Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm - Chương 02

Chương 2

Hạnh phúc là một rắc rối

VÀO KHOẢNG 2500 năm trước, dưới chân dãy núi Himalaya mà ngày nay là đất nước Nepal, có một vị vua vĩ đại sắp đón cậu con trai chào đời. Với người con này, vị hoàng đế đáng kính có một ý tưởng vô cùng lớn lao: ngài sẽ tạo dựng một đời sống hoàn hảo cho hoàng tử nhỏ của mình. Đứa trẻ sẽ không bao giờ biết tới một khoảnh khắc khổ sở nào cả – mọi nhu cầu, mọi khao khát đều sẽ được thoả mãn vào bất cứ lúc nào.

Đức vua xây dựng những bức tường thành cao ngất bao quanh cung điện nhằm ngăn hoàng tử biết đến thế giới bên ngoài. Ngài dung túng đứa trẻ, ban cho nó ê hề thức ăn và những món quà, bao quanh nó là những người hầu thoả mãn mọi ý tưởng bất chợt của nó. Và đúng như dự định, đứa trẻ lớn lên mà không biết tới sự đau khổ của những kiếp người.

Toàn bộ tuổi thơ của vị hoàng tử nọ đã trôi qua như thế. Nhưng mặc cho sự xa hoa và giàu sang vô tận ấy, vị hoàng tử vẫn trở thành một chàng thanh niên hay cáu kỉnh. Chẳng chóng thì chày, mọi trải nghiệm đều sớm trở nên trống rỗng và vô giá trị. Vấn đề nằm ở chỗ, dù cho cha chàng có ban cho chàng thứ gì đi nữa, thì nó cũng có vẻ như là không đủ, không bao giờ có ý nghĩa gì cả.

Nên vào một đêm nọ, chàng hoàng tử trốn khỏi cung điện để tìm hiểu xem có gì đằng sau những bức tường kia. Một tên hầu đưa chàng tới một ngôi làng gần đó, và những gì chàng chứng kiến khiến chàng khiếp sợ.

Lần đầu tiên trong đời mình, chàng nhìn thấy con người chịu đựng đau khổ. Chàng thấy người đau ốm, người già cả, những kẻ hành khất, những người đang đau đớn, và cả người chết.

Hoàng tử quay trở về cung điện và nhận thấy mình đang lâm vào một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại. Không biết phải xoay sở với những điều mà chàng nhìn thấy bằng cách nào, chàng xúc động trước mọi thứ và kêu ca thật nhiều. Và, giống như những người trẻ tuổi khác, chàng hoàng tử cuối cùng lại oán trách cha mình vì mọi thứ mà ngài cố gắng mang lại cho chàng. Chính là sự giàu sang, chàng hoàng tử nghĩ, mới khiến chàng đau khổ nhường ấy, mới khiến cho cuộc đời chàng vô nghĩa như thế. Chàng quyết định bỏ đi.

Nhưng hoá ra hoàng tử giống cha mình hơn chàng tưởng. Chàng cũng có những ý tưởng to tát. Chàng không chỉ bỏ đi; chàng còn từ bỏ cả vương vị, gia đình, mọi tài sản của mình và sống trên đường phố, sống trong bụi bậm như một con vật vậy. Vì thế chàng sẽ chịu đói khát, chịu dày vò, và xin xỏ từng mẩu thức ăn từ những người xa lạ trong phần còn lại của đời mình.

Đêm tiếp theo, chàng hoàng tử lại trốn khỏi cung điện, lần này không quay về nữa. Suốt nhiều năm chàng sống như một tên cặn bã, một kẻ dư thừa và bị xã hội lãng quên, một cục phân chó dưới đáy xã hội. Và đúng như dự định, chàng hoàng tử chịu không ít khổ cực. Chàng chịu đựng bệnh tật, đói khát, đau đớn, cô đơn, và suy sụp. Chàng phải đối mặt với bản thân cái chết, thường chỉ ăn có một trái cây mỗi ngày.

Vài năm trôi qua. Rồi thêm vài năm nữa. Và rồi … chẳng có gì xảy ra hết. Chàng hoàng tử bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống khổ hạnh này không phải là tất cả. Nó không mang lại cho chàng sự hiểu biết sâu mà chàng hằng mong muốn. Nó không phơi bày thêm bất kỳ một bí mật sâu xa nào về thế gian này hay một mục đích cao cả nào nữa hết.

Thực ra, vị hoàng tử nhận ra được điều mà hầu hết chúng ta đều đã biết từ lâu: rằng đau khổ thì tệ lắm luôn. Và nó cũng chẳng cần thiết phải như thế. Rằng với sự giàu có, sự chịu đựng đau khổ chả có giá trị nào cả nếu như nó không được thực hiện vì một mục đích nào đó. Và không lâu sau đó, vị hoàng tử đi đến kết luận rằng ý tưởng vĩ đại của mình, cũng như của cha chàng, thật là tồi tệ và chàng nên làm một điều gì đó khác thì hơn.

Vô cùng hoang mang, hoàng tử gột rửa bản thân sạch sẽ và ra đi và tìm thấy một cái cây nằm bên một dòng sông. Chàng quyết định sẽ ngồi xuống bên gốc cây và không đứng lên cho tới khi đạt tới một ý niệm nào đó.

