Rũ bóng nghiêng chiều - chương 49 - Lý do duy nhất để vui là được ở cạnh người mình thương
Nắng hoàng hôn nhuộm đỏ góc trời, tia nắng cuối ngày nhàn nhạt phủ lên những lọn tóc nương mình bay xuôi chiều gió ngược. Đạt nắm tay Liên đi dạo dọc bờ kinh Bảo Định, đây là con kinh được đào để vận chuyển các loại đồ hàng tới Sài Gòn – Chợ Lớn. Anh nói đây là nơi đẹp nhất chợ Mỹ. Con kinh rộng, hai bên bờ kè được gia cố bằng xây mặng với gạch đá, có những bậc thềm đi xuống lòng kinh. Chạy dọc hai bên bờ là hai con đường được đắp đất bằng phẳng. Nép vào bên trong là những ngôi nhà khang trang được lợp ngói đỏ tươi chen giữa những hàng cây cau cao vút và những giàn trầu xanh tươi mơn mởn leo quanh giếng nước. Nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt ở phía sân, hàng rào dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng và nối tiếp nhau thành một đường xanh đỏ thẳng tắp mà vô cùng mềm mại.
Phía dưới lòng kinh xuồng ghe tấp nập, chiếc thì chạy đi chiếc thì neo lại. Người lên kẻ xuống luôn phiên để bốc dỡ hàng. Vì là buổi chiều nên không đông đúc bằng buổi sáng. Chỉ chộn rộn một lát rồi im ắng, con kinh được nghỉ ngơi. Dòng nước mang ánh tà dương tiếp tục chảy xuôi trong lặng lẽ như mạch đời âm thầm mang nhựa sống.
Hàng cau cao vút, thân câu thẳng tắp như ngọn giáo vươn mình nhắm hướng tới trời xanh. Cây nào cũng có buồng trĩu xuống, trái no tròn.
Cũng là màu xanh nhưng màu xanh của lá trầu lại không giống với màu xanh của trái cau, một xanh mơn mởn một xanh thâm thẩm. Hai thứ ấy lại là hai thứ không thể thiếu cho đôi lứa gái trai muốn nên duyên tơ tóc, cùng nguyện ước trăm năm. Trầu, cau và vôi, ba thứ riêng rẽ kết hợp với nhau lại thành một màu đỏ thắm, có phải kì lạ lắm không?
Đạt ghé người qua hỏi khi thấy Liên mải miết nhìn lên.
- Em nhìn gì mà dữ vậy?
Liên trả lời nhưng hướng nhìn vẫn không thay đổi.
- Em muốn đếm thử coi buồng cau nào nhiều trái nhứt.
Đạt cũng nhìn theo cô nhưng buồng cau ở tuốt trên cao, muồn đếm trái là việc không thể.
- Cao như vậy, làm sao mà đếm được hả em! Thôi đi, nhức mắt bây giờ.
Đạt muốn kéo cô đi thì liền bị cô giật nhẹ tay giữ anh lại.
- Anh Đạt, có buồng cau nào vừa đủ một trăm trái không anh ha?
- Anh không biết. Nhà mình chưa trồng cau bao giờ, mà anh chưa tới tuổi ăn trầu, để bữa nào anh về hỏi má coi sao. Em hỏi chi vậy?
- Xứ mình cưới hỏi đều phải có trầu cau, lá trầu miếng cau chính là sợi chỉ se duyên tơ thắm, nếu như mình kiếm được buồng cau nào có được tròn một trăm trái thì nhứt định sẽ sanh con đàn cháu đống, hạnh phúc vuông tròn.
- Ai nói với em vậy?
- Em tự nghĩ vậy. Mà anh thấy có đúng không?
- Anh không biết đúng hay không nhưng anh nghĩ là em có lý. Nếu em thích thì mình đi ra chợ hỏi thử.
Nhưng chợ chiều đã vãng từ lâu, một số người còn sót lại cũng quẩy gánh ra về. Cả hai không thể mua được buồng cau mình muốn.
Đạt và Liên tiếp tục dạo bước trên những con đường xanh rợp bóng cây.
