Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 13 phần 1

13

THẤT BẠI Ở LONDON

Tunku Abdul Rahman, lãnh tụ đảng UMNO trong Liên bang Malaysia, là mẫu đối lập với David Marshall. Ông ta là một kẻ hoàn toàn cứng rắn và đáng tin cậy. Ông ta không làm ra vẻ thông minh, nhưng lại là một quan tòa khôn ngoan của dân chúng. Quan trọng nhất, ông ta ý thức được tầm quan trọng của quyền lực. Cha ông ta là tiểu vương xứ Kedah, và dưới bóng ngai vàng của cha, ông ta đã học cách nắm và sử dụng quyền lực để khiến người khác làm những gì ông ta muốn ở họ. Là một ông hoàng, ông ta nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của những nhà cai trị 9 bang Malay thuộc Liên bang, những kẻ đã chống đối đề nghị của chính phủ Anh về một Liên hiệp Malaysia năm 1946. Hơn ai hết, ông ta là một kẻ thân Anh và chống cộng thực sự. Lúc trẻ ông ta là một sinh viên tại Anh trong 9 năm, 3 năm học luật ở Cambridge, nơi ông ta quả thực nhận được một văn bằng, và 6 năm nữa cố gắng – nhưng không vất vả lắm – để vượt qua kỳ thi vào Luật sư đoàn. Ông ta hưởng thụ cuộc đời và thường kể cho tôi nghe về những thời gian tuyệt diệu mà ông ta từng có ở nước Anh. Ở ông, người Anh tìm ra một lãnh tụ có sẵn sự giúp đỡ vững chắc từ người Malay và sự ủng hộ nhiệt tình từ người Hoa và Ấn.

Trong tháng 6/1955, Liên bang tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong đó khối liên minh của UMNO, Hội những người Malay gốc Hoa (MCA), và Hội những người Malay gốc Ấn (MIC) giành chiến thắng tuyệt đối. Sau đó, Tunku và một số đồng sự trở thành những thành viên của Hội đồng Hành pháp của Cao ủy Anh; như ở Singapore, giờ họ đã có một nền tự trị giới hạn nhưng không như các ủy viên của chúng tôi, họ hoàn toàn vui vẻ làm việc với những người được thực dân bổ nhiệm. Một khác biệt quan trọng là họ đang chống lại cuộc chiến tranh du kích của những người cộng sản mà chỉ có thể bị dập tắt nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội Anh, Úc và New Zealand, và người Anh yêu cầu tình trạng khẩn cấp phải chấm dứt trước khi nền độc lập được trao trả.

Tháng 1/1956, Tunku đi London để dự một hội nghị hiến định, và trên đường từ Singapore đến nước Anh trên con tàu khách Asia của Ý, ông ta đã nói với báo chí là ông ta không đồng ý với Marshall rằng Singapore phải được hưởng quy chế bình đẳng trong bất kỳ liên minh nào giữa họ. Nếu Singapore được hưởng quy chế bình đẳng, "nó sẽ gây hoảng loạn cho những người Malay ở lục địa. Người Anh tách đôi hai lãnh thổ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi của người Malay trong Liên bang”. Tuy nhiên, ông ta đồng ý với PAP rằng các cuộc thảo luận sẽ được mở ra giữa các lãnh tụ của Singapore và Liên bang để bàn về một liên minh tương lai. Trong đoạn văn dẫn của mình trên tờ Singapore Standard, Raja giải thích “liên minh tương lai” có nghĩa là “sự hợp nhất tương lai”. Raja có lẽ đã không có sai lầm nào lớn hơn.

Tunku có ý gì khác trong đầu, không phải là sự hợp nhất của hai lãnh thổ mà là “một liên minh”, một sự dàn xếp giữa hai thực thể riêng rẽ. Ông ta không muốn Singapore thành một bang trong Malaysia vì nó sẽ làm đảo lộn cán cân chủng tộc ở Malaysia. Ông ta cũng không muốn Singapore thành một xứ độc lập ngang hàng với Malaysia. Ông ta muốn người Anh vẫn nắm quyền điều khiển một Singapore tự trị, và hình thành một liên minh với một chính phủ Singapore không có chủ quyền. Thật không may, đã không còn thời gian cho những cuộc dàn xếp như thế. Người Anh biết điều đó, nhưng Tunku thì không.

