Nguyễn Minh Châu - 3. Quá trình trưởng thành

Từ một tạp chí lưu hành nội bộ, tới đầu 1957, Văn nghệ quân đội ra công khai, tức là có bán rộng rãi như mọi tờ báo khác. Ngoài bộ phận biên tập, Văn nghệ quân đội còn có một tổ phóng viên hoạt động theo sự chỉ đạo của ban phụ trách. Giả sử có một đề tài nào đó, được coi là quan trọng và tạp chí cần có bài, ban phụ trách liền cử người đến đó làm việc, tác phẩm viết ra có thể là truyện ngắn, có thể là ký song cuối cùng vẫn phải gắn với không khí cái nơi được nói tới. Các nhà văn như Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyên Ngọc... lúc đầu đều đã làm việc theo sự chỉ đạo như vậy và Nguyễn Minh Châu cũng không ra ngoài cái lệ chung đó.

Trong bản niên biểu, đặt ở đầu sách Nguyễn Minh Châu con người và tác phẩm, còn thấy ghi rõ:

1962 - Đi thực tế trường 400 pháo binh

1963 - Đi Trà Cổ

1964 - Đi với bộ đội hải quân

...

Từ những chuyến đi theo “đơn đặt hàng” này, ông đã mang về một loạt truyện ngắn và ký in ra trên Văn nghệ quân đội trong những năm ấy: Chuyện kể ở đại đội, Vùng sáng phía chân trời, Trên vùng đất sỏi.

Riêng Kỷ niệm hạm tàu, viết sau chuyến đi với hải quân ở Vĩnh Linh sẽ được đẩy tới, để cùng với kinh nghiệm mà Nguyễn Minh Châu đã có ở đồng bằng Bắc bộ, làm nên tiểu thuyết Cửa sông. Theo các đồng nghiệp ở Văn nghệ quân đội cũ kể lại, thì ban đầu Cửa sông chỉ là một thiên truyện trên ba chục trang gì đó. Khi bản thảo được toà soạn truyền tay nhau đọc, những người có kinh nghiệm một chút như Nguyễn Khải gợi ý: “Nên triển khai cho rộng ra”. Xuân Sách cũng trêu chọc : “Ông tiêu hoang quá! Tài liệu vừa cho một cuốn tiểu thuyết mà ông chỉ dồn vào có vài chục trang”. Nguyễn Minh Châu dỡ cái truyện ngắn kia ra làm lại. Và thế là Cửa sông ra đời.

Một lần nào đó, Đỗ Chu nói với tôi (lúc này Đỗ Chu vừa in xong tập Phù sa nên tỏ ra khá lọc lõi):

- Lẽ ra tác giả phải đến tận nơi, bảo mấy ông bên nhà xuất bản Văn học in Cửa sông cho nhiều thêm, ít ra cũng 10.000 bản chứ sao lại có 7.000. Cái lão Châu này hiền quá!

Tôi cũng thấy Nguyễn Minh Châu hiền thật. Một hai năm sau khi sách được xuất bản, thỉnh thoảng còn bắt gặp Nguyễn Minh Châu lôi từ cái tủ tường ra một hai quyển Cửa sông mang tặng. Hình như ai hỏi ông mới đưa, chứ không tặng vung ra như một vài người khác, nên sách mới còn lưu cữu như vậy.

Đến như quá trình Nguyễn Minh Châu làm việc cho tác phẩm chính của đời mình là cuốn Dấu chân người lính, thì câu chuyện lại đáng chú ý ở sự kỹ lưỡng, chắc chắn của ông trong việc xử lý đề tài và nghiền ngẫm chọn hướng làm sách.

Nguyên là khi chiến dịch Khe Sanh vừa chuẩn bị mở màn, phòng Văn nghệ quân đội đã cử ngay một tốp các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà văn đi chiến trường, trong đó có Nguyễn Minh Châu và Xuân Sách. Giữa hai người, là cả một khoảng cách khá xa trong tốc độ làm việc. Từ chiến trường Xuân Sách đã có bài gửi về hết in trên báo, lại đọc trên đài. Xuân Sách viết được cả thơ, lẫn văn. Đâu đã có mấy cuốn sách cùng ký tên là Lê Hoài Đăng (tên ba người con của Xuân Sách) đã được in ra sau chuyến đi ấy.

Trong khi Xuân Sách đã “trả nợ” xong xuôi, thì Nguyễn Minh Châu còn loay hoay mãi. Có lúc ông cao hứng nói đùa:

- Tôi sẽ viết cho nó thật mùi mẫn, thật lắt léo, thì mới thích.

Tôi hiểu đằng sau câu nói đùa này là một tuyên bố: Ông sẽ viết tiểu thuyết.

