Kiều Kiều Vô Song - Chương 44
Kiều Kiều Vô Song
Chương 44: Người tri âm
https://gacsach.com
Lúc này, Tần Tiểu Thảo bên cạnh nói: “Tiểu cô, có lẽ lang quân Tiêu Dịch có việc gấp muốn nhờ người giúp đỡ đấy.” Nàng ta vừa nghĩ đến lang quân thế gia cỡ đấy, còn là mỹ nam nổi tiếng đến nhờ vả tiểu cô nhà mình liền kích động quay đầu nhìn Cơ Tự ngồi trong xe lừa, hai gò má ửng đỏ.
Trong xe lừa, Cơ Tự suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Dù có việc đi nữa, chúng ta cũng không cần gấp gáp. Đi về trước đã.”
“Vâng.”
Lúc xe lừa chạy về phía trang viên nhà mình, Cơ Tự nghe thấy tiếng kêu sợ hãi của Tôn Phù bên ngoài: “Nữ lang, không, tiểu cô, nơi này xảy ra việc lớn rồi, có rất nhiều người của quan phủ.”
Người của quan phủ ư? Cơ Tự giật mình, ló đầu ra nhìn. Quả nhiên bên phải ngõ hẻm có mười mấy quan binh ngang nhiên xông vào một sân viện có tường rào.
Cơ Tự còn đang suy nghĩ thì đã thoáng thấy sắc mặt Tần Tiểu Mộc, Tần Tiểu Thảo đều trắng bệch, bèn hỏi ngay: “Xảy ra chuyện gì?”
Tần Tiểu Mộc quay lại nhìn Cơ Tự, nghiêm túc nói: “Tiểu cô, người thấy thước dây và thước cây trong tay mấy người kia không? Mấy người này lại đến đo đạc đất đai đấy ạ?”
Tần Tiểu Thảo lẩm bẩm: “Mới mấy năm thôi mà đây đã là lần thứ ba rồi...”
Cơ Tự thấy họ khẩn trương như vậy, liền dè dặt hỏi: “Những người này đo đạc đất đai để làm gì?”
“Là như vậy.” Tần Tiểu Mộc giải thích, “Mấy năm qua không phải càng ngày càng nhiều người giàu có đến Kiến Khang sao? Không nói gì khác, chỉ nói đến nhà mẹ đẻ của Thái hậu thôi. Trước kia họ thuộc tầng lớp hàn môn, không có trang viên đàng hoàng gì trong thành Kiến Khang cả. Chắc chắn bây giờ họ muốn giống các đại sĩ tộc, xây dựng địa bàn riêng ở Kiến Khang...”
Không đợi y nói hết, Cơ Tự đã hiểu ra ngay: “Nói cách khác, họ không dám động đến nhóm đại sĩ tộc, nhưng chúng ta thì thì không hề kiêng dè sao?”
Trang viên của Cơ Tự tuy nhỏ, tuy hẻo lánh nhưng dù sao nó cũng ở Kiến Khang. Dù Cơ Tự có khế đất nhưng khế đất kia thuộc tiền triều, bây giờ triều đại thay đổi, nếu quan phủ mượn cớ đo đạc đất đai lần nữa để chiếm đoạt thì nàng thật sự không thể cản nổi, và cũng không thể thưa kiện ai được.
Thấy Cơ Tự đã hiểu ra, Tần Tiểu Thảo run run nói: “Tiểu cô, mấy năm nay chúng tôi đã ứng phó với ba lượt nha dịch rồi. Mỗi lần có cường hào nào muốn an cư tại Kiến Khang là sẽ phái quan binh lấy danh nghĩa đo đạc đất đai đến quấy rầy một lần. Mấy lần trước kia, chúng tôi đều nhờ vào địa thế hẻo lánh, khu núi rừng phía sau trang viên lại không dùng được nên tránh khỏi. Nhưng dù như vậy, Ngô Trịnh thúc thúc và mọi người trong trang viên đều phải dùng hết cách mới giữ được phủ. Bây giờ họ lại đến nữa.”
