Quyền Lực - Chường 13
Chương XIII
TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Con người thấy sống trong cộng đồng có lợi, nhưng những khát vọng của họ có nhiều tính cách riêng tư không giống những con ong cùng một tổ; vì vậy đời sống xã hội trở nên khó khăn và sự cai trị rất cần thiết. Một mặt nếu không có cai trị chỉ có một thiểu số dân chúng ở những nước văn minh sống được, và họ phải sống khốn cùng. Mặt khác cai trị mang lại sự bất bình đẳng về quyền lực để hưởng thụ nhiều hơn là nghĩ tới những người dân thường. Vì vậy tình trạng vô chính phủ và độc tài đều tai hại như nhau, và con người phải đạt tới một tình trạng thỏa hiệp nào đó với nhau nếu muốn sống hạnh phúc.
Trong chương này tôi muốn xét tới vai trò của tổ chức đối với một cá nhân đơn lẻ, mà không bàn đến những cá nhân có liên quan với một tổ chức nhất định. Dĩ nhiên vấn đề này ở những quốc gia dân chủ rất khác với những nước độc tài, vì ở những nước sau này, hầu hết các tổ chức là cơ quan nhà nước. Tuy nhiên trong một cuộc khảo sát sơ bộ tôi sẽ không lưu tâm tới sự khác biệt này.
Các tổ chức công hay tư ảnh hưởng tới cá nhân theo hai lối. Có những tổ chức được thành lập nhằm thỏa mãn những ước vọng cá nhân hay phụng sự cho những quyền lợi của hắn; có những tổ chức nhằm ngăn cấm hắn chạm đến quyền lợi của kẻ khác. Sự phân biệt này không rõ ràng hẳn: guồng máy cảnh sát hỗ trợ quyền lợi của người dân lương thiện, cũng như ngăn chặn trộm cướp, nhưng tác động của cảnh sát đối với sinh hoạt của bọn trộm cướp mạnh mẽ hơn những giao tế với những kẻ trọng pháp. Tôi sẽ bàn thêm về sự phân biệt này sau; bây giờ chúng ta hãy xét những ảnh hưởng quan trọng nhất của tổ chức đối với đời sống cá nhân ở những cộng đồng văn minh.
Ta hãy bắt đầu khi cá nhân vừa mở mắt chào đời. Ngày xưa một bà mụ vườn đã có quyền đỡ đẻ, nhưng ngày nay thì phải có một bác sĩ hay nữ hộ sinh huấn luyện đàng hoàng. Suốt giai đoạn sơ sinh và thời thơ ấu, nhà nước có bổn phận lo cho sức khỏe trẻ thơ. Số tử phản ánh mức lưu tâm của giới chức y tế cao thấp tùy quốc gia. Nếu cha mẹ quá tệ trong nhiệm vụ phụ mẫu, nhà nước sẽ dành lấy đứa nhỏ và giao nó cho cha mẹ nuôi hay một cơ sở từ thiện. Khi lên năm lên sáu, đứa trẻ được gởi đi học; trong một số năm trời người ta bắt phải học để trở nên một công dân. Đối với nhiều đứa trẻ, những ý kiến và thói quen tinh thần đến cuối giai đoạn ở trường sẽ kéo dài suốt đời. Ở những quốc gia dân chủ, đứa trẻ còn tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của nhà nước. Nếu cha mẹ mộ đạo, đứa trẻ sẽ học đạo; nếu cha mẹ thích chính trị, họ sẽ khai tâm đứa trẻ về đảng phải; khi đứa trẻ lớn lên, nó càng ngày càng lưu tâm nhiều hơn tới những môn giải trí tập thể như chiếu bóng và túc cầu. Nếu nó đủ thông minh ra nó sẽ chịu ảnh hưởng phần nào của báo chí. Nếu nó đi học ở một trường tư, nó sẽ có vẻ trịnh trọng hơn ở Anh, nó sẽ có mặc cảm tự tôn vì những trường tư ở xứ này vượt xa trường chính phủ về mọi phương diện. Trong thời gian này nó sẽ thâm nhiễm một thứ luân lý phù hợp với tuổi tác, giai cấp và hoàn cảnh quốc gia nó.
