Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 40 phần 1
40
CHIẾN DỊCH “ĐÈ NÁT LEE” CỦA UMNO
Bên dưới những trao đổi ngày càng gay gắt giữa Singapore và Kuala Lumpur là cuộc xung đột sâu xa và căng hơn giữa Tan Siew Sin và Keng Swee. Tan toan tính ngăn chặn tiến bộ kinh tế của Singapore, và điều này thể hiện rõ qua việc cấp chứng nhận tiên phong. Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã phải trình Kuala Lumpur phê duyệt đơn của các nhà đầu tư tương lai trên hòn đảo này xin được cấp chứng nhận tiên phong, vốn sẽ cho phép họ được hưởng quy chế miễn thuế từ năm đến mười năm. Nhưng trong suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, chỉ có 2 trong 69 đơn là được duyệt, một trong hai giấy phép đó lại kèm theo quá nhiều hạn định nên nó gần như một lời từ chối. Để cản trở Singapore hơn nữa, ngày 16/2, Tan công khai khuyên các nhà công nghiệp hãy tham khảo ý kiến chính phủ trung ương trước khi đầu tư vào Singapore nhằm tránh tình trạng “thất vọng và hiểu lầm” do giả định và tính toán sai. Ông ta lại còn nói thêm rằng “các bảo đảm do chuyên gia (ở Singapore) đưa ra không cứ luôn luôn là khả thi”.
Không thỏa mãn với chuyện ngăn chặn chúng tôi, Tan còn muốn chiếm luôn toàn bộ hạn ngạch dệt của chúng tôi. Chính phủ liên bang đặt ra hạn ngạch vải vóc và quần áo may sẵn trong khi họ thậm chí chẳng có xưởng sản xuất nào cả. Trong khi đó, ba nhà máy dệt của Singapore bắt buộc phải giảm bớt gần 2.000 công nhân. Keng Swee nói một cách mỉa mai rằng Singapore đang bị đối xử không phải như một tiểu bang thành viên của Malaysia mà như một đối thủ nguy hiểm cần hạ gục bằng bất cứ giá nào. Chính phủ trung ương muốn sử dụng hạn ngạch của Singapore để thiết lập một công nghiệp dệt may tại Malaysia trong khi lại tước đi cơ hội kiếm lại được việc làm của bao nhiêu công nhân ngành may Singapore đang bị thất nghiệp. Cuối cùng, dưới áp lực tế nhị của Antony Head, Kuala Lumpur đã phải ê chề trả lại hạn ngạch đó cho Singapore. Đến lúc đó thì Keng Swee tin rằng không những chúng tôi sẽ không thể có được một thị trường chung, mà Tan sẽ còn tìm cách thu hút tất cả các đầu tư công nghiệp qua Malaysia bất kể các nhà đầu tư muốn gì. Ông ta cảm thấy thất vọng hết sức.
Keng Swee ghi lại điều này năm 1981 như sau:
“Tan Siew Sin đã đích thân quấy rối chúng tôi. Tan rất ghét Singapore và đố kị với ông Lee. Ông ta xem PAP là mối đe dọa cho sự lãnh đạo người Hoa của MCA trên bán đảo (Malaysia) và do đó không muốn Singapore thành công. Họ (các Bộ trưởng thuộc đảng MCA gồm Tan và Lim Swee Aun) đã hành động với niềm tin xấu xa. Và đó là lý do tại sao chúng tôi ở lại trong Liên bang Malaysia lâu chừng nào, thì chúng tôi lại càng nghi ngờ tính đúng đắn của những chuyện mình đã làm chừng đó.”
Thế rồi Keng Swee đề cập tới một cuộc nói chuyện giữa ông với Lenard Rist, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới đang tư vấn cho các chính phủ Malaysia và Singapore về thị trường chung. Ông này từng khuyến cáo rằng nó phải được thực thi qua các giai đoạn liên tiến.
Keng Swee hỏi: “Giả sử ông ta (Tan) không chịu vào cuộc và thị trường chung không đạt được bước tiến nào – thì điều gì sẽ xảy ra?”
Rist trả lời: “Trong trường hợp đó, thưa ngài Bộ trưởng, không chỉ thị trường chung sẽ bị nguy hiểm, mà toàn bộ khái niệm Malaysia cũng gặp nguy cơ luôn.”
