệnh nào đó.” - “Tiểu sư tử” nói.
“Yêu người khác thì phải trả giá, yêu mình thì không. Tôi nghĩ yêu chính mình như thế nào thì yêu như thế ấy, tự mình làm chủ chính mình…”
… Vương Can đưa tôi và “Tiểu sư tử” đến nơi ở của cậu ta và Tần Hà. Ngoài cổng có treo một tấm bảng gỗ, trên đó có mấy chữ: “Xưởng của đại sư”.
Nơi đây vốn là trại chăn nuôi trong thời kỳ công xã nhân dân, là nơi chúng tôi thường lân la đến chơi đùa. Tôi vẫn còn nhớ đến mùi phân trâu, phân la của ngày ấy. Trong sân có một cái giếng rất to, bên miệng giếng có một chiếc thùng gỗ. Mỗi buổi sáng, lão Phương, người chăm sóc gia súc của công xã dắt từng con đến bên chiếc thùng ấy để cho chúng uống nước. Tiểu Đổ, một nhân viên của trại đứng bên giếng múc nước đổ vào thùng. Trại chăn nuôi rất rộng, bên trong có gần ba mươi chiếc máng cỏ bằng đá. Trong đó có hai chiếc máng rất to và cao giành cho la và ngựa, còn những chiếc nhỏ hơn thì giành cho trâu.
Bước vào trại, tôi thấy mười mấy chiếc trụ để buộc súc vật vẫn còn đó. Những câu khẩu hiệu và biểu ngữ viết lên tường vẫn còn rất rõ. Thậm chí tôi vẫn còn ngửi thấy mùi phân của ngày ấy.
“Tôi đã định chặt những cái trụ ấy rồi, nhưng lãnh đạo cấp trên về khảo sát và đề nghị giữ lại để làm điểm du lịch lịch sử thời kỳ công xã ở thôn ta. Do vậy nên chúng mới còn đến giờ.” - Vương Can nói.
“Hay là người ta định tiếp tục nuôi trâu nuôi ngựa ở đây?” - “Tiểu sư tử” nghi ngờ nói.
“Tôi nghĩ là không có chuyện ấy đâu.” - Vương Can nói xong thì lớn tiếng gọi to - “Lão Tần, thầy Tần! Có khách quý đến!”
Trong nhà, đúng hơn là trong chuồng không có tiếng trả lời. Tôi bước theo Vương Can vào nhà. Máng cỏ và những chiếc trụ vẫn còn nguyên, những lỗ hõm do ngựa và la đá trên tường vẫn như xưa, chiếc nồi to tướng để nấu thức ăn nóng cho gia súc vẫn còn, chiếc giường đất cho sáu đứa con nhà lão Phương chen chúc vẫn nguyên. Tôi đã từng ngủ trên chiếc giường ấy. Đó là một đêm tháng chạp cực rét, nước từ trên mái giọt xuống chưa đến mặt đất đã hóa thành băng. Nhà lão Phương nghèo, không chăn không chiếu. Lão chỉ biết khắc phục cái lạnh bằng cách liên tục cho củi vào lò đốt suốt đêm. Cái giường nóng như lò nướng bánh. Nhưng bầy con của lão Phương đã quá quen với cái lạnh ở phía trên và cái nóng ở dưới lưng nên ngủ rất say, còn tôi thì không thể nào ngủ được. Lúc này, trên chiếc giường ấy đã có hai tấm chăn và hai cái gối. Trên tường cũng có mấy bức tranh dân gian, trong đó có một bức “Trạng nguyên vinh quy”. Có một tấm ván khá lớn đặt ngang qua hai chiếc máng đá, trên tấm ván là những dụng cụ và đất sét. Tần Hà đang ngồi ở bên cánh tấm ván trên một chiếc ghế đẩu. Anh ta mặc một chiếc áo thụng màu xám, ống tay áo và trước ngực áo loang lổ đất sét. Đầu tóc anh ta đã bạc phơ nhưng vẫn rẽ ngôi thẳng tắp, gương mặt dài như mặt ngựa, đôi mắt có vẻ u uất thâm trầm. Trông thấy chúng tôi xuất hiện, anh ta liếc nhìn, môi mấp máy không thành tiếng. Tôi đoán là anh ta chào hỏi chúng tôi rồi quay nhìn vào tường, dáng vẻ ra chiều đang suy nghĩ.
Một cách tự nhiên, chúng tôi cố nén không dám thở mạnh, không dám lên tiếng, cũng không dám đi nhanh vì sợ có tiếng động phát ra sẽ làm gián đoạn suy nghĩ của “đại sư”.
Dưới sự hướng dẫn của Vương Can, chúng tôi tham quan những tác phẩm của Tần Hà. Những con búp bê vừa được nặn xong đều được Tần Hà phơi trong những chiếc máng đá; những con đã khô thì được đặt trên một tấm ván sát tường chuẩn bị tô màu. Những gương mặt với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau đang ngồi trong máng đá như đang nhìn và chào hỏi chúng tôi. Tuy chưa được tô màu nhưng nhìn chúng, tôi cũng đã cảm nhận được đó là những sinh mệnh đang sống.
Vương Can thì thầm bên tai chúng tôi: “Ngày nào cũng thế, đại sư cứ ngồi ngây người như thế, đôi khi cả đêm không hề ngủ tí nào. Nhưng bao giờ ông ấy cũng nhào đất sét trên tấm ván kia rất đúng giờ để đảm bảo độ nhuyễn. Có khi ngồi cả ngày mà đại sư cũng không nặn được đứa trẻ nào. Nhưng thông thường thì ông ấy nặn rất nhanh. Bây giờ, tôi là người tiêu thụ sản phẩm kiêm quản gia của ông ấy. Cuối cùng thì tôi đã tìm được một công việc thích hợp nhất với mình và cũng như tôi, đại sư cũng đã tìm thấy một công việc thích hợp nhất với ông ấy.” - Dừng lại một lát, Vương Can nói tiếp - “Nhu cầu sinh hoạt của đại sư rất đơn giản, đưa đến trước mặt cái gì, ông ấy ăn cái ấy. Đương nhiên là tôi đã mua những loại có dinh dưỡng nhất để bồi bổ cho ông ấy. Đại sư không chỉ là niềm tự hào của thôn ta mà còn là niềm tự hào của cả vùng Đông Bắc Cao Mật này. Một đêm nọ, tôi phát hiện đại sư không nằm trên giường, vội vàng cầm đèn đi tìm. Nơi làm việc, ngoài sân cũng không có. Đại sư đã đi đâu? Tôi toát mồ hôi, nếu đại sư có mệnh hệ gì thì đó là một tổn thất quá lớn của cả huyện. Chủ tịch huyện từng đưa trưởng phòng Văn hóa, trưởng phòng Du lịch đến đây đấy nhé. Hai vị có biết chủ tịch huyện là ai không? Chính là con trai của Dương Lâm, bí thư huyện ủy ngày xưa, người đã từng chịu nhục đấu tố ở làng ta, cũng