Từ đường Trưng Trắc tới dốc cầu Quay, quẹo vô một con lộ nhỏ thì có một khu chợ nhỏ của người Ấn, tiệm nào cũng chỉ bán một thứ là vải, đủ loại từ tơ tằm đến lụa. Trên vách, vải được treo cẩn thận, đây là những loại vải đắt tiền thượng hạng được nhập từ những xứ sở xa xôi. Khác với vải của người bản xứ, vải của người Ấn vô cùng sặc sỡ, khiến người ta nhìn vào là bị cuốn hút.
Sự chào mời nhiệt tình của một ông chủ tiệm người Ấn khiến Liên khó lòng từ chối. Cô bước vào, đưa tay sờ từng tấm vải, sợi vải mát lạnh trơn tay như mời mọc. Người chủ tiệm thao thao bất tuyệt về những tấm vải của mình và không quên ca tụng luôn người đang ướm thử nó. Đạt ngồi trên ghế thấp, hai bàn tay đan vào nhau đặt trên gối, anh chăm chú nhìn Liên ướm từng tấm vải lên người, nước da cô trắng nên tấm nào ướm lên người cô nhìn cũng đẹp, đôi mắt long lanh, khuôn mặt trắng ngần càng thêm rạng rỡ. Đạt mỉm cười gật đầu Liên tục khi Liên nhìn về phía anh như ngầm hỏi ý. Đến khi người chủ tiệm trao cho Liên tấm vải màu đỏ rực, làn vải mỏng manh với những đường thêu kim tuyến, có thể thấy cánh tay cô từ phía bên trong, Đạt bắt đầu chau mày khó chịu. Người chủ tiệm thì cứ luôn miệng chào mời bằng chất giọng nửa Ấn nửa Việt.
- Cô hai mà bận bộ đồ được may bằng vải này là đẹp nhứt, đây là loại đang thịnh hành đó đa, cô hai đẹp sẵn “ồi” mà còn mặc vô thì ai thấy cũng mê hết cho coi, tui nói thiệt đó đa.
Người chủ tiệm nói luôn miệng mà quên bén là Liên đi chung với một người đàn ông khác. Liên nghe thấy mấy lời này thì mắc cỡ, cô ngẩng đầu nhìn Đạt thì thấy nét mặt anh càng lúc càng sa sầm xuống. Anh lại gần cô, giật tấm vải khỏi tay Liên rồi quăng xuống đất.
- Thôi, đừng lựa nữa, sắp tối rồi.
Liên giữ tay anh, nói nhỏ bên tai anh.
- Nhưng lựa nhiều như vậy mà không mua tấm nào thì kì lắm anh.
Đạt nhìn xuống đống vải dưới chân, anh cầm lấy đại vài tấm rồi tính tiền.
Ra khỏi khu chợ người Ấn, Đạt đưa Liên tới mé sông, trên bờ sông là một dải cỏ mịn được trồng chăm chút, xen lẫn là những bụi cây đại tướng quân đang trổ bông màu trắng sữa. Bông mười giờ hồng phấn trải dưới chân. Hàng cây xà cừ vững chãi đổ bóng lên bức tường trắng tinh của dãy nhà phía sau lưng như mang nhiều trầm mặc. Phía bên kia là dãy nhà lá dựng ở mé sông nhô đang đầu xơ xác thổi từng đợt khói lam quyện tới mây trời. Hai hình ảnh đối lập chỉ cách một con sông nhỏ.
Mặt sông sóng sánh nắng chiều soi bóng đàn chim lao xao bay về tổ ấm, hòa vào tiếng chân người trên đường cũng vội vã bước đi. Khung cảnh ngày tàn đang trỗi lên những âm bậc cuối cùng khiến người ta bỗng dưng buồn da diết.
Liên nghiêng đầu nhìn anh hỏi dịu dàng.
- Anh Đạt, sao bữa nay anh lại dẫn em đi chơi?
