Nạp Thiếp Ký I - Chương 179
Nạp Thiếp Ký I
Chương 179: Tiểu nha đầu gặp may
https://gacsach.com
Cấp lãnh đạo trong tỉnh ngoại trừ bố chánh sứ và đề hình án sát sứ ra, còn có đô chỉ huy sứ chưởng quản quân sự của một tỉnh, cùng với chánh sứ ty và án sát sứ ty hợp xưng thành "tam ti". Phía quân đội thì không có quan hệ gì mấy với Dương Thu Trì, do đó Kim sư gia nói tạm thời không cần đến bái phỏng, tương lai có chuyện thì tính sau.
Ngoài ra, Vũ Xương phủ tại Hồ Quảng còn thiết đặt Thiên hộ sở của cẩm y vệ, thủ lĩnh thiên hộ tuy chỉ là quan ngũ phẩm, nhưng thân phận đặc thù, nên ngay cả Bố chánh sứ, đề hình sán sát sứ đều không dám coi thường. Nhưng thân phận cẩm y vệ chỉ huy sứ đặc sứ của Dương Thu Trì không đến lúc vạn bất đắc dĩ thì không thể tiết lộ, do đó hắn không hề đến bái phỏng thiên hộ thủ lĩnh nữa.
Từ nha môn của đề hình án sát sứ đi ra, Tống Vân Nhi hỏi Dương Thu Trì tiếp theo nên đến đâu.
Những chỗ cần đến chào hỏi ra mắt đều đã đến xong, điều còn lại chỉ là đi du lãm danh lam thắng cảnh của địa phương, đi chơi trong lúc công sai mà thôi.
Đây là lần đầu tiên Dương Thu Trì đến Vũ Xương, cảm thấy nó rất hay, nơi hắn muốn đến đầu tiên chính là Hoàng Hạc lâu, vì là chỗ nổi tiếng, bao nhiêu văn nhân mặc khách đều dùng nơi ấy làm đối tượng ngâm tụng. Nhưng hiện giờ là giữa trưa, bụng hắn đã đói meo, nên quyết định đi tìm cái gì đó ăn đã, ngày mai hẳn đến Hoàng Hạc lâu.
Nói đến ăn, Dương Thu Trì nhớ đến Mao lão nhân gia (tức Mao Trạch Đông) có bài: "Tài ẩm trường sa thủy, hựu thực Vũ xương ngư. Vạn lý trường giang hoành độ, cực mục sở thiên thư." (Nghĩa là: Vừa uống nước Trường Sa, lại ăn cá vũ Xương. Ngang qua Trường Giang vạn dặm, nhìn ngút mắt cõi trời nam. Chú: 'Sở thiên' tức bầu trời nước Sởm nằm ở vùng giữa và hạ lưu sông Trường gian ngày nay. TP) Ai đến Vũ Xương mà không ăn qua món cá, chẳng phải là tiếc lắm ru?
Các Vũ Xương từ cổ đã có danh, trong Tam Quốc Chí có ghi: Ngô chủ Tôn Hạo muốn dời đô từ Kiến Nghiệp đến Vũ Xương, bá tánh không chịu, có bài đồng dao hát: "Trữ ẩm Kiến nghiệp thủy, Bất thực Vũ Xương ngu." (Nghĩa: Thà uống nước lã ở Kiến Nghiệp, chứ chẳng chịu ăn cá ở Vũ Xương). Đại thi nhân đời nhà Đường là Sầm Tham cũng có một câu rất nổi tiếng là "Thu lai bội ức Vũ Xương ngư, mộng hồn chích tại Ba lăng đạo" (Thu đến muôn vàn cá Vũ Xương, mộng hồn ở tại Ba Lăng đạo).
Dương Thu Trì nghĩ vậy bèn đáp: "Chúng ta đi tìm một tửu lâu cạnh sông, ăn cá Vũ xương!" Mọi người đều cho là phải.
