Nguyễn Trãi - Quyển 1 - Oan Khuất - Chương 10
Chương 10
Chiến thắng và chiến thắng dồn dập.
Sau nhiều trận đánh giằng co với địch, hai bên đều ở thế đồng cân, đồng thế. Tinh thần quân sĩ chúng ta đã mỏi mệt, nhiều đêm Bình Định Đại vương trăn trở suy tư, bàn bạc trao đổi với ta tìm một hướng hoạt động mới. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì trước sau gì chúng ta sẽ bị thua. Bởi quân Minh đông quân, nhiều lương, còn chúng ta chỉ quẩn quanh vùng Lam Sơn, Lỗi Giang này, như vậy sớm muộn cũng sẽ bị chúng tập trung quân tiêu diệt. Không lẽ lại chạy lên núi Chí Linh lần thứ ba. Lam Sơn đã trở nên quá chật hẹp so với tầm hoạt động của nghĩa quân, dân cư lại thưa thớt, điều kiện cung cấp lương thực khó khăn và còn làm hạn chế việc phát triển binh lính. Cuối cùng ta và Đại vương quyết định triệu tập tất cả các võ tướng để tham kiến.
Đó là vào một ngày đầu mùa hè năm Giáp Thìn 1424, các tướng sau khi nghe Đại vương hỏi "Chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước?" đã thi nhau nói, ta cẩn thận ghi chép và phân tích thêm ý của mình cho Đại vương rõ. Dường như những ý kiến của các tướng không làm Đạì vương hài lòng, bản thân ta củng thấy chông chênh.
Khi ấy tướng Nguyễn Chích đứng lên xin nói.
Nguyễn Chích thua ta hai tuổi, người thôn Mạc, Đông Sơn. Ông vốn sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo khổ, có một tuổi thơ vất vả. Thế nhưng ông lại là một con người có ý chí kiên cường, quả cảm, tính toán công việc rất kỹ lưỡng. Đây là một tướng mà ta rất ngưỡng mộ. Trước khi đến với Bình Định Đại vương, Nguyễn Chích từng tổ chức một đạo quân lên đến hàng mấy ngàn người ở vùng đất Hoàng - Nghiêu để chống giặc Minh. Ông từng đánh nhiều trận làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía. Cuối năm 1420, Nguyễn Chích kéo quân về phò Bình Định Đại vương và được phong là Thiết đột Hữu vệ, Đồng Tổng đốc chủ quân, trực tiếp nắm một đạo quân quan trọng của Đại vương. Sau đó chẳng bao lâu ông được gia phong là Nhập nội Thiếu úy, một trong những chức võ quan cao nhất của Lm Sơn.
Nguyễn Chích đã trình bày kế sách của mình như sau.
Nghĩa quân Lam Sơn cần phải nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Phải chiếm dược một vùng rộng lớn để còn huy động được sức người, sức của cho cuộc kháng Minh được lâu dài. Và vùng mà Nguyên Chích đề nghị chính là Nghệ An. Theo Nguyễn Chích, Nghệ An là nơi xa lực lượng của quân Minh, chúng có rất ít quân trấn giữ vùng này cho nên nếu tiến đánh khả năng thắng lợi rất cao. Nơi đây đất hiểm, người đông, cần phải lấy đây làm chỗ dựa. Khi nghĩa quân chiếm được Nghệ An, lấy Trà Lân rồi, thì sẽ lấy nơi này làm bàn đạp tiến đánh tỏa rộng ra các vùng xung quanh. Và khi thời cơ thuận lợi thì tiến đánh cả vùng Đông Đô để dẹp yên thiên hạ. Bản thân Nguyễn Chích từng đến Nghệ An nhiều lần nên ông rất thông thạo địa hình và tin chắc rằng nếu nghĩa quân đánh là sẽ thắng.
Ý kiến của Nguyễn Chích ngắn gọn, nhưng táo bạo.
Các tướng Nguyễn Xí, Đinh Liệt... và các văn thần Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng nhiệt tình ủng hộ. Và ta, dĩ nhiên ta ủng hộ ý kiến của Nguyễn Chích.
Bình Định Đại vương rất hài lòng và chuẩn y kế hoạch này.
