Kí Ức Đông Dương - Chương 06

NHÌN QUÊ

I.

Cuối bãi biển Kép tỉnh Kam-pốt có một cái phố nhỏ nằm im trong hàng dừa - dừa Kép đã nổi tiếng đẹp, trông xa như một bức mành buông viền sát ngay bên bờ cát trắng mát. Đấy là những quán hàng bình thường cho khách chơi biển.

Ở đấy, nhìn sang được Hà Tiên, trông thấy cả bóng dừa và cát trắng bên Hà Tiên, cũng như đây.

Bỗng dưng tôi trông thấy Hà Tiên trong vòm cây mờ khói sóng vịnh Thái Lan một ngày chợt nắng rất hiếm hoi giữa mùa mưa Kam-pốt nặng nề. Đây đến đấy, ca-nô đi ngót một tiếng.

Bóng dừa và mép cát mà tôi thấy kia là đảo Kim Dự, đó cửa vào Hà Tiên.

Kim Dự này là núi chốt then

Xanh xanh dựng đứng cửa Hà Tiên[1]

Hà Tiên ở đầu kênh Vĩnh Tế có cảnh đẹp Tô Châu và hồ Đông. Tôi chưa bao giờ được đến những Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu, những hang Thạch Động và chơi trăng trên hồ Đông. Tôi chưa hề đi dạo dưới hàng dừa Hà Tiên nổi tiếng như dừa Kép, chưa lần nào được nghe, tiếng hát trong vườn hồ tiêu của người gái Hà Tiên đẹp đã nức lờí đồn đại. Tôi chưa có may mắn tới Hà Tiên. Nhưng văn chương quả là có thần đã làm cho cảnh với người bất tử và tuyệt vời, cứ khiến tôi những tưởng từ ngày nào đã biết:

Bãi khói dưới không hương lạ bủa

Hồ gương trong có gấm thêu rơi[2]

Và ô hay, làm sao cứ vương vấn mãi với tâm hồn Nguyễn Cư Trinh man mác một đêm trăng rải hồ Đông:

Đêm đến, ai mài giũa ra hai hòn sáng rõ

Một cho nhà trời, một cho cõi nước

Nước nói trời học đúc mâm bạc

Trời ngỡ nước điểm trang trước gương ngọc[3]

Mà đây về tới đấy, về tới Hà Tiên đất nước Tổ quốc tôi chỉ cách có vài mươi phút đường biển!

Tôi đến ngồi một nhà hàng ngay bên một gốc dừa ngả xuống mặt biển, cho được trông thật rõ Hà Tiên. Hà Tiên với mình chỉ cách có một khoảng nước xanh này mà thôi nhỉ? Trước cửa nhà hàng, một người đàn bà Việt từ bờ bể xách một giỏ cua ghẹ lên đi về phía chúng tôi. Những con cua ghẹ lớn, mai xanh, thịt đặc biệt ngọt thơm. Trong vịnh Thái Lan, thì ở Kép, ở Hà Tiên hay ở Rạch Giá, đâu cũng có. Tưởng như ở đây, hay ở Rạch Giá, ở Hà Tiên lúc này đương mùa chơi mát trên bãi bể, cũng đều có người đàn bà và những em nhỏ xách giỏ cua ghẹ vẫn ngâm sẵn dưới bể, thấy khách lạ thì rón rén tới, ngọt ngào hỏi khách có mua không.

Người đàn bà ấy quần áo đen, khuôn mặt hốc hác, lặng lẽ đến trước mặt tôi. Đôi mắt ngơ ngác lo âu. Biết đâu đây chẳng phải là một người đàn bà vốn dĩ hiền lành, một người mẹ của cô gái Hà Tiên trong vườn hồ tiêu nào đó, xưa nay chỉ biết có nghề bán cua bờ biển, thế mà cũng phải bỏ quê Hà Tiên, quê Rạch Giá, vừa trốn khỏi một cái ấp chiến lược nào đó, chạy đi, đành sống tha hương. Cái tiếng nói nhỏ nhẹ, thanh thả của các chị, các em Nam bộ, cái tiếng nghe thương nghe nhớ, như trưa nghe tiếngầu... ơ, ví dầu... êm ái ru con một ngày rất xa rồi, đã bao nhiêu năm nay, một làng vắng vẻ đầu rừng miền Đông. Tôi bỗng rưng rưng dại cả người và nghẹn ngào.