Dương Thu Trì cùng mọi người đi đến bờ sông, tìm một tửu lâu lớn, lên lầu hai ngồi. Từ đây có thể nhìn Trường Giang cuồng cuộn xa ngút trời xa, quả thực là có điểm "Cực mục Sở thiên thư" như Mao chủ tịch đã từng nói.
Hiện giờ dân đói khắp nơi, chuyện làm ăn không được tốt lắm, chưởng quỹ thấy cả đám người sang trọng của Dương Thu Trì đi lên, mừng rỡ vô cùng, vội chạy ra nghênh tiếp.
Nghe Dương Thu Trì nói muốn ăn cá Vũ Xương, chưởng quỹ tự hào khoe: "Khách quan, ngài chọn đúng chỗ rồi, tửu lâu của chúng tôi làm món cá Vũ xương có thể nói là nhất ở Vũ Xương phủ này, các làm ra vừa mềm vừa trắng, ăn mát miệng đầy hương. Bão đảm ngài ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên, còn muốn tới lần nữa. Hiện giờ đói khổ khắp nơi, làm ăn không tốt, chứ nếu là năm ngoại thì tửu lâu chúng tôi cung không kịp cầu, đến chậm chút là không có đâu đó nghe."
Dương Thu Trì nghe lão nói mà ngón tay cái muốn trỏ lên trời, vội vã thúc lão đi làm đồ ăn.
Chẳng mấy chốc sau, tửu yến đã được dọn lên, món chính là cá Vũ Xương. Đương nhiên Bạch Tố Mai cũng được chuẩn bị cho một bàn chay tươm tất, đồ an sạch sẽ thơm tho, đầu bếp chuyên nấu món chay chẳng dính chút đồ mặn nào cả.
Dương Thu Trì chào mời mọi người động đủa, còn hắn thì cầm đũa ăn như rồng hút nước.
Đột nhiên hắn thấy Tống Vân Nhi cứ dựa vào song cửa không động đũa, bèn hỏi: "Vân nhi, muội sao không chịu ăn?"
Tống Vân Nhi chỉ vào hai bên đường phía dưới lầu, nơi có đầu hành khất và dân đói, lại có mấy người bị cắm búi cỏ lên đầu làm dấu bán, thở dài đáp: "Nhìn bọn họ thảm như vậy, muội ăn không vô."
Dương Thu Trì hơi bối rối, liền phân phù chưởng quỹ của tửu lâu chuẩn bị cho một nồi cháo lớn để cung cấp cho dân đói dưới lầu.
Chưởng quỹ vội vã đáp ứng, không ngừng khen Dương Thu Trì hảo tâm nhân hậu. Tống Vân Nhi thấy Dương Thu Trì hiểu tâm tư của mình, lòng vui sướng vô cùng.
Chẳng mấy chốc cháo đã chuẩn xong, các dân đói trên đường có đến hơn trăm, nghe nói tửu lâu sắp cho cháo, liền vây lại. Đều là người cùng khổ, họ không tranh cướp, xếp hàng lĩnh cháo, đội ngũ khá dài.
Dương Thu Trì cùng mọi người ăn xong, cháo cũng đã hết, những vẫn còn dân đói chưa có cháo ăn.
Dương Thu Trì thật sự áy náy nhìn những dân đói ngẩn ánh mắt khẩn cầu lên nhìn hắn, than cho năng lực hữu hạn, chẳng thể nào giúp xuể nhiều người như thế.
Đến lúc này, ở ven đường có một tiểu nữ hài gây sự chú ý cho Dương Thu Trì. Cô bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi, mặt vàng ốm yếu, tóc tai bỏ xõa rối bời, trên có cắm một cọc cỏ ra ý bán thân, ngồi bên đường chẳng hề động. Các quan binh tuần tiểu bước tới đá cô bé một cước coi đã chết chưa, đến lúc này cô bé mới hơi động đậy.
Vừa rồi chỗ tửu lâu phát cháo rất gần với chỗ cô bé ngồi, nhưng cô bé rõ ràng là không đến lãnh cháo, có thể là ngay cả sức lực đứng dậy cũng không có, xem ra sắp chết đến nơi rồi.
