Làm Dâu Nhà Phú Ông - Chương 34
Làm Dâu Nhà Phú Ông
Chương 34
Đầu óc mợ mông lung trống rỗng, mợ ngây ngốc một hồi, rồi mợ ấm ức kinh khủng. Cậu đểu ghê lắm, cậu hại mợ ruột gan mềm nhũn xong cậu tỉnh bơ như không ý. Mợ không chịu đâu, mợ muốn đòi lại cơ. Mợ liều mình đưa tay vòng qua cổ cậu, lấy cậu làm điểm tựa, mợ đột ngột nhướn người lên, thơm trộm cậu một cái.
Không thơm má đâu, thơm môi hẳn hoi nhé!
Cậu bị bất ngờ, cậu nhìn mợ đầy nghiêm nghị. Nhưng mợ không thèm sợ đâu nhé, mợ làm ngơ luôn.
-"Tui cũng đuổi muỗi mà, ây da, cái con muỗi ở đâu mà to thế chứ nị!"
Mợ cười khoái chí lắm, mợ thách cậu cáu giận hay phạt mợ đấy! Quả đúng như mợ dự đoán, cậu lẳng lặng quay đi dọn dẹp đống tre nứa thúng rổ, từ tối tới giờ mà cậu đan được nhiều ghê, vất vả cho cậu quá. Trong khi đó mợ ngủ miết à, mợ thấy ăn năn quá, mợ bảo để mợ đan nốt mấy cái dang dở mà cậu chẳng cho, cậu khoẻ lắm, mợ chịu không tranh được. Mợ đành lảng vảng quanh cậu, cố ý thở dài thườn thượt.
-"Tối nay tui ngủ với cậu nha, nhà lắm muỗi lắm ý, tui ngủ một mình tui sợ nó công tui đi mất."
Mợ nịnh ngọt xơn xớt, mà cậu dường như hiểu nhầm ý mợ thì phải. Cậu mắc màn ngay ngắn cho mợ, mặt mợ ngắn tũn luôn. Nhiều lúc mợ cảm nhận được cậu thương mợ, chỉ là, thi thoảng những lúc như này mợ cứ bị hoang mang ấy. Nhưng thôi, mợ chọn tin tưởng cậu, đợi cậu như lời cậu hứa.
Một thời gian là bao lâu? Một tháng? Hai tháng? Hay nửa năm?
Thấm thoát vậy mà cũng tới mùa tép nhảy tanh tách ngoài đồng, dưới cái tiết trời se se lạnh cuối thu ăn bát cơm gạo tám bùi bùi với chút tép riu mỡ nước thì còn gì bằng? Ôi chao cái con tép quê nó căng mọng ngầy ngậy, thêm chút lá chanh xắt nhỏ dậy mùi ngào ngạt, càng nhai càng bùi. Bà hai nằm đung đưa trên chiếc võng ngoài vườn, trong mơ toàn thấy tép là tép, tỉnh giấc rồi mà vẫn thấy thòm thèm.
Mợ Trâm làm món này ngon lắm nhé, tiếc là nhà bà không có ruộng, mua ngoài chợ thì bà tiếc tiền nên lần nào muốn ăn cũng sai mợ ra ao mò thôi. Ở nhà cũng không có công to việc lớn gì nên bu sai là mợ đi liền. Bà hai ăn rất khoẻ nên mợ tính mò đầy hai giỏ để còn lén phần cậu hai nữa, mò tới mò lui thế nào lại vớ được mảnh vải người ta ném đi, tuy ban đầu dính bùn bết bát bẩn lắm, nhưng lúc giặt sạch sẽ mợ phát hiện ra là lụa cao cấp hẳn hoi. Mợ mừng huýnh, mợ thức mấy đêm liền để may đồ cho cậu, còn thừa ít vải vụn, mợ chắp lại làm chiếc yếm nhỏ.
Tiền bu Phúc trấn hết nên cậu hai ít áo quần mới lắm, thi thoảng có để ra được mợ thấy cũng chẳng đáng là bao, cậu lại mua đồ ăn hoặc mấy thứ lặt vặt mợ thích thôi. Mợ thì váy từ đợt lấy cậu bu Trinh sắm cho nhiều, vẫn còn tốt, nhưng sáng sớm hôm ấy mợ vẫn vui lạ, tại được mặc đồ đôi với cậu ý.
