Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 36

Chương 36

Trùng Cửu dạ yến tiếc cảnh thanh bình. Gặp kẻ ám hại suýt mất thanh danh

**************************************

“Năm ngoái giữa rừng không có lịch

Nhìn hoa cúc nở biết trùng dương”[1]

Tết Trùng Cửu

Đất trời chuyển mùa, cỏ cây dần úa, hơi lạnh cũng đã kéo đến. Trong Ngự hoa viên, hoa cúc từng đóa từng đóa tách xòe bung nở. Bên hồ nội cung, tiếng quyên ca rộn ràng.

Đêm nay, cung nhân trên dưới đều bận rộn chuẩn bị cho yến tiệc thưởng cúc đón Tết Trùng Cửu do Hoàng Thượng tổ chức. Hoàng thân quốc thích, hậu cung phi tử, bá quan văn võ tứ phẩm trở lên cùng gia quyến đều được mời tới dự tiệc tại Ngự Hoa viên.

Hoàng Thượng xưa nay đều yêu cúc, vì vậy Ngự Hoa viên cũng được phủ đầy hàng ngàn chậu hoàng cúc và bạch cúc. Dưới ánh đèn hoa đăng sáng rực, từng thảm cúc vàng óng ả xen lẫn những lớp cúc trắng như sương thướt tha khoe sắc.

Tôi lúc này đang ngồi bên cạnh Hoàng Thượng trên cao, quan sát quần thần đang ngồi ở các dãy bàn bên dưới. Đã lâu trong cung mới có dịp tề tựu đông đủ. Trịnh Tú vừa đi sứ Tống triều trở về, đang cùng Lưu Cơ đàm đạo. Lê Viễn cùng Hồng Hiến cũng đang nâng chén. Hồng Hiến kể từ khi gia nhập Hộ Bộ, không ngừng lập công trạng, thăng tiến cũng rất nhanh. Lê Hoàn đêm nay cũng đưa phu nhân theo cùng. Hai người quả đúng là phu thê ân ái, trong sóng mắt chỉ có đối phương, chàng cùng nàng đang kính cẩn nâng ly. Ngô Nhật Khánh, Phạm Bạch Hổ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, đôi huynh đệ Phạm Hạp, Phạm Cự Lang cũng đều lần lượt tiến lên chúc rượu Hoàng Thượng và tôi.

Tất cả rượu ngự dụng và đãi khách đêm nay đều là rượu hoa cúc ủ từ thu trước đến thu này mới khui vò. Hương rượu thơm nồng quyện cùng hương cúc đằm sâu khiến người uống chưa cạn chén đã lâng lâng say. Tôi nhấp chén rượu thơm, nhìn quang cảnh hoan ca trước mắt, lòng bỗng ngập tràn cảm giác luyến tiếc cùng bất lực, dù biết rõ không thể nhưng lòng vẫn thầm mong những tháng ngày thái bình này có thể kéo dài mãi…

Hoàng Thượng bên cạnh thấy tôi lòng đầy tâm sự, người nâng tay ngăn không cho tôi rót thêm ly rượu mới:

-         Vân Nga, đêm nay nàng uống cũng nhiều rồi.

Tôi cười cười nói:

-         Hoàng Thượng, tiệc cũng vừa mới bắt đầu, đêm nay vui như vậy, thần thiếp sao có thể không uống. Thần thiếp kính người một ly.

Hoàng Thượng bất đắc dĩ cùng tôi nâng chén. Ngô Thần Phi, Ngô Thị Quỳnh Dao ngồi bàn bên cạnh thấy vậy bèn lên tiếng:

-         Khởi bẩm Hoàng Thượng, thần thiếp thường ngày rãnh rỗi, mượn dịp Tết Trùng Cửu, thần thiếp có vẽ một bức Cúc họa đồ, xin kính dâng Hoàng Thượng ngự lãm. Có điều thần thiếp tài thô học thiển, mong Hoàng Thượng đừng chê cười.

Hoàng Thượng liền mỉm cười vui vẻ đáp:

-         Quỳnh Dao thật có lòng rồi!

