Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 18 phần 2

Leslie Hoffman, biên tập viên, đã trả lời ngay trong ngày:

“Tôi không phải kẻ tạm trú. Tôi, người chịu trách nhiệm về chủ trương và nội dung xã luận của tờ báo này, vẫn có ý định ở lại Singapore, cho dù ông Lee và PAP có lên nắm quyền, và cho dù họ có sử dụng pháp lệnh PPSO để chống lại tôi… thì quê hương tôi vẫn là Singapore.”

Nhưng ông ta đã về Kuala Lumpur trước khi cuộc bầu cử kết thúc.

Năm ngày trước hôm bỏ phiếu, Hoffman phát biểu trong cuộc họp hàng năm của International Press Institute (IPI – Học viện báo chí quốc tế) tại Tây Berlin trước các nhà báo, biên tập viên và nhà xuất bản rằng những đe dọa của chúng tôi có thể được hiểu như “những lời thống trách của một nhóm các chính khách điên lên vì quyền lực”. Ngược lại, tờ Straits Times viết: “Tờ báo được xuất bản và điều hành bởi những người Malay ra đời tại đó, những người đã ở đó trọn đời của họ, và là những người thực tình trong tinh thần dân tộc và lòng trung thành của mình với đất nước.” Ông ta sẽ không thừa nhận rằng chính các ông chủ người Anh của ông ta mới là người sở hữu tờ báo và chỉ đạo các chính sách của nó.

Simmons hiểu ông ta rất dễ bị tấn công. Nên ông ta đã chỉ bảo cho Hoffman, một người Âu lai Á, để đưa trường hợp của ông ta ra trước IPI. Hoffman nói thêm: “Trong ý nghĩa này, thật là độc đáo khi nó tạo cho hội đồng này một cơ hội để chấm dứt vĩnh viễn sự nỗ lực của một chính đảng muốn thu hút sự ủng hộ của quần chúng cho ý đồ công khai của họ là hạn chế tự do báo chí.” Nhưng đó chính là điều PAP dự định sẽ làm – thu hút sự ủng hộ của quần chúng đối với chủ trương rằng báo chí sẽ không còn nằm dưới sự sở hữu của người ngoại quốc nữa. Hoffman trích điều tôi đã phát biểu vào ngày 18/5:

“Bất cứ tờ báo nào muốn phá hoại hay làm căng thẳng các mối quan hệ giữa Liên bang Malaysia và Singapore sau ngày 30/5 sẽ bị truy tố về tội mưu phản. Bất cứ biên tập viên, phụ tá biên tập hay phóng viên nào đi theo con đường này đều sẽ bị truy tố theo pháp lệnh PPSO. Chúng tôi sẽ truy tố và bắt giam những người đó.”

Thái độ của tờ Straits Times còn thậm chí không thể biện minh được vì chúng tôi, lực lượng quốc gia, đang kiểm soát chặt cuộc vận động tranh cử, một điều làm tôi rất hài lòng. Chúng tôi đã sắp xếp lịch trình, quyết định các chủ đề và viết những bài diễn văn quan trọng. Các lãnh tụ cánh tả không đem những tổ chức quần chúng của họ đến dự những cuộc mít–tinh của chúng tôi được. Mặc dù phái khuynh tả đang tập hợp trong các chi bộ PAP và một số có thể trở thành ứng cử viên, Pang Boon và tôi đã giảm thiểu mối nguy này qua việc chọn lọc rất cẩn thận các ứng viên Hán học. Không còn một Lim Chin Siong nào để thao túng đám đông nữa.

Ong Eng Guan không kém cỏi lắm khi thay thế Lim Chin Siong trong vai trò phát ngôn viên tiếng Hokkien trong các buổi mít–tinh. Nhưng Pang Boon thì nói lưu loát cả tiếng Hokkien lẫn tiếng Quan thoại, còn tiếng Quan thoại của tôi cũng đã cải thiện; tuy rằng vẫn chưa đủ để vận dụng các biện pháp tu từ, nhưng giờ tôi đã có thể diễn tả tư tưởng của tôi mà không cần đến văn bản viết sẵn. Có thể tôi chỉ lặp lại bằng một thứ tiếng Quan thoại kém nhuần nhuyễn những điều đã nói bằng tiếng Anh hay Malay, nhưng tôi đã được khối dân chúng nói tiếng Hoa coi trọng hơn vì đã chịu khó học ngôn ngữ của họ. Tình trạng với Chin Chye cũng vậy, ông là người thấp bé nhưng rất sinh động trên diễn đàn. Tiếng Quan thoại của ông ta kém hơn tôi nhưng ông ta rất bạo dạn và đám đông đã hoan hô chúng tôi, họ hài lòng vì chúng tôi đã nỗ lực để có thể giao tiếp được với họ.

