Minh Cung Truyện - Chương 09: Phân minh phức đạo phụng ân thì
ĐOẠN 2: CUNG OÁN
MINH CUNG TRUYỆN - CHƯƠNG 9:
PHÂN MINH PHỨC ĐẠO PHỤNG ÂN THÌ
(Rõ ràng vua đã chọn người khác để ban ơn rồi)
*Câu thơ đề trích bài “Trường Tín Thu từ” – Vương Xương Linh.
---------------------
Mùa thu năm Gia Tĩnh thứ bảy (1527), tức hơn sáu năm sau khi Thẩm Nhạc Hy bước vào Thẩm gia.
Hoa viên Đông các tràn ngập sắc hoa thược dược và hồng hạnh. Một nữ tử có dung mạo diễm lệ, thân vận vũ y màu hồng đào thướt tha, duyên dáng. Từng động tác múa uyển chuyển và linh hoạt như thể cánh chim hồng nhạn bay lượn trên bầu trời xanh.
“Động tác nhanh hơn một chút!” Hoàng Chiêu Mai vừa ngồi gảy đàn vân hòa, vừa ra lệnh. Chiêu Mai gảy đàn thoăn thoắt, mỗi lúc một nhanh hơn.
Hoàng Chiêu Mai nhìn Nhạc Hy múa, nhớ lại những ngày đầu dạy Nhạc Hy. Thị từng than với phu nhân rằng Nhạc Hy rất chậm hiểu.
Phải, vì nàng ta là nha đầu thứ xuất, trước đó chưa từng học được điều gì. Nhưng bảy năm này, Nhạc Hy đã học hỏi không ít, đã lột xác từ một nha đầu không biết gì của Trương gia thành một Thẩm tiểu thư tài mạo song toàn. Có thể tài vũ đạo của nàng ta chưa giỏi bằng thiên hạ nhưng Chiêu Mai cũng đã mãn nguyện vì thị đã dốc hết vốn liếng dạy dỗ Nhạc Hy những năm qua.
Nhạc dần kết, Nhạc Hy cũng dần dừng động tác, nàng thoáng nghe thấy đại phu nhân tán dương: “Đúng là chỉ còn thua vũ đạo của Thái hoàng Thái hậu thôi.”
Những năm qua đại phu nhân đối với Nhạc Hy luôn nghiêm khắc, song lúc này nhìn nàng múa, bà thực sự hài lòng.
Nhạc Hy nở nụ cười ôn nhã: “Đó đều là nhờ Chiêu Mai cô cô không quản ngại dạy dỗ một nha đầu kém cỏi như nữ nhi.”
Vương Bích Thụ đi tới bên cạnh, nắm lấy bàn tay mềm mại của nàng, nói khẽ: “Con người sinh ra trên đời, không so nhau ở thân phận. Chỉ cần con có tài, dù con có là ngọn cỏ thấp kém thì cũng khó bị vùi dập. Nhưng nếu con là bông hoa mẫu đơn ở tít trên cành cao mà vô dụng, thì sớm cũng tàn phai theo gió mà thôi. Thân phận giống như y phục con mặc, chỉ là vật ngoài thân, không đánh giá được con người con.”
Nhạc Hy nghe rất nhập tâm, rồi chỉ “vâng” nhẹ một tiếng. Những lời đại phu nhân nói, nàng luôn nhớ kỹ.
Nha hoàn bên cạnh đại phu nhân thêm lời: “Phu nhân, người nghĩ xem, năm nay tiểu thư nhà chúng ta liệu có được Hoàng thượng chọn vào danh sách tham gia tuyển tú không?”
Chiêu Mai chau mày nhìn ả nha hoàn kia. Nét cười trên khuôn mặt phúc hậu của Vương Bích Thụ cũng đông cứng lại, bà lạnh giọng nói với ả: “Hàm hồ, Nhạc Hy là tiểu thư Thẩm gia, năm nay mới mười ba tuổi, tuyển tú gì chứ?”
Bà đang nhắc nhở thị, Trương Trích Nguyệt năm nay mười chín, nhưng Thẩm Nhạc Hy con gái của bà năm nay mới chỉ mười ba tuổi mà thôi. Lời của phu nhân răn đe thị rằng, sớm hãy quên thân phận nhị tiểu thư Trương thị của Nhạc Hy đi.