Như truyền thuyết kể lại, vị hoàng tử bối rối ấy ngồi dưới gốc cây suốt bốn mươi chín ngày. Chúng ta không đào sâu vào tính khả thi của việc ngồi nguyên một chỗ trong suốt 49 ngày như vậy, nhưng ta hãy bàn đến việc trong quãng thời gian đó vị hoàng tử đã luận ra được một số giác ngộ quan trọng.

Một trong số những giác ngộ ấy chính là: bản thân cuộc đời đã là một sự chịu đựng đau khổ. Người giàu đau khổ bởi chính sự giàu có của họ. Người nghèo đau khổ bởi sự nghèo túng của họ. Người không có gia đình thì đau khổ bởi vì họ không có gia đình. Người có gia đình thì khổ vì gia đình mình. Những người theo đuổi những niềm vui trần tục thì đau khổ bởi chính những thú vui trần tục ấy. Người tránh xa những thú vui trần tục thì cũng đau khổ bởi sự kiêng kị ấy.

Không phải là nỗi khổ nào cũng đều như nhau cả. Có những nỗi khổ thì đau đớn hơn những nỗi khổ khác. Nhưng dù sao tất cả chúng ta đều phải chịu đựng chúng cả.

Nhiều năm sau đó, vị hoàng tử kia xây dựng nên triết lý của riêng mình và chia sẻ nó với cả thế giới, và giáo lý đầu tiên và trọng tâm của nó chính là: nỗi đau đớn và mất mát là không thể tránh được và chúng ta cần từ bỏ việc cố gắng chống lại chúng. Vị hoàng tử ấy chính là Đức Phật. Và phòng trường hợp bạn chưa từng nghe nói tới Ngài, thì Ngài ấy nổi tiếng lắm.

Có một tiên đề nằm bên dưới rất nhiều giả định và niềm tin của chúng ta. Tiên đề đó chính là hạnh phúc là một dạng thuật toán, rằng nó có thể kiến tạo được và kiếm được và đạt tới như là việc được nhận vào trường luật hay khi ta lắp ráp xong một mô hình Lego siêu phức tạp. Nếu như mà tôi đạt được X, thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu như tôi trông giống Y, thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu như tôi có thể ở bên một người như Z, thì tôi sẽ hạnh phúc.

Dù vậy, tiên đề này, chính là vấn đề của chúng ta. Hạnh phúc đâu phải là một phương trình toán học có thể giải được. Sự không hài lòng và bất an là phần không thể thiếu được trong đời sống loài người, và như ta sẽ thấy, là một yếu tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc. Đạo Phật đã nhấn mạnh điều này theo một cái nhìn mang tính tâm linh và triết học. Tôi cũng có cùng một quan điểm như thế, nhưng tôi sẽ đề cập đến nó theo cách tiếp cận mang tính sinh học hơn, và với lũ gấu mèo.

Chuyến Đi Lạc Của Con Gấu Mèo U Uất

Nếu như tôi có thể kiến tạo ra một vị anh hùng, thì tôi sẽ tạo ra một nhân vật được gọi là Gấu Mèo U Uất. Nó sẽ đeo cái mặt nạ che mắt thổ tả và mặc cái áo thun (với một chữ T in hoa to đùng ngay trước ngực) nhỏ xíu xiu so với cái bụng mỡ căng tròn của nó, và năng lực siêu nhiên của nó là khả năng nói được với mọi người những sự thật khó nghe về bản thân họ mà họ cần được nghe mà không muốn chấp nhận.

Nó sẽ gõ cửa hết nhà này đến nhà khác như một người bán hàng cần mẫn và nói những lời tựa như, “Ừa, chắc chắn là việc kiếm ra một đống tiền sẽ khiến anh thật oách nhưng điều ấy đâu có khiến bọn trẻ nhà anh yêu anh đâu chớ,” hay “Nếu như anh phải tự hỏi chính mình rằng anh có tin tưởng vợ mình không, thì câu trả lời có lẽ là không đấy”, hay “Những gì mà anh xem như là ‘tình bạn’ thực ra chỉ là sự cố gắng để gây ấn tượng với người khác mà thôi.” Rồi sau đó nó sẽ chúc vị chủ nhà một ngày tốt lành và thơ thẩn sang gõ cửa nhà khác.

Như thế hẳn là rất tuyệt. Và bệnh nữa. Với cả hơi bị đáng buồn. Và đầy kích thích. Và cần thiết. Túm cái váy lại là, sự thật lớn nhất trong đời luôn là những điều khó nghe nhất.

Con Gấu Mèo U Uất có thể sẽ là vị anh hùng mà không một ai trong chúng ta mong muốn nhưng ai ai cũng cần tới. Nói một cách văn vẻ thì nó chính là món rau bổ dưỡng không thể thiếu cho chế độ kiêng khem các loại thực phẩm rác rưởi dành cho tinh thần của chúng ta. Nó sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn dù có khiến ta thấy khó chịu. Nó sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn bằng cách khiến cho con tim ta tan nát, thắp sáng tương lai của chúng ta bằng cách cho ta thấy bóng tối. Việc nghe nó nói cũng giống như việc xem một bộ phim mà cảnh cuối cùng là vị anh hùng phải chết: nó khiến bạn thích thú hơn cả cho dù nó cũng khiến bạn thấy buồn tê tái, bởi vì cảm giác chân thật mà nó mang lại.

