Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 31

Chương 31

Cung Trường Xuân năm năm chờ mong. Hoàng triều những ngày dậy sóng

****************************************

Mậu Thìn 968 - Năm đầu tiên Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi

Đinh Bộ Lĩnh xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế, dựng đô mới, định triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc.

Lê Hoàn nhậm chức Thập Đạo tướng quân, trở thành lãnh tụ mười Đạo quân cả nước. Cùng năm, Lê Hoàn rời kinh đô lãnh quân đi trấn giữ biên giới phương Bắc.

Tôi đem cả tập thư pháp vốn chỉ viết dày đặt một cái tên tự tay chôn đi. Chôn theo những mộng ước đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân…

Kỷ Tỵ 969 - Năm thứ hai Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi

Đinh Bộ Lĩnh thực hiện chính sách cải cách chế độ ruộng đất. Phân chia ruộng đất cả nước thành ruộng công, ruộng chùa, ruộng tư. Ban ruộng thực ấp cho các lập quốc công thần để được hưởng thuế ruộng.

Lê Hoàn trấn giữ biên giới phương Bắc, dẹp yên hết các cuộc quấy phá cướp bóc biên giới của quan binh nhà Nam Hán.

Tôi lệnh cung nhân vận chuyển mấy gốc đào từ Phong Châu về trồng sau Trường Xuân Cung, ngày ngày tự tay chăm sóc. Đến mùa hoa nở, tôi thường ngồi dưới gốc đào ngắm những cánh hoa rơi, lòng lưu luyến không nguôi bóng hình bên rừng đào vạn dặm tháng chạp năm nào…

Canh Ngọ 970 - Năm thứ ba Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi- Thái Bình năm thứ nhất

Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu quốc gia là Thái Bình, cho đúc đồng tiền Thái Bình Thiên Bảo bằng đồng, đây là đồng tiền đầu tiên của nước ta sau khi dành độc lập tự chủ. Lại sai Sứ thần lần đầu tiên sang thông hiếu với Tống Triều sau khi nhà Tống tiêu diệt nhà Nam Hán.

Lê Hoàn ở biên giới cùng quân lính sống chan hòa, giúp đỡ bá tánh vùng thượng du và miền biên viễn xa xôi khai khẩn đất hoang, lập ấp trồng trọt, được bá tánh vô cùng yêu kính.

Tôi cuối cùng cũng học được cách ủ rượu nếp cẩm Phong Châu. Mùi vị y hệt như bình rượu năm nào cùng người uống thâu đêm bên thành Tam Giang. Chỉ là mùi vị năm xưa còn đây nhưng người xưa giờ ở nơi nào…

Tân Mùi 971 - năm thứ tư Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi- Thái Bình năm thứ hai

Đinh Bộ Lĩnh tiến hành cải cách sâu rộng bộ máy nhà nước, đặt phẩm cấp cho quan văn võ. Lần đầu tiên đưa tăng đạo vào bộ máy quản lý chính quyền, phong Khuông Việt Đại Sư làm Tăng Thống, phong Trương Ma Ni làm Tăng lục Đạo sĩ, phong Đạo sĩ Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy nghi.

Lê Hoàn trong quân thưởng phạt nghiêm minh, huấn luyện binh sĩ tiến bộ vượt bậc, điều phối quân lực các nơi chu toàn, trong vòng mấy năm đã gầy dựng được uy tín rất lớn trong quân đội toàn quốc. Các Chủ Tướng trấn giữ các Châu không ai là không nể phục tài năng quân sự của Lê Hoàn.

Tôi học nấu mấy món ăn địa phương ở Ái Châu. Tội cho cung nhân Ngự Thiện Phòng, thấy Hoàng Hậu đích thân xuống bếp thổi lửa nấu cơm thì sợ phát khiếp. Học cũng không nhanh không chậm, nấu ra được mùi vị địa phương Ái Châu, cũng không tính là tệ…

Nhâm Thân 972 - năm thứ năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi- Thái Bình năm thứ ba

Đinh Bộ Lĩnh lệnh Trịnh Tú đi sứ đem đồ phương vật sang cống cho nhà Tống. Vua nhà Tống lại sai Sứ thần sang phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương. Từ đó mỗi năm nước ta đều giữ thông lệ sang triều cống nhà Tống.

