Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 04
BƯỚC HAI
CHẠY VÀO NGÕ HẺM
Chương bốn
Trò chơi Spielberg
Tay lăm lăm tờ danh sách, tôi xông thẳng đến phòng chứa đồ, ngồi vào bàn làm việc và mở máy tính xách tay. Nhưng đến khi nhìn chăm chăm vào màn hình, cảm giác ớn lạnh và trống rỗng đột nhiên ập tới. Ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi là… Giờ thì sao?
Đây là lần đầu tiên không giáo viên nào nhắc tôi phải đến lớp. Không ai nói với tôi rằng tôi phải học gì và bài tập về nhà là gì. Tôi ghét phải thực hiện theo yêu cầu được giao, nhưng khi thiếu chúng, tôi mới nhận ra mình phụ thuộc vào chúng đến mức nào.
Mãi về sau, tôi mới biết những giây phút này quan trọng đến mức nào với một người khi bắt đầu làm điều gì đó hoàn toàn mới. Thường thì phần khó khăn nhất của việc theo đuổi một ước mơ không phải là việc bạn có đạt được nó hay không – mà là việc vượt qua nỗi sợ những điều bất định khi bạn không có kế hoạch cụ thể. Nếu bạn có một người thầy hay sếp nói cho bạn biết nhiệm vụ của mình, cuộc sống hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng chẳng có ai đạt được ước mơ từ sự an nhàn của những điều chắc chắn.
Vì không biết làm thế nào để bắt đầu các cuộc phỏng vấn, tôi đã dành cả ngày để gửi email cho những người mình quen biết hỏi xin lời khuyên. Tôi viết cho các giảng viên, cho bố mẹ hoặc bạn bè – bất cứ người nào có vẻ có liên quan mà tôi biết. Người đầu tiên đồng ý gặp tôi là một nhân viên phòng hành chính ở USC. Chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê trong khuôn viên trường một vài ngày sau đó. Khi cô ấy hỏi tôi muốn phỏng vấn ai, tôi lấy tấm thẻ danh sách ra khỏi ví và đưa cho cô ấy. Cô lướt mắt nhìn những cái tên và cười.
“Lẽ ra tôi không nên nói điều này với cậu,” cô ấy hạ giọng, “nhưng hai tuần tới Steven Spielberg sẽ tham dự một sự kiện gây quỹ tại trường điện ảnh. Sinh viên không được tham dự, nhưng…”
Mãi về sau tôi mới biết tầm cỡ của quy định này. Trong ngày đầu tiên đến trường, tất cả sinh viên ngành điện ảnh đều được hiệu trưởng cảnh báo họ sẽ không bao giờ được tham dự các sự kiện gây quỹ và thuyết phục nhà tài trợ. Nhưng lúc đó tôi không hề hay biết điều này, vì vậy câu hỏi duy nhất trong đầu tôi là: “Làm thế nào để em vào được đó?”
Đó là một sự kiện nhỏ, cô ấy nói, và nếu tôi mặc một bộ vét lịch sự, cô ấy có thể giúp tôi tham dự với danh nghĩa “trợ lý” của cô ấy.
“Này, tôi không dám chắc có thể xếp cậu ngồi cạnh Spielberg,” cô ấy nói thêm, “nhưng việc giúp cậu có mặt ở đó không quá khó khăn. Sau đó, tất cả phụ thuộc vào chính cậu. Vì vậy, nếu tôi là cậu, tôi sẽ chuẩn bị thật kỹ. Giờ thì hãy về nhà và xem tất cả các bộ phim của Spielberg cũng như đọc mọi điều có thể về ông ấy.”
Tôi đã làm đúng như thế. Ban ngày, tôi nghiền ngẫm cuốn tiểu sử dài 600 trang, còn buổi tối thì xem phim của ông. Ngày hôm đó cuối cùng cũng đến. Tôi mở tủ quần áo, khoác lên người bộ vét duy nhất mà tôi có và xuất phát.