là người có quan hệ không mấy rõ ràng với bà cô của cậu đấy mà. Cậu này tên Dương Hùng, có thể xem là một nhân tài, đôi mắt sáng như điện, răng trắng lóa, toàn thân lúc nào cũng toát ra một mùi thơm của nước hoa cao cấp. Nghe đâu là cậu ta du học từ Đức về. Lần đầu tiên đến, cậu ta ra lệnh không được phá trại chăn nuôi này; lần đến thứ hai thì mời đại sư lên huyện dự tiệc. Đại sư bám cứng lấy chiếc cọc làm như chuyện đi ăn tiệc giống như bị dẫn đi thắt ống dẫn tinh ngày xưa, cương quyết chối từ. Lần thứ ba, chủ tịch huyện đến và mang theo giấy chứng nhận đại sư là nghệ nhân dân gian…” - Vương Can lục lọi trong máng đá và lôi ra một giấy chứng nhận đã vàng ố đưa cho chúng tôi xem rồi nói tiếp - “Đương nhiên, Hách Đại Thủ cũng có tấm giấy chứng nhận như thế này. Chủ tịch huyện cũng mời Hách Đại Thủ lên huyện chiêu đãi và đương nhiên là Hách Đại Thủ cũng đã từ chối bữa tiệc ấy. Nếu nhận lời, ông ta không còn là Hách Đại Thủ nữa - Phải làm thế thôi để cho ông chủ tịch huyện trẻ con ấy biết được khí tiết của hai vị cao nhân của thôn ta…”. Vương Can thò tay vào túi lấy ra ba tấm danh thiếp, nói - “Hai người nhìn đi, ông chủ tịch huyện ấy mỗi lần đến đây đưa cho tôi một tấm, nói: Lão Vương à, làng Đông Bắc của anh là nơi ngọa hổ tàng long, lão Vương anh cũng là một nhân vật đáng chú ý đấy! Tôi nói: Tôi nửa người nửa ngợm, ngoài chuyện gây ra một câu chuyện tình yêu điên dại thì không còn làm được việc gì cả, bây giờ chỉ còn biết dựa vào mồm mép để bán búp bê đất sống qua ngày. Hai người đoán xem, ông huyện trẻ ấy nói thế nào? Ông ta nói: Có thể toàn tâm toàn ý gây ra một câu chuyện tình yêu như vậy, bản thân anh đã là một nhân vật truyền kỳ rồi. Vùng Đông Bắc của anh đã sản sinh ra rất nhiều kỳ nhân, quái nhân, tôi cho anh là một trong số ấy. Thằng nhóc này đúng là một quan chức kiểu mới, hoàn toàn không giống với những quan chức mà trước đây tôi đã thấy. Ông huyện ấy còn dặn tôi: Phải chăm sóc chu đáo cho đại sư, bảo đảm sự an toàn cho đại sư. Do vậy, việc đại sư mất tích vào lúc nửa đêm canh ba thế này khiến tôi toát mồ hôi. Nếu ông ấy có mệnh hệ nào tôi biết ăn nói làm sao với chủ tịch huyện đây? Tôi ngồi bần thần trên giường nhìn ánh trăng vằng vặc chiếu rọi vào trong nhà. Vắng lặng quá, chỉ có tiếng hai con dế đang rền rĩ. Đột nhiên có tiếng cười lành lạnh vang lên từ trong chiếc máng ăn giành cho ngựa. Tôi giật mình nhảy xuống giường, đến bên chiếc máng và nhìn vào trong. Thì ra đại sư đang nằm dưới đáy máng ngửa mặt nhìn trời. Cái máng quá ngắn nên hai chân đại sư dựng thẳng lên trời, hai tay khoanh trước ngực, thần thái hết sức an nhiên tự tại và gương mặt vẫn còn điểm nét cười nhưng rõ ràng là đại sư đang ngủ, tiếng cười vừa rồi là tiếng cười trong mơ! Hai người cũng đã biết rồi đấy, những thiên tài của vùng Đông Bắc chúng ta thường vẫn bị chứng mất ngủ nghiêm trọng. Vương Can này tuy chưa được gọi là thiên tài nhưng vẫn thường xuyên mất ngủ. Không biết hai người có bị mất ngủ hay không?”
Tôi và “Tiểu sư tử” nhìn nhau và cùng lắc đầu: “Chúng tôi không mất ngủ, chỉ cần đầu chúng tôi kê lên gối là ngay sau đó tiếng ngáy sẽ vang lên. Do vậy chúng tôi không thể trở thành thiên tài.” - Tôi nói.
“Mất ngủ chưa chắc đã là thiên tài, nhưng thiên tài nói chung đều mất ngủ.” - Vương Can nói - “Chứng mất ngủ của bà cô cậu đã nổi tiếng khắp vùng Đông Bắc Cao Mật. Nửa đêm canh ba, khi vạn vật đã say sưa trong giấc ngủ thật nồng thì thường có một tiếng hát ẩn ẩn chìm chìm trong không gian. Đó là tiếng hát của bà ấy. Bà ấy đi dạo trong đêm. Còn Hách Đại Thủ thì say sưa với những con búp bê của ông ấy. Chứng mất ngủ của cả hai người mang tính chu kỳ, thay đổi theo tuần trăng. Trăng càng sáng thì chứng mất ngủ của họ càng nghiêm trọng, trăng bắt đầu mờ thì họ có thể ngủ. Do vậy, vị chủ tịch huyện trẻ tài năng ấy đã đặt tên cho những con búp bê của Hách Đại Thủ là “búp bê ánh trăng”. Ông này đã từng ra lệnh cho đài truyền hình huyện đến quay phim Hách Đại Thủ nặn búp bê trong những đêm trăng sáng. Hai người đã xem đài truyền hình phát tiết mục này chưa, chưa à? Nhưng đừng tiếc nuối. Đây là tiết mục đặc biệt mà vị chủ tịch huyện trẻ ấy đã đứng ra chủ trì và đặt tên cho nó là “Kỳ nhân Đông Bắc Cao Mật”. Tiết mục này có bốn phần, phần đầu là giới thiệu về “búp bê trăng” của Hách Đại Thủ; phần hai là “Đại sư trong máng cỏ”; phần ba là “Một kỳ nhân xuất khẩu thành thơ”; phần bốn là “Người hát trong búp bê”. Nếu hai người muốn xem, chỉ cần tôi gọi một cú điện thoại là đài truyền hình sẽ mang băng và máy về chiếu cho hai người xem, lại là băng thô, chưa qua chỉnh lý, chưa qua dàn dựng, cắt xén. Tôi còn có thể đề nghị đài truyền hình làm riêng cho hai người một tiết mục, nội dung tôi đã nghĩ ra rồi, đó là “Kẻ du tử biết quay lại từ bến mê”.
Tôi và “Tiểu sư tử” nhìn nhau cười, biết Vương Can đang đắm chìm trong thế giới ngôn từ của nghệ thuật, không việc gì phải phản đối, cũng không việc gì phải ngắt lời cậu ta, cứ nghe cậu ta tiếp tục nói những gì nữa.
