Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới - Mẹ Người Bị Tù Oan
Mẹ Người Bị Tù Oan
Truyện ngắn Mỹ
Người phụ nữ 58 tuổi này mang cái tên mà các cậu bé, cô bé Mỹ thường đặt cho con chuột bạch nhỏ xíu nuôi chơi trong lồng sắt: Minnie. Kể ra thì cũng có gì đáng ngạc nhiên, vì Minnie không khác con chuột nhỏ bao nhiêu. Trong lồng, chuột miệt mài suốt ngày đạp bốn cái chân quay chiếc vòng không ngơi nghỉ. Trên tầng 40 tòa cao ốc số 56 đường Đông NewYork, Minnie cũng ngày ngày bò bốn chân cọ rửa, lau chùi sàn nhà từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Sau đó từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày lại tới cọ rửa, lau chùi sàn các hộp đêm trên đường số 42. Ngày lại ngày cứ vậy, không ngơi nghỉ…
Thẻ đoàn viên "Công đoàn Người Lao công" của Minnie ghi: Minnie Rolls. Da trắng, 58 tuổi. Ngụ tại khu Brooklyn. Thế thôi. Thẻ công đoàn không ghi, giấy căn cước cũng không ghi một sự kiện tày đình trong đời sống riêng của bà: năm 18 tuổi chẳng may rơi vào tay một gã du đãng dưới gầm một cây cầu nọ ở Brooklyn. Và từ cuộc đụng độ bất ưng này đã ra đời một chú bé. Minnie đặt tên con là Till để tưởng nhớ người ông nội gốc Áo. Rồi ngay từ đó bắt đầu cuộc đời lao công nhọc nhằn để nuôi thân và nuôi con. Trong 40 năm đằng đẵng, từ 18 đến 58 tuổi, bà đã lết hai gối trên không biết bao nhiêu cây số vuông sàn nhà, chỉ biết rằng hai đĩa xương bánh chè đều mòn vẹt, mười đầu ngón tay thành chai cứng như gỗ. Nhưng vẫn không dám nghỉ, mong sao thằng con không vì đói mà làm liều không bị nay tù mai tội như biết bao đứa cùng cảnh "con hoang". Tội nghiệp Minnie!
Mơ ước chỉ có thế mà cũng không thực hiện nổi: Till bị cảnh sát bắt giam. Người mẹ biết con mình không trộm cắp, không giết người. Bà chắc chắn biết điều bất hạnh đã xảy ra với con bà là ở chỗ nó vô phúc rơi vào một viên cảnh sát nhầm lẫn nó với một tên khác. Hoặc cố tình bắt tội nó để khỏi tốn công truy tìm một tên khác. Chỉ một mình người mẹ biết và tin như vậy. Bữa đó nhằm ngày tháng Chạp năm 1932, Till bảo mẹ:
- Mẹ ơi, xin mẹ tin con. Con làm than suốt ngày trong nhà mình, đâu có lai vãng tới tiệm bán đồ, đâu có biết ai bị giết hồi nào!
Minnie tin. Nên từ bữa đó càng ra sức quét rửa, lau chùi không ngơi nghỉ, vì Till để lại cho bà một cô vợ trẻ và thằng cháu nội mới sinh. Dần dà, một ý nghĩ cháy bỏng nảy ra trong đầu, phát triển thành nỗi ám ảnh day dứt đêm ngày: phải tìm ra hung thủ, giải thoát con khỏi chốn ngục tù oan uổng. Muốn vậy, phải có điều kiện đầu tiên: đôla, thật nhiều đôla. Từ nay không thể ngủ tới 3 tiếng mỗi đêm. Cũng không được ăn mỗi ngày hai bữa... Nhờ nhịn ăn, nhịn mặc tăng giờ lau chùi cọ rửa nên mỗi cuối tuần Minnie lại tới ngân hàng gửi được chín phần mười số tiền vừa lãnh. Nhân viên thu tiền chăm chú nhìn mặt bà già héo hon trước tuổi, nhìn những ngón tay cong queo, khô khốc run rẩy đếm từng tờ giấy bạc, từng đồng xu lẻ. Rồi anh nói vui: “Bà là người lao công giàu có nhất NewYork". Thực ra Minnie đâu có giàu tiền giàu bạc, mà chỉ giàu hi vọng. Hy vọng kiếm đủ 5.000 đôla để cứu con…
