Rũ bóng nghiêng chiều p3 - chương 06 - Bửu bị đuổi
Cách có một ngày, Bửu và Châu đã đem đồ lên. Không chỉ vậy, cả hai còn mua cho Khanh bao nhiêu thứ. Liên ái ngại, nhưng Bửu nhét thẳng vô tay cô, còn nói, mấy thứ này anh mua cho bé Khanh chớ không phải cho cô nên cô không có quyền từ chối. Để công bằng, cô hãy hỏi ý Khanh. Dĩ nhiên, con nít thấy đồ chơi chỉ biết giữ chặt chớ đời nào chịu buông.
Đành nhận vậy. Nhưng chẳng lẽ, nhận quà xong thì mới hai người về cho chóng. Khách tới nhà, không trà thì nước, rồi nói dăm ba câu cho có chuyện gọi là. Cư xử đúng mực, ít ra phải vậy.
Sau đó thì mời ăn cơm, nghỉ lại, nhắn nhủ rảnh rỗi tới chơi… Cái này là dì tám lên tiếng chớ không phải Liên đâu. Khổ nỗi, dì mau miệng còn rất chi nồng nhiệt, Liên lại bị dì đặt vô thế khó mà dì đâu có hay biết. Dì cứ mặc kệ vẻ miễn cưỡng của cô để đon đả chào mời.
Không phải dì muốn vượt quyền của chủ. Kể từ khi Đạt, rồi ông Duy mất cho tới nay, bà Ngự vẫn chưa xốc lại tinh thần, hễ dì thưa thì bà biểu, dì muốn gì cứ làm nấy, chuyện không cần thiết, bà chẳng muốn quan tâm. Riết rồi, dì thành người quyết định mọi thứ.
Ngoài dì, chỉ còn Sửu với Nhanh, căn nhà từ đó quạnh hiu phát khóc. Ngày nào nhìn mâm cơm dì cũng mơ tới cái cảnh đông đúc xôm tụ hồi xưa, huống chi hai người kia là bà con quyến thuộc của mợ ba. Trong lúc khó khăn vẫn tận tình lui tới, nhất là Bửu, nên dì có chút thiện cảm.
Dì còn dọn sẵn một phòng trên lầu, cạnh phòng Liên, đặng hai chị em Liên có thể cùng nhau chuyện vãn. Lúc Châu nhận lời ở lại chơi thêm vài bữa, dì hí hửng ra mặt. Dì tính kĩ rồi, dì chỉ mất công dọn dẹp nhưng lại thu về nhiều điều có lợi. Nè nha, một là vui nhà vui cửa, tay nghề dì có người thưởng thức, hai là giúp Liên khuây khỏa, mà cái chính là canh chừng cô luôn thể. Chỉ mới có mấy ngày, ai biết cô còn nghĩ quẫn hay không… rủi cô như lần trước… Thiệt tình, dì lo lung lắm!
Trái với dì, Liên gượng gạo kém vui. Xưa rày, cô với Châu chẳng thân thiết mấy, nói được vài câu coi như hết chuyện. Nhưng sự có mặt của Bửu như bóng ma đè nặng, nó khiến Liên luôn thấy bất an. Đêm nào cũng vậy, trước khi lên giường, cô phải tự tay chốt chặt cửa, cẩn thận y như sợ trộm, hễ nghe tiếng động nhỏ cũng thấp thỏm đề phòng.
Nhưng không phải bóng ma nào cũng khiến cô đề phòng hắt hủi. Có một linh hồn, mà dẫu phách quế hay chỉ khói mờ sương ảo, Liên cũng muốn được gặp một lần.
Ròng rã mấy đêm thức trắng, anh vẫn không về. Chợt nhớ mấy câu chuyện khi xưa được kể, người đã chết chỉ có thể gặp trong chiêm bao.
