Rũ bóng nghiêng chiều - chương 04 - tự dưng "muốn vợ"

Đi suốt một đêm, ông Nghị tới nhà Thành khi trời rạng sáng. Đồ đạc được chất đầy từ cổng vô sân. Ngôi nhà đang được sơn màu sơn mới. Bàn ghề đang được lau chùi. Từ ngoài sân đã nghe tiếng ông Duy chỉ đạo toi tớ làm việc. Tiếng cười nói rộn rã lại khiến tâm trang ông Nghị thêm nặng nề. Khối rối rắm trong lòng ông, dẫu có trăm bàn tay cũng không thể nào gỡ nổi.
Đối với thông gia, ông Duy chưa bao giờ thất thố, Dù đang lu bu công chuyện, ông vẫn khăn áo chỉnh tề ra tận cửa để chào đón. Vẻ mặt mệt mỏi vẫn cố nở nụ cười.
- Hổng hay, anh sui qua đây có chuyện chi không vậy?
Thái độc niềm nở càng khiến ông Nghị thêm phần hổ thẹn. Bản thân ông cũng là người trọng lễ nghĩa, trước giờ chưa từng phải cúi mặt như vầy. Miệng mồm ông bị ai dán kín, lời lẽ nặng trì, nghẹn lại trong long, không dám nói ra.
Nhưng một khi đã tới thì phải liệu cho xong, chuyện cưới gả đã quá cận kề, ông không được phép kéo dài thêm nữa.
Sau một tá lời tạ lỗi mở đầu, rốt cục ông Nghị cũng nói ra được vấn đề mà mình muốn.
Còn ông bà Duy khi nghe xong, ban đầu thì giật mình thảng thốt. Sau đó thì đỏ mặt tía tai vì giận dữ. Ông Duy nói như hét, tiếng ông hát vang khắp cả ngôi nhà đồ sộ. Trong cơn tức giận, những câu nói của ông đều mang âm thanh chát chúa.
- Rồi anh biểu, nhà tui phải làm sao đây, hả? Con gái của anh, giả thử không ưng thì cứ nói một tiếng, tui chớ hề ép uổng. Cứ đi khắp xứ lục tỉnh này, thử hỏi có cô gái nào, có nhà nào không muốn ngồi sui với nhà này. Sớm không đi, trễ không đi, đợi tới đám cưới gần kề lại bỏ đi, bộ nhà này có thù oán gì với nó sâu nặng lắm hay sao, mà nó phải kéo nhà này vô đống ô nhục theo nó chớ?
Bà Ngự tiếp lời chồng.
- Hễ tui biết trước con gái anh là loại hư đốn như vậy thì, hứ, có cho vàng tui cũng không dám rước về nữa là. Bây giờ anh có qua đây tạ lỗi thì ích gì. Tiền vàng sính lễ, anh hoàn lại cho lẹ. Nhưng anh nên nhớ, gái lộn chồng, của một đền hai đó đa.
Ông Duy nhìn thẳng ông Nghị mà hỏi gằn.
- Bây giờ anh định tính sao đây hả anh Nghị?
Ông Nghị chắp tay ngang bụng, khúm núm nói.
- Dạ thưa anh, tui bây giờ như cá mắc cạn, cũng chưa biết toan liệu ra sao. Tất thảy lỗi là ở con gái tui. Ông bà ta nói, mũi dại lái chịu đòn, bây giờ anh chị liệu sao thì tui xin nghe vậy, chớ nào dám ý kiến chi đâu. Thực lòng, được ngồi sui với gia đình anh là một niềm vui lớn với gia đình tui, bản thân tui không bao giờ muốn dẹp đám cưới…
- Thiệt khéo nói quá đa! Con anh gây chuyện rồi bây giờ biểu nhà tui tính. Tính ra sao? Để tui chống mắt coi, mai mốt có ai còn dám bước tới mần sui với nhà bên đó nữa hay không? Ai lại dám rước con gái của dòng mất nết.
Giọng bà Ngự cất lên lanh lảnh, khiến ông Nghị cúi gằm mặt xuống đất.
Ông Duy ngắt lời bà.
