Hồi ký Lý Quang Diệu - Chương 43 phần 2 (Hết)

Trong quyển The Labour Government 1964–1970 (Chính phủ Lao Động 1964–1970) của mình, Harold Wilson đã nhìn về chuyện chia tách đúng như thế:

"Thế nhưng có một vấn đề nguy hiểm mới và tiềm tàng đang lớn dần lên ở Đông Nam Á. Khoảng trước đây ba, bốn tháng, chúng tôi đã nhận được lời cảnh báo rằng Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng của Malaysia, đang mất dần kiên nhẫn với đồng sự tại nghị viện của mình là ông Lee Kuan Yew (Harry Lee), lãnh tụ của Singapore, tới độ ông Lee có nguy cơ bị bắt và cầm tù… Tunku đang ngày càng trở nên căm giận với sự đối lập quyết liệt của Lee. Mấy tuần trước khi có hội nghị Khối Thịnh vượng Chung chúng tôi đã nhận được tin tức về một cuộc khủng hoảng đang nhen nhúm, bao gồm cả việc có thể có một cuộc đảo chính chống lại ông Lee và các đồng sự của ông này. Tôi cảm thấy cần phải đến mức cho Tunku hiểu rằng nếu ông ta giở trò ra như vậy, ông ta sẽ chẳng thể nào chường mặt ra được trước hội nghị của khối, bởi rất nhiều người, kể cả tôi, sẽ cảm thấy rằng một hành động như thế là phản bội hoàn toàn những gì chúng ta tin tưởng trong khối.

Chuyện đó đã không xảy ra, nhưng vào cuối tuần từ 13 đến 15/8 (sic), tin tức cho biết là Liên bang (Malaysia) đã gãy đổ. Đã có những trận tranh cãi dữ dội xảy ra giữa Tunku và ông Lee. Điều này dẫn đến việc Singapore hầu như bị trục xuất hẳn ra khỏi Liên bang và được bảo là phải tự lo liệu lấy cho mình. Lee đã mang tâm trạng tuyệt vọng, đầm đìa nước mắt trước ống kính thu hình và tỏ ra rất tiếc về chuyện chia cắt này. Tuy nhiên, ông ta đã quyết tâm xây dựng một đất nước Singapore mới, độc lập… Chúng tôi đã có những quyết định cần thiết và đã có những dàn xếp như gửi những thông điệp mạnh mẽ cho cả hai nhà lãnh đạo để tránh xảy ra bất kỳ hành động nào có thể làm bột phát thái độ cừu địch, hay nói đúng hơn là những bột phát lật đổ từ bên trong. Chúng tôi đồng ý các cuộc đàm phán nhằm nghiên cứu lại hiệp định phòng thủ Anh–Malaysia, trên căn bản công bằng cho tất cả các bên có liên quan.”

Wilson là một người bạn tốt.

Chẳng có chuyện gì xảy ra, bởi Head đã báo cáo vào ngày 15/5/1965 cho Bộ trưởng của mình là Arthur Bottomley rằng:“Một số nhân vật trong UMNO thích hâm nóng mọi chuyện lên tới mức họ có thể tìm ra một cái cớ để có thể làm được chuyện mà họ gọi là ‘xử trí’ và tôi hiểu đó là cầm tù Lee. Tôi đã nhấn mạnh rằng Lee giờ đây đã có uy tín trên trường quốc tế, và trừ phi có bằng chứng không gì chối cãi được cho phép ‘xử trí’ ông ta, còn không thì một việc như vậy sẽ gây hại rất lớn cho Malaysia. Mặc dù Tunku không nói gì cả, nhưng tôi vẫn cảm thấy là đang có một âm mưu trong đầu của họ."

Vào ngày 17/5, một bức công hàm đã được gửi tới Văn phòng Quan hệ Khối thịnh vượng chung cho biết Thủ tướng đã đọc, gạch dưới và ghi nhận xét như sau: ”Nếu có một âm mưu theo như X (đoạn trích trên), tôi hy vọng Tunku hiểu ra rằng điều này sẽ có nghĩa là chúng tôi buộc lòng phải đánh giá lại. H.W.”

Vào ngày 1/6, Head đã đánh điện rằng ông đã hỏi Tunku xem liệu vẫn có thể dàn xếp với Lee Kuan Yew và đạt tới một cái gì đó như một sự hòa hoãn không.