Vì thế vào lúc này, hãy cho phép tôi được mang vào chiếc mặt nạ của con Gấu Mèo U Uất và quăng một lời thật tình không mấy dễ chịu nữa vào cái mặt bạn:

Chúng ta chịu dằn vặt bởi một nguyên nhân vô cùng đơn giản là việc chịu đựng ấy là hữu ích về mặt sinh học. Nó là yếu tố hoàn toàn tự nhiên thúc đẩy sự thay đổi. Chúng ta luôn có xu hướng sống với một sự không hài lòng và bất an nhất định bởi vì chính sự không hài lòng và bất an ấy mới là những thành phần hài hoà tạo nên sự đổi mới và sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta loay hoay khi trở nên không hài lòng với những gì mình có và chỉ cảm thấy thoả mãn với những gì mình không có được. Sự bất mãn thường xuyên này ngăn trở giống loài chúng ta khỏi việc đấu tranh và nỗ lực vươn lên, xây dựng và chinh phục. Ôi không – đau đớn và khổ sở của chúng ta đâu phải là lỗi hệ thống trong sự tiến hoá loài người; mà chúng chính là một nét đặc trưng.

Nỗi đau, dù ở dưới bất kỳ một hình thức nào, đều là một cú thúc hiệu quả nhất cho cơ thể chúng ta. Cứ lấy một ví dụ cực kỳ đơn giản như là việc bạn bị vấp chân vậy. Nếu bạn cũng giống như tôi, khi bị vấp bạn thường kêu lên từ có bốn chữ cái mà sẽ khiến cho Đức giáo hoàng Francis phải khóc thét. Bạn cũng có thể sẽ xỉ vả một đồ vật vô tri nào đó vì gây ra đau đớn cho bạn. “Cái bàn chết tiệt,” bạn có thể nói vậy. Hoặc cũng có thể bạn sẽ đi xa hơn tới mức đặt ra câu hỏi về tính triết lý của việc sắp xếp đồ đạc trong ngôi nhà dựa vào cái ngón chân đau, “Đứa đần nào để cái bàn này ở đây thế? Không thể tin được!”

Nhưng mà tôi lạc đề mất rồi. Cơn đau nơi ngón chân đáng thương bị vấp kia, cái điều mà cả bạn và tôi và Đức giáo hoàng đều căm ghét ấy, tồn tại vì một lý do quan trọng. Nỗi đau thể xác là một sản phẩm của hệ thống thần kinh chúng ta, một cơ chế phản hồi để giúp ta cảm nhận được về sự cân bằng của cơ thể – nơi nào ta có thể di chuyển hay không nên di chuyển tới và cái gì ta có thể hoặc không thể chạm vào. Khi chúng ta vượt quá những giới hạn này, hệ thống thần kinh của ta sẽ trừng phạt chúng ta một cách thích đáng nhằm đảm bảo rằng ta chú ý và không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa.

Và cơn đau này, dù ta có ghét nó nhường nào, thì cũng là cần thiết. Nỗi đau là thứ dạy cho ta biết cần phải chú ý tới điều gì khi mà ta còn nhỏ và vô tâm. Nó giúp ta thấy được điều gì là tốt hay không tốt đối với mình. Nó giúp cho ta hiểu ra và chấp nhận những giới hạn của mình. Nó dạy ta đừng có léng phéng gần lò nướng nóng hổi hay đừng có dại mà chọc thanh kim loại vào ổ điện. Do đó, việc tránh xa nỗi đau không phải bao giờ cũng là đúng đắn cả, bởi vì những cơn đau nhiều khi chính là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của chúng ta.

Nhưng những cơn đau không chỉ dừng lại ở mức độ thể xác. Giống như bất kỳ một ai từng ngồi xem tập phim Star War đầu tiên có thể nói với bạn rằng, loài người chúng ta cũng có khả năng chịu đựng những cơn đau về mặt tinh thần. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta hầu như không phân biệt giữa nỗi đau thể xác với nỗi đau tinh thần. Vì thế nên khi tôi bảo với bạn rằng việc mối tình đầu của tôi đã lừa dối tôi và bỏ rơi tôi giống như là có một mũi dao bằng băng chầm chậm đâm vào ngực tôi, là bởi vì, ờ, tôi cảm thấy đau như thể có một khối băng đang chầm chậm đâm ngang lồng ngực mình vậy.

Cũng giống như nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần của chúng ta cũng là một lời cảnh báo về điều gì đó đang mất cân bằng, một giới hạn nào đó mà cần phải vượt qua. Và cũng giống như nỗi đau thể xác của chúng ta, nỗi đau tinh thần không phải lúc nào cũng là xấu hay không đáng mong đợi. Trong một số trường hợp, trải qua nỗi đau thể xác và tinh thần có thể còn có lợi và cần thiết nữa là khác. Giống như việc bị vấp chân nhắc nhở chúng ta cần cẩn thận hơn khi bước đi, nỗi đau gây ra từ việc bị từ chối hay thất bại dạy cho chúng ta biết cách để tránh xa những lỗi lầm tương tự trong tương lai.

Và đó cũng chính là điều nguy hiểm của một xã hội ngày càng tự bồi đắp mình bởi những bất an không thể tránh được trong cuộc sống: chúng ta đánh mất những lợi ích của việc trải nghiệm các nỗi đau cần thiết, là một sự mất mát đẩy ta ra xa khỏi thực tế cuộc sống.