Luân lý rất quan trọng, nhưng khó định nghĩa cho đúng đắn vì chúng ta có ba loại nguyên tắc không hoàn toàn biệt lập: thứ nhất là những nguyên tắc mà ta phải theo nếu muốn danh dự được toàn vẹn; thứ hai là những nguyên tắc mà chúng ta không thể gạt bỏ trắng trợn; và thứ ba là những nguyên tắc siêu việt của những vị thánh. Những thứ luân lý áp dụng cho đám đông phần lớn là kết quả của tập tục tín ngưỡng, do các tổ chức tôn giáo phát huy. Tuy nhiên, luân lý có thể sống lâu hơn các tổ chức tôn giáo nhiều ít tùy trường hợp. Ngoài thứ luân lý ta còn phải kể đến thứ luân lý chức nghiệp: những điều mà các sĩ quan, bác sĩ, luật sư… không được làm. Vào thời đại chúng ta các tổ chức chuyên nghiệp quy định những luân lý loại này. Những luân lý chức nghiệp thường có giá trị cưỡng chế: trong khi Giáo hội và Quân đội không đồng ý nhau về vấn đề quyết đấu thì các sĩ quan bất kể xuất xứ ra sao phần lớn đều phải tôn trọng quân luật. Những bí mật y khoa hoặc xưng tội không ai được phép tiết lộ dù đôi khi luật pháp đòi hỏi.
Ngay sau khi một thanh niên hay một thiếu nữ kiếm được tiền, hoạt động của họ bắt đầu chịu ảnh hưởng của nhiều thứ tổ chức. Chúng ta hãy lần lượt xét đến những tổ chức này. Trong những sinh hoạt xã hội mới đây, chủ nhân ông trong nhiều lĩnh vực là những xí nghiệp. Mạnh hơn thế nữa họ lập thành các liên đoàn chủ nhân. Những nghiệp đoàn và nhà nước đều có thể kiểm soát nhiều khía cạnh của lao động; và ngoài những vấn đề thông thường như bảo hiểm và luật tổ chức xí nghiệp. Nhà nước cũng có thể nâng đỡ hay bóp ngẹt một ngành nào đó bằng quan thuế biểu hoặc bằng cách ban hành những quy chế rộng rãi hay chặt chẽ. Nói chung một kỷ nghệ có phát triển được hay không còn tùy thuộc vào vô số sự kiện như tiền tệ, tình hình quốc tế, hay ngay cả như tham vọng của Nhật bản.
Hôn nhân và bổn phận nuôi nấng con cái khiến cho người đàn ông có những liên hệ với luật pháp cũng như có liên hệ với một nền luân lý do Giáo hội bày ra. Vào lúc già yếu ông sẽ được hưởng thụ ấp dưỡng lão nếu ông ta khá nghèo. Pháp luật cũng như y giới có bổn phận coi sóc kỹ lưỡng không cho ông tự tử hay bị kẻ khác ám hại. Ông chỉ có quyền chết theo lề lối tự nhiên! (điều này xảy ra ở Anh quốc).
Sáng kiến cá nhân cũng quyết định một số vấn đề, một người đàn ông có thể tùy tiện cưới vợ, miễn là được cô dâu đồng ý. Trong tuổi thanh niên anh ta có quyền chọn cách mưu sinh; anh ta được tự do trong lúc rảnh rỗi, tùy vào túi tiền của anh ta; nếu anh ta ưa thích chính trị hay tôn giáo, anh ta có thể gia nhập bất cứ đảng phái hay giáo phái nào hấp dẫn. Ngoài chuyện hôn nhân, anh ta vẫn phải theo những tổ chức đã có sẵn dù anh có lựa chọn. Nếu chẳng phải là một kẻ phi thường, anh ta sẽ không sao khai sáng được đạo mới, lập một Đảng, tổ chức một hội túc cầu hay chế đồ uống lấy.
