Rũ bóng nghiêng chiều p3 - chương 09 - Hạnh phúc của mỗi người… không giống nhau đâu

Nhìn con cam phận góa bụa, bà đã đau lòng, những tưởng cho cô tròn phận dâu con thì người ta sẽ suy xét lại, dè đâu… không có chồng mà cô vẫn khổ sở với cảnh làm dâu dưới sự hà khắc của má chồng.
Tuy không thuộc dòng trâm anh thế phiệt, nhưng con do chính bà dứt ruột đẻ ra, bà xót như ai đó đang cào xé ruột gan mình. Còn bao nhiêu sức lực, bà dồn hết lần này để kéo Liên về cho bằng được. Đứa con gái hiền hậu của bà, đứa con ngu xuẩn, đã cam tâm làm trâu ngựa cho những kẻ ngu xuẩn hơn, và nếu bà im hơi lặng tiếng để mặc nó ở lại đây chịu khổ thì bà còn ngu xuẩn hơn những kẻ đó. Người đã thấm mệt nhưng bà vẫn cố sức để kéo cho bằng được.
- Đứng dậy! Theo má! Về! Mau!
Liên không nghe lời, cứ lắc đầu rồi hướng đôi mắt đẫm nước về phía sau. Nhưng đáp lại sự khẩn thiết của cô chỉ là cái phủi tay ngoảnh mặt. Đến khi cả người Liên bị kéo ra cửa, cô mới dám chống trả lại một phần.
- Con không muốn xa con gái của con má ơi!
Cô nhắc bà mới nhớ. Bà đâu thể chia cắt tình mẫu tử của con mình, cũng như bỏ cháu ngoại không lo. Một tay bà nắm chặt đầu khăn vắt ngang cổ. Đã vậy thì bà làm luôn một thể, đặng sau này khỏi dây dưa. Là người ta dứt tình thì đừng trách bà đoạn nghĩa. Bà nhìn xuống dưới bậc thềm, nơi Bửu đang đứng.
- Con có thể phụ dì một tay, giúp dùm con Liên… đặng má con nó đoàn tụ. Chớ ở đây, nó cứ bị hành hạ thì làm sao chịu nổi!
Thấy Liên bị hành hạ, anh đau lòng hơn ai hết. Nếu là trước kia, anh đã sốt sắng lao ra, bất chấp tất thảy để bảo vệ cho cô. Nhưng Bửu của bây giờ đã khác! Kinh nghiệm chua cay bao lần đã rèn cho anh sự bình tĩnh lẫn chai lì. Như Hạnh đã nói, giúp một cách mù quáng chỉ khiến cho mình tự chuốc thất bại mà thôi. Nếu ai đó không chết đuối thì họ cần gì tới miếng ván mục đang trôi. Khi trước, đích thân Bửu lên tiếng nhưng bị từ chối, nay chính miệng bà Chung nhờ, nên anh rất sẵn lòng.
Người bên trong nhà đều thấp thỏm khi Bửu chầm chậm tiến lên. Mặt bà Ngự đã biến sắc, tay chân bắt dầu run rầy nhưng vẫn cố gắng lấy lại bình tĩnh đứng ra ứng phó. Bà biểu Nhanh đang ẵm Khanh ở cửa chạy đi chỗ khác nhưng Nhanh chần chừ. Dù sao, đây cũng là con của mợ ba… Mà mợ sống ở đây thì khổ quá! Mà Ngự là chủ nó... Là bà chịu mướn nó từ khi nó còn nhỏ xíu, tay chân lập cập. Dẫu bà hay la hay chửi nhưng so với những nhà chủ khác thì không tới nỗi hà khắc. Bà chưa bỏ đói nó bao giờ, tết đến còn lì xì, khi nó thắt ngặt mượn tiền, bà cũng cho… Nhanh lùi vô vài bước. Toan chạy thì bé Khanh chòi đạp mạnh, tuột xuống đất rồi ào ra với Bửu.
Bà Ngự sững người vài giây. Ngay sau đó, bà kéo tay Bửu đòi Khanh lại, làm bé khóc nức nở. Sức bà sao bì sức Bửu, còn mấy người kia không biết đang muốn giúp ai mà tay chân líu ríu làm bà thêm vướng. Bị yếu thế, bà Ngự gào thét trong bất lực tận cùng.
