Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 21 - Lễ hội
Đã bước sang tuần học 11 học kỳ II. Lớp V điên cuồng hoàn thành bài tập lớn. Thời gian viết dài nhưng bận loay hoay chọn lựa đề bài, rồi tìm tài liệu, rồi đọc sách nọ kia…nộp đề cương xong vẫn mông lung. Phần viết nháp được cô giáo sửa mà lúc nộp bài hoàn chỉnh cả lớp căng thẳng không thôi. Ai nấy ca thán.
Tường Văn ban đầu cầu cứu Thư viện nhưng không tìm được sách tham khảo phù hợp. Giờ chẳng ai giúp được ngoài tự mình cứu mình.
Ban đầu cô chọn đại một đề bài về truyện ngắn của O.Henri, nghe rất cụ thể, đơn giản. Lúc viết lại khó quá, phần so sánh các tác phẩm cô thậm chí không nghĩ ra cái gì để viết. Cô giáo không ưng đề bài, bảo cô đã chọn những tác phẩm ít có tương đồng sẽ khó so sánh và tất nhiên là không có tài liệu tham khảo.
Nhưng vì là ý tưởng đầu tiên nên nó cứ luẩn quẩn trong đầu làm cô không viết sang cái khác được. Mấy lần định đổi lại không có cảm hứng. Cuối cùng cô đâm lao theo lao, lúc nào cũng suy nghĩ về đề bài, cả tuần mới tìm ra ý.
Những tác phẩm của cùng một nhà văn thì sao không có điểm tương đồng được? Nghe qua tên truyện và nội dung bên ngoài đúng là không tương đồng nhưng suy nghĩ sâu hơn sẽ thấy sợi dây xuyên suốt liên kết các tác phẩm này. Cô không đồng ý với cô giáo.
Nghĩ xong nội dung chính phần viết trôi chảy thoải mái. Lâu rồi cô không viết cái gì với nhiều cảm xúc, vừa say mê vừa lo lắng như thế.
Cô giáo chấm bài trong một tuần. Bài thu thứ 2 thì thứ 6 cô trả. Lớp 30 học sinh, viết ở nhà nên không hề ngắn. Bài của Tường Văn dài 20 trang. Học với cô giáo hai năm, cô nhận ra một điểm thú vị là cô lúc nào cũng hoàn thành việc rất nhanh. So với cô chủ nhiệm lớp 6 thì cô giáo lớp 6 dịu dàng hơn nhưng cứ ỉm bài kiểm tra lâu không trả, học sinh đứa nào cũng háo hức biết điểm mà chờ dài cổ.
Cô chủ nhiệm hiện tại thường trả bài ngay sau một hoặc hai ngày. Có khi cô trả cùng ngày luôn. Cô đến lớp luôn tươi tỉnh và giúp đỡ học trò làm Tường Văn chợt thắc mắc chẳng lẽ không có ngày nào cô buồn? Chắc không phải như vậy, sẽ có hôm nào đó cô mệt hoặc buồn nhưng khi làm việc, khi đứng trên bục giảng trước học trò cô che giấu điều đó đi.
Rồi cô so sánh cô giáo với mình, thấy mình mỗi khi có chuyện là mặt mày sầm sì như có thiên thạch chuẩn bị lao xuống trúng ngay trường học, khiến đám bạn lao vào hỏi han, vỗ về, an ủi, dỗ dành. Từ lúc phát hiện ra điều này, cô vui vẻ, cười nhiều hơn. Đôi khi trong lòng không vui nhưng cô không muốn tâm trạng tiêu cực của mình ảnh hưởng tới người khác. Nụ cười xóa đi cảm giác đề phòng và làm không khí nhẹ nhõm hơn.
Trả bài tập lớn, bài của Tường Văn bị phê bình ngay trước lớp, tuy cô giáo không nói cụ thể là bài của ai. Cô bảo so sánh khập khiễng, như đâm đầu vào một bức tường. Điểm không cao.
Cô giáo nhìn qua Tường Văn hơi mím môi lại, không rõ là tiếc nuối hay gì nữa làm cô chán nản và cả khó hiểu. Về nhà đọc lại bài cô vẫn không hiểu sao mình bị điểm thấp hơn mong đợi. Các ý cô trình bày rất rõ ràng, cô thấy hấp dẫn mà không hiểu sao cô giáo không đồng ý.