Cho tới nay, những tổ chức đặc trưng cho các xã hội văn minh có hậu quả gia tăng tự do con người so với một người dân quê trong một cộng đồng tương đối chậm tiến chẳng hạn. Ta hãy thử xét đời sống của một dân quê Trung Hoa so với một công nhân Âu châu. Rõ ràng là khi còn nhỏ hắn không phải tới trường, nhưng hắn phải cắm đầu làm việc khi hắn còn rất trẻ. Có phần chắc hắn sẽ chết non vì vất vả và thiếu thốn thuốc men. Nếu sống sót hắn không có lấy được tự do chọn nghề trừ khi hắn sẵn sàng đăng lính hay đi ăn cướp, hay di cư đến một thành phố lớn nào đó. Vì tập tục hắn chỉ có chút xíu tự do trong hôn nhân. Hắn không có thì giờ rảnh rang, và giả dụ nếu có hắn cũng không có thú vui để giải trí. Hắn luôn sống bữa đói bữa no, và vào những lúc có nạn đói, nhiều người trong gia đình hắn sẽ chết.
Không riêng người đàn ông mới khổ, đàn bà và thiếu nữ còn cực nhọc hơn nhiều. Kẻ thất nghiệp đáng thương nhất ở Anh quốc còn sống thoải mái hơn một nông dân Trung Hoa trung bình.
Bây giờ chúng ta hãy bàn đến loại tổ chức cấm đoán một người làm hại kẻ khác, quan trọng nhất là cảnh sát và tòa án. Cho tới giới hạn nào mà cảnh sát chỉ chuyên tâm chế tài những trọng tội như sát nhân, trộm cướp và hiếp dâm, những tổ chức như thế sẽ gia tăng hạnh phúc của mọi người trừ một thiểu số hung bạo. Ở nơi nào mà cảnh sát bất lực, bọn cướp sẽ hoành hành ngay tức thì và nó sẽ khiến cho mọi người mọi lạc thú của xã hội văn minh, trừ chính bọn chúng thì khoan khoái vô kể. Dĩ nhiên điều nguy hiểm là có thể chính cảnh sát sẽ dở thói cướp bóc sách nhiễu lương dân. Nguy hiểm này có thực nhưng người ta đã biết rõ cách đối phó. Nguy hiểm kế tiếp là những kẻ quyền thế có thể sử dụng cảnh sát để ngăn chặn những phong trào đòi cải cách. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra chẳng ít thì nhiều. Một phần của khó khăn căn bản là những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng vô chính phủ sẽ khiến cho ta khó mà thay đổi tình trạng ngưng trệ khi nó cần được thay đổi. Dù gặp phải những khó khăn này ít ai trong những cộng đồng văn minh dám nghĩ rằng có thể hoàn toàn không cần đến tổ chức cảnh sát.
Chúng ta chưa nói đến chiến tranh, cách mạng và lòng sợ hãi cả hai biến cố này. Do bản năng sinh tồn, Nhà nước sẽ kiểm soát đời sống mọi người rất chặt chẽ. Ở Âu châu hầu hết mọi quốc gia đều thi hành chính sách quân dịch cưỡng bách. Ở mọi nơi khi chiến tranh bùng nổ, mọi nam công dân trong hạn tuổi phải tòng quân chiến đấu, và bất cứ người thanh niên nào cũng phải góp phần mưu tìm chiến thắng cho Nhà nước. Những kẻ giúp đỡ quân địch có thể bị kết án tử hình. Ngay trong thời bình, mọi quốc gia đều có những biện pháp gay gắt hay tương đối ôn hòa, để giữ vững ý chí chiến đấu và lòng luôn luôn trung thành với chính nghĩa. Còn một chính phủ có muốn làm cách mạng hay không ra khó mà biết được. Ở những nơi chính phủ không thèm lưu tâm tới dân sinh cách mạng sẽ bùng nổ. Riêng ở những nước độc tài, chính phủ nắm độc quyền trong việc sử dụng thân xác người dân, mà trong cả phạm vi tinh thần và kinh tế, nên có thể dày xéo lên ý muốn dân chúng hơn là một chính phủ “yếu”, vì tinh thần cách mạng đã bị bóp nghẹt ngay từ đầu. Cho nên Nhà nước biệt lập với tập thể dân chúng, nhà nước càng thêm quyền càng ít lưu ý đến dân sinh.
