Lưỡi - Chương 11

11

Đàn bà làm gì trong khi chờ người đàn ông của mình? Cô ta có thể gội đầu, trang điểm, chọn kiểu váy áo mà các bà các cô đều nóng lòng mặc thử, xức nước hoa, ngắm mình lần cuối trong gương. Nhưng quá trình này chỉ diễn ra khi cô ta và người đàn ông được chờ đang yêu nhau. Còn nếu phải chờ một người đàn ông cô ta vẫn yêu mà không thiết tha gì cô ta nữa thì tình hình sẽ khác, vì lúc ấy niềm vui thuần túy của việc đợi chờ đã mất. Yêu một người cũng giống như xăm chữ lên mu bàn tay mình. Cho dù người ngoài chẳng ai nhìn thấy thì chúng, giống như dạ quang, vẫn lọt vào tầm nhìn của người thay lòng đổi dạ. Với tôi bây giờ, thế là đủ.

Tôi cũng tính đến việc dọn dẹp một chút hoặc tắm cho Paulie, nhưng cuối cùng lại chọn cách nằm dài trên xô pha. Tôi muốn làm những việc chỉ liên quan đến bản thân tôi, những việc hai đứa từng làm chung hồi anh còn yêu tôi, một việc gì đó, không dính dáng đến tắm cho Paulie hay dọn dẹp, nhưng giờ, những việc như thế dường như chẳng còn nữa. Đã có thời tôi từng chia sẻ rất nhiều thứ với anh, rất nhiều thứ có thể khiến chúng tôi hạnh phúc hoặc phấn khích. Tôi trở mình.

Anh đến vào hai giờ chiều, như đã hẹn, lúc tôi đã ngủ thiếp đi. Trong lần đầu gặp nhau tôi cũng nằm thế này, chỉ khác là trên đường, và khi mở mắt thì thấy anh đang nhìn xuống mình, mũi gần chạm mũi.

Paulie đánh động về sự có mặt của anh bằng cách giật chiếc dép lê đang toòng teng ở chân tôi. Tôi mở mắt, thấy anh đã vào bên trong cửa trượt, bộ dạng không mấy thoải mái. Lại đây đi, như ngày xưa. Lại gần đây. Nhưng anh không nhúc nhích. Tôi ngồi dậy và chải tóc.

– Độ này thế nào? – Câu chào của anh không nhằm trực tiếp vào tôi, mà cũng không thực sự dành cho Paulie. Anh gỡ túi khỏi vai và buông nó xuống nền nhà gần chỗ cửa trượt như thể sắp phải đi ngay.

Paulie từ từ lại gần, liếm lòng bàn tay anh đang chìa ra. Bằng bàn tay kia, anh vuốt ve cổ nó. Cổ Paulie sắp vương mùi anh thêm một thời gian nữa đây. Không muốn anh nhìn mình nằm, tôi nhỏm dậy khỏi xô pha: – Anh muốn ăn gì không?

– Không, anh ăn rồi.

Chúng tôi vẫn thường nhàn nhã ăn trưa vào khoảng hai giờ, sau bữa giữa sáng và trưa.

– Ăn rồi?

– Anh đưa Paulie đi dạo rồi sẽ quay vào.

Anh không buồn nán lại qua hai phút. “Thế cũng được,” tôi đi về phía nhà bếp. Paulie nhìn tôi nhưng chân thì lê ra cửa khi chủ nó huýt sáo. Tiếng huýt sáo của anh. Lâu rồi tôi mới nghe thấy. Dù từng tập luyện rất cần mẫn, tôi vẫn không thổi được thành tiếng. Tôi nghe cửa đóng lại. Ăn gì thì hợp hơn cả vào lúc hai giờ chiều? Tôi chúm môi và cố huýt sáo trong lúc mở tủ lạnh. Trong tủ có khoai tây, bí ngô xanh, bột mì, mì ống, một khay xốt và cá đông lạnh – cá tháp, cá bơn, cá thu – cùng mấy con cá trống tươi và trứng cá rất hợp để làm xa lát. Với những thứ này tôi có thể chuẩn bị một bữa tươm tất, dù không linh đình. Tôi từng cảm thấy mình được trời ưu đãi mỗi lần mở tủ lạnh.

