Rũ bóng nghiêng chiều p3 - chương 04 - trở về

Dãy phòng phía bên hông chánh điện có đặt nhiều bàn tròn trước hiên rộng để khách thập phương ngồi uống trà đàm đạo. Bửu giữ đúng như lời, đợi cô đã ngồi vô bàn, anh mới bước lên, chọn bàn ngồi cách Liên tầm hai thước. Bàn giữa có hai người phụ nữ đứng tuổi đang chuyện trò vui vẻ. Nhìn cách ăn vận, có lẽ là người khá giả.
- Nãy nghe nói, sư trụ trì phải tới chiều tối mới về hả chị?
- Đúng đa. Sư thầy đị tụng cầu siêu cho nhà ông Duy thì phải. Chậc! Cái nhà ông Duy đó cũng lạ, nhà có hai thằng con trai mà lúc chết hổng thấy thằng nào chống gậy.
- Chị nói ông Duy nào? Có phải ông Hai Duy chồng của bà Ngự, nhà ở xóm…
Câu chuyện cứ thế diễn ra… Nắng chiều đã nhạt nhưng trước mắt Liên cứ quay mòng mòng. Cô lập cập đứng thẳng dậy, bàn bị xê dịch còn ghế thì ngã lăn quay. Bụng Liên bị đụng trúng khá đau nhưng cô không thèm dể ý, cứ cắm đầu chạy như bay ra cổng. Bị Bửu giữ lại, cô vùng vẫy như điên.
- Chiều rồi. Để sáng mai anh chở em đi.
- Không! Em phải đi! Buông em ra. Làm ơn buông em ra! Em phải về nhà.
Liên đã mất bình tĩnh. Cô gào thét. Bửu phải nhượng bộ. Anh ra sức hét thật lớn để cô có thể nghe thấy tiếng của mình, và giúp cô ra khỏi cơn bấn loạn.
- Được rồi. Chờ một lát, anh vô lấy xe chở em đi. Nhớ đứng đây chờ anh.
Liên vô thức gật đầu lia lịa. Nhưng khi Bửu quay vào thì cô bung chạy. Trong đầu cô chỉ còn một ý thức duy nhất là phải tới nhà Đạt, phải tới đó cho bằng được. Nếu không bắt được xe ngựa thì cô sẽ lội bộ.
Xe chạy một mạch, tới nơi thì sẩm tối. Chưa đầy một năm mà căn nhà trống vắng tới lạ lùng. Từ ngoài cửa, Liên đã ngửi được một mùi nồng nặc rất đặc trưng. Mùi của nhang khói, của giấy tiền vàng bạc… của thê lương và tang tóc.
Phía cửa buồng bên phải có dựng một bàn thờ còn phủ vải xô gai trắng toát, bông, trái cây, cơm cúng vẫn còn. Di ảnh ông ông Duy trang nghiêm chính giữa.
Liên quỳ trước bàn thờ và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Có tiếng chạy lẹp bẹp tới cửa buồng, tiếng chạy rất lạ, rất đáng yêu. Bé Khanh đứng khép nép nhìn, trên đầu bé còn vành khăn tang chấm đỏ. Liên vụt tới ôm con thì bé bỏ chạy và òa khóc.
Chưa ra tới bàn thờ, bà Ngự đã khựng lại. Giữa bóng tối mịt mù, dáng bà gầy guộc, mất hẳn cái vẻ trung niên khỏe khoắn. Trước đây, so với má cô, bà hào sảng và mạnh mẽ hơn bao nhiêu thì bây giờ, tàn tạ và già nua bấy nhiêu.
Nhanh với dì tám vừa xuất hiện đã mếu máo, nức nở không thôi. Liên muốn hỏi cho rõ ràng mà chưa thể. Chỉ khi Lê phải ôm bé Khanh lên phòng theo bà Ngự, Liên với dì tám mới có dịp trò chuyện cùng nhau.
