Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 42 phần 1

42

TUNKU MUỐN CHÚNG TÔI RA ĐI

Tunku đã ngã bệnh trong khi đang ở tại London vào giữa tháng 6/1965. Lim Kim San, một người đã được Tunku đem theo trong phái đoàn dự Hội nghị cấp Thủ tướng, đã thăm ông ta và viết thư cho tôi hay vào ngày 23/6:

“Ông già đã nằm lì trên giường với căn bệnh zona và tinh thần rất sa sút. Chung quanh ông lúc nào cũng có người, nhưng tôi cũng đã cố xoay xở để nói chuyện được với ông. Ông vẫn nghĩ nên có một cải tổ nhưng chưa biết phải nên theo kiểu nào, cùng lúc đó ông cũng lại nghĩ chẳng có gì phải gấp rút cả và có thể thực hiện điều đó sau khi giải quyết được cuộc chiến đối đầu của Indonesia.

Ông chưa bàn bạc gì về điều này với bất kỳ ai ở đây và tôi hoàn toàn tin tưởng vào ông, bởi khi tôi gặp Arthur Bottomley (Bộ trưởng Bang giao Khối Thịnh vượng Chung) tại Hội nghị Khối Thịnh vượng Chung, ông ta đã nói với tôi rằng báo cáo từ Malaysia gửi về cho ông cho thấy mọi chuyện đều êm thắm và người Malay, ngoại trừ một số phần tử cực đoan, những người mà ông cho là Tunku và/hoặc Razak đã kiểm soát chặt chẽ trong tay, giờ đây chẳng còn mấy kích động nữa, và tình hình cũng đã lắng dịu nhiều rồi. Ông ta còn được biết rằng thậm chí những tay quá khích cũng đang chùn tay, và với việc Tunku vắng mặt, không ai trong số họ dám gây ra chuyện gì vì sợ bị kết tội là lợi dụng sự vắng mặt và lúc bệnh tật của Tunku. Tôi đã nói với ông ta (Bottomley) rằng rắc rối thường xảy ra mỗi lần Tunku vắng mặt. Nhưng ông bảo đừng lo… Ông ta tốt bụng và vui là được gặp tôi và mãi cho tới lúc cuộc họp được triệu tập trở lại thì chúng tôi mới chấm dứt chuyện trò với nhau…”

Sau khi từ London trở về vào đầu tháng 7, Kim San đã đến gặp tôi và mô tả tâm trạng của Tunku. Tunku đã nói rằng: “Ông có thể nói với Thủ tướng của ông rằng ông ta có thể độc lập dự Hội nghị Thủ tướng vào kỳ tới.” Tôi có hỏi ông ta nói như vậy là sao. Sẽ có một cuộc cải tổ lại chăng? Singapore sẽ trở thành một tiểu bang đặc biệt trong khối liên hiệp chăng? Kim San hoàn toàn không hiểu hết ý nghĩ có trong đầu của Tunku. Những năm sau này, khi ghi lại chuyện đời tôi vào năm 1981, tôi đã gửi cho ông bản sao bức thư đề ngày 23/6/1965 của ông. Ông đã luận rằng: “Khi hồi tưởng lại, như tôi cũng đã nói với ông nhiều lần, Tunku đã gián tiếp muốn nói rằng ông sẽ để cho Singapore độc lập. Tôi quá chậm tiêu nên không nắm bắt được ý nghĩa của một số nhận xét của ông ta.” Kim San chỉ chú tâm đến khả năng cải tổ nên không để ý đến những ngụ ý lớn hơn trong các phát biểu hàm súc của Tunku. Tại London, ông được gặp Tunku có một lần, điều ấy có nghĩa rằng ngay từ ngày 23/6/1965 đó, Tunku đã nghĩ đến chuyện chia tách hoàn toàn rồi.

Cùng lúc đó Keng Swee đã sang Đức hơn một tháng để chữa bệnh. Vào trung tuần tháng 7, ông đã gặp tôi và nói rằng ông đã gặp Razak tại tư dinh của ông ta và bất ngờ gặp cả Ismail lẫn Ja’afar Albar cũng có mặt ở đó nữa. Ông nói Razak muốn bàn luận một cuộc cải tổ có thể giúp cho cả hai bên thoát khỏi chuyện có thể trở thành một đụng độ tai hại.