Trong tiểu thuyết Người đàn bà ăn được1, Marian nướng một cái bánh cho người đàn ông cố làm cô thay đổi nhưng cuối cùng gần như hủy hoại cô. Cái bánh có hình đàn bà. “Trông em ngon đấy. Làm người ta rất thèm ăn. Và đó là điều sẽ xảy ra với em, điều em phải gánh lấy khi mang phận thức ăn,” cô nói, đoạn gọi người đàn ông đến chỗ mình và đưa cái bánh ra. Khi anh ta phát hoảng bỏ đi, cô lấy nĩa đâm vào hình nhân, bắt đầu từ đôi chân. Có lẽ cô chỉ muốn chia sẻ cái gì đó với anh ta và nhờ vậy, thấy thỏa mãn. Tiểu thuyết kết thúc ở chỗ Marian nói rằng đây đơn thuần là một cái bánh, đoạn xiên nĩa vào tấm thân bánh ngọt, cắt cụt đầu nó.

Để tỏ thái độ thất vọng với người chồng của mình, phụ nữ La Mã sẽ nướng bánh bột hình âm hộ và đặt nó lên bàn. Trong một nhà thờ nhỏ ở Sicily, có bức bích họa vẽ một cái bánh nướng dạng bầu vú, làm từ sữa trứng màu vàng, ngọt và dày, trên cùng đính anh đào đỏ làm nhũ hoa. Phụ nữ nấu nướng không chỉ để ăn. Phẫn nộ, bất hạnh, thèm muốn, thương tâm, biện bạch và bi thống đều có thể được lồng vào món ăn để biểu đạt tâm trạng của họ. Dĩ nhiên, lý tưởng nhất vẫn là món ăn tràn trề tình yêu, cũng như vui vẻ là rất quan trọng khi vào bếp.

Đối tượng chủ yếu chi phối tâm trí đầu bếp chính là những người sẽ thưởng thức món ăn của họ. Một đầu bếp nên nắm bắt được thói quen ăn uống của thực khách: khẩu vị, mong muốn, sở thích, dị ứng, cái gì làm người ta thỏa mãn, rung động, cái gì làm người ta thèm thuồng lần nữa… Thói quen ăn uống không phải là thứ hay thay đổi. Người ta mang thói quen ấy bên mình kể cả khi rời nhà đi xa. Thời tôi bắt đầu nấu ăn, Bếp trưởng thường xuyên dạy chúng tôi hãy nấu giống kiểu vẫn được mẹ nấu cho hồi nhỏ. Vì không có “mẹ”, tôi chuyển từ đó thành “bà”. Những ngày làm việc ở nhà hàng Napoli, bếp trưởng bên ấy cũng nói với tôi rằng ở Ý, tay nghề nấu ăn hoàn hảo là phải mang lại cho thực khách cảm giác rằng bà của họ đang ở trong bếp. Tôi thấy mình mỉm cười không cưỡng lại được. Khác với lúc nấu cho khách hàng hoặc học viên tôi dạy, khi nấu cho anh, tôi muốn chế biến được loại thức ăn kích thích cơn đói của anh đối với mình.

Lấy rau diếp ra khỏi tủ lạnh, tôi dừng lại để nhìn ra cửa sổ đang sáng rỡ trong nắng chiều mùa xuân. Kế đó đưa mắt điểm qua mọi thứ mình đang có: một gian bếp lớn chứa được lớp học cho mười người, nội thất tiện nghi, khoảnh sân đủ rộng để con chó setter Anh và người đàn ông ba mươi mốt tuổi dong dỏng như một thân cọ có thể dạo quanh. Đây không phải là những thứ thường đến một cách suôn sẻ ở tuổi này. Vậy mà tôi đã có tất cả. Cho dù mọi việc trở nên tồi tệ giữa chúng tôi, thì tôi cũng không thể dễ dàng bỏ cuộc. Vấn đề bây giờ không phải là liệu chúng tôi có yêu nhau không, mà là liệu chúng tôi có thể quay trở lại như trước không. Tôi cần phải nói với anh, mềm mỏng, gợi nhớ: Thậm chí nếu chúng ta không thể quay lại như trước, thì công sức bỏ ra cũng không phải hoàn toàn công cốc. Có thể học hỏi được điều gì đó thực sự giá trị khi nhặt những mảnh vỡ và hàn gắn nó. Hãy đợi cho đến lúc ấy.

