Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 19 - Mùng 8 tháng 3
Tường Văn vẽ màu hai bức chân dung cùng lúc. Đây là lần đầu cô vẽ hai tranh màu song song. Được hai tuần lại đến mùng 8 tháng 3. Những dịp đặc biệt và ngày lễ dường như nhiều, tháng nào cũng có dịp để tụ tập, ca nhạc, tặng quà.
Dịp này như mọi dịp khác là con trai tặng quà con gái hoặc con gái tặng nhau. Qùa tặng đơn giản, học sinh thường chọn quà lưu niệm nhỏ, phổ biến nhất là bưu thiếp ghi lời chúc.
Sáng đến lớp cô thấy trong ngăn bàn có ba tấm thiệp để sẵn. Tấm đầu tiên của Nguyên. Nhìn dòng chữ cố gắng nắn nót, mắt cô hơi nhòe đi. Lời cậu nói với Tường Vi bỗng chốc lại vang trong đầu. Cô nhớ âm giọng nóng vội cậu dành để nói về mình. Cô thích cậu như vậy nhưng trong mắt cậu cô chẳng có sức nặng gì.
Tấm thiệp hình cô gái ôm bó hoa hồng với lời lẽ ngọt ngào này, cậu vẽ thêm trái tim này làm gì! Cậu không biết con gái hay để ý mấy dấu hiệu nho nhỏ rồi tự diễn biến à? Cậu thích Tường Vi mà, mọi thứ nên rõ ràng. Thích một người rồi đừng mang lời lẽ ngọt ngào, mang sự dịu dàng san sẻ sang người khác. Đừng để người khác vì lời nói, vì ánh mắt quan tâm trao đi trong vô tình mà ảo tưởng rồi ngã gục.
Có thể vì Tường Vi mà cậu quan tâm tới cô hơn người khác. Trái tim cậu chọn Tường Vi không có lỗi, còn cô thích cậu nhưng dự định là quên cậu. Sao cô trách cậu được. Song cô cần thời gian để ổn định trước khi trở về làm bạn bình thường.
‘Mình nên bắt đầu từ hôm nay’. Cô cầm tấm thiệp ném vào thùng rác.
Thiệp thứ hai của Vân, in hình hoa thủy tiên, lời chúc đơn giản: “Mùng 8/3 vui vẻ. Yours, Vân” Tấm thứ ba của Minh in hình thành phố chúc tương tự.
Buổi chiều Nguyên đến nhà cô vì chị Vi mới ốm, sáng không lên trường. Cậu mang quà cho chị, một hộp to mà cô nghĩ là thú bông. Có lẽ cậu định tặng riêng nhưng tình huống không may làm cậu đành đưa quà khi có mặt cô.
Thanh Thu nói mấy người thích nhau hay tặng gấu bông hoặc thú bông cho nhau. Bạn nào trong ký túc mà trên giường có thú nhồi bông thì 80% là hoa có chủ.
Dịp này năm ngoái, Nguyên tặng cô hoa hồng, không phải hồng đỏ. Cô nâng niu đến mức hoa héo vẫn ép khô cất giữ. Còn chị Vi, cậu tặng một bông hồng thủy tinh.
Cô không nhận ra sự khác nhau mà giờ cô nghĩ là nhiều người sẽ thấy.
Cô vốn quá trân trọng bông hồng kia nên giữa nó và bông hồng thủy tinh mới không thấy sự khác biệt. Bông hồng thật giản dị hay hồng thủy tinh được tạo nên khéo léo từ tay nghệ nhân đều đẹp, đều đáng được nâng niu.
Với cô là vậy, nhưng với Nguyên, không biết khi chọn hai món quà cậu có so sánh không. Có thể là không, đơn giản vì với cậu không ai so sánh được với Tường Vi.
Cô định để chị và cậu nói chuyện nhưng chị nhờ cô lấy nước, sai nọ sai kia làm cô không đi được.