Bên cạnh tiểu nữ hài có hai trung niêm nam nữ nằm, do nằm sát vào bên trong nên các quan binh tuần tra không đá họ, nhưng từ tư thế nằm quái dị đó, Dương Thu Trì có thể khẳng định là hai người này đã chết mười mươi rồi.
Người đàn bà trung niên kia còn ôm trong lòng một cậu bé gầy giơ xương cũng đã hết động đậy, tay còn lại của bà nắm chặt tay của cô bé, xem ra là người một nhà.
Trước cảnh tượng người mẹ trước khi chết còn hộ vệ hài tử của mình, tình yêu thương sâu sắc của mẹ đã làm chấn động tâm can Dương Thu Trì, khiến hắn chợt xoay người chạy vội xuống lầu.
Mọi người không biết hắn muốn làm gì, Tống Vân Nhi vội vã đứng dậy đuổi theo, Nam Cung Hùng dẫn theo vài hộ vệ khẩn trương theo Dương Thu Trì xuống lầu, chạy đến bên đường.
Trên đường lớn nơi nào cũng có người đói nằm ngồi ngổn ngang, gió lạnh thổi mạnh, dân đói run lên cầm cập.
Dương Thu Trì đến bên cạnh cô bé nhỏ, cầm tay nó lắc lắc, cảm giác tay của nó lạnh như băng. CÔ bé gian nan mở đôi mắt nhìn Dương Thu Trì, sau đó ngất đi.
Cô bé còn sống, Dương Thu Trì lại lắc lắc hài tử trong lòng trung niên phụ nhân, thấy không có phản ứng, sờ động mạch cảnh của nó thì thấy không còn mạch đập nữa, đôi trung niên nam nữ cũng không còn chút mạch đập nào.
Dương Thu Trì vạch mí mắt của họ ra, dùng tay đè lên nhãn châu, thấy con ngươi bị ép biến hình sau khi bỏ ra không hề khôi phục lại hình tròn, lòng hắn trầm xuống, dùng tay hoạt động cầm của họ một lúc, cảm giác thi cương đã xuất hiện, vì thế có thể xác định, đôi trung niên nam nữ và đứa bé trai trong lòng họ đều đã chết hết rồi.
Tống Vân Nhi cũng buồn bả nói: "Ca, bọn họ thật đáng thương, chúng ta cứu họ đi."
Dương Thu Trì cũng đang có ý đó, gật gật đầu: "Muội mau ẵm cô bé vào trong tửu lâu di."
"Còn cha mẹ nó thì sao?" Tống Vân Nhi hỏi.
Dương Thu Trì lắc đầu: "Họ đã chết rồi, cả đứa nhỏ này cũng chết." Xong, hắn quay sang bảo Nam Cung Hùng: "Ngươi phái người đi gọi quan binh tuần tra đem chôn thi thể của họ."
Xem ra hiện tại người đói quá nhiều, đói chết, bệnh chết, lạnh chết, và còn có cướp tranh lương thực bị xử tử khẳng định cũng không ít, quan phủ nhất định là đào một hố to chôn được mấy trăm người, khi sắp đầy mới lắp đất lại.
Tống Vân Nhi chẳng để ý gì đến sự dơ dáy trên người cô bé, ẵm nó vào lòng, thấy nhẹ hều như chẳng có vật gì, rồi nhanh chân bước vào tửu lâu.
Sau khi trở về phòng ăn trên lầu, Dương Thu Trì nhờ chưỡng quỹ nhanh chóng mang đến một cái mền, bảo Tống Vân Nhi cỡi quần áo lam lũ của cô bé, cho mặc áo bó sát người, dùng mền quấn kín lại, đồng thời phân phù chưởng quỹ hâm cháo mang lên bón cho cô bé.