Lê Hoàn nhận thấy tình hình biên giới đã ổn định, quan binh nhà Tống cũng không còn sách nhiễu dân chúng miền biên viễn, muốn quay về kinh đô phụng sự nhưng Hoàng Thượng vẫn chưa phê chuẩn.

Tôi cuối cùng cũng đến được Ái Châu, dù chỉ là được ghé thăm nghĩa mẫu nửa ngày nhưng tôi cũng đã thỏa mãn. Ái Châu là chấp niệm bấy lâu nay trong lòng tôi, Hoàng Thượng hiểu nên cuối cùng cũng ân chuẩn…

Ái Châu có hình bóng một người, mà đôi mắt dịu dàng của người chính là cảnh sắc đẹp nhất trong thiên hạ…

************************************

Quý Dậu 973, những ngày đầu hạ, tiết trời oi ả, may mà còn chút hương sen làm dịu bớt cảm giác ngột ngạt của cái nắng tháng năm.

Tôi cùng hai cung nữ cận thân Thanh Thanh và Xuân Hương tản bộ trong ngự hoa viên. Ngang qua hòn non bộ, tiếng cười giòn tan như châu như ngọc vang lên thu hút sự chú ý của tôi. Tôi lãng đãng dừng bước, nhận ra âm thanh mấy cung nữ trẻ tuổi đang vừa cười khúc khích vừa trò truyện rôm rả phía sau hòn non bộ:

-     Biết chưa? Biết chưa? Gần đây trong kinh thành đang chuyền tay nhau danh sách thiên hạ thập đại mỹ nam. Các em đã xem chưa? Chị vừa tìm được một bản nè!

Một cung nữ khác vừa cười vừa nói:

-     Chị Lan Hương à, bây giờ chị mới xem sao? Cái này bọn em đều đã xem qua cả rồi. Lần này chị đúng là chậm chân rồi.

Cung nữ được gọi là Lan Hương cũng không lấy làm thẹn, lại cười nói:

-     Danh sách này viết đúng quá à. Các em ngưỡng mộ ai nhất trong số bọn họ?

Lại nghe một loạt âm thanh lao xao tranh nhau trả lời từcác cung nữ khác:

-     Đương nhiên phải là người đứng đầu bảng danh sách, Binh Bộ Thị Lang Lê Viễn đại nhân rồi. Em chưa từng thấy qua người nào tuấn mỹ hơn ngài ấy. Lần trước em dâng điểm tâm đến Cung Trường Xuân, vừa khéo gặp ngài ấy đang cùng Hoàng Hậu Lệnh Bà trò truyện. Ngài ấy khen điểm tâm của Ngự thiện phòng rất ngon, còn cười với em một cái. Khi ngài ấy nở nụ cười, tim em muốn rớt ra ngoài luôn.

Một cung nữ khác cũng phụ họa theo:

-     Đúng rồi, đúng rồi. Mấy chị em hầu hạ Hoàng Hậu ở Cung Trường Xuân cũng thường nói đùa đại nhân Lê Viễn quả thật là có nụ cười câu hồn đoạt phách. Bọn họ ai ai cũng đều thầm thương trộm nhớ ngài ấy.

Một tiếng cười khẩy vang lên, lại nghe chủ nhân của nụ cười ấy cất giọng:

-     Các em thì biết cái gì? Đại nhân Lê Viễn nổi danh ăn chơi phóng túng khắp chốn kinh thành. Mấy chuyện phong lưu của ngài ấy mấy ai là không biết? Tứ đổ tường có cái gì ngài ấy không dính vào? Sau này cô nương nào được gả cho ngài ấy thật phải chịu khổ rồi! Cái hào hoa phong tình của ngài ấy làm sao sánh được với khí độ nho nhã của Lễ Bộ thượng thư Trịnh đại nhân chứ. Người ta quả thật xứng danh quân tử như ngọc, mi mục như họa, cử chỉ đoan chính, tài hoa xuất chúng.

-     Ôi chị Quỳnh Hương ơi, Trịnh Tú đại nhân đẹp thì đúng là đẹp thật, nhưng cũng chỉ có thể ngắm nhìn từ xa thôi. Ngài ấy lãnh diễm thanh cao, không nhiễm bụi trần như thế, có cô gái nào mà dám tiếp cận ngài ấy? Làm sao so được với cái vẻ hào sảng, anh khí bức người của Đô Úy Đại nhân Phạm Hạp chứ!