Có thể chị không muốn ngồi một mình với Nguyên, cô đành thản nhiên ngồi lại, hoa quả tay mình gọt xong mình ăn. Từ hôm ở văn phòng Đoàn, cô không gặp cậu. Nhìn thấy cậu từ xa cô tránh đi.
Nguyên vui vẻ nói chuyện, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn Tường Vi. Đây không phải lần đầu cô ở cạnh hai người, trước Nguyên đối với chị cũng trìu mến. Đến khi hiểu và xâu chuỗi nhiều sự kiện trong quá khứ hóa ra mọi thứ rất rõ ràng. Lạ là cô không ghen, chỉ buồn.
Nguyên sắp về, chưa kịp mừng Yên lại đến đúng lúc đó. Cả bốn ngồi ở bàn uống nước, đột nhiên không ai nói gì làm không khí kỳ quặc. Tường Vi bảo hai chị em chuẩn bị nấu chè bột lọc thịt quay. Cô làm theo hướng dẫn của chị, lần đầu đảm đương hết công đoạn từ đầu tới cuối, không chắc nấu xong có ăn được không. Yên ban đầu giúp cô sau thành người làm chính, tranh thủ sai Nguyên được việc gì liền sai.
Cả bốn buôn chuyện rôm rả, nhìn qua hòa hợp vui vẻ. Cô dịu lại việc giận Nguyên nhưng trong thâm tâm nghĩ thế nào, bên ngoài sẽ thể hiện ra như thế. Không cần hành động to tát nhưng nét mặt ánh mắt đủ nói lên tất cả. Yên nhận ra sự thay đổi này. Trước kia ở cạnh Nguyên, cô tươi như hoa song bây giờ chỉ miệng cô cười, mắt không cười cũng không dừng lâu trên gương mặt Nguyên.
Và cậu đã biết Nguyên thích ai, biết đâu cô cũng biết.
Ăn chè xong cô dẫn cậu lên tầng ba với lý do có bài tập nhờ giảng. Cô đóng cửa phía trong, hai người dưới nhà nói chuyện không lo bị nghe thấy. Mở cửa sổ và cửa ra ban công, cô thả mình rơi xuống ghế sô pha, ôm gối cú mèo, bảo cậu cứ tự nhiên làm gì thì làm.
“Thế bài tập cần hỏi đâu?”
“Tớ nói vậy chứ không phải vậy.” Môn Toán cô có Yến giúp nên mọi sự suôn sẻ. Giờ ra chơi lớp học thêm, Yến chạy sang chỗ cô buôn chuyện hoặc cô sang lớp Yến. Cậu ấy gợi ý giúp cô mừng rơn, không thể nào từ chối.
Cậu lấy sổ xem ký họa mới, thấy hiệu suất làm việc của cô thật đáng nể. Ở lớp học toán không những hỏi được bài Yến mà còn vẽ được một đống trai đẹp.
Mấy thằng này cậu biết, học cùng trường cả. Có cả lớp F, H, S, A...và đa số ở nhóm tự nhiên. Cậu đoán cô chạy sang lớp Hóa buôn chuyện với Yến tiện thể tia luôn hội này. Có cả tranh vẽ cặp sinh đôi Minh Anh và Tú Anh.
Cô bảo Tú Anh là con trai mà mắt đẹp hơn con gái, mi dày này, dài này, như mắt nai. Đẹp không tưởng! Còn Minh Anh hiền, dịu dàng nữa. Cô giải thích là mình thích nét đẹp của những người ấy như nét đẹp của con người nói chung. Có thể tại cô quá lãng mạn nên đã nhìn con người như một kiệt tác của tạo hóa.
“Ôi giời! Mặt mũi, đầu tóc chúng nó điêu dân bỏ xừ, kiệt tác gì. Cậu quan sát kỹ nhỉ, còn phân biệt được hai anh em nhà ấy.”
“Trong sổ có tranh vẽ bạn nữ, sao cậu không ngắm.”