“Tunku đã nói rằng không, ông đã quyết chẳng bao giờ thử dàn xếp với Lee nữa đâu, một con người ông chẳng hề tin chút nào, một con người mà ông đã hoàn toàn biết rõ quá rồi. Tôi có hỏi rồi tất cả chuyện này sẽ ra sao, Tunku trả lời rằng: ‘Tôi biết nhiệm vụ của tôi và tôi sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không làm.’

Điều này nghe có vẻ như một điềm không hay, do vậy tôi nghĩ đã đến lúc phải can thiệp vào và nói rằng trong số những thứ mà chính phủ Anh hết sức ái ngại là chuyện bàn tán trên báo chí nói tới việc Lee Kuan Yew đang bị bắt giam. Tunku có biết chuyện này không vậy? Ông bảo rằng có nghe.

Tôi đã nói rằng nếu Lee Kuan Yew bị bắt giam vì bất cứ lý do gì ngoài những hoạt động mưu phản, nó sẽ khiến cho chính phủ Anh bị sốc và lúng túng, và tất nhiên là sẽ có những ảnh hưởng lan rộng trong dư luận quốc tế.

Khi tôi nói rằng tôi nghĩ một việc làm như thế, nếu thiếu chính đáng, có thể khiến chính phủ Anh phải đánh giá lại quan điểm của Anh đối với Malaysia một cách chẳng hay ho gì, ông ta đã nói rằng ‘Thế đấy, tôi sẽ phải làm hòa với Indonesia mất thôi’…

Một giờ sau, tôi thấy Tunku, Lee Kuan Yew bước vào nhà tôi. Tôi thấy ông ta đang trong tâm trạng rất kích động. Tôi nói với ông rằng tôi rất lo trước tình trạng hiện nay. Đối với tôi, có vẻ như trừ phi có được một sáng kiến nào đó, bằng không tình hình như hiện nay chỉ có thể dẫn đến hai chiều hướng. Một là sự bất đồng và gay gắt chính trị ngày càng tăng dẫn đến sự căng thẳng và xung đột chủng tộc thêm trầm trọng hơn; thứ hai là một tình hình mà chính phủ liên bang cảm thấy rằng không thể cứ để cho chuyện căng thẳng chính trị này tiếp diễn và do đó có thể dẫn tới chuyện tống giam Lee. Tôi cảm thấy phải tìm ra cách nào đó để chiều hướng hiện nay cùng những hậu quả tất yếu của nó không tiếp diễn nữa được. Lee nói rằng giờ đây đã đến lúc phải đấu tranh cho một đất nước Malaysia không do người Malay thống trị. Theo cách nhìn của ông, đây chính là lý do tại sao ông tạo nhóm đối lập mới và nếu chính quyền liên bang quyết định bắt giữ ông, ông cũng sẽ hân hoan bởi nó càng củng cố cho địa vị của ông hơn.

Lee nói rằng thời gian dành cho sự kiên nhẫn và trì hoãn đã qua, và giờ đây dẫu sao ông cũng đã đi quá xa không thể chấp nhận một giải pháp như thế được. Không may là lời nói củaLee dầu gì cũng chứa đựng cả sự thật lẫn sức thuyết phục…

Tôi mong là mình không quá bi thảm, theo quan điểm của tôi, chúng ta giờ đây đang đứng trước một khủng hoảng nghiêm trọng. Trừ phi có thể làm được điều gì để xoa dịu tình thế hiện nay, bằng không con đường chúng ta đang đi sẽ, theo tôi nghĩ, sinh ra điều rắc rối rất lớn.”

Vào ngày 3/6, Văn phòng Quan hệ Khối thịnh vượng chung đã gửi cho Head bức điện như sau:

“Nếu Lee bị bắt giam, khó có thể cho rằng Singapore sẽ để yên chuyện này. Tunku có thể có những ý định khác, nhưng dưới mắt chúng ta, chuyện đó sẽ gây nguy hại rất lớn, một điều vốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến các lãnh thổ trên đảo Borneo… Nếu tình huống xảy ra sau vụ bắt giam Lee tệ hại đến độ đòi hỏi phải có sự can thiệp của quân đội Anh tại Singapore, chính phủ Anh rất khó lòng kiếm được sự thông cảm và ủng hộ của công luận Anh.”