Một cung nữ khác lại nói chen vào:

-     Nếu so anh khí, em trai của ngài ấy Đô Úy Đại nhân Phạm Cự Lang vẫn hơn ba phần nha.

Lại nghe tiếng phản báccủa một cung nữ khác:

-     Sai sai sai! Các em đều nói sai hết rồi. Đó là do các em đều chưa được gặp Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn đó thôi. Mấy năm nay ngài ấy đều trấn giữ biên ải mạn bắc nên không quay lại kinh đô. Dạo trước trong Đại điển đăng cơ của Hoàng Thượng, chị đã từng được nhìn thấy ngài ấy một lần. Xét về mỹ mạo, ngài ấy trầm ổn hơn đại nhân Lê Viễn. Xét về khôi vỹ, ngài ấy còn chói ngời hơn cả Tướng Quân Phạm Cự Lang. Xét về thanh lãnh, ngài ấy còn lạnh lùng hơn cả đại nhân Trịnh Tú. Xét về hào khí, ngài ấy còn uy dũng hơn hẳn đại nhân Phạm Hạp.

Tôi nghe đến đây, liền thấy thái dương giật giật mấy cái. Lê Hoàn cũng có tên trong danh sách thập đại mỹ nam gì gì đó của các nàng sao? Còn chưa kịp hoàn hồn lại nghe một cung nữ khác than thở:

-     Phò mã gia kiêm Thân Vệ Tướng quân Ngô Nhật Khánh cũng tuấn lãng lắm nha, lại còn là đệ đệ của Ngô Thần Phi. Hai tỷ đệ đều đẹp không tì vết. Đáng tiếc là ngài ấy đã thành thân với Phất Kim Công chúa rồi. Phất Kim Công chúa quản ngài ấy chặt như vậy… ôi…thật là đáng tiếc!

Một cung nữ khác cũng góp vui:

-     Em thắc mắc sao trong danh sách không có tên của Hoàng Thượng vậy? Những người trong danh sách có người nào qua được phong tư tài mạo trác tuyệt của Hoàng Thượng đâu…

Nàng còn chưa kịp nói dứt lời đã bị cung nữ tên Quỳnh Hương chặn lời:

-     Em muốn chết à? Hoàng Thượng mà cũng dám tơ tưởng? Nếu để Nguyễn Quý Phi nghe được lời này của em, với tính cách của Quý Phi, xem Quý Phi có cắt lưỡi em luôn không!

Các cung nữ khác lại cười khúc khích nói:

-     Mọi người chỉ đùa giỡn chút thôi mà chị Quỳnh Hương! Chị đừng cho là thật!

-     Phải đó! Phải đó!

Xuân Hương ở bên cạnh tôi lúc này đã chịu hết nỗi. Em ấy lớn tiếng hắng giọng mấy cái. Các tiểu cung nữ sau hòn non bộ nghe động tĩnh nhất thời liên im bặt. Sau đó đều đùn đẩy từ bên trong chạy ra. Trông thấy tôi thì mặt trắng bệch, nhất loạt quỳ xuống đất dập đầu.

-     Đức… Đức Lệnh Bà ….

Xuân Hương lớn tiếng nói:

-     To gan, dám ở đây bàn chuyện các đại thần trong triều. Đúng là không có phép tắc. Các ngươi là người ở cung nào?

Các cung nữ không ngừng dập đầu:

-     Đức Lệnh Bà, chúng nô tì biết sai rồi.

-     Đức Lệnh Bà tha tội.

Tôi trông thấy sáu cung nữ tuổi chừng mười lăm mười sáu, đang run bần bật quỳ dưới chân mình. Cũng không nỡ trách tội, chỉ khẽ chép miệng:

-     Cũng không còn sớm nữa, các ngươi ai về cung nấy tiếp tục làm việc đi.

Các cung nữ mừng rỡ, liền dập đầu tạ ơn rối rít. Xuân Hương bên cạnh lại cất giọng:

-     Lần sau còn tái phạm sẽ đưa các ngươi tới Nội Trừng Viện chịu phạt, rõ chưa hả?