- Là vì anh muốn có buổi hẹn hò với em. Em với anh cưới nhau gấp quá nên không có thời gian hò hẹn yêu đương như những cặp khác. Em thấy hai đứa mình ngộ ghê chưa, mới biết chưa quen đã cưới, cưới rồi mới làm quen, thành chồng vợ rồi mới đi hẹn hò.
Hẹn hò. Hai chữ “hẹn hò” của anh chợt đưa Liên trở về thời con gái. Cái thuở thiếu thời của những đôi lứa vừa nếm vị yêu đương. Liên tự trầm mặc trong lòng. Chỉ mới hơn một năm mà thời con gái của cô đã trở nên xa xôi quá. Thuở còn con gái, cô hẹn với bạn, hẹn với Đông. Lúc ấy, anh chưa hề xuất hiện trong thế giới của cô. Ấy vậy mà, anh lại là chồng cô.
Và bây giờ…
Cô với anh đang hẹn hò. Hẹn hò… Như thế này thì làm sao mà gọi là hẹn hò được chứ!
Nhìn khung trời dần ngả màu hiu hắt, Liên nhớ tới những ngày Đông hẹn cô. Sự bẽn lẽn rụt rè của người hẹn lẫn người được hẹn, sự náo nức khi chờ tới giờ gặp mặt, tim bồi hồi suy nghĩ sẽ nói những gì với nhau, mỗi phút giây đi qua đều trở nên quí giá, buổi hẹn dường như ngắn lại. Rồi chia tay trong bịn rịn, chân bước đi mà đầu ngoái lại để thấy nhau thêm chút nữa.
Buổi hẹn chiều nay, cô không có cảm giác như thế. Vì cô với Đạt đã là vợ chồng, hay vì… Đạt không phải là Đông?
Đông! Cái tên hằn chứa niềm đau và nỗi nhớ. Hình ảnh Đông hiện rõ trong cô, mái tóc dày, nước da sạm, ánh mắt cương trực đã làm cô nhung nhớ và cũng chính gia đình cô đã khiến anh tan nhà nát cửa, bản thân anh không biết sống chết ra sao. Liên tự nhủ với lòng, cô không bao giờ được phép quên anh.
Suy nghĩ cứ miên man cho tới khi Liên cảm nhận được cánh tay rắn chắc choàng ngang lưng, bàn tay khẽ hạ xuống ôm lấy eo cô. Sự thân mật này, Đông với cô chưa bao giờ dám làm.
Người ngồi kế bên cô là Đạt, không phải là Đông. Dù cảm giác anh đem tới cho cô không giống với cảm giác trong những buổi Đông đã hẹn nhưng Đạt muốn làm cô vui. Và…, cô thật sự rất vui, thứ niềm vui dịu dàng mà vương đầy ấm áp. Cất hình ảnh quá khứ vào một góc trái tim, cô trở về thực tại.
Cô cùng anh đang ngắm những vạt nắng cuối cùng của ngày sắp tắt. Khói lam đã tan vào không khí để nắng chiều càng thêm ráng đỏ. Phía xóm nhà lá bên kia sông có mấy chị đàn bà đang đứng ngoắc chồng con về ăn cơm. Mấy anh chồng nhảy tót lên sàn rồi cặm cụi buộc dây xuồng, mấy đứa con nít thì rửa tay một cách vội vã, tất cả từ từ dắt nhau trở vào nhà. Một cảnh tượng thật bình dị mà yên ấm biết bao.
Bất giác, Liên ngả đầu tựa vai anh.
- Anh Đạt, em thích hoàng hôn.
- Ừm. – Đạt chuyển tay xuống thấp hơn tí nữa. Không biết là vô tình hay cố ý mà tay anh chuyển tới chỗ eo bị lộ ra qua đường xẻ của hai tà áo thì mới dừng lại.
- Tuy ánh nắng của hoàng hôn là ánh nắng của ngày tàn, nhưng với em, đó là ánh nắng đẹp nhứt trong ngày.
- Ừm.