KHUÔN VIÊN TRƯỜNG ĐIỆN ẢNH đã trở thành một thứ khác xa với định nghĩa trường học thông thường. Thảm đỏ trải dọc lối đi, những chiếc bàn cocktail chân cao xếp dọc theo khu vườn được tỉa tót gọn gàng, những nhân viên phục vụ trong bộ vét trang trọng, cầm khay đồ khai vị uyển chuyển qua lại mời khách. Tôi đứng giữa đám đông nhà tài trợ, lắng nghe hiệu trưởng tuyên bố bắt đầu sự kiện. Cô hiệu trưởng không cao hơn chiếc bục là mấy, nhưng sự hiện diện của cô thu hút mọi sự chú ý của đám đông.
Tay run rẩy, tôi chỉnh lại bộ vét và tiến lên phía trước. Đứng ngay trước mặt tôi chừng 3m, vai kề vai là Steven Spielberg, George Lucas, đạo diễn phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), Jeffrey Katzenberg, CEO hãng Dreamworks Animation và diễn viên Jack Black. Lúc mới vào, tôi chỉ hồi hộp, nhưng giờ thì tôi hoàn toàn hoảng loạn. Làm sao có thể tiếp cận Spielberg khi ông đang nói chuyện với người đã tạo ra hai nhân vật Darth Vader và Luke Skywalker nổi tiếng? Tôi nên nói gì? “Xin lỗi, George, xin ông có thể tránh sang một bên được không” ư?
Xuôi theo bài diễn văn của hiệu trưởng, tôi tiếp tục tiếp cận gần hơn. Spielberg lúc này ở gần đến mức tôi có thể nhìn thấy đường may trên chiếc áo vét màu xám than chì của ông. Ông đội chiếc mũ nồi lưỡi trai kiểu cũ, che đi mái đầu lơ thơ tóc, những vết đồi mồi hiền hậu xuất hiện quanh mắt ông. Chính là ông ấy – người đứng đằng sau những tuyệt phẩm như E.T., Jurassic Park (tạm dịch Công viên khủng long), Indiana Jones, Jaws (tạm dịch: Hàm cá mập), Schindler’s List (tạm dịch: Danh sách của Schindler), Lincoln, Saving Private Ryan (tạm dịch: Giải cứu Binh nhì Ryan) – và tất cả những gì tôi cần làm là chờ hiệu trưởng kết thúc bài diễn văn.
Những tràng pháo tay rộ lên, vang vọng khắp sân trường. Tôi cố gắng bước về phía Spielberg, nhưng chân tôi dường như hóa đá. Một khối u chẹn ngay cổ họng khiến tôi chẳng thể thốt nên lời. Tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đây là cảm giác thường thấy khi tôi tiếp cận một bạn nữ mà tôi thích ở trường. Tôi gọi nó là Ngại ngùng.
Tôi nhớ lần đầu tiên biết đến Ngại ngùng là khi mới bảy tuổi. Trong giờ ăn trưa, tôi ngồi trên một chiếc bàn ăn dài ở căn-tin trường và nhìn quanh: Ben có khoai tây chiên và bánh ngũ cốc, Harrison có bánh mỳ kẹp thịt gà tây, và đến lượt mình, tôi lấy ra một chiếc hộp nhựa đựng cơm Ba Tư phủ sốt rau xanh cùng đậu tây đỏ hầm. Ngay khi vừa mở nắp, mùi đồ ăn tỏa ra khắp nơi. Lũ trẻ quanh tôi chỉ trỏ và cười nhạo, hỏi có phải tôi ăn trưa với trứng thối không. Từ hôm đó trở đi, tôi giấu hộp cơm trưa trong ba-lô, chờ đến khi chỉ có một mình mới ăn.
Ngại ngùng ban đầu là nỗi sợ bị coi là người khác thường, nhưng tôi càng lớn lên, nó lại càng xuất hiện với nhiều vấn đề hơn. Tôi cảm thấy ngại ngùng khi lũ trẻ ở trường gọi tôi là Banayan béo ú, mỗi lần giáo viên la mắng tôi vì nói khi chưa đến lượt hay mỗi khi bạn nữ cắn môi và lắc đầu từ chối lời thổ lộ rằng tôi thích họ. Những khoảnh khắc này cứ dần tích tụ, cho đến khi Ngại ngùng trở thành một cá thể sống.
