Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 26 phần 1

26

HIỂU ĐƯỢC TUNKU

Tunku từ chuyến đi London trở về trong trạng thái vui tươi. Ông ta đang mở rộng lãnh thổ. Ông ta sẽ sáp nhập Singapore theo những điều khoản cho phép ông ta duy trì được đa số người Malay và quyền thống trị Malay mà ông đã thành lập trong Liên bang. Ông đã vượt qua nỗi sợ thâm căn cố đế về việc phải thu nhận nhiều người Hoa hơn.

Vào giữa tháng 12, tôi lưu lại Kuala Lumpur 4 ngày, lần này tôi ở tại tư dinh của ông ta. Tôi đi một mình thực hiện cuộc đối thoại tay đôi – không có viên chức nào, không có Bộ trưởng nào, không có ai ghi chép. Đó là cách Tunku cảm thấy thoải mái nhất bởi vì ông luôn luôn ưa thích sự mềm dẻo khi thực hiện các thỏa ước với đối tác. Sau các cuộc thảo luận, tôi tuyên bố với báo chí rằng ông ta muốn thành lập Malaysia vào tháng 8/1962 để ngày kỷ niệm sẽ rơi vào một ngày thuận lợi. Số 8 là số hên của ông ta vì thế ông chọn ngày 31/8 là ngày Độc lập. Tháng 8 là tháng thứ tám[27], còn 31 là 3 cộng 1, nghĩa là 4, hay một nửa của 8, Tunku giải thích như thế.

[27] Tiếng Anh không dùng thứ tự để biểu thị thứ, tháng như tiếng Việt mà có tên riêng cho từng ngày trong tuần và từng tháng. Tháng 8 là August chứ không phải “Tám”. Do đó mới có một câu khó hiểu như “Tháng 8 là tháng thứ tám”.

Sau này, từ người bạn cũ của ông thời sinh viên ở Cambridge, Tiến sĩ Chua Sin Kah, tôi biết rằng ông thích tôi lưu trú tại tư dinh bởi vì ông ta muốn biết tôi là loại người như thế nào, cùng với các thói quen và tính cách. Và ông ta đi đến kết luận là tôi “chẳng phải là gã tồi”. Tôi hát trong phòng tắm và ông ta tán thưởng những bài tôi hát như bài Burung Kakaktua của Indonesia lúc ấy là một bài hát rất được ưa thích. Tôi chơi gôn và xì phé. Tôi uống bia và rượu mạnh. Hennessy là loại rượu ưa thích của Tunku. Ông ta xác định tôi không phải là một tên cộng sản nguy hiểm. Thực ra tôi rất có tính người và là một người bạn đồng hành dễ mến – trẻ trung, khá là thông minh đối với những sở thích của ông nhưng lúc nào cũng đầy những ý kiến không phải là không hay. Tôi hòa hợp được với ông. Một thuận lợi lớn là tôi có thể nói tiếng Malay, và tôi hoàn toàn thoải mái khi nói chuyện với vợ ông, bà Puan Sharifah Rodziah, một phụ nữ Malay lai Ả Rập thường được gọi trìu mến là Engku Pah cũng xuất thân từ Kedah, bang quê hương của Tunku. Để thêm ấn tượng rằng tôi có thành phần xuất thân hoàn chỉnh, Choo cũng nói giỏi tiếng Malay. Điều này chứng minh với ông ta rằng trong tâm hồn chúng tôi là người Malay, không phải là những người Hoa có óc dân tộc hẹp hòi.