Những ngày này tôi đương trên đường xuống miền Nam Cam-pu-chia, mỗi bước đi cũng mỗi nhích gần về miền Nam đất nước tôi. Trong không khí, có một cái gì náo nức và bí mật và thiêng liêng nữa. Như ở những ngày cuối năm sắp qua năm mới, như sắp gặp ai quen. Sự mong ngóng bồn chồn, thần bí, không cắt nghĩa được. Quả là tôi đương có cảm tưởng tôi sắp gặp ai, nhưng thật là ai thì không làm sao nghĩ ra. Trước kia, tôi cũng có những người quen đến làm ăn ở đất Cần Vọt này. Nhưng bây giờ sắp gặp ai đây, thì lại không phải từ xa xôi những khuôn mặt cuộc đời nghèo khó ngày cũ của tôi hiện trở lại. Thế thì gặp ai, tôi chịu không nghĩ ra. Mà chỉ cứ phảng phất người nào mình quen biết, không hẹn mà sắp gặp cũng nên. Mỗi bước đi, mỗi bước đưa dần cái mong ước gặp gỡ lại. Tôi bắt đầu nhìn kỹ người đi trên đường. Tôi ngắm những nếp nhà tranh sơ sài của những đồng bào Nam bộ của tôi bỏ quê lên đây nương náu. Ở chợ, tôi ngơ ngác chờ, tìm nghe một tiếng nói của người mình. Tôi trông mặt, tôi đoán dáng, đoán vóc người.

Nhưng rồi chẳng gặp. Nhưng rồi lại hy vọng, lại tưởng sắp gặp.

Không, không gặp ai đâu, nào tôi có gặp ai đâu. Ấy chỉ là một nỗi tơ tưởng, khát khao đất nước quê hương mình mà mỗi bước anh đi đương mỗi lúc một gần lại, thì đất nước quê hương anh lại hiển hiện như đứng lên cho anh sắp thấy mặt, anh chỉ sắp được thấy mặt mà thôi.

Thế là thế nào? Lý trí và lương tâm con người bình thường và ngày tháng không thể yên lòng hiểu như thế được, có phải vừa một năm trước đây, tôi có dịp ra Hải Ninh. Từ bờ biển Trà Lộ ra, tôi đi trên mỏm đầu chữ S ven biển Tổ quốc trông sang đất Trung Quốc, không một bỡ ngỡ, rồi đặt chân sang đây cũng không một chút bỡ ngỡ. Thế mà hôm nay tôi phải đành ngồi bên ngoài cái mỏm cuối chữ S ven biển Tổ quốc chấm đậm bằng cái chấm Hà Tiên kia, nhìn sang mà không đến được, mà chưa đến được. Tôi ngồi đây, nghĩ các bạn Cam-pu-chia thiệt quý khách, đã giúp tôi đi trong nhân dân và trên đất nước bạn, chí tình và tôi cũng không có cảm tưởng một chút ngỡ ngàng, nhưng cứ nghĩ thế thì, cái đau Bắc Nam một dải bị chia cắt cứ càng ngấm lại càng đau và càng rõ không để yên cho cái vô lý ấy tồn tại được.

Tôi vẫn ngồi đây, ở quán nước cuối bãi Kép mà thấy Hà Tiên xanh xanh lùm cây thưa trải dài trên mặt biển, mỗi lúc nhìn một bồi hồi: Hà Tiên đấy. Ta phác một đường tay trái đi lên, theo kênh Vĩnh Tế từ Hà Tiên sang Châu Đốc rồi suốt Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu đến tận các chợ Trời bây giờ nhan nhản ở Gò Dầu Hạ. Tôi không thể tả được những sôi nổi, đau đớn, chấn động trong lòng khi tôi lại nhìn theo tay phác lên kia.

Quê hương tôi kia, mà không đến được!

Trong đau đớn hôm nay đứng đây, à tôi nhớ những Châu Đốc, Hà Tiên, những Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu, Gò Dầu Hạ... những tên quê hương cũng là tên những trận chiến thắng trong thông cáo của nhân dân giải phóng quân miền Nam, tôi thường nghe quen. Nhân dân miền Nam đương lấp bằng cái vô lý hôm nay.

II.