Rốt cuộc cũng toại nguyện. Khi cơn gió nam mát rượi thổi vô tới tấp. Đám lá cây rào rạt thốc lên. Mép cửa đập nhẹ lên nhau. Tấm màn lay động ẩn hiện môt bóng hình. Dù không nhìn rõ mặt nhưng chắc chắn là Đạt. Là anh nghe lời cô khấn nên về để thăm cô. Cô bật khóc và gọi lớn. Nhưng anh không quay lại. Bóng đen tan ra thành làn khói mỏng, trượt qua khe cửa mất hút. Liên chạy theo mải miết. Đến giữa đoạn đường thì làn khói ấy hợp lại thành hình, Liên lao về phía trước. Có cánh tay cứng chắc giữ chặt chân cô. Liên quẫy đạp, cố rướn tay cho tới khi thức giấc.
Chưa kịp hoàng hồn thì tiếng Bửu đang văng vẳng ngoài kia, cánh cửa lớn bị đập ầm ĩ. Tiếc nuối giấc mơ lúc nãy, Liên cô phớt lờ rồi nhắm mắt lại, nhưng tiếng gõ cửa lẫn tiếng Bửu chưa chịu dừng.
Vừa tháo chốt, Liên lập tức giơ tay tát thẳng lên má Bửu. Giọng cô đay nghiến.
- Tại sao anh làm vậy? Khó khăn lắm anh Đạt mới chịu về thăm, tại sao anh lại không cho tui gặp ảnh?
Bửu trơ như tượng, quên luôn cái tát vừa rồi. Anh thực sự không biết cô đang nói về chuyện gì. Ngó mắt nhìn qua cửa phía bên kia, hình như vẫn đóng. Không, chắc chắn là nó vẫn đóng, vì đêm nay sáng trăng, nếu nó mở thì sẽ có vệt sáng trên nền gạch. Đau lòng quá độ cũng dễ bị thần kinh, cô lại thương nhớ chồng như vậy, rủi như…
- Em nói gì vậy Liên? Đạt… chết rồi mà.
Liên kích động gạt tay Bửu. Cô không điên, cô rất tỉnh. Có những sự thực, không phải người ta không tin, chỉ là người ta cố lờ nó đi. Bửu không hiểu! Hoàn toàn không hiểu! Một ai đó có vùi thân dưới bao nhiêu lớp đất đi nữa, một khi họ còn sống tồn tại trong tâm tưởng người ở lại thì đồng nghĩa với việc họ còn sống, sống hoài, sống mãi…
Có gì ai cũng nói tới chữ chết, cớ gì bắt cô nhìn vào sự thực? Sao không nghĩ cho cô, nếu không làm như vậy, thì cô không thể che đi nỗi đau đang quằn quại trong tim.
- Anh Đạt còn sống! Ảnh còn sống!... Anh nghe rõ chưa!
Đóng cửa lại, Liên thổi tắt hết đèn, hi vọng bóng tối sẽ đem anh trở lại.
-----------------------------------------------------
Mấy trò cảm giác mạnh như nâng lên hạ xuống, cõng trên vai chạy, giả làm ngựa cưỡi… nói chung phải dùng cơ bắp, luôn có sức hấp dẫn cực kì với con nít. Đó là lí do đàn ông dễ dụ con nít hơn.
Do đó, Bửu nghiễm nhiên trở thành vị cứu tinh cho cả nhà những khi bé Khanh nhõng nhẽo, không chịu ăn uống.
Ai thương con bằng Liên, ai chiều cháu qua bà Ngự, mà lắm lúc… còn phát bực, phải gắt lên vài ba tiếng. Nhưng Bửu thì không, lúc nào cũng nhỏ nhẹ dỗ dành, chiều chuộng Khanh hết mức. Từ đó, Khanh quấn quít với anh luôn. Có mấy đêm, Khanh ham chơi, bà Ngự không đợi nổi đành đi ngủ trước, nên thỉnh thoảng, Bửu dỗ bé ngủ.
Đằng nào Bửu cũng phải về, sợ con khóc nếu xa Bửu, Liên cố tách Khanh ra rồi dụ dỗ, làm thân với bé. Ban đầu thì bé chịu, nhưng một hồi lại đòi Bửu cho bằng được.
