Nạp Thiếp Ký I - Chương 14
Nạp Thiếp Ký I
Chương 14: Nghiệm thi
https://gacsach.com
Kiểm nghiệm thi thể trước hết phải xác định xem người chết tự sát, bị giết, hay chết do vô tình. Chuyện xác định này rất quan trọng cho việc nhận dạng tội phạm hình sự.
Chu vi quanh cổ của Bạch Tiểu Muội không có dây thừng, cũng không có xà ngang bằng cánh tay để có thể treo lên, tay bị cột chặt, xương cổ bị gãy lìa, từ dấu vết xuất huyết dưới da xung quanh vết bị bóp trên cổ cho thấy, tự hai tay của bản thân nàng không thể làm chuyện này.
Hơn nữa, nếu như dùng hai tay tự bóp cổ để tự sát, trong quá trình người tự sát chìm dần vào hôn mê, hai tay sẽ thỏng ra, không có cách nào hoàn thành quá trình tự bóp chết. Do đó, dùng phương pháp này để tự sát là bất khả thi. Tổng hợp tình huống lại để phán đoán, Bạch Tiểu Muội không thể tự làm hại mình, mà là bị người khác giết.
Đương nhiên, để xác định nguyên nhân tử vong chính xác hơn, biện pháp tốt nhất là tiến hành giải phẩu tử thi. Nhưng khi học về lịch sử pháp y, Dương Thu Trì biết rõ trong thời cổ đại, nếu không phải là trường hợp đặc biệt và bắt buộc, và phải phải qua tầng tầng lớp lớp thẩm phê nghiêm túc của cấp trên, thì mới được phép. Như vậy, trên nguyên tắc là cổ đại không cho phép giải phẩu thi thể người chết.
Dương Thu Trì cầm cánh tay của Bạch Tiểu Muội lên, làm vài động tác co duỗi, phát hiện thi thể nàng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng thi cương (xác chết trở nên cứng). Trong tình huống bình thường, thì thi thể sau khi chết khoảng 2 giờ 30 phút sẽ bắt đầu cứng, từ 9 giờ đến 12 giờ thì cứng đơ hoàn toàn, đến 30 giờ thì mềm trở lại, 70 giờ thì khôi phục nguyên dạng, cơ thể bắt đầu sình thối.
Dương Thu Trì lật thi thể lại nhìn sau lưng, mông, đùi sau, thấy chúng đã bắt đầu lộ những vết màu tím hồng mờ nhạt giống như màu rượu vang dưới đáy ly. Đây chính là thi ban, chính là do huyết dịch sau khi ngừng chảy trong hệ thống huyết quản, do tác dụng của trọng lực chìm xuống phía dưới mà hình thành. Căn cứ tình trạng phân bố phiên phiến của thi ban như thế, cộng với hiện tượng thi cương đã xuất hiện trên đại bộ phận cơ thể, lại tham khảo nhiệt độ và ẩm độ của không khí trong phòng, Dương Thu Trì phán đoán, người này đã chết từ 3 đến 4 giờ trước.
Quan sát cẩn thận lại thi ban, thấy chúng xuất hiện hầu hết ở sau lưng, mông đít và đùi sau cùng các phần bên dưới, xem ra có khả năng là hiện trường gian sát (hãm hiếp xong giết nạn nhân) đầu tiên chính là chỗ này. Cần phải chú ý rằng, nếu như thi ban xuất hiện ở phần trước của cơ thể hoặc là bên hong, thì có thể nói thi thể đã bị di chuyển từ chỗ khác tới.
Dương Thu Trì khám tra xong thi thể của Bạch Tiểu Muội, đang chuẩn bị đến kiểm nghiệm thi thể của Bạch Tố Mai nằm trên đất, Ân Đức đứng xớ rớ ở đó bước tới thấp giọng hỏi: "Tiểu ca, có phát hiện được vấn đề gì không? Có thể xác định được hung thủ không?"
Dương Thu Trì không hề đáp, chỉ khách khí gật đầu. Khi kiểm nghiệm thi thể cho án kiện chưa điều tra phá án cũng như chưa có đầu mối, thì các thông tin đều thuộc loại tuyệt mật. Một khi để tiết lộ ra ngoài, sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho quá trình xét đoán, thậm chí không thể phá án. Do đó, hắn không hề hồi đáp câu hỏi của Ân Đức.
Tống tri huyện cũng có điểm nhẫn nại không được, đứng cách xa xa gần cửa hỏi: "Dương, Dương ngỗ tác, phát hiện được gì không? Có thể bắt, bắt hung thủ không?"