Keng Swee đã tan mộng hoàn toàn. Mặc dù ông đã chống việc chúng tôi tham gia vào cuộc tuyển cử năm 1964 tại Malaysia, nhưng giờ đây ông thừa nhận việc đó như chúng tôi, bởi việc đó cho phép chúng tôi tập hợp được dư luận chính trị, một điều có thể hãm bớt những việc làm thái quá của chính quyền trung ương. Ông đã từ bỏ mọi hy vọng hợp tác, không còn mong đợi điều gì tốt đẹp từ Malaysia nữa. Mà ông còn e ngại sẽ gặp những gay go bất tận nữa. Nỗi sầu của ông ta đã khiến Chin Chye quyết tâm tạo một đối trọng với sự độc đoán của trung ương. Sự ác ý của Tan là một trong những lý do chính khiến chúng tôi phải vận động quần chúng trên cùng khắp Liên bang.
Vấn đề chủng tộc đã làm lu mờ mọi điều khác. Trong một kỳ họp của quốc hội liên bang vào tháng 11/1964, Tiến sĩ Lim Chong Eu, đại biểu Quốc hội và là lãnh tụ của đảng đối lập Dân chủ Thống nhất (UDP) trụ sở chính ở Penang, đã bày tỏ lòng ái ngại của ông với tôi về hai vụ bạo loạn chủng tộc mà chúng tôi đã gánh chịu tại Singapore. Ông nói ông cũng đã trải qua chuyện đó rồi. Từ mô tả của ông về những rối loạn tại Penang trong thập niên 1950, tôi nhận ra những gì Albar và những người Thổ Nhĩ Kỳ của đảng UMNO đã áp dụng ở Singapore là một phương pháp đã từng qua thử nghiệm. Cảnh sát và quân đội vây quanh, đồng thời cứ để mặc cho các tay bạo loạn Malay – thường là các nhóm võ thuật (bersilat), bọn ác ôn và các tay găng-tơ được tự do hoành hành. Một khi cuồng vọng đã dâng cao, và có đủ một số người Hoa phản ứng lại, thì ngay cả một người Malaysia bình thường cũng nhập bọn luôn. Khi người Hoa đánh trả, họ liền bị cảnh sát và quân đội dập ngay, luật pháp và kỷ cương được thi hành để chống họ, chứ không phải người Malay. Kết quả là dân chúng trở nên ủ rũ và nhút nhát.
Chúng tôi đã thoát khỏi thế đối đầu với người cộng sản để rồi chạm trán những tay kỳ thị sắc tộc Malay còn tồi tệ hơn. Chúng tôi đã phải tìm cách đối đầu lại guồng máy răn đe thông qua các vụ bạo loạn chủng tộc như vậy, với bao cảnh người Hoa bị giết và bị tật nguyền mỗi khi họ dám cả gan chống lại sự thống trị của người Malay. Chúng tôi quyết định cách phòng vệ hay nhất là liên kết các phe đối lập tại tất cả các tỉnh thành trong Liên bang thành một mạng lưới, để khi bạo loạn nổ ra tại một thành phố lớn sẽ kéo theo bạo loạn tại những nơi khác tới một mức mà cảnh sát và quân đội sẽ chẳng thể nào ứng phó được, và mọi chuyện sẽ trở nên ầm ĩ và lộn xộn. Do đó, chúng tôi tiến hành vận động những người đau khổ có thể cùng nhau gắn bó cho công cuộc chống đe dọa này. Nếu chúng tôi có thể tìm ra những người như thế ở Sabah và Sarawak lẫn ở nội địa, thì người Hoa ở Kuching, Sibu và Jesselton (giờ được đổi tên là KotaKinabalu) cũng sẽ bạo loạn theo, và bất kỳ dọa dẫm chủng tộcnào của Kuala Lumpur cũng sẽ rước lấy cái họa là làm Malaysia tan rã.
Các vận động của chúng tôi không tránh khỏi bị để ý. Vào ngày 24/4/1965, Tunku đưa ra bài phát biểu rằng mình đang có những kế hoạch để liên kết cánh đối lập lại. Ông biết những người không–Malay đang kết hợp lực lượng để đòi một Malaysia đa chủng tộc, chống lại một Malaysia của người Malay, và ông nghĩ tôi là người cầm đầu. Ông cảnh cáo: “Thế nhưng, dân chúng phải nghiên cứu con người này trước khi trao trái tim và khối óc của mình cho bất kỳ một hành động nào như vậy. Liên hiệp và ông Lee Kuan Yew đã hợp tác với nhau vì Malaysia, nhưng chúng tôi thấy khó có thể tiếp tục được nữa rồi.” Tunku có lý do đúng để lo âu. Các nghị viên đối lập trong quốc hội liên bang đang ngày càng trở nên chột dạ khi nghe thấy những bài phát biểu có tính chất kỳ thị chủng tộc của Albar và các nhà lãnh đạo trẻ của UMNO. Tiến sĩ Lim Chong Eu của đảng UDP ở Penang, hai anh em nhà Seenivasgam của Đảng Nhân dân Tiến bộ (PPP) tại Perak, Ong Kee Hui và Stephens Yong của Đảng Nhân dân Thống nhất Sarawak (SUPP) và Donald Stephens và Peter Mojuntin của Tổ chức Pasok Momogun Kadazan Thống nhất (UPKO) tại Sabah đều có những đề nghị liên kết với PAP.