Alan Lennox–Boyd đã đến thăm Kuala Lumpur vào tháng 8/1955 để đánh giá tình hình và bản thân Tunku. Ông ta nhận ra ở Tunku một con người mà ông ta có thể tin cậy, và chấp nhận ngày trao trả độc lập cho ông ta, ngày 31/8/1957. Hơn nữa, với kết quả trực tiếp từ việc kết thúc của hội nghị hiến định vào tháng 2/1956, Tunku tiếp quản tất cả các chức vụ và trách nhiệm của Hội đồng hành pháp từ các viên chức người Anh và Malaysia trở thành một quốc gia tự trị trên thực tế.

Sự tiến bộ về mặt chính trị của Liên bang đã thay đổi viễn cảnh cho Singapore. Cho đến lúc đó, đã có một cơ hội là Malay sẽ không được trao trả độc lập khi Singapore chưa trở thành một phần của nó. Giờ thì Singapore hoàn toàn cô độc. Kế hoạch của người Anh là có một nước Malaysia độc lập với người Malay đứng đầu – tuy nhiên, người Malay cũng cần Anh giúp trong một thời gian để cai trị đất nước và chống lại cộng sản – trong khi đó họ vẫn giữ Singapore như một thuộc địa vô thời hạn vì giá trị chiến lược của nó đối với nước Anh, Úc và New Zealand. Singapore may lắm thì trở thành một lãnh thổ tự trị với tất cả lễ bộ của nền độc lập nhưng lại không có chủ quyền thực sự, và những quyết định cuối cùng về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng sẽ vẫn nằm trong tay người Anh.

Phản ứng của Marshall đối với vấn đề này có thể đoán trước được: ông ta bị đẩy vào thế phải yêu sách tối đa trong các cuộc đàm phán hiến định sẽ khai mạc ở London vào ngày 23/4. Nếu có cơ hội, ông ta sẽ đòi chủ quyền trọn vẹn. Ông ta sẽ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn từ tay người Anh, và như thế có một tư thế bình đẳng với chính quyền Tunku. Tuy nhiên Singapore sẽ ký một hiệp định hứa bảo đảm những căn cứ cho người Anh và nhường cho nước Anh tiếng nói quyết định trong việc đối ngoại. Nói tóm lại, ông ta sẽ đạt được điều đó bằng cả hai cách. Với sự ủng hộ chút ít từ bạn bè của ông ta, trong đó có Ong Eng Guan, thủ quỹ của PAP, ông ta phát động một “Merdeka Week” (Tuần lễ độc lập) nhằm thu thập chữ ký của quần chúng và bày tỏ sự ủng hộ của quần chúng đối với nền độc lập và bản thân ông ta như một chiến sĩ của nó. Vì mọi người đều biết chính phủ liên hiệp của ông ta non kém, nên ông ta cũng quyết định đưa sang London một đoàn đại biểu từ đủ mọi đảng phái nhằm chứng minh sự đoàn kết của họ trong vấn đề này.

Ông ta đã ở đó vào tháng 12/1955 và được khích lệ từ những cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng và dân biểu quốc hội Anh đến độ ông ta đã tuyên bố với báo chí Anh là không còn các “tay thủ cựu” nữa, một điều mà ông ta cho là đáng lặp lại trong Hội đồng lập pháp sau khi trở về Singapore. Ông ta cũng thuyết phục mọi đảng phái đồng ý việc ông ta mời một phái đoàn các dân biểu Anh thuộc Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động đến thăm Singapore trong tuần lễ Merdeka, khi nó lên đến đỉnh điểm trong một cuộc mít–tinh vào ngày chủ nhật 18/3/1956 ở phi trường Kallang. Trong khi đó khoảng 170.000 chữ ký đã được thu thập, và một tình huống để chụp ảnh đã được dàn xếp để ghi hình những văn kiện đóng gói lớn được đoàn đại biểu liên đảng trình trước Hạ nghị viện như một bằng chứng về lòng khát khao độc lập của Singapore.