Hai cái bóng hắt lên vách tường lạnh lẽo, tưởng chừng như cả thế kỉ đã trôi qua. Liên hỏi rất nhiều. Dì tám cũng muốn kể hết cho cô nghe, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu mới phải.
Sau khi Đạt khỏi bịnh, anh rất ít về nhà, Thành cũng biền biệt như cánh chim bay. Nhà đông người nhưng gần như tĩnh lặng. Ông Duy cũng tính chuyện kiếm người làm mai cho Đạt một đám. Trong lúc bàn bạc với bà Ngự thì ông ho vài tiếng. Dì tám liền bưng lên mớ mứt gừng mà Liên đã làm. Sau khi nghe dì nói, Liên đã làm nó dành riêng cho ông nhấm nháp với trà vào những khi trời trở gió. Trong lúc ông trầm ngâm thì bà Ngự cắn nhẹ miếng trầu. Đây là loại trầu ngon, Liên đã dặn riêng cho bà..
Sau bữa đó, chuyện mối mai cho Đạt cũng không nghe ông đả động. Dì tám đoán, ông đã mềm lòng nhưng vì cao ngạo nên chưa thể xuống nước. Bà Ngự hỏi tới, ông chỉ nói đợi Đạt về rồi tính tiếp.
Nhưng Đạt đi khoảng đầy tháng thì nhà nhận được tin dữ. Ngoài ấy lúc đó đang là mùa đông, bão lẫn mưa phùn trơn trợt nên xe Đạt lạt tay lái, té xuống vực không biết sống chết ra sao.
Bà Ngự ngất đi không biết bao nhiêu lần. Còn ông Duy thì lập tức nhờ người ra đó tìm kiếm. Nhưng ông trở về chỉ có một mình. Sau vài đêm suy tính, ông quyết định gởi cho Liên mốt lá thơ, còn cái thơ thôi vợ là khi Đạt bịnh liệt giường, ông đã cầm tay anh điểm chỉ. Ông tự thấy mình quá tệ bạc với cô, biết cô là vợ hiền, dâu thảo nên không muốn làm dang dở đời cô. Vài tháng sau thì ông mất.
Do nhà này đã đoạn tuyệt với cô trước nên không ai còn mặt mũi gọi cô về. Và hôm nay, là ngày cúng tuần bốn mươi chín ngày của ông.
Câu chuyện mới nghe được nửa chừng thì Liên gục mặt xuống mặt bàn, ngất lịm.
Cả người Liên trôi nổi. Con sóng cao quá đầu dập xuống, ngực cô bị đèn nén. Cô không thở được, một chút cũng không. Nhưng cô không biết bơi, mà xung quanh chỉ một màu đen tối. Cô cần phao, cần ánh sáng, cần hít thở…
Một bàn tay chìa tới. Là Đạt. Chỉ có Đạt. Chắc chắn là anh. Vì anh đã hứa sẽ về với cô, rồi cả nhà cùng nhau đi chơi đâu đó. Anh là người lì lợm, lúc nào cũng nhất quyết bám lấy cô, anh sẽ không bao giờ để cô phải chịu cảnh cô liêu trơ trọi. Anh nhất cứu cô ra khỏi vùng biển tối tăm này.
Liên quơ quào tán loạn và cố nắm chặt bàn tay như thứ duy nhất để sinh tồn. Cô la thất thanh tên Đạt rồi bật dậy. Ánh đèn vàng loe loét không thể che được màu trắng tóc tang, sự thê lưng m đạm như khối đặc khắc vào từng mảnh ván, sự ấm nóng cùng hơi ẩm ướt của bàn tay giúp thần trí trở về thực tại.