Ngô Thần Phi liền nở nụ cười tu hoa bế nguyệt, ra hiệu cho hai cung nữ dâng bức cúc họa đồ cho Hoàng Thượng ngự lãm. Khi bức họa được khai mở, tôi không khỏi thán phục kỳ tài của Ngô Thần Phi. Bạch cúc trong tranh của nàng thi nhau nở rộ, rực rỡ hoa mỹ, từng đóa từng đóa đều như có sinh mệnh, ngạo nghễ khoe cốt cách. Điểm nhấn trong tranh là hình ảnh cánh bướm chập chờn vấn quanh khóm cúc, lưu luyến không muốn rời đi. Mà từng đóa cúc kia cũng như đang rướn mình đón cánh bướm, diễm lệ mà sống động, ý vị mà tao nhã.

Hoàng Thượng vô cùng hài lòng, ngự bút đặt tên cho bức họa là “Bạch cúc hí phi điệp”, nghĩa là đóa cúc trắng mừng cánh bướm bay tới.

Nguyễn Quý Phi, Nguyễn Thị Sen cũng bước đến bên cạnh Hoàng Thượng chăm chú xem tranh, nàng cười tươi như hoa nói:

-         Ngô tỷ tỷ quả thật là bậc kỳ nữ. Muội muội thật bái phục. Hoàng Thượng người phải ban thưởng cho Ngô tỷ tỷ nha.

Nói rồi, nàng ôm lấy cánh tay Hoàng Thượng, một thân hồng y mềm mại nhu mì như nước ngả vào lòng Hoàng Thượng, tỉ tê:

-         Hoàng Thượng, người xem, Ngô tỷ tỷ vẽ bức họa này tình ý biết bao nhiêu. Tỷ ấy như cánh hồ điệp kia quấn quanh đóa bạch cúc là Hoàng Thượng đây. Thần thiếp ngưỡng mộ biết bao nhiêu! Thần thiếp cũng muốn được như vậy!

Hoàng Thượng cười cười, gõ nhẹ lên trán Nguyễn Quý Phi, Nguyễn Quý Phi lại trưng ra bộ mặt tinh nghịch, trẻ con của mình. Ngô Thần Phi bên kia bị người khác nhìn trúng tâm ý nét mặt cũng thoáng thẹn thùng.

Phạm Chiêu Nghi và Lý Chiêu Nghi ngồi bàn bên cạnh cũng liên tiếp khen ngợi lấy lòng Ngô Thần Phi cùng Hoàng Thượng. Chỉ có Đinh Phi, Đinh Thị Tĩnh ngồi bàn đối diện với Ngô Thần Phi từ đầu đến cuối vẫn luôn tĩnh lặng, tựa hồ tất cả náo nhiệt kia đều không thuộc về nàng, nàng giữ mình mờ nhạt đến mức không thể mờ nhạt hơn giữa chốn cung đình.

Hoàng Thượng ra lệnh cho nội nhân cận thân đem “Bạch cúc hí phi điệp” treo tại Điện Cần Chánh để khi rãnh rồi Người có thể ngắm nhìn. Nguyễn Quý Phi cũng quay lại bàn tiệc ngồi cạnh Ngô Thần Phi, vừa ngồi xuống nàng đã nhìn tôi đầy thâm ý nói:

-         Bẩm Đức Lệnh Bà, Ngô tỷ tỷ đã dâng tranh tặng Hoàng Thượng nhân dịp Tết Trùng Cửu. Lệnh Bà chắc cũng không chịu thua kém chứ? Lệnh Bà có định dâng tặng lễ vật gì cho Hoàng Thượng không? Thần thiếp nghe tiếng Lệnh Bà xưa này học rộng hiểu nhiều, chi bằng Lệnh Bà làm một bài thơ tặng Hoàng Thượng đi.

Khóe mắt nàng cong cong, nở một nụ cười hồn nhiên, ngọt đến tận tâm can. Tôi không khỏi phì cười, nhẹ giọng nói với Hoàng Thượng:

-         Thần thiếp không phải bậc thi thánh “bảy bước làm thơ”[2]. Thật đáng hổ thẹn! Chỉ đành nhân Tết Trùng Cửu mượn thơ về hoa cúc của cổ nhân dâng tặng Hoàng Thượng, cũng xem như mượn hoa kính Phật.