Cậu chả muốn ngắm. Cô vẽ Yến nhiều nhất. Cậu học cùng Yến từ lớp 5, ngày nào chẳng chí chóe. Cậu thấy cô rõ là ai cũng thích được. “Tối cậu có lên trường không? Nay chị Vi ốm ai dẫn chương trình?”
“Chị ấy nhờ một chị bạn. Tối tớ đi cùng chị.”
“Vậy tớ lên trường tìm cậu nhé.”
“Ừ, cậu tới khu sau sân khấu nhé.”
Qua phần phát biểu ngắn gọn của thầy hiệu trưởng, chương trình ca nhạc bắt đầu. Tường Vi bảo tổ chức đơn giản ngắn gọn, có đội văn nghệ của trường và một số lớp tham gia. Thông thường hai dịp 20/11 và 26/3 Đoàn trường tổ chức hoành tráng hơn. Ngày của thầy cô hoạt động thiên về truyền thống, còn thành lập Đoàn là dịp học trò quậy tung nóc trường, nội dung tiết mục ít giới hạn.
Anh Đại đề nghị đến đón các em ở trường khiếm thị tới chơi. Trường ấy gần, cách chừng 2 – 3 km. Trời se se lạnh không mưa nên cho các em đi chơi cũng tiện. Đại đi đón rồi quay lại với khoảng chục em, sắp xếp chỗ ngồi cho các em dưới khán đài và dẫn một em tới sau sân khấu.
Em dáng người bé nhỏ, da trắng, giọng trầm ấm. Đêm lạnh nhưng em chỉ mặc áo gió ngoài áo phông, càng lộ vẻ thanh mảnh. Nhìn mắt em không dễ nhận ra ngay em là người khiếm thị vì mắt trong trẻo, em lại luôn nở nụ cười trên môi. Quan sát kỹ mới nhận ra sự rụt rè thoảng qua khuôn mặt ấy.
Em là học sinh mà Dương trong đội tuyển văn dạy kèm, muốn vào ký túc xá tìm Dương. Đại hỏi ai biết Dương ở phòng nào thì dẫn em sang ký túc.
Chỉ học sinh đeo thẻ của trường mới ra vào ký túc được, người ngoài cần đăng ký , xác minh ở phòng quản lý.
Tường Văn nhận lời, cô biết Dương ở nhà K1 chứ không biết số phòng. Tuy thế, đến hỏi phòng Thanh Thu chắc sẽ tìm ra. Cô hi vọng Thu hoặc Dương đừng chạy đi chơi ở đâu.
Vừa đi vừa nói chuyện cô biết em học lớp 7, tức là kém cô một tuổi. Ban đầu nhìn em be bé cô nghĩ em học lớp 5 hay 6. Cô nắm tay em dắt đi. Lên cầu thang nhà K1, em cười nho nhỏ, “tay chị lạnh thật!”
“Chị xin lỗi, tay chị tối hay bị lạnh lắm.” Cô thành thật, thấy có lỗi vì làm tay em bị lạnh theo.
Em cười hiền lắc đầu. “Không sao. Giọng nói của chị dễ nghe lắm.”
Được một bé khen nhưng vì là bé trai nên cô đỏ mặt. Cô nắm tay em chặt hơn vì tay em tự nhiên toát mồ hôi.
Phòng Thu đóng cửa im ỉm, bên trong sáng đèn nhưng yên tĩnh hơn những phòng khác đang mở cửa liên hoan ra vào ầm ĩ. Hoá ra có việc mờ ám. Cả phòng túm tụm cạnh hai chảo điện, nhào bột, rán bánh mặn và bánh ngọt, vừa rán vừa ăn. Trên bàn có đồ ngọt, hoa quả liên hoan và mấy bình cắm hoa được tặng.