Khi nhận ra bàn tay kia không phải của dì tám, Liên lập tức quăng đi, lui người vào bên trong. Cô cuống quít nhìn, kiểm tra quần áo, dù trên dưới vẫn chỉnh tề, mắt cô vẫn lóe lên vẻ hung dữ mà Bửu chưa từng được thấy, như thể trước mặt cô là một thứ dơ bẩn, đầy khinh bỉ vừa xổng ra từ địa ngục.
- Ai cho phép anh đụng tới tui? Anh đã làm gì? Nói mau!
Đây là những thứ Bửu nên nhận từ lâu. Nếu bị chửi thậm tệ hơn nữa, anh cũng không bao giờ hờn trách. Anh chỉ tiếc, nó tới không đúng lúc, khi mà người anh thương đang đau khổ, anh lại không đủ tư cách để bên cạnh an ủi cô như một người bạn bình thường.
Bửu lẳng lặng đi về phía bên kia bàn khi thấy dì tám vén màn đi ra. Chiếc khăn rằn vắt hờ hững trên vai tụt xuống, dì cứ phải hất lên. Xong xuôi mới vỗ lưng Liên.
- Hồi nãy, mợ xỉu. Tui phải nhờ ông đây đưa mợ lên ván nằm đó đa. Bóp tay, thoa dầu mà mợ không tỉnh, tui định chạy mời thầy… Mới xuống nhà dưới lấy cái khăn, còn chưa kịp đội… - rồi dì nhìn Bửu với vẻ cảm kích - Ông đây cũng lo cho mợ lung lắm! Mợ đừng nghi oan cho ông tội nghiệp – Thấy Liên định tuột xuống ván, dì giữ lại – Mợ ba, trời cũng tối rồi, hay… mợ với ông đây cứ nghỉ lại đêm nay, chờ sáng mơi hẵng về. À, hồi nãy, ông đây đã cho người đi báo với bà thông gia bên nhà, mợ yên tâm nghen mợ. Chèn ơi, giá như biết trước, đó thì… Mai mốt có dịp lên Mỹ Tho, hổng ấy… mợ với bà thông gia cứ tới đây, tiện thể ở chơi vài bữa. Nhà này bây giờ…. Trống trải lắm mợ ba ơi!
Nói tới đây, dì tám không kiềm được, giọng dì nghèn nghẹn. Dì sụt sịt vài tiếng rồi cầm khăn chùi mũi. Nước mắt Liên, tự dưng cũng chảy theo dì.
Nếu biết duyên phận mỏng manh, thương yêu đứt đoạn, hương tình ngắn ngủi, hôm đó, dù có chết, cô cũng không rời bỏ anh. Và, biết đâu, mọi chuyện đã khác. Trăng ngoài kia sáng cả bầu trời, khắp căn phòng nhuộm màu bàng bạc, phủ lên chiếc bóng đầy cô độc. Lớp bụi mỏng dính vào khi tay Liên chạm lên từng thứ. Đám bông giấy ngoài ban công phủ đầy trên nền. Vùi mặt xuống gối, cô gọi tên anh cho tới khi khàn giọng.
Đã lâu rồi, dì tám không còn khóc nữa, nhưng hôm nay, dì cũng không thể cầm lòng trước sự bi lụy của Liên. Ngó thấy Bửu đang đứng một mình bên ngoài dì mới nhớ tới chuyện cần làm. Chắc hẳn hai vị khách này vẫn chưa kịp ăn bữa cơm chiều. Dì mời mọc rồi nhanh chân đi ra phía cầu thang để xuống bếp, ttanh thủ dọn cơm. Nhưng chưa kịp bước xuống bậc thang thì dì nghe tiếng Bửu hét lên. Ngoảnh lại chỉ thấy bóng anh hắt lên vách tường đối diện cửa.
Dì lập tức quay lại rồi đứng như trời trồng. Một nửa thân người Liên đang chới với trên lan can. Mái tóc dài bung xõa, phơ phất ngang ánh trăng treo, mang đầy âm khí. Dì rùng mình. Phải tới lúc Bửu gọi trúng tên dì, dì mới hoàn hồn chạy tiếp ứng.