Hoàng Thượng cùng các vị cung phi đều tán đồng, tôi liền ngâm một bài Đường thi của Vi Ứng Vật:

Sương lạc tụy bách thảo

Thì cúc độc nghiên hoa

Vật tính hiểu như thử

Hàn thử kỷ nại hà!

Xuyết anh phiếm trọc giao

Nhật nhập hội điền gia

Tận túy mao thiềm hạ

Nhất sinh khởi tại đa![3]

Hoàng Thượng nghe xong cũng vui vẻ vỗ vỗ bàn tay tôi nói:

-         Thơ hay! Sương lạc tụy bách thảo. Thì cúc độc nghiên hoa. Thật hợp với không khí đêm nay!

Lại nghe giọng Nguyễn Qúy Phi đon đả:

-         Bẩm Hoàng Thượng, Lệnh Bà, đêm nay thần thiếp có ra lệnh cho Ưu Bà Phạm Thị Trân chuẩn bị chương trình Chèo góp vui cho yến tiệc. Không biết Hoàng Thượng và Lệnh Bà muốn xem tích Chèo nào, Ưu Bà sẽ cho cung nhân chuẩn bị ạ.

Hoàng Thượng cũng không quá hứng thú với Chèo, chỉ tùy tiện đáp:

-         Hoàng Hậu và các nàng chọn đi!

Nguyễn Quý Phi bèn quay sang tôi nói:

-         Bẩm Đức Lệnh Bà, thần thiếp thấy cứ xem đi xem lại mấy tích Trầu cau, Trương Viên, Tô Thị về các trung trinh liệt nữ mãi cũng chán…

Tôi cảm thấy thú vị nhìn sang Nguyễn Quý Phi, không biết trong bụng nàng đang suy tính gì, liền mỉm cười hỏi nàng:

-         Nguyễn Quý Phi nói vậy chắc hẳn là đã có tích hay muốn giới thiệu cho mọi người?

Nguyễn Quý Phi như chỉ đợi mỗi câu này, liền cao giọng:

-         Gần đây Ưu bà Phạm Thị Trân có cho cung nhân tập qua một số tích Chèo mới,  trong đó có vài tích kể về các cố sự bên Tàu. Thần thiếp có đọc qua giới thiệu thấy nổi trội nhất là câu chuyện về Tây Thi Phạm Lãi. Không biết Lệnh Bà và các tỷ tỷ đã nghe qua câu chuyện này chưa? Nếu chưa biết, hôm nay vừa khéo có thể để cung nhân trình diễn cho mọi người cùng xem.

Nhìn ánh mắt Nguyễn Quý Phi, tôi cảm thấy mấy lời nàng nói không chỉ đơn giản như vậy. Tôi còn đang muốn nhìn cho rõ xem rốt cuộc nàng đang muốn giở trò gì, nên cũng không vội trả lời, chỉ bình thản nhấp chén rượu.

Phạm Chiêu Nghi thấy tôi không nói gì, nàng mất kiên nhẫn liền hỏi:

-         Tây Thi - Phạm Lãi? Là chuyện năm nào? Tỷ chưa từng nghe qua. Nguyễn muội muội kể qua cho mọi người nghe nội dung xem.

Nguyễn Quý Phi nhìn lướt một vòng các bàn tiệc, thấy Hoàng Thượng và các vị cung phi khác đã bắt đầu chú ý, nàng liền nghiêm túc thuật lại câu chuyện:

-         Chuyện này ở bên Tàu, đời Xuân Thu. Vua nước Việt đánh thua nước Ngô, bị vua Ngô bắt sang nước Ngô làm con tin. Phạm Lãi của nước Việt vì cứu Chúa phải dùng Mỹ nhân kế, dâng thê tử chưa cưới của mình là Tây Thi sang cho vua Ngô Phù Sai làm thiếp. Tây Thi này vốn là đệ nhất mỹ nhân của nước Việt, nàng ta dùng mỹ mạo tựa thiên tiên của mình mà mê hoặc Ngô Phù Sai, khiến cho Ngô Phù Sai say đắm, bỏ bê triều chính, còn nghe lời nàng ta mà thả cho vua nước Việt về nước. Cuối cùng, nước Ngô bị nước Việt đánh bại, Ngô Phù Sai bị ép đến đường cùng, phải tự sát trước ba quân. Sau đó, Phạm Lãi đưa Tây Thi trốn đi, cả hai ngao du tứ hải, lánh xa sự đời.