Sáu nghị sĩ quốc hội Anh đến, nhóm thuộc Đảng Lao động dẫn đầu bởi Herbert Morrison, từng là Bộ trưởng nội vụ trong chính phủ của Đảng Lao động nhiệm kỳ đầu tiên năm 1945–1950 và là nhân vật thứ hai sau thủ tướng Clement Attlee. Chúng tôi gặp họ thân mật ở các buổi tiếp, và tôi giải trí một buổi tối với họ tại một câu lạc bộ trong Capitol Building. Màn biểu diễn chính là một pha vũ bán thoát y, không thích hợp cho một đoàn đại biểu đến với mục đích nghiêm túc nhằm đánh giá sự trưởng thành của chúng tôi, khát khao độc lập cháy bỏng của chúng tôi và khả năng quản lý nó của chúng tôi. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, Morrison rất thích thú. Ông ta đang trong tâm trạng nghỉ lễ, và trong trạng thái phấn khích ông ta đưa ra những nhận xét dí dỏm về những gì đang chứng kiến, ông ta không tin rằng có một niềm khát khao độc lập cháy bỏng dữ dội trong cộng đồng dân chúng Singapore, nhưng lại nhận xét sắc sảo rằng có một nhóm bí mật được tổ chức chặt chẽ và mạnh mẽ đang lôi kéo các nghiệp đoàn, học sinh và nhiều người khác. Có lẽ ông ta muốn tôi phản bác lại điều đó, nhưng tôi không cải chính nhận xét của ông ta.

Khi ngày mít–tinh Merdeka đến, tôi cùng Choo lái xe đến Kallang, đậu xe cách cao ốc phi trường một quãng, và đi bộ đến khán đài được dựng bên cạnh đường băng. Đó là một buổi chiều oi bức – tôi mặc một chiếc sơ mi ngắn tay – nhưng có khoảng 25.000 người chờ cho đến 5 giờ, khi Marshall đến trong chiếc xe hơi mui trần của ông ta. Ông ta lái xe thẳng tới khán đài mà trên đố Chin Chye, Ong Eng Guan và tôi đứng sẵn, và leo ngay lên với chúng tôi và ra dấu chào Merdeka bằng một nắm tay giơ cao. Đám đông ùa tới ông ta, vài người leo lên khán đài, mà nó vốn được làm tạm bợ bằng những mảnh gỗ mỏng manh, nhanh chóng sụm xuống. Thế là hệ thống phóng thanh bị hư hỏng, vì thế trong vài phút không ai có thể nói gì với họ. Cuối cùng khi một mic–rô được nối lại, tôi yêu cầu một bộ phận đám đông cư xử cho phải phép, rằng có một số "kẻ xấu” len lỏi trong số họ, trong khi đó một Marshall đang khoa chân múa tay nói trong mic–rô khác bị hỏng.

Không lâu sau đó, khi các dân biểu quốc hội Anh đến, Morrison nói với Marshall: “Rất tiếc khi nghe khán đài của ông bị sập”. Họ không hề ra tới đó, mà được dẫn vào tòa nhà phi trường hai tầng và được giới thiệu với đám đông từ trên ban công. Họ đã không muốn đến, nhưng Marshall thuyết phục họ là dân chúng thì thân thiện và họ không cần phải lo về mặt an ninh. Sau đó ông ta vỗ nhẹ vào lưng tay dẫn đầu đoàn đại biểu, đảng viên Đảng Bảo thủ Jeffrey Lloyd và nói: “Tôi nghĩ là các ông nên nhanh chóng rời khỏi đây.” Lloyd và đảng của ông ta bỏ đi tức khắc.

Tôi không thể nào làm đám đông trật tự trở lại được, và Lim Chin Siong, nói bằng tiếng Quan thoại và tiếng Hokkien, cũng không ăn thua gì. Đây không phải là cuộc mít–tinh do Lim tổ chức. Đây là cuộc mít–tinh của dân thường, và những tay đầu lĩnh đám đông của ông ta không nắm quyền chỉ huy. Ong Eng Guan đề nghị rằng nếu chúng tôi bắt nhịp cho họ hát, họ sẽ không đi đến chỗ bạo loạn. Ông ta lấy mic–rô từ tay Lim hát to bài We Love Malaysia (Chúng ta yêu Malaysia), tiếp theo đó là bài hát cộng sản Unity is Strength (Đoàn kết là sức mạnh), chuyển sang giai điệu của John Brown’s Body. Sau đó, trời bắt đầu mưa phùn. Tôi ra dấu cho Choo đưa xe lại. Cô đưa nó lại khán đài trong chừng mức an toàn mà cô có thể, và chúng tôi lái xe rời đi.