Chúng tôi đến Tà-keo.

Tà-keo giáp giới Châu Đốc. Tà-keo của Cam-pu-chia cũng từa tựa cảnh thị trấn miền Nam, cũng tiệm ăn, quán trà, cũng chợ, cũng bến sông.

Hương nói đùa: “Còn hai mươi ba cây, hay là ta ráng một chút, về bên Tịnh Biên. Đất Châu Đốc ta có canh chua tuyệt diệu như canh chua cá vồ Phnôm Pênh đấy”.

Phải, chẳng lâu la gì đâu, chỉ đi dấn hai mươi ba cây số nữa là đến huyện lỵ Tịnh Biên, đến Châu Đốc và Châu Đốc lại kề sông Bát-sắc, sông Bát-sắc ở đấy nước đỏ ngầu chảy xiết, ghe thuyền qua lại ồn ã, mải miết, cũng như ta thấy lúc sáng ngay dưới cầu Mô-ni-vông trên Phnôm Pênh. Và cả nhánh sông Sla-kou đầu tỉnh Tà-keo chúng tôi vừa tới cũng đương vội vã xuôi thẳng về thị xã Châu Đốc. Một chùm hoa lục bình tím bơ vơ trôi đây, chốc lát đã về tới kia. Hai mươi ba cây số! Những con số cứ chích vào người! Bằng nửa đường lên Sơn Tây. Bằng Hà Nội qua Hà Đông, chưa đến Vân Đình, chưa được phần đường Phủ Lý. Hai mươi ba cây số!

Nhưng chúng tôi vẫn lại chỉ có thể đứng đây nhìn về Tịnh Biên.

Đầu thị trấn Tà-keo, một dải nước trên đồng lầy đương lên. Chiếc đò dài lướt, có một người con gái đứng chon von đầu đò, khăn “rằn” phất phới, bóng dừa và thốt nốt lủa tủa đằng xa. Chị ấy nói gì, tôi không rõ, chỉ vẫn nghe cái giọng người con gái Nam bộ êm ái hết sức dễ thương. Đò về đằng kia mà tôi cứ tưởng đò ấy, cô em đương khoan thai cho lướt sang Tịnh Biên và chỉ ngay bên mép nước đã là Tịnh Biên, là Châu Đốc, là đất mình rồi.

Đây sang đấy, một việc thường. (Mà sao ta không thể). Chuyện những ngày cũ nhắc lại vẫn còn nghe tiếng thở dài. Ngày ấy, có lần đi tìm công việc làm, tôi đã đáp xe thổ mộ lần lần từ Sài Gòn lên Cam-pu-chia. Có gì đáng nói đâu, cái cảnh một người chạy vạy kiếm kế sinh nhai qua ngày. Con ngựa lọc cọc kéo lên Củ Chi, rồi Trảng Bàng, rồi Gò Dầu Hạ. Công việc không xong, tôi phải lần sang Xoài Riêng. Sang Xoài Riêng thì cũng như từ Tà-keo này về Tịnh Biên, chỉ uống rốn một ấm chè hay chịu khó đợi sang bên kia làm ly cà phê đá nhân thể, là đến nơi thôi. Lần tôi đi ngày ấy là như thế. Bây giờ thì từ miền Bắc phải đi vòng hàng nghìn cây số nhưng đến đây thì cũng đến được mà chỉ vài bước trở về miền Nam đất nước mình lại không về được. Thế thì cái vô lý ấy làm sao mà sống được!

Lại như Hương, đồng chí Hương cùng đi trong bọn chúng tôi. Hương đã từng chiến đấu ở miền Nam trước, có lần Hương lên chiến trường miền Đông, đã từng trèo qua dãy Bảy Núi kia.

Trông thấy Bảy Núi, phải nhớ ngay nhà thơ Cử Trị. Hơn chín mươi năm nay, những câu thơ buồn cất lên từ bến An Giang (Châu Đốc) của một tâm hôn yêu nước vẫn còn xót xa day dứt lòng người.

“Linh đinh bèo nước biết là đâu

Đậu bến An Giang thấy những sầu

Bảy Núi mây liền chim nhíp cánh

Ba dòng nước chảy cá vênh râu...”[4]

Bảy Núi, một dãy chùm bóng núi sừng sững ngay cuối cánh đồng Tà-keo, miết dài một vệt thẫm xanh, trông còn gần hơn cả núi Kam-chảy sau lưng.