Phạm Chiêu Nghi nghe xong thì ngẩn ra một hồi, cuối cùng mới thốt lên một câu:

-         Hồng nhan họa thủy! Tây Thi này quả đúng là tai họa của nước Ngô!

Ngô Thần Phi nhíu đôi mày đẹp như dãy núi mùa xuân, giọng mang theo chút bất mãn nói:

-         Ngô Phù Sai này vì đắm chìm trong tửu sắc mà bỏ bê triều chính, lại ngạo mạn khinh địch mà thả vua nước Việt về nước, cuối cùng mắc phải sai lầm quân sự mà bại dưới tay nước Việt, lâm vào bước đường vong quốc, phải tự sát tạ tội với con dân nước Ngô. Đây đều là do người này tự chuốc lấy, cũng không thể trách ai được!

Phạm Chiêu Nghi lại thở dài buồn bã nói:

-         Tây Thi này cũng thật đáng thương, bị ép gả cho người mà nàng không yêu, hơn nữa người ép gả nàng lại còn là vị hôn phu của nàng. Số nàng cũng thật khổ! Cái người tên Phạm Lãi kia cũng thật vô tình vô nghĩa quá đi.

Ngô Thần Phi không đồng tình với nàng, liền phản bác:

-         Không có nước làm sao có nhà? Nghĩa Quân thần đứng đầu đạo Tam cương. Phạm Lãi vì nước vì vua mà hy sinh tình riêng. Tấm lòng này càng đáng phải được trân trọng!

Ngô Thần Phi không hổ danh là bậc kỳ nữ dòng dõi quyền quý, tri thư đạt lễ, cốt cách mềm mỏng nhưng nội tâm lại cương trực. Tôi bỗng cảm thấy Ngô Thần Phi cùng Trịnh Tú Đại nhân thật có điểm giống nhau. Nếu nàng là nam tử, có lẽ sẽ là môn sinh đắc ý nhất dưới trướng của Trịnh Tú.

Nguyễn Quý Phi chỉ cười tủm tỉm nói:

-         Phạm tỷ tỷ, đến cuối cùng thì Tây Thi cùng Phạm Lãi chẳng phải cũng cùng nắm tay nhau cao chạy xa bay đó sao!

Lại nghe Lý Chiêu Nghi lên tiếng:

-         Tây Thi cùng Ngô Phù Sai dù gì cũng đã là chung sống gần hai mươi năm, phu thê ngày đêm đầu ấp tay gối. Hơn nữa, Ngô Phù Sai lại sủng ái nàng ngút trời. Theo tỷ thấy, Tây Thi rời đi cùng Phạm Lãi chưa hẳn đã là nguyện ý của nàng. Tình cảm của nàng cùng Phạm Lãi có lẽ sớm đã nhạt phai từ ngày Phạm Lãi dâng nàng cho Ngô Phù Sai rồi.

Nguyễn Quý Phi cười khúc khích nói với Lý Chiêu Nghi:

-         Lý tỷ tỷ nói vậy cũng có lý lắm! Tây Thi này rốt cuộc là yêu ai hơn? Chuyện này trong chúng ta có lẽ Lệnh Bà sẽ là người hiểu rõ nhất.

Đoan, nàng lại làm như vô tình mà quay sang nhìn tôi cười hỏi:

-         Đức Lệnh Bà, nếu Lện Bà mà là Tây Thi thì Lệnh Bà rốt cuộc sẽ yêu mối tình đầu Phạm Lãi nhiều hơn, hay là yêu phu quân cùng kết bái thiên địa Ngô Phù Sai nhiều hơn? Lệnh Bà về sau có bỏ mặc Ngô Phù Sai mà chạy theo tình đầu Phạm Lãi hay không?

Quả nhiên!

Tôi không nhịn được mà tự nở một nụ cười ngán ngẫm. Nguyễn Quý Phi này đúng là tiếu lý tàng đao, từ đầu đến cuối đều tìm cách làm bẽ mặt tôi. Có điều, nàng định lôi chuyện cũ năm xưa của tôi và Lê Hoàn ra để hạ bệ tôi mà cũng không chịu nhìn xem sắc mặt Hoàng Thượng đã xấu đến cỡ nào.