Chờ tới khi Bửu đã kéo Liên vào sâu bên trong, dì ngồi bẹp xuống nền. Không thể ngờ, mợ ba của dì ại dại dột tới vậy! Dì vừa thở hổn hển vừa khóc lóc ỉ ôi.
- Cậu ba sống khôn thác thiêng, không bao giờ muốn mợ làm như vậy. Mợ phải nghĩ tới cô Khanh chớ mợ. Cô đã không còn cha, mợ đành lòng để cô mất mẹ…
Bửu cũng gào thét.
- Má em còn ở trong chùa chờ em đó Liên. Còn bao nhiêu người yêu thương, lo lắng cho em, em nỡ lòng nào lìa bỏ họ, bắt họ phải đau khổ vì em!
Liên òa khóc. Nghĩ tới tháng ngày sắp tới, cô không biết mình phải đối mặt ra sao? Đạt nói đúng, “sanh ly vẫn hơn tử biệt”, và chỉ khi ở trong hoàn cảnh này mới thấu được ước vọng về một hơi thở mong manh trong xác thân bất động. Tim Liên quặn thắt từng hồi.
- Em biết rồi. Biết cảm giác đó như thế nào rồi. Cho nên, anh hãy về với em đi. Anh Đạt ơi!
Sau một hồi lẩm nhẩm mấy câu không đầu không đuôi thì Liên leo lên giường nằm co ro. Cô không còn kích động như ban nãy. Nhưng sự im lặng bất thình lình thế này cũng khiến người ta sợ hãi.
Lúc này, dì tám đã xuống dưới nhà lấy nước, còn Bửu thì đang ngồi lưng ngoài ban công nhìn vào. Tim anh vẫn còn đập mạnh. Xung quanh anh, bông giấy đã bị giẫm nát, phân tán thành từng nhúm. Hồi ở nhà, hầu như chiều nào, Liên cũng ra hàng ba nhìn bông giấy, mà cây bông giấy ở đây lại được trồng ngay dưới phòng. Bất giác, Bửu cầm một đám bông lên, bóp chặt như muốn đánh tan tất cả hình ảnh của Đạt còn vấn vít đâu đây.
Nếu không phải vì ngăn Liên tự vẫn, anh sẽ không bao giờ bước chân vô tổ ấm của người anh thương cùng một người đàn ông khác. Tuy anh hèn hạ, không từ thủ đoạn để tranh đoạn tình yêu, nhưng Bửu vẫn là đàn ông, vẫn có tự trọng của riêng mình.
Ừ, đó là tự trọng của Bửu. Cái tự trọng mà vừa chớp mắt một cái, anh đã hối hận ngay lập tức. Vì Liên vừa chạy ra khỏi phòng, nếu anh chịu ngồi gần giường cô trong hay ở đâu đó trong phòng thì có lẽ anh đã cản được. Chớ không phải hối hả chạy theo sau cô.
Cũng may, Liên không chạy ra ngoài mà chạy vô một phòng khác. Lúc Bửu tới cửa, cô đã đang ở bên trong. Sau khi kêu lên một tiếng “má” thì cô chầm chậm tiến tới giường.
Bà Ngự đã ngồi dậy, tròng mắt mờ đục nheo nheo. Nhận ra người trước mặt là Liên, bà thẳng lưng, sửa lại áo xống, chờ đợi.
Đứng bên ngoài, Bửu còn thấy được vẻ phòng bị, khi tay bà đặt lên cô cháu đang say ngủ. Sự im lặng của Liên cùng sự trịnh trọng của bà, giống như đang chuẩn bị sẵn sàng cho một trận sống mái. Trừ Liên, Bửu và bà Ngự đều có chung một suy nghĩ: Liên muốn bắt con về.
- Má… Con xin má… hãy cho con được về đây để tang cho cha với anh Đạt!