Vương Can nói: “Mất ngủ nhiều năm như đại sư cuối cùng cũng đã có một giấc ngủ ngon trong máng cỏ, ngủ rất ngon như một đứa trẻ vô tư vô lự, giống như đứa hài nhi nhiều năm trước nằm trong máng cỏ trôi nổi trên sông và tấp vào đây. Lúc ấy, tôi cảm động đến độ nước mắt chảy ròng ròng. Chỉ có những người bị mất ngủ mới biết những nỗi khổ khi không ngủ được. Cũng chỉ có những người đã từng mất ngủ mới biết được hạnh phúc khi được ngủ. Tôi đứng bên máng cỏ mà cố gắng không dám thở mạnh vì sợ làm kinh động giấc ngủ của đại sư. Dần dần, mắt tôi mờ đi và nhận ra trước mắt mình có một con đường nhỏ, hai bên đường cỏ hoang rậm rạp, hoa dại rực rỡ, trắng hồng vàng tím chen nhau, mùi thơm xông lên nực mũi, bướm bay chập chờn, ong kéo thành đàn. Phía trước con đường có một tiếng gọi tên tôi, là tiếng con gái nhưng có vẻ nằng nặng, khào khào nhưng vô cùng thân thiết. Tôi bị tiếng gọi ấy dắt đi, tôi không trông thấy nửa thân trên của người con gái ấy mà chỉ thấy được nửa dưới, cái mông tròn vo như hai quả bóng, đôi chân rất dài rất thon, gót chân đỏ hồng để lại những dấu tích trên nền đất ẩm ướt rất rõ, rõ đến độ tôi có thể nhận ra được những vân chân. Cứ thế, tôi đi theo người con gái ấy và hình như con đường nhỏ ấy không hề có điểm dừng… Dần dần, tôi nhận ra là đại sư đang song hành với tôi. Đại sư xuất hiện bên tôi từ lúc nào, từ đâu tới, tôi không thể biết được. Chúng tôi cứ đi theo gót chân hồng ấy và đến một bờ đầm. Gió từ đầm thổi lên mang theo mùi bùn và cỏ mục. Dưới chân chúng tôi là cỏ, xa xa là một mảng lau lách và còn có rất nhiều kỳ hoa dị thảo mà tôi không thể gọi tên. Tiếng trẻ con nô đùa vẳng đến từ trong đầm, rất xa xôi. Người con gái mà chúng tôi chỉ thấy được nửa thân dưới lúc này mới hướng về giữa đầm, nói to: Đại quái tiểu quái, Kim bào Ngọc nữ… Có ân báo ân, có oán báo oán…! Tiếng cô ta chưa dứt thì tôi đã thấy một đám hài nhi chỉ thắt một dải lụa nhỏ quanh bụng, có đứa có bím tóc vắt vẻo lên trời, có đứa trọc đầu, có đứa để tóc trái đào… cùng reo hò ào đến. Những bước chạy và thân hình chúng có vẻ nặng nề vì hình như có một lớp keo đặc sệt trên bề mặt của đầm. Do vậy mà những bước chạy của chúng trông chẳng khác nào những con chuột bị mắc vào bẫy bằng keo. Nhưng cuối cùng, bọn chúng, có cả con trai lẫn con gái đã vây lấy tôi và đại sư vào giữa. Có đứa ôm lấy chân chúng tôi, có đứa nhảy lên vai chúng tôi, có đứa chộp lấy tai chúng tôi, có đứa bíu lấy tóc chúng tôi, có đứa đu lên cổ chúng tôi, có đứa phun nước bọt vào mắt chúng tôi… Chúng tôi bị chúng, kể cả con trai lẫn con gái đè ngửa ra đất rồi bắt đầu đào bới bùn đắp lên người chúng tôi và kể cả thân hình của bọn chúng… Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, đột nhiên bọn hài nhi ấy không làm náo loạn nữa mà vây thành nửa vòng tròn trước mặt chúng tôi, đứa ngồi đứa quỳ đứa đứng, có đứa cắn móng tay, có đứa mút tay, có đứa há miệng… Nói chung là rất sống động, có rất nhiều tư thế khác nhau. Ông trời ạ! Đây không phải là bọn chúng đang làm mẫu cho đại sư sao? Liếc nhìn đại sư, tôi thấy ông đã bắt tay vào việc. Đôi mắt ông nhìn vào một đứa, tay vốc một nắm đất sét và nặn, nặn… Và đứa trẻ đã thành hình. Nặn hết đứa này đến đứa khác, vốc hết nắm đất sét này đến nắm khác… và rất nhiều trẻ con đã thành hình xung quanh đại sư…
Một tiếng gà gáy và tôi giật mình tỉnh dậy mới phát hiện mình đang phủ phục trên thành máng mà ngủ, nước dãi từ miệng tôi chảy ra làm ướt đẫm một vạt áo ngực của đại sư. Đối với người bị chứng mất ngủ mà nói, chỉ có hồi ức lại những gì đã gặp trong mơ mới có thể biết là mình đã tỉnh hay chưa. Những cảnh trong mơ như tái hiện lại trước mắt tôi, chứng tỏ tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Cuối cùng thì Vương Can mất ngủ đã bao lâu này cũng đã gục trên thành máng cỏ mà đánh một giấc say sưa, đúng là một sự kiện đáng mừng. Đương nhiên, điều đáng vui hơn vẫn là đại sư đã ngủ được một giấc. Cuối cùng ông ấy cũng ngáp một cái rõ to và từ từ mở mắt ra rồi hình như nhớ ra một điều gì đó, ông nhảy ra khỏi máng cỏ. Lúc này chỉ mới bình minh, vầng hồng phía đông mới le lói chiếu vào khung cửa sổ. Đại sư chạy vội về bàn làm việc, lật những lớp nilon đậy đống đất sét, ngắt đất sét ra thành từng cục nhỏ rồi nhào từng cục thật kỹ rồi bắt đầu nặn. Những đứa trẻ bắt đầu xuất hiện chung quanh đại sư, đứa có bím tóc vểnh cao, đứa cắn móng tay, đứa mút tay… Bỗng nhiên, một cảm xúc vô cùng ngọt ngào dâng lên trong lòng tôi, bên tai hình như vẫn văng vẳng tiếng gọi có sức hút như nam châm của người con gái nọ. Cô ấy là ai? Còn ai vào đây nữa? Cô ấy chính là bà mẹ đại từ đại bi dâng tặng con cái cho thế gian này!”
Kể đến đây, nước mắt đã trào ra trên mắt Vương Can. Tôi cũng nhìn thấy ánh mắt “Tiểu sư tử” cũng lóe lên những tia sáng kỳ dị và nhận ra rằng, cô ấy đã bị những lời kể đầy ma mị của Vương Can mê hoặc.
Vương Can tiếp tục kể: “Tôi vội vàng chạy đi lấy máy ảnh và không dám dùng đèn, lẳng lặng ghi lại mấy tấm ảnh về giây phút xuất thần của đại sư. Nhưng nói một cách không ngoa rằng, lúc ấy có súng nổ bên tai, đại sư cũng không tỉnh lại được. Thần sắc trên gương mặt đại sư không ngừng biến đổi, có lúc thì nghiêm trang trầm lắng, có lúc thì cười rất tươi, có lúc thì méo mó trông như mặt quỷ sứ, có lúc thì lại tỏ ra đau xót thê lương… Rất nhanh sau đó, tôi phát hiện ra rằng, những trạng thái tinh thần xuất hiện trên gương mặt đại sư đều có liên quan đến những đứa trẻ mà ông nặn ra. Có nghĩa là, khi ông nặn đứa trẻ nào thì toàn bộ nhục thân cũng như tâm hồn của ông ta đều nhập vào đứa trẻ ấy. Có thể nói đó là một mối liên hệ huyết nhục giữa người sáng tạo và sản phẩm được sáng tạo.
Những đứa trẻ trước mặt đại sư càng lúc càng nhiều. Bọn chúng, đương nhiên có cả con trai lẫn con gái xếp hàng ngay ngắn thành một hình bán nguyệt, đối mặt với đại sư. Đây là cảnh thật nhưng lại trùng hợp hoàn toàn với cảnh trong mơ của tôi. Tôi kinh ngạc, tôi vui mừng tột độ. Thì ra hai người lại có thể có cùng một giấc mơ! Nghe đâu rằng, câu nói “Trong lòng có điểm hòa hợp sẽ cảm ứng với nhau” của cổ nhân là giành cho tình cảm trai gái nhưng lại vô cùng thích hợp với trường hợp của tôi và đại sư lúc này. Tuy chúng tôi không thể yêu nhau nhưng chúng tôi lại là hai kẻ “đồng bệnh thì cùng cảm ứng với nhau”! Nghe đến đây, hai người cũng đã nhận ra là tại sao đại sư nặn nhiều đứa trẻ như vậy nhưng không có gương mặt nào giống gương mặt nào. Đại sư không chỉ nhận diện gương mặt trẻ con trong cuộc sống mà còn cảm nhận được từng khuôn mặt chúng trong mơ. Tuy tôi không có một chút kỹ năng nào trong việc nặn búp bê, nhưng sức tưởng tượng của tôi là vô cùng phong phú. Đôi mắt của tôi có công năng chẳng khác nào một chiếc máy ảnh. Tôi có thể đem một đứa trẻ ảo hóa thành mười đứa, trăm đứa, nghìn đứa…, đồng thời lại có thể đem cả nghìn đứa thu gom lại thành trăm đứa, mười đứa, một đứa. Thông qua giấc mơ, tôi đã dùng ý tưởng trong đầu óc mình truyền nhập vào đầu óc của đại sư. Sau đó, thông qua đôi tay của ông để biến những đứa trẻ ấy thành tác phẩm. Do vậy tôi mới nói, tôi và đại sư là một sự hợp tác do trời đất định đoạt, cho nên có thể nói, những tác phẩm ấy là thành quả sáng tác tập thể giữa tôi và đại sư. Tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn cướp công của đại sư. Trải qua mối tình đầy thất vọng trước đây, tôi đã nhận ra bộ mặt thật của thế thái nhân tình, công danh lợi lộc đối với tôi cũng như mây nổi mà thôi. Tôi nói ra điều này với mục đích là muốn công bố một kỳ tích, muốn chứng minh rằng nghệ thuật và giấc mơ có một liên hệ vô cùng khăng khít. Đồng thời tôi cũng muốn hai người hiểu rằng, thất tình lại là ngọn nguồn của sáng tạo. Đặc biệt đối với những người theo đuổi nghệ thuật mà chưa trải qua những đau đớn vật vã vì thất tình, e rằng rất khó lòng chiếm lĩnh và sáng tạo ra những cảnh giới tối cao của nghệ thuật….”