-         Nguyễn Quý Phi khéo đùa rồi! Ta cũng không phải Tây Thi, sao có thể biết tâm tư nàng ta? Có điều, nếu muội ám chỉ ta là Tây Thi, vậy muội cũng nói cho rõ xem ai là Phạm Lãi, ai là Ngô Phù Sai?

Tôi làm như vô tâm đáp bâng quơ một câu, thực tế coi như lật bài ngửa với Nguyễn Quý Phi. Nụ cười trên mặt Nguyễn Quý Phi bỗng như đông cứng lại, nàng lắp bắp:

-         Thần thiếp… thần thiếp… không phải ý này.

Các cung phi trong bữa tiệc nhất thời ai cũng giật mình. Hoàng Thượng đặt mạnh chén rượu xuống bàn, trong mắt hiện lên một tia chán ghét. Không khí thoáng chút liền rơi vào trầm mặc.

Thời gian chầm chậm trôi qua, ai cũng im bặt, thần thái thấp thoáng lo sợ, không dám thốt ra lời nào. Tôi cũng mặc kệ bọn họ, chỉ thong thả nhấp rượu.

Đột nhiên, một giọng nói mềm mại, dịu dàng như mưa xuân khe khẽ vang lên xua tan bầu không khí ngột ngạt:

-         Minh Châu, con muốn xem tích Chèo nào?

Đinh Phi, Đinh Thị Tĩnh vừa đút thức ăn cho công chúa Minh Châu vừa nhẹ giọng hỏi công chúa. Mà cô công chúa nhỏ năm tuổi lúc này như cố nuốt vội thức ăn để trả lời mẫu thân bé, đôi má bầu bĩnh phồng phồng, đôi môi nhỏ xíu xinh xắn thốt ra một chữ:

-         Thiên…

Tất cả cung phi xung quanh gần như đều nín thở chờ đợi câu trả lời của bé.

-         …Thai.

-         Thiên Thai!

Công chúa nhỏ cuối cùng cũng nói tròn vành rõ chữ hai tiếng “Thiên thai”. Nói xong bé cười tít mắt, càng làm hiện rõ đôi má lúm đồng tiền lúng liếng đáng yêu.

Ngô Thần Phi là người thông minh tinh ý, liền lập tức cười nói với Minh Châu công chúa:

-         Minh Châu thật ngoan! Biết tích Thiên Thai nữa à! Vậy thì cứ để Minh Châu xem Thiên Thai nhé!

Nói đoạn, nàng lập tức ra lệnh cho nội nhân đứng bên cạnh:

-         Người đâu, mau truyền cáo cho Ưu Bà chuẩn bị tích Chèo Thiên Thai.

Nội nhân vâng lệnh lập tức đi chuẩn bị, lúc này không khí mới hòa hoãn trở lại.

Đinh Phi này cũng xem như là bắc thang cho Nguyễn Quý Phi leo xuống rồi. Tôi nhìn Đinh Phi gật đầu tỏ ý đa tạ nàng, nàng chỉ mỉm cười nhẹ nhàng gật đầu đáp lễ với tôi, rồi lại tiếp tục chăm sóc cho công chúa nhỏ bên cạnh.

Chưa đầy một khắc sau, chiếu hoa đã trải dưới sân, mỗi nhạc sư ôm một món nhạc cụ như trống chèo, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, sáo, chũm chọe, thanh la, mõ… Người trước nối gót người sau lần lượt ngồi xếp bằng quanh chiếu hoa. Các vũ ca cũng tùy thời xuất hiện, làn điệu Chèo bắt đầu cất lên.

Các cung nữ và nội nhân Ngự thiện phòng cũng dâng thêm món ăn mới. Có điều quỷ không biết thần không hay từ lúc nào một mảnh lụa nhỏ được dấm dúi nhét vào tay tôi. Tôi nhìn quanh các cung nhân vừa xuất hiện, rốt cuộc cũng không nhìn ra là kẻ nào đã giở trò quỷ, chỉ đành nhân lúc Hoàng Thượng và các Cung phi bên cạnh không chú ý, cúi đầu đọc mảnh lụa nhỏ trong tay. Vừa nhìn thoáng qua, tám chữ: “Việc khẩn. Chờ nàng ở Dạ Trạch Lâu” đã khiến tôi giật mình choáng váng…

Đây là nét chữ của Lê Hoàn.