Khi thắng phiếu, những Bộ trưởng tương lai của chúng tôi sẽ là một khối đa chủng tộc. Raja hóa ra là người rất sáng dạ, nói tiếng Anh rất hùng hồn và giảm văn phong xã luận của mình thành thứ ngôn ngữ đường phố rất sinh động. Ông ta cũng nói tiếng Malay bình dân và truyền đạt tư tưởng của mình bằng một giọng nói mạnh mẽ và một thứ ngôn ngữ “thân thể” biểu cảm. Ngược lại, Keng Swee lại quá dở, với tư duy tốt, ông ta chuẩn bị các bài diễn văn rất chu đáo nhưng lại phát biểu bằng giọng đều đều đáng chán, ấp úng, cứ phải xem văn bản và trông thiếu hấp dẫn.

Trong một xã hội đa chủng tộc, chúng tôi gặp phải một vấn đề tất yếu. Một số ứng viên của chúng tôi có thể là những tay hùng biện bẩm sinh, nhưng không ai có thể làm một bài diễn văn trong cuộc mít–tinh tranh cử và khiến toàn bộ cử tọa cùng cười, thở dài, khóc hay giận dữ với nhau. Dù có dùng thứ tiếng nào và dùng giỏi tới đâu thì cũng chỉ có một bộ phận trong đám đông là có thể hiểu được ngay, nên diễn giả phải truyền đạt tới những bộ phận còn lại bằng các cử chỉ, nét mặt và giọng nói.

Tiếng Malay bình dân là thứ ngôn ngữ đơn giản và được nhiều người thông hiểu nhất, và diễn giả giỏi nhất của chúng tôi bằng thứ tiếng này là Yaacob bin Mohamed với lối diễn đạt đầy kịch tính và sáng sủa lôi cuốn được cả những sắc dân khác ngoài người Malay. Để phê phán thói huênh hoang của đối phương, ông ta đã trích dẫn ngạn ngữ Malay của xứ Terengganu, quê nhà của ông ta: “Gà mái đẻ mỗi lần một trứng, cả làng nghe nó cục tác, con rùa đẻ một lần cả trăm trứng, không nghe một tiếng ồn nào." Nói cách khác, PAP đem lại rất nhiều lợi ích cho công nhân nhưng không bao giờ khoe khoang điều đó. Lý luận này được đám đông tán thưởng nhiệt liệt. Đó là thời kỳ chưa có vô tuyến truyền hình nên một giọng nói tốt, một tác phong mạnh mẽ, lôi cuốn là những lợi thế rõ rệt.

Yaacob có xuất thân nghèo khó. Sinh ra ở miền bắc Malaysia và học trong một trường của giáo hội địa phương, ông ta từng lái xe tải cho Quân đội quốc gia Ấn trong chiến tranh, và khi đến Singapore vào đầu thập niên 1950, ông ta làm nghề hớt tóc dạo trước khi trở thành một người dạy giáo lý. Ông ta đã gia nhập API, một đảng quốc gia Malay rất cấp tiến, rồi đổi sang UMNO vào năm 1954, rồi thấy đảng này quá bảo thủ và thiếu công bằng nên ông gia nhập PAP vào năm 1957. Sau này, tôi sẽ cử ông ta làm thư ký quốc hội, rồi Bộ trưởng Ngoại giao. Ông ta là một tài sản quý giá đối với người Malay. Bước thăng tiến của ông từ bậc thang thấp nhất đã thành một đặc điểm trong những thời kỳ cách mạng đó. Trật tự cũ đã không còn đứng vững nữa, xã hội đang trong một tình trạng biến đổi, và rất nhiều người ít học từ giới lao động đã có cơ hội ngoi lên đỉnh cao chỉ nhờ vào khả năng, nhiệt tình và may mắn.

