Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 36 phần 2

Tôi tuyên bố qua truyền thanh và truyền hình rằng đã triển khai các kế hoạch nhằm vãn hồi trật tự, và kiên quyết nhấn mạnh rằng các kế hoạch sẽ bao gồm cả việc bắt giữ những thành viên chủ chốt của các hội kín và đặt các hoạt động của những phần tử cực đoan ngoài vòng pháp luật. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng xúc tiến thành lập các ủy ban thiện chí tại tất cả các khu vực bầu cử, giúp các nhà lãnh đạo thuộc các cộng đồng Hoa, Malay, Ấn, Âu phục hồi lòng tin lẫn nhau và ngăn chặn những trò đồn đại. Tôi đi đến những khu bị thiệt hại nặng nề để cho thấy chính phủ Singapore đã có mặt, và cố gắng tạo cho mọi người ấn tượng rằng chúng tôi vẫn có thể làm được mọi chuyện và vãn hồi trật tự mặc dù chúng tôi không còn nắm cảnh sát và quân đội nữa. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy thất vọng vì đã không nắm được các công cụ của pháp luật và trật tự, và chẳng thể xử trí được những kẻ kỳ thị chủng tộc trắng trợn. Tuy nhiên, bằng sự tỉ mỉ và có phương pháp, chúng tôi đã thu thập dữ liệu có được để làm sáng tỏ chuyện họ đã khai thác có hệ thống các phương tiện truyền thông nhằm khơi dậy tình cảm chủng tộc của dân chúng thông qua những lời dối trá và xuyên tạc ác ý.

Sau đó, chính phủ đã cho công bố một giác thư vạch rõ những biến cố dẫn đến những vụ bạo loạn. Giác thư đó như sau:

“Giác thư này nhận định rằng, không giống như trước đây, chính các nhà lãnh đạo chính trị có uy thế và báo chí đã được phép công khai tuyên truyền chính trị và chủng tộc trong nhiều tháng liên tục. Những người làm tuyên truyền chủng tộc này không phải loại cuồng tín vô danh tiểu tốt, chẳng có mấy tài lực và phương tiện để truyền bá lời nói của mình… Lần này, những tay tuyên truyền chủng tộc hung hăng bao gồm cả những con người và những tờ báo có quan hệ mật thiết với chính quyền trung ương và với đảng cầm quyền tại Malaysia.”

Giác thư kết luận rằng không có lúc nào giới đương quyền tại Kuala Lumpur chịu kiềm chế những kẻ chuyên lao vào cuộc tuyên truyền kỳ thị chủng tộc mang tính kích động cả. Chẳng có ai chịu chặn nó lại, và chẳng có ai bị truy tố vì xúi giục nổi loạn cả, trong khi việc đó có thể làm rất dễ dàng. Bằng chứng có được đã cho thấy rõ rằng các vụ bạo động chẳng phải sự biểu hiện tự phát và vô cớ của những thù hằn giữa các chủng tộc. Mục đích của chiến dịch chủ yếu là để tái lập ảnh hưởng chính trị của UMNO nơi người Malay tại Singapore. Một mục tiêu thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa là dùng người Malay ở Singapore làm mồi cho việc củng cố sự ủng hộ UMNO của người Malay ngay tại Malaysia. Bằng cách đổ trách nhiệm về những vụ bạo loạn cho chính quyền của chúng tôi và mô tả nó là trò đàn áp người Malay tại Singapore, thủ phạm hy vọng sẽ khiến được dân chúng tại các vùng khác của liên bang cùng liên minh lại quanh UMNO để được bảo vệ.

Một tuần sau những vụ bạo loạn, Othman Wok, từng là phó tổng biên tập của tờ Utusan Melayu, được một phóng viên lão thành của Utusan ở Kuala Lumpur cho biết rằng vào 2 giờ chiều ngày 21/7 ông đã biết sẽ có điều gì đó xảy ra rồi. Othman hỏi: “Thế nhưng mãi tới 4 giờ chiều chuyện bạo loạn mới diễn ra, làm sao anh biết trước được?”

