Em yêu chị

(Ảnh: Internet)

 

Tôi ngồi một mình, trên chiếc võng mắc ở trong vườn nhỏ trước sân. Gió sớm mai nhè nhẹ thổi làm tâm hồn nhạc sĩ trong tôi trỗi dậy. Tôi nhấc cây sáo trúc nãy giờ vẫn để yên trên bụng, ngó một hồi rồi áp miệng thổi. Âm thanh trong trẻo, vang và ngân lắm. Tiếng cao vút, tiếng trầm trầm bật ra như lôi hết suy tư trong lòng hoà theo gió gửi đi xa.
Vu vơ một hồi thì chợt nhớ ra bài “Yêu” mà chị An thường hay hát. Giai điệu bài này nhanh và khó. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi trưa, ngồi bên chị, tôi lại bất giác hát theo. Rồi thuộc cả lời và cảm được âm khi nào không biết. Tôi có hiểu được đâu, chị hát tiếng Trung ấy mà! Còn tôi thì mù tịt mấy cái chữ vằn vằn vện vện ấy. Những hôm chị sang nhà chỉ tôi học Toán, tôi không hỏi chị về khối phương trình rối tung rối mù, mà lại nằng nặc đòi chị giải thích ý nghĩa của bài hát đó. Khi đấy, chị cười cong môi, mắt híp híp như thích thú lắm, chị hào hứng chỉ rõ cho tôi từng chữ một.
Tôi nhớ chị An nói mà cứ như đang thả hồn làm thơ:
“Mang trái tim của em rồi trái tim của anh, xuyên thành một vòng tròn;
Xuyên thêm một nhánh cỏ may mắn, xuyên thành một vòng tròn đồng tâm.
Để tất cả tiếng mong đợi tương lai, nhân thanh xuân kết làm bạn.
Đừng để tuổi thanh xuân, càng lớn càng cô đơn!
Đem cỏ may mắn của anh trồng tại khu vườn mộng của em...”
(Trích lời dịch bài hát “Yêu” - ca sĩ trình bày Tiểu Hổ Đội)
Tôi cười rồi lại thổi tiếp đoạn điệp khúc, tôi thích nó chỉ vì chị An thích nó. Tiếng sáo kết thúc là lúc tiếng vỗ tay giòn tan vang lên. Tôi giật mình ngước mặt lên nhìn, bờ môi khẽ bật thành lời:
- Chị An!
- Thổi hay thế cơ à? - Chị An cười, theo thói quen giơ tay nghịch mấy sợi tóc xoăn trước trán tôi.
Cảm giác cứ như bị bắt tại trận khi đang làm một việc gì xấu hổ lắm. Tôi nhát gan nhìn trộm chị sau đó ngay lập tức cúi đầu, tay gãi gãi mớ tóc dày, cười cười:
- Chị cứ chọc em, em thổi chơi thôi hà. Chủ nhật không có việc gì làm, lấy sáo ra luyện, sợ nó lục nghề ấy mà! – Nói rồi tôi ngước lên nhìn chị, nhe hàm răng ra cười, cười đến miệng căng ra lộ hai cái răng nanh nhọn nhọn duyên duyên.
Chị An hừ mũi, tay thu về khoanh trước bụng, cao giọng:
- Ai nói với mấy người làm không có chuyện gì làm hả? Nói cho biết, chị qua đây là giúp mấy người ôn tập Đại số đấy.
Tôi để cây sáo lên bàn đá kế bên võng, chòm qua vịn cánh tay chị An lắc lắc, không quên năn nỉ:
- An, hôm nay chủ nhật, nghỉ một bữa đi! Lâu lâu người ta mới có một ngày nghỉ, đừng bắt người ta học mà. Được không, An của em!
Chị An mim mím đôi môi nhỏ, hừ một tiếng, đánh tay tôi rõ đau, mắng yêu:
- Xạo quá! Ai là An của mấy người chứ? - Chị An hơi khép mắt, âm thanh ngân dài. -  Mà hay quá há, học hành cũng hẹn này hẹn nọ nữa. Mơ đi! Chủ nhật thứ hai gì cũng học hết. - Chị nói rồi ném quyển toán Đại số Mười Một lên bàn, hô lớn. - Học đi, mai kiểm tra rồi. Lạng quạng tôi méc (mách) ba mấy người. Bộ mấy người không sợ ba cấm cửa mấy người chơi bời, cắt luôn lương mấy người hả?
- Không học có được không, An? - Tôi chu môi làm ra giọng nũng nịu. - Đi mà, An!
Chị An khoanh tay cười, lắc lắc đầu:
- Chị nhận tiền của ba mấy người phải kèm cặp, cải thiện phẩy trung bình của mấy người nữa. Lo học đi, cuối năm không được tám phẩy là chia tay nhận thưởng học sinh giỏi, rồi đừng nhìn mặt ba mấy người luôn.