Ở trong nhà nhà vào mùa xuân, với anh gần bên, tôi bỗng trở thành một người tích cực hơn, hướng ngoại hơn và vui vẻ hơn.

Tôi định làm một chiếc xăng uých không thịt, chỉ nhân hương thảo, rau và trứng. Không gì thích hợp hơn thế cho một bữa ăn lúc hai giờ chiều ngày Chủ nhật. Nếu quả thật là anh đã ăn trưa, thì có ăn thêm cũng không đến nỗi nặng bụng. Tôi trả con gà lạnh và hộp cá hồi hun khói trở lại tủ, đoạn lấy chiếc bánh mì que, phết một lớp bơ mỏng, tưới dầu ô liu rồi rắc tỏi xắt mỏng và cỏ xạ hương lên. Tỏi và cỏ xạ hương sẽ làm dậy dầu ô liu, để xăng uých khỏi tẻ nhạt. Tôi thường cho thêm cả mayonnaise nữa, nhưng lần này thì không, vì anh không thích. Bây giờ chuẩn bị nguyên liệu làm nhân nữa là được. Tôi tãi rau diếp ra cho ráo nước, thái trứng luộc, cà chua, dưa chuột và hành thành nhiều lát mỏng. Thường thì một cái bánh mì que đã là quá đủ cho cả hai. Tôi lấy dao chuyên dụng cắt xéo bánh mì làm ba phần, đặt cả vào một cái giỏ đậy the mỏng. Dù làm một món xăng uých đơn giản, vẫn phải chọn thứ bánh mì chất lượng, chọn nguyên liệu hòa hợp, và nhất định phải có một loại hương thảo, bất kể là cỏ xạ hương hay húng quế, đây là nguyên lý làm xăng uých của tôi.

– Nào, anh thử một chiếc xem.

Tôi đợi anh cắn một miếng xăng uých. Ăn được với ai thì cũng nằm được với người ấy. Bởi thế những cuộc xem mặt luôn bắt đầu bằng bữa ăn. Người ta nếm trải sự mong đợi và tò mò tăng dần về nhau trước hết là theo cách này, chứ không phải theo cách lên giường. Cũng có nhiều trường hợp thì ngược lại thật. Khi ăn cùng nhau, mối quan hệ sẽ sâu sắc hơn hoặc sẽ có bước tiến – với một hoặc cả hai người. Ăn cùng nhau, và làm tình… chúng tôi từng tận hưởng cả hai, cũng như biết phải làm thế nào để đưa mỗi thứ tới cảnh giới cao hơn.

Tôi ăn một mình. Nuốt hết hai miếng xăng uých. Tôi no. Tôi thỏa mãn, nhưng chưa hoàn toàn. Chia sẻ thứ gì đó và cảm thấy thỏa mãn vì nó – hình như tôi không thể nhớ được việc ấy từng làm tôi vui thế nào nữa.

– Sao anh không thử, dù chỉ một miếng thôi?

Có phải xăng uých không đủ hấp dẫn để kích thích sự ngon miệng ở anh? Anh thậm chí không buồn nhìn đến.

– Anh đã bảo em là anh không muốn. Sao cứ làm?

– Anh nghĩ vì sao?

– Cho qua, được rồi, dừng ở đây.

– Cho qua? Cái gì qua? Anh đang thiếu lý tính đấy. Một ngày nào đó anh sẽ quay lại và cầu xin, nói rằng anh sai cho mà xem.

– Không có chuyện ấy đâu. Và anh muốn em thôi bóng gió về Se Yeon đi.

Tôi không hiểu anh đang nói chuyện gì nữa.

