Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 01
1.
CHỊ TỊNH HOA ỐM NGHÉN, CHỊ ĐỜ ĐẪN như con cá ươn. Hết nằm lại ngồi, hết ngồi, chị đi lui tới. Suốt ngày chị ăn ít nhất vài quả ổi, hai ba trái chanh, chưa kể những trái mận còn xanh đắng nghét chát ngầm treo lủng lẳng trên cây. Chị ăn nhiều trái cây quá mẹ đâm ngại, mẹ cấm. Mẹ nói ăn vừa thôi, ăn nhiều độc lắm. Mẹ cấm chị ăn ổi, chỉ cho ăn cam hoặc quýt. Cây mận ngoài vườn vì thế đã bí mật mất đi một số trái xanh, mẹ sinh nghi bèn kiếm dây kẽm gai rào gốc mận lại, cất hết sào tre que gỗ sợ chị Tịnh Hoa lén hái, lén chọc. Chị thèm những thứ của chua của chát đó. Chị nói chị thèm ổi như ăn mày thèm chả, như người tù thèm ngoạm một miếng trời tự do, như người mù thèm ánh sáng...
Hồi mới lấy nhau, anh Thuyên còn làm việc trong Cần Thơ nên sau lễ cưới chị Tịnh Hoa gạt đôi dòng lệ mừng ca thầm bài “xuất giá tòng phu” lên máy bay DC6 theo anh vào trong đó. Chị Tịnh Hoa bước một bước lớn xa khuất mẹ và em tới hơn ngàn dặm, mẹ buồn rầu mất nửa tháng. 28 năm chị làm con gái kể cũng quá lâu; lâu quá có lúc mẹ đâm sốt ruột. Bây giờ chị quay lưng lại 28 năm trống trải hoang vu ấy để sầu cho người ở lại. Mẹ chẳng an tâm với chuyến đi xa của chị chút nào.
Vào Cần Thơ được mấy tháng, anh Thuyên xin đổi ra làm việc ngoài này. Anh làm nghề cầm phấn viết lên bảng đen, nói rõ ra, anh Thuyên dạy học, bi quan một tí thì bảo anh ấy làm nghề bán cháo phổi.
Về Huế, chị Tịnh Hoa nhất định đòi về ở nhà mẹ, bên nhà anh Thuyên không cho. Anh Thuyên đứng giữa làm một “dung dịch bão hòa” giữa gia đình và vợ. Hai nhà ở cách nhau một chuyến xe đò: Vỹ Dạ – Kim Long. Mỗi tuần chị Tịnh Hoa lên thăm chúng tôi đôi ba bận, lần nào cũng nằn nì xin mẹ nói với bên chồng cho chị được về ở đây, trong nhà này. Vì muốn tránh tiếng nên mẹ không chịu, mẹ nói:
– Có chồng thì phải ở nhà chồng, bộ người ta cưới dâu về để mi ở nễ[1] rứa à? Con đầu dâu cả phải chu tất mọi việc, từ cái kỵ nhỏ chút chun tới các việc đại sự.
Nói quá, nói hoài chị Tịnh Hoa không nghe, có lúc mẹ giận mẹ giả bộ đuổi: Mi không được thấp thoáng vãng lai về đây nữa.
Bên nhà anh Thuyên ai cũng tử tế vui vẻ cả nhưng chị Tịnh Hoa một mực ưng ở trong căn nhà thân yêu mình đã sống từ thuở oa oa, đái dầm tới lúc biết kẹp tóc làm dáng hơn. Nói cách khác, chị ưng ở giữa khoảng không gian êm đềm của những ngày còn con gái với một lô kỷ niệm màu lục màu hồng. Van vỉ mãi mẹ không cho về, kịp đến bữa nay chị ấy ốm nghén, mẹ cầm lòng không đậu. Sớm mai, khi sương mù còn ngái ngủ biếng bay trên hàng cây chim chim trước nhà, mẹ đã mau mắn cắp nón ra đón xe đò về Vỹ Dạ nói với ông cụ bà cụ anh Thuyên cho chị được về nhà ít tháng đợi kỳ sinh nở. Mẹ lấy cớ, cái cớ xưa như cổ tích, cái cớ gần in một tiền lệ lưu truyền qua ngàn đời đâu từ ông tằng ông tổ. Cái cớ ấy nằm gọn trong câu tục ngữ ngắn hơn đuôi thằn lằn: con so về nhà ma. Về nhà mạ? Phải rồi, con so phải về nhà mạ, vì con so tợ tác phẩm đầu tay, phải chăm nom săn sóc kỹ lưỡng mới được. Xét rằng trong cõi người ta, có ai biết tính ý rõ ràng chi ly con gái mình cho bằng mẹ đẻ không? Giữa bà nhạc và nàng dâu dẫu có thương nhau tận tình cũng chẳng bì mẹ ruột; dẫu có chiều chuộng vì nể nhau, hai người vẫn đứng trên hai phòng tuyến riêng rẽ, chia cách một lằn ranh giới mơ hồ mà khó xóa. Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng, câu phát biểu chí lý của tác giả vô danh nào đó thăm thẳm tận chiều sâu lịch sử mấy ngàn năm bây giờ vọng tới. Bây giờ hiện hình trên môi mẹ thành một lời vàng; lời vàng ấy mẹ đã hài hòa vui vẻ nói với ông bà cụ anh Thuyên. Hai cụ ưng chịu để chị Tịnh Hoa về ở với chúng tôi.