Phần lớn dân chúng còn nghèo, nhiều người phải sống trong các khu ổ chuột, và vì là đảng của giai cấp công nhân, chúng tôi ít nhận được tiền của ủng hộ từ những người giàu nên buộc phải vận động tranh cử mà không có nguồn tài chính gì. Nhưng chúng tôi có thể trông cậy vào sự ủng hộ tận tình của những người tình nguyện. Các ứng viên phải tự lo chi phí vận động tranh cử của họ, PAP chỉ cung cấp những bích chương và tuyên ngôn in giống nhau, chỉ thay đổi hình chụp cho mỗi ứng viên và những dòng tiểu sử của họ. Chúng tôi mướn những xe tải lớn, xe tải nhỏ và xe thùng để dùng làm diễn đàn trong các cuộc mít–tinh, đậu hai chiếc kế nhau trong những cuộc mít–tinh lớn, thường những xe này được những ủng hộ viên trong ngành vận tải cho mượn miễn phí. Có thể họ trông chờ nhận được lợi lộc trong tương lai, nhưng nhiều người trong số này vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong các kỳ bầu cử sau, khi chúng tôi đã nắm quyền và chẳng đem lại cho họ một ưu đãi gì. Ban đêm, chúng tôi câu điện từ những cửa hàng quen biết để thắp sắng diễn đàn, và tuy rằng chúng tôi phải mướn loa phóng thanh nhưng tiệm cho mướn lại có thợ điện tới giúp kéo dây qua những ngọn cây và những trụ điện (đôi khi những đường dây thế này tạo ra tiếng hú inh tai ngay khi chúng tôi đang đọc diễn văn.)

Đi vận động bầu cử nghĩa là đi tới mọi xó xỉnh mà bình thường giới trung lưu Anh học chẳng bao giờ đặt chân tới. Mùi rác rưởi, những con chuột cống và chó mèo hoang lở lói, những đường mương đầy rác của những gánh hàng rong trong những phố Tàu là điều tôi nhớ được về khu Tanjong Pagar trong những năm 1950. Ban đêm, những người bán hàng rong chẳng biết từ đâu đã tập họp quanh chỗ chúng tôi tổ chức mít–tinh để mong bán được hàng. Ở phía ngoài đám đông sẽ có rất nhiều trẻ con, khiến chúng tôi nhớ lại tỷ lệ tăng dân số 4 % của đảo này, chúng đến để coi chơi, có đứa đi cùng cha mẹ, có đứa đi một mình. Tại những khu nông thôn như Punggol, Sembawang và Yio Chu Kang, mùi kinh khủng của phân heo không thể nào quên được và thật dễ nhận ra vào năm 1976 khi tôi đi ngang qua miền nông thôn Trung Quốc.

Đó là một cuộc vận động vất vả, gian nan. Trong một tối tôi có thể đọc ba bốn bài diễn văn, lái xe từ khu vực này đến khu vực khác, tại các cuộc mít–tinh bắt đầu từ lúc 7 giờ tối và phải kết thúc lúc 10 giờ. May thay tôi đã bỏ được thuốc lá và không hề bị mất giọng, nhưng vào một đêm thời tiết nóng ẩm, tôi ướt đẫm mồ hôi khi phải nói bằng hai, thậm chí ba thứ tiếng – Malay, Quan thoại và tiếng Anh. Khi người ta tụ tập đông, nồng nhiệt và có đáp ứng, tôi có thể nói lố 30 phút dành cho mình, và luôn luôn phải phát biểu sau cùng vì đám đông thường tan dần khi diễn giả chính kết thúc. Choo thường chuẩn bị sơ mi và áo lót cho tôi thay sau mỗi bài diễn văn. Hiện nay tôi đi lại một cách đường hoàng vì từ khi chúng tôi quyết định tranh cử để giành chiến thắng vào tháng 2/1959, Choo đã mua một chiếc Mercedes Benz 220 để thay cho chiếc Studebaker cũ kỹ. Cô muốn mọi người thấy chúng tôi đi xe đó để ai cũng rõ là tôi có thể sắm nổi Mercedes mà không cần phải làm đến thủ tướng, và cô còn đi cùng tôi đến các buổi mít–tinh, đôi khi còn tự tay lái xe đưa tôi đi.