Tôi đã thảo luận với Keng Swee về mọi khả năng có thể có được và quyết định rằng nên cố gắng làm bất kỳ việc gì nếu nó giúp ta tránh được chuyện xung đột chủng tộc. Keng Swee đã gặp Razak và Ismail lần nữa tại Kuala Lumpur vào ngày 20/7. Ông bảo với họ rằng chỉ có tôi, Lim Kim San và Eddie Barker biết những cuộc nói chuyện của ông với Razak mà thôi. Chin Chye và Raja quá bận bịu với Hội nghị Đoàn kết Malaysia nên chẳng để ý gì đến bất kỳ chuyện cải tổ nào. Ông quả quyết với Razak rằng tôi có khả năng dẫn dắt PAP nếu như công việc được xử trí đúng đắn, nhưng nếu thông tin bị tiết lộ sớm thì sẽ làm hỏng chuyện.

Thế rồi Keng Swee yêu cầu tôi viết cho ông một giấy ủy quyền để tiếp tục thương lượng và thỏa thuận những cải tổ mà ông có thể đạt được, kể cả chuyện, theo như ông nói, “độc lập” khỏi liên bang. Tôi sợ sẽ có rắc rối nếu như các cuộc hội đàm bị lộ sớm, nhất là với người Anh, họ chống bất kỳ sự cải tổ nào, và kế đến Raja, Chin Chye và Pang Boon, vốn sẽ không bằng lòng với bất kỳ sự thoát ly nào khỏi sinh hoạt chính trị tại bán đảo Malaysia, nơi chôn nhau cắt rún của họ và có gia đình của họ đang ở. Tôi đã viết một công hàm ủy quyền cho Keng Swee thảo luận với Razak, Ismail và những Bộ trưởng liên bang khác có thẩm quyền tương đương liên quan tới các vấn đề này, về bất kỳ đề xuất nào cho mọi sự cải tổ hiến chế của Malaysia.

Keng Swee trở về và báo cáo rằng Razak muốn có một sự ly khai hoàn toàn. Razak nêu ra hai điểm: thứ nhất, ông ta muốn Keng Swee xác nhận rằng tôi đồng tình. Keng Swee đã trả lời rằng: “Vâng, nếu như điều đó được thực hiện nhanh, trước khi ông Lee có cam kết và tham dự sâu đậm vào Hội nghị Đoàn kết khiến ông ta không thể rút ra được.” Ismail đồng ý về điểm này. Razak có vẻ vừa nhẹ người vừa hoài nghi bởi, theo lời Keng Swee kể, ông bán tin bán nghi là tôi có thể phản đối ý tưởng đó. Keng Swee nói rằng tôi đủ thực tế để thấy rằng chuyện xung đột đang rất dễ xảy ra và các hậu quả thì thật khó lường.

Điểm thứ hai Razak nêu ra là việc độc lập khỏi khối Malaysia phải là một bước đi có phối hợp. Nói khác đi, PAP phải ủng hộ chuyện này. Ông ta đề nghị Liên bang và Singapore cùng cho người Anh biết ý định của cả hai bên. Ông ta cảm thấy họ sẽ đồng tình nếu chúng ta cùng kiên định với nhau. Keng Swee vạch ra rằng cách làm như vậy là sẽ thất bại. Người Anh sẽ nhất quyết chống lại chuyện chia tách. Ông ta đã nhắc cho họ nhớ là Antony Head và nhóm của ông ta đã cản trở đến mức nào đối với chuyện cải tổ kém triệt để lắm mà chúng tôi đã đồng ý với Tunku hồi tháng 2. Keng Swee hối thúc rằng phải thông báo cho người Anh biết chuyện ly khai như một sự đã rồi khi quốc hội tái nhóm vào ngày 9/8. Trước tiên phải có các tu chính hiến pháp cần thiết chấp nhận cho Singapore độc lập, với ba vòng thảo luận tiến hành trong cùng ngày đó. Ismail sẵn lòng đồng ý về chuyện này. Razak thì rất vui và nói rằng chiến thuật của PAP có lẽ là tốt nhất. Keng Swee nói thêm rằng ông thấy không có gì bất tiện nếu như Ngài Head, với tư cách cao ủy Anh tại Malaysia, được thông báo về những ý định của chúng ta vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày hôm đó, đúng nửa giờ trước khi dự luật độc lập được trình ra trước quốc hội. Mọi người đều đồng tán thành ý kiến này.