- An ơi, làm ơn đi! Hôm nay đừng học, có được không? - Ngưng một chút, chị An cũng không nói gì, vẫn lắc đầu như cũ. Tôi lại chai mặt.  - An của em!
Chị An giả vờ run run đôi vai, rùng mình:
- Mấy người cứ nói vậy, tôi lớn hơn mấy người chứ bộ. Kêu “chị An” đi! “An, An, An” nghe muốn nổi da gà. Vì cái tật này, hôm nay mấy người phải học tăng cường. Mai kiểm tra một tiết đấy, hệ số hai. Tính sao thì tính.
Biết không thể nào năn nỉ được, tôi cứ thế nghe lời chị An. Thà là tôi chịu cực khổ một chút, học cái môn tôi ghét cai ghét đắng kia để được ở bên chị, nhìn chị. Chứ nếu chị mà giận rồi bỏ về như mấy hôm trước, không biết tôi sẽ còn năn nỉ chị và còn nhớ chị đến nhường nào. Ở bên chị hiện tại là niềm vui nhỏ còn sót lại đằng sau đống bài vở lằng nhằng. Và được chị quan tâm là hạnh phúc lớn lao nhất của tôi. Không cần chị hiểu, chỉ cần chị luôn bên tôi.
Tôi móc điện thoại ra, thật khéo mở máy ảnh, bấm tách một cái.
Chị An đang đọc dở trang sách, quay qua hỏi tôi:
- Gì vậy?
Tôi cầm điện thoại, thẳng tay giơ ra trước làm thành động tác tự chụp, cười đáp:
- À, không có gì! Tại em muốn chụp ảnh thôi.
Tất nhiên chị An bị lừa, chị lại cúi xuống, ngón tay lướt trên trang sách, đăm chiêu. Nắng rớt trên gương mặt tinh khôi lốm đốm vệt loang nhàn nhạt sáng, chị đẹp như trong một giấc mơ nào đó. Ngón tay tôi bấm thêm vài cái, đem những khoảnh khắc này lưu giữ.
Sáng sớm, lạch cạch chiếc đạp điện ra ngõ. Tôi đi muộn vì hôm qua nghe lời chị An, cố thứ khuya giải thêm phương trình nâng cao. Ngang qua nhà chị, tôi đứng dưới đường mà ngó lên cửa sổ ở phòng chị. Cửa sổ khép lại tự lúc nào. Chị đã đi học rồi à? Thường ngày chị luôn đợi tôi đưa đón, không hiểu sao lại thế? Có lẽ chị không đợi được tôi.
Chần chừ một lát, tôi cũng đi. Ra đến bến xe buýt thì gặp chị An đứng ở đó. Mái tóc dài cùng tà áo trắng bị gió thổi khẽ lay lay, đôi tay mảnh khảnh ôm cặp táp đung đưa, mặt phớn phở hẳn ra, dường như là vui lắm thì phải. Tôi mừng như điên, vừa định cho xe đến sát chỗ chị đứng thì bất ngờ có tên con trai chạy xe tay ga lù lù tới trước, dừng bên chị. Tôi biết tên này, cả trường có một mình hắn già đầu, không phải lưu ban mà là đi học muộn, muộn tận hai năm. Bản mặt hắn già như ba tôi vậy, có cái gì mà chị thích? Trông điệu bộ cười cười nói nói của hắn hiện tại làm tôi phát nôn. Nhưng cái đó thì đáng nói gì cơ chứ, cử chỉ thân mật của chị mớ là thứ tôi quan tâm. Tôi phát hiện lòng ngực mình tưng tức và đau nhói lạ lẫm. Một cảm giác quằn quại dâng lên, như rút hết khí trong phổi tôi, khó chịu đến choáng váng.
Tôi cố nén cơn giận điều khiển xe tới trước mặt chị An. Không hề nhìn tên kia, tôi chỉ nhìn chị, chầm chầm.
Chị An thấy tôi thì vui vẻ kêu lên:
- Ôi! Thì ra mấy người chưa…
Không đợi chị An nói hết, tôi cười khẩy, dõng dạc:
- Hẹn hò há?
Có chút bất ngờ, chị giương đôi mắt, lẩm nhẩm một mình:
- Cái thằng này, bị cái gì vậy trời?
Tôi không nói thêm với chị An câu nào, một mạch tăng tốc chạy, bỏ lại vẻ mặt ngơ ngác của chị sau lưng.
Mấy ngày sau đó, tôi đều cố tình tránh mặt chị An. Chị gọi điện hỏi ba tôi về kết quả kiểm tra môn Đại số vừa rồi, còn nhờ ba chuyển điện cho tôi nói chuyện với chị, nhưng tôi đều từ chối. Thời gian này, tôi không muốn gặp mặt chị, hễ nghĩ đến cái ngày hôm đó là tôi thấy tức, trong tim có thứ gì đó hành hạ tôi, đau đến không chịu nổi. Tôi không biết bản thân đã mắc phải căn bệnh gì. Ngày mai tôi phải đi khám mới được, cứ để vậy hoài chắc tôi sớm chết mất thôi.