Trong quá trình Vương Can thao thao bất tuyệt với những suy nghĩ của mình, đại sư vẫn bất động, hai tay chống cằm. Hình như chính bản thân ông cũng đã hóa thân thành một con búp bê đất sét khổng lồ.
4
Vương Can bảo một thằng bé đem chiếc đĩa DVD bộ phim tư liệu “Kỳ nhân Đông Bắc Cao Mật” đến tận nhà đưa cho tôi. Thằng bé này mặc chiếc quần ngắn để lộ một đôi chân khẳng khiu, chân lại mang một đôi giày da cao cổ trông có vẻ quá nặng và quá to so với đôi chân của nó. Mái tóc của nó có màu vàng của sợi đay, lông mày và lông mi gần như là màu trắng, mắt màu xanh lơ, thoạt nhìn cũng nhận ra ngay đó là một đứa trẻ lai. “Tiểu sư tử” lục lọi tìm kẹo đưa cho nó nhưng thằng bé lại kẹp tay sau lưng, nói bằng một chất giọng rất nặng đặc sệt phương ngôn Đông Bắc Cao Mật: “Ông ấy nói, ít nhất cô chú phải đưa cho cháu mười đồng”.
Chúng tôi đưa cho nó hai mươi đồng. Nó cúi gập người chào chúng tôi, huýt sáo vui vẻ và bỏ đi. Chúng tôi rướn người qua khung cửa sổ để theo dõi thằng bé, thấy nó chẳng khác nào những nhân vật trong phim hoạt hình, sải những bước chân rất dài đi về phía khu vực giải trí giành cho thiếu niên nhi đồng đối diện với khu chung cư của chúng tôi. Ở đó có nhiều trò vui.
Mấy ngày sau, khi chúng tôi đang tản bộ bên bờ sông thì lại gặp thằng bé ấy. Bên cạnh nó lúc này là một người đàn bà da trắng to cao đẩy một chiếc xe nôi, trên xe là một đứa bé gái, chắc có lẽ là em gái của thằng bé. Phía sau người đàn bà da trắng ấy là một gã đàn ông trung niên trông rất khỏe mạnh và khá đẹp trai. Anh ta đang gọi điện thoại di động. Tôi nghe ra anh ta nói tiếng phổ thông vùng Chiết Giang, sau lưng anh ta là một con chó lông vàng to béo. Tôi nhận ra anh ta là một giáo sư ở một trường đại học danh tiếng tại Bắc Kinh, vẫn thường xuất hiện trên truyền hình trong những tiết mục giao lưu giữa những người nổi tiếng với khán giả. Cũng như mọi lần, “Tiểu sư tử” lại giụi gương mặt mình vào chiếc xe và hôn hít đứa bé gái. Người đàn bà mỉm cười đầy thân thiện nhưng trên nét mặt người đàn ông trung niên lại là một vẻ khinh bỉ. Tôi nắm vai lôi “Tiểu sư tử” rời khỏi chiếc xe nôi. Đôi mắt cô ấy vẫn không rời đứa bé gái nên không thể nhận ra thái độ của vị giáo sư nọ. Tôi nhìn anh ta, gật đầu như muốn xin lỗi và anh ta cũng gật nhẹ đầu đáp lễ. Tôi thầm thì khuyên “Tiểu sư tử” từ nay trở về sau, đừng thấy đứa bé nào cũng như chó cái giữ con như vậy. Tôi nói: “Lúc này, trẻ con trở thành báu vật của gia đình người ta, em chỉ biết thể hiện tình cảm của mình mà không hề để ý đến thái độ của bố mẹ chúng!”. “Tiểu sư tử” cảm thấy uất ức, đầu tiên là lên tiếng chửi bới những kẻ quý tộc đời mới tìm đàn bà ngoại quốc để có thể đẻ được cả con trai lẫn con gái, sau đó là thở than có vẻ hối hận về chuyện trong quá khứ đã nghe lời cô tôi thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch tàn khốc mà hủy đi sự sống của không biết bao nhiêu đứa trẻ, làm hại đến thiên lý khiến ông trời báo ứng nên không thể sinh con đẻ cái. Cuối cùng “Tiểu sư tử” bảo tôi hãy tìm một bà ngoại quốc nào đó chấp nhận kết hôn với tôi để sinh ra cho cô ta một đứa con tạp chủng. Tiểu sư tử” nói: “Tiểu Bão à, em không ganh tỵ gì đâu, cũng hoàn toàn không có một chút ân hận nào. Anh đi tìm một bà ngoại quốc cưới làm vợ đi, đẻ con thoải mái, đẻ được bao nhiêu thì đẻ bấy nhiêu, đẻ xong thì mang đến cho em, em nuôi tất”. Nói đến đây, nước mắt “Tiểu sư tử” đã lưng tròng, hơi thở dồn dập, khuôn ngực nung núc nâng lên hạ xuống. Hình như ý thức làm mẹ, tình mẫu tử thiên bẩm không có cơ hội phát lộ nên cô ấy mới xúc động đến dường ấy. Tôi nói điều này mà không nghi ngờ gì: Chỉ cần giao một đứa con cho “Tiểu sư tử”, đôi khuôn ngực đồ sộ kia nhất định sẽ có sữa, không những có mà có rất nhiều!…
Chúng tôi bỏ chiếc đĩa DVD vào đầu đĩa.
Trong những âm thanh mà người ở địa phương khác cảm thấy chói tai nhưng với chúng tôi, những âm thanh ấy trở nên bình thường thân thuộc, cuộc sống của cô tôi và nghệ nhân nặn búp bê đất Hách Đại Thủ lần lượt xuất hiện trên màn hình.
Đến lúc này tôi phải nói ra một điều mà lâu nay tôi vẫn giữ riêng cho mình. Khi cô tôi quyết định kết hôn với Hách Đại Thủ, tuy không nói ra nhưng tôi vẫn ngấm ngầm phản đối. Bố tôi, anh cả và anh hai tôi đều có chung thái độ với tôi trong chuyện này.Vì trong thâm tâm, chúng tôi vẫn cho rằng Hách Đại Thủ không xứng với cô. Từ nhỏ, tôi đã rất kỳ vọng về hôn nhân của cô. Trong quãng thời gian cô và Vương Tiểu Thích quan hệ với nhau, chúng tôi cảm thấy có một niềm vinh dự lớn lao mà cô đã mang về cho gia đình nhưng kết cục của mối tình này quá khốc liệt. Sau đó, cô tôi có quan hệ với Dương Lâm tuy không hề công khai và cũng không hề vinh quang như trong quan hệ với Vương Tiểu Thích. Nhưng dù sao Dương Lâm cũng là quan chức cao cấp nên chúng tôi cũng miễn cưỡng chấp nhận. Tôi nghĩ, cho dù cô làm vợ một gã điên điên khùng khùng như Tần Hà cũng vẫn hơn so với Hách Đại Thủ… Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện cô sẽ sống cô độc đến già và chết. Thậm chí chúng tôi đã bàn đến chuyện khi già, cô sẽ về sống với ai, ai sẽ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cô. Nhưng thật đột ngột, cô tôi quyết định lấy Hách Đại Thủ. Lúc ấy tôi và “Tiểu sư tử” đều ở Bắc Kinh. Nghe tin này ban đầu chúng tôi bàng hoàng, sau đó thì nhận định rằng, đây chỉ là một tin tức hoang đường. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã diễn ra và chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận sự thật một cách ấm ức.