Ả nha hoàn kia biết mình đã thất thố, vội quỳ dập đầu: “Vâng, tiểu nữ biết tội, tiểu nữ lỡ lời.”
Hoàng Chiêu Mai nghiêm túc nhìn thị, nhắc nhở cẩn thận: “Nhớ kỹ cho ta, lần sau đừng nói lời thừa thãi với phu nhân.”
Những năm nay đại phu nhân thực sự là dốc lòng dạy bảo nàng. Nàng chẳng biết dạy dỗ nàng thì có lợi gì cho bà ấy, nhưng bà ấy vẫn truyền đạt hết thảy những gì bà biết cho nàng. Đôi khi Nhạc Hy nghĩ, liệu có phải do phu nhân không có con, cho nên bà mới thương yêu nàng và hết lòng với nàng đến thế?
Nhạc Hy chợt nhớ ra, Phương Hà mấy hôm trước kể với nàng, Hoàng đế xuống chiếu thông báo tuyển tần phi. Theo kế hoạch Trương gia hoạch định ra vào bảy năm về trước, năm nay chính là năm Thái hậu đưa tỷ tỷ vào cung. Nhưng những người tham gia tuyển tú đều do Hoàng đế đích thân lựa chọn rồi mới được dự tuyển. Song Nhạc Hy cũng không quá bận tâm bởi chắc chắn Thái hậu đều đã có tính toán trước rồi. Nếu để lỡ lần này, công sức dạy dỗ tỷ tỷ nhiều năm như thế đều sẽ đi xuôi.
Nàng khẽ mỉm cười. Nếu nàng đoán đúng, tỷ tỷ tỷ vào cung thuận lợi, có lẽ nàng cũng sắp được vào cung thăm tỷ tỷ rồi.
-----
Năm nay, tuyển tú vẫn diễn ra ở đài Cảnh Nhạc như những đời tiền nhiệm. Dù kỳ tuyển tú được tổ chức trong Nhân Thọ cung của Thái hậu nhưng Thái hậu không trực tiếp tham gia tuyển chọn. Theo quy củ từ thời Tuyên Đức, những người đánh giá tuyển chọn phi tử là Hoàng đế, Hoàng hậu, đích mẫu và sinh mẫu của Hoàng đế. Tưởng phi, sinh mẫu của Hoàng đế đã qua đời; Trương Thái hậu không phải đích mẫu, cũng không phải sinh mẫu của hắn nên cũng không có quyền tham tuyển. Vì vậy, giám khảo đợt tuyển tú này chỉ có Hoàng đế và Hoàng hậu.
Sáng sớm ngày hai mươi bảy tháng tám. Hoàng hậu cho bố trí Cảnh Nhạc đài, chuẩn bị cho đại lễ tuyển tú. Hoàng đế sớm đã tới Cảnh Nhạc đài nhưng tâm trạng chẳng có nửa phần hứng thú, chẳng qua chỉ là cho có lệ.
Hoàng hậu càng hiểu, Hoàng đế tuyển phi chẳng qua vì có đề nghị của các đại thần chứ không phải vì mong muốn của chính hắn. Hoàng hậu mơ hồ nhớ lại một lần mang trà vào trò Hoàng đế, người đang mải mê vẽ bức họa một nữ nhân nghiêng thành. Nữ nhân đó có phong thái thuyền quyên, dịu dàng, dường như được người vẽ thổi hồn vào, sắp bước ra khỏi tranh trở thành một người bằng xương bằng thịt. Bức họa tuyệt tác đó nhất định phải được người vẽ dày công, tỉ mỉ lắm. Lúc ấy, nàng thầm ghen tị với nữ tử bước được vào trong bức tranh hắn vẽ, bước được vào trong trái tim giá lạnh của hắn. Trên triều đình hay tới hậu cung, hắn luôn là một người lạnh nhạt. Chuyện đại lễ nghị năm xưa, hắn xử tội và bãi quan một lúc nhiều người như vậy, Hoàng hậu cũng hiểu được phần nào tính khí bảo thủ, thậm chí là tàn bạo của hắn. Ở trong cung lâu đến thế, nàng thấy hắn chỉ thực sự tốt với nữ nhân trong tranh ấy, chỉ dịu dàng và ôn hòa với nữ nhân trong tranh ấy. Nàng nhớ rõ, hắn nói hắn trân trọng mảnh ngọc bội của người con gái đó, vì thế dù mảnh ngọc rất đẹp đến thế, hắn cũng chưa bao giờ đeo lên.