Bảy Núi, Bảy Núi của Châu Đốc thân yêu ta đó. Năm xưa đất Bảy Núi làm vườn trồng chuối, thờ đạo Hiếu Nghĩa, trai gái để tóc dài, nhưng đều dốc một lòng yêu nước và kháng chiến. Bây giờ Bảy Núi ra sao? Một câu hỏi khắc sâu không lúc nào rời lòng những ai đã biết Bảy Núi. Bởi vì, ở vùng Thất Sơn bây giờ, địch lập ấp chiến lược vào tận chân núi và ta phá ấp chiến lược khiến địch ở chỗ nào cũng không thể yên. Cái trại huấn luyện “đặc biệt” của địch ở Thất Sơn luôn luôn có hàng chục tướng tá Mỹ túc trực đã mấy lần bị quân và dân Châu Đốc tấn công. Thế ra Bảy Núi vẫn tiếp tục và phát triển, càng ngày càng dũng mãnh, tinh thần yêu nước và kháng chiến. Phải chăng, có phần của người Bảy Núi muốn đem lại nỗi vui cho câu thơ buồn của Cử Trị và rửa hờn cho cha ông ta đã đổ máu chống quân cướp nước?

Bảy Núi hiên ngang trước mặt chúng tôi khiến chúng tôi cảm động như còn nhìn thấy cả người trên núi vẫy xuống. Và tôi trông lại thoáng thấy cả nỗi ngây ngất ấy ánh trong mắt Hương. Hương đã qua Bảy Núi năm nào...

Con đường, con đường cứ ngang nhiên và vô tình dẫn người đi. Buổi sáng, ở Kép, chúng tôi cách Hà Tiên bốn mươi ba cây số, rồi gần hơn còn cách Hà Tiên hai mươi ba cây số, những cột cây số chỉ rành rành, rồi mười ba, rồi mười, những chữ số cứ rập rờn trêu tức làm sao.

Kông-pông Trách rồi Tà-ni, Túc-miết, Cha-húc, Tram Sa-sa...

Nhánh sông Mak-prang nho nhỏ vừa qua ngang dưới chân chúng tôi cũng đương mải miết chảy về Giang Thành trên kênh Vĩnh Tế.

Đã đến đường rẽ Tan-hon ra biên giới.

Tôi nhìn ra, thì chỉ thấy vẫn lơ thơ nhà và vườn cây, như làng mạc ở những vùng đồng bằng khác. Trạm biên phòng của quân đội Khơ-me, mái tôn bạc, xinh xắn bình yên. Đã thưa bóng thốt nốt, cái dáng cây thốt nốt vừa e lệ vừa cứng cỏi đứng giữa đường như cô gái Khơ-me mới lớn, đến đây đã thấy vắng hơn, mà dừa, lá dừa đan lên san sát chân trời. Nghe xa, không có tiếng súng, không một làn khói đùn, như tôi hằng tưởng cảnh tượng bên kia biên giới Cam-pu-chia thật khác thế. Đồng chí Đoàn Bá Từ, phóng viên thường trú của Thông tấn xã nước ta ở Cam-pu-chia, anh đã nhiều dịp đi trong đoàn nhà báo nước ngoài ở Cam-pu-chia, được Chính phủ Cam-pu-chia mời đến xem tận nơi xảy ra những vụ binh lính miền Nam với cố vấn Mỹ xâm phạm và nhũng nhiễu biên giới Cam-pu-chia. Chúng đã giết người cướp trâu bò, có khi ném bom, lủng cả cột biên giới. Anh đã thấy tội ác và những thủ đoạn trơ tráo của giặc. Và anh thấy một sự thật đáng suy nghĩ là ở biên giới Cam-pu-chia, Việt Nam nếu quân địch không càn quét đến, nhân dân miền Nam Việt Nam không phải phẫn nộ và dũng cảm chống càn quét, khi không có bóng giặc thì nhà cửa, ruộng vườn, kênh lạch đâu đâu cũng chỉ có cày cuốc làm ăn, chỉ có bà con ta với ta, bên kia hay bên này biên giới, hai dân tộc Khơ-me và Việt Nam cũng chỉ là một người nông dân cần cù. Nhưng khi giặc tới thì nhân dân miền Nam đã đứng dậy và trong cái lặng lẽ và cần cù hàng ngày ấy đã nhảy ra những anh hùng. Cuộc chiến đấu thiên la địa võng không có mặt trận mà chỗ nào cũng là mặt trận, chỗ nào cũng khủng khiếp cho chúng, bởi vì chỗ nào cũng có nhân dân, tôi hiểu cái êm lặng nhưng khác thường ở vùng bên kia biên giới là như thế.