Tiến trình này xảy ra vào tháng Giêng khi Tiến sĩ Lim, rồi Stephens đến gặp tôi. Chưa có cuộc họp nào trong cả hai lần ấy đạt được trọn vẹn điều gì. Tiến sĩ Lim muốn tôi làm chủ tịch hiệp hội người tiêu dùng của ông để khai sinh ra một mặt trận thống nhất rộng rãi bao gồm tất cả các đảng phái phi kỳ thị sắc tộc tại Malaysia. Tôi từ chối. Nếu chúng ta hợp tác với nhau, điều đó phải được làm công khai, chứ không phải kiểu lập lờ thông qua một hiệp hội người tiêu dùng, bằng không chúng ta sẽ đánh mất sự tín nhiệm. Stephens đề nghị tách khỏi Liên hiệp, bản thân ông cũng từ bỏ chức vụ Bộ trưởng sự vụ Sabah trong chính quyền Liên bang, và cho các thành viên UPKO của ông từ chức khỏi nội các Sabah để chuẩn bị cho kỳ tuyển cử sắp tới của tiểu bang này. Ông muốn PAP hợp nhất với UPKO trước, để giúp ông giành được phiếu của người Hoa tại các thành phố, và do đó đảm bảo cho ông thế đa số trong Quốc hội bang Sabah. Thân sinh của ông là người Úc, mẹ là người Kadazan; ông là một nhà báo to con, lịch sự, ham vui, ông có cả một tờ báo tại Sabah. Ông đã làm tổng ủy viên (chức vụ ở một thuộc địa tự trị tương đương Thủ tướng) cho đến khi gia nhập chính quyền liên bang. Ông là con người năng lực nhất trong số những người Kadazan cùng thời. Nhưng ông lại không quan tâm lắm tới kế hoạch rộng lớn của tôi về một mặt trận thống nhất có sự tham gia của những đảng đối lập khác.
Mặc dù có những bước khởi đầu không mấy thuận lợi, tôi vẫn gửi thư cho các Bộ trưởng:
“Nếu chúng ta để lỡ dịp này, thì có thể phải mất mấy năm nữa chúng ta mới có thể kiếm lại được cơ hội quá tốt như vậy để liên minh các lực lượng trong Malaysia lại được. Mặt khác, việc tiến hành liên minh các đảng phái phi sắc tộc như vậy phải có nghĩa là một sự đối lập rộng lớn của những người không–Malay chống lại khối chính phủ Liên hiệp do những người Malay trong UMNO lãnh đạo. Một khi đã có hô hào về một hiệp ước như thế và một phản ứng dây chuyền đã khởi lên trong tâm trí của mọi người, chúng ta có thể chắc rằng cuộc đấu tranh sẽ nhanh chóng trở nên quyết liệt và rộng lớn.”
Khi UMNO đã cư xử với chúng tôi như địch thủ và rõ ràng sẽ không chịu hợp tác với chúng tôi, thì trì hoãn một quyết định như vậy là lãng phí thời gian. Trong chừng mực có liên quan tới UMNO, cuộc chiến còn tiếp tục, và trừ phi chúng tôi tập hợp được sức mạnh để đối đầu, bằng không UMNO sẽ cứ đi theo con đường của họ.