- Thôi, bà yên lặng một chút để cho tui tính. – Rồi ông nhanh chóng quyết định - Được, nếu anh đã nói vậy thì để tui tính. – Trầm ngâm thêm một lát, ông Duy mới cất lời – Nhà anh có tới ba cô con gái, mà hai đứa kia coi bộ cũng lớn xộn rồi, côonchị đã đi rồi thì cứ để con em thế vô là được.
Được lời như mở tấm lòng, ông Nghị run run mừng rỡ.
- Dạ, không giấu chi anh, hồi ở bên nhà, tui cũng là có ý đó. Chỉ e, không biết anh có ưng thuận hay không nên chưa dám nói ra. Giờ anh cũng có ý vậy, thực sự tui mừng lung lắm đa! Con gái thứ ba nhà tui, nó tên Liên, nhỏ hơn chị nó một tuổi.
Ba cô con gái nhà ông Nghị, ông Duy có giác mặt vài lần, dù không nhớ rõ ràng mặt mũi nhưng vẫn biết cả ba đều dễ coi, vừa mắt, chỉ là mỗi người mỗi vẻ. Đứa thứ hai thì điềm dạm, đứa kế có nét dịu dàng, riêng đứa út thì sôi nổi. Nhưng đã vô tình cảnh này thì ông cũng không muốn đắn đo thêm, ông chỉ cần cô dâu để làm cho xong lẽ cưới.
Ngay lúc đó, Thành lù lù xuất hiện. Anh hét lớn.
- Không! Con không chịu! Con không cưới nữa!
Trong hoàn cảnh này, điều ông Nghị có thể làm, là cúi đầu im lặng. Và ngồi yên chờ đợi cả nhà Thành bàn bạc với nhau.
Sau khi vào phòng, Thành khăng khăng giữ nguyên ý kiến.
- Cha má, con nói rồi, con chịu đâu! Đã như vầy thì không cần cưới hỏi gì nữa!
Bà Ngự tán đồng.
- Đúng đó. Con nhà đó đã tai tiếng như vậy, bây giờ, mình né còn không kịp, làm sao còn dám cưới về? Không có cô dâu thì khỏi cưới, dù gì con mình cũng là con trai có gì mà phải sợ.
Ông Duy vỗ tay xuống bàn liên tiếp.
- Cả hai bên đều đã lo liệu xong xuôi. Cái quan trọng là thiệp mời đã phát từ lâu, một số bà con, bè bạn ở xa đã khăn gối tới dự hết rồi. Bây giờ, hồi lại sao kịp?
Vốn dĩ muốn có một đám cưới rình rang, nên số khách mời không phải là ít, khách khứa của nhà Thành đâu chỉ có họ hàng mà còn có những người có tên tuổi và địa vị. Mấy tờ nhựt trình lớn cũng đăng tin báo hỉ. Gần như cả Lục tỉnh đều xôn xao. Thiên ạ ngoài kia đều bàn tán, mong chờ tới ngày để được coi đám cưới. Tuy nói đàn trai không sợ thiệt thòi, nhưng với gia thế của nhà Thành thì mất mặt là điều không thể tránh.
Nhưng Thành không bận tâm.
- Mắc cỡ thì mắc cỡ! Con không cưới nữa. Con đâu phải là bù nhìn mà muốn thế nào thì thế nấy. Ban đầu cưới vợ cũng là nghe lời cha má, vậy mà bây giờ con bị người ta bỏ, cha má còn kêu con làm cái chuyện kì cục như vậy nữa sao?
Ông Duy nạt.
- Kì cục chỗ nào? Con Huệ với mày chưa phải vợ chồng, nói cho cùng cũng là người dưng thôi. Ban đầu muốn cưới nó chỉ vì theo thứ tự nó là con lớn, với lại tuổi tác hạp nhau, bây giờ không có nó thì có đứa khác. – Rồi ông dịu giọng - Cha cũng muốn kiếm nhà khác. Khổ một nỗi, hiện thời, ngày cưới gần kề thì kiếm đâu ra, ai mà chịu gả con cho mình trong tình cảnh như vầy? Chi bằng cứ cưới con gái thứ bên đó. Điều quan trọng hơn hết, đám cưới phải diễn ra để nhà ta không bẽ mặt trước họ hàng. Cùng lắm, cha cho phép con bỏ nó nếu con muốn, hay cưới thêm vợ hai, vợ ba cũng được. Nghe lời cha lần này, xong rồi thì muốn làm gì làm, cha không bắt con phải ăn đời ở kiếp với nó đâu mà sợ.