Bà hai ban sáng nom cậu Lâm thấy hơi quen quen rồi, mà lúc đó mắt bà còn tèm nhem nên chưa nắm rõ tình hình, tới lúc mặt trời lên cao, cậu đi ra chợ, mợ Trâm khom lưng nhổ cỏ ngoài vườn, bà đăm chiêu ngắm mợ, rồi bà giật nảy mình, lửa giận trong bà nó bốc cứ ngùn ngụt ngùn ngụt.
Cái con rẻ rách, quân ăn trộm ăn cắp, dân làng đồn quả không sai. Lụa của bà, lụa thượng hạng của bà, hai chục quan tiền của bà, cái công bà đặt dưới phố huyện, tâm sức của bà, bao nhiêu ngày mà mong bà ngóng được ngắm cái tướng tròn tròn yêu yêu của cậu Hưng trong bộ đồ mới, ấy vậy mà con ranh nó lại thó mất.
Con này nhìn cái mặt là biết dày như thớt rồi, bà nhiếc cho một hồi mà nó có thèm nhận lỗi đâu, nó còn dám giảo biện rằng nó vớt được ở dưới ao chứ. Ao nào? Nực cười, dưới ao mà nở ra lụa thì có mà dân làng khỏi nuôi tằm lấy tơ, từ mai cứ thế nhảy xuống mà vớt.
Bà tức sôi cả máu, bà lôi nó ra trói vào gốc mận, đoạn bà dùng roi mây bà vụt cho bằng khai. Nó càng chối bà càng mạnh tay, để xem nó gan được tới bao giờ? Tiếng roi quất vun vút đều đều, roi táp thẳng vào da thịt mợ, những vết trầy tróc rơm rớm máu, mợ đau tái cả mặt, nhưng mợ không khóc, mợ cũng không phục.
Việc mợ không làm, có đánh chết mợ cũng không nhận.
Nhưng phận làm con, bu dạy bảo mợ đâu được phép chống cự? Mợ cắn răng nín nhịn, chưa lúc nào mợ mong cậu mau về như bây giờ. Mợ mong mãi, đúng là thấy bóng dáng cậu, nhưng tiếc rằng, không phải cậu hai.
Mợ cứ nghĩ mợ tiêu luôn rồi, ai ngờ cậu Hưng hốt hoảng xông vào cởi trói cho mợ. Bà hai vội vàng giải thích, bà tố cáo mợ Trâm tội ăn cắp lụa nhưng cậu không thèm nghe. Cậu giật roi từ tay bà, vừa quất bà cậu vừa hậm hực chửi.
-"Là tui đó, thứ rẻ mạt đó tui không thèm, chính tui quẳng xuống ao đó. Bà là đồ rắn độc, bà chết sớm đi cho đỡ chật đất."
Cả người bà cứng đờ, đau xương đau tim, chỗ nào cũng đau. Tiền bà dành dụm mãi để mua cho cậu tấm vải đẹp, cậu nỡ lòng nào chê đồ rẻ mạt? Rẻ mạt quá, cậu không mặc thì thôi, cậu để làm giẻ lau chân cũng được mà? Cậu cứ thế vứt đi ư?
Lời lẽ của cậu, sao mà nó cay nghiệt?
Bà là rắn độc? Bà chết sớm? Bà tủi nhục gạt nước mắt, chân tay bà run lẩy bẩy, bà đối xử với cậu tốt là vậy, bao nhiêu tâm huyết bà dành cho cậu, ấy thế mà, trong mắt cậu, bà chẳng bằng một đứa con gái nhà bán bún. Bà ngã, cậu không hỏi lấy nửa lời. Nó ngồi thu lu một góc thì cậu lại sốt sắng quay sang quan tâm, cậu còn dụ nó về ở với cậu, làm vợ cậu, để cậu lo cho nó cả đời.