Đây này, chính ngày 29 tháng 10, khi chúng tôi trở lại Phnôm Pênh, đọc báo, biết tin quân giải phóng và nhân dân Châu Đốc đêm ấy đã phá tan ba ấp chiến lược huyện Tịnh Biên.

III.

Tôi đã nghe bạn nói lên Bô-ko thì trông thấy đảo Phú Quốc ở ngoài khơi vịnh Thái Lan, đối mặt tỉnh Rạch Giá.

Bô-ko - tiếng Khơ-me nghĩa là cái vai bò, nơi nghỉ mát trên dãy núi Kam-chảy cao hơn một nghìn thước ngoảnh mặt trông ra vịnh Thái Lan. Đường dốc hơn hai mươi cây số vắt ngang qua những rừng, những suối. Chốc chốc, chúng tôi lại đến một mỏm núi chênh vênh, nhìn hắt xuống thung lũng kề sát mặt biển.

Lên Bô-ko thì ngó được đảo Phú Quốc, tôi đã nghe nói thế! Nhưng đến khi thật trông thấy thì vẫn là bất ngờ. Vừa vượt một thôi đường dốc rừng, trông ra, mặt biển đã dâng bát ngát đầy mắt. Đảo Phú Quốc án ngữ ngay trước mặt. Một đầu núi chàm biếc nhô lên, rồi lô xô một cánh đồng vàng lợt, rồi lại đợt đợt núi mờ xanh vào trong xa. Đầu tiên, tôi không tin mắt tôi. Hạnh phúc đến sớm quá, khiến mình ngơ ngác. Không, chính là Phú Quốc trước mặt đấy. Chao ôi, Phú Quốc đây ư? Phú Quốc hiện ra như một cái gì ngậm sầu nuốt tủi những nhớ những mong. Trong một cảnh ngộ thế này, tôi cứ ngây nhìn Phú Quốc chơi vơi giữa biển. Lòng không buồn mà mắt rơm rớm lúc nào không biết.

Cũng là may, không ngờ. Cữ này, Kam-pốt, cái túi đựng mưa của Cam-pu-chia, đương mưa nhiều, nhiều nhất mùa mưa. Mưa đã dọa chúng tôi từ trên đường tới Kam-pốt, mưa giăng xám trời, che hẳn núi Sam bên Châu Đốc, và mờ cả núi Kam-pốt chảy ven đồng. Mưa Cam-pu-chia lặng lẽ, đột ngột mà xối xuống rất dữ, rất phũ. Nhưng chúng tôi càng tới, khi qua Kam-pốt rồi trên đường lên đây thì trời đất cứ tỉnh dần. Khi lên đến lưng núi thì quanh tôi chỉ còn lại một buổi chiều đẹp, bâng khuâng hết sức hiếm có. Chiều rồi mà còn trông thấy cả biển xa lẫn chân trời.

Mỗi khi đường vắt bên này núi, vắt bên kia núi, lại thấy Phú Quốc đuổi theo, nhấp nhô đốm biếc, đốm vàng ngang tầm mắt. Và mỗi lần như thế Phú Quốc hiện ra một vẻ mới, một hình thù mới, như một con rùa, một con giải, nổi lên mênh mông, đương ườn dài chân tay trên mặt biển sương chiều.

Chiều đã muộn rồi mà trở đi trở lại, vẫn Phú Quốc. Lúc thì Phú Quốc lấp bóng ngay đầu núi, lúc thì Phú Quốc dang rộng giữa mù khơi, có khi Phú Quốc loáng thoáng sau những mảnh sương, từng mảnh sương, những mảnh sương bay luồn qua khe rừng thưa. Mỗi lúc một dáng. Mỗi phía một khác. Phú Quốc chiều ấy khoe mình, hết sức khoe mình trước những con mắt khát khao đương ròi rõi tình quê của chúng tôi.