Vào ngày 4/6, Head đã báo cáo về cuộc họp giữa ông với Tunku như sau:

“Một điều cũng dễ thấy là Tunku đã bảo với người của ông là tìm xem có cách nào để bứng Lee ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo PAP, cũng như tìm được một lãnh đạo xuất sắc để thay thế Lee được hay không. Lee biết rõ điều này và đã nói cho tôi biết. Tôi có nói với Tunku rằng tôi không mấy hy vọng về một thủ pháp như vậy. Tunku nói với tôi rằng: “Xin ông nói cho chính phủ ông biết là chẳng có gì phải lo. Đây là chuyện nội bộ mà tôi phải giải quyết. Ông không nên can thiệp vào công việc riêng của chúng tôi. Người Mỹ đã làm như vậy ở Việt Nam, và xin ông hãy nhìn xem họ đã làm cho mọi chuyện rối tung lên ra sao thì biết.” Vào ngày 5/6, Head nhận được một bức điện:

"Thủ tướng đã đọc bức điện số 960 đề ngày 1/6… Ông có hai ý kiến:

(1) Tôi có nên gửi thư cho Tunku không?

(2) Cao ủy (Anh) có nên đề nghị ngầm với Lee là ông ta nênra nước ngoài trong một, hai tuần lễ gì đó không? Chúng tôikhông muốn ông ta bị bắt giam trước khi Hội nghị cấp Thủ tướng diễn ra.

H.W.”

Sau đó chẳng có tiến triển gì mới đáng cho Head báo cáo. Tunku đã đi London dự hội nghị và Razak thương lượng kín với Keng Swee về chuyện “ra đi” của Singapore.

Ngay sau khi có cuộc chia tách, vào ngày 21/9, George Thompson, Bộ trưởng Khối thịnh vượng chung của Anh, đã gửibức điện sau đây cho ngài Caradon, đại diện Anh tại Liên HiệpQuốc:

"Ý kiến bình luận nói chung của chúng tôi là tuy Lee đôi khi có tính cách gây khiêu khích thật đấy… nhưng rất có thể tìnhtrạng đổ vỡ hiện nay và sự căng thẳng trước kia vẫn có thểtránh được nếu như Tunku và người Malay có những linh hoạt hợp lý nào đó trong mối quan hệ với Lee và Singapore.”

Thompson là một người Scotland, không hiểu được suy nghĩ của người Malay. Lúc đầu tôi cũng không hiểu như ông, mặc dù tôi đã sống với họ gần suốt cả cuộc đời. Tôi đã không nhận ra lòng nghi kị thâm căn cố đế của họ đối với các dân tộc nhập cư, nhất là người Hoa, và cả nỗi sợ hãi bị lấn lướt của họ nữa. Họ phải nắm được trọn vẹn quyền lực của quốc gia, nhất là cảnh sát và quân đội. Bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng đều phải tuân theo các điều kiện của họ.

Tunku, trong một cuộc nói chuyện với một nhà nghiên cứu người Anh năm 1982, đã nói rằng ông không thể nhớ lại bất kỳ lời cảnh báo nào của Wilson hết, nhưng thừa nhận rằng ông đã chịu áp lực rất lớn trong chuyện phê duyệt việc bắt giữ tôi. Tuy nhiên, ông nói thêm:

"Không có chuyện bắt giữ Lee Kuan Yew, bởi người Hoa, trong phần xứ sở của tôi, cũng sẽ đồng tình với ông ta vì ông ta là người Hoa. Tôi không muốn có rắc rối chỉ vì ông ta, chỉ bởi vì Singapore. Nếu bạn có một cái chân đau, tốt nhất là nên cắt bỏ nó đi. Đó là những gì tôi đã làm… Tôi biết Kuan Yew là người giỏi nhất để nắm chính quyền Singapore… Tham vọng của ông ta (tại Malaysia) là vô độ.”

Có những điều khác cần cân nhắc. Nếu chúng tôi vẫn còn trong khối Malaysia, ủy ban điều tra các vụ bạo động chủng tộc năm 1964 sẽ tiếp tục nghe điều trần về những bằng chứng bất lợi cho Ja’afar Albar và UMNO, một điều mà dần dần rồi công chúng cũng sẽ biết. Rồi họ sẽ phải thẩm cung vụ tôi khởi kiện Albar và ban biên tập tờ Utusan Melayu về tội phi báng, họ sẽ phải trả lời về tất cả những điều khiêu khích họ đã viết về tôi. Điều đó sẽ có nghĩa là vạch trần các cách thức xúi giục tinh thần chủng tộc và bạo động đổ máu của các nhà lãnh đạo chủ chốt của UMNO.