Bạn có thể sẽ chảy nước dãi trước cái ý tưởng về một cuộc sống không trở ngại đầy ắp hạnh phúc và đam mê bất tận, nhưng trên trái đất này có khi nào mà mấy chuyện ngoài ý muốn lại biến mất đâu cơ chứ. Nói một cách nghiêm túc nhé, các rắc rối không thể hết được. Con Gấu Mèo U Uất vừa ghé qua nhà tôi chơi xong. Chúng tôi vừa nhấp margaritas, và nó vừa tỉ tê với tôi: rắc rối có bao giờ biến mất éo đâu, nó bảo – chúng nó chỉ có phình ra mà thôi. Warren Buffett thì gặp phải mấy vấn đề về tiền bạc; gã lang thang say rượu ở Kwik-E Mart cũng gặp phải vấn đề tiền bạc luôn. Chẳng qua vấn đề của Buffett thì dễ giải quyết hơn so với gã lang thang kia mà thôi. Đời ai mà chả vậy.

“Cuộc sống là một chuỗi những vấn đề không dứt, cu Mark ạ,” con gấu mèo lải nhải với tôi. Nó nhấp một ngụm rượu và xoay xoay cái ô nhỏ xinh màu hồng trong cái cốc. “Giải pháp đối với vấn đề này không khéo lại là nguyên nhân cho vấn đề kế tiếp cũng nên.”

Một phút trôi qua, và tôi thắc mắc không biết thế éo nào mà cái con gấu mèo này lại có mấy lời vàng ngọc thế. Và trong lúc chúng tôi nói chuyện nghiêm túc thế này, thì ai pha mấy ly margaritas ấy đấy nhỉ?

“Đừng có mà mong đợi một cuộc đời không rắc rối,” con gấu mèo tiếp tục. “Làm gì có chuyện ấy. Thay vì vậy, hãy mong đợi một cuộc đời với toàn những rắc rối dễ thương.”

Và với những lời ấy, nó đặt cái ly xuống, chỉnh lại cái mũ đội đầu, và biến mất trong ánh hoàng hôn màu tím.

Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các rắc rối

Các vấn đề liên tục xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Khi bạn xử lý các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của mình bằng việc mua thẻ tập gym, bạn lại tạo ra những vấn đề mới, như là việc phải dậy sớm để đến phòng tập đúng giờ, ướt sũng mồ hôi vì ba mươi phút tập chạy trên máy, và sau đó là tắm rửa và thay quần áo để khỏi bốc mùi trong văn phòng. Khi bạn giải quyết vấn đề về không dành đủ thời gian bên bạn đời bằng việc thiết kế tối thứ Tư làm “tối hẹn hò,” bạn lại dẫn tới những vấn đề khác, như là phải cố nghĩ ra những thứ sẽ làm vào mỗi thứ Tư để cả hai bạn không thấy chán, đảm bảo rằng bạn đủ đạn cho những bữa tối sang chảnh, làm sao để tái tạo lại niềm đam mê và chất xúc tác đang dần nhạt phai giữa hai người, và chuẩn bị cho công cuộc ấy ấy trong cái bồn tắm bé xíu đầy những bong bóng xà phòng.

Các vấn đề không bao giờ ngừng lại cả, chúng chỉ chuyển sang một vấn đề khác và/hoặc là tăng thêm mà thôi.

Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các vấn đề này. Từ khoá ở đây là “giải quyết”. Nếu như bạn lảng tránh các vấn đề của mình hay cảm thấy như thể mình không có vấn đề nào hết cả, thì bạn sẽ tự làm cho mình đau khổ đấy. Nếu như bạn cảm thấy rằng mình đang gặp phải những vấn đề không thể giải quyết, thì bạn cũng đang tự làm khổ mình. Bí quyết của món sốt nằm ở chỗ giải quyết vấn đề, chứ không phải là ở vấn đề.

Để có thể hạnh phúc chúng ta cần có thứ gì đó để giải quyết. Hạnh phúc vì thế mà tồn tại dưới dạng thức của hành động; nó là một hoạt động, chứ không phải là thứ được ban cho bạn một cách bất ngờ, không phải là thứ mà bạn phát hiện được một cách thần kỳ trên một bài báo xuất sắc nào đấy của tờ Huffington Post hay từ một bậc thầy nào đó. Chẳng có gì là kỳ diệu cả khi mà bạn dành dụm đủ tiền để tân trang thêm một căn phòng nữa trong nhà mình. Bạn đâu có tìm thấy nó đang chờ đón bạn ở một nơi chốn nhất định, trong một ý tưởng, một công việc – hay ngay cả trong một cuốn sách đi nữa.

Hạnh phúc là một quá trình luôn diễn ra, bởi vì giải quyết vấn đề là một quá trình tiếp diễn – giải pháp cho vấn đề của ngày hôm nay rất có thể sẽ là nguồn cơn của những vấn đề vào ngày mai, và cứ tiếp tục như thế. Hạnh phúc thực sự chỉ diễn ra khi bạn tìm thấy được những vấn đề mà bạn thích thú và vui vẻ giải quyết chúng.

Đôi khi những vấn đề này rất đơn giản: ăn một món ngon, khám phá một vùng đất mới, giành chiến thắng trong trò chơi điện tử mà bạn vừa mới mua. Vào những khi khác các vấn đề này có thể sẽ phức tạp và khó hiểu: cải thiện mối quan hệ của bạn với mẹ mình, tìm kiếm một sự nghiệp mà bạn cảm thấy hài lòng, củng cố tình bạn.