Tôi rất sợ bị từ chối và vô cùng xấu hổ khi mắc lỗi. Chính vì thế, Ngại ngùng thường khiến toàn thân tôi tê liệt vào những lúc tồi tệ nhất, khống chế dây thanh quản và biến những từ tôi thốt ra thành tiếng líu nhíu lắp bắp. Và tôi chưa từng bị Ngại ngùng khống chế nhiều như lúc tôi đứng cách Steven Spielberg có vài mét. Tôi nhìn chằm chằm vào ông, cố gắng tìm mọi cách để mở lời. Nhưng trước khi tôi tìm ra, ông đã lướt đi.
Tôi quan sát ông dạo quanh, bắt chuyện hết nhóm này tới nhóm khác, mỉm cười và bắt tay mọi người. Cả buổi tiệc dường như xoay quanh ông. Tôi nhìn đồng hồ: Tôi vẫn còn một tiếng đồng hồ. Tôi vào nhà vệ sinh nam để táp nước lạnh vào mặt.
Điều an ủi duy nhất là tôi biết có lẽ Spielberg cũng hiểu cảm giác tôi đang trải qua. Vì tôi đang cố gắng chơi ông một trò chơi khăm nho nhỏ.
STEVEN SPIELBERG BẮT ĐẦU LẬP NGHIỆP khi ông ở độ tuổi của tôi. Tôi đã đọc rất nhiều giai thoại khác nhau, nhưng theo như Spielberg thì sự thật là thế này: Ông bước lên một chiếc xe buýt du lịch tới Universal Studios Hollywood, đi lòng vòng xung quanh, sau đó xuống xe, lẻn vào một nhà vệ sinh và biến mất phía sau một tòa nhà. Ông nhìn chiếc xe buýt du lịch lái đi xa dần và dành cả ngày ở phim trường của Universal.
Trong lúc đi lang thang, ông bắt gặp một người đàn ông tên là Chuck Silvers, lúc ấy đang làm việc cho Universal TV. Họ nói chuyện một lúc. Khi Silvers biết Spielberg khao khát trở thành đạo diễn, ông đã tặng Spielberg một vé tham quan phim trường trong ba ngày. Spielberg đi đi về về suốt ba ngày tiếp sau đó, rồi đến ngày thứ tư, ông mặc vét và mang theo chiếc cặp tài liệu của bố mình. Spielberg đi đến cổng, giơ một tay và nói: “Chào Scotty!”– và người bảo vệ vẫy tay đáp lại. Ba tháng tiếp theo, Spielberg ngày ngày đến cổng, vẫy tay và đi vào trong.
Ở phim trường, ông tiếp cận những ngôi sao Hollywood cùng các giám đốc sản xuất và mời họ ăn trưa. Spielberg còn lẻn vào trường quay thu tiếng và phòng biên tập, cố gắng tiếp thu mọi thông tin có thể. Trong mắt tôi, đây chính là cách chàng trai bị trường điện ảnh từ chối làm chủ việc học của mình. Có những ngày ông sẽ nhét thêm một bộ vét vào cặp, ngủ qua đêm tại khu văn phòng, thay bộ đồ mới vào sáng hôm sau rồi lại đi ra phim trường.
Chuck Silvers về sau trở thành người hướng dẫn của Spielberg. Ông khuyên Spielberg bớt làm mấy chuyện tào lao và quay lại khi có một bộ phim ngắn chất lượng cho ông xem. Bắt đầu làm phim ngắn từ năm 12 tuổi, Spielberg đã bắt tay lên kịch bản cho một bộ phim dài 26 phút tên là Amblin’. Sau nhiều tháng điên cuồng quay và chỉnh sửa, cuối cùng ông cũng gửi bộ phim cho Silvers. Bộ phim tuyệt vời đến mức khiến nước mắt của Silvers đã phải lăn dài trên má.
Silvers cầm điện thoại và gọi cho Sid Sheinberg, Phó giám đốc Sản xuất của Universal TV.
“Sid, tôi muốn anh xem cái này.”
“Tôi có cả một chồng phim chết tiệt ở đây… cố lắm thì chắc phải đến nửa đêm mới có thể ra khỏi chỗ này.”
“Tôi sẽ đặt cuộn phim này lên chồng phim ở buồng chiếu. Anh thực sự nên xem nó tối nay.”
“Anh nghĩ là nó quan trọng đến thế à?”