Ismail nói có hai văn kiện cần phải được thảo ra: một tu chính hiến pháp cho phép Singapore có thể rút ra khỏi Liên bang, và một đạo luật dựa theo bản tu chính đó cho phép Singapore được độc lập. Vì lợi ích an ninh, không nên cho phép các công chức can dự vào việc này, và ông ta hỏi chúng tôi có thể làm được không. Ismail và Razak sẽ phải suy nghĩ kỹ về những thủ tục hiến định cần thiết. Keng Swee đã nói rằng Eddie (Bộ trưởng tư pháp của Singapore) sẽ cố gắng thảo chúng trong vòng một tuần đến mười ngày, điều đó cũng được họ đồng ý. Keng Swee nhấn mạnh cho họ nhớ sự cần thiết phải giữ bí mật, và nói thêm riêng với Ismail rằng không được hé bất cứ điều gì về chuyện này, nhất là đối với các công chức ngoại kiều của ông ta.

Keng Swee có cảm giác rằng Razak cảm thấy rất nhẹ nhõm và cám ơn riêng ông ta về việc ủng hộ giải pháp này. Ông thực sự tin tưởng điều này sẽ không chỉ ngăn chặn được tai họa, vốn giờ đây đang cứ như chỉ mành treo chuông, mà nó còn giúp chấm dứt sự căng thẳng và nỗi khốn khổ mà ông ta đã phải chịu đựng suốt mấy tháng nay. Chuyện này diễn ra trong chỉ có nửa giờ đồng hồ, nhưng sau đó họ còn dành ra thêm 20 phút để chuyện phiếm với nhau, bởi Razak đã yêu cầu Keng Swee không nên về quá sớm như vậy. Ông ta cũng cho một xe cảnh sát đưa Keng Swee đến tận phòng đợi của sân bay để tránh các ký giả.

Ngay sau khi Keng Swee báo cáo cho tôi cuộc họp đó, tôi đã gặp Eddie tại văn phòng của mình. Công việc cần được xử trí hết sức cẩn thận đến độ tôi không dám chắc ông Bộ trưởng Tư pháp của chúng tôi có phải là người xứng đáng nhất để làm chuyện này không. Có thể ông ta không giữ kín được. Đích thân Eddie đến thư viện luật của trường Đại học Singapore để tra tìm các án lệ, và gặp được một trường hợp ly khai trong Liên bang West Indies. Để giới hạn số người cần biết, ông không dùng đến trợ lý riêng của mình, mà đọc các phác thảo cho Wong Chooi Sen, thư ký của nội các, chép. Đó là một người trung thành và kín đáo không ai nghi ngờ được. Chỉ có vài người khác được biết chuyện này là Stanley Stewart, giám đốc Sở Dân sự vụ, và George Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ. Tôi đã cho gọi Bogaars để biết chắc ông ta có bảo đảm ngăn chặn được bất kỳ mối đe dọa nào của những người cộng sản trong một Singapore độc lập hay không, một khi chúng tôi không cho phép họ tái lập lại tổ chức. Ông quả quyết chúng tôi có thể làm được.

Eddie thảo ra hai văn kiện, nhưng tôi yêu cầu ông thảo thêm một văn kiện thứ ba, bản tuyên ngôn độc lập. Tôi trao các bản phác thảo này cho Choo. Tôi vẫn chưa ưng ý về chúng lắm. Tôi muốn thỏa thuận của chúng tôi với bang Johor mà chúng tôi phụ thuộc rất nhiều về nguồn cung cấp nước, được đưa vào trong các văn kiện này và được cả hai chính phủ chuẩn y như một thỏa ước chính thức. Tôi thì quá căng thẳng, và đã bảo Choo, một luật sư giỏi về hợp đồng chuyển nhượng, tìm ra một phương cách êm đẹp để đạt được chuyện này. Sau khi cô làm xong, tôi duyệt các bản phác thảo trao cho Eddie để trình cho Razak. Mặc dù chưa có gì là chắc chắn, tôi vẫn quyết định đi nghỉ như đã định và chờ xem Tunku có muốn tiếp tục trong chuyện ly khai hay không, hay rồi ông sẽ thay đổi ý định.