- Không hiểu sao cứ đến buổi chiều là em có nhiều cảm xúc. Người ta nói bình minh mới là khoảnh khắc đẹp nhứt. Em cũng đã nhiều lần ngắm bình minh, bình minh đẹp thiệt, có điều… em vẫn thích hoàng hôn. Cái khoảnh khắc khi mặt trời sắp lặn, nó kì lạ lắm! Anh biết hông, rất nhiều lần, em như thấy mặt trời đang nhìn em mỉm cười, rồi ông đưa tay vét hết tất cả những tia nắng còn sót lại mà rải lên đầm sen trước mặt em. Từng đóa sen ưỡn mình khoác lấy những tia nắng cuối cùng rồi xoay vòng trong gió. Màu nắng hóa tấm áo mong manh vàng hực, giúp màu cánh sen dù trắng hay hường đều trở nên lộng lẫy.
Thấy cô mơ màng, anh nghịch ngợm dùng mấy ngón tay quẹt nhẹ lên eo cô. Mấy ngón còn duỗi thẳng rồi đưa đầu chui vào tà áo.
- Vợ anh khéo tưởng tượng ghê đa.
Liên liếc anh một cái rồi khẽ nhẹ lên mấy đầu ngón tay “mất nết” kia, khiến chúng biết thân biết phận mà lui khỏi tà áo, rút ra phía sau lưng.
- Anh này! Em đang nói chuyện đàng hoàng mà anh cứ phá em.
- Anh làm gì kệ anh. Em cứ nói đi, anh nghe mà.
Liên mất hứng. Mặc kệ anh thúc giục, cô không thèm nói nữa. Cứ thế cô đưa mắt nhìn về phía chân trời. Mhưng giận hờn chẳng được gang tay, cô lại quay đầu nhìn anh mà hỏi.
- Em đố anh, ông mặt trời vui nhứt là lúc nào?
Không cần suy nghĩ anh cũng biết câu trả lời trong đầu cô. Nhưng anh vẫn làm bộ trầm tư y như vừa gặp phải câu hỏi cực kỳ hóc búa. Phải đảo mắt mấy lượt, phải chớp mí mấy lần mới đưa ra câu trả lời.
- Là buổi chiều.
- Sao anh nghĩ vậy?
- Vì anh thích hoàng hôn.
Tưởng anh thực sự có chung sở thích với mình, Liên hồ hởi.
- Tại sao anh thích hoàng hôn?
- Vì em thích hoàng hôn.
Liên giận vì thấy mình bị bỡn cợt.
- Hửm? … Anh chọc ghẹo em!
- Không hề!
- Anh chỉ nói cho em vui, anh không thiệt lòng gì hết.
- Không hề. Anh nghĩ sao thì nói vậy.
- Vậy, anh nói thử, tại sao ông mặt trời lại vui nhứt vào buồi chiều.
- Tại buổi sáng ổng vác nặng tới oằn vai, buổi chiều thì không vác gì, nhẹ nhõm nên ổng vui.
Mắt Liên tròn xoe.
- Vác? Ổng vác cái gì mà nặng?
- Vác nắng! Cả bầu trời đầy nắng, chỉ một mình ổng vác, làm sao không nặng cho được! - Thấy Liên còn ngơ ngác, anh nói thêm - Thì hồi nãy, em nói đó, ổng phải vét hết nắng rải xuống mới mỉm cười ra về. Có phải là do nhẹ gánh nên ổng vui hơn hay không?
Liên che miệng cười nắc nẻ. Cách giải thích thật giống với lần đầu anh đoán tên cô. Cũng tự cao, tự đại một cách… “khó ưa” như vậy.
- Em không ngờ anh tưởng tượng hay vậy đó.
Đạt tiu nghỉu.
- Sao em cười anh, anh nói không đúng hả?
Liên mím môi lắc đầu.
- Không! Không đúng chút xíu nào!
Đạt thấy hoài nghi. Tuy nãy giờ anh có hành động chọc ghẹo nhưng mỗi câu cô nói, anh đều nghe thiệt kĩ. Chiếu lý mà nói, thì đó là câu trả lời quá hay, quá đúng rồi còn gì.
- Vậy thì tại sao ổng vui vào buổi chiều?