Để đàm phán với Tunku cần phải có một tính khí đặc biệt. Ông ta không thích ngồi tham gia đàm phán trực diện sau khi đọc xong hồ sơ của mình. Ông ta thích dành những chi tiết tẻ nhạt cho Razak, người phụ tá của mình – một nhân vật có năng lực, chăm chỉ và tỉ mỉ – và tự giới hạn mình trong việc ra những quyết định lớn, thu xếp chiều hướng của các diễn biến. Lúc nào chúng tôi và những viên chức Malay gặp bế tắc về vấn đề nào đó và không thể nhờ tới vị Bộ trưởng có liên quan hay Razak giải quyết bế tắc ấy, tôi phải đến Tunku. Điều này có nghĩa là phải đưa vấn đề này vào giữa các cuộc nói chuyện dài lê thê, không mục đích về tình hình thế giới, giữa các cuộc tán gẫu và những bữa cơm trưa, mà ông ta thường đích thân nấu món cừu quay hay thịt bò quay – ông thích nấu ăn và nấu ăn rất ngon. Sau bữa trưa, ông luôn luôn ngủ một giấc, còn tôi thì ra Câu lạc bộ Gôn Royal Selangor tập dượt vài đường trong khi đợi ông ta thức dậy. Khoảng 4 giờ 30 chúng tôi chơi gôn và giữa các buổi chơi ấy hay trước giờ cơm chiều khi ông ta đang ở trong trạng thái thích hợp, tôi sẽ đưa vấn đề ấy ra. Bằng cách này, một vấn đề có thể cần đến 4 ngày ăn, uống rượu, chơi gôn, tháp tùng ông ta đi dự tiệc hoặc đi ăn cưới. Trong vài trường hợp, tôi cùng ông ta đi Penang, Ipoh hay cao nguyên Cameron để đợi lúc thích hợp.

Ông ta tính tình trầm tĩnh, gần như luôn luôn bình thản, và lặng lẽ. Nhưng ông có thể sẽ trở nên khá sôi động khi cảm thấy nguy hiểm. Ông ta bảo tôi rằng ông không bao giờ cho phép ai đẩy ông ta đến một quyết định bởi vì khi ông không bình tĩnh và thoải mái, ông có thể phạm sai lầm. Nếu bị thúc ép, ông ta sẽ hoãn quyết định. Nhưng chẳng bao lâu tôi biết rằng trước kia ông ta đã làm thế, rồi không bao giờ nhìn lại.

Các viên cao ủy làm việc giỏi ở Kuala Lumpur là những người ý thức được điều này, nhất là Tom Critchley của Úc và Geofroy Tory của Anh. Họ chiều ý ông, chơi gôn và xì phé với ông. Critchley có thể thua vài trăm đô ở các cuộc chơi xì phé trong mấy tháng – một số tiền không lớn, nhưng cũng không phải nhỏ. Tunku thích thắng hay nói đúng hơn là không thích thua. Đó là một phần của nền giáo dục hoàng gia của ông. Tôi không phiền hà gì điều đó bởi vì mục đích của tôi là làm rõ được những điểm trong thỏa ước, nhưng tôi đã tước đi của ông cái cảm giác thỏa mãn do chiến thắng mang lại vì đầu óc tôi không chú ý đến ván bài. Có một lần khi tôi đã thua vài trăm đô sau khi nhận cú điện thoại thứ ba từ Singapore, ông ta nói: “Kuan Yew, hãy chú ý đến việc chơi bài. Tôi không thích ăn anh khi đầu óc anh không tập trung. Công việc có thể đợi đến sáng mai”. Tôi cười và nhớ đến các cuộc đàm phán ở London năm 1956 và Lennox–Boyd viết trả lời một bức điện trong khi đang nghe David Marshall nói chuyện. Tôi nói: “Tunku, khi tôi đến nghe điện thoại, tôi biết rằng ông tố 15 đôla, tôi nghi ông có ba con già mà tôi lại không có bài để theo, vì thế tôi phải chạy”. Ông ta không chịu lý lẽ đó. Ông ta chỉ muốn thắng sau khi tôi đã cố gắng hết mức.

Các bạn của ông cũng chiều ông. Khi con ngựa của ông thua trong một cuộc đua, một người trong nhóm thường móc từ trong túi ra mấy chiếc vé và nói: “Tunku, tôi mua mấy vé này cho ông. Tôi biết ông không đánh cá con ngựa này khi ngựa của ông đang chạy, nhưng tôi biết nó sẽ thắng, vì vậy tôi mua cho ông.” Tunku thường thắng cá ngựa vài trăm đôla khi ra về mặc dầu ngựa ông thua. Điều đó làm ông ta rất vui.