Bắt hung thủ? Mắc cười, chuyện làm còn chưa đâu vào đâu, đi bắt ai chứ? Dương Thu Trì nhìn Tống tri huyện râu dê nở nụ cười khổ.
Lúc này, bên ngoài ẩn ước có tiếng nữ nhân truyền lại: "Con ơi! Con của ta! Con còn sống không! Con đâu rồi?" Thanh âm ấy già nua, dường như là của một lão phu nhân. "Phu quân! Phu quân!" Một âm thanh khác dễ nghe hơn cất lên, chừng như là thanh âm của nữ tử trẻ tuổi.
Dương Thu Trì đang cảm thấy kỳ quái, thì tên Trưởng tùy chạy đi lúc nãy đã quay về, bước vào trong phòng cung thân thi lễ với Tống tri huyện: "Bẩm đại nhân, Thi cách đã được mang đến." Hắn dừng một chút, rồi nói tiếp: "Mẹ già và thê tử của Dương ngỗ tác nghe nói Dương ngỗ tác trở về, nhất quyết muốn đến gặp. Họ bị bộ khoái và tráng đinh ngăn lại ngoài cổng." Tiếp theo đó hắn đưa vào biểu mẫu cho Dương Thu Trì.
Lão mẫu (mẹ) và lão bà (vợ) của ta đến ư? Dương Thu Trì thầm rúng động, hai tay tiếp lấy các bản khai, nhưng mắt thì hướng ra ngoài. Đến Minh triều tự nhiên có thêm một bà mẹ già thì chẳng nói làm chi, lại còn tự dưng có thêm một thê tử nữa, thiệt là ông trời tính tới tính lui sao vừa đủ sở hụi quá vầy nè! Một cô vợ ở Minh trời, chu choa đất mẹ ơi! Sướng a!
Dương Thu Trì cất chân định bước ra ngoài, thấy lão Tống tri huyện râu dê đang sầm mặt đứng chặn ngang ngay cửa, cũng không thèm có ý nhường đường gì, bèn nói: "Đại nhân, thỉnh ngài cho tôi ra gặp lão mẫu và lão bà một chút." Cái quan trọng nhất chính là hắn muốn gặp lão bà! Hắn muốn biết, cô vợ nhỏ bé kiều diễm ở Minh triều của hắn có hình dạng như thế nào. Nghe âm thanh của nàng trong trẻo thanh tao, hình dáng nhất định không tệ! Nghĩ thế, nhiệt huyết trong người hắn tuy không bị đốt mà đột nhiên sôi trào.
Tống tri huyện lắc lắc đầu: "Trước, trước hết hãy lấy đại sự làm trọng. Ngươi, ngươi khám nghiệm hoàn tất, sẽ cho họ, họ gặp cũng không, không muộn!"
Lời này cũng đúng, tiền công hậu tư (việc công trước việc tư sau), theo lý thì hẳn rồi. Dương Thu Trì bèn hướng về vị Trưởng tùy ôm quyền nói: “Đa tạ vị đại ca này, phiền huynh thông báo cho mẹ và thê tử của tôi, rằng tôi phải hoàn thành xong công chuyện rồi mới ra gặp họ được."
Vị Trưởng tùy này không đáp, đưa mắt nhìn Tống tri huyện, thấy lão gật đầu, bèn nói: "Được, vậy ta ra báo cho họ biết." Nói rồi chuyển thân đi ra ngoài cửa. Một lát sau, thanh âm hô hoán của hai nữ nhân kia im bặt.
Dương Thu Trì đem thi cách để lên bàn. Người hầu của nhà họ Ân đã chuẩn bị sẳn bút mực, để trên bàn tròn trong phòng. Dương Thu Trì ngồi xuống, cầm bút lông lên, căn cứ hạng mục yêu cầu trên đó mà bắt đầu điền tả từng mục một.
Thi cách tuy cùng một dạng, nội dung cũng không thoát khỏi kiểu cách của một báo cáo khám tra hiện trường và thi kiểm, nên không gây khó khăn gì cho Dương Thu Trì. Nhưng thứ làm cho hắn đau đầu lại chính là cái bút lông. Rất may là lúc học tiểu học, hắn có luyện qua việc viết bằng bút lông mực tàu, tuy viết rất khó coi nhưng cũng có thể nhận ra mặt chữ được. Dù gì thì tên tiểu ngỗ tác mà hắn tá thi hoàn hồn này cũng chẳng phải là đại văn nhân gì, do đó nhất định không hơn gì hắn ở khoản này. Nhưng khi viết được vài chữ, một giọng nói lạnh lùng đã cất lên: "Tiểu ca đang viết loại chữ gì vậy?"