************************************

Dạ Trạch Lâu là nơi thờ phụng Chử Đạo Tổ Chử Đồng Tử do Sùng Chân Uy Nghi Đạo sĩ Đặng Huyền Quang trông coi. Dạ Trạch Lâu nằm ở vị trí tương đối thanh tĩnh, muốn đến đây phải đi xuyên qua hồ nội cung, lại đi qua thêm rất nhiều hành lang gấp khúc liên tiếp mới tới được. Bình thường buổi tối nơi này đều cấm cung nhân lui tới, đêm nay Sùng Chân Uy Nghi cũng tham dự dạ yến nên lại càng vắng lặng.

Lúc này đã gần cuối giờ Hợi, không gian yên ắng khi thoảng vang lên tiếng côn trùng kêu rỉ rả, ánh đèn le lói hắt ra từ những ngọn đèn lồng treo dọc theo lối vào. Tôi đứng trước cửa Dạ Trạch Lâu, chần chừ do dự không muốn vào.

Có chuyện gì hệ trọng đến mức Lê Hoàn phải hẹn gặp tôi vào lúc này? Dù gì từ khi Lê Hoàn trở về Hoa Lư, tôi cùng chàng vẫn chưa từng gặp lại. Thân phận tôi cùng chàng nay đã khác xưa. Người con gái sẽ cùng chàng sóng bước trên đường đời cũng chẳng phải là tôi nữa.

Hít một hơi thật sâu, lòng cảm thấy có những lời cũng nên nói rõ, tôi liền đẩy cửa bước vào.

Vừa bước vào bên trong Dạ Trạch Lâu tôi đã lọt hẳn vào vòng tay một người. Người nọ thân hình cao lớn, lồng ngực rắn rỏi, cánh tay vững chắc, gương mặt anh tuấn vô cùng.

-         Lê Hoàn!

Tôi sửng sốt gọi tên chàng. Lê Hoàn ôm chặt lấy tôi, trán chàng chạm khẽ lên trán tôi, thấp giọng nói:

-         Tại sao nàng lại luôn tránh mặt ta? Mấy tháng này ta đều tìm cách gặp nàng nhưng nàng vẫn luôn từ chối. Vì sao? Nàng đang trách ta đúng không?

Tôi rũ mắt, lảng tránh ánh mắt chàng:

-         Lê Hoàn… chàng buông thiếp ra đi. Chúng ta đều là người đã có gia thất. Năm xưa chúng ta đã không thể ở bên nhau, bây giờ cũng không thể, sau này lại càng không thể.

Lê Hoàn siết chặt vai tôi:

-         Vân Nga! Ta cưới Thủy Nguyệt đều là do Hoàng Thượng ép buộc! Thủy Nguyệt là chính thê của ta, ta có thể kính trọng nàng ấy, chăm sóc cho nàng ấy cả đời. Nhưng người ta yêu là nàng! Tình cảm ta dành cho nàng chưa bao giờ thay đổi! Nàng biết điều đó mà…

Tôi lặng yên không biết nên nói gì. Lê Hoàn vẫn nhìn tôi chăm chú. Hồi lâu sau vẫn không thấy tôi lên tiếng, ánh mắt chàng từ bi phẫn, quyết liệt, chờ mong dần chuyển sang ảm đạm, lạnh lẽo. Lê Hoàn buông tôi ra, chàng quay mặt đi, ngẩng đầu cười lạnh:

-         Năm năm trước ta không thể bảo vệ nàng. Năm năm sau lại phụ lòng nàng. Kể cả người con gái mình yêu cũng không thể bảo vệ, hạnh phúc của bản thân cũng không thể làm chủ. Còn nói cái gì là trị quốc, bình thiên hạ. Thật nực cười! Ta cũng chỉ là một kẻ vô dụng!