Trời biển đã mờ chập vào nhau. Mà chúng tôi còn cố níu nhìn Phú Quốc. Trên mỏm đá đen kỳ lạ nổi tiếng đầu chùa Năm-thuyền cheo leo nhìn xuống, rõ ràng tôi vẫn thấy nhòa nhòa bóng Phú Quốc bơi lại phía này.

Đêm nay tôi thức, tựa lưng và cái đầu nặng trĩu vào Phú Quốc. Trong tôi nhơ nhớ dung nhan Phú Quốc nguy nga và âm thầm những đồi, núi, những rừng, ruộng. Có vạn chài đánh cá, như vạn chài vịnh Hạ Long, vạn chài Mũi Né, những vạn chài ở khắp các cửa biển quê ta. Có quân giải phóng với nhân dân. Có phải ngồi một mình giữa biển kia, đêm đêm Phú Quốc không ngủ? Nhưng Phú Quốc không vò võ, không ngậm sầu nuốt tủi. Phú Quốc và cả miền Nam đương sôi sục trầm mình ngày đêm vào cuộc chiến đấu giải phóng.

Gió biển đêm từ ngoài khơi thổi lên đầu núi, lùa dài qua những khu cửa lớn, sôi lên, réo lên. Gió của Phú Quốc. Tôi thức nghe gió Phú Quốc vào đây. Như nói rằng Phú Quốc vẫn thức, Phú Quốc hùng vĩ giữa đêm tối, thở hơi thở của mảnh đất tuyệt vời từ biển cả và bao phủ lên chúng tôi.

Sáng sớm đã bổ ra sân thượng khách sạn, tôi lại vội vã nhìn Phú Quốc.

Một đêm đợi sáng để lại trông ra Phú Quốc, thật là dài. Trong đêm ấy, một giờ một phút ở Phú Quốc, ở Rạch Giá, ở Hà Tiên và trên hai sườn biển bao quanh miền Nam thân yêu, những gì đã xảy ra? Những trận đánh, những cuộc mít tinh ồ ạt biểu dương sức mạnh vô địch của quần chúng. Nhà máy điện của địch ở giữa trấn trên đảo bị tấn công sập đổ. Những kho xăng cháy ngất trời.Cả ngàn thuyền tiếp tế, tải quân chuyển động trên sông, trên biển. Những ấp chiến lược bị phá, cả đàn máy bay lồng lộn đêm tối, và những đèn chiếu, những phuy-đê xanh đỏ đầy trời… gì nữa, gì nữa. Đêm miền Nam cách mạng và kháng chiến bây giờ đương hừng hực bời bời.Một đêm đã qua thế nào? Phú Quốc tuyệt nhiên không giống hôm qua đâu.

Thật đấy, Phú Quốc buổi sáng nổi bóng xanh một màu xanh mới nhất. Nắng lóe lên, xóa vội những đám mù trắng mỏng lững lờ còn sót lại. Rồi một màu xanh khác trong muốt cứ đậm dần lên và thế là cả một thinh không xanh xanh cũng hòa lẫn xuống với nền xanh nước ấy.

Lúc này, rừng biếc Phú Quốc và đồng vàng óng, rõ nét hơn chiều qua.

Không cần ống nhòm cũng thấy mặt bể buổi sáng. Nước lượn vằn vèo từng luồng quanh đảo. Nhưng quanh đảo Phú Quốc không có thuyền đánh cá như những buổi sáng lặng biển quen thuộc và bình thường. Không một bóng thuyền đánh cá.

Chỉ có những chiếc xuồng máy của địch canh biển chạy quanh, từng chiếc đi mỗi phía, cô độc, thui thủi, lừ đừ như những con bọ dừa bơi trên mặt nước bây giờ lại vàng ánh trời.

IV.

Tôi về Kép, đến cuối bãi biển Kép, và ngồi đây, ngồi nguyên dưới gốc cây dừa ngả trông sang Hà Tiên. Trong ánh nắng đan bóng dừa, tôi đã thấy Hà Tiên bên này và bây giờ lại thuộc bóng Phú Quốc xa xa. Những hòn đảo to nhỏ lấm tấm trên biển Thái Lan vẫn hoạt động. Một lần nữa Phú Quốc rạng rỡ dáng mới. Khác nào Phú Quốc vẫn vờn theo chúng tôi, còn cố vờn theo chúng tôi, trước khi chia tay.