Giải pháp của Tunku cho những vấn nạn này là chia tách. Singapore phải rời khỏi Malaysia và ông ta sẽ kiểm soát Singapore thông qua nguồn cung cấp nước từ Johor và những đòn bẩy áp lực khác. Vào ngày 9/8, ông đã nói với Head rằng: “Nếu chính sách đối ngoại của Singapore làm tổn hại các lợi ích của Malaysia, chúng tôi luôn có thể tạo áp lực với họ bằng cách đe dọa khóa nguồn cung cấp nước Johor lại.” Head đã trao đổi ý kiến với Bottomley rằng đây quả là “một đề nghị thật đáng kinh ngạc trong việc làm thế nào để hợp tác đối ngoại.” [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Cũng trong ngày 9/8, Tunku đã nói với Tom Critchley, cao ủy Úc, rằng: “Chúng tôi giữ thế thượng phong và Singapore sẽ phải hỏi ý kiến của chúng tôi khi quan hệ với nước ngoài.”

Tunku và Razak nghĩ rằng họ có thể đóng quân tại Singapore, ngồi xổm trên đầu chúng tôi và nếu cần thì đóng đường đê lại và cắt nguồn cung cấp nước. Họ tin, không phải là không có cơ sở, rằng Singapore không thể tự thân tồn tại nổi – có gì đáng tin cậy hơn các bài phát biểu của chính các nhà lãnh đạo PAP, kể cả của chính tôi, và lý do chúng tôi nêu ra trong chuyện này? Như Ghazali bin Shafie, bí thư thường trực của Bộ Ngoại giao, đã nói ngay sau vụ chia tách, rằng sau một vài năm bị chơ vơ một mình, Singapore sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng và sẽ bò trở về – lần này thì phải nghe theo những điều kiện của Malaysia.

Không, không thể như thế nếu tôi có thể tránh được. Nhân dân Singapore không hề có ý bò trở lại sau những gì họ đã nếm trải trong suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, o ép chủng tộc và dọa dẫm. Chắc chắn Keng Swee và tôi, hai người có trách nhiệm trực tiếp về việc chấp nhận sự chia tách này, không tính chuyện bỏ cuộc. Dân chúng đã chia sẻ cảm nghĩ của chúng tôi và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết cho sự sống còn của một Singapore độc lập. Tôi không biết trước là mình sẽ phải dành cả quãng đời còn lại để làm cho Singapore không những tồn sinh mà còn phát triển và thịnh vượng lên nữa.

Biên niên các sự kiện

16/9/1923 Lee Kuan Yew (LKY) chào đời tại Singapore.

1936–39, 1940–42 Học tại Viện Raffles và Đại học Raffles.

15/2/1942 Nhật chiếm đóng Singapore.

Tháng 9/1945 Anh giành lại được Singapore.

1946–50 Học tại Cambridge và London.

Tháng 12/1947 Kết hôn với Kwa Geok Choo tại Anh (giữ bí mật)

Tháng 6/1948 Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Malaysia và Singapore. Đảng Cộng sản Malaysia hoạt động bí mật.

Tháng 8/1950 Trở về Singapore

Tháng 9/1950 Kết hôn lần nữa với Kwa Geok Choo tại Singapore.

1950–59 Hành nghề luật, làm cố vấn luật pháp cho nhiều nghiệp đoàn.

Tháng 11/1954 Thành lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP).

Tháng 4/1955 Được bầu vào Hội đồng lập pháp theo hiến pháp mới Rendel. PAP chiếm được ba ghế. LKY trở thành lãnh tụ phe đối lập.

Các vụ bạo động của công nhân xe buýt Hock Lee, do các tổ chức cộng sản thuộc mặt trận thống nhất gây ra.

Tháng 5/1956 Thành viên trong Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng lần thứ nhất đến London, do Tổng ủy viên David Marshall dẫn dầu. Sau khi các cuộc đàm phán thất bại, Marshall từ chức, Lim Yew Hock lên thay.

Tháng 10/1956 Bắt giam các lãnh tụ cộng sản trong mặt trận thống nhất, kể cả Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và Devan Nair.

Tháng 3/1957 Thành viên trong Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng lần thứ hai đến London, do Lim Yew Hock dẫn đầu. Thỏa ước tự trị.

31/8/1957 Liên bang Malaysia độc lập.

Tháng 12/1957 PAP giành được 13 ghế trong cuộc tuyển cử Hội đồng Thành phố.