Dù cho vấn đề của bạn có là gì, thì thông điệp ở đây vẫn chỉ có một: giải quyết vấn đề, hạnh phúc. Thật không may làm sao, đối với nhiều người, cuộc đời không có đơn giản như vậy. Đó là bởi vì họ làm rối tung đời mình lên ít nhất là theo hai cách:

Chối bỏ. Một số người chối bỏ ngay từ đầu về sự tồn tại của các vấn đề. Và bởi vì họ chối bỏ thực tại, họ hẳn phải luôn đánh lừa hay làm sao lãng bản thân khỏi thực tại. Điều này có thể khiến họ cảm thấy yên ổn trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ dẫn tới một đời sống bất an, căng thẳng thần kinh, và sự dồn nén về mặt cảm xúc.

Nạn nhân tinh thần. Một số người chọn lựa việc tin rằng họ chẳng thể làm gì để xoay trở tình thế của mình, dù thực ra là họ có thể làm được điều đó. Những nạn nhân này sẽ tìm kiếm cơ hội hoặc lý do để trách móc những người khác vì vấn đề của mình hoặc đổ lỗi cho những tác nhân bên ngoài. Điều này có thể khiến họ cảm thấy tốt đẹp hơn trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ dẫn tới sự oán giận, cảm giác vô dụng và tuyệt vọng về lâu về dài.

Những người mà chối bỏ hoặc đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của chính mình bởi vì một lý do đơn giản là điều ấy thật dễ dàng và khiến họ cảm thấy dễ chịu, trong khi việc giải quyết vấn đề lại thường khó khăn và mang lại cảm giác tồi tệ. Việc đổ lỗi và chối bỏ khiến chúng ta dễ dàng cảm thấy sung sướng. Đó là cách thức để tạm thời trốn tránh các vấn đề của chúng ta, và sự trốn tránh này có thể mang tới cho ta cảm giác an tâm chóng vánh.

Sự cao hứng này có thể tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau. Nó có thể là ở dạng vật chất như là rượu, cảm giác đúng đắn về mặt đạo đức tới từ việc đổ lỗi cho người khác, hay trạng thái hồi hộp đến từ một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mới, những cảm giác hưng phấn ấy thường là những cách thức nông cạn và không hiệu quả để điều hành cuộc sống. Hầu hết các sản phẩm của thế giới tự cải thiện bản thân đều luẩn quẩn trong giới hạn đưa tới sự hưng phấn cho mọi người thay vì giải quyết các vấn đề. Rất nhiều các bậc thầy về hoàn thiện bản thân chỉ bảo cho chúng ta về những dạng thức mới của việc chối bỏ và bơm vào đầu bạn những bài tập mà sẽ khiến bạn cảm thấy tốt đẹp trong một thời gian ngắn, nhờ phớt lờ gốc rễ của vấn đề. Hãy nhớ rằng, chẳng có người nào thật sự hạnh phúc lại phải đứng trước gương và tự thôi miên mình rằng anh ta đang hạnh phúc cả.

Sự hưng phấn cũng dễ gây nghiện nữa. Bạn càng dựa dẫm vào chúng để cảm thấy yên ổn hơn trước những vấn đề chưa được giải quyết, thì bạn càng khao khát chúng nhiều hơn. Do vậy, hầu như thứ nào cũng có khả năng gây nghiện, dựa trên động cơ đằng sau của việc sử dụng chúng. Chúng ta đều có những phương thức được chọn lựa để làm tê liệt nỗi đau mà những vấn đề của ta mang lại, và với một liều lượng trung bình thì không có vấn đề gì to tát cả. Nhưng ta lảng tránh càng lâu hay đóng băng càng lâu, thì chúng ta sẽ càng đau đớn hơn khi đến cuối cùng vẫn cứ phải đối mặt với chúng.

Xúc cảm được đánh giá quá cao

Các cảm xúc được liên kết chỉ nhằm một mục đích cụ thể: để giúp chúng ta sống và tái tạo tốt hơn một chút. Chỉ có thế mà thôi. Đó là những hệ thống phản hồi cho ta biết thứ gì là ổn hay không ổn với chúng ta – không hơn, không kém.

Sự đau đớn khi chạm phải cái bếp nóng dạy cho ta rằng không được chạm vào nó nữa, nỗi buồn của sự cô đơn dạy ta rằng đừng có làm những việc khiến ta phải chịu cô đơn nữa. Các cảm xúc chỉ đơn giản là những dấu hiệu sinh lý được kiến tạo để thúc bạn theo hướng của sự thay đổi có lợi mà thôi.

Nhìn xem, tôi không có ý định nhấn mạnh vào cuộc khủng hoảng giữa đời bạn hay thực tế rằng ông bố say xỉn nhà bạn lấy mất chiếc xe đạp của bạn hồi bạn mới tám tuổi và bạn vẫn không thể nguôi ngoai khỏi vụ này, nhưng khi bạn nhớ đến chúng, nếu như mà bạn cảm thấy dở tệ thì đó là bởi não bộ của bạn đang nói với bạn rằng có một vấn đề chưa được xác định và chưa được giải quyết. Hay nói theo cách khác, những cảm xúc tiêu cực chính là lời hiệu triệu để hành động. Khi bạn cảm thấy chúng, đó là bởi vì bạn cần phải làm điều gì đó. Các cảm xúc tích cực, ngược lại, là phần thưởng cho việc bạn đã thực hiện những hành động thích hợp. Khi bạn cảm thấy thế, cuộc đời sẽ trở nên đơn giản và ta chẳng cần phải làm gì nữa cả ngoài việc tận hưởng nó. Và rồi, cũng giống như mọi thứ khác, các cảm xúc tích cực biến mất, bởi sự xuất hiện của những vấn đề mới.