"Thì Hán tự chứ gì!" Dương Thu Trì quay đầu lại nhìn, thấy người đứng sau lưng là một trung niên thân cao gầy, mặt cười đầy chế giễu, chính là sư gia vừa rồi thì thầm to nhỏ với Tống tri huyện. Hắn tiện thể hỏi luôn: "Ông là ai?"
"Ta tính Kim, là Hình danh sư gia (*), chịu sự uy thác của huyện thái lão gia, chuyên môn phụ trách và chủ trì khám tra mệnh án. Sao ngay cả ngươi mà cũng không biết?" Kim sư gia phe phẫy quạt xếp, hai mắt nhìn lên trời, dương dương đắc ý cười đầy vẻ chế nhạo.
Hình danh sư gia cũng là một loại Trưởng tùy theo hầu quan huyện ở thời Minh. Trong cơ cấu chính quyền thuộc nha môn ở các châu huyện, các "nhân viên công vụ" do tài chính quốc gia trả lương chỉ có Tri huyện, Huyện thừa, Chủ bạc. Ngoài những người này ra còn có một số lượng nhất định Bạn sự viên (cán sự, nhân viên), hay còn gọi là "Lại" nữa mà thôi.
Những người thuộc loại biên chế này rất ít, hơn nữa một khi đã định ra biên chế thì không có cách nào tăng thêm được. Do đó muốn hoàn thành nhiệm vụ chinh thu thuế vụ của địa phương, cũng như thực hiện các loại sự vụ chân chính khác, chỉ dựa vào nguồn nhân lực hữu hạn này thì chẳng thể nào hoàn thành. Từ đó, pháp luật cho phép quan viên tự xuất tiền riêng của mình để mời thỉnh người phụ thêm.
Trong những người được mời thỉnh đó, một trong những người cần thiết nhất là Trưởng tùy. Những người này được châu, huyện lão gia mang đến từ quê nhà, trong đó người rành rẽ tình hình nhất chính là các sư gia chuyên trách. Chủng loại Trưởng tùy rất đa dạng, trong đó đóng vai trò trọng yếu nhất là Hình danh trưởng tùy chuyên môn giúp huyện lão gia thẩm lý án kiện và Tiền cốc trưởng tùy chuyên chủ quản tài chính và thu nhập. Ngoài những người này, còn có người chuyên môn phụ trách bảo quản và sử dụng ấn tín của huyện lão thái gia - gọi là Tư ấn trưởng tùy; phụ trách giám ngục (thực chất là coi sóc trụ sở) gọi là Tư giám trưởng tùy; coi cửa đại môn gọi là Môn tử trưởng tùy; chuyên môn phụ trách liên lạc tiếp đãi khách khứa gọi là Cân ba trưởng tùy...
Những người được quan xuất tiền tư mời thỉnh về làm còn có lại, hộ, lễ, binh, hình, công sáu loại Lục phòng thư lại. Trong Lục phòng thư lại có vài người thuộc biên chế quốc gia, do tài chánh quốc gia chi, gọi là "Dịch bổng" công vụ viên. Nhưng những người này cũng mãi mãi không thấm vào đâu so với nhu cầu, do đó phải cần bổ sung thêm một lượng lớn nhân viên, mới có thể hoàn thành các công tác hành chánh và thẩm phán rất phức tạp của châu huyện. Những người được mời đảm nhiệm chức vụ này được gọi là "Thiếp thư", "Thiếp tả", "Bảng soa" vâng vâng, gộp lại gọi chung là "Phi kinh chế loại".
Ngoài ra còn có rất nhiều người vì trốn tránh lao dịch của quan phủ, đã xuất tiền mua một "Mão sách" (điểm danh sách) từ chỗ nha môn thư lại để có được danh nghĩa là một thư lại. Những người này được gọi là "Quải danh thư lại" (Thư lại hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng".
Vị Hình danh sư gia này thuộc nhóm đứng đầu Trưởng tùy, chức vụ tương đương đội trưởng đội hình cảnh (cảnh sát hình sự) kiêm luôn đại đội trưởng, ngay cả tri huyện lão gia cũng xưng với y là "Tiên sinh", chỉ có Tiền cốc Trưởng tùy chuyên quản lý tài chính là còn miễn cưỡng có tư cách sánh vai nói chuyện với y, nên chẳng trách y khoa trương như vậy.
Dương Thu Trì không biết được vị Hình danh sư gia này là cái thứ gì, nhưng nghe chính miệng y nói trước mặt Huyện thái lão gia là y phụ trách khám sát mệnh án, bèn đứng lên ôm quyền chào: “Tham kiến Kim sư gia!”
Chú thích: (*) Hình danh sư gia: Thầy hình danh, tương đương trợ lý pháp luật hình sự thời nay