Tại phòng khám, tôi gặp chị An. Tôi bất ngờ tột độ, mắt căng ra, miệng há hốc không khép lại được. Cứ như thế tôi ngây người nhìn chị hớt hơ hớt hải chạy tới. Tôi đang tưởng tượng bản thân ở trong mơ cho đến khi một bên là hơi ấm của chị mới bừng tỉnh. Tâm trạng đang ở đáy cốc bỗng hân hoan vô cùng. Tôi muốn vươn tay ôm chị vào lòng, ôm thật chặt, thật lâu. Và nói chị rõ nỗi khổ hiện tại đang đeo bám. Nhưng dẹp, dẹp hết, tất cả suy nghĩ điên rồ vừa rồi tôi dẹp hết. Gương mặt tươi cười dịu dàng của chị chỉ dành cho cái tên con trai kia, làm cho tôi từ hân hoan biến thành lạnh lùng như cũ. Chị siết cánh tay tôi, nói không kịp thở:

- Mấy người làm sao vậy hả? Chị lo cho mấy người lắm luôn đó. Bốn hôm rồi, mấy người không chịu cùng chị học Toán. Chị gọi điện, mấy người cũng khoá máy. Chị hỏi ba mấy người mới biết mấy người tới đây khám, nên chị chạy đến đây liền. Có gì thì mấy người cho chị biết chứ. Sao mà lại im lặng như vậy?

- Không cần chị quan tâm! - Tôi đáp rỗng tuếch.

Nghe được mấy câu này của chị An làm sao không mừng cho được. Lòng tôi đang cười đây, cười rất to, khác hoàn toàn nét ngoài giận dỗi buồn thiu. Đúng lúc số trên bản điện tử trước cửa phòng thông báo tới lượt tôi khám. Tôi gạt tay chị ra, đứng dậy bước vào. Chị cũng chạy theo sau. Chị theo sát rạt, tôi ngồi trên ghế, chị cũng khư khư ngồi ghế bên cạnh. Đến nỗi ông bác sĩ đeo kính cận khám cho tôi, trượt kính xuống mũi, mắt ngó lom lom chị rồi ngó qua tôi, cười cười.

Chị An thật là! Ngại chết đi được. Tôi lớn rồi, không cần chị kè kè như vậy đâu. Tôi không cần chị gái, cũng không muốn có chị gái, cái tôi cần e là chị mãi mãi cũng không thể hiểu.

Vị bác sĩ đọc bản kết quả điện tim của tôi, ông ta nói:

- Cháu không có bệnh gì cả. Tim cháu vẫn tốt.

Tôi không tin, bác sĩ này đúng là không biết chữa bệnh mà. Đôi chân mày nhíu lại, tôi cố nói:

- Không thể nào! Rõ ràng là cháu bị bệnh. Tim cháu có vấn đề, cháu luôn bị khó thở, lâu lâu còn đau từng cơn nữa.