Trong đoạn băng có đầu đề là “Búp bê trăng”, về danh nghĩa mà nói là đoạn phim quay Hách Đại Thủ nhưng thực tế cô tôi lại là nhân vật chính trong những cảnh quay này. Bắt đầu từ việc đón tiếp các phóng viên đài truyền hình đến những cảnh giới thiệu công việc cũng như sản phẩm của Hách Đại Thủ, cô tôi lại là nhân vật chiếm trọn khung hình. Cô đang hoa tay múa chân thao thao bất tuyệt về quá trình sáng tạo những con búp bê, còn Hách Đại Thủ thì ngậm tăm ngồi bên bàn làm việc, ánh mắt mông lung, sắc mặt không biểu lộ bất cứ thái độ gì, chẳng khác nào ông ta đang chìm trong ảo mộng. Có phải là tất cả những đại sư theo đuổi nghệ thuật nặn búp bê đất sét, một khi đã đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh thì sẽ biến thành người sống với ảo mộng? Danh tiếng của Hách Đại Thủ tất nhiên đã như sét đánh ngang trời nhưng trong trí nhớ của mình, thú thật là tôi rất ít khi gặp ông ta. Sau bữa tiệc mừng được gọi vào không quân của Tượng Quần kết thúc, trong bóng tối lờ mờ tôi có trông thấy ông ta. Cho đến nay đây là lần đầu tiên tôi trông thấy Hách Đại Thủ, nhưng không phải thấy bằng xương bằng thịt mà chỉ là thấy hình ảnh. Râu tóc Hách Đại Thủ đã trắng phau phau, có điều sắc mặt rất hồng hào, thần thái rất thanh thoát, đượm vẻ tiên phong đạo cốt. Trong đoạn phim này, không ngờ là chúng tôi cũng biết được nguyên nhân vì sao cô tôi lại quyết định kết hôn với Hách Đại Thủ.
Cô châm một điếu thuốc, từ từ nhả khói rồi bằng một giọng điệu buồn buồn, cô nói: “Chuyện hôn nhân là do trời định. Nói những lời này với các cậu các cô, những thanh niên trẻ tuổi không phải là tôi muốn tuyên truyền luận điệu duy tâm - Tôi đã từng là một người theo đuổi chủ nghĩa duy vật một cách triệt để và cực đoan - nhưng trong chuyện hôn nhân, không tin thiên mệnh là không được.” - Cô chỉ vào nghệ nhân Hách Đại Thủ đang ngồi như một tượng đất bên bàn, nói: “Ông ấy có nằm mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ là chồng tôi!”
“… Năm một chín chín bảy, tôi sáu mươi tuổi.” - Cô nói - “Cấp trên cho tôi nghỉ hưu. Đương nhiên là tôi không hề muốn nghỉ hưu, nhưng dù sao tôi cũng đã nghỉ hưu muộn hơn so với những người đàn bà bình thường khác năm năm nên không còn lý do nào để mà kéo dài thời gian công tác nữa. Viện trưởng bệnh viện huyện đã nói như vậy. Các cô cậu đều biết gã viện trưởng này. Đó là thằng tiểu súc sinh vong ân bội nghĩa vốn là con của Hoàng Bì thôn Hà Tây. Tên của nó là Hoàng Quân, nhưng tên thường gọi là Hoàng Qua, là quả dưa vàng. Nhớ lại ngày ấy, chính tôi là người lôi nó ra khỏi bụng mẹ nó. Nó là một thằng người mà có tìm hai ngày cũng không thấy nhịp tim, muốn tiêm thuốc thì tìm không thấy tĩnh mạch… nhưng lại làm đến giám đốc bệnh biện! Ngày nó đi học trường trung cấp y, chính tôi là người đã trực tiếp đến gặp cục trưởng cục y tế Trầm đánh tiếng nhờ vả cho nó. Thế mà “buổi sáng nắm quyền trong tay, buổi chiều đã trở mặt”. Thằng này không biết gì cả, nhưng lại có hai sở trường: Một là tinh tường chuyện mời cấp trên nhậu nhẹt và đút lót. Hai là có biệt tài trong việc kiếm gái và đặc biệt hầu hạ chuyện gối chăn cho những bà sồn sồn đứng tuổi…”
Nói đến đây, cô tôi hạ giọng nói như tự trách: - Đúng là tôi hồ đồ, đúng là tôi dẫn sói về nhà, nối giáo cho giặc! Đàn bà con gái trong bệnh viện không cô nào thoát khỏi tay thằng sở khanh này. Con bé Vương Tiểu Mai nhà họ Vương vừa mới mười bảy tuổi, tóc còn tết bím hai bên, mặt còn búng ra sữa, lông mày lông mi cong vút, đôi mắt như muốn nói. Ai gặp cũng đều nói nếu mà Trương Nghệ Mưu phát hiện ra nó, khẳng định nó sẽ ăn đứt Củng Lợi, Chương Tử Di. Nhưng chẳng chờ đến lúc Trương Nghệ Mưu phát hiện thì thằng sở khanh Hoàng Qua đã phát hiện ra con bé này. Gã chạy thẳng đến nhà họ Vương, khua cái lưỡi có thể khiến cho người chết sống dậy của mình thuyết phục được bố mẹ Vương Tiểu Mai để cho con bé đến bệnh viện theo tôi học nghề phụ khoa. Nói là theo tôi để học phụ khoa nhưng hình như con bé này chưa hề đặt chân đến khoa phụ sản của bệnh viện. Con bé đã bị Hoàng Qua chiếm đoạt, ngày nào cũng cặp kè với gã, ban đêm ngủ với nhau đã đành, nhưng cảm thấy không đủ nên còn làm chuyện ấy giữa thanh thiên bạch nhật, rất nhiều người đã từng chứng kiến bọn chúng làm tình với nhau trong văn phòng. Làm tình xong thì dắt nhau lên huyện, lấy công quỹ ra mà mời các quan chức cao cấp ăn uống, qua đó vận động quan chức điều nó lên huyện. Các cậu chưa thấy mặt thằng này bao giờ à? Một cái mặt lừa dài đến gần nửa mét, đôi môi thâm sì, răng lợi lúc nào cũng rơm rớm máu, miệng nó ngoác ra có thể tọng cả một hòn dái ngựa vào! Bộ dạng nó như vậy nhưng lại được cất nhắc lên làm phó cục trưởng Cục Y tế huyện. Chơi chán Vương Tiểu Mai, nó còn biến con bé thành một món lễ vật, một món đồ chơi để dâng hiến cho các quan chức. Đúng là oan nghiệt!”