Tội thay cho cậu, cậu cứ như này, đến một ngày không xa, chỉ sợ cậu hối hận không nguôi. Tới lúc đó rồi, không khéo lại quỳ xuống mong bà tha thứ. Mà bà cũng chẳng trách cậu đâu, cậu chưa lớn, chưa hiểu chuyện, cậu vô tội.
Con dâu bà mệt đến bơ phờ rệu rã. Mợ sợ mợ Chi biết chuyện lại làm ầm ĩ nên nhỏ lời khuyên cậu cả lên nhà trên giùm mợ. Cậu thấy mợ thảm quá, xót quá, nên chiều lòng mợ, còn mợ thì lê lết từng bước về phòng. Mợ đi được nửa đường chợt thấy bu đuổi theo, bu khổ sở cầm tay mợ khóc lóc năn nỉ, bu xin mợ giữ kín không cho cậu hai biết bu đánh mợ.
Có lẽ bu lo xa quá rồi. Cậu Lâm chín chắn chứ không bốc đồng như cậu Hưng, cậu có thể trả đũa tất cả mọi người để đòi lại công bằng cho mợ, nhưng riêng bu thì không đâu, bu dẫu sao vẫn là bu mà. Tuy nhiên mợ cứ gật đầu cho bu yên tâm. Thi thoảng bận bịu thì trưa cậu sẽ không qua nhà nữa, nhưng tới xế chiều kể cả cậu về muộn đến mấy thì mợ vẫn đứng loanh quanh ở ngoài cổng đón cậu.
Chỉ có hôm nay là chẳng thấy bóng dáng mợ đâu, lòng cậu tự dưng hơi hụt hẫng. Cơm mợ để phần cậu dưới bếp, gà còn chưa lên chuồng mà mợ đã đi nằm rồi, mợ cũng chẳng thèm đợi cậu cùng ăn.
Bu cậu cũng có bao giờ đợi cậu đâu? Cậu ăn một mình, chẳng phải quen rồi sao? Hay từ ngày rước mợ về, cậu lại không quen nữa? Cậu cố ý đẩy cửa thật mạnh, tiếng bước chân của cậu, chính cậu cũng nghe rõ, nhưng mợ hình như không nghe thấy thì phải?
Mợ trùm chăn kín mít, mợ ngủ say lắm. Mợ nhọc mà, mợ tự lấy thuốc của cậu để trong giỏ thoa rồi nhưng da thịt vẫn rát vẫn xót, xương cốt vẫn nhức vẫn tê. Cậu thì đâu có biết đâu, cậu cứ lóng nga lóng ngóng, cậu đi qua đi lại quanh giường mợ, rồi đêm đến cậu thấy khó vào giấc, chốc chốc cậu lại ngoảnh sang bên cạnh xem mợ có thức giữa chừng không.
Cậu trông mãi tới lúc gà gáy, cậu phải đi giao hàng cho người ta rồi mà mợ còn chưa dậy. Sáng sớm mợ hay rang cơm cho cậu lắm, có hôm mợ còn nấu cháo hành hoa nữa, xong mợ sẽ lẽo đẽo theo cậu ra tới tận đầu ngõ, mợ dặn dò cậu bao nhiêu là thứ. Bữa nay mình cậu lủi tha lủi thủi, thi thoảng ngoảnh lại cái cổng đìu hiu vắng vẻ, lòng cậu bất giác trùng xuống.
Trưa hôm ấy cậu chủ tâm ghé qua nhà, thấy bóng mợ ngồi bần thần trên giường, tay ôm đầu gối nhìn lơ đễnh ra ngoài cửa sổ. Cậu cao lớn là vậy, chắc mợ phải nom thấy cậu rồi chứ, nhưng mợ lại chẳng hề nhảy chân sáo chạy ra quấn lấy cậu. Cậu bần thần đi vào buồng, khẽ ngồi xuống cạnh mợ, cậu chờ mợ mở lời trước, mà một canh giờ qua đi, không gian vẫn cứ im lìm như thế. Rốt cuộc cậu chịu không nổi, cậu vụng về vỗ nhè nhẹ vào bả vai mợ, đợi mợ quay người, cậu trầm tư nhìn mợ, rồi cậu ngập ngừng hỏi.
-"Chị...chị hết thương tui rồi à?"