Các cảm xúc là một phần của sự cân bằng trong đời sống của chúng ta, nhưng không phải là toàn bộ phương trình. Chỉ bởi vì thứ gì đó mang lại cảm giác tốt đẹp không có nghĩa là nó thật sự tốt đẹp. Chỉ bởi vì thứ gì đó có cảm giác xấu không có nghĩa nó là xấu. Các cảm xúc chỉ là những dấu hiệu, sự gợi ý mà thần kinh sinh học đưa ra cho chúng ta, không phải là lời dạy bảo. Do đó, chúng ta không nên lúc nào cũng tin vào những cảm xúc của mình. Thực ra, tôi cho rằng chúng ta nên hình thành thói quen đặt câu hỏi về chúng.

Nhiều người học được cách dồn nén những cảm xúc của họ vào những lý do cá nhân, xã hội, hoặc văn hoá – mà thường là những cảm xúc tiêu cực. Buồn thay, khi chối bỏ cảm xúc tiêu cực thì người đó cũng đã chối bỏ cả những điều đến từ hệ thống phản hồi mà giúp họ giải quyết các vấn đề. Và kết quả là, những con người dồn nén cảm xúc ấy đều phải vật lộn với các vấn đề trong suốt cuộc đời họ. Và nếu như họ không thể giải quyết được các vấn đề, thì họ không thể hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, nỗi đau tồn tại vì một lý do nhất định.

Nhưng cũng có cả những người phản ứng quá đà với các cảm xúc của mình. Mọi thứ đều được biện minh chỉ bởi không vì một lý do gì khác ngoài việc họ cảm thấy thế. “Ối, tôi làm gẫy cái cần gạt nước mưa của anh rồi này, nhưng mà tôi điên thật sự đấy; tôi chẳng làm khác được.” Hay “tôi bỏ học và tới Alaska chỉ bởi vì tôi thấy cần phải như vậy.” Việc ra quyết định dựa trên cảm tính, mà không có lý trí, thường sẽ rất tệ. Bạn có biết ai hay đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc không? Bọn trẻ con ba tuổi ấy. Và cả lũ chó nữa. Bạn có biết ngoài việc ấy ra thì bọn nhóc ba tuổi và lũ chó còn làm gì khác nữa không? Chúng nó ị đùn trên thảm trải sàn.

Một sự ám ảnh và chú tâm quá nhiều vào cảm xúc sẽ không mang lại kết quả tốt bởi vì các cảm xúc thường không kéo dài mãi. Bất cứ điều gì khiến cho ta thấy hạnh phúc ngày hôm nay sẽ không còn khiến ta hạnh phúc vào ngày mai nữa, bởi vì chức năng sinh học của chúng ta luôn đòi hỏi có thêm thứ khác nữa. Một sự ấn định vào hạnh phúc là việc không-ngừng-theo-đuổi “một thứ khác” – một ngôi nhà mới, một mối quan hệ mới, một đứa con nữa, một đợt tăng lương khác. Và mặc cho tất cả mồ hôi nước mắt mà ta đổ ra, rốt cuộc rồi ta cũng thấy quái lạ như lúc bắt đầu: không mãn ý toại lòng.

Các nhà tâm lý học đôi khi hay gọi hiện tượng này là “guồng quay hưởng lạc”: chúng ta thường nỗ lực thay đổi tình trạng cuộc sống, nhưng thực ra ta không thực sự cảm thấy khác biệt.

Đó là lý do vì sao mà các vấn đề của chúng ta lại mang tính đệ quy và không thể trốn tránh. Người kết hôn với bạn là người luôn cãi vã với bạn. Ngôi nhà bạn mua là ngôi nhà mà bạn cần sửa chữa. Công việc trong mơ là công việc mà bạn sẽ đổ mồ hôi sôi nước mắt vì nó. Mọi thứ đều đi kèm với một sự hi sinh tương xứng – bất kỳ thứ gì khiến ta cảm thấy tốt đẹp thì cũng sẽ khiến ta cảm thấy tồi tệ. Những gì mà ta đạt được cũng đồng hành với thứ ta mất đi. Những gì mang tới trải nghiệm tích cực cho ta thì cũng đồng thời tạo nên những trải nghiệm tiêu cực.

Đây là một viên thuốc khó nuốt. Chúng ta thích thú với ý tưởng rằng có một số hình thức hạnh phúc tối thượng có thể đạt được. Chúng ta thích ý tưởng rằng chúng ta có thể giảm bớt vĩnh viễn tất cả những đau khổ của chúng ta. Chúng ta thích ý tưởng rằng chúng ta có thể cảm thấy hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của chúng tôi mãi mãi.

Nhưng chúng ta không thể.

Lựa chọn nỗi khổ của riêng bạn

Nếu như tôi hỏi bạn, “Bạn muốn gì từ cuộc đời?” và bạn nói với tôi những thứ kiểu như, “Tôi muốn được hạnh phúc và có một gia đình tuyệt vời và được làm công việc mà tôi yêu thích,” câu trả lời của bạn quá chung chung và thực sự thì nó không có ý nghĩa gì cả.