Cô tôi nói: “Một ngày nọ, thằng nhóc ấy bỗng dưng gọi tôi đến phòng làm việc của nó. Đàn bà trong bệnh viện đều sợ hãi khi bị nó gọi vào văn phòng. Tất nhiên là tôi không sợ. Trong túi tôi lúc nào cũng có thủ sẵn một con dao nhỏ và sẵn sàng cắt cái của nợ của thằng tạp chủng ấy bất cứ lúc nào. Nó cười chào đon đả, rót trà mời tôi. Tôi nói: Viện trưởng Hoàng, có gì nói thẳng ra đi, không cần phải khách sáo như thế! - Nó cười hi hi, nói: Dì à! - Mẹ nó chứ, nó dám gọi tôi bằng dì à? - Nó nói, dì à, cháu là thằng bé mà dì lôi ra từ bụng mẹ cháu, cũng được dì chăm sóc mà trưởng thành, dì xem cháu chẳng khác gì con ruột, hì hì… - Tôi nói: Không dám, không dám! Ông đường đường là viện trưởng, tôi chỉ là một bác sĩ sản khoa bình thường. Ông nói tôi xem ông như con, có khác nào ông đã đẩy tôi vào chỗ chết! Có chuyện gì ông cứ nói thẳng ra đi! - Nó vẫn tiếp tục cười hi hí rồi nói: Cháu đã phạm một sai lầm mà các cán bộ lãnh đạo vẫn thường hay gặp phải… Cháu thiếu thận trọng để cho Vương Tiểu Mai phải to bụng ra…! - Thế thì chúc mừng ông vậy! Tôi nói: Vương Tiểu Mai đã mang thai rồng, viện chúng ta có người kế thừa sự nghiệp lãnh đạo rồi! - Dì à, dì đừng cười nhạo cháu nữa. - Nó nói - Mấy ngày nay cháu rầu đến độ cơm không nuốt nổi, ngủ không yên giấc. - Thằng súc sinh! Kể ra có lúc mày cũng không ăn nổi cơm, ngủ không đẫy giấc! Tôi chửi thầm - Cô ấy buộc cháu phải ly hôn với vợ. Nếu cháu không chịu, cô ấy sẽ tố cáo lên tận bí thư huyện ủy! - Tôi hỏi: Tại sao cần phải ly hôn? Những quan lớn như các ông không phải là vẫn có vợ hai vợ ba đấy sao? Mua cho nó một biệt thự, nhốt nó trong đó mà nuôi là xong chứ gì! Dì à, nó nói, dì đừng mượn cháu mà nói cho sướng miệng, bao vợ hai vợ ba vỡ lở ra thì ghế không đến tay cháu, lại nữa, cháu lấy đâu ra tiền để mua biệt thự? - Thế thì ông đành phải ly hôn với vợ thôi! Tôi nói. Nó nghệch cái mặt ngựa ra, nói: Dì à, không phải dì không biết, bà vợ già của cháu có mấy thằng em đều là lục lâm thổ phỉ. Chúng nó mà biết chuyện này, không phanh thây cháu ra mới là chuyện lạ! - Nhưng ông là viện trưởng, là cán bộ cao cấp kia mà! - Được rồi, dì à, nó nói - Một viện trưởng của một bệnh viện làng nhỏ nhoi, trong mắt của dì cháu tin là cái chức ấy không bằng cục phân ngựa. Dì đừng châm chọc cháu nữa, nghĩ cách gì giúp cháu đi! - Tôi nói: Tôi có cách gì để mà nghĩ nào? - Vương Tiểu Mai sùng bái dì, nó nói, cô ấy đã nhiều lần nói với cháu như vậy. Cô ấy không nghe lời ai cả, nhưng lại nghe lời dì. - Tôi hỏi: thế ông bảo tôi phải làm gì? - Nó nói: Dì bảo cô ấy vất quách cái thai trong bụng đi. - Hoàng Qua! Tôi căm hận nói - Chuyện hại người hại trời như vậy, tôi không làm được! Cả đời tôi, tôi đã nạo đến hơn hai nghìn cái thai rồi! Tôi không làm chuyện ấy nữa. Ông cứ chờ đó mà làm bố! Vương Tiểu Mai xinh đẹp như vậy, đứa con do nó đẻ ra khẳng định cũng sẽ rất đẹp. Đây là chuyện vui, ông nên nói chuyện này với nó, chờ cho nó đến ngày khai hoa nở nhụy, chính tay tôi sẽ đỡ đẻ cho nó...’’
Cô tôi nói: “Tôi phất tay bỏ đi, cảm thấy hả lòng hả dạ vô cùng. Nhưng sau khi về đến phòng làm việc, tự nhiên trong lòng cảm thấy không vui. Hoàng Qua là đồ tạp chủng, cho nó tuyệt tự mới đúng, Vương Tiểu Mai xinh đẹp như vậy mà lại mang thai của loài tạp chủng, quả thật là đáng tiếc. Tôi đã từng đưa không biết bao nhiêu đứa trẻ ra với cuộc đời, cũng đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm, đó là, người tốt hay người xấu, gần một nửa là do hiệu quả của môi trường giáo dục, hơn một nửa là do di truyền quyết định. Các cô cậu có thể phê phán “huyết thống luận” của tôi, nhưng đó chính là kinh nghiệm của cá nhân tôi. Hậu duệ của một thằng xấu như Hoàng Qua, cho dù sau khi sinh ra đưa ngay vào chùa, lớn lên cũng sẽ trở thành sư hổ mang mà thôi. Cho dù tôi không vui vì nghĩ đến Vương Tiểu Mai, nhưng không vì thế mà tôi làm công tác tư tưởng với con bé, không để cho kẻ tạp chủng như Hoàng Qua toại nguyện. Thế gian này thêm một sư hổ mang nữa cũng chẳng khiến nó xấu thêm tí nào… Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã nạo thai cho Vương Tiểu Mai…”
“Việc này là Vương Tiểu Mai khẩn cầu tôi.” - Cô tôi nói - “Con bé quỳ trước mặt tôi, ôm lấy chân tôi, nước mắt nước mũi chan hòa thấm ướt cả vạt áo blouse của tôi. Nó vừa khóc vừa nói: Cô ơi! Cháu bị thằng sở khanh ấy lừa. Cho dù bây giờ hắn có dùng kiệu tám người khiêng đến xin cưới, cháu cũng không bao giờ chấp nhận làm vợ kẻ súc sinh ấy đâu… Cô ơi, cô hãy giúp cháu bỏ cái đồ nghiệt chủng này đi. Cháu không muốn có một đứa nghiệt súc là con của cháu… - Như thế… - Cô lại đốt một điếu thuốc, hút một cách vồ vập, khói thuốc làm gương mặt cô nhạt nhòa - Tôi đã nạo thai cho con bé. Vương Tiểu Mai vốn chỉ là một đóa hoa quỳ mới hé nụ nhưng đã bị thằng sở khanh dập liễu vùi hoa - Cô đưa vạt áo lên thấm nước mắt - Trước đó, tôi đã thề là không bao giờ làm chuyện thất nhân thất đức như thế nữa. Tôi đã chịu hết nổi rồi… Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã ra tay, cho dù biết rằng trong bụng Vương Tiểu Mai lúc này chỉ là một vệt máu lớn hơn ngón tay một chút mà thôi, nhưng khi nhìn thấy cái vết máu ấy động đậy trong chiếc thau, tôi có cảm giác là có một bàn tay nào đó đang túm chặt lấy trái tim mình mà dày vò, mà cấu xé, đau lắm, đau đến độ toàn thân tôi không còn chút sức lực, mồ hôi vã ra như tắm, mắt nảy đom đóm xanh xanh vàng vàng…. Khi công việc hoàn tất, tôi cũng ngã ra đất mê đi không biết bao lâu…”
“Đúng rồi, tôi đã già rồi, nói năng cứ lộn chuyện nọ sang chuyện kia, nói đến nửa ngày rồi mà vẫn chưa đề cập đến do đâu mà tôi lấy Hách Đại Thủ”. Cô tôi nói - “Ngày tôi nhận quyết định nghỉ hưu là mười lăm tháng bảy âm lịch, thằng tạp chủng Hoàng Qua vẫn muốn giữ tôi lại làm việc, nghỉ hưu mà không rời chức, nói mỗi tháng sẽ cấp cho tôi tám trăm đồng. Xì! Tôi nhổ một bãi nước bọt vào mặt hắn. Tiểu tạp chủng! Tôi chửi, bà đây đã bán sức cho mày đủ rồi. Bao nhiêu năm nay, trong mười đồng của bệnh viện này hết tám đồng là do ta làm ra! Phụ nữ trẻ em tứ xứ đến bệnh viện đều là vì ta. Bà đây muốn kiếm tiền thì bảy tám trăm mỗi ngày đâu có khó? Hoàng Qua mày muốn dùng tám trăm để mua ta à? Công nông dân mỗi tháng cũng không có cái giá ấy! Bà đây đã khổ ba phần tư đời người rồi, không muốn làm nữa, muốn nghỉ thôi, về Đông Bắc Cao Mật dưỡng lão thôi! Bị sỉ nhục, hai năm nay thằng tạp chủng Hoàng Qua tìm mọi cách để chơi khăm tôi? Chơi khăm tôi ư? Chuyện gì mà tôi còn chưa trải qua, lúc bé đã không biết sợ bọn quỷ Nhật Bản nữa là, đến già lại sợ một thằng tiểu tạp chủng sao?… Đúng rồi, đã vào chuyện chính rồi đây…
Hỏi vì sao tôi lại kết hôn với Hách Đại Thủ à? Chuyện này phải bắt đầu từ ếch. Đêm ấy, chính là đêm đầu tiên tôi nhận quyết định nghỉ hưu ấy mà, mấy người bạn già đặt một bữa tiệc nho nhỏ ở nhà hàng chia tay tôi. Đêm ấy tôi đã bị say - thực ra thì tôi uống ít thôi, nhưng rượu quá tồi. Ông chủ của nhà hàng nhỏ ấy chính là Giải Tiểu Tước, con trai của Giải Bách Trảo, là một trong số những củ đậu sinh trong những năm sáu mươi đem ra một bình rượu “Ngũ lương dịch” nói là kính biếu cô. Nhưng mẹ nó chứ, đó là rượu giả, tôi chỉ uống được mấy ngụm là đầu choáng mắt hoa, trời đất quay cuồng. Những bạn già cùng uống với tôi cũng chẳng hơn gì, ngay cả thằng Giải Tiểu Tước cũng đã sùi bọt mép, mắt trợn trắng”.