- Đây là nhà tui! Cậu không được làm xằng! Cô Liên, cô để người ta bắt cháu tui, để họ hiếp đáp má chồng, cô làm vậy không thấy có lỗi với thằng Đạt hay sao?
Nói xong, bà thở dốc, lim dim mắt rồi oặt người ngất xỉu.
------------------------------------------------
Bà Ngự tăng xông thiệt cũng được, giả cũng chẳng hề, vì Bửu vốn không quan tâm. Chờ mọi người đi hết, anh mới lẻn vô phòng. Mà thực ra, Bửu cũng chẳng có gì để sợ, tuy nhiên nếu không ai biết thì càng tốt, đỡ vài câu nói phân trần vậy thôi. Cho nên, nói “lẻn” cũng không hẳn, “lựa lúc” thì phải hơn.
Thì giờ không nhiều nên anh vô thẳng vấn đề. Bên kia Liên đang lo lắng còn bà Chung thì áy náy, mọi chuyện sẽ chẳng có gì thay đổi nên Bửu muốn mở sẵn một con đường.
Vẻ bất ngờ hiện rõ trong mắt bà Ngự nhưng bà nhanh chóng lấy lại vẻ bình tĩnh kiêu căng vốn có của mình.
- Thay mặt dì, tui yêu cầu bà, từ rày về sau, không được làm khó em Liên nữa. Dì vợ tui đã nói, nếu còn để cảnh này tái diễn, hậu quả chắc bà tự hiểu. Nếu không muốn mất đứa cháu độc nhứt, bà nên biết cách hành xử với em Liên một chút.
Lần này, Bửu thực sự cao tay trong lời nói. Hai chữ “dì vợ” đã đánh lạc hướng được bà.
- Vậy thì cậu cũng nên cho bà sui bên kia biết, con gái ở xứ này, gả đi thì coi như mất. Con Khanh mang họ gì, khai sanh có ghi rõ ràng rành rạnh. Bà ta không bao giờ cướp được cháu tui đâu. Có lên tới toàn quyền Đông Dương, tui cũng kiện tới cùng.
Chà, biết cả toàn quyền thì không phải dạng vừa. So với bà Chung, bà Ngự đúng là tay gian hùng, giỏi mua bán và tính toán. Cũng nhờ bà là người như thế nên Bửu tự tin mình sẽ thắng. Bửu châm lửa đốt thuốc rồi khinh khỉnh.
- Bà định chi bao nhiêu có vụ kiện? Năm ngàn hay năm mươi ngàn?
Xã hội nào cũng cần tiền, đặc biệt dưới sự cai trị của chánh quyền Pháp, bởi họ không bao giờ xét tới chữ tình như người bản xứ, trong mắt chỉ có lý. Và cái lý của những kẻ cai trị kia luôn được uốn dẻo theo độ nặng của mấy tờ giấy bạc.
Nói cho mạnh miệng vậy thôi, chớ thân già của bà làm sao còn đủ sức. Toàn quyền Đông Dương là do bà thường nghe hai thằng con trai với ông nhà nhắc tới chớ người đó ra sao, tên họ là chi còn không biết. Còn mấy con số kia nữa, nó quá sức với bà.
- Hay như vầy đi, để dì tui trình đơn trước, rồi bà đi hầu, vậy sẽ bớt đi nhiều phí tổn.
- Cậu…
Đứng chờ thêm một lát mà Bửu không nghe bà Ngự trả miếng, Bửu thư thả mở cửa đi ra, bỏ lại sau lưng người đàn bà đang tự ôm lồng ngực, môi run run vì tức tối.
-------------------------------------------------
Bên kia bà Chung cũng nặng nề không kém.Hồi cưới, lúc làm lễ lên đèn, bà nơm nớp không an. Chừng đám rước dâu khởi hành một đoạn khá xa thì cặp đèn loan phượng mới tắt, được cái chúng cháy đều và tắt gần như cùng một lúc. Khi ấy bà khấp khởi bao nhiêu thì bây giờ phập phồng gấp bội. Lo lắng không không yên mới gói ghém lên thăm, dè đâu tận mắt chứng kiến cảnh tình đó, tay chân bà bủn rủn.