“Đúng vậy, cực kỳ quan trọng là đằng khác. Nếu anh không xem nó, sẽ có người khác xem.”
Sau khi Sheinberg xem Amblin’, ông đòi gặp Spielberg ngay lập tức.
Spielberg hối hả đến trường quay của Universal và Sheinberg mời ông ký một hợp đồng bảy năm ngay tại chỗ. Và đó là cách Spielberg trở thành đạo diễn trẻ tuổi nhất của một hãng phim lớn tại Hollywood.
Khi đọc câu chuyện đó, tôi nghĩ rằng Spielberg đã chơi “trò kết nối con người” – tạo dựng quan hệ với mọi người ở trường quay. Nhưng từ “tạo dựng quan hệ” khiến tôi nghĩ đến việc trao đổi danh thiếp trong một sự kiện tuyển dụng. Đây không phải là một trò chơi đơn thuần. Đây là Trò chơi Spielberg.
1. Nhảy xuống khỏi xe buýt.
2. Tìm “tay trong” của bạn.
3. Nhờ người đó giúp mình thâm nhập.
Bước quan trọng nhất mà tôi nhận ra chính là tìm được người mang danh “tay trong” – một người trong tổ chức sẵn sàng đặt cược uy tín của mình để giúp bạn bước chân vào đấy. Nếu Chuck Silvers không tặng Spielberg chiếc vé vào cửa ba ngày, hay gọi điện cho Phó giám đốc Sản xuất và thuyết phục ông xem bộ phim, Spielberg sẽ không bao giờ có được hợp đồng đó.
Dĩ nhiên, Spielberg là một thiên tài xuất chúng, nhưng có rất nhiều đạo diễn tham vọng vô cùng tài năng khác. Không phải tự dưng mà ông có được hợp đồng đó trong khi nhiều người khác thì không.
Đó không phải phép lạ. Và đó cũng không phải may mắn. Đó chính là Trò chơi Spielberg.
Tôi nhìn mình trong gương nhà vệ sinh. Tôi biết nếu mình không thể tiếp cận Spielberg khi ông đang đứng trước mặt thì sứ mệnh của tôi sẽ kết thúc ngay trước khi nó bắt đầu.
Tôi lượn quanh buổi tiệc để tìm ông. Lúc Spielberg ở đầu sân bên kia thì tôi chuyển sang phía đối diện. Khi ông dừng lại để bắt chuyện ai đó thì tôi cũng dừng lại và nhìn vào điện thoại. Sau khi đến quầy bar để lấy một ly Coca, tôi nhìn quanh sân một lượt và chợt thấy bụng quặn thắt – Spielberg đang đi về phía lối ra.
Không suy nghĩ nhiều, tôi đặt mạnh ly Coca xuống và đuổi theo ông. Tôi cắt ngang đám đông nhà tài trợ, né những người phục vụ và len lỏi qua các bàn. Spielberg chỉ còn cách lối ra vài bước chân. Tôi đi chậm lại, cố chọn thời khắc hoàn hảo để tiếp cận. Nhưng tôi thực sự không còn thời gian để làm điều đó.
“Xin lỗi, ngài Spielberg. Tên cháu là Alex và cháu là sinh viên trường USC. Cháu có thể… có thể hỏi ngài một câu hỏi trước khi ngài ra xe không?”
Ông dừng chân và quay đầu, lông mày ông nhướn cao, vượt quá cặp kính gọng kim loại. Ông dang hai tay.
Rồi ông ôm chầm lấy tôi.
“Ta đã ở trường hàng giờ và cháu là sinh viên đầu tiên mà ta gặp hôm nay! Rất hân hạnh được nghe câu hỏi của cháu.”
Sự nhiệt tình của ông làm cho Ngại ngùng tan chảy. Và trong khi chúng tôi đi đến chỗ người giữ xe, tôi kể với ông về sứ mệnh của mình. Từng câu từng chữ tuôn ra từ trong tiềm thức. Đó không phải là một bài diễn thuyết. Đó là đức tin của tôi.
“Cháu biết chúng ta chỉ mới gặp nhau, thưa ngài Spielberg, nhưng…” – cái u lại khiến cổ họng tôi nghẹn cứng – “ngài sẽ… ngài sẵn lòng thực hiện một buổi phỏng vấn với cháu chứ?”