Chúng ta thấy ảnh hưởng của các tổ chức, ngoại trừ những tổ chức do Nhà nước nặn lên vì bản năng sinh tồn, có tác dụng gia tăng hạnh phúc và an sinh của người dân. Ta khỏi cần phải bàn cãi về lợi ích của giáo dục, y tế, sức sản xuất của cần lao, chiến dịch chống nghèo đói; và những lợi ích này phải có mức độ tổ chức rất cao mới mang lại kết quả tốt đẹp. Nhưng khi chúng ta đề cập tới những biện pháp để ngăn chặn cách mạng hay sự bại trận thì lại là chuyện khác. Bất kể những biện pháp này có cần thiết đến đâu, những hậu quả thường rất khó chịu, và người ta chỉ có thể biện minh cho chúng nếu cách mạng xảy ra, hoặc khi quốc gia bại trận thì dân chúng khốn đốn hơn nhiều. Ta có thể nói trồng trái không khó chịu bằng bệnh đậu mùa, và được giáo dục vẫn hơn là ngu dốt cũng như làm đường khó nhọc nhưng tốt hơn là vượt qua những đoạn đường lở lói. Tuy nhiên sự khác biệt về cấp độ lớn đến độ gần trở nên sự khác biệt về loại. Hơn nữa sự khó chịu của những biện pháp hỗ trợ cho tiến bộ ôn hòa không nên kéo dài. Người ta có thể trừ tiệt bệnh đậu mùa thì chẳng còn cần phải chủng ngừa nữa. Giáo dục và làm đường xá có thể không tốn công bao nhiêu nếu người ta vận dụng đến những phương pháp tân tiến thích ứng. Nhưng tiến bộ kỹ thuật cũng có thể làm cho chiến tranh thêm đau khổ và tàn khốc. Và nếu dùng những biện pháp độc đoán ngăn chặn cách mạng thì thật tai hại cho nhân loại và hết sức ngu xuẩn.
Ta còn một cách sắp hạng những tương quan của một cá nhân đối với những tổ chức khác nhau nữa tùy theo hắn ta là một khách hàng, một đoàn viên tự nguyện, một đoàn viên cưỡng bách hay một kẻ thù nghịch của tổ chức. Là khách hàng, hắn nghĩ tổ chức phải lo sao cho hắn được thỏa mãn, nhưng chúng sẽ không khiến cho hắn có quyền lực nhiều. Dĩ nhiên hắn có thể thấy mình bị lừa bịp khả ố: hắn mua phải thuốc của “lang băm”, bia lạt thếch và nếu lai vãng tới trường đua hẳn có thể bị bọn nhân viên hội đua ngựa bóc lột tàn nhẫn. Tuy vậy trong mọi trường hợp hắn thấy mình được đền bù phần nào: hắn có dịp có hy vọng, thoải mái vui vẻ và thi thố sáng kiến cá nhân. Sẽ có kẻ nào đó sẽ nghĩ tới hoặc nói hoài về chiếc xe hắn mua chẳng hạn. Nói chung quyền tự do chọn cách xài tiền là một nguồn khoái cảm. Thí dụ, lòng trìu mến đồ đạc trong nhà là một tình cảm rất mạnh ta thường hay gặp. Dĩ nhiên nó mất đi nếu mỗi người phải sống trong căn phòng đã có sẵn đồ đạc do nhà nước cấp phát.