Khi người ta đang ngấm ngầm định làm cái gì, thì tự nhiên là bị nó hút hết hồn vía, con người bình thường hàng ngày trở nên đờ đẫn chậm chạp, bao nhiêu tinh hoa nhanh nhẹn biến đi đâu cả. Chết một nỗi là sự hoài thai, sự mang nặng đẻ đau của Nguyễn Minh Châu lần này to lớn quá. Ông định có một cái gì bao quát được cả cuộc chiến tranh. Một con người vô hình trong ông ngày đêm kiểm tra lại mọi vật liệu đã được chuẩn bị, rồi tính toán việc cần phải làm, rồi hạch sách mình điều này, cật vấn mình điều kia, khiến người cứ bứt rứt không yên. Có khi đang ngồi nói chuyện giữa đám đông, ông cũng đứng lên bỏ về, như là chợt nhớ ra điều gì, phải ghi ngay, không có thì quên mất. Nguyễn Khải, người rất quen với tính khí Nguyễn Minh Châu, có lúc than phiền: Nói chuyện với ông Châu dạo này hơi khó. Nghiêm trang không ra nghiêm trang, nhảm nhí không ra nhảm nhí. Không biết lúc nào ông ấy vào chỗ nào cả.

Đỗ Chu thì nói toạc ra sự nghi ngờ của mình:

- Em thì em cho là khéo bác Châu bị tài liệu nó hành cũng nên. Có nhiều anh ở ngoài Hội cũng nổi tiếng nhưng họ chỉ nổi tiếng một cách từ từ, đằng này Cửa sông đến với anh Châu trọn vẹn quá, đẹp quá. Tự nhiên là con người ta như mất đà. Mấy tháng nay tâm thần trở nên bất định, người lúc ấy trở nên mê mê đi rồi. Cái gì nở nhanh quá mà chẳng chóng tàn?

Rồi một vài câu nói kiểu ấy cũng đến tai Nguyễn Minh Châu. Ông hơi bực. Nhưng tôi biết ở ông có một khả năng mà nhiều người chúng tôi không có: sống đơn độc. Và đằng sau cái con người nhạy cảm mà chúng tôi mang ra cười cợt đó, trong ông còn có một con người sắt đá, đằng sau cái cách sống, đóng vai một kẻ tầm thường (“Việc quái gì phải nghĩ“, “cũng cố mà viết cho xong, còn phải viết quyển khác, kiếm tiền nuôi vợ con...) là một niềm tin lớn lao - tin vào điều kỳ diệu của văn chương.

Cho đến lúc mấy chương đầu Dấu chân người lính được in ra trên mặt báo (Văn Nghệ quân đội số ra 4-1970) với cái tên Hành quân.

Cái ông Nguyễn Khải của chúng tôi xưa nay vẫn thế, nói cái gì thì nói đến cùng, lại nữa, giọng lưỡi quả quyết, mồm mép sắc như dao. Hình như sau bao lâu không khen được ai lần này có cái mà khen, Nguyễn Khải sung sướng lắm, đi đâu cũng nói:

- Phen này như vậy là văn chương mình có cái mà so sánh nhé. Nói một cách tóm tắt: Viết hành quân như thế là không ai hơn được ông Châu này rồi! Tôi vừa sang bên Hội Nhà văn thuyết một hồi, nghe tôi phân tích, ai cũng công nhận. Có người còn bảo không chừng vượt cả văn chương Trần Đăng ngày trước nữa.

Nhưng đấy mới là mấy chương mở đầu của tập sách. Để hoàn thành Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu còn phải làm việc có tới một năm nữa.

Một buổi chiều đầu thu 1972, đang ngồi ở phòng, tôi được Nguyễn Minh Châu rủ đi chơi. Lâu nay, bọn tôi thường vẫn loanh quanh ở các hàng nước bên Quan Thánh, hoặc đầu Phùng Hưng, và ăn vài cái bánh rán rồi chiêu chén nước chè mạn là cùng. Lần này, Nguyễn Minh Châu rủ tôi đi xa hơn, ra mãi tận Hàng Chiếu, Nguyễn Siêu, chỗ có mấy hàng miến lươn, bún ốc. Thì ra, anh muốn khao tôi, sau khi nhận nhuận bút Dấu chân người lính. Những người thạo đời hơn, sau khi nhận nhuận bút, thường rủ nhau đến các hiệu cao lâu. Với chúng tôi lúc ấy, mấy hàng quán bên đường cũng đã là đủ.

So với ngày thường, vậy là Nguyễn Minh Châu có bốc lên một tí. Hình như ông đã linh cảm thấy rằng trong cuộc đời viết văn của mình, từ đây sẽ có một bước ngoặt. Quả thật, trước đó chỉ một ít đồng nghiệp gần gũi đánh giá cao nhà văn này, còn đông đảo bạn đọc chưa biết ông là ai. Còn từ Dấu chân người lính trở đi, ông đã trở thành một nhà văn được nhiều người yêu mến và trong giới sáng tác mọi người cũng bắt đầu nhìn ông bằng con mắt khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3