Chị An cũng tiếp lời:

Bác sĩ ơi! Làm ơn xem lại giúp em ấy với. Đau như vậy không thể là bình thường được đâu.

Vị bác sĩ lắc đầu, cười:

- Không có sao mà, các cháu đừng lo! Kết quả đã rõ như vậy rồi. - Khép lại sổ khám, vị bác sĩ nhìn tôi, ôn tồn. - Bây giờ cháu đang tuổi lớn, có thể cấu tạo tim chưa hoàn thiện như người trưởng thành, nhiều lúc học hành, thi cử lo lắng cộng trình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài khiến lượng máu bị thiếu hụt. Cho nên việc bị đau tim, hay khó thở ở lứa tuổi này là bình thường. Tôi sẽ kê một số loại thuốc và vitamin cho cháu. Vậy cháu cứ an tâm nhé!

Tôi không cam tâm, rành rành là tôi đang đau đây này! Rất đau nữa là đằng khác. Tôi cầm lấy sổ khám bệnh cùng tờ kết quả, một đường thẳng ra cửa phòng, băng ra sân bệnh viện. Chị An đuổi theo tôi, gọi to:

- Khang, chờ chị với! Em không đến quầy lấy thuốc hả Khang? Khang, Khang ơi!

Bước đến cổng, tôi ngừng lại, quay nhìn chị An. Tóc chị mới đó đã rối tung, má đỏ ửng vì nắng trời gay gắt. Chị ngửa mặt nhìn tôi, mắt nhíu nhíu, hổn hển:

- Mấy người làm sao vậy hả? Bị cái gì vậy? Từ cái bữa sáng gặp mấy người ở trạm xe buýt đến giờ, mấy người cứ như là người khác á. Chị không biết mấy người nghĩ gì nữa, tới đây rồi không lấy thuốc, về à?

Nhìn thấy bộ dạng lo lắng của chị An, tôi đau lòng nhưng chị lại nhắc tới giây phút bực bội ngày hôm đó, bộ mặt của tên con trai đáng ghét bỗng lờn vờn trong tâm trí thì tôi tự nhiên nổi cáu, quát chị:

- Chị đi lo cho người ta đi. Quan tâm tôi làm cái gì?

- Ai chứ? - Chị An chớp chớp đôi mắt tròn vo chất vấn tôi. Một giây sao thì bật cười. - Trời ơi! Cái thằng đó á hả. Hôm đó tình cờ nó gặp chị thôi. - Rồi chị lấy tay che miệng, cười rộ lên.

- Cười cái gì? Mắc cười lắm hả? – Tôi gắt.

Chị An lắc đầu, miệng cong cong:

- Không có! Chị cứ tưởng chuyện gì, ai ngờ chuyện đó.

- Đúng rồi! Tôi nói là chuyện đó đó. Chị đâu thích đi học bằng đạp điện rò rè. Chị thích ngồi xe phân phối lớn cơ mà.

Chị An lại cười, cười đến vô duyên:

- Hôm đó chị đợi mấy người. Ai biết đâu, lâu quá mấy người không tới, chị còn tưởng mấy người chở cô nào đi học, bỏ quên chị rồi chứ. Nên chị đành đón xe buýt đi thôi. Hôm đó chị đi xe buýt đến trường mà, có lên xe tên kia đâu.  - Chị ngưng lại, đưa mắt nhìn tôi, vẻ mặt chuyển thành gian gian. - Này, sao kỳ vậy. Đừng nói mấy người…

(Ảnh: Internet)

Đột nhiên xe buýt tới. Tôi thở phào, vọt lên xe. Chị cũng leo lên xe, lẽo đẽo phía sau lưng tôi. Mua xong vé, tôi ngồi vào băng ghế giữa sát cửa sổ, chị cũng ngồi xuống chỗ trống kế bên. Cả hai không nói gì cho đến khi điện thoại trong túi tôi reo.

- Điện thoại kìa! - Chị An nói mà giọng cụt lủng.

 Tôi không nhìn chị An, mở máy. Thì ra là ba gọi. Tôi trả lời điện thoại trong cái dòm soi mói của chị. Tôi ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ cho đến khi kết thúc cuộc gọi. Chị bất thình lình giật lấy điện thoại, gằn giọng hỏi:

- Tại sao mấy người lén chụp hình chị, còn để làm ảnh nền nữa. Ai đi làm vậy chứ? Giải thích đi!