Có những lý do để nghi ngờ điều ấy. Ngay mới tuần trước đây, Tan Siew Sin đã đến thăm Singapore để dự cuộc họp của Hội Liên hiệp Sinh viên Đại học và phát biểu rằng chính quyền trung ương sẽ thi hành quyết định đóng cửa Ngân hàng Trung Quốc tại Singapore vào tháng sau. Bất chấp những phản kháng bán chính thức trên Đài truyền thanh Bắc Kinh, ông phủ nhận chuyện đóng cửa này sẽ ảnh hưởng đến mậu dịch giữa Malaysia và Trung Quốc. Điều đó cho thấy chẳng có ý hướng nào về chuyện chia tách cả, huống chi là chuyện cho Singapore ly khai hẳn ra khỏi Malaysia. Kế đó là Razak, trong chuyến du lịch các đảo miền Nam vào ngày 25/7, đã đưa ra những phát biểu thiên vị có tính toán nhằm khuấy động tinh thần của người Malay chống lại PAP, khi nói rằng tinh thần thiếu hợp tác của chính phủ chúng tôi đã khiến cho Kuala Lumpur khó lòng triển khai được chương trình phát triển nông thôn đến tận người dân Malay ở đây. Nước đi ác ý không cần thiết này cũng khiến tôi lo âu tự hỏi không biết Keng Swee có hiểu và báo cáo đúng về Razak trong chuyện ông ta thật sự muốn Singapore tách ly hoàn toàn ra khỏi Malaysia hay không. Có điều gì đó đang xảy ra. Thực ra, có thể biết đâu họ đang thăm dò phản ứng của quần chúng với ý định đình chỉ hiến pháp và chỉ định một thống đốc thì sao? Hoặc đang tính toán điều gì đó bất lợi cho chúng tôi?

Keng Swee cũng lo. Ông không an tâm trước cả một gánh nặng và trách nhiệm mà ông ta phải chịu nếu như kế hoạch bị tiết lộ hay hủy bỏ. Khi tôi chuẩn bị quyển sách này vào năm 1994, ông có cho phép tôi được nghe các cuộn băng ghi âm của ông trong thời điểm 1980–81, và tôi biết được rằng ông chưa hề hối thúc Razak phải có một sự dàn xếp lại có tính chất nới lỏng hơn như tôi đã yêu cầu ông ta. Ông biết họ muốn gạt Singapore ra khỏi quốc hội của họ, và đi tới cùng ý muốn của họ là chúng tôi phải ly khai. Keng Swee cũng nói rằng ông muốn tôi viết ủy quyền bởi ông sợ tôi sẽ ngần ngại chuyện ly khai.

Keng Swee đã đến thăm Razak tại Nhà khách Liên bang ở Singapore vào ngày 27/7 và khám phá ra rằng ông ta đã suy nghĩ lại về chuyện ly khai. Keng Swee một lần nữa lại thấy ông ta ngần ngừ và thay đổi quan điểm liền liền. Ông than là bị chứng mất ngủ và có vẻ rầu rĩ lẫn nản chí. Trong cuộc chuyện trò dông dài trong 90 phút, ông ta nói đã viết cho Tunku biết về các bàn bạc của họ ba ngày sau cuộc họp sau cùng của họ, và giờ đây chuyện quyết định là tùy ở Tunku, nhưng phải mãi tới ngày 4/8 thì Tunku mới về nước. Razak không nghĩ là Tunku sẽ nhanh chóng thông qua vấn đề, và nghi ngại không biết có thể sắp xếp được chuyện dự luật độc lập được hay không vào ngày 9/8 đó – bởi một lẽ, còn phải tham khảo ý kiến của nhiều người khác nữa, như các tiểu vương chẳng hạn.