Phải khi Bửu gật nhẹ đầu ra hiệu, bà mới miễn cưỡng đồng ý cho cô ở lại. Nhưng với hai điều kiện. Một là, không được thề thốt bất cứ điều gì ngu xuẩn như vừa rồi; hai là, phải cho Bửu thường xuyên lui tới coi như thay bà săn sóc.
Điều kiện thứ hai có khiến Liên băn khoăn tới mấy thì Liên cũng phải gật đầu. Cô không dám cãi lời vì biết má ruột lo cho mình, nếu không chấp thuận, dễ hồ gì bà cho cô ở lại. Điều cô đáng lo duy nhất lúc này, chính là tâm tư của má chồng, không biết sau khi bà bình tâm lại, bà có chịu tin cô không?
Một ngày trôi qua, Liên mới thấy mình lo xa quá. Đừng nói tới chuyện làm lôi cô ra cổng, tới cái hơi sức tiếp khách bà còn không gượng nổi. Vậy đó mà hầu như ngày nào cũng có người tới kiếm, ngoài thì vờ thăm hỏi, bên trong thực chất là để thăm dò. Miệng dẻo dẹo mà con mắt liến thoắng dọc ngang, Liên thấy kì kì, ngồ ngộ. Nhưng vì là khách của má chồng nên cô không dám ý kiến, đến chừng chủ nợ ùn ùn kéo tới thì cả nhà mới vỡ lẽ.
Hèn chi bà đau lâu như vậy. Trước giờ bà luôn tự lo, cần kíp thì bàn với Diệp, sổ sách, giấy tờ, tiền bạc… nói chung là tài sản, Liên không hề biết tới. Bà ăn xài thế nào, phận làm dâu đâu dám can ngăn.Cầm chồng giấy nợ trên tay thì mới rõ, nhà chồng chỉ còn cái vỏ, nợ đã ngập đầu rồi.
Đến nước này bà cũng chẳng giấu, mà muốn giấu cũng không được. Bà chỉ tức cho cái sự đời. Bà bệnh chớ có chết luôn đâu mà lũ lượt kéo tới. Báo hại bà sau này mà lành bịnh lại cũng không dám ló mặt ra đường.
Sợ bà buồn rồi bịnh lâu khỏi, cô tìm lời an ủi. Diệp đã lấy chồng nên không thể đứng ra gánh vác, nhà chì còn có cô, bất đắc dĩ, bà phải mở miệng.
- Vậy cô có cách gì không?
- Con tính vầy, má coi được không? Hổng ấy, mình bán bớt đồ đạc trong nhà, trả một nửa tiền lời, cầm cự cho tới khi xong vụ lúa, mình bán lúa trả một nửa, với chuộc một vài miếng ruộng nhỏ. Ráng kéo tới vài vụ sau, thế nào mình cũng trả hết nợ, chuộc hết đất về. Được không má?
Phía bên trong bà Ngự xì một tiếng thiệt lớn. Tưởng gì, cái đó bà nghĩ ra lâu rồi nhưng vì sĩ diện, với lại, đang yên đang lành mà đi bán đồ khác gì tự nhận mình khốn cùng túng quẫn. Chủ nợ mà biết thì bu vô xâu xé lẹ hơn. Nhưng thôi, bị xiết nhà mới là điều mất mặt nhất nên sao cũng được. Mọi chuyện cứ giao hết cho cô. Bà không nói thẳng nhưng bà đang thất thế mà cô thì có hẳn chỗ dựa quá vững chắc còn gì. Không được chục ngàn thì cũng một ngàn, tới năm chục ngàn còn coi như búng tay thì bây nhiêu có gì xá kể.
Hỡi ơi, đời không như mơ. Liên tự biết mình nợ Bửu quá nhiều, và cũng đoán được nếu cô lên tiếng, ắt hẳn anh không bao giờ từ chối. Chính vì như thế cô càng không mở miệng, cái gì tự lo đươc thì cô tự làm.
Ba người bên kia rỉ rả to nhỏ chuyện gì, bên đây Bửu đều nghe hết. Dù tay bận làm trò, còn miệng bận nhe răng cười với Khanh nhưng Bửu vẫn dỏng tai luôn. Hạnh đã khuyên anh kệ, cứ để Liên tự liệu cho biết cái khổ ra sao, anh cũng làm y vậy được mấy hôm rồi, khổ nỗi nghe Liên tính chuyện bưng chén ra chợ ngoài ngồi bán thì anh thấy xót không thể tả. Độ rày lo chạy đôn chạy đáo, cô đã ốm và đen hơn. Nhìn thấy mà đứt ruột. Vậy mà phải giả bộ bàng quan, nỗi lòng anh ai có thấu?