Ăn từng chút một, cô bé nhỏ lấy lại tinh thần, rồi húp được một chén cháo, xong còn muốn ăn thêm. Tống Vân Nhi bới một chén cơm đưa cho nó ăn, tiểu nha hoàn Nguyệt Thiền vội vã cản lại, nói như vậy sẽ bị chết no, vì trước đây trong thôn của cũng có người đói, có người sau khi nhận được phần lương phát chẩn, đói quá rồi nên nhanh chóng nấu cơm ăn, kết quả bị no vỡ bụng chết. Do đó, mới đầu sau khi đói quá không được ăn nhiều, và cũng không được ăn đồ cứng.
Tống Vân Nhi không hề trải qua hay cứu qua người đói, nên nghe lời Nguyệt Thiền nói, nhìn ánh mắt đầy khát vọng của cô bé nhỏ, cảm thấy thật do dự, không biết nên làm thế nào, đành nhìn Dương Thu Trì cầu cứu.
Dương Thu trì gật đầu: "Nguyệt Thiền nói đúng, từ từ ăn, trước hết xoa tay xoa chân cho nó đã, cho nó uống chút canh, chờ bao tử từ từ hồi phục thì bón thêm ít cháo, chờ nó có thể tự do hoạt động thì mới cho ăn cơm."
Được sự chỉ dẫn của Dương Thu Trì, Tống Vân Nhi tự tin hơn, cho lò sưỡi trong phòng đượm thêm, quấnmền chặt hơn, rồi cùng tiểu nha hoàn Nguyệt Thiền không ngừng xoa chân tay của cô bé.
Sau khi ăn xong bát cháo, cô bé ngủ mê đi một lúc, khi tỉnh lại thì nói khát nước, Dương Thu Trì lại cho người cho nó uống một chén nước cơm nhỏ.
Nghỉ thêm một chút, ánh mắt của cô bé từ từ có thần, dùng giọng yếu ớt nói: "Cảm tạ đại gia, cảm tạ tiểu thư, cha mẹ con đâu? Còn đệ đệ của con nữa?"
Tống Vân Nhi cầm tay nó, hơi áy náy đáp: "Đã chết hết rồi."
Cô bé bật khóc nức nở.
Tiểu nha hoàn Nguyệt Thiền nhẹ giọng an ủi: "Đừng khóc, người đã chết rồi em khóc còn có ích gì, hiện giờ tự chiếu cố bản thân khẩn yếu hơn." Nói xong vừa xoa bóp hai chân lạnh ngắt của cô bé, vừa thủ thỉ: "Em yên tâm đi, thiếu gia của chúng ta có tâm địa tốt lắm, nhất định sẽ cứu tính mệnh cho em."
Tiểu cô nương khóc lóc thưa: "Đa ta ơn cứu mệnh của đại gia, Lô Oái cảm kích bất tận."
"Lô oái (Lô hội, nha đam)? Tên của ngươi là Lô oái?" Dương Thu Trì hỏi.
Cô bé gật đầu.
Dương Thu Trì thầm nghĩ, sao mà lấy cái tên gì kỳ vậy, nhưng cũng chả trách, người ở nông thôn mà, lại là con gái nữa, tùy tiện lấy cái tên cây cỏ gì đó là được. Thấy cô bé lấy lại tinh thần rồi, hắn cho người bón cho nó chút cháo nữa, trong đó có nghiền thêm ít cá Vũ Xương.
Cứ như vậy bận rộn thêm hơn nửa canh giờ, tay chân Lô Oái từ từ ấm trở lại, sau khi ăn thêm chén cháo có thịt cá Vũ Xương, đã lấy lại tinh thần rất nhiều. Dương Thu Trì bảo Nguyệt Thiền ra ngoài đi mua cho Lô Oái vài bộ áo quần ấm, bảo cô bé mặc vào.
Dương Thu Trì hỏi: "Lô Oái, quê của ngươi ở đâu?"
"Hồ Quảng, Đức An Phủ, thôn ba cây liễu."
"Đức An phủ?" Dương Thu Trì không hề có ấn tượng, không biết đó là nơi nào, liền nhìn Kim sư gia.
Kim sư gia nói: "Đức An phủ ở tây bắc Vũ Xương, cách đây vài trăm dặm."