Đúng như tài nhìn tình hình của Nguyễn Chích, sau trận đánh chiếm đồn Đa Căng là việc đánh thành Trà Lân thuộc châu Trà Lân, phủ Nghệ An. Đây là thành trấn đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng nhất miền Nghệ An cho nên quân Minh xây dựng rất kiên cố. Khi nơi này bị bao vây, quân giặc các nơi không dám ứng cứu, chúng muốn dùng thương lượng để cứu nguy cho tướng Minh Cầm Bành. Đầu năm 1425, tướng Minh Sơn Thọ đã cho thả Lê Trăn là sứ giả của Bình Định Đại vương và xin giảng hòa, nhằm mục đích để giải vây cho thành Trà Lân. Ngoài ra hoạn quan Sơn Thọ còn loan tinBình Định Đại vương về việc Minh triều đã phong cho Đại vương làm Tri phủ Thanh Hóa. Tương kế tựu kế, Đại vương sai ta viết thư giả giảng hòa với quân Minh nhưng thực tế là vẫn siết chặt vòng vây. Cuối cùng sau hai tháng bị vây hãm, kiệt sức lực, tướng Minh Cầm Bành phải mở cửa thành xin đầu hàng. Đây là thắng lợi quan trọng mở đầu cho những thắng lợi liên tiếp về sau của quân ta. Và nó cũng chứng minh cho thấy việc hiến kế tiến về Nghệ An của tướng Nguyễn Chích là hoàn toàn đúng đắn. Cũng sau chiến thắng này của nghĩa quân Lam Sơn, hàng loạt nhóm đang nổi dậy chống Minh ở các vùng khác như Phan Liêu, Lò Văn Luật... đã lục tục kéo về quy thuận Đại vương. Đây cũng là một thắng lợi không nhỏ khác.
Sau chiến thắng Trà Lân, Đại vương hạ quyết tâm đánh chiếm thành Nghệ An, giải phóng toàn bộ vùng Nghệ An để lấy chỗ dừng chân, nuôi quân, như hiến kế của tướng Nguyễn Chích. Thật tội nghiệp cho Nội quan Minh triều Sơn Thọ, trước khi sang nước ta, hắn huyênh hoang là sẽ chiêu dụ được Bình Định vương Lê Lợi đầu hàng, nếu không thì xin chịu tội chết. Chính vì vậy. Sơn Thọ đã liên tục cho người đến gặp Đại vương để chiêu
dụ, hứa hẹn. Lợi dụng cơ hội, Đại vương giao cho ta giao thiệp với giặc để qua đó vừa kéo dài thời gian, vừa thăm dò tình hình, dò xét thực lực địch, cách bố quân của chúng ở thành Nghệ An... Cũng trong thời gian này, vua Minh triệu tướng Hoàng Phúc về để khiển trách nặng nề và phái Binh bộ Thượng thư Trần Hiệp sang làm Trấn thủ nước ta và trực tiếp phụ trách hai ty Bố chính, Án sát kiêm Tham tán quân vụ, Trần Trí vẫn giữ chức Tổng binh. Sau sự hà hơi tiếp sức này, bọn chúng đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào quân ta. Và ở các trận đánh Khả Lưu, Bồ Ai bọn chúng đã bị giáng cho những đòn thất bại nặng nề. Điều này càng làm bọn giặc trong thành Nghệ An khiếp sợ, chỉ biết đóng chặt cửa thành cố thủ chờ viện binh. Tranh thủ thời gian này, bên ngoài quân ta dã tiến đánh và giải phóng hàng loạt các vùng, phủ, huyện xung quanh Nghệ An. Đến tháng 2 năm 1425 hầu như toàn phủ Nghệ An đã được giải phóng, quân Minh chỉ còn chiếm giữ mỗi thành Nghệ An. Có cả một vùng rộng lớn trong tay, chúng ta đã cho xây dựng đồn binh lớn của mình tại vùng Đỗ Gia và Đại vương đã đến ở tại động Tiên Hoa. Từ đây quân ta củng cố lực lượng rồi tiến đánh phủ Diễn Châu, phủ Thanh Hóa thắng lợi và tiến đánh luôn các vùng Tân Bình, Thuận Hóa nằm ở phía Nam.
Tháng 7 năm 1425, Minh Nhân Tông chết và con là Chiêm Cơ lên nôi ngôi, tức là Minh Tuyên Tông, lấy niên hiệu là Tuyên Đức. Chúng vẫn đẩy mạnh chính sách xâm
chiếm và nô dịch nước ta, tuy nhiên lúc này giặc đã ở thế yếu. Chính vì vậy Bình Định Đại vương ra lệnh, một mặt vẫn vây hãm chặt thành Nghệ An, mặt khác đẩy mạnh tiến công giải phóng các vùng đất khác của địch. Thế quân ta đi như chẻ tre, bọn địch sợ hãi chỉ biết đóng chặt các thành. Tại thành Đông Quan, bọn địch ở đây cũng chỉ biết cố thủ chặt để chờ viện binh. Tháng 10 năm 1426, Phương Chính, Lý An giao thành Nghệ An cho Hoàng Phúc trấn giữ, nửa đêm đi thuyền vượt biển trốn về Đông Quan. Đại vương đã sáng suốt nhận định "Thế giặc ngày càng yếu, quân ta ngày càng mạnh, thời đã đến mà không hành động thì sợ bỏ mất cơ hội." Đại vương giao việc vây hãm thành Nghệ An cho các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Nguyễn Thận, Lê Văn Linh... thân chinh dẫn dại quân đuổi theo bọn Phương Chính đến tận Thanh Hóa, sau đó đóng quân tại Lỗi Giang, quyết định kế hoạch đánh chiếm Tây Đô.
Thành Đông Quan bắt đầu bị vây chặt.