Tiếng trẻ con cười tíu tít, hồn nhiên như chú chim non cất vang tiếng hót giữa giàn thiên lí xanh tươi, cả ngôi nhà như được khơi một nguồn sống mới. Nhìn Bửu dạy Khanh chơi đập tay, Liên không khỏi chạnh lòng. Khanh mồ côi cha khi còn quá nhỏ, rồi đây, con sẽ lớn như thế nào? Liệu Liên có làm tròn bổn phận, vừa làm cha vừa làm mẹ?
“Chi…a”… “cha”… “ma…á”…
Từng tiếng nói phát ra đứt quãng, không rành rọt. Cái giọng non nớt dễ thương tới lạ… khiến người nghe không khỏi nhói lòng! Hai mươi tháng rồi, cô mới nghe được tiếng bi bô đầu tiên của con gái. Mấy bữa trước, bà Ngự còn than thở Khanh quá chậm nói so với mấy đứa trẻ khác. Cô còn được đem con đi chạy thầy bốc thuốc. Nay nghe con gọi má kêu cha, Liên mừng suýt khóc.
Liên ẵm con tới gần cây bông giấy, cô chỉ tay rồi dụ nó lập lại những từ quí giá vừa rồi. Nhưng con gái im ru, còn lắc đầu nguầy nguậy, càng thúc ép, con nhỏ càng khóc tợn. Liên không đàn được nên hơi lớn tiếng, đôi bàn tay nhỏ đẩy cô ra rồi hướng về phía Bửu đang từ xa đi tới. Thấy Bửu chìa tay, nó càng mừng rỡ, cuống quít mấp máy đôi môi.
Sau một hồi cố gắng, tiếng “cha” lại vang lên. Liên tái mặt. Một nỗi sợ mơ hồ đánh động lên tâm trí. Cô bế con chạy lên phòng, rồi ở miết trên đó. Cô không cần tiếng “má” đầu tiên, nhưng tiếng “cha” cất lên từ đôi môi non nớt chỉ được dành cho một người. Một mình Liên nói, một mình Liên cười, rồi một mình cô khóc, nửa buổi trời bé không thèm mở miệng, cứ nhìn cô bằng đôi mắt ngây thơ.
Đạt từng khoe, đã chụp rất nhiều hình hồi anh còn ở bên Pháp nên Liên lục lọi hết phòng mà không có lấy một tấm. Chạy hỏi dì tám lẫn bà Ngự, ai cũng nói không có. Vậy là con cô sẽ không bao giờ biết mặt cha nó nữa.
Bửu đứng bên ngoài, nghe rõ tới từng tiếng nấc. Cái lúc ẵm Khanh ra ruộng coi thả diều, nó nghe mấy đứa con nít kêu “cha” nên bắt chước kêu theo chớ anh không chủ ý dạy. Biết Liên phiền muộn chuyện tập nói của con nên anh siêng dạy nó hơn. Dần dà, nó chỉ tập nói khi có anh.
Một khao khát bỗng nhiên vụt cháy, nếu không thể làm cha ruột của con cô, vậy thì… anh sẽ làm cha nuôi của nó. Sẽ cùng cô nuôi nấng, cùng cô dạy dỗ nó thành người.
Lời còn chưa tỏ thì khuya đó Liên chủ động liếm anh bằng… những phát đập cửa ầm ĩ. Tưởng cô có chuyện cần, Bửu lật đật mở cửa. Liên gào thét.
- Mau đi khỏi đây! Tui xin anh! Làm ơn đi khỏi đây!
Bửu không nói được lời nào, cũng không thể hỏi han. Liên như kẻ điên, cứ nắm ống tay áo của anh kéo ra. Bửu băn khoăn, anh đã làm gì sai? Mấy hôm nay, anh đã rất cẩn thận, cố gắng giữ khoảng cách với cô, cũng như vui vẻ, hòa nhã với Châu, yêu thương chiều chuộng Khanh rất mực, đến dì tám cũng có cảm tình… Mọi thứ đang tốt đẹp… Sao tự dưng lại thế?