Cô tôi kể: “Tôi ngật ngưỡng ra về, ban đầu là có ý định về khu tập thể bệnh viện nhưng rồi trong mơ mơ hồ hồ, đôi chân lại dẫn tôi đến một vùng đất hoang ẩm thấp, một con đường nhỏ quanh quanh gấp khúc, hai bên là lau lách cao quá đầu người, nước xâm xấp sáng trắng dưới ánh trăng chẳng khác nào một tấm kính khổng lồ. Cóc, ếch kêu râm ran chung quanh tôi, bên này ngừng thì bên kia kêu, đúng là một dàn hợp xướng kỳ quái! Rồi như đoạn cao trào của một bài hợp xướng, tất cả đồng thanh cất tiếng. Oa! Oa! Oa! Oa!… Dàn âm thanh hỗn độn ấy xông thẳng lên đến trời rồi đột nhiên dừng lại, chỉ còn lại tiếng côn trùng rỉ rả…”. Cô tôi nói, cô ấy đã hành nghề y mấy chục năm nay, không biết là có bao nhiêu lần phải đi giữa đêm tối thế này nhưng từ trước đến nay, cô chưa bao giờ biết sợ là gì. Nhưng đêm ấy thì cô đã cảm nhận được thế nào là sự sợ hãi. Người ta thường nói, tiếng ếch kêu giống như tiếng trống. Nhưng cô tôi nói, đêm ấy tiếng ếch kêu lại giống như tiếng khóc, tiếng khóc của hàng nghìn, hàng vạn đứa hài nhi cùng cất lên một lúc. Cô tôi cũng từng nói rằng, tiếng khóc trẻ sơ sinh là loại âm thanh mà cô yêu thích nhất. Đối với một bác sĩ sản phụ mà nói, tiếng khóc chào đời của một con người là giai điệu say đắm nhất của âm nhạc! Nhưng đêm ấy, trong tiếng kêu của ếch có sự oán hận, có sự rền rĩ… Hình như tinh linh của hàng vạn đứa trẻ sơ sinh đã bị hại cũng lên tiếng khóc than cho số kiếp ngắn ngủi của mình. Cô nói: “Những ngụm rượu mà tôi đã uống vừa rồi, trong khoảnh khắc đã biến thành những giọt nước mắt. Các cô cậu đừng cho là tôi say rượu nên đầu óc trở bị ảo giác. Rượu biến thành nước mắt chảy ra ngoài. Đầu óc tôi vô cùng tỉnh táo, ngoài một chút đau đầu ra, tôi hoàn toàn bình thường…’’
Cô tôi kể cô đi theo một con đường dâm dấp bùn đặc quánh, muốn thoát khỏi sự bao vây của tiếng ếch. Nhưng thoát thân vào chốn nào đây? Cho dù cô đi rất nhanh, thậm chí là có lúc chạy nhưng những tiếng oa oa vừa bi thương vừa oán hận như tiếng khóc vẫn cứ bám riết lấy cô từ bốn phương tám hướng. Cô muốn tiếp tục chạy, nhưng không chạy được nữa rồi, bùn càng lúc càng đặc hơn, càng dính hơn, trông chẳng khác nào những bả kẹo cao su phun ra từ miệng của các cô cậu thanh niên thời đại mới giữ chặt lấy đế giày của cô. Phải dùng toàn lực cô mới có thể lê được một bước. Cô nói, mỗi lần nhấc chân lên, cô nhìn thấy đế giày của cô kéo theo những sợi tơ gắn liền với mặt đất, hễ chùm sợi tơ này đứt thì chân kia cũng vừa đặt xuống, lại tiếp tục có những chùm tơ kéo theo. Cô cởi giày, đi chân trần trên bùn, nhưng sau khi cởi giày, cô mới nhận ra là lực dính giữa đôi bàn chân trần với bùn càng trở nên kinh khủng hơn. Hình như mỗi sợi tơ đều có một sức đàn hồi cực mạnh giữ chặt bàn chân cô không cho nhấc lên khỏi mặt đất, nếu cố gắng nữa thì e rằng chúng sẽ bóc da chân cô ra mất thôi. Cô kể: “Tôi quỳ xuống đất, trông tôi lúc này rất giống một con ếch to tướng đang nhích từng phân từng phân bò về phía trước. Lúc ấy, bùn vẫn bám chặt vào hai đầu gối và đôi bàn tay tôi. Nhưng tôi không nghĩ đến bùn nữa, không nghĩ đến độ dính nữa, cứ thế mà bò, bò về phía trước. Đúng lúc ấy, từ trong vùng lau lách um tùm, từ trên những lá sen nổi phập phù trên mặt nước sáng như những tấm gương, vô số những con ếch nhảy tung lên. Toàn thân chúng là một màu xanh biếc, cũng có nhiều con vàng rực. Đôi mắt chúng màu vàng chói, nhưng cũng có những đôi mắt đỏ một màu máu. Như những đợt sóng trào, chúng nhảy ào đến, vừa nhảy vừa kêu lên những tiếng kêu giận dữ nhưng cũng có những tiếng kêu thê thiết đan cài vây lấy tôi vào chính giữa...”