Ông lại dừng lại, rồi chậm rãi quay về phía tôi. Ông mím môi, đôi mắt nheo lại như cánh cổng sắt nặng nề.
“Bình thường thì ta sẽ từ chối,” ông nói. “Ta không thường nhận lời phỏng vấn, trừ khi gây quỹ hoặc công bố một bộ phim mới.”
Nhưng rồi cặp mắt của ông dịu lại. “Mặc dù bình thường ta sẽ từ chối… nhưng vì lý do nào đó, ta sẽ nói với cháu là có thể.”
Ông dừng lại và nhìn lên trời, mắt ông nheo lại, dù trời không nắng lắm. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được lúc đó ông đang nghĩ gì, nhưng rồi ông cũng hạ mắt và nhìn vào tôi chằm chằm.
“Hãy thực hiện sứ mệnh của mình,” ông nói. “Hãy dấn thân và thực hiện những cuộc phỏng vấn của cháu. Sau đó, hãy quay lại tìm ta và xem xem chúng ta có thể làm gì.”
Chúng tôi nói chuyện thêm một vài phút nữa rồi ông nói tạm biệt. Ông bước lên xe, nhưng đột ngột quay lại, đối diện với tôi một lần nữa.
“Cháu biết không,” ông nói, còn tôi nhìn ông chăm chú, “có điều gì đó trong cháu nói với ta rằng cháu nhất định sẽ làm được. Ta tin tưởng cháu. Ta tin cháu sẽ làm được.”
Rồi ông gọi trợ lý của mình ra và yêu cầu anh ấy ghi lại thông tin của tôi. Spielberg leo lên xe và lái đi. Trợ lý của ông hỏi xin danh thiếp của tôi nên tôi cho tay vào túi quần sau và lấy ra một trong những tấm danh thiếp mà tôi tự in ở phòng chứa đồ. Một từ duy nhất đột nhiên vang lên.
“KHÔNG!”
Người nói chính là hiệu trưởng trường điện ảnh. Cô vươn tay chen vào giữa hai chúng tôi rồi giật lấy tấm danh thiếp khỏi tay tôi.
“Chuyện gì đang xảy ra ở đây?” cô hỏi.
Tôi ước mình có thể bình tĩnh nói: “Ồ, ngài Spielberg yêu cầu trợ lý của mình lấy thông tin của em,” nhưng thay vào đó, tôi chỉ đứng như trời trồng tại chỗ. Tôi liếc mắt nhìn trợ lý của Spielberg, hy vọng anh ấy sẽ giúp tôi giải thích, nhưng ngay khi cô hiệu trưởng vừa thấy tôi liếc qua phía đó, cô liền ra hiệu cho anh ấy rời đi – tay trắng, không danh thiếp, không số điện thoại hay thậm chí không có cả tên của tôi.
“Lẽ ra cậu nên biết rõ,” cô cáu kỉnh nói, cái nhìn chằm chằm lạnh thấu xương. “Những việc như thế này hoàn toàn bị cấm.”
Cô ấy hỏi có phải tôi là sinh viên điện ảnh không, thái độ giận dữ ấy suýt nữa khiến tôi phải giật người lùi lại. Tôi lắp bắp, đến nỗi chính tôi cũng cảm thấy như mình đang thừa nhận đây là lỗi sai của bản thân.
“Tôi đã nói với cậu rồi”, cô đay nghiến, “tôi đã nói ngay từ ngày đầu rằng chúng tôi không dung thứ cho những hành động thế này ở đây!”
Tôi cuống quýt xin lỗi, dù không biết mình phải xin lỗi về việc gì. Tôi nói tất cả những gì có thể để trốn tránh cơn thịnh nộ của cô. Cô hiệu trưởng tiếp tục mắng nhiếc cho đến khi mắt tôi ngấn lệ. Mặc dù cô chỉ cao chưa đến một mét rưỡi, nhưng tôi cảm giác cô ấy sừng sững như một tòa tháp. Một phút sau, cô tức giận bỏ đi.
Nhưng trước khi tôi kịp di chuyển thì cô quay lại và tiến về phía tôi.
Cô nhìn tôi chằm chằm: “Ở đây có quy tắc phải tuân theo.” Cô chỉ tay ra hiệu buộc tôi rời đi.