Tay phóng viên Utusan trả lời: “Chúng tôi đã biết trước, chúng tôi có nguồn tin riêng mà.”

Những người có trách nhiệm thì lại muốn dành trang nhất cho những tin tức hấp dẫn hơn.

Chin Chye kêu gọi phải có một ủy ban để điều tra lý do của vụ bạo động. Thế nhưng tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng liên bang Khir Johari lại nói chính quyền sẽ tiến hành một cuộc mổ xẻ phân tích về những chuyện lộn xộn đã xảy ra, chứ chẳng phải một cuộc điều tra. Họ không muốn để Albar và tờ Utusan bị tra xét. Điều đó không làm cho ai yên tâm được. Và bầu không khí giữa các cộng đồng cũng vậy. Điều quan trọng là không để dân chúng người Hoa bị đe dọa, bằng không những kẻ cực đoan và những nhân vật trong UMNO sẽ đạt được mục tiêu của họ là tạo ra một dân chúng dễ phục tùng và sợ hãi, và dễ uốn nắn khi bị đối xử như những công dân hạng hai. Tuy nhiên nhiều người Hoa đã cảm thấy sợ hãi vì sự phân biệt đối xử công khai của quân đội và cảnh sát Malay trong thời kỳ bạo loạn, và hậu quả của tình trạng bạo động vô lý này là khiến hai chủng tộc xa cách nhau hơn. Người Hoa cảm thấy bị ngược đãi và nhìn người láng giềng Malay của mình với sự lo sợ và nghi ngờ, trong khi những người Malay sống trong các khu có đông người Hoa thì lại sợ bị tấn công khi bạo loạn chủng tộc nổ ra. Các gia đình người Hoa sống lẻ loi trong các khu người Malay đã âm thầm dời đến sống cùng bà con của họ ở nơi khác, cho dù điều đó có nghĩa là họ phải bán rẻ nhà cửa. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra cho các gia đình người Malay tại những khu đa số người Hoa, họ phải sống tị nạn tại các trường học và các trung tâm cộng đồng dưới sự bảo vệ của cảnh sát.

Thật là một sự đau lòng khủng khiếp, một sự phủ định sạch tất cả những gì chúng ta đã tin tưởng và đã đấu tranh để giành lấy – đó là một sự hòa nhập từng bước và xóa đi sự chia rẽ chủng tộc. Khó có thể xóa tan hay dẹp bỏ được lòng nghi kị thâm căn cố đế một khi sự giết chóc phi lý bị khơi dậy, đơn giản chỉ vì diện mạo của nạn nhân, cho dù đó là người Hoa hay người Malay. Tại một trung tâm cộng đồng nông thôn mà tôi đã tới, một phụ nữ Malay độ 35 tuổi đầy kinh hoàng đã bấu lấy tay tôi khi kể lại chuyện một số người Hoa đã muốn cưỡng hiếp chị như thế nào, trong khi đó, một ông người Hoa đã đến đồn cảnh sát địa phương để kêu ca rằng cảnh sát Malay lạm dụng quyền hành và ra lệnh ông ta phải thủ dâm bởi có một số người Hoa đã cưỡng hiếp một phụ nữ Malay ở khu lân cận. Người ta đã làm những điều ngu xuẩn và dã man với nhau khi người ta cứ nhận diện kẻ thù qua chủng tộc, xem đó cứ như một thứ quân phục của phe địch.