Nàng ta cực kỳ sợ trang viên bị chiếm đoạt, răng va vào nhau lập cập: “Nô tỳ ngốc quá, bây giờ đâu còn như trước nữa. Tiểu cô chúng ta lợi hại như vậy, trong nhà còn có nhiều tiền. Với lại, chúng ta đã có nhà ở Ô Y Hạng, dù sao đi nữa cũng không đến nỗi thành kẻ ăn mày ngoài đường.”
Xe ngựa vừa đi vào, Cơ Tự liền thấy Trịnh Ngô dẫn theo tất cả hạ nhân xếp hàng chỉnh tề đứng chờ trong viện, đợi nàng hạ lệnh. Cơ Tự có thể nói gì bây giờ?
Nhìn họ một lượt, nàng đành bảo: “Các người khoan hoảng loạn đã, ta đi tìm người giúp đỡ.”
Trang viên nhà mình chỉ cần còn ở trong thành Kiến Khang thì vĩnh viễn sẽ bị người ta dòm ngó, tránh được lần này cũng không tránh khỏi lần sau. Mấy cường hào kia mượn thế lực quan phủ ép bức nàng, nhưng nàng lại không thể làm gì được họ. Muốn giữ được trang viên này, chỉ còn một cách là cầu cứu Tạ Lang thôi.
Cơ Tự lập tức triệu gọi Dữ Trầm, Lê Thúc và mấy hộ vệ, bảo Tôn Phù đánh xe: “Đi, đến Ô Y Hạng.”
Tôn Phù hiểu ý của nàng, vâng dạ rõ to, giục xe lừa đi. Nhìn bóng dáng đoàn xe rời đi, nhóm Trịnh Ngô ngơ ngác nhìn nhau. Họ thật sự không rõ tiểu cô nhà mình vừa đến Kiến Khang, còn chưa quen thuộc mọi thứ nơi đây, nói đi tìm người giúp là đi ngay, tự tin này đâu mà có?
Lát sau, xe lừa Cơ Tự đã đến Ô Y Hạng, còn cách cả con phố nhưng đã cảm nhận được dòng dõi hùng tráng Trần Quận Tạ thị kia. Dòng dõi như vậy chỉ vừa nhắc đến đã khiến người ta sợ hãi, bây giờ đứng nhìn từ xa, cũng không biết tại sao, Tôn Phù lại không dám đánh xe tiến đến. Dù khi nãy nhóm Dữ Trầm, Lê thúc vẫn còn cười nói cũng đã im bặt. Họ đồng loạt quay đầu nhìn về phía xe lừa, Tôn Phù khẽ gọi: “Nữ lang...” Y thoáng nhỏ giọng lại, “Tiểu cô, nô tài không dám...”
Thật ra hai chân Cơ Tự cũng mềm nhũn rồi. Tuy nàng từng nói với đám hạ nhân, Cơ thị cũng là môn phiệt sĩ tộc. Dù câu cửa miệng của nàng là “vương hầu tám trăm năm” nhưng khi thật sự đặt chân đến nơi này, ngước nhìn phủ đệ quý phái kia, Cơ Tự mới biết được cái gì gọi là cao không thể với.
Mấy người họ trân trối nhìn nhau hồi lâu, Cơ Tự mới quyết tâm ra lệnh: “Tìm một chỗ đỗ xe, Tôn thúc, thúc với Dữ Trầm đến đó, trình ngọc bội của Tạ Thập Bát hỏi thăm thử xem.”
“Vâng.”
Nhìn tấm lưng càng đi càng khòm xuống của Tôn Phù và Dữ Trầm, Cơ Tự thầm nghĩ: Họ đúng là không gan dạ chút nào.
Hai người họ trở lại rất nhanh, vừa đến Tôn Phù đã nói ngay: “Tiểu cô, Tạ Thập Bát lang không có ở nhà.”
“Không ở nhà ư?” Cơ Tự thất vọng, nàng vội hỏi, “Vậy có nói Tạ Thập Bát đi đâu không?”
Tôn Phù trả lời: “Việc này tiểu nhân có hỏi nhưng họ nói, dạo gần đây Tạ Thập Bát lang thường đến Huyền Học quán hoặc Tư Biện đường ạ.”
Cơ Tự thở phào nhẹ nhõm, lẩm bẩm: “Chỉ cần không rời khỏi Kiến Khang thì tốt rồi.”