Những cuộc mít–tinh vận động thật là đáng nản lòng cho các ứng viên của SPA và đảng Xã hội Tự do. Họ thu hút được rất ít quần chúng và không tổ chức nổi những buổi mít–tinh lớn. Giới Anh học thì đương nhiên không có mặt, họ không phải loại người đứng ngoài phố để nghe những bài diễn văn. Những công nhân nói tiếng Hoa thì dù sao cũng suốt ngày ở ngoài đường vì nhà cửa của họ thiếu tiện nghi, có khi đó chỉ là những căn buồng nóng bức và ngột ngạt. Với họ, những buổi mít–tinh ngoài trời của chúng tôi, với những bài diễn văn bằng tiếng Quan thoại hay các phương ngữ khác là trò giải trí miễn phí và là dấu hiệu cho những chuyện hấp dẫn sắp xảy ra.

Những buổi mít–tinh lớn ấy là những dịp náo nhiệt đa dạng. Các kỳ bầu cử làm lộ ra các thói quen và tập tục văn hóa của các chủng tộc khác nhau. Người Hoa bày tỏ sự ủng hộ bằng những biểu ngữ gồm bốn hay tám chữ Hán gắn trên băng vải lụa. Một biểu ngữ có thể dài đến ba bốn thước và cần đến nhiều người cùng lên diễn đàn và trương lên cho công chúng xem. Sau khi ứng viên nhận biểu ngữ đó với động tác cúi đầu tạ ơn, thường sẽ có tiết mục chụp hình kỷ niệm. Một ứng viên được ưa chuộng có thể nhận được từ 50 đến 100 biểu ngữ chữ Hán như vậy, và khi treo chúng lên cùng những dây đèn màu, cuộc mít–tinh liền có ngay một không khí lễ hội. Mỗi biểu ngữ sẽ có tên của người tặng, có thể đó là tên một bang hội hay nghiệp đoàn ủng hộ hết mình cho ứng cử viên nào đó và như thế lôi cuốn mọi thành viên của họ vào hoạt động để giúp ứng viên ấy thắng cử.

Người Ấn thì đem đến những vòng hoa tươi, thường là hoa đại trắng hay cúc vạn thọ kèm những giải băng kim tuyến màu vàng hoặc bạc, có khi cả tràng hoa nặng cả ký lô. Có những dịp, hết cử tri này đến cử tri khác lên quàng cho tôi từ 6 tới 12 vòng hoa như thế vào cổ cho đến khi đầu tôi ngập trong hoa và cần cổ tôi tê cứng vì mang nặng. Cũng may là tôi không bị dị ứng với những loại hoa đó. (Tuy nhiên, những điều tệ hơn có thể xảy ra. Rajiv Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ, bị ám sát trong một buổi mít–tinh tranh cử như thế bởi một phụ nữ tiến đến gần, không phải để quàng hoa cho ông mà để kích nổ một trái bom bà ta mang trong người.)

Người Malay thì đem tặng những tanjak, một kiểu khăn trùm đầu bằng lụa có đan chen chỉ màu vàng hoặc bạc mà các vị chức sắc dùng trong những dịp nghi lễ long trọng. Những tấm khăn ấy thường đắt tiền và hiếm khi được trao tặng.

Trong một lần phát biểu với khoảng 2.000 công nhân trong một khoảng sân rộng ngay phía ngoài khu căn cứ hải quân Sembawang vào ngày 17/5, tôi đã nhấn mạnh rằng họ không cần phải lo lắng về công ăn việc làm của họ một khi chúng tôi nắm quyền. Chúng tôi không hề tìm kiếm một nền độc lập riêng biệt cho Singapore, và do đó đã đồng ý rằng người Anh vẫn giữ được quyền kiểm soát các căn cứ quân sự của họ cho đến khi chúng tôi sáp nhập vào Liên bang Malaysia. Điều này làm an lòng khoảng 45.000 công nhân dân sự làm việc cho quân đội, nhiều người trong số đó đã từ Ấn Độ theo chân quân đội Anh qua đây và có quyền bầu cử vì họ là công dân Anh.