Vào ngày 14/8, Thủ tướng Malaysia từ Mỹ về nước. Ông đã bật khóc khi nói về những vụ bạo loạn tại Singapore. “Tôi đã luôn yêu cầu là các nhà lãnh đạo phải cẩn thận trong khi phát biểu để tránh mọi điều qua tiếng lại. Nhưng có một số lại bất cẩn trong các bài diễn văn, dẫn đến những sự cố này,” ông nói. Điều ông nói nghe rất mơ hồ. Ai đã bất cẩn trong các bài phát biểu, Ja’afar Albar hay tôi? Tôi hy vọng ông muốn ám chỉ Albar, nhưng không có gì chắc chắn lắm. Ông đã để điều đó mơ hồ, đủ cho tờ Utusan tiếp tục chĩa mũi dùi vào tôi. Vẫn giữ vẻ cương quyết, tôi nói tôi tin rằng Thủ tướng sẽ trấn áp được những kẻ cực đoan tại Malaysia, tôi cũng hối thúc mọi người hãy giúp cho công việc của ông thêm dễ dàng, và nhấn mạnh rằng không có cách nào khác để đạt được sự hợp tác hòa bình giữa các cộng đồng.

Mấy ngày sau Thủ tướng Malaysia đến Singapore để tìm hiểu tình hình. Nói chuyện với người Malay tại Geylang Serai, ông cam đoan sẽ sớm có các kế hoạch để giúp họ “nâng cao địa vị kinh tế và xã hội”, ý ông muốn nói là giúp họ đạt mức sống ngang bằng với người Hoa và người Ấn. Tôi cũng có mặt và phát biểu rằng sự thành công của Malaysia đã dựa rất nhiều vào những quyền lợi và bổn phận pháp định. Điều đó tùy thuộc vào lòng trung thành và sự tin cậy, và tôi tin tưởng rằng Thủ tướng có thể giải quyết được các vấn đề đang đặt ra. Tôi đã bày tỏ với ông rằng tôi tin tưởng ông đang làm điều đúng đắn. Quyền lực giờ đây đang trong tay ông.

Ngày hôm sau, ông kết thúc chuyến viếng thăm bằng bài phát biểu trước hàng nghìn người tại trường St. Patrick thuộc vùng duyên hải phía đông, nơi có đủ các sắc dân Hoa, Âu Á, Ấn và Malay chịu ảnh hưởng giáo dục Anh. Ông kêu gọi mọi người Malay giúp ông giải tỏa bớt gánh nặng, kêu gọi sự hòa hợp để mọi chủng tộc đều có thể sống theo tập quán và tín ngưỡng của mình. Tôi đã hứa rằng chính phủ Singapore sẽ làm hết sức mình để giải quyết các vấn đề xã hội đã làm rối loạn các quan hệ cộng đồng. Khi về nước vào ngày hôm sau, ông nói ông đã về “trong sự nhẹ nhõm cả người”, trong khi tôi mạnh dạn nói về “một sự khởi đầu tan đi băng giá”.

Những vụ bạo loạn không chỉ giáng một đòn bất lợi cho Malaysia ngay trong nước. Trước khi xảy ra chuyện, dư luận quốc tế đang phát triển có lợi cho Malaysia. Thật sai lầm khi các nhà lãnh đạo UMNO cho phép Albar dàn dựng nên những xung đột chủng tộc tại Singapore và do dó giúp Sukarno có được lợi thế tuyên truyền – một bằng chứng cho thấy Malaysia là một thực thể thực dân kiểu mới với đầy những xung đột chủng tộc đe dọa sự thống nhất của liên bang. Đó là cái giá nặng nề mà chính phủ Malaysia phải trả để dạy cho PAP bài học về việc tham gia vào tuyển cử tại Malaysia và để giành lại thế đứng đã mất của người Malay trong cuộc tuyển cử Singapore năm 1963. Các nhà lãnh đạo UMNO biết những gì Albar đang làm khi đọc tờ Utusan Melayu, nhưng lại làm ngơ, để mặc cho ông ta lấn tới.