Vào ngày 12/3, các lãnh tụ đối lập Malaysia đã gặp Chin Chye, Raja và tôi tại Sri Temasek ở Singapore, và lần nữa vào ngày 1/3 ở Nhà khách Singapore tại Kuala Lumpur,
tại đây, Stephens đã đến bằng xe công vụ có gắn cờ và một vệ sĩ đi kèm. Chúng tôi nghĩ ông ta khá can đảm để làm việc này, cho đến khi Tunku đưa ra lời phát biểu vào ngày 24/4 lúc chúng tôi suy diễn rằng chính Stephens đã tiết lộ kế hoạch này của chúng tôi cho Tunku biết. Chúng tôi quyết định phải thật cẩn thận và đã cử Lee Khoon Coy cùng Eddie Barker (ông này là bạn cũ của tôi và cũng là người cùng góp vốn trong công ty Lee & Lee, khi ấy đang là Bộ trưởng Tư pháp) đến Sarawak và Sabah để đánh giá tình hình tại những nơi này. Họ trở về và thuyết phục chúng tôi rằng không nên mở các chi nhánh PAP tại Sarawak. Người Hoa ở đây rất khuynh tả y như thời của đảng Barisan tại Singapore, họ cũng đang còn bất mãn vì bị tống bừa vào Malaysia và việc PAP tiếp tay khai sinh ra liên bang này. Tại Sabah, chúng tôi dễ kiếm được sự ủng hộ của người Hoa và mở các chi nhánh tại đây được, nhưng chúng tôi phải hình thành thế liên minh với đảng UPKO của Stephens, một đảng được người Kadazan chiếm đa số ủng hộ. Tôi quyết định không trực tiếp vận động tại Đông Malaysia mà làm việc với các lãnh tụ đối lập hiện tại ở đó. Chin Chye đã mời họ đến Singapore vào ngày 8/5. Stephens vắng mặt, nhưng lãnh tụ của các đảng UDP, PPP và SUPP của Sabah và đảng Machinda của Sarawak có đến dự và cùng ký vào một bản tuyên bố kêu gọi cho một đất nước Malaysia của người Malaysia:
“Một đất nước Malaysia của người Malaysia có nghĩa là một đất nước không vì chủ quyền, sự thịnh vượng và lợi ích của bất kỳ một chủng tộc hay cộng đồng riêng rẽ nào. Một Malaysia của người Malaysia là một phản đề của Malaysia của người Malay, một Malaysia của người Hoa, một Malaysia của người Dayak, một Malaysia của người Ấn hay một Malaysia của người Kadazan, vân vân. Lợi ích chuyên biệt và hợp pháp của các cộng đồng khác nhau phải được tôn trọng và khuyến khích trong khuôn khổ quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm tập thể của tất cả các chủng tộc.
Xu hướng ngày càng tăng nơi một số nhà lãnh đạo là công khai kêu gọi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhằm lôi cuốn sự ủng hộ, đã khiến họ dần dần đi đến chỗ gần như khước từ khái niệm một đất nước Malaysia của người Malaysia… Nếu dân chúng bị bài xích và kết án là không giữ lòng trung thành chủng tộc bởi họ đã tìm ra cơ sở chung cho hành động chính trị cùng với những người Malaysia thuộc các chủng tộc khác, thì cái tự nhận là mối quan tâm tới một Malaysia của người Malaysia tất sẽ rất đáng ngờ.”
Bản tuyên bố kết luận:
“Một Malaysia của người Malaysia là một cuộc đấu tranh xứng đáng bởi chỉ có một đất nước Malaysia như thế thì mới có được tương lai sáng sủa và đàng hoàng cho tất cả những người Malaysia. Chính trên tinh thần và kỳ vọng này mà chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi mọi người dân Malaysia hãy ủng hộ công ước này.”
Mặc dù trong suốt thời gian này tôi thường không có mặt, lúc dự Hội nghị thanh niên Xã hội chủ nghĩa ở Bombay, rồi sang viếng thăm Lào và Campuchia, nhưng UMNO vẫn khẳng quyết tôi là kẻ xúi giục đứng đằng sau công ước, và đã tấn công tôi kịch liệt. Albar và tờ Utusan Melayu đã có những lời lẽ buộc tội ngông cuồng hơn. Tức giận vì một bài báo đăng trên tờ London Observer, Albar đã gửi một thư ngỏ đến cho Dennis Bloodworth, phái viên Viễn đông của tờ báo này, vào giữa tháng 4. Thư này được đăng trên tờ Utusan và có đoạn như sau:
“Như ông cũng biết, người Malay đang gặp một thời kỳ khó khăn tại Singapore và giờ đây đang bị đảng PAP áp chế. Lee Kuan Yew đang liên tục thách thức tình cảm dân tộc của họ bằng những tuyên bố khiêu khích, mặc dù vậy, không phải chính người Malaysia đã gây ra những cuộc bạo loạn vào năm 1964. Những cuộc bạo loạn đó là do những kẻ kích động thuộc loại mật vụ, những kẻ thậm chí có lẽ đang ăn lương của Lee Kuan Yew. Chủ tâm của Lee là tạo ra hỗn loạn tại Singapore chính vào lúc mà người Malay đang tụ tập để làm lễ mừng ngày đản sinh của đấng Mohammed, nhằm làm cho thế giới có ấn tượng rằng người Malay đã bị ảnh hưởng của Indonesia.”