Ông ta cũng là con người dễ thương. Nhưng là một ông hoàng, ông hiểu rõ quyền lực và biết cách sử dụng nó. Ông ta không có vẻ hùng hổ đe dọa, nhưng có nhiều tay chân để thực hiện công việc giùm ông trong khi ông ngó lơ và giữ vẻ hiền từ như mọi khi. Nếu ông ta không tin ai, ông ta sẽ chấm dứt mối quan hệ với người đó. Nếu ông ta tin anh và anh không để ông ta mất niềm tin thì, theo truyền thống hoàng gia, ông luôn tìm cách giúp đỡ, như ông đã làm với Lim Yew Hock. Khi Lim rời chức vụ, ông cử Lim làm cao ủy tại Úc. Lúc Lim tự làm mất tư cách ở Úc khi ở lì trong hộp đêm thoát y vũ trong mấy ngày làm cho cảnh sát phải đi tìm rồi phải từ chức thì Tunku tìm cho ông một việc khác trong tổ chức Hồi giáo ở Jeddah (Lim đã đổi theo đạo Hồi). Đó là cách ông giúp bạn bè trong cơn hoạn nạn.

Và may mắn thay ông ta đã có thiện cảm với vị trí đầy nguy hiểm của tôi ở Singapore. Những người đối lập tấn công chúng tôi không ngừng. Chúng tôi gặp xung đột chủ thợ quanh năm mặc dầu không có bạo loạn hoặc xung đột giữa cảnh sát và công nhân. Vào ngày 11/1/1962, nhóm đối lập ở Dewan Rakyat, Hạ viện ở Kuala Lumpur, đặt ra cho Tunku một vấn đề gai góc là liệu cái gì sẽ xảy ra sau khi hợp nhất bởi vì các lãnh đạo nghiệp đoàn Singapore, khác với những lãnh đạo nghiệp đoàn ở Malaysia, dường như “phát triển trong hỗn loạn”. Tunku trả lời rằng trong một tháng Singapore có nhiều cuộc đình công hơn ở Malaysia trong 3 năm, nhưng ông ta sẽ cố gắng giảm số lượng các cuộc đình công và tăng hạnh phúc cho người dân ở đó, rồi cười và nói: "Tôi không biết chúng ta sẽ thực hiện điều đó như thế nào nhưng Bộ trưởng phụ trách an ninh nội chính của chúng ta nói ông ta sẽ làm được điều đó. Toàn thể quốc gia này đồng ý với ông.”

Đây là con dao hai lưỡi. Nó có ích khi cho những người do dự ở Singapore thấy rằng Tunku tin tưởng sự hợp nhất đang đến gần và rằng sau hợp nhất ông ta sẽ giải quyết vấn đề cộng sản thông qua Ismail, nhưng nó cũng có hại vì nó thúc đẩy Barisan hành động trong tuyệt vọng để ngăn chặn hợp nhất. Tuy nhiên, Barisan không quay trở lại bạo động. Nó đặt hy vọng sẽ làm cho cử tri người Hoa bỏ phiếu chống lại hợp nhất dưới bất kỳ hình thức nào bằng cách khiến họ sợ hãi về viễn cảnh thân phận “công dân hạng hai”.

Để đối phó với vấn đề này, các nhà lãnh đạo truyền thống của cộng đồng nói tiếng Hoa (kể cả những lãnh đạo của Phòng Thương mại Hoa kiều) đề nghị tôi nói chuyện với các thành viên của mình. Tôi đồng ý và vào ngày 13/1 tôi gặp gỡ hơn một nghìn đại biểu đại diện cho các bang, hội đoàn tại thính đường Victoria Memorial. Chủ tọa buổi gặp gỡ này là chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều ở Singapore, một doanh nhân ngành cao su thành công, năm mươi mốt tuổi, tên là Ko Teck Kin là một người e ngại cộng sản. Ông ta đầu tư ở Malaysia là nơi trồng nhiều cao su và sẽ không ngả theo cộng sản. Sau này khi tôi biết rõ ông nhiều hơn, tôi thấy ông là một người có đầu óc và quan tâm sâu sắc đến cộng đồng người Hoa ở Singapore mà ông cảm thấy rằng nhiệm vụ của ông là bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tôi mất đến ba tiếng để trả lời các câu hỏi. Thính giả không thù nghịch. Đa số là các doanh nhân thực tế. Những người cộng sản không thể chiếm số đông và cũng không thể chế ngự được cuộc họp này. Một số câu trả lời của tôi gây được cho đám đông những trận cười. Và khi tôi đúc kết buổi họp bằng câu chuyện kể về lịch sử phát triển của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á và các bang người Hoa đã đóng vai trò then chốt như thế nào đối với sự thịnh vượng của di dân người Hoa, họ đã hưởng ứng nồng nhiệt và tôi ngồi xuống vỗ tay.