Một người có thể là đoàn viên tự nguyện của một đảng phái chính trị, giáo phái, hội thể thao, hội thân hữu, cơ sở kinh doanh v.v… Nhiều tổ chức loại này phải đương đầu với các tổ chức cùng loại: các đảng chính trị đối lập, những giáo phái ly khai, những cơ sở kinh doanh tranh thương v.v…
Những kẻ tham dự cuộc tranh chấp thấy phấn khởi và có cảm tưởng thấy mình có chút quyền lực chứ không phải chỉ cắm đầu tuân lệnh người khác! Ngoài những nơi guồng máy nhà nước quá yếu kém, những cuộc tranh chấp phải diễn ra trong vòng luật pháp, những bạo hành và bội tín cần được trừng trị, trừ khi chính nhân viên nhà nước toa rập để ăn có. Những trận chiến của các tổ chức đối nghịch, miễn là nhà nước giữ sao cho khỏi đổ máu, có ích lợi giải tỏa được tính háo thắng và ham quyền. Nhưng những tình cảm này bị dồn nén quá đáng sẽ tìm tới những hình thức thỏa mãn “thê thảm” hơn. Nhà nước mà quá yếu hay thiếu vô tư thì những cuộc tranh chấp sẽ biến thành bạo động hay cướp phá, giết chóc và nội chiến. Nếu không có nguy hiểm này, tranh chấp chính trị là một yếu tố đẹp trong đời sống cá nhân và cộng đồng.
Tổ chức quan trọng nhất mà con người là đoàn viên cưỡng bách là Quốc gia. Nguyên tắc quốc tịch như ta thấy từ trước cho tới nay, cho thấy một người được quyền chọn quốc tịch của mình:
Hắn có thể là người Nga
Người Pháp, người Thổ hay người Phổ
Hay có lẽ người Ý
Nhưng mà:
Mặc ai nói ngả nói nghiêng
Rủ rê vào nước láng giềng hùng anh
Anh ta giữ quốc tịch Anh!
Dù có cơ hội thay đổi quốc gia, đa số người sẽ từ chối cơ hội này, trừ khi quốc gia đang sống là ngoại quốc. Chẳng có gì củng cố quốc gia cho bằng ý niệm quốc tịch. Ở đâu lòng ái quốc đi đôi với nhiệm vụ công dân, một người sẽ trung thành với quốc gia nhiều hơn với những tổ chức tự nguyện như giáo hội hay đảng phái.
Sự trung thành với tổ quốc có cả nguyên do tích cực lẫn tiêu cực. Trước hết, nó có liên quan đến lòng yêu nước, quê hương và gia đình. Nhưng lòng yêu này sẽ không tỏ lộ thành lòng trung thành với quốc gia, nếu không có sự tăng cường của hai động lực là lòng tham muốn quyền lực và sự thống trị của ngoại bang. Những cuộc tranh chấp quốc gia, không giống các cuộc tranh chấp của các đảng chính trị, có tính cách một mất một còn. Cả thế giới văn minh phẫn nộ vì đứa con của Lindiberg bị bắt cóc và giết chết, nhưng ta sẽ thấy hằng ngàn hành động này trong cuộc chiến sắp tới, mà không ai sẽ kêu la phản đối! Ở Anh quốc, chúng ta đang sửa soạn cho cuộc đại tàn sát với một phần tư lợi tức của mỗi người! Không tổ chức nào gây được cảm tình sôi nổi như trung thành với tổ quốc! Và hành động chính yếu của nhà nước là sửa soạn cuộc chém giết đại quy mô. Chính lòng trung thành với tổ chức tử thần này khiến người ta chịu đựng nhà nước độc đoán và sẵn sàng hy sinh nhà cửa con cháu và cả nền văn hiến còn hơn bị ngoại bang cai trị. Tâm lý cá nhân và tổ chức chính phủ đã đạt được một công trình tổng hợp bi thảm, chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải chịu đựng nếu chúng ta còn bất lực như hiện nay.