Rồi sau, hắn lạnh lùng, thẳng thắn bảo nàng ra ngoài để hắn còn nói chuyện với Tiểu Anh Tử. Ha, từ xưa đến nay, hắn đều đề phòng nàng, chưa từng tin nàng, hơn nữa hắn chưa chắc đã coi nàng là thê tử. Đứng từ ngoài cửa, nàng thoáng nghe được những lời họ nói với nhau, cũng hiểu được sơ qua một chút. Không ngờ nữ nhân may mắn bước vào trái tim của hắn lại là kẻ hồng nhan bạc mệnh, đã qua đời rồi. Đột nhiên nàng thấy vui vẻ, bởi nàng cũng là nữ nhân, cũng là kẻ hay ghen, kẻ ích kỷ. Nàng hoàn toàn không muốn nữ nhân đó nắm giữ mãi trái tim của hắn. Chỉ cần nàng ta chết, hắn nhất định sẽ quên đi người ta.
Nhưng nàng đã lầm. Bảy năm rồi, bảy năm rồi. Dài như thế, hắn vẫn không quên người con gái tóc cài bông hoa thược dược, mặc y phục duyên dáng đứng dưới cây hồng hạnh kia.
Trở về với Chu Hậu Thông của bây giờ, Trần Hoàng hậu nhìn gương mặt chán nản, dáng vẻ thở dài của hắn, không khỏi xót lòng. Nhiều năm vậy rồi, phi tử hậu cung dẫu không nhiều, nhưng đều là những người quốc sắc thiên hương. Thế mà hắn chưa từng mấy để tâm đến họ. Nàng luôn muốn hỏi hắn, Thường Tích Nguyệt kia rốt cục là ai. Tại sao nhiều năm hắn không quên nàng ta. Nhưng Hoàng hậu biết rõ, nàng hỏi thì hắn sẽ không nói cho nàng.
Nàng, người có cái tên đẹp mĩ miều - Trần Thái Uyển [1], lại là nữ tử giấu đi nội tâm đau khổ nhất thế gian này.
[1] Thái Uyển: tư thái dịu dàng, uyển chuyển.
Năm nay những tú nữ tới dự tuyển không đông, bởi những người tham gia đều do Hoàng đế một tay chỉ định. Trần Thái Uyển đưa mắt nhìn một lượt đám tú nữ đứng ngoài đài Cảnh Nhạc, có khoảng ba mươi người. Quy chế tuyển chọn hậu phi Minh triều có phúc tạp hơn so với thời Tống Đường trước đây. Ngoài thi qua bốn vòng thi sơ như các thời trước, các tú nữ phải thi thêm một phần cuối phân tước vị. Bốn vòng thi sơ gồm: Khảo Hạnh (thi về đức hạnh, phẩm giá của từng người, lấy các kiến thức trong Nữ tắc [2], Nữ huấn [3], Nữ giới [4] làm chuẩn mực); Phụ Công (thi nữ công gia chánh, cụ thể là thuê thùa, trù thiện [5]), Thí Tài (tài năng riêng của từng người), Luận Dung (xét ngũ quan, tưởng mạo của mỗi người). Vòng này do Hoàng hậu và Nội mệnh phủ chấm điểm là chủ yếu. Sau các vòng thi sơ, tú nữ được thông báo kết quả, chọn ra không quá mười người vào vòng cuối, gọi là vòng Lễ. Tú nữ được chọn vào vòng Lễ do Hoàng đế đích thân xem mặt và chọn lựa, đồng thời ban vị cho bọn họ.
[2] Nữ tắc: Bộ sách do Trưởng Tôn Hoàng hậu của Đường Thái Tông biên soạn, được coi là chuẩn mực mọi thời của nữ nhân
[3] Nữ huấn: Là bộ sách do Thái Ung viết ra nhằm giáo dục con gái ông- Thái Văn Cơ (Thái Diễm).
[4] Nữ giới: Là bộ sách về lễ nghi phép tắc mà Ban Chiêu- nữ sử gia nổi tiếng đời Hán biên soạn, gồm bảy thiên.
[5] Trù thiện: công việc nấu nướng trong bếp.