Cố giằng lại điện thoại mà vẫn không được, đành chịu thua chị An, tôi khoanh tay im lặng.

- Mấy người không nói, vậy chị xoá!

- Không được! – Hoảng hốt, tôi kêu lên.

- Làm gì khẩn trương vậy? Hình này là của chị, chị xoá, khỏi bàn! - Vừa dứt lời chị cặm cụi mở khoá, rồi lại mở khoá.

- Không có mở được đâu!

Ba giây sau, chị phấn khởi, reo:

- Mấy người đâu có qua mặt được chị!

Khi tôi nhìn qua, chị An đã xoá gần hết ảnh sáng nọ. Tôi hét lên:

- Sao chị lại...

- Gì chứ? Ai biểu tự ý chụp làm cái gì? Mấy người tưởng chị đây không đoán được mấy người để mật khẩu gì à. Là ngày tháng năm sinh của chị, không phải sao?

Tôi giật điện thoại lại, mắng chị:

- Chị thật tuỳ tiện, đừng tưởng mở khoá được là chị hay. Điện thoại là của tôi, chị không có quyền đụng vào bất cứ thứ gì trong điện thoại tôi hết. Tôi muốn chụp ai thì chụp, muốn lưu muốn xoá đều là quyền của tôi. Tôi thích chụp cái gì là do tôi quyết.

- Ừ, chị vậy đó! Mà Khang là cái gì mà nói chị “tuỳ tiện?” Tự ý chụp hình chị là Khang sai rồi, còn lưu lại ảnh trong điện thoại, Khang không sợ người ta hiểu lầm hả?

“Khang” à? Mỗi lần chị giận dỗi hay có mặt người lạ, chị đều gọi tôi bằng “Khang.” Cái từ “mấy người” thân mật kia, chị quên rồi! Bao nhiêu dồn nén trong lòng, tôi đột ngột nắm tay chị, khẽ nói:

- Tôi muốn người ta hiểu lầm. Tôi... tôi yêu chị!

Chị liền lắp bắp, hỏi lại:

- Cái… cái gì? Mấy người vừa nói gì vậy?

Không biết một bé gái đứng đó khi nào, nó nắm tay mẹ nó thung thăng, đưa hàm răng sún ra cười, nói to:

- Chị ơi, anh nói là “anh yêu chị.” Là “yêu” đó! - Nó ngước mặt lên nhìn mẹ nó đang đứng vịn tay nắm. Người nó nghiêng ngả, nó ôm ngang hông mẹ nó rồi đáng yêu hỏi. - Mẹ ơi, “yêu” là gì vậy mẹ?

Mẹ nó cúi xuống hôn má nó đánh chụt một cái, trả lời:

- Là vậy đó con.

Chị An nghe xong liền bẽn lẽn liếc nhìn tôi rồi thật nhanh đầu cúi thấp, đôi môi nhỏ chúm chím khẽ cong cong.

Tôi nhìn thấy một màn diễn ra trước mặt, vội vàng buông tay chị An, tâm can cảm thấy xấu hổ lắm. Trong đầu bây giờ, ước muốn duy nhất là ông trời làm ơn cho xe buýt ngừng lại, ngừng ở đâu cũng được; để tôi có thể chạy một mạnh, ùa vào nhà mà đóng cổng lớn.

Đang mơ màng thì chị An kéo tay tôi rịt tôi lên, nhường chỗ cho hai mẹ con em bé. Tôi và chị nắm tay nhau, mặt hai đứa đều quay ra chỗ khác nhưng tay chị trong tay tôi, tôi cảm giác được có một mối liên hệ mới hình thành giữa tôi và chị. Năm ngón tay lạnh ngắt của tôi đan vào tay chị, từng ngón từng ngón đều ấm áp. Bây giờ, tai tôi thoáng nghe được tiếng sáo vang lên trên nền giai điệu xôn xao của điệp khúc bài “Yêu.” Đúng là cảm giác này, tim có đau, đập dồn và loạn nhịp nhưng không phải khó chịu mà là ngọt ngào, hạnh phúc. Chị có muốn nghe không? “An à, em yêu chị!”