Liên cố suy nghĩ câu trả lời. Phải cho anh biết tay một lần. Để anh biết cô không dễ bị ăn hiếp. Liên nhìn mặt trời rồi nhìn anh.
- Tại… ổng sắp được về nhà ăn cơm với vợ.
- Hả? Ha ha ha…
Đạt cười một tràng giòn giã. Câu trả lời của cô đúng là ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nó không đủ khiến nụ cười của Đạt nở giòn như vậy, mà cái chính là vì câu ấy được thốt ta từ miệng một người như cô, vì cái ánh mắt đắc thắng khi đã dằn mặt được anh của cô. Té ra, cô cũng biết chọc ghẹo, biết trả đũa, biết hơn thua với người khác nữa đó. Không chỉ thế, cô còn biết liếc, biết trừng mắt, biết kênh mặt… Nói chung, hễ đàn bà có thói xấu nào thì cô có thói ấy. Có điều, sao mấy thói đó của người ta thì thấy ghét còn của vợ anh thì thấy dễ thương hơn hẳn.
Có lẽ, đây mới chính là thế giới của ái tình thưc sự. Lời của người mình thương nói là âm thanh dễ nghe nhất, cảm xúc trên khuôn mặt người mình thương luôn là bức tranh tươi đẹp nhất. Được ở bên người mình thương, thậm chí không cần bất cứ í do gì cũng thấy vui. Bởi cái lý do duy nhất người ta cần có để vui là được ở bên người mình thương.
Giữa không gian chập choạng của gam màu tranh sáng tranh tối, hai người nắm tay trở gót về nhà. Không ai vội vã. Cũng không ai sợ hãi mà đêm. Bởi trong lòng họ, ngay cả màn đêm cũng ẩn chứa những điều diễm tuyệt. Khi có nhau trong đời, ban mai bình minh, hoàng hôn nắng tắt hay đêm đen thăm thẳm cũng không có gì là khác biệt. Một ngày hẹn hò chẳng giống với hẹn hò đã khép lại.
Về tới nhà thì trời đã tối mịt. Cả hai tới gõ cửa phòng ông Duy và bà Ngự để thưa hỏi thì ông Duy giữ Đạt ở lại để nói chuyện riêng, nên Liên lên phòng trước.
Đạt lững thững bước về phòng thì gặp Thành ở đầu cầu thang. Anh nhìn Đạt một lượt từ đầu đến chân rồi nói giọng trách móc pha chút bỡn cợt.
- Chịu về rồi đó hả? – Nhìn Đạt đứng im cười mỉm, Thành liếc em mình rồi nói tiếp với vẻ quan tâm – Cha quở chú dữ lắm không?
Đạt lắc đầu.
- Dạ không, cha chỉ quở chuyện em bỏ bê công chuyện và vắng nhà nhiều quá thôi.
- Vậy à? Cha không nói gì khác nữa sao?
- Nói gì là nói gì hả anh?
Thành tự mình lẩm bẩm.
- Chắc là cha chưa biết chuyện đó.
Đạt bắt đầu thắc mắc.
- Chuyện đó là chuyện gì?
- Khi chú không có nhà, cha có biểu thơ ký Lĩnh đem sổ sách tới để kiểm tra.
- Sổ sách của em vẫn bình thường thì sao cha lại quở em.
- Chú tưởng tui không biết gì sao, trong sở có hai chiếc xe, tiền thuế má, tiền sửa chữa thì đứng tên của hãng, còn tiền thu vào thì trống không, chắc do cha thấy sổ sách không bị thâm hụt nhiều nên cha mới không để ý đó thôi.
Đạt đã hiểu là Thành muốn nói tới chuyện gì.
- Chuyện đó thì em đã giải quyết xong rồi.