Chuyện bài tập lớn làm cô buồn đến nỗi tối không có hứng vẽ. Thứ sáu và hai ngày cuối tuần cô đi học thêm như thường, không lên trường xem 26 tháng 3. Cô còn mượn một đống tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn Mỹ ở thư viện về gặm điên cuồng một lượt.
Ở trường ít có kiểm tra trong kỳ học. Học sinh có thể có bài kiểm tra giữa kỳ hoặc bài tập lớn hoặc thuyết trình nhóm, tùy thầy cô và môn học. Cuối kỳ có một bài thi. Một số thầy cô thậm chí lấy điểm thi cuối kỳ làm điểm tổng kết môn.
Trong năm học tinh thần học sinh luôn thoải mái, học chơi chơi, cuối kỳ vắt chân lên cổ thức đêm ôn thi.
Sắp tới 26 tháng 3, Minh, Hà, và Thu bận ngập mặt. Nộp bài tập lớn xong đầu tuần là cả tuần lao vào họp nhóm chuẩn bị tiết mục văn nghệ và hoạt động bổ sung. Tiếng là cả lớp góp ý cùng làm nhưng chỉ có một nhóm nhiệt tình và cán sự lớp vẫn là người quyết định chính.
Kỷ niệm thành lập Đoàn, trường tổ chức vào hai ngày cuối tuần trước ngày 26 tháng 3. Tất cả các lớp tham gia một tiết mục văn nghệ bắt buộc, còn hoạt động như cắm trại, làm gian hàng trong khuôn viên trường, thi thể thao thì tùy chọn.
Bàn qua vài tiết mục, Minh kêu không sáng tạo, không thú vị, rốt cuộc chỉ có nhảy, múa với hát hò chả khác gì đợt 20 tháng 11 năm ngoái. Hà bảo văn nghệ trường chỉ thế chứ đòi hỏi cái gì.
Trường cấp II có 20 lớp (khối 6 – 7 chưa kết nạp Đoàn nên không tham gia), cấp III 33 lớp nên chương trình chính thức thời gian biểu diễn của mỗi lớp bị giới hạn trong 5 phút. Lớp nào thích thể hiện tiếp thì còn sân khấu tự do buổi tối đốt lửa trại.
“Vậy múa trích đoạn Dance of the cygnets trong Hồ Thiên nga đi,” Yên lên tiếng.
Cả bọn không biết vừa nghe cái gì, tất nhiên chúng có nghe tới Hồ thiên nga hay Swan Lake dù chưa xem bao giờ, vở đó nổi tiếng với văn hóa đại chúng quá rồi nhưng không hình dung ra trích đoạn Yên nói là đoạn nào. Vả lại, múa ba-lê không phải rất khó sao.
Yên giải thích đó là phần múa của bốn thiên nga nhỏ. Trích đoạn này ngắn, biểu diễn chừng 2 đến 3 phút. “Tớ nghĩ nên đổi thành năm người múa, Thu múa chính vai công chúa. Bốn thiên nga non…để bọn con trai múa.”
Hà vỗ tay, “được, Minh và thêm ba ông lớp mình mặc váy ba-lê ẻo lả miễn chê. Thu vào vai công chúa thướt tha miễn bàn.”
Tiết mục khiến cả trường cười nghiêng ngả. Yên thêm phần múa thiên nga mắc lỗi thành 4 phút biểu diễn. Phần nhạc được cậu biến tấu và ghi âm để phù hợp hơn với bài múa.
Thành công nữa là ở khuôn mặt ngây thơ của năm vũ công, càng nghiêm túc múa càng buồn cười. Mỗi pha ‘mắc lỗi’ hài hước vô cùng, tuy thế lại không làm lố mà vẫn rất chỉn chu, cổ điển.
Cuối cùng lớp cô đạt giải ba hội thi văn nghệ. Trước đó lớp chưa bao giờ được giải gì. Giải nhất dành cho một bài hát tự sáng tác của một anh lớp 12N. Lời bài hát là những nhớ nhung với trường lớp thầy cô, ca từ đẹp, nhạc điệu mượt mà và hình ảnh tác giả ngồi ôm đàn ghita cất tiếng hát làm siêu lòng cả trường.