Không một ai có cách gì để điều khiển đám đông đó. Họ đã trở thành một đám hỗn tạp. Ngay sau đó dân chúng ném gạch đá vào các cửa kính của tòa nhà phi trường, rồi hàng trăm người xông tới đập phá các cổng kim loại, và hẳn là đã chiếm được tòa nhà nếu cảnh sát tăng viện không kéo đến kịp. Khi cảnh sát giải tán, họ tản ra thành những nhóm nhỏ, tràn đi phá phách trên các đường phố gần đó và ném đá vào xe cứu thương của lữ đoàn St John đang cấp cứu những người bị thương. Khoảng 7 giờ, trật tự được vãn hồi, 50 người bị thương, trong số đó có 20 cảnh sát.

Không có ai thiệt mạng hoặc thiệt hại tài sản gì đáng kể. Nhưng việc xảy ra đã để lại trong lòng sáu thành viên đến thăm đó một sự nghi ngờ về tính bất ổn trong tình hình chính trị ở Singapore, và khiến họ tin rằng chính phủ, thậm chí với một vị tổng trưởng Anh và một cảnh sát trưởng Anh, cũng không hoàn toàn điều khiển được. Điều đó gần như là sự thật. Singapore của Marshall không phải là Malaysia của Tunku. Chính phủ Mặt trận Lao động không có được sự ủng hộ vững chắc. Nó là, như Robert Black viết cho Lennox–Boyd, một “tai nấm, chỉ có đầu, thân mảnh, không gốc rễ”. Lá thư của Black mô tả lực lượng cộng sản trên hòn đảo lan tỏa hơn trong nội địa và các biện pháp để chế ngự nó – bắt giữ mà không xét xử, hơi cay, vòi rồng, việc xóa tên trong sổ công đoàn, cấm các cuộc hội họp vì mục đích phá hoại – chỉ chữa được các triệu chứng mà không trị liệu căn bệnh. Black viết rằng dù các lực lượng phòng vệ có thể ngăn cản được sự đình trệ các dịch vụ công cộng hoặc những sự hỗn loạn lớn, nhưng các phương thức của họ đồng thời sản sinh ra nhiều người trẻ tuổi chống chính phủ và bài Anh hơn tham gia vào đội ngũ ngày càng vững mạnh của các tổ chức CUF. Dưới một chế độ dân chủ, mỗi người một lá phiếu, nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi các học sinh trung học trường Hoa và những công nhân trẻ tuổi nói tiếng Hoa hình thành một chính phủ khuynh tả hợp pháp do dân bầu.

Tôi đã nung nấu những ý nghĩ tương tự khi tôi cân nhắc cái thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng tôi, những người phi cộng sản, đối mặt. Nhưng Marshall có những hiểu biết giới hạn về tình hình thực tế của đất nước, và kinh nghiệm bản thân cũng không cách chi làm ông ta bớt bồng bột hoặc kiềm chế được. Ông ta vẫn lạc quan rằng ông ta sẽ có được một cái gì đó cũng tốt đẹp như Tunku đã đạt được từ Lennox–Boyd, và ngày 4/4, ông ta đã chuyển vào Hội đồng một bản kiến nghị để trình bày những gì ông ta chờ mong ở chính phủ Anh trong cuộc đàm phán hiến định. Phần thực tế của văn bản này là:

“Hội đồng lập pháp yêu cầu phái đoàn liên đảng ngay lập tức tìm kiếm cho Singapore quy chế của một lãnh thổ độc lập nằm trong Khối thịnh vượng chung và đưa ra một hiệp ước giữa chính phủ Vương quốc Anh và chính phủ Singapore, qua đó chính phủ Vương quốc Anh sẽ nhân danh Singapore thực thi quyền điều khiển việc phòng vệ bên ngoài và có chỉ đạo trong quan hệ đối ngoại hơn là trong giao thương và thương mại.”

Tôi đã nhiều lần tranh cãi riêng với Marshall trước khi ông ta đưa ra kiến nghị rằng chừng nào mà nước Anh còn có quyền ra lệnh cho Singapore phải làm những gì trong vấn đề quốc phòng, thì Singapore không thể là một nước độc lập được, cho dù có bất kỳ thỏa ước gì. Nhưng ông ta không chịu từ bỏ mục tiêu của mình – cảm giác độc lập dù chỉ là hình thức. Trong việc tán thành đề nghị của ông ta, tôi nói rằng nghị quyết được phác thảo như thế là một “cách nói hoa mỹ rằng chúng tôi ý thức rằng người Anh sẽ không trao cho chúng tôi nền độc lập hoàn toàn vì điều đó sẽ có nghĩa là làm đảo lộn các thỏa ước quốc tế và những nền tảng quốc tế trong chiến lược phòng vệ thế giới”.