Ánh sáng lập lòe hắt ra từ hai dãy nến hai bên góc phòng phản chiếu bóng lưng vững chãi nhưng sao cô độc của Lê Hoàn. Tôi đã từng nhìn thấy một Lê Hoàn anh minh thần võ, đã từng nhìn thấy một Lê Hoàn sát phạt quyết đoán, đã từng nhìn thấy một Lê Hoàn chiến thần nơi sa trường, nhưng chưa từng nhìn thấy một Lê Hoàn bất lực và hoang mang như thế. Tim tôi như thể có ai đang cấu cào, nhức nhối đến không thể chịu nổi.

Tôi không kìm lòng được mà vòng tay ôm chặt lấy Lê Hoàn, gối mặt vào bờ lưng rộng lớn của chàng. Giây phút này đây, tôi chỉ muốn chàng đưa tôi đi thật xa, không cần biết trời nam đất bắc, không cần biết núi cao sông rộng, chỉ cần được ở cùng người trước mặt, dù là góc bể chân trời tôi cũng quyết đi cùng chàng.

Một dòng nước mắt lặng lẽ trào ra khỏi khóe mi. Nhưng tôi lại không thể…

Lê Hoàn. Chàng còn tương lai rộng mở, chàng còn con đường mà mình phải đi, non sông vạn dặm ngày sau còn cần chàng gánh vác.

-         Lê Hoàn, thiếp không trách chàng, chưa bao giờ trách chàng…

Lê Hoàn xoay lưng ôm chặt lấy tôi, kéo tôi vào lòng chàng, thấp giọng:

-         Vân Nga, đợi ta có được không?

-         Vô ích thôi Lê Hoàn. Chúng ta dừng ở đây thôi…

Lê Hoàn nhìn sâu vào đôi mắt tôi, chàng chậm rãi nói:

-         Vân Nga! Hình bóng nàng đã khảm sâu trong tâm trí ta. Từng nụ cười của nàng, từng giọt nước mắt của nàng đều đã ghim chặt trong trái tim ta. Hơn hai ngàn đêm xa cách, ta chưa từng thôi nhung nhớ nàng. Trận Tây Phù Liệt năm xưa, ta trọng thương suýt mất mạng, nếu không phải Hoa Lư còn có nàng đợi chờ, có lẽ ta cũng chẳng đủ ý chí thoát khỏi vòng vây.

Chuyện xưa cũ như thác lũ tràn về. Năm đó, trong trận quyết chiến cuối cùng với Nguyễn Siêu, Lê Hoàn cùng một Lữ đoàn tiên phong lọt vào bẫy mai phục của Nguyễn Siêu. Hơn bảy trăm người bị ba vạn quân của Nguyễn Siêu vây khốn. Lê Hoàn không sợ sống chết tả xung hữu đột, khắp người không chỗ nào là không bị thương. Máu đỏ nhuộm thắm trường bào nhưng khí thế trấn áp vạn địch, một người một ngựa xông thẳng vào giữa trận địa chém chết Nguyễn Siêu. Sau khi thắng lợi, vẫn bất chấp thương thế mà dẫn quân đánh thẳng đến Hoa Lư, một lòng một dạ muốn đưa tôi đi.

-         Vân Nga, ta không muốn từ bỏ đoạn tình cảm này. Nàng cũng đừng từ bỏ ta có được không?

Tình cảm mãnh liệt của Lê Hoàn dường như lấn át đi tất cả lí trí của tôi, những lời cự tuyệt vốn đã chuẩn bị sẵn lại chẳng thể thốt ra thành lời. Ánh mắt Lê Hoàn cố chấp mà tràn đầy thâm tình, chàng đặt lên đôi môi tôi một nụ hôn cuồng nhiệt, tràn đầy xâm chiếm. Khi đôi phiến môi luyến tiếc rời nhau. Lê Hoàn lại dịu dàng hôn lên vành tai tôi, một đường khẽ khàng lướt xuống cổ và xương quai xanh. Chàng vừa hôn vừa nỉ non gọi tên tôi. 

-         Vân Nga…

Tôi thoáng chốc cảm thấy cả người tê rần. Tôi đã từng nghe Lê Hoàn vô số lần gọi tên tôi. Có yêu thương bao dung, có ra lệnh dạy bảo, nhưng chưa lần nào ẩn chứa dục vọng. Mà lần này tôi lại có thể nghe ra được dục vọng chiếm hữu từ hai tiếng “Vân Nga” của chàng.

