Kim Sơn Hồ Điệp - Chương 22
Kim Sơn Hồ Điệp
Chương 22: Đồi Telegraph (2)
A Phúc ngẫm nghĩ rồi nói, “Nợ tiền dễ giải quyết, có số tiền rõ ràng, bao nhiêu tiền là bao nhiêu; nợ tình mới khó làm, không những không tính được mà sẽ luôn cảm thấy thiếu nợ cả đời.”
Ngụm cháo nghẹn trong cổ họng Hoài Chân, cô chợt cảm thấy nặng nề.
Qua một hồi, A Phúc nói tiếp, “Có điều nếu tốt thì cũng may, ở Mỹ đây, người ta qua rất thích ‘lợi dụng lẫn nhau’ rõ ràng; chú trọng lợi ích thực tế, không được nhân tình như người Trung Quốc. Mọi thứ rõ ràng, đổi chác công bằng, tất cả cùng vui.”
Nói rồi ông gặm hai miếng chân gà ướp tỏi, trả mười cent rồi phủi tay, nói với Hoài Chân: “Đi!”
Ra khỏi tiệm trà Quảng Đông, ông dẫn cô đi thẳng đến một cửa tiệm ở đường Jackson. Mặt tiền cửa tiệm rộng rãi, đi vào cửa có một tủ quầy, ở hai bên có lối đi có mấy hồ cá. Trong tiệm có một tiểu nhị cùng một chưởng quầy, chân trần bẩn thỉu đi lui đi lại trên mặt đất, cầm một cái túi lưới trong tay cho khách. Đã quá trưa nên khách không nhiều, tất cả đều đứng trên lối đi nhầy nhụa bốc mùi, chỉ điểm tiểu nhị cạo vảy trên thớt; cùng lúc đó, những chiếc vảy bay vèo vèo tán loạn.
Một con ruồi bay qua dưới mắt Hoài Chân. Cô đứng ngoài cửa hắt xì một cái rồi đi theo A Phúc vào sâu trong tiệm.
“Một lạng vi cá.” A Phúc nói.
Lúc này ở phòng sau có người vén rèm lên, một người phụ nữ luống tuổi đi ra. Tóc bà ướt nhẹp, cầm khăn che đầu, chén sứ trong tay xới đầy cơm, vừa thấy A Phúc lập tức đặt chén xuống, đi đến nói, “Anh A Phúc, cũng nhiều năm rồi không thấy anh lại mua vi cá, còn nấu được súp vi cá không?”
Nói đoạn bà cầm lấy một sợi dây thừng vi cá treo cao, nghiêng đầu đi ra đưa cho A Phúc, rồi lại đi vào lấy túi giấy đựng tôm khô làm đồ tặng. A Phúc thuận tay đưa cho Hoài Chân cầm, sau đó lấy ra năm mươi cent từ trong túi tròn trả bà chủ.
Ra khỏi tiệm cá, trên đường về phố Grant Ave, ông lại tạt vào tiệm tạp hóa mua bình rượu hoa điêu đưa cho Hoài Chân xách. Tiệm tạp hóa này chỉ là tiệm tạp hóa vô cùng bình thường, không phải kiểu “đầu dê thịt chó” như ở bên kia.
Ra khỏi cửa, Hoài Chân không nén nổi hỏi: “Đều treo cùng một bảng tiệm tạp hóa, vậy có khi nào có người đi nhầm không ạ?”
A Phúc bật cười không đáp. Đợi đi ra xa, không còn trông thấy tiệm tạp hóa trong con hẻm kia nữa, A Phúc mới đưa tay chỉ: “Con có thấy thứ sơn trên tường không?”
Hoài Chân nhìn lại theo hướng ông chỉ, chỉ thấy ở một góc tường bên ngoài tiệm, không biết dùng loại sơn gì xịt nên hình vẽ graffiti màu xanh lá cây – là thứ bình thường chỉ có thể dễ dàng trông thấy ở thế kỷ hai mươi mốt. Cô cẩn thận ngẫm nghĩ, vào thời đại này mà trông thấy văn hóa đường phố ở đây thì đúng là kỳ lạ.