Tôi đã làm hết sức mình trước khi diễn ra hội nghị London để chắc rằng hiến pháp kế tiếp sẽ không mở ra những cánh cổng cho phái quá khích, mà sẽ cho chúng tôi đủ cơ hội để thành lập một chính thể phi cộng sản, không phải một thứ bù nhìn của người Anh, mà như người bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân. Marshall không bao giờ hiểu ra sự cần thiết cho thế cân bằng tốt đẹp này: phải có đủ sức mạnh để hành động vì lợi ích của nhân dân, nhưng cũng phải có người Anh ở vị trí trừ bị trong trường hợp cộng sản chiếm được thế thượng phong. Và Lim Chin Siong không hiểu ra rằng gần như độc lập mà không có chủ quyền thì có nghĩa là chủ quyền vẫn trong tay người Anh. Những gì ông ta muốn hoàn toàn đơn giản là có một hiến pháp mà nó sẽ cho phép lực lượng của ông ta lớn mạnh thêm.

Marshall dẫn đầu đoàn đại biểu liên đảng gồm 13 thành viên, trong đó gồm 5 ủy viên chính phủ và 2 quan chức thứ yếu trong chính phủ Mặt trận Lao động, 4 đảng viên Đảng Xã hội Tự do (do Đảng Cấp tiến và đảng viên Đảng Dân chủ hợp nhất lại hồi tháng 2) và 2 thành viên PAP. Chúng tôi bay thành từng nhóm riêng trên những chiếc phi cơ cánh quạt BOAC Argonaut mất hai đêm ba ngày để đi từ Singapore đến London, với hai lần nghỉ qua đêm ở Colombo và Karachi. Tôi lên đường hồi đầu tháng 4 để có thời gian gặp Keng Swee và đánh giá tình hình từ phía người Anh. Lim Chin Siong đi cùng tôi, hơi bị hoang mang. Đây là lần đầu tiên ông ta rời khỏi đất nước. Nhưng nỗi sợ hãi của ông ta là do phải rời khỏi những cố vấn đầy kinh nghiệm củamình hơn là vì việc phải có mặt ở đất khách.

Trước khi tôi và Lim lên đường trên chiếc Argonaut, tôi đưa ra một tuyên bố chính thức của PAP để giải thích tại sao chúng tôi thay đổi đường lối của mình. “Chúng tôi muốn hợp nhất ngay cả trước khi chúng tôi đạt được một nhà nước tự trị… Đáng tiếc là Thủ tướng Liên bang không thể đồng ý với kiến nghị của chúng tôi… Hiện chúng tôi đang tìm kiếm một bước tiến tối đa về chính trị mà chúng tôi có thể đạt được ở riêng Singapore, nhưng sẽ phấn đấu để đạt được sự hợp nhất với Liên bang.”

Những chuyến bay duy nhất tôi thường đi trước đó là bay đến Kuala Lumpur và trở về trên chiếc Dakota hai động cơ. Trong những ngày đó, việc di chuyển bằng đường hàng không chỉ dành cho một thiểu số người lãnh đạo, đắt tiền và không phải là không có rủi ro, và mỗi chuyến đi đáng để cho bạn bè, người thân hoặc những người ủng hộ đảng phái làm lễ tiễn đưa. Đám đông khoảng vài trăm người đến để tiễn tôi và Lim và chúng tôi nói chuyện với họ từ trên chót cao của cầu thang di động trước khi bước vào máy bay. Tôi nói rõ ràng rằng mục đích của đoàn đại biểu là “không bảo đảm một nền độc lập toàn vẹn mà chỉ tự trị 75 % và sau 5 năm thì tự trị hoàn toàn”. Lim đứng cạnh tôi và tôi phải bảo đảm rằng báo chí hiểu đúng đắn điều đó và sẽ không xuyên tạc lập trường của PAP.