Như dự kiến, câu hỏi đầu tiên là vấn đề quyền công dân. Điều này thật tự nhiên. Khi một thành viên chủ chốt của phòng Thương mại nhắc thính giả nhớ lại rằng họ đã chiến đấu gian khổ để giành được quyền công dân Singapore, quyền đa ngôn ngữ và đối xử bình đẳng đối với mọi nguồn giáo dục. Vì vậy họ lo âu muốn biết việc hợp nhất sẽ ảnh hưởng đến những điều này như thế nào. Tôi nói với họ rằng nếu chúng ta tìm kiếm một sự hợp nhất hoàn toàn như Barisan đề nghị, thì khoảng 330.000 công dân Singapore sẽ mất tất cả các quyền công dân. Nhưng Lam Tian, địch thủ cũ của tôi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1955, sau đó lại quay sang hỏi về các phương án của chúng tôi. Tại sao tất cả 600.000 công dân Singapore không thể hưởng những quyền giống nhau sau khi gia nhập Malaysia theo những điều kiện mà chúng ta đã thỏa thuận với Tunku? Tôi giải thích rằng quyền của tất cả các cư dân Malaysia, dù là công dân Singapore hay công dân liên bang, sẽ giống nhau, ngoại trừ công dân Singapore sẽ bầu tại Singapore chọn các đại diện của mình tại nghị viện liên bang, và công dân liên bang sẽ bầu ở Liên bang. (Thực ra mục tiêu của Tunku là muốn loại các công dân Singapore ra khỏi các cuộc bầu cử ở những nơi khác thuộc Malaysia.) Nhưng vấn đề đeo đẳng trong đầu óc cộng đồng người nói tiếng Hoa vẫn còn đó – nếu không có khác biệt nào giữa họ, thì tại sao Tunku không đồng ý sử dụng cùng từ “công dân” thay vì từ “cư dân”?

Sự phân biệt này cũng là vấn đề của tôi, và công việc của tôi cũng không dễ dàng gì hơn khi cuộc họp lần thứ ba của Ủy ban Tư vấn Đoàn kết Malaysia phát ra một tuyên bố mấy ngày trước đó nói rằng những người bản địa tại các lãnh thổ Borneo cùng chia sẻ vị trí đặc biệt với người Malay trong Liên bang, và như thế họ sẽ tự động trở thành “công dân sáng lập” của Malaysia theo luật. Điều này nhấn mạnh đến địa vị ưu việt của “công dân” so với “cư dân” ở Singapore.

Khi tôi gặp Ngài John Martin, một Thứ trưởng thường trực khác ở Vụ thuộc địa, cùng với Ian Wallace và Philip Moore ở Sri Temasek ngày 16/1/1962 để thảo luận về vấn đề Malaysia, họ nghĩ rằng dư luận ở Bắc Borneo trái ngược với sự khẳng định của Ủy ban Tư vấn Đoàn kết Malaysia. Martin và Wallace đã đến Borneo và thấy hầu như tất cả mọi phe phái đều do dự. Những người dân mộc mạc sống ở thượng nguồn ít biết đến những hàm ý sâu xa và cần thời gian để suy nghĩ về điều đó. Người Hoa không tin cậy vì họ biết chính sách của chính phủ Malaysia là kiềm chế họ. Ở Brunei, Azahari, lãnh đạo của Partai Rakyat, người được giới trẻ Malay ủng hộ mạnh mẽ, cương quyết chống đối sự gia nhập Malaysia và kêu gọi thành lập một liên bang độc lập cho ba lãnh thổ Borneo. Quốc vương Brunei muốn biết ông ta có lợi gì trong liên bang hay không và phải được bảo đảm rằng ông ta có thể có được những điều khoản đặc biệt trong cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ Malaysia.