Đi đến gần hơn, A Phúc giải thích, “Hơn bốn mươi năm trước, trên phố người Hoa có rất nhiều nghề kinh doanh không hợp pháp, giờ ngoài mặt thì không thấy, thực chất lại rất tệ hại, chẳng qua là bị chuyển vào trong tối thôi. Lúc này con nhìn thì cùng là tiệm tạp hóa đúng không, tuy nhiên lại kinh doanh khác nhau.”
“Những nơi có sơn màu xanh lá này là nhà thổ, màu hồng là sòng bạc, màu vàng là buôn nha phiến, do ban điều tra thành phố San Francisco quy định. Có nhiều nơi là nhà thổ của người da trắng, sơn màu xanh da trời. Buồn cười nhất chính là, vài năm trước người da trắng không cho phép trên mảnh đất này có giáo hội nào khoác ngoài đạo Cơ Đốc, xua đuổi dị giáo đồ, ngay cả phật đường lớn nhỏ ở phố người Hoa cũng bị phạt rất nhiều tiền, những nơi này sơn màu đỏ ở bên ngoài, hiện giờ vẫn có thể thấy. Từ nay về sau đi trên con đường này thì đừng có nhận nhầm.”
Cô thầm ghi nhớ, dạ một tiếng.
***
Loay hoay trong bếp một lúc thì có khách đến cửa, Hoài Chân liền theo A Phúc ra trước tiệm chuẩn bị. Có lúc quần áo do chính khách đưa tới, có lúc lại thuê người đưa đồ đến, mà đa số bọn họ đều là người Hoa. Chàng trai kế toán kiểm tra quần áo ở từng tầng một, Hoài Chân đứng cạnh giúp anh ta kiểm tra ghi chép. Đến gần sáu giờ rưỡi, một người da trắng mập mạp bước vào, trong tay xách một túi quần áo bẩn, không sõi tiếng Trung, vừa vào cửa đã gọi chàng trai kia: “John, John! Giặt hai áo sơ mi và một quần dài mất mấy tiền?”
Chàng trai ấy cũng không nghe hiểu gì, nhưng được cái tinh mắt, chỉ vào đồ nói tóm gọn: “Thứ này, hai cái, ba xu. Thứ này, hai xu.”
Người da trắng ồ một tiếng, “Người khác nói ở chỗ cậu chỉ cần một xu nên tôi mới đến.” Nhưng có vẻ ngại vì quả thực ở đây giặt đồ rẻ hơn tiệm giặt của người da trắng, thế là anh ta đặt quần áo xuống, hẹn thời gian lấy đồ rồi rời đi.
Hoài Chân vừa ghi chép vừa hỏi, “Anh tên John à?” Bận bịu trong tiệm cả ngày, cô cũng chưa kịp hỏi tên anh ta.
Anh chàng kia ha ha, “Anh không phải tên John, anh họ Hà, tên Thiên Tước. Người da trắng khó đọc được tên chúng ta mà cũng lười học. Nếu như không nhất thiết cần biết tên thì đều gọi anh là John.”
Hai người kiểm kê đồ xong, Hà Thiên Tước nhìn ra ngoài cửa, sắc trời đã tối, những thiếu nam thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi cặp kè đi ngang qua đường, tiếng cười nói ồn ào truyền đến.
“Trường Hiệp Hòa đã tan rồi, Vân Hà cũng sắp về rồi đấy.”
Trung học cấp hai và cấp ba công lập dạy theo chương trình nước ngoài, giáo viên giảng bài bằng tiếng Anh, từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Sau khi tan tầm, những đứa trẻ người Hoa phải tiếp tục đến trường Hiệp Hòa học tiếng Trung, trong lớp dạy bằng tiếng Quảng và tiếng phổ thông, có dạy văn học, viết chữ hội họa, từ bốn giờ chiều đến bảy giờ tối, gần hơn nửa số trẻ em ở phố người Hoa đều đến đó học.
A Phúc nói với Hoài Chân, đợi sang năm cô cũng sẽ đến đó nhập học.