Rồi tôi sẽ có được những ấn tượng mới. Khi chúng tôi dừng nghỉ đêm ở Colombo, tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận thấy sự phát triển vượt bậc ở đó. Nó không bị Nhật chiếm đóng và trông thịnh vượng hơn Singapore nhiều. Karachi, chỗ nghỉ đêm kế tiếp, thì nóng và đầy bụi, và đây là lần đầu tiên tôi thấy lạc đà làm việc như một loại gia súc dùng để kéo những chiếc xe kéo nặng nề và thoải mái thải ra những đống phân khổng lồ khi đang đi trên đường. Nhưng trong một tối dạo phố, tôi đã có cơ hội mua cho Choo mấy tấm khăn choàng lụa mỏng trông giống như những sợi tơ dệt lẫn với chỉ vàng. Thỉnh thoảng cô ấy vẫn dùng chúng. Sau Karachi, chúng tôi còn dừng để tiếp nhiên liệu ở Cairo và Rome, và cuối cùng hạ cánh ở London ngày 17/4.

Tôi có 6 ngày để bắt kịp tình hình chính trị ở đây trước khi hội nghị bắt đầu. Thời tiết tuyệt đẹp. Đây là một trong những mùa xuân có nắng ở London và hoa tulip đã nở dọc theo phố Mall. Nước Anh đang bắt đầu thoát khỏi tình trạng khó khăn sau chiến tranh. London trông sạch sẽ, ngăn nắp hơn trong vòng 6 năm từ khi tôi rời đi hồi năm 1950, và có nhiều xe hơi hơn trên đường phố. Nó cũng có một sự cân bằng chủng tộc mới nữa. Tôi thấy khá đông những người da đen châu Mỹ Latinh làm nhân viên bán vé trên xe buýt, và một số người quét rác da đen. Và tôi nhận thấy rằng những người châu Á hiện được nhắc đến trên báo chí bằng chữ Asean thay cho chữ Asiatic trước đây. Người ta cho tôi biết là vào khoảng năm 1953, báo chí Anh bắt đầu dùng từ "Asian" vì từ “Asiatic” có vẻ hơi hạ cố hoặc khinh thường, và sự thay đổi này là một sự nhượng bộ đối với người Ấn, Pakistan và Sri Lanka, hiện đã độc lập. Tôi không hiểu điều này cải thiện thế đứng của họ như thế nào. Khi bọn trẻ London gọi tôi là người Hoa hay Chink, tôi không hề bực bội. Nếu chúng hàm ý chữ đó như một từ miệt thị, thì công việc của tôi là làm cho chúng, một ngày nào đó, phải nghĩ khác đi.

Tôi dành nhiều thời gian với Keng Swee và những nhóm phụ tá của ông ta, những sinh viên năng nổ đã giúp ông ta chiến đấu và đánh bại John Eber và nhóm của ông ta ở Diễn đàn Malaysia. Trong số họ có Joe Pillay, người sẽ trở thành Chủ tịch Hãng hàng không Singapore, và Chua Sian Chin, người sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi thấy được khích lệ khi Keng Swee đã có thể tìm được những người trẻ tuổi có năng lực và họ có thể giúp chúng tôi rất nhiều khi họ trở về Singapore.

Ông ta cũng có nhiều tiếp xúc với Hội Fabian và Đảng Lao động. Vài người, như Hilda Selwyn–Clacke, vợ của một vị nguyên thống đốc Hồng Kông, bắt đầu trở thành một người bạn và là người bênh vực cho các sinh viên thuộc địa. Các hội viên Fabian đang nuôi dưỡng những người theo chủ nghĩa dân tộc, họ sẽ trở thành những người dân chủ đúng nghĩa, những người theo chủ nghĩa xã hội thật sự, và những người ủng hộ nước Anh trong Khối thịnh vượng chung mới thành lập. Keng Swee đã thu xếp cho tôi dùng cơm với những nhân vật quan trọng của Đảng Lao động, lúc đó đã thôi nắm quyền, gồm có Aneurin Bevan, cựu Bộ trưởng, người đã tổ chức mạng lưới bảo hiểm y tế quốc gia, một người xứ Wales và là nhà hùng biện vĩ đại. Và tôi có dịp đến thăm những người bạn cũ của tôi và Choo ở Cambridge, vài người trong số họ hiện đang hành nghề trong luật sư đoàn. Họ cho tôi một cảm quan về tâm trạng của xã hội Anh ở London sau thời kỳ khổ cực, mà nó sẽ dẫn đến những năm 60 đầy khởi sắc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3