Till lãnh án tù chung thân, vào tù từ năm 1932. Đến nay đã 12 năm trôi qua. Minnie đã gom được 5.000 đôla. Bà xin nghỉ việc. Nói với các ông bà chủ đang thuê mướn mình: "Tôi nghỉ xả hơi ít bữa". Minnie về căn nhà ổ chuột của mình tại Brooklyn, ở lỳ trong đó. Một mình vò võ. Vì từ lâu rồi cô con dâu đã bỏ cuộc: cô quá trẻ, quá xinh nên không thể thăm nuôi mãi người tuy gọi là chồng nhưng đã bị kết án tù chung thân. Cũng trong thời gian này, ở cuối thành phố NewYork có một nữ phóng viên trẻ măng của tờ báo nhỏ nhưng đầy tham vọng nổi danh. Cô phóng viên trẻ đang nóng lòng thi thố tài năng. Phụ nữ làm phóng viên ở những năm đầu thập niên 40 đòi hỏi phải thật sôi nổi, cả gan và tài giỏi hơn bất cứ nghề nào khác. Năm 1944 này, nữ phóng viên Elisabeth Falsh mới hai mươi hai tuổi, nhưng đã có đủ những phẩm chất đó. Trong khi những đồng nghiệp nam giới có những đề tài viết về âm mưu chính trị, ngụp lặn trong các vụ ganster, bới móc công đoàn và giành độc quyền về đề tài chiến tranh; Elisabeth có quan niệm khác hẳn họ về nhiệm vụ viết báo. Cô cho rằng tờ báo phải giúp bạn đọc thấu hiểu cảnh ngộ người đồng loại, nhất là những người dân bình thường. Cuộc sống thường nhật của họ thiếu gì những điều vĩ đại, những chuyện khác thường, sao cứ đua nhau vung phí giấy mực tả những vụ li hôn quái đản, những cuộc truy hoan của tỷ phú, những đám cưới hỏi của cô con gái dầu mỏ?
Nghĩ vậy nên sáng nào cô cũng chăm chú đọc mục tin vặt của tất cả các tờ báo trong nước. Sáng 20 tháng Mười, cô đọc trên tờ Time của Chicago mấy dòng sau đây: “Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth quay số, đinh ninh sẽ nghe giọng một đàn ông tiếp chuyện. Nhưng từ đầu dây bên kia vọng tới tiếng nói nhỏ nhẹ run run:
- Minnie Rolls đây, cô muốn gì vậy?
Tội nghiệp Minnie, từ bữa thuê đăng mấy dòng trên báo, bà đã nhận cơ man cú điện thoại của đủ loại người: lưu manh có, lừa đảo có, thám tử có, mà những kẻ rỗi mồm, tọc mạch và nhân chứng giả cũng không ít. Nên mỗi bận nghe máy bà đều trả lời:
- Xin thứ lỗi, tôi không có nhiều thời giờ tiếp chuyện lâu, nếu ông (hoặc bà) có bằng chứng gì, xin vui lòng viết thư gửi cho ngài biện lý. Bằng chứng nào đáng giá nhất sẽ nhận được tiền thưởng. Minnie không còn cách nào khác. Bà chỉ đủ tiền trả bảy kỳ báo. Tuy có 5.000 đôla gửi ngân hàng, nhưng đó là món tiền bất khả xâm phạm. nếu qua một tuần chưa có kết quả, bà sẽ lại đi làm, dành dụm rồi thuê đăng mấy ngày nữa. Elisabeth khẩn khoản nài:
- Tôi là nhà báo, thưa bà, xin đừng bỏ máy.
- Cũng phải như mọi người thôi. Tôi không muốn mất thời giờ vì tính tò mò của người khác.
- Tôi muốn được gặp bà. Cách bà theo đuổi chẳng có tích sự gì hết, thật đấy. Đời thủa nhà ai lại truy tìm tên sát nhân bằng mấy dòng rao vặt trên báo, như thể rao tìm việc làm?
Minnie đáp rằng con người thường tử tế khi ta cho họ cơ hội và đôla. Bà tận dụng thói ham tiền của các nhân chứng chứ không ảo tưởng tên giết người sẽ hối lỗi. Elisabeth vẫn vật nài đòi gặp. Minnie thẳng thừng từ chối:
- Bữa con tôi bị kết án, báo chí các cô đều im re. Tât cả mọi người không một ai mở miệng. Một cảnh sát bị giết, thế là người ta tóm một thằng bé ngốc nghếch và bắt nó trả giá. Cô muốn biết thì tới hỏi cảnh sát, họ sẽ thuật lại cho mà nghe. Tôi kể sao bằng họ được! Vả lại tôi bận ngập đầu, phải nghe trả lời điện thoại không kịp thở nữa kia. Mỗi giờ ngồi nói như thế này, không đi làm là tôi mất đứt nửa đô. Cô thử tính mà coi, tôi phải bỏ ra mười hai năm quần quật không ăn không ngủ mới tích cóp được 5.000 đôla.