Ai cũng vui thích với những điều tốt đẹp. Ai cũng muốn được sống một cuộc đời vô tư lự, hạnh phúc, và êm ả, được yêu và thoả mãn với “chuyện ấy” và các mối quan hệ, có bề ngoài hoàn hảo và kiếm được nhiều tiền và được yêu quý và trọng vọng, dân tình sẽ đứng dạt sang hai bên như biển Đỏ mà cúi chào khi ta đi tới bất cứ đâu.

Ai cũng muốn được như thế. Thật dễ muốn được như thế.

Một câu hỏi thú vị hơn, câu hỏi mà nhiều người không nghĩ tới, là, “Bạn muốn có nỗi đau nào trong cuộc đời mình? Bạn sẵn sàng chịu đựng vì điều gì?” Bởi vì nó quyết định cuộc đời ta sẽ chuyển sang hướng nào.

Ví dụ như là, hầu như mọi người đều muốn có một văn phòng làm việc riêng và kiếm được cả núi tiền – nhưng không nhiều người muốn phải làm việc tới sáu mươi giờ mỗi tuần, phải di chuyển hàng tiếng trên đường, đống giấy tờ đáng ghét, và hệ thống cấp bậc phức tạp đầy chuyên chế trong công ty nhằm thoát khỏi sự giam cầm của cái khoang làm việc ngột ngạt như địa ngục này.

Hầu hết mọi người đều muốn có một cuộc mây mưa mỹ mãn và mối quan hệ tuyệt vời, nhưng chẳng mấy ai nguyện ý trải qua những cuộc đấu khẩu, những lúc yên lặng lúng túng, những lúc tổn thương, và biến động cảm xúc dữ dội để tới được đó. Vì thế mà họ thoả hiệp. Họ thoả hiệp và tự hỏi, “Nếu như” hết năm này sang năm khác, cho tới khi câu hỏi biến đổi từ “Nếu như” sang “Còn có gì khác?” Và khi vị luật sư tới nhà và tờ chi phiếu cấp dưỡng được gửi tới bằng đường bưu điện, thì họ nói, “Để làm chi?” Nếu như không phải vì hạ thấp tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ vào hai mươi năm trước, thì là vì cái gì?

Bởi vì hạnh phúc đòi hỏi sự chịu đựng. Nó phát triển từ những vấn đề. Niềm vui đâu có tự mọc ra từ mặt đất như là mấy bông cúc vàng và cầu vồng đâu cơ chứ. Thực ra thì, nói một cách nghiêm túc, sự thoả mãn và ý nghĩa của cuộc sống chỉ có được thông qua việc lựa chọn và kiểm soát các đau khổ của chúng ta. Dù là bạn phải vật lộn với nỗi lo lắng hay là sự cô đơn hay với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay là với một lão sếp khốn nạn làm tiêu tốn mất của bạn đến cả một nửa số thời gian bạn tỉnh táo trong ngày đi nữa, thì giải pháp nằm ở việc chấp nhận và tích cực cam kết với trải nghiệm tiêu cực đó – không phải là sự lảng tránh, không phải là sự cứu vớt khỏi nó.

Mọi người muốn có một cơ thể hoàn hảo. Nhưng bạn không có được nó nếu bạn không chấp nhận nỗi đau đớn và căng thẳng về thể xác khi ở trong phòng tập gym hàng giờ liền, trừ khi bạn thích việc đong đếm và phân loại chính xác những gì bạn ăn vào, hoạch định cuộc đời mình trên khẩu phần ăn trong cái đĩa nhỏ xíu xiu.

Mọi người muốn bắt đầu công việc kinh doanh của họ. Nhưng bạn không thể trở thành một doanh nhân thành đạt trừ khi bạn tìm ra cách để chấp nhận rủi ro, sự không ổn định, hết sai lầm này đến sai lầm khác, những giờ đồng hồ điên cuồng cống hiến cho một thứ gì đó mà có thể cuối cùng lại xôi hỏng bỏng không.

Mọi người muốn có một nửa kia, một người bạn đời. Nhưng bạn không thể thu hút được một ai đó đáng kinh ngạc mà không chấp nhận sự hỗn loạn về mặt cảm xúc đi kèm với sự từ chối thẳng thừng, chất chồng sự căng thẳng về nhục dục mà chẳng bao giờ được giải toả, và nhìn đờ đẫn vào chiếc điện thoại không chịu đổ chuông. Đó là một phần của trò chơi tình ái. Bạn không thể giành chiến thắng nếu chẳng chịu chơi.

Điều quyết định thành công của bạn không phải là, “Bạn muốn hưởng thụ thứ gì?” Mà câu hỏi thích hợp phải là, “Nỗi đau nào mà bạn muốn chống đỡ?” Con đường dẫn tới hạnh phúc là con đường đầy rẫy những đống phân và tủi hổ.

Bạn phải chọn lựa lấy một thứ gì đó. Bạn không thể nào có được một cuộc đời không đau đớn gì. Không thể lúc nào cũng chỉ toàn hoa hồng và bạch mã cả. Vui thú là câu hỏi dễ dàng. Và hầu hết chúng ta đều có câu trả lời tương tự như nhau.

Câu hỏi thú vị hơn nhiều chính là nỗi đau. Nỗi đau nào mà bạn muốn chịu đựng? Đó là câu hỏi khó nhưng quan trọng, câu hỏi sẽ đưa bạn tới được nơi nào đó. Đó là câu hỏi có thể làm thay đổi một cách nhìn, một cuộc đời. Đó là thứ khiến tôi là tôi, còn bạn là bạn. Đó là thứ sẽ xác định và phân biệt chúng ta với nhau và chắc chắn sẽ đưa chúng ta lại gần nhau.