À, có Hạnh thấu đó, thấu tận tường là đằng khác. Vậy nên chị cứ lân la, biểu anh ráng nhịn thêm chút nữa, cứ để Liên khổ thiệt khổ rồi chị ra tay một lần cho ăn chắc. Bửu hỏi phải chờ bao lâu, Hạnh nói mau thôi, chậm lắm là tầm một năm. Trời, mau của chị đó, một năm mà cứ như vài bữa. Liên đâu phải là người chị thương nên chị mới dễ chờ, chớ còn Bửu…
Đang lúc phân vân thì thúng với sọt đã được đem ra, tô chén chất vô hết, lồng gà cũng được trưng dụng. Xe ngựa cũng kêu luôn. Liên với Nhanh ra chợ, còn dì tám ở nhà coi bà Ngự với nhà cửa. Bửu cũng ở nhà chờ, dù bụng dạ anh nôn nao dữ lắm, một lát thì ẵm bé Khanh ra hàng ba đứng ngóng.
Tới xế thì Nhanh đội nón về. Mặt nó bí xị. Chợ đông mà ai cũng đi ngang qua chớ không ghé vô coi, làm hai mợ cháu ngồi ủ ê cả buổi. Sẵn đang cầm đôi đũa bếp, dì tám gõ nhẹ lên đầu nó. Dì đã dặt đi dặn lại, phải rao cho lớn, phải đon đả mời mọc cho mau. Liên dù gì cũng là mợ chủ nên bao nhiêu hi vọng, dì đặt hết lên vai Nhanh. Thấy Nhanh buồn buồn, dì thôi, không rầy nữa. Cũng phải, trước giờ toàn đi ở đợ chớ có mua gánh bán bưng với ai, dì cũng chưa nhưng dì già khố rồi, mặt dày mày dạn rồi, chớ đâu như Nhanh, con gái mới lớn, bị ai nhìn cũng mắc cỡ.
Dì tám trao lại cái vá, dặn nó ở nhà lo cho bà, rồi với cái nón lá rồi xăng xái đi ra. Bửu trầm ngâm từ nãy giờ, cứ nghĩ tới cảnh Liên phải ngồi xó chợ, rao bán từng món đồ là lòng anh xót muốn rơi nước mắt. Chờ dì ra tới ngạch cửa, Bửu nói với theo.
- Dì nói em Liên kiếm tiệm nào đó sang tay rồi về, ngồi chi mắc công.
- Nhưng bán cho tiệm bị ép giá lắm ông à.
Dì tám nán lại xếp cái khăn, nhân lúc đó, Bửu phân tích thêm xíu nữa cho cặn kẽ thiệt hơn. Đã trễ, còn mấy người đi chợ, chở lên chở xuống vừa tốn công vừa tốn tiền, chén dĩa nặng nề còn dễ bể, ngồi thêm mấy ngày nữa chưa chắc bán được, bán vô tiệm tuy rẻ nhưng lấy tiền liền. Đồ dẫu còn đẹp, dẫu mới lành tới đâu cũng là đồ đã xài, muốn bán đúng giá thì không bao giờ được. Thấy dì còn lăn tăn, Bửu tới gần nói nhỏ, chợ vắng người thưa, Liên lại hiền, để cô một mình ngoài đó, đàn ông nhìn ngó thì… Dì tám nghe xong xắn quần chạy lẹ. Không nói tới mấy chuyện sâu xa, chỉ nghĩ tới chuyện mợ ba nhà này bị bọn phàm phu thô lỗ chọc ghẹo là dì nóng máu.
Hù dì xong, bụng Bửu cũng nôn nao. May mắn, hôm đó, Liên về trước khi trời sẩm tối. Để dẹp nỗi lo, anh không thèm chờ nữa. Anh nói sẽ giới thiệu cho cô vài mối lớn. Chẳng là, anh biết có vài người đang xây nhà, nhà xây xong thì dĩ nhiên phải mua sắm đồ đạc, Liên cứ nghĩ sẵn giá, anh sẽ dẫn người tới tận đây coi luôn.