Suốt bốn vòng thi sơ, Trương Trích Hoa đã cho thấy “đệ nhất tài nữ” không phải là hư danh. Nàng theo Thái hậu học tập lễ nghi tiểu tiết nhiều năm như thế, bốn vòng thi sơ này đương nhiên không thể làm khó được nàng. Nàng cùng bốn tú nữ khác tiến vào vòng thi cuối cùng.
Tới vòng Lễ cuối cùng đã là buổi xế chiều. Các tú nữ trong Cảnh Nhạc đài có thể nghe rõ tiếng chim quyên kêu cuối trời, báo hiệu một ngày nữa sắp đi qua. Hoàng đế miễn cưỡng ngồi trên Cảnh Nhạc đài cả ngày cũng đã thấm mệt, Trần Thái Uyển cũng lộ rõ vẻ uể oải. Không chỉ đế hậu, các tú nữ còn lại cũng không hề thoải mái.
Trần Hoàng hậu thấy Hoàng đế mải mê đọc sách trên phượng tọa, liền ghé tai người, ý nhị nói: “Hoàng thượng, cho phép thần thiếp truyền các vị tú nữ vào vòng cuối.”
Hoàng đế thở dài một tiếng mỏi mệt, buông quyển sách xuống, lặng lẽ gật đầu.
Thái Uyển phất tay, ra hiệu cho cận nữ Nhữ Phần của nàng. Nhữ Phần hiểu ý chủ nhân, cao giọng hô lớn: “Hoàng hậu nương nương truyền năm vị tú vào Cảnh Nhạc đài.”
Các tú nữ uyển chuyển bước vào điện, đồng loạt hành đại lễ với Đế hậu, đầu cúi rất thấp. Nhữ Phần dõng dạc truyền: “Trương tú nữ thỉnh lễ!”
Trương Trích Hoa cúi đầu, cẩn trọng bước lên phía trước hai bước, thỉnh lễ đúng theo quy củ bá mẫu nàng dạy từ nhỏ: “Thần nữ Trương Trích Hoa, hai mươi hai tuổi, thỉnh an Hoàng thượng, thỉnh an Hoàng hậu. Hoàng thượng, nương nương trường lạc cát tường.”
Hoàng đế từ lúc còn nhỏ đã nghe danh tiếng Trương Trích Hoa. Theo vai vế trong hoàng thất, hắn phải gọi Trích Hoa này là biểu tỷ. Tuy nhiên từ nhỏ Trương Trích Hoa và hắn cũng không không thân thiết nhau, gặp gỡ cũng không nhiều. Tuy vậy hắn cũng biết, đó là cháu gái được Thái hậu rất mực yêu thương; đến Hoàng đế Chính Đức quá cố còn phải mấy phần cưng chiều nàng ta. Hắn mỉm cười mỉa mai trong lòng. Tuy hắn không rõ Thái hậu dùng cách nào để đưa nàng ta vào danh sách dự thi hôm nay nhưng hắn vẫn phải khẳng định rằng, Thái hậu quả thực kín kẽ, cao mưu. Năm nay Trương Trích Hoa đã hai mươi hai tuổi, cao hơn Hoàng đế một tuổi. Hai mươi hai cũng là độ tuổi cuối cùng có thể tham gia tuổi tú nữ. Hắn không thể ngờ Thái hậu lại kiên nhẫn đến vậy. Thái hậu không ngại đợi bảy năm để đưa nữ tử Trương gia vào hậu cung của hắn khiến hắn thực sự bội phục. Hóa ra những năm qua Thái hậu án binh bất động, không chút can dự vào chuyện triều đình của hắn, cũng không chút đòi hỏi hạch sách, chính là để đợi thời cơ ngày hôm nay đây.
Nhưng không sao cả, trong lòng hắn cũng có chút hiếu kỳ muốn biết quân cờ của Thái hậu lợi hại đến cỡ nào mà để bà ta lao tâm khổ tứ như vậy.
Hắn ra mật hiệu cho Tiểu Anh Tử vén bức rèm châu mỏng che trước mặt đế hậu. Rèm châu được cuốn lên, Hoàng đế vừa ngước mắt liền sững sờ đến mức ngạc nhiên không thể tin được.
“Tích Nguyệt!” Hắn thất thần gọi tên người con gái ấy.
Trương Trích Hoa không biết Hoàng đế đang nhìn mình, cho nên vẫn cúi thấp đầu theo quy củ, không hề ngước lên.