Tháng 3/1958 Cuộc họp mật đầu tiên trong số bốn cuộc họp với lãnh tụ cộng sản hoạt động bí mật Fang Chuang Pi (ông Đặc mệnh).

Tháng 6/1958 Thành viên của Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng lần thứ ba đến London. Hiến pháp về sự tự trị của Singapore được giải quyết.

Tháng 8/1959 PAP chiếm 43 trong số 51 ghế trong cuộc tổng tuyển cử theo hiến pháp mới.

4/6/1959 Các lãnh tụ cộng sản trong mặt trận thống nhất, Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và Devan Nair được trả tự do.

5/6/1959 Ở tuổi ba mươi lăm, tuyên thệ nhậm chức Thủ tưởng của bang tự trị Singapore.

Tháng 2/1960 Thành lập Ủy ban Phát triển và gia cư, do Lim Kim San làm chủ tịch. Bắt đầu chương trình nhà ở cho đại chúng.

Tháng 7/1960 Thành lập Liên hiệp Nhân dân để vận động quần chúng ủng hộ công cuộc đối lập với những người cộng sản.

Tháng 6/1961 Tunku kêu gọi phải có sự hợp tác mật thiết hơn nữa về chính trị và kinh tế giữa Malaysia, Singapore và các lãnh thổ ở đảo Borneo.

Tháng 7/1961 PAP đứng vững sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Hội đồng lập pháp.

Tháng 8/1961 13 nghị viên thân cộng tách ra thành lập đảng Barisan Sosialis.

Tháng 9/1961 LKY tiến hành hàng loạt cuộc nói chuyện trên đài truyền thanh mang tên “Đấu tranh cho hợp nhất”, tố cáo âm mưu của phe chống đối và kêu gọi ủng hộ việc hợp nhất với Malaysia.

Tháng 9/1962 Singapore bỏ phiếu hợp nhất với Malaysia qua cuộc trưng cầu dân ý.

Tháng 2/1963 Chiến dịch Coldstore; bắt giam những người cộng sản và những người ủng hộ.

31/8/1963 Singapore tuyên bố độc lập, trước cả sự ra đời của nước Malaysia.

16/9/1963 Malaysia được thành lập, bao gồm Malaysia, Singapore, Sarawak và Sabah. Indonesia tiến hành “Cuộc chiến Đối đầu” chống phá Malaysia.

21/9/1963 PAP thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Singapore. UMNO tại Singapore thua phiếu PAP tại cả ba khu vực bầu cử có đa số người Malay sinh sống.

Tháng 3/1964, 9 ứng cử viên nghị viện PAP ra tranh trong cuộc tổng tuyển cử Malaysia, nhưng chỉ có một đắc cử. Bất đồng với chính phủ liên bang tăng dần.

12/7/1964 Hội nghị do UMNO bảo trợ gồm 123 đoàn thể Malay/Hồi giáo; tổng thư ký UMNO Ja’afar Albar kích động người Malay chống LKY.

21/7/1964 Các vụ bạo động chủng tộc xảy ra tại Singapore nhân ngày thánh đản Đấng Tiên tri Mohammed, đỉnh cao của cuộc sách động kỳ thị chủng tộc do Ja’afar Albar tiến hành.

Tháng 9/1964 Bạo động chủng tộc lần thứ hai.

Tháng 1 & 2/1965 Đàm phán không thành công giữa LKY và Tunku trong chuyện “cải tổ” trong nội bộ Malaysia.

Tháng 5/1965 PAP tổ chức Hội nghị Đoàn kết Malaysia cổ động một “nước Malaysia cho người Malaysia”. UMNO kêu gọi bắt giam LKY.

Tháng 7/1965 Tunku, đang ở London, đã quyết định Singapore phải rời khỏi Malaysia.

9/8/1965 Singapore tách ra khỏi Malaysia.

Ebook được làm dựa theo bản in của cuốn sách sau:

HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU

Chịu trách nhiệm xuất bản: TRẦN ĐÌNH VIỆT

Biên tập: HOÀNG MAI

Sửa bản in: HOÀNG TÂN

Thực hiện liên doanh: PHẠM THANH LONG

Bìa: ĐẶNG KIM QUANG

Vi tính: VĂN THÀNH

In 1000 cuốn, khổ 14,5x20,5 cm. In tại Xí nghiệp In FAHASA. Giấy phép xuất bản số 233–01/XB–QLXB ngày 30/3/1999. In xong và nộp lưu chiểu tháng 9/2000.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Đỗ Đantuongmy

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3