Dương ngồi bên bàn gấp ở đuôi giường Thu, ôm từ điển dày sụ, tra từ dịch một bài thơ tiếng Anh. Dịch thơ tất nhiên khó, không phải cứ giỏi ngoại ngữ là dịch được. Chí ít phải là một người biết làm thơ mới dịch thơ từ ngôn ngữ này thành thơ ngôn ngữ kia. Thu tuy giỏi văn nhưng luôn ấm ức rằng cả đời không viết nổi một câu thơ.
Trong phòng còn bốn bạn nam, cô nhận ra một người là Tùng 8T. Thu bảo nửa số thành viên trong phòng đi nghe nhạc hoặc đi chơi, còn lại rủ nhau liên hoan cùng phòng 512. Ra Dương và Tùng cùng phòng. Câu chuyện 8/3 là buôn dưa chém gió.
Dương: Trước khi đi Tùng đứng cả tiếng trước gương.
Tùng: Vì trước còn vướng một người. Nói được Tùng nhẹ hết cả người.
Thu: Nói thì phải nói chính xác, không được mập mờ.
Chị Nga về phòng, Tùng quay ra, “tặng Nga bông hồng đẹp nhất.”
“Không đùa”
“Đùa cái gì. Cầm lấy.”
Thu bật cười xen vào, “sao nãy bảo tặng Thủy?”
“Bảo bao giờ? Nga lúc nào lên phòng Tùng chơi nhé.”
“Có cái gì ăn không?”
“Câu hỏi ấn tượng nhất. Nhìn thế này thôi chứ mình ít bạn bè mấy ai hiểu được. Tất cả là tại mình hết, tại mình hết. Tất cả là tại tôi (vừa nói vừa cười). Đây là câu nói Tùng nghe trong một lần đến nhà thờ nghe giảng đạo đấy.”
Di Li ào vào phòng, Tùng hỏi “hoa hồng đâu?”
“Hoa hoét cái gì. Đi chơi một tí mà buồn ngủ chết được nên về luôn. Hôm nay, lúc đi chơi cả nhóm Quang lớp mình kêu éc éc. Không ngờ con trai kêu như con chim lợn.” Nói đoạn nàng chạy ra sân sau luôn.
Cô ở phòng Thu vẻn vẹn mươi phút rồi đưa em quay lại trường, Dương đi cùng, Thu đang cảm không muốn ra ngoài.
Hội trường lúc này đông nghẹt, nhiều người không có chỗ ngồi đứng quanh cửa và kê ghế đứng cuối phòng. Dương len lỏi dẫn đường cô và em mới chen được vào sau sân khấu.
Dương nói chị dẫn chương trình thêm tiết mục của em vào. Lúc đưa tay em cho chị MC dẫn ra sân khấu, em nói sẽ hát một bài hát về tình bạn. Đó là bài khá nổi tiếng nhưng cô vốn không ấn tượng và không thích.
Tuy vậy, em cất tiếng hát cô bất ngờ vô cùng, không thể nói là hay mà là xúc động, cô không rõ mình khóc từ bao giờ. Nhiều người dưới khán đài và anh chị trong Đoàn trường cùng nhóm tình nguyện đều khóc. Làm gì có sự công bằng cho những đứa trẻ đáng yêu này, ánh sáng là thứ cô nâng niu mà các em bị lấy mất đi ánh sáng. Mọi người ào lên tặng hoa cho em. Cô nhận ra một người, là Yên. Cậu đi ra từ chỗ gần cánh gà nhưng nãy giờ cô không thấy cậu.
Em không ôm hết được hoa, anh dẫn chương trình ôm giúp. Sau này, đó vẫn không phải bài hát cô thích nhưng nếu ai hát bài hát đó, cô đều chú ý lắng nghe. Sự xúc động mạnh mẽ như khi nghe em hát thì không bao giờ có nữa. Người em mà cô không nhớ tên sau nhiều năm, cũng không bao giờ còn gặp lại nhưng với cô bài hát của em là hay nhất, hay hơn tất cả các bản thu âm và live của ca sĩ mà cô từng nghe.