Chị Tịnh Hoa về nhà mẹ thôi thì tha hồ, thích chi cứ nói thẳng tuột ra cái đó. Nội việc chị khoái ăn ổi, nếu còn ở nhà anh Thuyên chỉ nghe bà nhạc la rầy ngăn cản một tiếng nửa lời tức tốc hết ham; ở đây thì chị còn làm nũng được, giả lẫy giả hờn để mẹ cầm lòng không đậu chiều ý chị, nhưng cũng phần nào thôi, do đó mẹ chưa đủ, chị phải cần đến tôi, phải thỉnh thoảng xuống nước năn nỉ đại để: “Cẩm Các chờ khi mô mạ đi chùa, chịu khó ra vườn leo lên cây hái giùm chị vài chục trái ổi, giấu đừng cho mạ biết, thấy ổi treo lủng lẳng từng chùm mà không ăn được chị tức lắm lắm”...
2.
MẸ LÀ CON MỘT CỦA ÔNG BÀ NGOẠI NÊN THỪA hưởng căn nhà và khu vườn khá rộng. Nhà chúng tôi nằm nép bờ sông. Khu vườn trồng đủ loại cây ăn trái. Cây cối có số tuổi gấp đôi tuổi tôi; chúng cao lớn vạm vỡ đến nỗi tôi muốn gọi mảnh vườn này là khu rừng nho nhỏ. Khu rừng toát ra hơi thở thiên nhiên cho tôi hô hấp để lớn. Khu rừng xanh đẹp thân yêu gần gũi hơn bất cứ thiên đường nào trong mơ tưởng. Những đêm trăng về, những ngày mưa lớn, những sớm mai sương lồng gió ngọt, những chiều tà bóng ủ hương nồng: vườn thở, vườn hát và tôi nghe cả vườn khóc nữa. Khu vườn là hậu cảnh lớn dựng bên sau cuộc đời tôi để tôi có một thời quá khứ xanh. Khu vườn là cánh cửa vĩ đại mở ra cho tôi thấy chân trời tương lai hồng hoa mọng trái. Vườn nối dài những cành cây êm đềm ra tới mặt sông; bóng cây xao động lòng nước Hương giang phản chiếu vào hồn tôi, thể xác tôi những đường cong uyển chuyển thứ nhất giao tiếp với cuộc đời. Tôi sinh ra trong một đêm mùa đông, tiếng khóc dạ đề tan chơi vơi trong tiếng ệnh oạng trầm thống vang rân khắp bốn mặt vườn. Từ đó tôi lớn lên chạy nhảy nô đùa trong mùi ổi chín. Tóc tai da thịt tôi ướp hương cau, hương bông khế, bông bưởi, bông lan... Vườn ướp tôi thơm từ tim cật thơm ra, thơm từ cái áo lót mình tới chiếc nón lá chằm bằng 16 gọng nan tre xoắn hình cái bánh ú. Mẹ bảo: Phước đức cho thằng mô lấy được con Cẩm Các, da thịt hắn mát và thơm nhất nhà, thơm nhất cả cái vùng Kim Long ni. Đó chỉ là câu mẹ nói đùa, tuy nhiên tôi cũng rất lấy làm sung sướng nghĩ đời mình được vây bọc giữa những làn hương.