Mối do Bửu dắt tới có khác, sộp khỏi nói, không kì kèo thêm bớt lê thê, nói chắc một giá thì liền tiền trao cháo múc. Mau lẹ không ngờ, trong vòng vài bữa, mọi thứ đã xong xuôi.
Có tiền, Liên quyết định nấu một bữa thiệt thịnh soạn để đãi tất cả mọi người, ân nhân lớn là Bửu dĩ nhiên được mời ở lại.
Sẵn đang vui, cơm xong cả hai cùng trò chuyện. Chiếc bàn chỗ gốc mận được kéo dịch vô gần giữa sân cho thoáng, trăng non đã mọc nhưng Liên vẫn thắp cây đèn lớn thêm phần sáng sủa. Chiếc bàn tròn nhưng cả hai đều chọn vị trí ngồi đối diện ở hai mép.
Ngập ngừng hồi lâu mà Liên chưa thể mở lời. Cái hồi má cô cho hay Bửu với Châu về chung môt nhà, Liên chẳng bận tâm. Rồi Cúc suốt ngày léo nhéo chuyện cả hai không hề có một cái lễ ra mắt cho đàng hoàng. Con gái, ai không muốn nở mày nở mặt, huống chi nhà Bửu thuộc dạng chẳng vừa, ắt hẳn phải có khúc mắc chi đây... Cúc phân tích tường tận từng mối nghi, Liên để lọt tai này qua tai kia đi mất. Gần năm trời tưởng yên ổn, bất thình lình hai người quyết định thôi nhau. Liên có linh cảm, hình như mọi chuyện đều có liên quan tới mình. Cô không chắc, càng không dám làm sáng tỏ.
- Anh với chị Châu… thử cho nhau thêm một cơ hội. Chị Châu không tệ đâu anh. Với lại… chỉ cũng thương anh…
Khuyên vợ chồng hàn gắn thì dĩ nhiên phải nói câu đó, Liên cũng giống người ta nhưng lúc nói ra cứ thấy miễn cưỡng, ngường ngượng. Cô không dám nhìn thẳng nên không biết bên kia mặt Bửu sa sầm. Anh đã đồng ý chi cho Châu một căn nhà kèm năm chục ngàn đồng, cốt để giải quyết ổn thỏa. Châu còn mặc cả thêm vài ngàn khi anh đề nghị cô tới chỗ Liên thỏ thẻ rằng do cả hai không hợp, do tự Châu muốn tìm hạnh phúc khác. Không biết Châu tâm sự kiểu gì mà Liên lại nói ra câu ấy. Nếu thưc sự Châu dám lật kèo thì đừng trách!
- Châu đã nói vậy với em à?
- À… không… Em nghĩ vậy. Vợ chồng chung sống, lâu ngày thì cũng…
- Liên! Anh với Châu… chưa từng chung chăn gối.
Liên thoáng nhìn rồi vội vã quay đi, ánh mắt Bửu chân thực vô cùng. Vợ chồng sống chung có thể không chung chạ được sao? Có thể mà! Cô với Đạt cũng từng như thế trong thời gian đầu. Vì Đạt thương nên không ép cô, còn Bửu thì sao?
- Chắc em biết tấm lòng của anh, phải không Liên?
Đối diện vang lên giọng nói từ tốn, phảng phất nỗi buồn man mác. Bên kia ánh đèn tỏ rạng, khuôn mặt anh trở nên xa xăm mờ mịt. Lần đầu tiên trong sự tĩnh lặng của không gian, chỉ có anh và cô đối mặt, anh dám thú nhận điều sâu kín nhất. Tâm hồn Liên một phen chấn động. Bửu hôm nay… khác tới ngỡ ngàng.
- Em không thể đem tới hạnh phúc cho anh đâu…
- Được ở gần em như vầy chính là hạnh phúc!
- Đừng phí hoài thanh xuân cho em nữa.
- Tại sao em phí hoài tuổi xuân cho một người đã chết?
Có cơn gió thổi lên làm rung rinh đám bông giấy. Chúng mỗi ngày một lớn nhưng cái cây mà Đạt chống chỉ cao tầm ấy nên chúng oặt người, cúi rạp xuống đất, lùm xum thành cụm lớn. Bửu nhìn theo cô, trao cô một bông giấy vừa vướng lại.
- Hạnh phúc của mỗi người… không giống nhau đâu, Liên à!