Cô tôi kể rằng, cô nhận ra rất rõ ràng những cái mồm sắc nhọn của chúng bắt đầu ngậm vào da thịt cô. Chúng nhảy lên vai, lên cổ, lên đầu cô. Thân hình cô không chịu đựng nổi sức nặng của chúng, nằm sấp xuống mặt đất. Cô nói: “Tôi cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi không sợ vì bị chúng cắn cũng như bu lên đầu lên cổ mà tôi sợ vì làn da bụng nhơn nhớt của chúng tiếp xúc với da thịt khiến tôi có cảm giác rờn rợn, nhớp nhúa không thể nào chịu nổi. Chúng thi nhau đái, thi nhau ỉa lên thân thể tôi, cũng có thể là có rất nhiều con đang phóng ra tinh dịch...”. Cô kể rằng, đột nhiên cô nhớ lại, ngày trước bà cố tôi đã từng kể một truyền thuyết về chuyện ếch quấy rối người rằng, ngày xưa có một người con gái, ban đêm ngồi trên bờ đê hóng mát và bất giác ngủ quên, trong mơ nàng thấy mình ái ân với một chàng trai có bộ áo màu xanh biếc. Một thời gian sau thì nàng có mang và đến ngày đến tháng thì sinh ra một con ếch nhỏ. Cô tôi nói: “Nhớ lại chuyện ấy, tôi kinh sợ và nỗi kinh sợ thăng hoa thành một sức mạnh thần thánh, tôi vùng dậy. Tôi nhận ra rất nhiều ếch đang bám trên cơ thể tôi rào rào rơi xuống đất nhưng vẫn còn rất nhiều những con khác đang ngoan cố bám trên quần áo, đầu tóc, có hai con cắn chặt vào dái tai tôi và thân hình chúng đang treo lủng lẳng trông khác nào một món đồ trang sức đáng sợ. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy về phía trước và không hiểu vì sao sức kéo của đất sét dưới chân tôi đã giảm đi một cách đáng kể. Tôi vừa chạy vừa dùng hai tay phủi đầu, cổ, y phục. Mỗi khi tay tôi đụng phải một con ếch là tôi kêu lên một tiếng sợ hãi nhưng cố dằn nỗi sợ, tôi bóp chặt lấy chúng và vất đi, riêng hai con đeo dưới dái tai thì vất vả lắm, tôi mới lôi được chúng ra và khi lôi ra được thì dái tai tôi đã cần đứt. Chúng ngậm dái tai tôi rất chặt trông chẳng khác nào những con ếch con đói lả ngoạm chặt vú mẹ chúng. Tôi vừa chạy vừa kêu thét nhưng vẫn biết là mình khó lòng thoát khỏi bọn ếch đang bám đuổi phía sau lưng. Thi thoảng tôi quay đầu nhìn lại, cảnh tượng phía sau khiến tôi thất kinh: Hàng nghìn, có thể nói là hàng vạn con ếch chẳng khác nào một quân đoàn kỵ binh bám sát sau lưng tôi. Chúng nhảy, chúng kêu gào, chúng đạp lên nhau, chúng chen chúc bên nhau, có thể hình dung là một dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy. Không những thế, hai bên đường lại có những con ếch nằm phục sẵn, dàn thành trận thế rất chỉnh tề như có ý đồ ngăn chặn không cho tôi thoát thân. Có con còn điên cuồng hơn là bám vào lau lách bên đường, khi tôi chạy ngang qua thì tung thân nhảy vào tôi để cắn...”. Cô tôi nói, đêm ấy cô mặc một chiếc quần rất dày màu đen nhưng cái quần ấy đã bị những cái mồm ếch gớm ghiếc nấp hai bên đường tấn công xé nát ra từng mảnh nhỏ. Xé được miếng vải nào, chúng nhoàm nhoàm nuốt chững, bị nghẹn nên lăn lộn dưới đất giơ cái bụng trắng hếu lên trời!
Cô tôi nói, khi chạy đến bên bờ sông và bắt đầu đặt chân lên đến cây cầu đá nhỏ sáng nhờ nhờ dưới trăng thì chiếc quần trên người cô không còn lấy một mảnh vải, nói cách khác là nửa dưới của cô hoàn toàn trần truồng. Đúng lúc đó, cô gặp Hách Đại Thủ.
“Lúc ấy, tôi còn kể gì đến chuyện xấu hổ nữa. Nói thực lòng là lúc ấy tôi không hề ý thức được rằng mình đang trần truồng. Tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc áo tơi, đội nón lá rộng vành ngồi giữa cầu, trong tay có một vật gì đó có đôi mắt lấp lóa dưới trăng - sau đó tôi mới biết là ông ấy cầm một cục đất sét - nặn “búp bê trăng” đương nhiên là phải làm dưới ánh trăng. Lúc ấy, về cơ bản mà nói là tôi không nhận ra người ấy là ai. Nhưng cho dù ông ta là ai, chỉ cần là con người đã là ân nhân cứu mạng của tôi rồi...”. Cô tôi nói, cô đã nhảy bổ vào lòng người ấy, cố gắng chui vào trong áo tơi của ông ta và cảm nhận được hơi ấm tỏa ra từ trên ngực. Nhưng từ phía sau lưng ông ta, một làn hơi lạnh phả tới, lạnh chẳng khác nào độ lạnh khiến người ta phải rùng mình ác cảm trên bụng của những con ếch”. Cô nói, cô chỉ kịp kêu lên một câu ngắn: “Ông anh! Cứu mạng!” rồi hôn mê bất tỉnh.
Chúng tôi cũng cảm thấy lạnh gáy qua những lời kể dài dằng dặc của cô. Lúc này trên màn hình lại xuất hiện gương mặt của Hách Đại Thủ, vẫn là một khuôn mặt bất động, chỉ có đôi tay là có biểu hiện của sự sống khi miết vào những cục đất sét và dưới đôi bàn tay ấy, mấy gương mặt trẻ con được đặc tả một cách sinh động xuất hiện trong ống kính... Rồi trên màn hình lại xuất hiện chiếc cầu đá nhỏ và choán lấy khung hình là gương mặt của cô tôi, cái miệng của cô tôi. Cô tôi nói:
“Khi tỉnh dậy tôi mới nhận ra là mình đang nằm trên giường Hách Đại Thủ, trên người là một bộ áo quần đàn ông. Trên tay Hách Đại Thủ đang có một bát nước đậu xanh và đang bón từng thìa cho tôi. Mùi thơm của đậu xanh khiến lý trí tôi bắt đầu khôi phục trở lại. Uống xong một bát nước đậu xanh, mồ hôi ra ướt đầm trên toàn thân tôi. Hình như mọi chỗ trên cơ thể tôi đều đau đớn không thể tả nhưng cảm giác tởm lợm về chất nhờn lành lạnh ấy đã biến mất. Những mụn nước nổi thành từng mảng trên da thịt tôi, vừa rát vừa đau. Tôi sốt cao và bắt đầu lảm nhảm mê sảng. Sau đó, tôi tiếp tục uống nước đậu xanh của Hách Đại Thủ và cũng vượt qua được cơn khủng hoảng về tinh thần cũng như thể chất, một lớp da mới hình thành trên cơ thể tôi. Trước đây tôi đã từng nghe nhiều truyền thuyết về chuyện con người có thể thay xương đổi thịt và tôi biết là mình cũng đã qua một kỳ thay xương đổi thịt. Bệnh khỏi, tôi nói với Hách Đại Thủ: Hách đại ca, chúng ta kết hôn nhé!”
Kể đến đây, gương mặt cô tôi đã đầm đìa nước mắt.
Đoạn phim tiếp theo miêu tả cô tôi và Hách Đại Thủ chung tay sáng tạo nên những con búp bê đất sét. Mắt cô tôi nhắm lại giống như Hách Đại Thủ. Trên tay ông ta lúc này là một cục đất sét, ông ta mắt nhắm nghiền nói: “Tên con búp bê này là Quan Tiểu Hùng. Bố của nó cao một mét bảy lăm, mặt vuông, cằm bạnh, mắt một mí, tai to, mũi to và cao. Mẹ nó cao một mét bảy ba, cổ cao, cằm thon, mắt hai mí, sống mũi cao... Đứa bé này ba phần giống bố, bảy phần giống mẹ...”. Theo lời kể của cô tôi thì con búp bê có tên là Quan Tiểu Hùng ấy là sản phẩm mà Hách Đại Thủ đắc ý nhất sau khi được làm ra. Ống kính đặc tả gương mặt con búp bê này. Cô tôi nói: “Tôi thấy một khuôn mặt trẻ thơ vô cùng xinh đẹp nhưng phảng phất đằng sau vẻ đẹp ấy là một vẻ u buồn khó lòng dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Bất giác, nước mắt tôi chảy dài...”