Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới - Người Tình Của Kenedy Thú Nhận
Người Tình Của Kenedy Thú Nhận
Truyện Mỹ.
Năm 1960 Judith Campbell 25 tuổi là một trong những người tình đông đảo của J.F. Kennedy. Trong hai năm sau đó, Judith vừa là người tình vừa là đại sứ của tổng thống Mỹ bên cạnh Sam Giancana bố già Mafia Chicago nhằm thực hiện âm mưu của JFK ám sát chủ tịch Fidel Castro. Năm 1975 Judith đã khai trước uỷ ban Thượng viện về liên hệ giữa chính quyền và mafia. Năm 1977 viết hồi ký nhưng chỉ dám kể lại một phần câu chuyện vì lo sợ bị trả thù. Mới đây, trước cái chết cận kề vì bệnh ung thư giai đoạn cuối, Judith Campbell Exner bộc lộ toàn bộ sự thật...
Ngày 7 tháng Ba 1960, trong căn phòng đại khách sạn Plaza ở New York, một cô gái trẻ hết đứng lại ngồi không yên, vừa sung sướng hồi hộp vừa hoảng sợ: cô có hẹn với người tình, một người đã có vợ và hơn nữa, là một chính khách cỡ bự. Đây là lần đầu tiên hai người hẹn gặp trong khách sạn. Cô ngồi xuống mép giường. Lát sau, cửa phòng nhẹ nhẹ mở. Vừa trông thấy người đàn ông tươi cười bước vào, cô gái càng nhận rõ mình đang đặt chân vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và đầy ngang trái. Người đàn ông tỏ ý thông cảm, thăm hỏi cô gái rất ân cần, rồi giả bộ ra về. Cô vội chạy theo nắm áo, ngước mắt van nài: "Jack!". Sau này cô thú nhận: "Tôi không sao cưỡng nổi sức quyến rũ của Kenedy". Cuộc truy hoan bữa đó trong khách sạn Plaza sẽ không phải là một cuộc tình thoáng qua, nó nhanh chóng biến thành thiên tình sử kéo dài hai năm rưỡi. Judith không biết mình chỉ là một trong vô số nhân tình của vị tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. "Nếu biết ông ta còn dắt nhiều phụ nữ khác vào Nhà Trắng, tôi đã cắt đứt rồi". Hai năm sau, bài viết của nhà báo đầy thế lực Walterr Winchenll trên tờ "Người quan sát Los Angeles" đã chính thức đưa Judith bước vào lịch sử nước Mỹ. Ông viết: "Nàng Judith Campbell của Palm Springs và Beverly Hills đang là đề tài chính trong các câu chuyện ngồi lê đôi mách của giới chính khách". Đây là lần đầu tiên tên tuổi của Judith Campbell được nêu trên mặt báo.
Qua bức thông điệp này, phải chăng nhà bình luận thời sự có ảnh hưởng lớn nhất nước nhờ các bài viết về giới thượng lưu dã muốn cảnh tỉnh, hoặc đe doạ vị tổng thống trẻ người non dạ và liều lĩnh? Tuy nhiên, nhà báo danh tiếng này dù đã được đích thân J. Edgar Hoover giám đốc FBI cung cấp tin tối mật đó cũng không biết được gì hơn. Vì không một công dân hay quan chức nào được phép làm hoen ố ảo ảnh đẹp đẽ của cuộc tình duyên đầy thơ mộng giữa Kenedy và Jackie trong đầu óc người Mỹ hồi ấy.