Lúc xe lừa chạy về phủ, Tôn Phù vẫn còn kêu ca: “Tiểu cô, thật không hổ danh là Trần Quận Tạ thị, ngay cả người giữ cửa cũng quý phái hơn cả lang quân ở huyện Kinh mà tôi từng gặp nữa. Tiểu cô biết không, sau khi gã sai vặt nhận lấy ngọc bội, nhìn hồi lâu rồi mới đi vào phủ hỏi thăm, trở ra đã khách khí với tôi hơn nhiều. Họ còn nói bóng gió muốn biết tiểu cô là ai nữa. Nhưng không được tiểu cô cho phép tôi cũng không dám trả lời, chỉ đáp qua loa thôi.”
Cơ Tự trong xe ngựa trả lời: “Thúc làm rất tốt.”
Song điều khiến Cơ Tự thất vọng là, ngày hôm sau, hôm sau nữa, nàng đến Huyền Học quán và Tư Biện Đường đều không nhìn thấy bóng dáng Tạ Lang đâu.
Cơ Tự phân tán nhóm hạ nhân, bảo họ đi nghe ngóng lộ trình của Tạ Lang hoặc đám người Tạ Quảng. Không đến một khắc sau, Tôn Phù trở lại, y vui mừng nói: “Tiểu cô, hỏi ra tung tích của lang quân Tạ gia rồi ạ. Người đang ở hồ Minh Tâm phía Đông Nam sông Trường Giang Kiến Khang, trong hồ kia có một hòn đảo, nghe nói là có đại nhân vật nào đó sắp sửa đến Bắc Ngụy, nên lang quân Tạ gia dẫn theo mấy trăm gia kỹ mở tiệc đưa tiễn. Có rất nhiều người cũng muốn đi xem, nhưng họ đều sợ nước nên không dám đến đấy.”
Nghe đến đây, Cơ Tự cao hứng trở lại, mỉm cười nói: “Bọn họ sợ nước nhưng chúng ta không sợ, đi, đến cầu kiến Tạ Thập Bát.”
Bên ngoài Tôn Phù vui vẻ vâng dạ, đánh xe lừa. Lát sau, Cơ Tự và mấy gia phó đã đến bên hồ Minh Tâm. Khi ấy mặt trời dần ngả về Tây, ráng chiều soi xuống mặt hồ lấp lánh, đẹp tựa mộng ảo. Thấy cảnh sắc này, Cơ Tự bèn cầm lấy thanh tiêu ngọc trong tủ xe, cất trong tay áo rồi ra lệnh: “Thúc, đi chuẩn bị một chiếc thuyền lá đến đây.”
Lần này người nghe lệnh là Dữ Trầm. Trong nhóm hạ nhân của Cơ Tự, Dữ Trầm là người giỏi chèo thuyền nhất. Chốc lát sau, Dữ Trầm chèo chiếc thuyền lá đến, sau khi dặn dò nhóm Tôn Phù vài câu, Cơ Tự trang điểm tỉ mỉ, vén váy lụa nhảy xuống thuyền.
Thuyền lá còn chưa trôi đến giữa hồ, nàng đã nghe thấy tiếng chuông nhạc. Thế mà lại là chuông nhạc cơ đấy, Cơ Tự thầm hối hận tại sao mình không dẫn Tần Tiểu Thảo đi theo. Con thuyền nhẹ chuyển hướng, một tòa lầu ba tầng có hành lang chạm rỗng xung quanh hiện ra trong tầm mắt nàng. Thuyền nhẹ lướt đến trước, nàng thấy được một lang quân mặc bạch y, tóc đen buông xõa choàng qua vai, áo bào bay phấp phới đang gõ chuông nhạc.
Lúc này ánh trời chiều đỏ như lửa, bao phủ thiên hạ trong một màu rực rỡ. Đàn cò trắng bay lượn soi bóng xuống hồ nước trong veo. Ánh tà dương chiếu lên người lang quân bạch y, khiến động tác ung dung gõ chuông nhạc của chàng toát lên nét trang nghiêm cổ kính.