Các lớp thích cắm trại để có chỗ tụ tập ăn cơm chung, đàn hát và ngồi nghỉ ngắm lửa trại buổi tối. Lớp 8V có gian hàng bán đồ thủ công. Thanh Thu góp vào một ít tranh và khăn thêu tay, hình thêu do Tường Văn vẽ.
Thêu tay tốn rất nhiều thời gian. Ban đầu Thu thêu một mình chăm chút tỉ mẩn nhưng tiến độ chậm. Tuần cuối bận tập văn nghệ. Sau cô đi hỏi khắp ký túc, bạn nào biết thêu đều nhờ giúp. Rất may các bạn nhiệt tình, không tính công và cô còn học thêm được vài kỹ thuật mà mình chưa biết. Mức giá vừa phải nên vừa đưa ra bán đã hết veo. Cô chủ nhiệm và một số cô giáo khác đến lớp mình định mua đồ thêu đã không còn sản phẩm nào.
Buổi tối, Yên qua lớp V tìm Tường Văn nhưng không thấy. Cậu đi loanh quanh một lúc tìm trong sân trường, trên sân thượng, trước khu lớp học tắt điện hành lang tối mờ mờ vì học sinh tập trung hết dưới sân cũng không thấy bóng dáng cô đâu.
Đứng trên tầng cao nhìn xuống sân trường đông vui, lửa trại bùng lên mỗi lúc một lớn mà cậu không cảm nhận được chút ấm áp nào. Cuối tháng 2 âm lịch, trời vẫn buốt giá, đêm lất phất mưa phùn. Nhiều đôi dưới sân trường công khai nắm tay nhau. Cả tuần ở cùng nhóm Minh giúp tập văn nghệ cũng không chạm mặt cô.
Chương trình sáng nay lớp cậu đạt giải nhì. Tùng biểu diễn bài hát phổ nhạc từ một bài thơ của anh Dương, cậu đệm đàn violin cho bạn hát và có một nhóm nhảy phụ họa sôi động.
Hội đồng giám khảo nghe nói tranh cãi nảy lửa giữa giải nhất và nhì. Nhóm nghiêng về bài hát của 12N cho rằng bài ấy xứng đáng trở thành bài ca truyền thống của trường. Bài truyền thống hiện tại được sáng tác trong những năm chiến tranh, ngày càng không phù hợp với lối hát hiện đại. Nhiều học sinh ý kiến là không thích.
Người nghiêng về bài hát của 8T cho rằng, bài hát của 12N chỉ dành riêng cho trường, còn bài của 8T sẽ phổ biến rộng hơn.
Cậu liếc đồng hồ, 21 giờ. Trại hôm nay các lớp để qua đêm và ai thích ở lại trường thì ở. Tùng ở lại trông trại. Cậu phân vân rồi vẫn ghé qua nhà Tường Văn.
Cô sáng nay chỉ lên trường xem phần biểu diễn của lớp rồi xách ba lô mang ống vẽ đi học. Cô có đến khuôn viên liếc qua trại lớp mình một chút. Chiều và tối cô không lên trường.
Ngôi nhà số 9 đường Nguyễn Hoàng sáng đèn phòng khách. Nhìn lên tầng ba cậu không rõ cô có nhà không, thức hay ngủ, thường cô không ở phòng cạnh ban công mà ở phòng phía trong. Dàn hoa lý tỏi trổ bông rực rỡ, kết thành những cụm lớn trên hàng rào, hoa rụng đầy dưới chân tường, màu hồng tím biến thành trắng bạc dưới ánh đèn đêm.
Giờ này có lẽ cô vừa đi học tiếng Pháp về được một lúc. Gặp cô cũng chẳng có chuyện gì, lại thêm ấn tượng để lại cho phụ huynh hẳn không tốt đẹp. Nếu cô không hiểu mà chất vấn cậu sẽ buồn. Nếu cô hiểu, biết đâu ngày mai cô sẽ bảo ‘tớ không muốn chơi với cậu nữa.’ Cậu hiện giờ không có tâm trạng nói đùa, nếu cô hỏi cậu sẽ nói thật. Mà cô thì…không quan tâm tới sự thật ấy.
Cô chỉ coi cậu là một người bạn!
Ban đầu cậu nghĩ rằng ở bên làm một người bạn là đủ. Nhưng khi đã là bạn, lại hiểu rõ là không đủ!