Đắn đo mọi lẽ thì bà Ngự cho là chí lý, dù có cưới ai thì đối với bà chỉ là một đứa con dâu, nhà có thêm một người, thêm một chỗ ở, thêm một miệng ăn, chẳng có gì to tát. Còn như không có dắm cưới thì thế nào cũng bị bàn tán đủ điều. Làm sao dám chường mặt ra đường với thiên hạ. Bà đổi giọng khuyên Thành.
- Cha con nói phải đa. Lần này chỉ cưới cho có thôi cũng được, xong rồi mình tính tiếp, con là con trai mà sợ gì. Với lại, dù nói là con không thiệt gì, nhưng người ta sẽ nghĩ, con phải sao, nhà nà pải gì đó thì mới bị bỏ, cũng không hay cho lắm đâu con.
Nhưng Thành trước sau không đổi.
- Không! Con nói không là không! Cha má còn ép nữa, thì lần này tới lượt con bỏ nhà đi luôn! Có cô dâu mà không có chú rể thì coi thử đám cưới có mát mặt hơn không?
Lại bị chọc giận, ông Duy chỉ thẳng tay vào mặt Thành.
- Cái gì? Mày nói lại lần nữa tao nghe! Người ta đang tính cho êm, mày muốn phá cho hư luôn hả?
Bà Ngự vội níu vai ông.
- Thôi mà ông, thảng thảng mình khuyên con, nó cũng đương bực bội chớ có dễ chịu chi đâu – đợi ông bình tĩnh, bà tiến tới chỗ Thành để khuyên lơn – Chịu đi con. Cứ coi như lần trước con nói đó, chỉ là cưới vợ thôi mà, cưới ai mà hổng được.
Thành tiến lên một bước.
- Lần trước khác lần này khác, đâu có giống nhau đâu má.
Mọi người tiếp tục đôi co, tình hình thêm căng thẳng, bởi ông Duy với Thành, chưa ai chịu nhường ai.
Đối với Đạt, chuyện Huệ bỏ đi, hay cưới xin đổ bể, tất thảy đều vô thưởng vô phạt, anh chẳng mấy bận tâm. Thế nên anh vô phòng rất trễ, chẳng qua để biết tình hình chớ không phải để góp ý. Không biết là hên hay xui, anh lại vô đúng ngay cái lúc nảy lửa nhất. Đó là khi ông Duy dứt khoát quyết định, Thành phải cưới Liên.
Nghe mà suýt té ngửa. Một kết quả hoàn toàn nằm ngoài tượng tượng. Liên, không phải cái tên duy nhất mà Đạt nhớ kể từ khi trở về xứ, nhưng là cái tên du nhứt khiến Đạt phải bồi hồi. Một cảm giác lạ lùng chưa từng xuất hiện. Cô với anh chỉ gọi là biết chớ chưa phải là quen. Ấy vậy mà, hễ nghe tin cô sắp lấy chồng là Đạt khó chịu không thôi.
Cứ nghĩ tới chuyện phải gọi cô bằng chị hai thay vì Huệ, rồi nhìn cô với Thành gần gũi, tương thân tương ái… Hoặc giả, cô bị Thành hắt hủi, phải đau khổ, khóc ròng… Ngày ngày đối mặt trong một nhà, liệu Đạt còn khó chịu tới cỡ nào? Nhưng cũng đâu có gì chắc chắn, một chút bồi hồi của bâ giờ sẽ kéo dài được trăm năm, biết đâu từ từ cũng phai lợt thì sao?
Bên kia, ông Duy kiên quyết.
- Thành! Cha nhắc lại, cha chỉ cần đám cưới. Bây chỉ cần ở đó cho tới khi đám cưới xong xuôi, rồi bây muốn sao cũng được. Muốn ăn ở hay muốn muốn bỏ nó đều được. Cha không cản.
Đạt quyết định sau vài phút đắn đo.