– Ý anh là, hai người đã từng quý nhau. Vì sao em lại hành động như thế?

– Em chưa bao giờ đả động đến cô ta với bất kỳ ai.

– Thế ư? Anh đoán là có đấy. Mun Ju, sao nào?

– Thôi đi. Anh chỉ biết lo cho mỗi Se Yeon thôi, đúng không? Từ lúc đặt chân vào đây anh đã thèm hỏi xem em sống thế nào chưa?

– Em mà tiếp tục xử sự như thế, đừng trách anh biến thành thằng tồi.

– …

– Anh xin lỗi, anh hết sức xin lỗi. Nhưng anh không thể làm gì được.

– Anh có thể quay lại mà. Em đã bảo là em thông cảm.

– Người anh muốn chung sống không phải là em nữa, mà là Se Yeon. Anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi?

– Cũng bằng chính cái miệng kia, anh từng nói anh yêu em kia đấy. Không nhớ nữa à? Quên tiệt rồi à?

– Ờ, từng. Nhưng đã thành quá khứ cả rồi.

– Quay lại với em đi.

Anh không nói gì.

Tôi nhẹ nhàng đặt một tay lên cánh tay anh, gần khuỷu trái. Anh hay đá tung chăn ra trong lúc ngủ, nhưng luôn còn ít nhất một góc đắp nơi bụng. Hai đứa mình cũng vậy, chúng ta luôn kết nối với nhau, dẫu chỉ bằng một chân, một cánh tay, một bàn tay đi nữa.

– Em sẽ đợi.

Anh lạnh lùng nhấc tay tôi ra:

– Nghĩ đến việc chấm dứt với nhau thế này, anh cũng rất đau lòng.

– Không phải đau lòng đâu, có thể là ăn năn đấy.

Anh im lặng.

– Không phải sao?

– Anh nghĩ sau này chỉ nên vào đến sân để chơi với Paulie là cùng.

Tôi nghẹn lời.

Nếu nướng bánh ngọt, chắc tôi sẽ không làm nó theo nhân dạng tôi, mà theo hình dáng cô ta, Se Yeon. Tôi sẽ cười khúc khích, vừa nhìn anh rùng mình buồn nôn vừa đâm nĩa qua đôi mắt màu sô cô la và ăn chúng. Anh sẽ hỏi, rất nghiêm túc. Vị của nó ra sao? Ngon chứ? Và vì anh tò mò về vị của nó, chúng ta có thể cùng ăn cả cái bánh, bắt đầu từ mắt cá chân. Thế nào?

Anh không còn đứng đấy nữa. Tôi lao ra cửa. Anh đang dừng chân xỏ giày, nghe động liền ngoái lại nhìn. “Soi gương đi,” anh nói, giọng êm ái pha chút xót xa như lần đầu gặp nhau.

– Anh, anh sắp rời bỏ người mà anh yêu thương nhất đấy, biết chưa? Hãy suy nghĩ về chuyện đó thêm lần nữa đi.

– Anh phát chán và phát ốm với kiểu nói chuyện này rồi.

Tôi nghẹn lời, lại tiếp tục không nói được gì.

Cửa đóng.

Nếu ngoảnh ra, tôi còn có thể thấy anh lần nữa, băng ngang khu vườn, trìu mến nhưng buồn bã ôm lấy Paulie, huýt sáo, Chào mày. Tôi yêu cái bóng của anh, vững vàng như một lùm cây trong nắng. Tôi thất vọng đến nỗi chẳng thể làm gì khác ngoài ngồi phịch lên đống giày la liệt ở tiền sảnh. Tôi không chắc cảm giác nặng nề này là gì – cơn đói, sự bải hoải, hay Paulie? – chỉ biết nó đang đè trĩu vai tôi. Được. Giờ hẵng tạm biệt. Cho dù em có tất cả mà anh bỏ đi như thế, thì coi như em chẳng còn gì hết. Tạm biệt.

Ngay cả khi cùng cô ta, anh cũng phải nghĩ đến em thường xuyên đấy. Em sẽ tiếp tục bầu bạn với nỗi buồn ở đây, như thế này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3