Tôi quyết định kiện ông ta vì tội bôi nhọ nhằm chặn đứng những luận điệu quá đáng đó, và các luật sư của tôi đã hỏi ý kiến của một luật sư hàng đầu ở London. Ông này khẳng định đó là một lời phỉ báng, và khi Albar cùng Utusan từ chối xin lỗi và rút lại lời nói, các cố vấn pháp luật của tôi đã đệ đơn kiện họ. Trong các chứng lý của mình, họ giải thích rõ hàm ý phỉ báng nằm ở chỗ muốn nói tôi là một kẻ đạo đức giả, một kẻ thù, một kẻ phản bội đối với quê hương mình, một tội nhân có trách nhiệm đối với các rối loạn và tai biến do bạo loạn, dẫn đến thương tích và tử vong cho dân chúng, và vì đó tôi không đáng là Thủ tướng của Singapore.
Trong vụ kiện này, tôi cho trích một bài của tờ Utusan đăng vào ngày 25/3/1965: “Lee bị buộc tội là kẻ thù của Malaysia và là mật vụ của Indonesia. PHẢI BƯỚC QUA XÁC CHẾT CỦA TÔI TRƯỚC ĐÃ – ALBAR… Tuan Syed Ja’afar Albar, tổng thư ký của UMNO Malaysia tối qua đã tố cáo Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, là kẻ thù của Malaysia và là gián điệp của Indonesia.” Tôi cũng trích một bài đăng vào ngày 27/3: “Albar tố cáo Kuan Yew là gián điệp của cộng sản… Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, gián điệp của cộng sản và chính quyền Jakarta, có chủ tâm xấu xa là phá hoại đất nước Malaysia và kích cho người Hoa và người Malay chống lại nhau.”
Giờ đây tất cả những lời lẽ ấy đều sẽ được tòa xem xét, nên họ trở nên thận trọng hơn. (Năm 1966, sau khi chia tách, Albar và tờ Utusan đã đồng ý xin lỗi trước tòa thông qua các luật sư của họ và chịu mọi án phí.)
Tôi không chỉ dùng lý lẽ đập vào dã tâm của Albar, mà lời lẽ của tôi cũng còn đạt được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo thứ cấp của UMNO. Trước sự sửng sốt của Albar, bí thư UMNO ở Perlis, bang cực bắc của Malaysia, đã nồng nhiệt chào đón lời tuyên bố của tôi, bằng cách nhắc lại lập luận của tôi rằng các đặc quyền dành cho người Malay sẽ chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ những người có tiền của, trong khi điều cần thiết là làm sao cho đại đa số người Malay chân lấm tay bùn ở nông thôn gia tăng khả năng kiếm tiền.
Thế rồi Razak đã tấn công tôi về một “phát biểu” tôi chưa từng nói và cũng đã từng phủ nhận một phát biểu như thế – ấy là người Malay không phải là dân bản địa của đất Malaysia. Sau khi cho rằng lời nói như vậy là ác tâm và hiểm độc, ông đã đưa ra tối hậu thư rằng chính phủ Liên hiệp sẽ không làm việc với tôi nữa và “nếu dân chúng Singapore muốn duy trì quan hệ với chúng tôi, họ phải tìm một nhà lãnh đạo khác, một người thành thực.” Hai ngày sau, một nhóm thanh niên UMNO tại Kuala Lumpur đã đốt hình nộm của tôi, và vào ngày 16/5, một nhóm khác đã vây quanh Viện Ngôn ngữ, nơi sắp diễn ra đại hội của UMNO. Họ mang những biểu ngữ bằng tiếng Malay như “Hãy đình chỉ Hiến pháp Singapore”, “Hãy nhốt Lee Kuan Yew lại”, “Bóp chết Lee Kuan Yew ”, và khi Tunku đến, họ la lên: “Hãy nhốt Lee Kuan Yew lại”, “Hãy nhốt Lee Kuan Yew!” Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đòi tống giam tôi, nhưng Ismail bảo: "Đây không phải là cách làm việc ở Malaysia. Chúng ta phải hành động theo hiến pháp.” Tunku sau đó đã mô tả phát biểu bị gán cho tôi rằng người Malay không phải dân bản địa là ấu trĩ, mà quên rằng tôi chưa hề phát biểu như vậy bao giờ.