Minnie gác máy. Elisabeth quyết định nhập cuộc, coi đây là sự nghiệp cả cuộc đời mình. Ông chủ báo hỏi cô căn cứ vào đâu cô tin chắc “Mụ già điên" có lý, Elisabeth đáp:
- Vì bà ta tin chắc mình có lý…
Tại đồn cảnh sát, Elisabeth được biết vụ Till xảy ra như sau: Ngày 6 tháng Mười hai năm 1932, một cảnh sát vào cửa hàng nọ uống vại bia, đúng lúc hai tên cướp tấn công người thu ngân. Viên cảnh sát định can thiệp thì bị chúng giết chết rồi biến mất. Bà quản lý cửa hàng khai Till là một tên trong bọn. Till cãi: ngày đó anh ta chở than về nhà, vào đúng giờ đó, vì cô vợ đang chuyển dạ trong bệnh viện, mùa đông năm nay sẽ rất giá buốt, nhà lại có trẻ sơ sinh. Tối đó, có người đàn ông nhìn không rõ mặt tới gọi cửa, nói:
- Chúng đang truy đuổi, tôi van anh, hãy giấu tôi đi…
Sau đó, Till khai thêm: người kia cố tình chui xuống hầm nhà nấp một lát rồi đi không nói năng gì. Anh đã kể hết đầu đuôi với chòm xóm, với mẹ rồi với vợ. Nhưng cảnh sát cho rằng vợ Till đồng lõa với chồng. Bà quản lý cửa hàng khai: "Đúng nó, không sai”. Vậy là đủ để kết tội Till giết người. Chỉ riêng ông thẩm phán điều tra vụ việc coi đây là một sai lầm tư pháp, khốn nỗi ông bị chết đột tử trước khi kịp đòi xem xét lại bản án. Tiền thuê luật sư thì quá cao, vả lại các luật sư đều biết rõ: bào chữa cho kẻ đã giết nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ là chuyện chẳng ngon lành gì. Till không bị tử hình là do thiếu bằng chứng: bà quản lý cửa hàng không khẳng định chính tay anh ta đã nổ súng… Nắm được diễn biến vụ án, Elisabeth cùng với các đồng nghiệp bỏ ra nhiều tháng đi thu thập thêm lời khai của nhân chứng, tìm gặp từng người trong hội đồng bồi thẩm. Trong khi Minnie đều đặn quay về với chổi và giẻ lau nhà để lại tiếp tục đăng trên báo: "Giải thưởng 5.000 đôla sẽ được trao tặng cho ai giúp phát hiện hung thủ giết một cảnh sát ngày 6 tháng Mười hai năm 1932. Xin gọi điện thoại số 522-44-16, tiếp suốt ngày". Elisabeth tới hỏi bà con chòm xóm của mẹ con Minnie. Họ đều nói:
- Cả buổi chiều bữa đó, cậu ấy bốc than đem vào nhà. Sáng sau cậu ấy kể với bọn tôi là có người đàn ông lạ mặt tới nấp ít lâu trong nhà rồi bỏ đi. Elisabeth tới gặp bà quản lý cửa hàng… sau một hồi quanh co cuối cùng bà ta thú thực:
- Mấy chú cảnh sát dặn tôi nhận đúng cậu Till là một tên trong bọn. Thật tình mà nói, cậu ấy hơi hao hao giống, tuy có thấp nhỏ hơn… nhưng tôi nhìn đâu có còn tinh lắm…
Ngày 16 tháng Chín năm 1945, Ủy ban ân xá quyết định thả Till. Anh trở về căn nhà ổ chuột Brooklyn với khoản trợ cấp của chính quyền đền bù cho mười hai năm ngồi tù oan uổng. Trở về nhưng mất vợ, mất con, không biết làm một nghề gì kiếm sống, vì suốt mười hai năm đó anh chỉ được người ta dạy bảo có một điều duy nhất: "chờ".
Líu ríu bên con bước ra khỏi tòa án, mắt bà Minnie ướt đẫm, hai tay ghì chặt trước ngực một bọc nho nhỏ. Bà tới nhà cô phóng viên Elisabeth Falsh, hai tay nâng gói nhỏ đưa cô:
- 5.000 đôla của con đây, cầm lấy. Con rất xứng đáng được nhận món tiền thưởng này của mẹ.
Elisabeth khăng khăng từ chối. Giằng co mãi, bà Minnie mới thuận giữ lại cho mình kết quả của mười lăm tiếng quần quật mỗi ngày trong mười hai năm ròng rã. Bài báo của Elisabeth được đăng trên trang nhất với tựa đề: 65.699 giờ cọ rửa để chùi sạch vết nhơ oan ức trên người đứa con.