Sau đó, suốt mười ba năm liền, công chúng Mỹ không nghe thấy nói tới Judith Campbell nữa. Cho tới năm 1975, khi Quốc hội quyết định thành lập uỷ ban đặc biệt của Thượng viện chịu trách nhiện làm rõ mối liên hệ giữa chính quyền liên bang với mafia, mọi người mới lại thấy Judith Campbell xuất hiện. Cô đã lấy chồng, đổi tên thành Judith Exner. Một thiếu phụ tóc nâu xinh đẹp tuy đã trạc tứ tuần nhưng vẫn còn bốc lửa, có đôi mắt sắc như dao. Cô được mời lên đứng ở bục nhân chứng và được giới thiệt là một "bạn gái" của cố tổng thống Kennedy, là một người tự nguyện hoạt động cho ông ta trong chiến dịch vận động bầu cử. Theo một vài nguồn tin, hồi đầu thập niên 60, Judith là đầu mối liên lạc giữa anh em Kennedy với Sam Giancana bố già mafia Chicago và Johny Roselli bố già Las Vegas. Những tin đồn đại này đã phá vỡ một mảng lớn trong huyền thoại về gia đình Kennedy. Nhưng báo chí Mỹ có lẽ không muốn chuyện này đổ bể vì "xấu chàng, hổ ai" nên trong suốt mười năm liền, họ hùa theo tờ "Bưu điện Washington" thi nhau bêu xấu Judith, gọi cô ta bằng đủ thứ tên nhục mạ: nhân tình mafia, gái bao của Giancana và Roselli, gái giang hồ ưa lượn lờ trong bóng đêm Hollywood, gái gọi ngốc nghếch...
Năm 1977, Judith viết cuốn tự thuật kể lể những cuộc hẹn hò với Tổng thống, nhưng không dám nói hết sự thật vì các giới thân cận mafia đe doạ nếu nói toạc mọi chuyện, sẽ có đổ máu, kể cả máu của chính Judith. Chúng không nói suông: kể từ sau khi Judith cắt đứt với Kennedy, hàng ngũ những người trong cuộc đã thưa thớt dần: hai anh em Jack và Bobby lần lượt ngã gục dưới làn đạn những tên sát thủ, cô Mary Meyer một người tình khác của Kennedy bị ám sát trên bờ sông Potomac năm 1964, Marilyn Monroe chết ngay trong đêm Bobby Kennedy tới nhà, năm 1975 Sam Giancana bảo kê của Judith mặc dầu được FBI che chở nhưng vẫn bị bắn hạ ngay trong bếp, chưa kịp khai báo lời nào với uỷ ban Thượng viện; một năm sau đến lượt Johny Roselli bị đúc trong khối bê tông ở Miami, cảnh sát phải đào bới mãi mới lôi được xác ra. Trong những năm khủng khiếp đó, Exner luôn giấu dưới gối một khẩu súng nòng lên đặt sẵn. Giờ đây, cô biết mình sẽ không chết vì bọn đâm thuê chém mướn, mà vì bệnh ung thư đã di căn vào xương và phổi. Cô quyết định tính sổ với lịch sử.
Cuối tháng Mười hai 1996 vừa rồi, cô tiết lộ toàn bộ các bí mật của đời mình với Liz Smith nữ phóng viên tờ Vanity Fair và Barbara Walters của đài truyền hình. Tự thuật của Judith được đăng tải trên 70 tờ báo ngày trong cả nước, cô xuất hiện trên kênh truyền hình ABC.
Judith nói: "Đôi khi có những người đổ tội cho tôi làm hỏng sự nghiệp của Tổng thống Kennedy. Thật oan uổng tôi quá. Sở dĩ tôi tiếp xúc với Giancana và Roselli là do Kennedy khẩn thiết yêu cầu tôi làm việc đó. Hồi ấy tôi mới 26 tuổi và đang yêu say đắm. Tôi làm sao hiểu rõ mọi chuyện bằng ông Tổng thống Hoa Kỳ? Ông ta thấy tôi xuất hiện đúng lúc ông ta cần. Đúng lúc ông cho ta giao nhiệm vụ ám sát Fidel Castro cho mafia tốt hơn giao cho CIA. Ồng có biệt tài hiểu rõ người xung quanh, biết rõ nên tin ai và đã sử dụng tôi".
Câu chuyện khởi đầu năm 1960. Cô gái Cali 25 tuổi thuộc tầng lớp trung lưu, theo đạo Thiên chúa, sau khi thất bại cuộc hôn nhân với một diễn viên vô danh, đã theo ca sĩ Frank Sinatra tới Las Vegas chung sống với nhau một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu sau, Judith đã mê anh chàng dáng vẻ hấp dẫn, khéo kể chuyện về đạo, về đời, về các ngóc ngách của Hollywood, thường xuyên gọi điện tới nhà hỏi mẹ cô ta xem Judith đi đâu vắng...