Các cung nữ nghe đến Nội Trừng Viện thì sợ chết khiếp, liền hành lễ với tôi rồi nhanh chóng rời khỏi.

Tôi lại cùng Thanh Thanh và Xuân Hương tiếp tục dạo bước trong ngự hoa viên. Nhớ tới mấy lời bàn tán ban nãy về Lê Viễn, tôi ngẫm nghĩ một chút, lại quay sang phân phó với Thanh Thanh:

-     Sau buổi chầu sớm mai, em đi mời Lê Viễn đến Trường Xuân Cung gặp ta.

Thanh Thanh cúi đầu đáp:

-     Nô tì lĩnh mệnh.

Xuân Hương ở bên cạnh tôi nhìn dáo dát xung quanh thấy không có ai liền liến thoắng báo cáo:

-     Lệnh Bà, tối qua Hoàng Thượng lại ở chỗ của Nguyễn Quý Phi. Nguyễn Quý Phi ỷ vào đại ca mình là Định Quốc Công mà ngày càng không coi ai ra gì…

-     Lệnh Bà, sáng nay Ngô Phò Mã lại đến gặp Ngô Thần Phi. Chúng nô tì trong điện lại nghe Ngô Phò Mã bày tỏ bất mãn, hai người nói chuyện đến tận trưa phò mã mới rời đi…

-     Lệnh Bà, Phạm Chiêu Nghi và Lý Chiêu Nghi gần đây lại bất hòa…

-     Lệnh Bà, Đinh Phi gần đây không thấy có động tĩnh gì, chỉ tới lui chỗ Nguyễn Quý Phi mà thôi…

-     Lệnh Bà, tiệc mừng Tết Đoan Ngọ, Ngự Thiện Phòng đã dâng danh sách thực đơn, nô tì đã thay Lệnh Bà quyết định…

-     Lệnh Bà, Dự Vương Phi sai người đến thông cáo muốn gặp Lệnh Bà chiều mai…

Xuân Hương liên tục báo cáo tình hình lớn nhỏ trong khắp hoàng cung. Em ấy vốn là người Lê Tộc đặc biệt sắp xếp ở bên cạnh tôi, cũng trạc tuổi Thanh Thanh nhưng làm việc trầm ổn, chính chắn hơn Thanh Thanh nhiều. Những việc quan trọng tôi đều giao cho Xuân Hương đảm đương, cũng xem như cánh tay đắc lực của tôi. Chỉ có điều, một khi em ấy bắt đầu nói thì … quả thật là nói không ngừng… Tôi bắt đầu cảm thấy có chút buồn tẻ, liền quay sang cười cười nói nhỏ vào tai Thanh Thanh:

-     Thanh Thanh, em cũng tìm cho ta một bản sao chép cái danh sách Thập đại mỹ nam kia! Ta cũng muốn xem thử!

Thanh Thanh liếc nhìn Xuân Hương, thấy Xuân Hương vẫn đang thao thao bất tuyệt không để ý, liền tủm tỉm cười, lại len lén gật đầu với tôi.

**********************************************

Trường Xuân Cung.

-     Thần Lê Viễn tham kiến Đức Lệnh Bà.

Lê Viễn khấu đầu hành lễ trước mặt tôi. Tôi ra hiệu cho cậu ta bình thân, lại nói:

-     Lê Viễn! Ở đây không có người ngoài, không cần đa lễ!Đệ ngồi đi

Lê Viễn vâng mệnh đứng dậy đến ngồi xuống bên bàn khách. Tôi nhìn cậu đĩnh đạc một thân triều phục màu xanh lục, đeo đai ngọc, đầu đội mũ kim quan. Bất giác lại nhớ đến hình ảnh chàng thiếu niên áo trắng tuấn mỹ với nụ cười xán lạngđứng bên cửa lều nhìn tôi năm nào. Chớp mắt mà đã bảy năm… Cậu ta đã có thể trải qua một tuổi trẻ rực rỡ, kiêu dũng, kiến công lập nghiệp trên sa trường. Thế nhưng lại vì tôi mà lòng đầy hận ý, lăn lộn, ẩn nhẫn suốt bao nhiêu năm ở chốn quan trường. Nụ cười rạng rỡ cùng nhiệt thành hào sảng trong tim cũng dần mất đi.