Chương trình gần đến hồi kết anh Đại thu xếp đưa các em về. Đến phần biểu diễn của ban nhạc rock mà cô thích nên muốn xuống khán đài xem, tiện thể hò hét. Một bàn tay kéo mũ áo khoác của cô lại làm cô suýt ngả vào người hắn.
“Đi lối này,” Yên dẫn cô ngược lên gần sân khấu. Phía trên thầy cô ngồi, học sinh không dám tụ tập đông như cuối phòng nên hàng rào mỏng, hai người tìm được chỗ xem phía giữa khán phòng.
Ban nhạc rock biểu diễn nhiệt tình, đặc biệt là ca sĩ hát chính, gào thét xong hai bài của Bon Jovi đến một bài tiếng Việt. Cô ở nhà không mấy khi nghe nhạc nhưng lần nào vào ký túc cũng thấy học sinh nghe mấy bài đang hot thành ra thuộc hết. Bị cuốn theo tiếng reo hò ầm ĩ, hết chương trình cô mới quay sang thấy Yên nhìn mình chăm chú, môi cười nhẹ. Giữa đám học sinh điên rồ hình ảnh thanh tĩnh của cậu gần như đối lập.
Cậu tóm ống tay áo dẫn cô ra phía ngoài trước khi bị đoàn người tan hội túa ra nuốt chửng. Cả hai không về sau sân khấu mà rẽ vào vườn hoa trước thư viện và nhà hành chính.
Vườn rộng, trung tâm thiết kế như mê cung nhỏ. Sương đêm xuống nhiều, trời có hạt mưa bụi ti ti khung cảnh trở nên huyền ảo, lác đác vài nhóm học sinh giải tán sau chương trình ca nhạc hoặc tan học từ thư viện.
Cậu đi trước, cô theo sau. Bóng cậu đổ dài trên lối đi lát đá, cô thấy hay hay liền dẫm chân bước lên cái bóng. Được một lúc cậu dừng lại đột ngột làm cô gần như nhào vào lưng cậu.
“Hôm nay rất vui,” cô tươi cười. “Mà tại sao cậu lại đi với tớ?”
“Như thế không được à?”
“Cậu còn tốt với tớ nữa, tại sao thế?”
“Sao cậu hỏi như thế?”
Rốt cuộc cả hai đều hỏi nhau mà không ai đưa ra câu trả lời.
Bình thường cậu không mấy khi lên trường nghe ca nhạc, lý do nhiều vô kể: nào là ngại đi, không ai đi cùng, chẳng có tiết mục nào muốn nghe, nhiều bài hát giai điệu đơn giản đến mức nhàm chán mà dân tình cứ nghe. Cậu quen nghe nhạc cổ điển thành ra không dễ tính với nhạc đại chúng. Cậu thà đi nghe mấy buổi thuyết trình về pháp luật hay quản lý chi tiêu tài chính, an toàn giao thông và phòng bệnh.
Sinh thời ông ngoại cậu luôn đau đáu về việc không có sách giáo khoa dạy nhập môn pháp luật cho học sinh. Chương trình phổ thông chỉ có sách giáo khoa đạo đức, pháp luật đến đại học mới học. Vì vậy ông đã thiết kế chèn các buổi nói chuyện ngoài giờ vào.
Từ lúc có khu nội trú cho học sinh ở xa lại phát hiện ra việc quản lý chi tiêu của học sinh thật là yếu kém. Thế là thêm một phần nội dung ngoại khóa nữa.
Ông còn dự định đưa âm nhạc vào chương trình, cho học sinh học tự chọn một loại nhạc cụ như piano, violin, guitar hay cello trong 7 năm học. Nhưng chưa thực hiện được ông đã qua đời.
Mà cậu nghĩ lan man rồi.
Thấy cô nắm tay một em trai không dời cậu hơi ghen, cô còn quan tâm, săn sóc em ấy như nâng trứng hứng hoa, trìu mến vô cùng. Với cậu thì đanh đá, nói một câu cãi một câu.