Tôi nói rằng không nên coi sự do dự của những người tin cậy nơi họ là vấn đề nghiêm trọng. Những người lãnh đạo ở các lãnh thổ Borneo tôn trọng cấp có thẩm quyền. Một khi họ thấy Tunku là nguồn quyền lực cao nhất ở Liên bang, họ sẽ thích ứng với điều đó. Điều quan trọng là người Anh nên tăng cường sự lãnh đạo và làm cho họ hiểu rằng việc Anh ủng hộ Malaysia là vững chắc và ổn định.

Martin kết luận rằng dân Borneo sẽ chấp nhận kế hoạch này miễn là Tunku đủ khôn ngoan để bảo đảm cho họ sự bảo vệ hợp lý, nhưng cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn để bảo đảm rằng chính quyền này không sụp đổ sau khi bàn giao chủ quyền. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải tiếp tục cái đà này. Tunku muốn thành lập Malaysia vào tháng 8. Tôi muốn hoàn tất việc hợp nhất càng sớm càng tốt và muốn trải rộng mối đe dọa của cộng sản trong một dân số đông hơn ở Malaysia.

Tôi bảo họ rằng chúng ta phải nhanh lên. Barisan đã phạm phải sai lầm chiến thuật khi họ tự tuyên bố ủng hộ hợp nhất hoàn toàn, và một khi nhận ra mình không thắng được thì họ có thể quyết định phát động một cuộc gây rối rộng khắp hơn là chấp nhận Malaysia và việc họ bị đẩy ra khỏi chính trường. Có thể họ muốn chiến đấu.

Khả năng gây rối của Barisan không giảm. Vì vậy tôi sốt ruột muốn cho tiến hành mọi chuyện, và sự thiếu kiên nhẫn và tính khí rất khác lạ của tôi làm cho Tunku giận, tôi vẫn chưa đủ nhạy bén để ý thức rằng một khi ông ta quyết định đưa Singapore vào Liên bang, thái độ của ông đối với tôi cũng có một sự thay đổi tinh tế. Ông là hoàng tử của hoàng tộc Kedah. Sự tuân theo phẩm trật là một phần bản chất của ông. Đến chừng nào Singapore còn nằm ngoài lãnh địa của ông thì ông vẫn coi tôi như là nhà lãnh đạo của một quốc gia láng giềng thân thiện, một nhà lãnh đạo nhỏ bé hơn mà ông ta sẵn lòng để tiếp đãi lịch sự. Nhưng bây giờ tôi sắp là một phần trong Liên bang của ông ta, và ông ta đã quen với các cận thần và hầu cận quanh mình, những đệ tử trung thành và khúm núm. Lim Yew Hock là một người trong số đó và tôi đã không tử tế với Lim khi ông ta đưa ra trước Hội đồng lập pháp một kiến nghị vào tháng 3 để biểu lộ sự quan tâm nghiêm túc đến tình hình bất ổn ngày càng gia tăng ở Singapore. Trong cuộc tranh luận sau đó, tôi đã đánh bại ông ta, chỉ ra sự khác biệt giữa việc ông ta giải quyết các cuộc tranh chấp lao động năm 1955–1956 và cách mà chúng tôi đang giải quyết điều đó hiện nay.

Thứ đến Keng Swee gây giận dữ bằng cách tuyên bố rằng chính quyền Singapore sẽ trả lương ngang nhau ngay lập tức cho cả nam lẫn nữ công chức. Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính của chính quyền liên bang hết sức khó chịu và lan sự khó chịu đó sang Tunku. Ông ta tin rằng sự thay đổi này sẽ có tác động về tài chính và xã hội đối với Malaysia, vì nữ nhân viên của họ cũng sẽ đòi trả lương ngang với nam giới.