Tôi không khỏi chua xót trong lòng, khẽ thở dài:

-     Lê Viễn, mấy năm nay vất vả cho đệ rồi! Để đệ phải bỏ nghiệp võ theo nghiệp văn. Ta quả thật áy náy vô cùng!

Lê Viễn ấy vậy mà chỉ mỉm cười, điềm tĩnh đáp:

-     Nga, chúng ta đã cùng trải qua bao nhiêu chuyện, tỷ còn nói chi đến những lời khách sáo này.

Tôi như chìm đắm trong những hồi ức xa xôi, vô thức nói:

-     Còn nhớ những ngày đầu Hoàng Thượng mới đăng cơ. Ta ở trong cung thân cô thế cô. Lại bị Ngô Nhật Khánh oán hận chuyện Hoàng Thượng lập ta làm Hoàng Hậu thay vì tỷ tỷ của hắn, mà cùng Phất Kim công chúa nhiều lần chèn ép ta. Thúc phụ của Hoàng Thượng, Dự Thân Vương cũng không ưa gì ta. Lúc đó, bên cạnh ta không một người nào dùng được. May mà còn có đệ chịu vì ta mà ở lại trong kinh thành làm quan. Chịu vì ta mà lôi kéo quan lại, gầy dựng lại thế lực Lê Tộc.

Lê Viễn giọng có chút bất nhẫn nói:

-     Nga, tỷ vì Lê Tộc, vì ca ca ta mà chấp nhận giam thân giữa chốn thâm cung này. Sao talại không thể vì tỷ mà làm chút chuyện nhỏ này chứ? Năm đó, chúng ta phải vất vả biết bao nhiêu mới lần lượt đưa được hơn ba trăm tộc nhân về lại đất tổ Ái Châu. Tỷ có bao nhiêu khổ sở, bao nhiêu uất ức, chẳng lẽ đệ lại không biết?

Tôi gật đầu, khẽ sụt sùi, không hiểu sao gần đây cứ hay nhớ về những ngày xưa cũ. Tôi liền khôi phục lại tâm trạng, tập trung nói vào chuyện chính.

-     Lần này ta gọi đệ đến đây là để nhắc đệ quan Tri Châu mới nhậm chức ở Ái Châu cũng là người của Nguyễn Bặc, Đinh Điền. Đệ phải thông báo cho Tướng quân Từ Mục thu liễm bớt hành động, đồng thời nhắc nhở tộc nhân Lê Tộc nhất cử nhất động đều phải thật cẩn trọng, không được để cho kẻ khác có cơ hội nắm được điểm yếu, lấy đó làm cớ uy hiếp đại ca đệ.

Lê Viễn nghiêm túc gật đầu đáp:

-     Đệ hiểu. Tỷ yên tâm.

-     Ta nhận được tin đại ca đệ lại dâng sớ xin quay về kinh đô phụng sự. Biên ải hiện nay cũng không còn nhiều uy hiếp, nhưng Hoàng Thượng vẫn chưa chuẩn tấu cho chàng. Ta quả thật rất lo lắng!

Lê Viễn hơi ngần ngừ một chút, cuối cùng nói:

-     Hoàng Thượng vẫn còn e dè chuyện trước kia của tỷ và ca ca. Nhưng dù sao ca ca cũng đang nắm binh quyền trong tay, trời cao hoàng đế xa, chưa hẳn là chuyện không tốt.

Tôi vẫn không yên lòng, lại nói:

-     Nhưng mấy năm nay đại ca đệ ở mạn Bắc thường xuyên bị Nguyễn Bặc chèn ép, chậm trễ quân hưởng.

Mày kiếm của Lê Viễn nhíu lại, cậu ta bất nhẫn đáp:

-     Tên tiểu nhân Nguyễn Bặc, thao túng Hộ Bộ, luôn cố tình cho xuất quân lương, quân hưởng chậm trễ. Lần nào cũng là ca ca vì ba quân tướng sĩ mà tự xuất tiền từ thực ấp của chính mình để ứng trước.

Đoạn, cậu lại thấp giọng đáp:

-     Nhưng tỷ yên tâm, Nguyễn Bặc không còn lộng quyền được bao lâu nữa đâu, kế hoạch của chúng tavẫn đang tiến triển thuận lợi.