- Cha má, anh hai không muốn cưới thì để con cưới đi.
- Hả?
Không ai biểu ai, cả nhà đều hướng mắt về phía Đạt để khẳng định điều họ mới vừa nghe. Mới bữa trước thôi, nhắc tới chuyện đi coi mắt, Đạt viện bao nhiêu cớ để từ chối. Thúc ép dữ quá, Đạt đùng đùng đòi qua lại Pháp để hăm dọa. Làm bà Ngự phải xuống nước hồi lâu. Cách có một đêm, tự dưng lại “muốn vợ” bất thình lình! Khiến ai cũng hết hồn vì không nổi
Đạt hiểu ý nên lặp lại một lần nữa thiệt rõ ràng.
- Con nói, con sẽ cưới Liên. Đám này, coi như cưới vợ cho con vậy.
Mọi người chỉ cần một đám cưới vào đúng ngày đã định nên không ai lên tiếng. Ngoại trừ Thành. Anh không muốn Đạt chỉ vì cứu vớt một chút sĩ diện mà phải hi sinh hạnh phúc của bản thân mình.
Hẳn nhiên, Đạt không bao giờ là loại người như thế. Nhưng anh không tiện nói ra hết suy nghĩ của mình. Đạt vỗ lưng anh trai.
- Em không vì ai hay vì bất cứ gì khác. Em vì chính em thôi. Đằng nào thì em cũng phải cưới vợ, tiện thể bây giờ cưới luôn, sau này đỡ tốn kém, lại giải quyết được chuyện của cha.
Lúc này, bà Ngự mới nheo mắt, tỏ thái độ không bằng lòng.
- Nhưng má đâu có muốn cưới con nhà đó cho con. Hồi trước thì không sao, bây giờ đã có chuyện tùm lum vầy…, dòm mặt nhau còn hổng muốn, nói gì đến chuyện thông gia. Ép lòng lắm mới chấp nhận cho con nhà đó bước về đây, vì đằng nào thằng Thành cũng mang tiếng. Chớ bằng không đó hả, đừng mong gì má đem trầu cau qua nhà đó một lần nào nữa!
Chuyện hơi bất ngờ, nhưng trúng ý Ông Duy, tuy vậy ông vẫn hỏi Đạt cho chắc.
- Bây suy nghĩ kĩ chưa? Ngày cưới cận lắm rồi, cha không muốn có xáo trộn gì nữa đâu nghen.
Đạt cười thư thái.
- Dạ, cha má cứ để cho con cưới đi. Bụng dạ an hai còn bực bội, ép ảnh chỉ càng làm cho ảnh quạu, lỡ ảnh quậy trong ngày cưới thì càng mệt thêm, cứ để con cưới là êm xuôi. Cha má đã hứa thì nhớ giữ lời. Có điều, hổng hay… Liên có ưng bằng lòng hông thôi?
Ông Duy lạnh giọng.
- Hừ, cớ sự là do chị hai nó gây, nhà nó phải gánh. Chịu hay không chịu cha không cần biết.
- Nếu con Liên không chịu thì bắt con Cúc thế vô. Đằng nào cũng phải có một đứa qua đây làm cho xong đám cưới cho tao.
Không biết bà Ngự nói thực hay chỉ bù vô câu nói còn chưa trọn của chồng, nhưng dù thế nào, bà gây cho Đạt một phen thất kinh. Anh hấp tấp tiến lên một bước.
- Cha má, con không cưới Cúc đâu nghen! Con chỉ cưới Liên thôi…, - Đạt dừng lại một chút, cố tìm lí do rồi nói tiếp với giọng cương quyết - em Cúc còn nhỏ lắm! Con không chịu đâu. Với lại… tóm lại, con chỉ cưới Liên thôi! Cưới Liên thôi đó! Không phải Liên thì con không cưới. Cha má nhớ nói kĩ với bác bên đó vậy nghen.
Câu nói lủng củng trở thành điều kiện tiên quyết. Trong đó ẩn chứa điều gì, không ai bận lòng để ý, vì mỗi người đều có một tâm trạng riêng. Điều hệ trọng nhất lúc này đó là, đám cưới sẽ được cử hành như dự định.