Từ đây nhìn ra thì thấy Phú Quốc ngả dài cả bốn mươi tám cây số thân mình mượt mà trên mặt biển, uy nghi phủ phục như một con rồng trong tranh cổ, đầu thì cất cao, rõi mắt vào đây. Dưới chân, biển vẫn xanh, càng xanh, xanh sáng một vệt dài kẻ phóng ra biển Đông.

Chúng tôi sắp giã từ bóng đảo và Hà Tiên, với cả miền Nam anh hùng, để đi ngược lên phương Bắc, để trở về Tổ quốc. Cái vô lý của chuyến đi ngược đường lại bồn chồn trong lòng. Nhưng đi trở lại hàng nghìn cây số, mà tôi đinh ninh rằng một ngày gần đây, nếu thăm Cam-pu-chia, mình sẽ ra chơi Phú Quốc và về Hà Nội theo đường vào Rạch Giá rồi lên Sài Gòn. Nhất định thế.

Chúng tôi sắp đi, tình cờ gặp một chuyện.

Buổi trưa ấy, ở nhà hàng Xanh da trời trên bãi biển, khách ăn đương đông.

Người bạn Khơ-me cùng đi, bỗng cười, bảo chúng tôi:

- Này, trong các anh, có ai đã đánh trận Điện Biên Phủ thì nên đến làm quen với lão quan năm thầy thuốc kia. Người quen cũ đấy.

Câu hài hước thình lình hướng tôi nhìn sang góc cửa sổ, có một đám người Âu, cả đàn ông đàn bà và trẻ con đương ngồi quanh bàn ăn. Trước mặt họ, cả một bàn dài là những thức ăn cho khách chơi bể, đầy tú ụ, bày ràn rạn, kềnh càng và phức tạp một cách thú vị, nào những cua ghẹ mai xanh luộc để cả con, những đĩa tôm, những mực tươi, những đĩa sò nướng cứ vắt chanh vào mà hút tươi nguyên xi như thế. Chen giữa mấy cái gáy béo nung núc đương cắm cúi, mải miết ăn, đột ngột nổi gồ lên một cái đầu hói đỏ gấc, to đến bằng quả bí đại.

- Lão ta đấy.

- Thì ra, năm trước, lão ta là quan năm thầy thuốc trong quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ “khủng khiếp”. Lão ta đã giơ cả hai tay run rẩy dưới mảnh cờ hàng vải trắng, lão chui hầm ra đứng cúi đầu trước các chiến sĩ quân đội ta. Từ ngày được thả, giải ngũ, lão ta xin đến trú ngụ kiếm ăn ở đất này và làm việc cho cái nhà thương tư Boát-Si-E. Đã được bảy, tám năm nay.

Người bạn Khơ-me của tôi có nhận xét:

- Hồi mới về đây ông ấy gầy lắm. Bây giờ thì béo rồi.

Ngẫu nhiên mà câu chuyện vừa bi đát vừa hài hước về số phận một con người ấy gợi lên trong tôi những hình ảnh rất khác nhau, nhưng rành rọt. Kia là Hà Tiên, là Phú Quốc, là miền Nam thân yêu của chúng ta. Nhân dân miền Nam đương nắm cổ dẫn bọn Mỹ xâm lược vào con đường tới Điện Biên Phủ, lại “một Điện Biên Phủ khủng khiếp”!

Vậy thì lo trước rằng khi ấy chẳng có cái nhà hàng Xanh da trời nào chịu chứa chấp người Mỹ ngồi ăn nữa đâu.

* * *

[1][2], Hai bài thơ Nôm, “Đảo Kim Dự” và “Nam phố trùng ba” của Mạc Thiên Tứ (1718-1780).

[3] Bài “Đồng hồ ấn nguyệt” của Nguyễn Cư Trinh. Ca Văn Thỉnh dịch.

[4] Bài “Bến An-giang” của Phan Văn Trị tức Cử Trị (1830-1910) làm khi qua Châu Đốc, lúc ấy ba tỉnh miền Tây Nam kỳ vừa mất vào tay giặc Pháp (Theo “Thơ văn yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ 19”. Bảo Định Giang sưu tầm và chú thích).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3