Tôi suy nghĩ một chút, lại thăm dò cậu ta:

-     Người ra tay giúp đỡ đệ thật sự đáng tin chứ?

Lê Viễn khẽ gật đầu. Nhưng cậu vẫn không có ý định nói cho tôi người đứng sau tương trợ mình là ai. Tôi cũng không muốn truy đến cùng, chỉ hỏi:

-     Mọi thứ đều đã thu xếp ổn thỏa?

Lê Viễn lại gật đầu. Đoạn cậu ta lại nhìn tôi, chần chừ một chút mới nói tiếp:

-     Còn chỗ của Hoàng Thượng…

-     Đệ yên tâm, chỗ của Hoàng Thượngta sẽ lo liệu.

Tôi kiên định đáp. Lê Viễn bắt đầu tường thuật vắn tắt tình hình tiền triều mấy hôm nay. Tôi im lặng lắng nghe, thầm cân nhắc những bước đi sắp tới. Hiện tại trong triều đang chia làm ba thế lực. Quyền thế của hai vị Quốc Công Nguyễn Bặc, Đinh Điền bao trùm khắp triều đình. Vây cánh của hai người này rất lớn, đa số là các văn thần võ tướng theoHoàng Thượng từ những ngày khởi binh cùng một số quý tộc họ Đinh. Tiếp theo nữa là vây cánh của Ngô Nhật Khánh, Phạm Bạch Hổ và một số quan lại triều Ngô cũ. Ngô Nhật Khánh lấy Phất Kim Công chúa, con gái của Dự Thân Vương Đinh Dự, em họ của Hoàng Thượng, trở thành Phò mã của triều Đinh, đồng thời gã còn là em ruột của Ngô Thần Phi, đệ nhất sủng phi của Hoàng Thượng. Vì e ngại thế lực của Ngô Nhật Khánh mà gần đây Nguyễn Bặc cũng dâng em út của mình lên cho Hoàng Thượng, chính là vị Nguyễn Quý Phi tính tình thất thường vừa được sắc phong kia. Cuối cùng, chính là thế lực của Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn cùng các võ tướng xuất thân từ Lê Tộc do tôi, đương kim Hoàng Hậu chống lưng.

Hoàng Thượng đương nhiên biết rõ các thế lực đấu đá nội bộ trong triều, nhưng để bảo toàn thế cục ổn định trong triều, Người đều mắt nhắm mắt mở làm ngơ, miễn không bên nào gây ra tổn hại cho triều đình, Người cũng sẽ không đụng đến.

Cùng Lê Viễn trò truyện một hồi, tôi lại nhớ đến những lời đồn đại trong cung về mấy chuyện phong hoa tuyết nguyệt của Lê Viễn, liền dịu giọng nói:

-     Lê Viễn, gần đây trong cung có không ít tin đồn không hay về đệ. Ta biết đệ ra vẻ sa đọa vì để tránh cho Hoàng Thượng nghi kị. Nhưng sắc tửu đều hại thân, đệ vẫn nên tránh xa một chút.

Lê Viễn chỉ cười cười nói:

-     Tỷ yên tâm, đệ tự biết chừng mực.

Tôi lại ngập ngừng nói:

-     Lê Viễn, tuổi của đệ cũng không còn nhỏ nữa, vậy mà thê thiếp trong phủ đều không có. Hay là để ta thay đệ tìm một mối hôn sự tốt…

Không đợi tôi nói hết câu, Lê Viễn liền ngắt lời tôi:

-     Nga, đệ còn nhiều việc chính sự phải làm, không hề có ý định thành thân lúc này. Hơn nữa, ca ca đệ đến giờ cũng vẫn chưa thành thân, đệ cũng không gấp làm gì.

Tôi thở dài, cậu ta cũng cố chấp không thua gì đại ca mình, xem ra việc này đành phải thư thả một thời gian nữa vậy. Tôi phẩy tay:

-     Ta biết rồi! Đệ lui về đi.

Lê Viễn hành lễ rồi quay lưng rời đi. Một mình tôi ngồi lại tiền điện Trường Xuân cung hoa lệ mà lạnh lẽo. Đến cả Lê Viễn cũng không còn đơn thuần như xưa. Những ngày sóng gió lại bắt đầu…

-Hết chương 31-