Khi Đạt cưới Liên chưa bao lâu thì hai Chỉ tìm tới, hắn ngỏ ý muốn hùn vốn với anh nhưng anh từ chối. Theo qui định của nhà cầm quyền Pháp, muốn mở hãng xe thì phải có cơ sở vật chất như địa sở, bến bãi và ít nhất là phải di chuyển năm tuyến một ngày. Hãng của Đạt có mười chiếc, vả lại anh không hề thiếu vốn. Đạt mở hãng chưa bao lâu thì hai Chỉ cũng mua hai chiếc và hắn đem tới chỗ anh nhờ kí gởi theo kiểu chia phần trăm. Đạt không hề muốn có bất cứ quan hệ gì với hai Chỉ nhưng nể mặt Liên, anh đành chấp nhận.
Tuy nhiên số tiền kiếm được, hai Chỉ đều bỏ túi riêng, phần tiền phải chia thì cứ khất lần hồi, thêm vào đó, xe hai Chỉ quá cũ nên hay hư hỏng, để nằm yên trong kho thì không được vì tuyến xe đã được đăng kí, không chạy thì bị phạt, thế nên Đạt phải cho người tới sữa, phần chi phí sửa xe, hai Chỉ cũng làm ngơ. Bao nhiêu tiền lời kiếm được hầu như phải gánh qua phần của hai Chỉ. Những ngày Liên với Đạt xảy ra lục đục, tâm trạng anh lúc nào cũng nóng nảy bực bội nên anh quyết định loại hai chiếc xe của hai Chỉ ra khỏi hãng mình, hành động đó đồng nghĩa với việc anh không hợp tác với hai Chỉ nữa, và dù Hai Chỉ cũng đã tới tìm anh mấy lần nhưng anh kiên quyết không đưa xe làm ăn với Hai Chỉ nữa.
Vì đó là chuyện làm ăn của Đạt, hơn nữa, anh đã giải quyết cách đây mấy tháng nên ở nhà không ai biết, nếu không vì Thành tới coi sóc trong thời gian anh ở nhà vợ thì Thành cũng đã không biết, nhưng nếu đã không biết thì thôi, biết rồi thì không thể không nói, Thành tiếp tục cằn nhằn.
- Chính chú đã từng nói, làm ăn mà huề vốn thì cũng coi như là lỗ, thà không làm còn hơn. Cả chú với tui đều biết Hai Chỉ là người như thế, vậy mà chú còn dính dáng tới hắn.
Đạt nhìn anh trai mà chỉ biết im lặng, anh thấy xấu hổ vì mình đã từng nói vậy nhưng lại không thể làm được theo những gì mình đã nói.
- Em cũng đã dứt khoát với Hai Chỉ rồi, anh đừng rầy em nữa.
- Phải rầy cho chú chừa, rầy bao nhiêu đó chưa đủ đâu.
Đạt vỗ lên vai anh rồi cười khì khì.
- Vậy thì ngày mai anh rầy em tiếp, bây giờ thì em mệt rồi.
- Đi chơi với vợ cả ngày thì không sao, mới nói có mấy câu thì kêu mệt. Tui cũng đâu có quởn, chuyện của chú thì chú tự lo, mai mốt thiếu tiền thì đừng có mà tới mượn tui.
Thành nói xong thì bỏ đi. Đạt chỉ cười mà nhìn theo. Anh biết Thành lo anh. Chuyện làm ăn, chuyện về Hai Chỉ, anh biết mà Thành cũng biết nhưng chuyện làm chồng và làm rể nhà người ta thì chỉ có anh biết còn Thành thì không biết.
Đạt thoáng suy nghĩ, có lẽ ngày trước là vì Thành không yêu Huệ nên anh mới nói và làm mà không cần bận tâm như thế, Thành không cần quan tâm Huệ nghĩ gì về mình, không cần lo chuyện mấy cô em vợ nói những gì về mình.
Cũng giống như anh khi đó, cái thời mà anh chưa thật sự yêu ai, đến việc cô gái đi bên cạnh nghĩ về anh như thế nào, anh còn không mấy quan tâm thì nói chi tới chuyện anh lại đi quan tâm tới cách nhìn của bà con họ hàng của cô gái ấy. Bây giờ thì mọi chuyện ngược lại hoàn toàn. Sự đời đúng là kì lạ, phải chăng đó chính là duyên nợ mà ông bà ta hay nói tới.