Tích Nguyệt là ai, Trần Thái Uyển hiểu rõ. Biết bao nhiêu đêm lạnh lẽo trong Khôn Ninh cung, khi hắn nằm bên cạnh nàng, say trong giấc ngủ mà trong vô thức, hắn vẫn luôn gọi lại cái tên ấy – Tích Nguyệt.
Vào lúc Hoàng đế gọi lại cái tên đó, cả người nàng mềm nhũn, tay chân run lên bần bật. Trong lòng nàng thầm nguyện cầu người trước mặt không phải người trong lòng Hoàng đế.
Chu Hậu Thông vội đi xuống tận dưới nơi Trích Hoa đang quỳ, đến trước mặt nàng, nghiến răng nói ra mấy chữ: “Ngẩng đầu lên!”
Trích Hoa trong lòng hơi run sợ nhưng không dám kháng chỉ, vẫn từ từ ngẩng đầu lên.
Chu Hậu Thông càng thêm bất ngờ: Nữ tử trước mặt hắn cài bông hoa thược dược trên tóc, mặc bộ lễ phục giản dị đoan trang. Cảm xúc trong hắn ùa về, một tiểu nha đầu mười một, mười hai tuổi mặc lễ phục, cài hoa trên tóc.
“Nàng… Nàng là?” Hắn hỏi mơ hồ.
Trương Trích Hoa không hiểu Hoàng đế muốn nói tới ai, vội cúi đầu, nói rất cung kính: “Thần nữ Trương Trích Hoa, chất nữ của Thánh mẫu Hoàng thái hậu nương nương, tham kiến Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
Hoàng đế dường như tỉnh mộng khi nghe nàng nói, mình là cháu gái Thánh mẫu Hoàng thái hậu. Tất thảy kỳ vọng của hắn đều biến mất, chỉ có nỗi bi thương lại dậy lên trong lòng. Hắn thở dài tự oán. Cũng phải thôi, lễ đại thọ năm đó, Trích Hoa ngồi bên cạnh phượng tọa của Thái hậu, sao có thể là người gặp gỡ hắn trong Yến hoa viên được chứ? Nhưng hoa thược dược, y phục,… xuất hiện quá nhiều sự trùng hợp khiến hắn ngạc nhiên.
“Tại sao ngươi cài hoa thược dược này trên tóc?” Hoàng đế hỏi với giọng nghi ngờ.
Trương Trích Hoa thành thật trả lời hắn: “Thưa Hoàng thượng, Nhân Thọ cung thần nữ sống trồng nhiều hoa thược dược. Buổi sáng sớm hôm nay, thần nữ đi qua, tiện tay hái hoa cài lên tóc.”
“Hoa thược dược, cũng có mấy phần ý vị đấy.” Hắn nói, lại mơ hồ ngâm câu thơ: “Hữu tình thược dược xuân hàm lệ [6], thật đẹp đẽ biết nhường nào.”
[6] Hữu tình thược dược xuân hàm lệ: trích bài thơ Xuân nhật của Tần Quán. Dịch: Thược dược hữu tình ngậm giọt lệ mùa xuân.
Chu Hậu Thông thở dài. Hóa ra chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Hơn nữa hắn cố gắng nhìn lại, nữ tử này so với Tích Nguyệt năm đó chỉ có vài điểm tương đồng về dung nhan chứ không hề giống hoàn toàn.
Hoàng đế thẩn người trở về trên long tọa. Mấy tú nữ sau đó cũng tiếp tục tiến lên hành lễ nhưng không ai để lại ấn tượng gì với Hoàng đế nữa.
Mặc dù Trần Thái Uyển chưa từng gặp gỡ Thường Tích Nguyệt, nhưng nàng có thể đoán qua được, chắc chắn Trương tú nữ này có dáng vẻ tương đối giống với Tích Nguyệt kia. Nén nỗi tức giận và sự đố kỵ này vào trong lòng, Trần Thái Uyển nhẹ nhàng nói: “Hoàng thượng, bọn họ đã đều thi xong, xin người hãy đánh giá mà phân vị cho họ.”
Hoàng đế lật qua lật lại, làm như đang cẩn trọng xem xét lý lịch của đám tú nữ rồi truyền: “Tiểu Anh Tử, truyền ý chỉ của trẫm, Trương tú nữ dung nhan xuất chúng, phẩm hạnh đoan chính, phong tòng nhất phẩm Phi, tặng hiệu là Thuận, ban Hàm Dương cung. Những tú nữ khác… không tuyển!”