Mẹ cậu, sau một tuần liên tục thức đêm, hôm nay về sớm từ chiều, ăn cơm tối xong bà đi ngủ. Gần đây, cậu nhận được điện thoại của bố. Cậu không nhận ra giọng nói của ông và em mình sau nhiều năm không liên lạc. Cậu ngờ ngợ như nói chuyện với người xa lạ. Bố hỏi cậu vài câu, ngượng ngập và cứng nhắc, em cậu rụt rè nhưng có cười và nói muốn gặp cậu.
Cậu vào xưởng gỗ, làm tiếp những phần đàn dang dở. Từ khi về ở với ông ngoại ở quê, cậu bắt đầu học làm đàn từ lúc 6 tuổi. Sau đó một thời gian lại ra nước ngoài rồi quay về Việt Nam chuyển đến sống ở ngôi nhà ven biển này. Ông mở hiệu bán đàn, cậu phụ ông làm đàn và sửa chữa đàn cho khách.
Ông nói cậu có cái tai rất tốt, luôn phân biệt được những sai khác rất nhỏ khi thẩm âm. Làm đàn là ước mơ và dự định đầu tiên của cậu trước khi bị dự định khác lung lay. Không phải cậu sẽ không làm đàn nữa. Dường như đó là việc cậu không thể bỏ. Đã có lúc cậu dừng làm đàn, rồi vẫn quay lại, say mê hơn.
Chủ nhật trước khi đi học vẽ, Tường Văn qua trường xem lớp thi thể thao. Cô xem môn thi tập thể là kéo co, đụng ngay 8F. Đến giờ thi đấu, lớp F chỉ có lớp trưởng là Minh Anh và Vân ở sân, Đăng Nguyên không thấy đâu. Minh giục Minh Anh nháo nhào, còn đá đểu cả lớp F không tìm đủ đội kéo co thì nên đi chết hết đi làm Minh Anh phát cáu. Vân chạy tìm đồng đội, la hét khàn cổ mới tóm được đủ đội hình.
Lớp F được mệnh danh là ‘khủng long’ của trường, toàn con trai, nghịch nổi tiếng. Minh Anh nghe nói là lớp trưởng vô dụng nhất trường, Nguyên tuy là phó bí thư đoàn trường thật nhưng không quản nổi lớp. Mỗi lần Minh Anh hay Nguyên phát biểu, đề nghị lớp làm việc nọ việc kia đều không ai thèm nghe.
Minh thi đấu cờ vua nhưng cô không ở lại xem, cô nhìn về phía 8T song không thấy Yên trong đội kéo co, qua trại lớp T tìm cũng không thấy cậu. Cô không biết hôm đó cậu thi bơi lội cho lớp và thi ở bể bơi của trường.
Lúc chạy lên cầu thang tìm Thu, cô gặp Trung ngồi hút thuốc chắn ngay lối đi. Hắn nhìn cô mấy giây, dịch người sang bên cho cô đi qua.
Sau 26 tháng 3, những người nổi bật trong lễ hội lập tức bị truy tìm thông tin khắp trường. Một loạt anh, chị, bạn, em trai, em gái đột nhiên thành nổi tiếng. Anh tác giả bài hát lớp 12N nghe nói bị ném hoa lên đầu.
Cô ngồi học cùng Minh thỉnh thoảng thấy vài nhóm con gái cười nói đi qua, mắt liếc vào lớp cô, có bạn còn chỉ trỏ che miệng cười. Điệu múa của Minh đúng là không đỡ được, cao nhất, lăng xăng nhất lại sai nhiều nhất. Tất cả bắt nguồn từ biên đạo biến thái của Yên. Cô rất ngạc nhiên là cậu có thể chỉnh cho năm bạn không biết múa biểu diễn gần như không có động tác thừa và cực kỳ chỉn chu.
Sau màn đệm violin cho Tùng, Yên được hâm mộ hơn cả ca sĩ hát chính, được con gái viết thư rồi cụng xe liên tục để làm quen. Giờ mỗi khi bị con gái cụng xe, không cần biết người ta vô tình hay cố ý, cậu đều không những không quát người mà còn cười rất hiền rồi nhanh chân chạy mất tăm trước khi người ta kịp xin lỗi.