Thế rồi ông ta bày tỏ những lo lắng về hậu quả của chuyện Singapore độc lập – giả sử chẳng hạn chính phủ nước này giao du với Bắc Kinh thì sao? Razak cũng nêu những ý kiến hoàn toàn không thể chấp nhận được về chuyện quốc phòng, khi ông ta nói rằng người Malaysia sẽ phải chỉ huy quân đội Singapore. Keng Swee đã nói với ông ta là điều này không thể được. Chúng tôi sẽ tuyển mộ và duy trì quân đội riêng của mình, nhưng vì mục đích hành động, nó sẽ được đặt dưới quyền của bất kỳ ai nắm quyền chỉ huy toàn bộ các lực lượng Malaysia chống lại Indonesia. Razak nói: “Ồ. Vậy thì hệ thống hiện nay sẽ được duy trì, tức là chúng tôi chỉ huy quân đội của các ông, có phải không nào?” Để ông ta không phải nghi ngại thêm về chuyện này, Keng Swee không nói rõ ra rằng cách dàn xếp này sẽ chỉ có giá trị trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến đối đầu mà thôi.

Kế đó Razak đã nói rằng độc lập cho Singapore có nghĩa là một thắng lợi lớn của Sukarno. Có phải chúng ta đang muốn giúp cho Sukarno lên tinh thần không? Tại sao không có một sự tách ly từng phần? Keng Swee nói với ông ta rằng chúng tôi sẵn lòng làm theo ý ông, ngay cả việc tiếp tục y như hiện nay. Keng Swee nói rằng vị trí của Singapore đang ngày càng mạnh lên với sự ủng hộ của các nước trong Khối Thịnh vượng chung. Điều này khiến Razak không vui thêm, và ông ta chuyển sang nói rằng không còn có giải pháp nào khác hơn là chia tách hoàn toàn – nhưng rồi bỏ ý đó và nói về một dạng liên bang nào đó trong đó Kuala Lumpur kiểm soát quốc phòng và ngoại giao.

Keng Swee nhấn mạnh rằng phải có một quyết định sớm, trước khi việc can dự của chúng tôi vào Hội nghị Đoàn kết Malaysia trở thành điều không thể đảo ngược được, nhưng tuy đã đồng ý về điều này, Razak vẫn tiếp tục lặp lại những ý kiến phản bác đối với toàn bộ kế hoạch: Tan Siew Sin thì chống đối chuyện tách ly, và sự ủng hộ nói chung của UMNO về chuyện này cũng không thể tự nhiên mà có được. Ông ta lo ngại chuyện chống đối. Nhưng mặt khác lực lượng quân đội và cảnh sát hiện nay lại chẳng đủ để khống chế được các cuộc rối loạn nếu như Singapore vẫn còn trong khối Malaysia, do vậy, tốt hơn hết, ly khai có lẽ là giải pháp duy nhất. Ông ta hỏi Keng Swee xem ông ta có thể đề nghị một phương cách khác có được không. Keng Swee trả lời rằng không.

Thế nhưng, qua báo chí, Razak lại kêu gọi chính phủ Singapore hãy cộng tác chặt chẽ với Kuala Lumpur để thực thi các kế hoạch phát triển dành cho người Malay. Tôi bắt đầu lo ngại lại sẽ có chuyện xung đột lần nữa.

Tôi vẫn không chắc chắn lắm về chuyện gì sẽ xảy ra, cho dù đó là một cuộc cải tổ, một cuộc ly khai, hay một cuộc xung đột, lúc Philip Moore đến thăm từ biệt tôi vào ngày 30/7; ông về nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng tại London. Đó là một buổi giã từ xúc động và đầy ý nghĩa. Trước hết phải giữ kín không cho người Anh biết về các cuộc thương lượng của chúng tôi và tôi phải bảo đảm là không nói hở ra với Moore bất kỳ điều gì về những đổi thay mà chúng tôi đang bàn bạc, vì ông vốn là người am hiểu và đồng tình với chúng tôi. Tôi cảm ơn ông về những việc ông đã làm, tôi nói với ông như vậy, thế nhưng tôi vẫn phải tiếp tục đi tới cùng với Liên bang Malaysia cho dù kết quả có ra sao. Tôi đã thuyết phục dân chúng tham gia vào Liên bang và tôi không thể bỏ mặc họ. Trách nhiệm của tôi là phải làm sao cho hiến pháp được tôn trọng. Tôi không thể rút lui được. Những điều ông nói cho thấy ông rất quan tâm đến an ninh bản thân của tôi và tương lai của Singapore.