Không đúng! Lí trí mách bảo cho tôi biết Lê Hoàn bình thường sẽ không như vậy!

Tôi quan sát nét mặt của Lê Hoàn, sắc mặt chàng nhuốm sắc đỏ, hô hấp gấp gáp, ánh mắt sắc bén thường ngày cũng trở nên nhu hòa rất nhiều. Đây nhất định không phải là do rượu hoa cúc tối nay. Rốt cuộc không đúng ở chỗ nào?

Tôi lách mình khỏi vòng tay của Lê Hoàn, bình tĩnh suy xét thật kỹ, chợt nhận ra trong phòng thoang thoảng mùi hương ngọt gắt kỳ lạ. Trong đầu như có một tia sét quét qua. Mùi hương này tuyệt đối không phải là huân hương thường dùng thờ phụng trong Dạ Trạch Lâu!

Tôi lập tức đẩy mạnh Lê Hoàn ra. Chạy đến lấy rượu tế trên bàn thờ định đem dập tắc lư hương nơi góc phòng. Không ngờ chỉ mới đến gần lư hương đã bị cái thứ mùi ngọt gắt kia làm cho đầu choáng mắt hoa. Tôi nín thở, khó khăn lắm mới dập tắc được lư hương kia.

Là mê hương thúc tình! Lê Hoàn đến Dạ Trạch Lâu sớm hơn tôi cả khắc, nên hẳn là bị ngấm mùi thuốc từ sớm! Là kẻ nào đã thay huân hương thường dùng trong Dạ Trạch Lâu thành mê hương?

Lê Hoàn vô cùng ngạc nhiên trước hành động của tôi. Tôi nhìn thấy chàng có phần đứng không vững, liền la lên:

-         Lê Hoàn! Chàng hẹn thiếp đến đây rốt cuộc là có chuyện khẩn gì muốn nói?

-         Không phải nàng gửi thư hẹn ta đến đây sao?

Thần sắc Lê Hoàn thoáng trở nên mơ hồ. Chàng lôi mảnh khăn lụa ra đưa cho tôi. Tôi nhận lấy mảnh lụa, nhìn chằm chằm bút tích giống hệt bút tích của mình trên tấm lụa liền hiểu ra có biến, liền lập tức chạy ra cửa lớn, dùng hết sức bình sinh giật thật mạnh hai cánh cửa. Không thể mở.

Quả nhiên!

Cửa đã bị khóa trái từ bên ngoài.

Trong đêm khuya thanh vắng, xa xa vang lên tiếng đèn đuốc và bước chân gấp gáp của hơn mấy chục người. Tôi quay phắt lại nhìn Lê Hoàn, lúc này Lê Hoàn đã hơi loạng choạng, chàng cắn chặt môi cố gắng dựa sát vào góc tường, miễn cưỡng chống đỡ cả thân người, tay siết chặt đến độ lộ cả khớp xương.

Tiếng bước chân bên ngoài càng lúc càng gần.

Bọn tôi sập bẫy rồi!

-Hết chương 36-



[1]Nguyên tác: Huyền Quang Thiền Sư
[2]Thời Tam Quốc, Thào Thực là con thứ ba của Tào Tháo và em của Tào Phi, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán. Tào Phi từng ra lệnh cho Tào Thực trong bảy bước phải làm một bài thơ với đề anh em, không xong thì sẽ chém đầu. Tào Thực bước đi bảy bước và làm bài thơ Thất bộ thi. Phi nghe xong, có ý thẹn liền tha tội chết cho Thực. Tào Thực mượn hình ảnh dùng cành đậu để nấu hột đậu để ám chỉ việc anh em tương tàn.
[3]   Hiệu Đào Bành Trạch- Nguyên tác: Vi Ứng Vật- Bản Dịch: Hải Đà

Sương rơi cỏ xác xơ tàn

Chỉ mình cúc nở hoa vàng thắm tươi

Trên đời muôn vật thế thôi

Mặc cho nóng lạnh tiết thời đổi thay

Ngắt hoa ngâm với rượu này

Cùng chung bạn hữu đêm nay xum vầy

Thềm tranh cụng chén mà say

Sá chi thế sự đời nay chẳng màng!