Các nhà ngoại giao, cả ở Singapore lẫn Kuala Lumpur, đều báo cáo về nước họ những gì đã diễn ra. Head nói với London rằng ông “không nghi ngờ gì về việc chính phần tử cực đoan của UMNO đã đóng vai trò đáng kể trong chuyện làm dấy lên những vụ bạo động chủng tộc tại Singapore.”

Cao ủy Anh tại Kuala Lumpur báo cáo:

“Các vụ bạo động có nguồn gốc chính trị hơn là tôn giáo, đã có một vụ tương tự xảy ra tại bang Penang trước đó một tuần nhưng không nghiêm trọng bằng. Mâu thuẫn chủng tộc trở nên gay gắt trong suốt mấy tháng qua do một chiến dịch tuyên truyền (chủ yếu do tờ báo tiếng Malay hàng đầu là Utusan Melayu tiến hành) chỉ trích chính phủ PAP tại Singapore là đã đối xử bất công với người Malay tại đó. Utusan Melayu thường hoạt động với tư cách cơ quan ngôn luận của UMNO, và đặc biệt là của tổng bí thư cực đoan Syed Ja’afar Albar. Việc mất các ghế đại biểu cho người Malay trong Hội đồng lập pháp Singapore vào tay của PAP hồi tháng 9 vừa qua quả là cay đắng, và sự bất mãn của UMNO tăng lên do việc PAP can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử Malaysia vào tháng 4 (mặc dù không thành công), và do những nỗ lực liên tục của PAP nhằm thiết lập một tổ chức quần chúng tại tất cả các thành phố lớn của Malaysia.”

Báo cáo của Ủy ban Tình báo hỗn hợp (Viễn đông) gửi cho Hội đồng Tham mưu Anh có đoạn: “Chiến dịch chống lại PAP do chi bộ UMNO tại Singapore tiến hành có sự hỗ trợ tích cực và công khai của ban lãnh đạo UMNO tại Kuala Lumpur.”

Tổng lãnh sự Mỹ tại Singapore, Arthur H. Rosen, trong bức điện gửi về Bộ Ngoại giao, đã nói rằng các vụ bạo loạn “có nguồn gốc chính trị” và là “kết quả đương nhiên” của “cả một thời kỳ dài kích động chính trị chống lại PAP, với những hàm ý rõ rệt về chủng tộc, do các nhà lãnh đạo UMNO tiến hành.”

Donald McCue, đại diện lâm thời của tòa đại sứ Mỹ tại Kuala Lumpur, đã chứng thực điều này trong báo cáo gửi về cho Bộ Ngoại giao:

“Dato Nik Daud (thư ký thường trực của Bộ Nội vụ) đã nói với tôi rằng Bộ của ông tin rằng các vụ bạo động tại Singapore là do những phần tử cực đoan Malay gây ra. Ông thừa nhận cuộc mít–tinh ngày 12/7 của Syed Ja’afar và các bài diễn văn ở Singapore đã làm nặng thêm mối bất hòa chủng tộc vốn dĩ đã có sẵn. Daud, một người Kelanta, là một người Malay hơn cả Malay. Nếu có bất cứ nghi vấn nào về trách nhiệm của các phần tử cực đoan trong những vụ bạo động tại Singapore, Daud sẽ cho họ trắng án vì không đủ bằng chứng.”

W.B. Pritchett, Phó Cao ủy của Úc tại Singapore, đã báo cáo về cho Canberra: “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng trách nhiệm về những vụ bạo động tại Singapore là hoàn toàn của UMNO khi các thành viên của họ tiến hành chiến dịch kỳ thị chủng tộc, hoặc là đã dung dưỡng chiến dịch đó.”

Bộ Ngoại vụ New Zealand kết luận:

“Sự thật rằng chính UMNO (và trên hết là các nhà lãnh đạo của UMNO) phải chịu trách nhiệm chính trong chuyện đổ vỡ mới đây, bởi việc họ đã dùng đến sự kích động tình cảm kỳ thị chủng tộc của người Malay. Chúng tôi thấy rằng Razak và các nhà lãnh đạo khác của UMNO đã không hành động ngay để kịp kiềm chế những quá quắt của các phần tử cực đoan như Ja’afar Albar và chúng tôi thậm chí còn hoang mang lúng túng trước phản ứng của chính quyền liên bang trước các vụ bạo động.”