Bất chợt tầm nhìn của nàng bị khe núi ngăn trở, đâu đó truyền đến một tiếng đàn. Đây chính là khúc nhạc Hoa Tư Dẫn hoàng đế lưu lại. Trong lúc tiếng đàn ngân lên, tiếng chuông nhạc đột ngột chuyển nhịp thành thể hòa âm.
Ngay sau đó thêm tiếng đàn sắt truyền đến, nghe một hồi Cơ Tự liền hiểu ra. Những người này đang dùng khúc nhạc được cải biên từ Đại Nhã Chủng Dân trong Kinh Thi để làm nhạc đệm cho Hoa Tư Dẫn.
Đúng lúc này, thuyền lá của Cơ Tự đã hoàn toàn chuyển hướng về phía chính diện tòa lầu. Chỉ thoáng nhìn nàng đã nhận ra ngay người đang đứng dưới lầu các, thong thả gõ chuông nhạc với tư thái tiêu sái kia chính là Tạ Lang. Người ngồi trên chiếc thuyền lá bên mặt hồ đánh đàn cổ là một quan viên gần ba mươi tuổi, đầu đội khăn quan, vẻ mặt nghiêm trang. Còn người gõ đàn sắt là một lang quân gầy gò. Trước mặt mọi người là mấy trăm ca kỹ mặc bào phục đỏ thắm, đầu đội mũ chư hầu, thướt tha múa điệu vũ của thời Chu.
Nhìn kỹ mấy trăm ca kỹ kia ai ai cũng dung mạo xinh đẹp, tuy mặc bào phục quan viên nhưng tư thái yểu điệu, xem ra họ chính là gia kỹ của Tạ Thập Bát đang giả trang thành quan viên Tiền Tần, diễn lại cảnh thái bình của thời đại ấy trước mặt tất cả danh sĩ rồi.
Nhìn nhóm gia kỹ, bỗng Cơ Tự hiểu ra tại sao lang quân sĩ tộc Kiến Khang xưa nay không ham thích nữ sắc. Cũng phải thôi, bất kỳ một gia tộc nào nếu có dễ dàng sở hữu trăm gia kỹ xinh đẹp thì về mặt nữ sắc nhất định đã sớm nhìn quen đến mức chán ngán. Thế gian này thứ có thể khiến họ chú ý chính là phong thái đáng để ngưỡng mộ giống cảnh thiên nhiên hùng vĩ có một không hai mà thôi.
Trong âm thanh chuông nhạc du dương cổ xưa theo gió chiều chầm chậm truyền đến, Cơ Tự trên thuyền từ từ đặt tiêu ngọc lên môi. Bấy giờ tiếng chuông nhạc, tiếng đàn, tiếng sắt đều tiến vào bước chuyển ngoặt, tựa như những cao nhân viễn cổ đang bôn ba giữa chốn non xanh nước biếc, mỉm cười ngắm cảnh non sông gấm vóc.
Tiếng tiêu của Cơ Tự bất chợt vang lên, âm thanh réo rắt nức nở, giống như gió rít gào trong cõi đất trời, giống như linh hồn của đất gầm thét vọng về từ cõi xa xăm mang theo vài phần ai oán.
Bất kể những người đang ngồi trong lầu các trên đảo, hay những danh sĩ đang ngồi thuyền trôi dạt quanh đảo đều đồng loạt kinh sợ. Bởi vì tiếng tiêu kia cường thế đan xen khiến khúc nhạc viễn cổ khoan thai bỗng chuyển hướng từ bi thương sang hùng tráng. Giống như tất cả anh linh từng thống trị mảnh đất này sau khi nhớ lại thời đại huy hoàng, quay đầu nhìn thấy nơi nơi lầm than, bắt đầu rơi lệ.
Tiếng tiêu này phù hợp với khúc Hoa Tư Dẫn và Đại Nhã Chủng Dân một cách kỳ diệu, nó cô độc như thể cánh nhạn đơn côi than khóc giữa trời, thoáng cái đã đẩy cả bản hòa âm lên cao trào, thoáng cái đã khiến tất cả danh sĩ bắt đầu rưng rưng nước mắt.
Bởi vì hôm nay người gảy đàn kia tên là Trần Thái Trọng, y chuẩn bị rời khỏi Kiến Khang đi sứ Bắc Ngụy. Đó chính là vùng đất hổ sói, lần này Trần Thái Trọng e rằng lành ít dữ nhiều, chúng danh sĩ tụ họp tại đây để tiễn đưa y.