Dường như thích một người sẽ ghen với tất cả những người quanh người ấy. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng có khi nào đó, rất ngắn thôi ghen với Tường Vi, ghen với bố mẹ cô, với cả nhóm bạn cô, thậm chí là hội họa.
Tuy thích cô từ lâu nhưng chỉ cần nghĩ về cô là đủ, ở gần là quá đủ. Thích một người điều mong ước nhất đơn giản là được người ta thích lại. Mấy chuyện kỳ quái, gần gũi, hiện tại đương nhiên không có.
“Hồi trước tớ nghe chuyện của cậu và Châu Anh. Cậu bảo trong lòng có một người, cậu có định nói cho người ấy biết không?” Âm giọng không hẳn là một câu hỏi nên cậu không trả lời. Cậu đang nghĩ lãng mạn thì bị kéo xuống đất. Cô vẫn tiếp, “mẹ tớ bảo tình yêu tuổi học trò ít khi thành đôi. Những đôi là bạn của mẹ sau này đều tan hết. Thế nên thích một ai đó bây giờ nói ra để làm gì.”
Quyết định của Tường Vi khá rõ ràng dù cô không biết tình cảm thật ra sao. Nguyên ở cạnh chị ấy còn không rõ? Cậu ấy biết chẳng có kết quả mà vẫn nói. Người ta bảo không nói sợ hối hận, lời nói không đúng lúc, không cân nhắc kỹ lẽ nào không hối hận?
“Có thể người nào đó nghĩ người kia xứng đáng nên đã thổ lộ.”
“Nếu người ta xứng đáng thì hãy chờ đợi.”
“Chờ đợi và cố gắng.”
Cô mỉm cười rồi thở nhẹ ra, “còn tớ chỉ nên yêu một mình tớ, yêu hội họa. Sống cả đời với nó là đủ. Sau này đến tuổi lấy chồng thì lấy một ai đó, chẳng có cổ tích, chẳng có tình yêu đích thực nào hết.”
Thanh Thu cứ bận tâm về tình yêu đích thực và tìm kiếm. Cô ngược lại, cô không quan tâm, cũng không tìm kiếm.
“Cậu bi quan thế. Tình yêu như thế nào là do mình tạo nên,” cậu thường thấy cô tươi cười, hóa ra trong thâm tâm suy nghĩ tiêu cực. “Còn tớ…cũng không phải là người lạc quan.”
Cậu đưa cho cô một con lật đật bằng gỗ bảo là đồ chơi mới làm. Lần trước tới nhà cậu, cô thích con lật đật của cậu.
“Đây là bé trai à?”
“À, ừ. Tớ rút ngẫu nhiên trong túi áo ra.”
Nghĩa là còn một con nữa, cậu làm một đôi. Rút được cho cô bé trai thì cậu giữ lại một con là bé gái.
Cô hâm mộ cậu lắm. Cậu cái gì cũng thích và làm tốt. Nào là học toán, chơi violin, làm đàn, làm đồ chơi nữa. Chẳng biết còn gì mà cô chưa biết. Thấy tay cậu dính băng cá nhân ở đầu ngón, cô giật mình, không biết có phải do làm lật đật mà bị thương nhưng cậu lắc đầu, nói xước do mèo cào.
Đó là con mèo đen mắt xanh lá cây mà ngày nhỏ cô đuổi theo ở sân trường quê. Giờ nó già nhưng hay đi chơi nên cô đến nhà cậu chưa gặp. Cậu bảo khi nào nó về sẽ gọi cho cô. Cô cũng muốn gặp lại em mèo đen nhỏ xem khi lớn, à không, về già thay đổi ra sao.
Gặp lại cậu cô thấy như truyện cổ tích. Cậu là một người bạn thú vị. Ở cạnh nhiều lúc cãi nhau xong rất buồn nhưng đa số là vui vẻ. Cô tự hứa từ giờ sẽ trân trọng, không cư xử trẻ con thô lỗ với cậu để dẫn tới cãi nhau như trước nữa.