Trước mặt Hoàng đế, Trần Thái Uyển luôn rất mực dịu dàng ôn nhu, nhưng lần này, nỗi ghen tuông của nàng hóa thành phẫn nộ, liền nói: “Hoàng thượng, Đại Minh Hoàng triều luật lệ quy định, tú nữ nhập cung dự tuyển chỉ được sắc phong tối đa lên tước Tần. Hoàng thượng sắc phong Trương tú nữ tới tước Phi, còn là Thuận phi, cao thứ hai trong các Phi vị, chuyện này không hề hợp quy củ.”
Ngữ khí của Thái Uyển vô tình lộ ra sự ghen tức như thể đang truy tội Chu Hậu Thông. Nhưng đáp lại sự chất vấn của Trần Thái Uyển, Chu Hậu Thông cũng chỉ thản nhiên nói: “Hoàng hậu trước nay đều nói là mong muốn trẫm nạp thêm phi tần khai chi tán diệp cho Hoàng gia. Nay trẫm vừa phong Trương thị làm Thuận phi, nàng đã ra mặt ngay. Đây là ý gì?”
Trần Hoàng hậu lúc này mới ý thức được mình lỡ lời. Nàng sợ đến run người nhưng vẫn nặn ra một nụ cười hòa nhã, gương mặt dịu dàng, nói với Hoàng đế rất ôn tồn: “Chỉ là… thần thiếp thân là người đứng đầu hậu cung, cho nên thần thiếp nghĩ rằng, quy định của tổ tông Chu gia bao đời vẫn nên tuân thủ.”
Chu Hậu Thông thầm cười trong lòng. Xưa nay Hoàng hậu và Hoàng đế Đại Minh luôn bằng mặt không bằng lòng như thế.
“Hoàng hậu là người đứng đầu hậu cung, có khả năng trực tiếp sửa đổi luật lệ tiền triều. Vậy nàng nói xem, ngày hôm nay trẫm nên ban vị gì cho Trương tú nữ? Tần? Chiêu nghi? Hay là Quý nhân?”
Trần Thái Uyển biết trong lòng Hoàng đế, trước sau gì cũng là muốn lập Trương thị kia làm phi. Nàng đành cười gượng, nhượng bộ: “Đương… đương nhiên là Thuận phi rồi. Hoàng thượng người nói xem, từ lúc Hoàng thượng đăng cơ đến nay, Trương tú nữ là phi tần đầu tiên vào hậu cung thông qua tuyển chọn, phong vị Thuận phi, thần thiếp cũng đã thấy thực sự hợp lý.”
Chu Hậu Thông thản nhiên cười, tựa như vui vẻ, cũng như là có ý mỉa mai: “Hoàng hậu quả nhiên trước nay vẫn hiền lương thục đức, không bao giờ ghen tuông vô vị cả. Đây quả là phúc lớn của hậu cung thiên triều.”
Trần Hoàng hậu biết rõ trong lời Hoàng đế còn ẩn chứa sự khinh thường, cho nên nàng chỉ cười nhạt nhẽo.
Chu Hậu Thông quay sang, ra lệnh cho Tiểu Anh Tử: “Anh Tử, truyền chỉ, phong Trương tú nữ làm Thuận phi, ban cung Hàm Dương.” Tần ngần chốc lát, hắn lại nói thêm: “Từ nay, cung Hàm Dương đổi thành Tích Thúy.”
Chữ “Thúy” vốn là xanh biếc, tươi mới, lại kết hợp với một chữ “Tích” là trong sáng, ghép lại quả là một mỹ từ sâu sắc. Chỉ từ tên cung điện cũng đủ để tần phi trên dưới lục cung nhận ra sự ưu ái ban đầu của Hoàng đế với vị Thuận phi mới sắc phong kia.
Trương Trích Hoa vui mừng dập đầu: “Tạ ân điển của Hoàng thượng, Hoàng hậu.”
Ngày mùng bảy tháng chín năm Gia Tĩnh thứ bảy, Trương thị với danh phận Thuận phi chính thức nhập cung, ngự tại Tích Thúy cung.
Và cũng từ khi có thêm một người gia nhập hậu cung, hậu cung dường như có thêm biết bao nhiêu sóng gió.
--------