Xưa nay sinh ly và tử biệt là việc đoạn trường nhất nhân gian. Nhưng mọi người nơi đây bao gồm cả Tạ Lang đều là người phong lưu chân chính, họ đưa tiễn không cần đến nước mắt, càng không cần ồn ào, họ chỉ muốn tặng cho người bạn của mình một khúc ly ca trong cảnh sắc sơn thủy tú lệ của cố hương.
Đây cũng là một thời đại vô cùng cô độc. Bất kể là anh hùng Tôn Quyền, gian hùng Lưu Bị hay kiêu hùng Tào Tháo thời Tam Quốc đã khuất núi kia, họ đều chưa có được giang sơn này. Còn kẻ giành được non sông gấm vóc nơi đây lại chẳng xứng với một chữ hùng nữa kia. Trong huyết mạch của Tư Mã Ý thiếu hụt máu anh hào nhưng lại có lắm bản lĩnh mưu hại hào kiệt. Để từ đó về sau, suốt hai trăm năm qua, thế gian này chẳng còn hùng kiệt nào nữa cả, có chăng chỉ là vương triều đầy rẫy mưu mô mà thôi.
Cơ Tự lựa chọn thời cơ đưa tiếng tiêu vào khúc nhạc quá khéo, nó như tiếng gió rít, tiếng nhạn kêu, thêm chút nức nở cho tiếng chuông nhạc xưa cổ, tiếng đàn cao nhã và tiếng đàn sắt xa xăm; khiến bản nhạc thịnh yến này dần trở nên hoàn mỹ.
Tất cả danh sĩ không ai dám quay đầu lại là vì họ không nỡ bỏ qua khúc nhạc hoa mỹ đến cực điểm nhưng cũng bi hùng đến tột độ này. Mười mấy nam nhi mũ miện đai lưng đều nhắm nghiền hai mắt, chú tâm lắng nghe tiếng nhạc như thể âm hưởng của đất trời.
Lúc này những vũ kỹ kia đã không còn theo kịp tiết tấu, chỉ có thể tái diễn lại phong thái đi qua đi lại, xoay ngang xoay dọc của quan viên thời Tần thôi.
Không biết qua bao lâu, khi tất cả tiếng nhạc đều dần dần lắng xuống, quan viên trung niên tấu lên nốt cuối cùng rồi bỗng đẩy đàn ra, cất tiếng cười to: “Sảng khoái, sảng khoái, quá sảng khoái, mang rượu đến đây.”
Trong tiếng cười sang sảng của người nọ, mấy chục đôi mắt đều quay lại. Họ nhìn thấy tiểu cô xinh xắn mặc váy lụa mỏng đứng trên thuyền trong gió xuân. Giờ phút này tay nàng cầm tiêu ngọc, mắt như làn thu thủy mỉm cười nhìn mọi người, toát lên khí khái khoáng đạt, như thể cảnh sắc xung quanh đều làm nền cho nàng.
Sau khi Cơ Tự cầm tiêu ngọc thi lễ với chúng danh sĩ, liền quay người liếc mắt ra hiệu cho Dữ Trầm. Thế là chiếc thuyền lá lại nhẹ nhàng chuyển hướng, quay đầu trở về.
Bấy giờ, chúng danh sĩ mới giật mình, họ lập tức hiểu ra, cô nương khi nãy do kìm lòng không đậu nên mới hợp tấu cùng mọi người, thế nhưng bây giờ lại vì kiêng dè nên ngại ngùng rời đi. Nhìn bóng dáng yểu điệu lướt đi kia, một danh sĩ cảm khái thở dài: “Tiếng tiêu này thật tuyệt.”
Một danh sĩ khác cũng gật đầu: “Nhờ có tiếng tiêu hòa tấu nên cuộc thịnh yến này mới trở nên có một không hai.”
Cũng có danh sĩ ôm bình rượu cất tiếng ngâm nga làm thơ khen ngợi.
Còn phía sau họ, Tạ Lang bạch y phất phơ vẫn đứng im lìm trên tầng ba lầu các đăm đăm nhìn về phía Cơ Tự rời đi...