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là lúc tôi nói với Tunku rằng tôi đang lên kế hoạch cho một chuyến viếng thăm Delhi, Cairo, Belgrade, London, Moscow và Bắc Kinh. Ông ta sợ hãi. Tôi đang đi trên con đường nguy hiểm, nhập bọn với kẻ thù. Tôi đã tạo ấn tượng rằng các lãnh tụ Nga và Trung Quốc là những nhân vật vĩ đại trong khi Malaysia cho rằng họ muốn phá hoại sự ổn định ở đây. Ông không hiểu rằng sau khi thăm các nuớc Nga và Trung Quốc và được họ đón tiếp, tôi sẽ có đủ tư cách để thuyết phục nhân dân rằng chế độ cộng sản không thích hợp cho Singapore và Malaysia. Đó không phải là giải pháp của Tunku. Tôi sắp trở thành một bộ phận trong kế hoạch của ông và ông ta không muốn bất kỳ ai chơi thân với kẻ thù. Ông ta cũng giận dữ vì tôi tranh luận với ông về vấn đề này, và cuối cùng tôi kết luận rằng không có lợi khi tranh luận với ông về vấn đề này.

Sự bực dọc này lộ ra. Vào ngày 25/3 tại Singapore, ông ta tấn công vào những phần tử cực đoan muốn biến hòn đảo này thành “Tiểu Trung Quốc”, chống đối hợp nhất và đã tách ra khỏi PAP để chống lại sự hợp nhất. Ông ta nói, nếu họ muốn gây hỗn loạn và đổ máu, tốt hơn là đừng hợp nhất gì cả, nhưng trong trường hợp này ông ta sẽ đóng cửa đường đê nối Malaysia và Singapore để giữ an toàn cho Malaysia. Mặt khác, ông nói, các nhóm cực đoan không có gì phải sợ sự hợp nhất cả nếu họ tôn trọng luật pháp và làm việc trong khuôn khổ hiến pháp liên bang – những phần tử cực đoan ở Malaysia vốn đã nhiều hơn ở Singapore rồi.

Đó là kiểu cách tiêu biểu của ông. Tại Hạ nghị viện ở Kuala Lumpur ông đã nói rằng Bộ trưởng An ninh nội chính sẽ giải quyết vấn đề cộng sản. Bây giờ ông nói nếu họ hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng rõ ràng là ông ta muốn giải quyết vấn đề các nhóm cực đoan này. Ông ta thường lập lờ như thế. Đó là kiểu Tunku biểu lộ tư tưởng của mình – không nhất thiết là hợp lý và chặt chẽ trong biểu hiện nhưng lại làm cho thính giả biết lập trường của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này, sự can thiệp của ông lại có ích nhiều hơn là trở ngại. Ông ta đã nhấn mạnh đến điểm yếu của Singapore và cương quyết thực hiện sự hợp nhất. Chỉ hai ngày sau, trong buổi tiệc do Ko Teck Kin chiêu đãi, ông tỏ rõ lập trường: “Một sự tan vỡ hoàn toàn giữa Singapore và Malaysia có nghĩa là sẽ có chiến tranh và đổ máu gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân”, ông nói, “Chiến tranh sẽ xảy ra nếu một Singapore bị cô lập tìm kiếm sự liên minh với các thế lực không thân thiện với Liên bang (có nghĩa là Trung Quốc).”

Selkirk báo cáo về London:

“Tôi cảm thấy rằng những lời phát biểu khá căng thẳng và đe dọa ấy sẽ gây nguy hại và sẽ làm tăng nhiệt độ bầu không khí chính trị ở Singapore ở một thời điểm chúng ta đang cố gắng đưa Singapore tiến tới sự hợp nhất một cách ôn hòa và tất yếu. Việc đe dọa đóng cửa đường đê và chiến tranh giữa Singapore và Liên bang là vô tác dụng và sẽ chỉ giúp cho đảng Barisan Sosialis kích động tình cảm sắc tộc chống lại người Malay thôi… Tuy nhiên có lẽ điều quan trọng hơn là biểu hiện của tình trạng lúng túng trong suy nghĩ của Tunku. Rõ ràng là ông ta đã bối rối và phật ý khi thấy rằng đề nghị của ông về một Malaysia không được cả Borneo và Singapore hân hoan chào đón, và phần nào ông ta hẳn đã hối tiếc cho toàn bộ kế hoạch này. Tuy nhiên, tôi tin rằng ông ta có ý định tiếp tục thực hiện ý đồ của mình và có lẽ cũng không cần phải lưu tâm lắm về những lời lẽ khá cực đoan trong các bài diễn văn của ông ta.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3