Tháng Tư năm đó, nhân dịp Jackie đi khỏi Washington, JFK tranh thủ mời Judith tới ăn tối tại biệt thự của ông ở Georgetown cùng với nhà "chính khách hậu trường" Bill Thompson. Tiệc tan, JFK nhờ cô mang tới Chicago đưa cho Sam Giancana một xắc đầy giấy bạc. Tới Ilinois, Judith mới hay Sam chính là một doanh nhân đáng ngờ cô đã gặp tháng trước trong bữa dạ tiệc do ca sĩ Frank Sinatra thiết đãi ở Miami. Tháng Mười một 1960, trúng cử Tổng thống. Cương vị mới khiến cho cuộc tình giữa ông ta với Judith càng thêm rắc rối. JFK mời người tình tới dự lễ tuyên thệ nhập chức ở Itoie nhưng cô từ chối. Sau đó, nhiều lần ông ta nhờ cô tận tay chuyển thư của ông cho Sam Giancana về chuyện ám sát Fidel Castro, rồi yêu cầu cô tổ chức một cuộc gặp Sam. Tổng thống và trùm mafia bí mật gặp nhau trong một phòng khách sạn Chicago, trong khi Exner ngồi chờ trong phòng tắm.
Mỗi lần tiếp xúc về công chuyện, Judith đều được Sam khoản đãi hậu hĩ và dần dà, vị "nữ sứ giả" thấy ưa Sam, con người rất mực hào phóng, có thế lực, có quyền uy lớn. Ngược lai, tên trùm mafia cũng không ngại làm Tổng thống nổi cơn ghen. Quả nhiên JFK luôn nhắc nhở Judith "Đừng mất quá nhiều thì giờ với Giancana và cả với Sinatra cũng vậy". Ông ta còn luôn gọi điện tra hỏi cô đi đâu, với ai... Nhiều lần yêu cầu cô dọn về Washington "Ở đây, anh mới che chở em được!” Judith than phiền cô bắt đầu bị FBI quấy rối, họ đập cửa gọi bất cứ ngày đêm, tự tiện vào khám nhà không có giấy phép, một bữa còn định bắt cô ngay tại bãi xe. Còn Giancana luôn mồm tự đề cao trước mặt cô: “Không có anh giúp một tay, anh bạn Kennedy của em đừng hòng trúng cử. Anh em Kennedy không tốt với em đâu. Chúng huỷ hoại đời em". Tuy nhiên tên trùm mafia Chicago không lần nào đả động tới sự móc ngoặc giữa chúng với CIA và âm mưu sát hại Castro.
Tháng Giêng năm 1963, Exner quyết định chấm dứt với Kennedy. Hai người đã cãi nhau kịch liệt vì cô khăng khăng không dọn về Wasington. JFK chưa dứt nổi, vẫn muốn gặp người tình nên yêu cầu cô về dự một số dạ tiệc trong Nhà Trắng. Nhưng Judith buồn bực vì sự hiện diện của Jackie, ngày càng chán chường tình cảnh "người tình bóng tối". Cô nói với phóng viên tờ Vanity Fair "Tôi hết chịu nổi. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày cuộc tình càng gây đau nhiều hơn. Thêm vào đó, FBI mỗi ngày càng làm tôi phát điên nặng hơn. Phải chấm dứt thôi. Jack bảo tôi tới gặp để bàn cách cứu vãn mối quan hệ. Ông ta bảo tôi: "Ta vẫn có thể tiếp tục như thường". Cuối tháng Mười hai 1962, tôi trở lại Nhà Trắng gặp Jack lần cuối cùng, tôi bảo Jack "Thế là hết, em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa". Đây cũng là lần cuối cùng hai người làm tình với nhau. Tôi vẫn còn yêu Jack say đắm. Rời Washington, tôi về New York rồi về Chicago. Không biết có phải Chúa muốn trừng phạt tôi hay sao ấy, về tới đây tôi mới hay mình có mang. Tôi hoảng hồn. Trong thời gian mê Kennedy, tôi không hề biết đến một người đàn ông nào khác. Tôi gọi điện “Jack! Đièu tồi tệ nhất đã xảy ra: em có bầu!". Trong máy, im lặng rát lân. Mãi mới nghe tiếng đap: “Em sẽ làm thế nào bây giờ?" Chừng như biết mình lỡ lời, Jack chữa: "Xin lỗi, chúng ta làm thế nào bây giờ? Em có muốn giữ lại cái thai này không?" Tôi oà khóc: "Jack, anh thừa biết em không thể giữ đúa con này. FBI nó bám theo chúng mình không một lúc nào ngơi. Suốt từ bữa gõ cửa nhà em lần đầu năm 1960 tới giờ, nó đâu có buông tha em một phút nào!". Giọng Jack lúc này rất dịu dàng: "Em có thể giữ con lại, không sao. Anh bảo đảm cho. Ta có thể tính đến sự lựa chọn này. Và sẽ thu xếp ổn thoả". Nghe vậy, tôi đáp: “Không xong đâu. Với cương vị hiện tại của anh, chúng mình khó lòng rút chân ra khỏi vụ này". Jack dặn tôi: "Anh sẽ gọi lại cho em sau". Ngay trong bữa dó, Jack gọi điện tới, hai người lại trao đổi cách giải quyết. Tôi đã mang thai hai tháng, càn xử trí gấp. Nhưng ở Mỹ, phá thai là phạm pháp. Cuối cùng Jack bảo: "Em thấy liệu Sam có giúp chúng mình được không? Em thử bàn với anh ta xem. Em thấy có trở ngại gì không?" Tôi rất ngạc nhiên trước đề nghị đó, nhưng trả lời Jack rằng tôi sẽ hỏi Sam. Tôi gọi điện cho Sam, rủ đi ăn tối và cho anh ta biết tôi đang cần gì. Sam giật bắn người, hét to: "Thằng quỷ tha ma bắt Kennedy, thẳng quỷ tha ma bắt".
Sam Giancana tích cực thu xếp mọi bề để đưa Exner vào phá thai trong bệnh viện Grand Hospital. Hiện giờ cô vẫn còn giữ các hoá đơn viện phí, tên họ những người đã thực hiện thủ thật nạo thai cho cô hồi đó. Ngày 28 tháng Giêng năm 1963 Giancana tới đón cô xuất viện. Ngay sau đó, Kennedy gọi điện tới, nài nỉ cô về Washington. Lúc này Judith vừa cảm thấy bơ vơ, bị bỏ rơi, vừa sợ: sợ FBI, sợ CIA, sợ cả Sam Giancana và mafia nữa. Cô thú nhận thết với Kennedy và nhận lời sẽ tới gặp. Nhưng số phận trớ trêu thế nào không hiểu, tự nhiên cô quên phứt địa điểm hai người đã gặp nhau lần trước.
Sau này, khoảng giữa cuối những năm 60 Judith còn gặp lại Sam Giancana một lần, khi hắn từ bữa ăn tối với ca sĩ Frank Sinatra trong khách sạn ở Palm Springs bước ra. Sinatra không để ý tới Judith. Tên trùm mafia tuy trông thấy cô nhưng làm lơ giả bộ không quen, Có thể đó là cách hắn chở che cho cô chăng?
Nhà báo Liz Smith trong khi đi xác minh câu chuyện cua Judith Campbell Exner đã tìm thấy hoá đơn điện thoại của Nhà Trắng trong mười ngàn ngày trị vì của Kennedy và phát hiện Judith đã gọi 80 cuộc cho thư ký riêng của John Kennedy, nhiều cuộc gọi từ đây gọi cho cô, và nhiều cuộc gọi từ máy riêng của Kennedy trực tiếp gọi Judith Campbell Exner. Cô gái tóc nâu Judith Campbell đã đi vào lịch sử nước Mỹ như vậy, tuy cho tới nay người ta vẫn chưa khẳng định cô chỉ là một người tình cuồng nhiệt và dại khờ, hay một nạn nhân vô tội của những thế lực đầy quyền uy đã lợi dụng cô nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối? Dù thế nào đi nữa, điều không may chính là ở chỗ cô hiện diện đúng nơi và đúng thời điểm mà mafia, CIA và Tổng thống Hoa Kỳ đều đang cần móc ngoặc với nhau.