Đang nói thì nghe thấy tiếng Vân Hà hô to từ cách nửa con hẻm, “Hoài Chân, Hoài Chân ——”
Hoài Chân vừa ló người ra thì một chiếc túi giấy được dúi vào tay cô.
Vân Hà cười hì hì như hiến bảo, “Bánh bướm Palmier đó, là món chị thích ăn nhất! Phải đi năm chuyến xe cáp mới mua được đấy. nhìn đi nhìn đi!”
Hoài Chân mở túi giấy ra, đựng bên trong là chiếc bánh mì mặn xoắn lại uốn thành hình con bướm —— là đồ ăn thanh thiếu niên châu Âu ở thế kỷ hai mươi mốt thích ăn nhất, thì ra nó đã được xem trọng từ thời đại này rồi.
Hà Thiên Tước đưa đầu đến xem: “Bánh kếp mua ở phố người Nhật phải không? Có phần của anh không?”
Vân Hà lườm anh ta, “Biến biến biến ——” rồi lại kéo Hoài Chân, “Chị đã nói với Văn Sênh và Hương Hoa rồi, thứ bảy này bốn người chúng ta sẽ đến phố chợ, sau đó tới rạp Giry xem phim chiếu bóng! Chúng ta sẽ xem “Long Nữ” của Hoàng Liễu Sương, xem xong lại đến phố người Nhật ăn bánh Waffle kem dâu.”
Đang nói say sưa thì A Phúc xách hộp thức ăn bằng tre đi đến, bên trong bốc lên mùi thơm vi cá.
Ba đứa trẻ trong phòng đồng loạt nhìn sang. Vân Hà không nhịn được hỏi: “Tối nay ăn súp vi cá ạ?”
A Phúc cười không đáp, chỉ đưa chiếc hộp cho Hoài Chân, nói, “Đợi đến tám giờ thì con đưa đến phòng khám Huệ Ký nhé, đưa cho đại phu Huệ Khương Nguyên.”
Vân Hà và Thiên Tước cùng trợn tròn mắt, “Già Huệ ấy ạ? Ông ấy xấu tính vậy mà! Hoài Chân đi, coi chừng bị giẫm phải đinh đấy.”
A Phúc nói, “Các con nói xem, trên phố người Hoa làm gì kiếm được nhiều tiền nhất?”
“Đương nhiên là làm chủ hãng bách hóa rồi, ông chủ Ngô và ông chủ Chung một năm có thể kiếm được ba mươi nghìn đô la.”
“Vậy bảo các con đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt, các con muốn đi đâu?”
Hai người im lặng.
Đột nhiên Vân Hà hỏi Thiên Tước: “Một tháng cha trả anh bao nhiêu tiền?”
Thiên Tước đáp mười lăm.
Vân Hà bĩu môi, thấp giọng lẩm bẩm, “Cũng chỉ có anh mới chịu làm. Cha em làm chủ tiệm đấy, mà một năm cũng kiếm chưa đến một nghìn đồng.”
Hai người bàn bạc với nhau rồi nhất trí nói: “Dù gì cũng không đi làm cho cha Quý đâu.”
A Phúc cũng chẳng giận, từ tốn nói, “Hai đứa cũng biết ông chủ Ngô và ông chủ Chung một năm kiếm được ba mươi đô, nhưng lại không biết thu nhập một năm của già Huệ nhiều gấp mấy lần.” Dứt lời, ông cười nói với Hoài Chân, “Đã vào xuân rồi, phòng khám Huệ Ký sẽ rất bận, đang rất cần một tiểu nhị hốt thuốc làm việc vặt buổi chiều. Con cứ đến xem sao, đừng sợ, chỉ cần có thể kiếm nhiều thì không sợ gì chủ tiệm tính xấu.”
Hoài Chân gật đầu, xách hộp thức ăn ra cửa.
Vân Hà a lên, nhanh chóng bừng tỉnh: “Thì ra cha có ý này —— nếu Hoài Chân qua được cửa của già Huệ thì từ này về sau, dù là Hồng gia cũng không dám sai bảo Hoài Chân đúng không ạ?”