Vào ngày 31/7, tôi rời Singapore đi dự một cuộc mít–tinh của PAP tại Kuala Lumpur, rồi đi tiếp đến cao nguyên Cameron để nghỉ mát như mọi năm cùng với Choo và bầy trẻ. Trước khi rời Kuala Lumpur, tôi đến thăm Antony Head tại Carcosa trong khoảng nửa giờ. Tôi e ông ta có thể đã đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra. Tôi biết rằng nếu ông ta nắm được chút tin tức gì về điều này, ông ta đủ khéo léo và đủ mạnh để lật nhào bất cứ điều gì chúng tôi đã đồng ý với nhau, y như ông ta đã phá vỡ kế hoạch cải tổ của chúng tôi hồi tháng 2 vậy. Ông chẳng có vẻ gì nghi ngờ rằng đang có gì đó bất ổn, và tôi hài lòng là lần này Razak lẫn Ismail đã không để lộ bất cứ điều gì cho Fenner biết cả, ông này nếu biết được chắc chắn sẽ báo cho Head biết thôi.

Thật vậy, vào ngày 6/8, Head đã gửi đánh giá của mình về London như sau:

“Triển vọng tương lai chẳng có gì là sáng sủa. Ít có cơ may giảm bớt căng thẳng chính trị bởi chẳng bên nào tin bên nào. Một hình thức hạn chế của việc ly khai mà không phải sửa đổi hiến pháp thì có thể có nhưng không chắc chắn lắm. Giải pháp bổ nhiệm Lee đi làm việc ở hải ngoại giờ đây có vẻ đã bị bác bỏ và các phần tử cực đoan Malay đang ngày càng mạnh. Kết quả có thể có nhất là các bạo động chủng tộc sẽ tái diễn với quy mô còn lớn hơn cả trước kia. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay là sự có mặt của những tay dân tộc hẹp hòi Malay cực đoan hơn trước dưới sự lãnh đạo của Senu, Bộ trưởng thông tin, Khir Johari, Bộ trưởng giáo dục, và Ja'afar Albar, tổng thư ký của UMNO; đặc biệt Senu và Ja’afar Albar đang tranh nhau để tỏ ra có tinh thần Malay hơn. Nếu có thể áp chế và làm cho họ im lặng được thì hay biết mấy; nhưng Razak rõ ràng là đã không tính đến chuyện dùng biện pháp mạnh với những tay này, bởi sợ rằng họ, qua sức lôi cuốn của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sẽ làm hại vị trí người hiển nhiên sẽ thay thế Tunku của ông. Do đó ông ta thận trọng quyết định bước theo hướng đi của họ trong chừng mực đủ để bảo vệ địa vị chính trị của ông…”

Về chính sách của người Anh, Head viết:

“Chừng nào Indonesia vẫn còn đe dọa nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Malaysia, chừng đó hẳn nhiên chúng ta vẫn còn cần tiếp tục có mặt ở đó, vì lợi ích của sự ổn định tại Đông Nam Á, vì bổn phận của chúng ta theo Hiệp định Phòng thủ và vì sự cần thiết phải giúp đỡ Malaysia chống lại kẻ thù mạnh hơn mình… Thế nhưng việc tiếp tục có mặt tại đây có thể gây khó khăn cho chúng ta, bởi theo tôi nghĩ chính sách cho rằng sẽ có một thời kỳ ổn định tương đối lâu dài tại Malaysia là một chính sách thiếu khôn ngoan và thiển cận.”

Sau ngày dự cuộc mít–tinh tại Sân vận động Chin Woo ở Kuala Lumpur, tôi lái xe đến Cameron, nơi tôi nghỉ lại, chơi gôn và rảo bộ cùng đám trẻ, cùng lúc đó vẫn tiếp tục chờ điện thoại của Keng Swee và Eddie thông báo rằng tôi nên đến gặp họ ở Kuala Lumpur. Tôi không muốn Head nghi ngờ tôi đã trở lại Kuala Lumpur và làm chuyện gì đó.