Sukarno đã tiến hành một chương trình phát thanh xúi giục người Hoa ở Singapore không ủng hộ Malaysia. Thế rồi vào ngày 17/8, Jakarta cho đổ bộ 30 lính vũ trang vào bờ biển phía Tây Johor, đối diện với Sumatra, để gây rối. May thay, họ đã bị cô lập. Hai tuần sau đó, Indonesia gửi thêm 30 người nữa nhảy dù xuống từ hai chiếc máy bay. Phần lớn đều bị bắt, Jakarta đã tuyên bố rằng đó là những người Malay chiến đấu vì tự do và những người Indonesia tình nguyện. Thật ra, hầu hết họ đều là lính nhảy dù người Indonesia. Sukarno đã đi quá trớn. Malaysia đã đệ đơn kiện chính thức với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và nước Anh đã huy động hai hàng không mẫu hạm có tăng cường máy bay và tàu tiếp vận. Sukarno hứa sẽ chấm dứt những hoạt động như vậy.

Cũng trong ngày Indonesia cho người nhảy dù xuống, các cuộc đụng độ Malay – Hoa đã nổ ra tại Geylang. Một người phu xích lô bị giết và tài xế của một chiếc xe hơi bị tấn công. Bất kể lệnh giới nghiêm, bạo động vẫn diễn ra trong suốt ba ngày liền, với 13 người bị giết và 109 người bị thương. Một lần nữa, thiệt hại của người Malay hay người Hoa cũng ngang nhau. Lúc đó tôi đang ở Brussels dự lễ kỷ niệm 100 năm Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Chin Chye, Thủ tướng nhiệm quyền, nói rằng các mật viên Indonesia đã gây ra chuyện bạo loạn. Tình hình trở nên bấp bênh đến độ chỉ cần người Malay hăng lên hành hung một vài người Hoa thôi là cuộc trả đũa sẽ nổ ra liền.

Sau khi nổ ra vụ bạo loạn lần thứ hai, nội các Malaysia, trước áp lực ngày càng tăng của công chúng tại Singapore, đã ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra do thẩm phán E.A. Chua làm chủ tịch, để điều tra nguyên nhân của những rối loạn tại đây, cũng như những vụ trước đó tại Bukit Mertajam thuộc tỉnh Wellesley. Tuy nhiên chính phủ liên bang lại ra lệnh giữ kín nó trước công chúng và báo chí. Mãi đến ngày 20/4/1965, tức bảy tháng sau đó, ủy ban mới tiến hành các cuộc thẩm cung.

Trong diễn văn khai mạc, cố vấn chính phủ Malaysia nói rằng ông sẽ chứng tỏ hai vụ rối loạn trên đều là việc làm của các mật viên Indonesia tại Singapore. Ông đã cho triệu ra hầu tòa 85 nhân chứng để cung cấp bằng chứng cho điều này, thế nhưng bằng chứng của 5 nhân chứng quan trọng mà ông đưa ra đã không chỉ ra được điều đó. Tất cả họ đều khăng khăng phủ nhận chuyện Indonesia có ít nhiều dính dáng đến những vụ bạo động. Cuộc chất vấn một nhân chứng thuộc loại hàng đầu đã diễn ra như sau:

Hỏi: Trong suốt các tháng 5, 6 và 7, với tất cả những chuyện như tôi vừa nói với anh – việc tuyên truyền công khai và kéo dài, anh có đồng ý là cảm xúc của người Malay tăng lên rất cao không?

Trả lời: Đồng ý.

Hỏi: Và nó cũng tiếp tục như vậy vào ngày xảy ra các vụ bạo động, phải vậy không?