Trong phần lớn quãng đời niên thiếu của tôi, tôi thường mơ tưởng tới việc trở thành nhạc sĩ – cụ thể là một ngôi sao nhạc rock. Khi tôi nghe thấy bất kỳ một bản guitar nào, tôi luôn nhắm mắt lại và tưởng tượng ra mình ở trên sân khấu, đang đánh đàn trong tiếng hò reo của đám đông, điên đảo chúng sinh với những ngón tay thần thánh của tôi. Mỗi lúc như thế tôi lại mơ mộng đến hàng tiếng đồng hồ. Với tôi, câu hỏi không phải là liệu tôi có thể chơi nhạc trước đám đông đang gào thét kia hay không, mà là khi nào. Tôi đã hoạch định cả rồi. Tôi chỉ đơn giản là đang chờ đợi thời cơ trước khi có thể đầu tư mức năng lượng và nỗ lực thích hợp để bước ra ngoài kia và lưu lại dấu ấn của mình. Trước tiên tôi cần phải tốt nghiệp cái đã. Rồi tôi còn cần phải kiếm tiền để mua thêm nhạc cụ nữa chứ. Tiếp nữa tôi cần phải xoay được thời gian tập luyện. Sau đó tôi cần tạo lập các mối quan hệ và lên kế hoạch cho dự án đầu tiên của mình. Rồi sau đó nữa… và sau đó nữa là không gì cả.

Dù cho tôi có mơ tưởng về điều này hơn nửa đời mình, thực tại chẳng bao giờ diễn ra như vậy. Và sau rất lâu với rất nhiều dằn vặt tôi mới hiểu ra được vì sao: tôi không thực sự muốn điều ấy.

Tôi thích thú với cái kết quả cuối cùng – hình ảnh tôi đứng trên sân khấu, khán giả reo hò, tôi xuất thần, dồn cả trái tim mình vào bản nhạc tôi chơi – nhưng tôi lại không thích thú gì với quá trình hết cả. Và bởi vì như vậy, tôi thất bại. Lặp đi lặp lại nhiều lần. Trời ạ, tôi còn không cố gắng đủ đến mức thất bại ấy chứ. Tôi hầu như có cố gắng gì đâu. Sự vất vả luyện tập mỗi ngày, những việc cần phải làm để lập nhóm nhạc và ra mắt, nỗi khổ phải tìm kiếm các cơ hội trình diễn và thực sự khiến mọi người xuất hiện và quan tâm, những cái dây đàn bị đứt, cái Ampe bị cháy, bê vác hai mươi cân thiết bị tới và rời khỏi các buổi thu âm mà không có xe hơi. Đó là một ngọn núi giấc mơ và con đường lên tới đỉnh thì dài hàng dặm. Và thứ khiến tôi phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra được là tôi không thích leo núi cho lắm. Tôi chỉ thích tưởng tượng ra cái đỉnh núi mà thôi.

Giọng nói đại diện cho nền văn hoá đương thời sẽ cho tôi biết rằng tôi đã làm nhục bản thân theo một cách nào đó, rằng tôi là một kẻ bỏ cuộc hay thua cuộc, rằng tôi chỉ là không “có năng khiếu”, rằng tôi đã từ bỏ ước mơ của mình và rằng có lẽ tôi đã để cho chính mình chịu thua trước áp lực của xã hội.

Nhưng sự thật thì nhạt nhẽo hơn những lời lý giải này rất nhiều. Sự thật là, tôi nghĩ rằng tôi muốn một điều gì đó, nhưng rồi hoá ra lại không phải vậy. Hết chuyện.

Tôi chỉ muốn phần thưởng mà không phải là sự chịu đựng. Tôi muốn cái kết quả mà không phải là quá trình. Tôi chỉ yêu thích chiến thắng mà không phải cuộc tranh đấu.

Và cuộc đời thì không vận hành như thế.

Việc bạn là ai được xác định bởi việc bạn sẵn lòng chịu đựng điều gì. Người mà thích thú chịu đựng nỗi đau đớn trong phòng tập gym là những người thi ba môn thể thao phối hợp và có cơ bắp rắn rỏi và có thể bẩy tung cả một ngôi nhà. Người mà thích những giờ làm việc dài lê thê và bộ máy cấp bậc trong công ty sẽ là những người vươn lên vị trí chóp bu. Những người thích những sự căng thẳng và lối sống thiếu ổn định của giới nghệ sĩ thì chắc chắn là những người sẽ làm nên công chuyện.

Đây không phải là về sức mạnh ý chí hay là tính chịu đựng bền bỉ. Đây không phải là một hình thái khác của lời răn dạy “có công mài sắt, có ngày nên kim.” Đây là thành tố cơ bản và đơn giản nhất của cuộc sống: nỗi đau của ta quyết định thành công của ta. Vấn đề của chúng ta dẫn tới hạnh phúc của ta, đi cùng với việc cải thiện một chút, biến đổi một chút các vấn đề đó.

Thế này nhé: nó là một cái cầu thang hình xoắn ốc dài bất tận. Và nếu như bạn nghĩ rằng vào một lúc nào đấy bạn được phép ngừng leo lên, thì tôi e là bạn không hiểu vấn đề rồi. Bởi vì niềm vui nằm ở chính cuộc leo thang ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3