Trong một cuộc mít–tinh vào buổi trưa ở cảng Clifford, tôi đã giải thích lý do chúng tôi duy trì pháp lệnh PPSO nếu chúng tôi nắm quyền, và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu thực sự bây giờ sẽ xảy ra giữa PAP và MCP. Tôi kể lại việc Marshall đã dao động lập trường thế nào, bị đẩy từ quan điểm này sang quan điểm khác ra sao, và đã thoái lui khi đối diện các cuộc biểu tình của phái tả như thế nào, và chuyện Lim Yew Hock, ngược lại, đã sử dụng bạo lực ra sao cho đến khi người Anh và lực lượng trực thăng của họ kiểm soát được tình hình. Tôi nói thẳng thừng: “Chính phủ PAP sẽ không vướng vào cả hai kiểu sai lầm ấy. Chúng tôi sẽ không để bị khủng bố hay đe dọa, và cũng không sử dụng sự đàn áp như một phương tiện của chính quyền. Chúng tôi sẽ điều hành đất nước với thiện chí và ủng hộ của dân chúng, một cách kiên quyết, khôn ngoan và công bằng.” Tôi muốn tránh mọi lời buộc tội là đã thắng cử bằng những hứa hẹn giả trá.

Goode đã giữ liên lạc với tôi sau hội nghị về hiến pháp tại London hồi tháng 5/1958, và về các vấn đề liên quan tới chính phủ tương lai, ông luôn cho tôi cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình. Chẳng hạn, ông ta đã hỏi ý kiến của tôi về việc chọn John Wyatt làm chánh án Tối cao pháp viện cho đến khi hoàn tất cuộc bầu cử khi thủ tướng mới có thể bổ nhiệm người khác. Người Anh không muốn phải đưa ra một quyết định bổ nhiệm rồi sau đó lại hủy bỏ hay thay đổi. Tôi không phản đối quyết định nào của họ. Thư ký của ông ta là Pamela Hickley có thể gọi điện cho Choo tại văn phòng Lee & Lee và hỏi tôi có thể đến gặp thống đốc được không, thường là vào giờ uống trà buổi chiều. Tôi thường đến gặp ông ta tại khu văn phòng của Dinh chính phủ ở tầng 2 (nơi tôi làm việc kể từ 1971). Chúng tôi sẽ nói chuyện khoảng một giờ bên tách trà, với bình trà bạc và thứ trà Anh pha với sữa và đường. Những cuộc gặp ấy vẫn tiếp tục ngay trong thời gian vận động tranh cử, khi đó có lần ông ta đùa cợt về việc chấm dứt ủng hộ Lim Yew Hock và những người khác cứ như tước những cây kẹo khỏi tay một đứa trẻ. Tôi đã cảnh giác ông ta khi chiến dịch tranh cử đang gay gắt dần rằng chúng tôi không thể không trung thành với những tuyên bố về chính sách trong “Những nhiệm vụ trước mắt” được. Quan điểm chính trị đang được vạch ra và chúng tôi phải tiếp tục theo đuổi nó. Tôi bảo đảm với ông ta rằng chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với chương trình của mình.

Ngày đầu phiếu, thứ bảy 30/5/1959, thì yên tĩnh và trật tự trái hẳn với kỳ bầu cử tháng 4/1955. Theo những điều luật mới mà tôi đã thuyết phục Lim Yew Hock thông qua, đi bầu là bắt buộc, việc dùng xe hơi chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu là phi pháp, không có trò vận động hay cho thành viên của đảng đeo biểu tượng đảng xuất hiện gần các địa điểm đầu phiếu, nên đã không có những trò gây ảnh hưởng, áp lực, mua chuộc hay đút lót nữa. Cuộc đầu phiếu chấm dứt lúc 8 giờ tối, việc kiểm phiếu bắt đầu tại bảy trung tâm từ 9 giờ tốì và kết thúc lúc 2 giờ 45 sáng.

Chúng tôi chiếm được 43 trong số 51 ghế tranh cử, với 53,4 % tổng số phiếu của 90 % cử tri tham gia bầu cử. SPA giành được 4 ghế, UMNO 3 ghế và một ghế cho ứng viên độc lập (A.P. Rajah). Lim Yew Hock thắng cử tại Cairnhill (đánh bạiMarshall) và Hamid Jumat thắng tại Geylang Serai. Tôi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Phán quyết của dân chúng rất rõ ràng và dứt khoát. Đó là chiến thắng của cái đúng đối với cái sai, trong sạch đối với thối nát và chân chính đối với tà ác.” Ứng viên có số phiếu cao nhất là Ong Eng Guan, cựu thị trưởng. Cử tri ở đơn vị Hong Lim của ông ta trong khu phố Tàu đã tán đồng những biện pháp thái quá của ông ta và sự ủng hộ này chỉ làm tăng thêm lòng tự phụ ở ông ta mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3