Keng Swee đến Kuala Lumpur để họp với Razak vào ngày 3/8, một ngày trước khi Tunku về nước như đã định. Razak đã nhanh chóng đi thẳng vào vấn đề. Ông bảo đã nhận được trả lời của Tunku. Tunku tán đồng chuyện này, với hai điều kiện: (a) Singapore góp phần thỏa đáng về quân sự vào công cuộc phòng thủ chung và ký kết thỏa ước quốc phòng với Malaysia, và (b) không được tham gia vào bất kỳ hiệp ước nào sẽ vi phạm đến các mục tiêu của thỏa ước nói trên. Keng Swee ghi nhận rằng họ cũng đã có nhiều đề nghị chi tiết trong suốt cuộc họp đó: nên có một hội đồng quốc phòng; tất cả lực lượng của Singapore phải đặt dưới sự chỉ huy quân sự phối hợp vì lợi ích hoạt động, và chính quyền trung ương sẽ giúp huấn luyện cho họ; Singapore sẽ thành lập một lữ đoàn bộ binh, và tuần tiễu lãnh hải Singapore bằng tàu riêng của chúng tôi. Ismail cũng muốn rằng các tòa đại sứ và cao ủy Malaysia trên khắp thế giới sẽ chỉ đạo các quan hệ đối ngoại của Singapore.

Keng Swee đánh giá rằng mục tiêu của họ là giới hạn quy mô của các lực lượng vũ trang của chúng tôi và muốn kiểm soát các lực lượng đó. Ismail công khai nói ra điều này, nhưng Razak thì vẫn không có biểu hiện gì. Keng Swee nói rằng dầu muốn dầu không chúng tôi cũng không thể tạo dựng nổi một lực lượng quân sự đồ sộ được – bốn tiểu đoàn và một số tàu tuần tiễu là mức cao nhất chúng tôi có thể đóng góp được. Razak có vẻ vui và nói rằng Keng Swee nên làm Bộ trưởng Quốc phòng của Singapore, thế nhưng vấn đề chỉ huy chung hãy chưa có gì dứt khoát cả và tình trạng thời bình của các lực lượng Singapore sau cuộc chiến đối đầu của Indonesia cũng vẫn không được nêu ra. Điều này đã dẫn đến rắc rối về sau.

Họ hỏi Keng Swee đã có các phác thảo gì chưa. Ông ta bảo rằng đã có và trình chúng cho Razak. Razak đọc bản thỏa ước, lướt nhanh qua bản tuyên ngôn, nhưng đọc rất cẩn thận dự luật tu chỉnh (hiến pháp). Ông có vẻ hài lòng và trả lại các bản phác thảo đó, hỏi thêm những điểm về các dàn xếp quốc phòng của chúng tôi và hiệp ước đối ngoại có trong bản phác thảo thứ hai. Thế rồi họ bàn qua về sắp xếp thời gian. Razak muốn trao các bản phác thảo đó cho Bộ trưởng Tư pháp của ông xem lại. Keng Swee đề nghị nếu chúng ta đưa chúng ra vào ngày 6/8, sau khi Tunku về nước, và chỉnh sửa hoặc đề nghị thêm vào ngày hôm sau thì có thể đạt được thỏa thuận vào ngày 7/8, và thế là có thể kết thúc mọi chuyện vào ngày 9.

Họ cho rằng phải thông báo cho các Tổng ủy viên của Sabah và Sarawak cùng các thống đốc của các bang Malaysia biết chuyện này. Ismail nói rằng phải tách các Tổng ủy viên Sabah và Sarawak ra khỏi các cố vấn người Anh, và tốt nhất là triệu tập họ về Kuala Lumpur – với lý do là dự tiệc đón Tunku trở về. Keng Swee hỏi liệu họ có thể trông đợi vào sự đồng tình của Sabah và Sarawak không. Razak rõ ràng đã có tính đến chuyện này và nói rằng họ không nghĩ sẽ có vấn đề gì.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3