Trả lời: Đúng vậy.

Hỏi: Anh có đồng ý là chính chuyện tuyên truyền cao độ là nhân tố có liên quan đến các vụ bạo động không?

Trả lời: Đồng ý.

Quan trọng hơn là bằng chứng soi rọi vào các vụ bạo động do Keng Swee đưa ra. Ông đã gặp Razak tại Kuala Lumpur vào ngày 28 và 29/7/1964, một tuần sau vụ bạo động đầu tiên. Razak đã bảo rằng ông ta đã thấy được một lối thoát. Ông ta sẵn sàng xây dựng một chính quyền Malaysia trong đó PAP sẽ có đại biểu trong nội các liên bang – với điều kiện tôi từ chức Thủ tướng Singapore; tôi có thể nhận một chức vụ ở Liên Hiệp Quốc và đóng góp hiệu quả hơn ở cương vị đó. Sau hai hoặc ba năm người ta có thể duyệt xét lại chức vụ này.

Keng Swee hỏi lại, liệu Albar có bị cách chức không. Razak trả lời: “Không.” Razak đã nhấn mạnh khi nói với Keng Swee rằng ông ta kiểm soát được Albar và Utusan Melayu, và ông ta cam đoan là mình có thể kiểm soát được Utusan. Sau khi gặp Razak, Keng Swee có nhận xét ngay là: “Razak thừa nhận rằng người ta có hỏi ý kiến ông rằng rối loạn sẽ xảy ra tại Singapore hay không và ông cũng đã đưa ra ý kiến rằng rối loạn sẽ không xảy ra. Ông thừa nhận là đã đánh giá sai lầm. Nếu đã biết trước, ông ta hẳn đã có biện pháp.”

Keng Swee đã ghi lại chuyện này vào năm 1982 như sau:

“Giờ đây, chuyện này đi đến chỗ phải thừa nhận rằng ông ta đã có dính dáng đến toàn bộ chiến dịch nhằm khuấy động tình cảm kỳ thị chủng tộc và tôn giáo của người Malay tại Singapore. Và việc Albar đến Singapore cùng chiến dịch của ông ta tại Singapore và sự hỗ trợ dành cho tờ Utusan Melayu đều có Razak đứng đằng sau. Không thể nói khác đi được.

Giờ đây, khi Razak nói rằng theo ý ông thì rối loạn không xảy ra đâu, theo tôi… thành thật mà nói là không chấp nhận được. Không ai có nhận thức đầy đủ lại tin rằng chiến dịch kỳ thị chủng tộc ầm ĩ lại đi liền với một đám rước được tổ chức chu đáo của người Malay với sự xuất hiện của đông đảo các tốp võ sinh bersilat, không ai tin nổi chuyện này. Kết quả tất phải là những vụ bạo động chủng tộc.

Thực ra, một số ngày, có lẽ hơn một tuần, trước khi có vụ bạo động xảy ra, tôi nhớ là ông Lee rất lo âu và linh cảm rằng sẽ có chuyện rắc rối chủng tộc diễn ra. Ông có nói chuyện với tôi, nhưng tôi cũng quá ngộp với bao vấn đề kinh tế và tài chính rồi. Tôi không được thông tin đầy đủ và có vẻ hoài nghi về chuyện này. Vả lại, đây là vấn đề thuộc phán đoán chính trị – cảm nhận được tình thế – điều mà tôi không có. Khi tôi cố hỏi, ông Lee chỉ thở dài và chuyển đề tài. Ông hẳn nghĩ là tôi mù tịt trong những chuyện như thế này. Và quả thật đúng vậy. Phải, bất kể kết quả như thế nào thì bạo động cũng đã nổ ra, Razak có liên quan đến chuyện này, và rõ ràng ý định của ông ta là đẩy Lee ra khỏi quyền lực hiện tại. Đó là mục đích cho chiến dịch của Albar.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3