Nhà có vườn nên từ thuở còn bé tí ti đứa nào cũng biết leo trèo. Mặc dù làm thân con gái, chị em chúng tôi ai leo cây cũng giỏi; chỉ có mấy cây cau là chúng tôi chịu hoặc những cây có gai đành chào thua. Mẹ nói: Con gái con góc chi mà leo trèo như khỉ như vượn như đười ươi. Chị Tịnh Hoa cải chính: Tụi con là Tác–dăng. Mẹ nhíu mày: Tác–dăng là chi? Tôi đùa: Tác–dăng là hiệp sĩ rừng xanh, tụi con là hiệp sĩ vườn. Cái thói leo lên cây ngồi học bài của tôi riết rồi nghiện, chỉ có ngồi trên cây học bài mới thuộc. Tôi thích ngồi trên những cành chìa ra la đà mặt sông; ngồi ở đó ngó qua bờ bên tê mà thương cho mấy lớp cổ thành rêu mốc, thương cây cầu sơn màu hắc ín đen thui lại mang tên Bạch Hổ. Dĩ nhiên chỉ có mùa hè mới ra ngồi ở đó thương xiên thương xéo rứa được, mùa đông ngồi đong đưa cho rắn nó tha đi à!
Căn nhà nhỏ nhoi đứng khiêm tốn trong một góc vườn. Nhà làm theo lối cổ tuy hẹp nhưng rất ấm cúng.
Chị Tịnh Hoa về ở với chúng tôi, anh Thuyên cũng về theo luôn. Tôi nhường cái phòng lại cho hai người, vào ngủ chung phòng với chị Tương Ngẫu. Căn phòng tôi nhường lại vợ chồng chị Tịnh Hoa nằm phía đằng tây, mỗi chiều mở cửa sổ chiêm ngưỡng mặt trời lặn sau dãy núi màu khoai tía rất ngoạn mục. Ở chung phòng với chị Tương Ngẫu tầm mắt tôi bị án ngữ bởi vườn nhà hàng xóm nên khóe nhìn mông lung thường cụt nửa chừng.
Đêm thứ nhất ngủ chung giường với chị Tương Ngẫu, mặc dù đã nói chuyện tào lao tới khuya, tới lúc cơn buồn ngủ đè nặng hai mí mắt, tôi cũng chỉ thiếp đi một chút rồi thức dậy không ngủ được. Lâu nay ngủ một mình, giờ nằm chung giường hai mình với chị Tương Ngẫu thấy cấn cái chi lạ, hơn nữa tôi không quen đem những tiếng động lỉnh kỉnh bên ngoài vào giấc ngủ. Tiếng động lục đục phát ra gần bên hông nhà, bên kia hàng dâm bụt. Tiếng động lập lờ chốc chốc vọng vang từ nhà láng giềng, từ căn biệt phòng của người đàn ông tên Ngạn mất trí: người điên có lúc hiền như Bụt trong chùa, lúc hung hãn phá phách hơn quỷ dưới địa ngục. Trước kia tôi ở phòng đằng tây nên những sinh hoạt về đêm của ông ta khó mà gửi tới tai tôi những tiếng động lạ tặc, ma mị, kinh hoàng. Có lẽ chị Ngẫu đã quen nên chị ấy vẫn tỉnh như không; chị vẫn an nhiên ấp nồng cho giấc ngủ chị. Tôi cảm thấy sợ hết sức. Không ngủ được, tôi nằm nghĩ, nhớ lan man những chuyện người ta nói về ông Ngạn điên.
Dường như ông ta chỉ điên vào hai mùa: mùa hè và mùa xuân. Tội nghiệp thật, hai mùa đẹp nhất trong năm lại điên còn hai mùa buồn tẻ lại tỉnh; đó chỉ là một cách nói thôi, chưa hẳn mùa thu và mùa đông ông ta hoàn toàn lai tỉnh, có điều cơn điên dịu dàng hơn, ông ta lắng xuống cách lạ lùng, thôi cuồng nộ.
Trước kia, thời tâm trí còn bình thường ông Ngạn thỉnh thoảng qua lại nhà tôi chơi. Hồi ấy ông đang theo học năm thứ ba ở trường Luật. Không biết ông giữ chức vụ gì trong Ủy ban Sinh viên Học sinh Tranh đấu chống chế độ độc tài của Tổng thống Diệm. Vào thời gian ấy, phong trào chống đối mãnh liệt tựa sóng cồn và tôi chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi học năm cuối chương trình bậc tiểu học, tôi ngu ngơ chẳng hiểu chẳng biết chi hết. Một buổi chiều tôi nghe nhà láng giềng ồn ào tiếng khóc: ông Ngạn bị bắt. Ông không bị bắt tại nhà mà tại một vị trí bí mật nào đó trong vùng phụ cận chùa Từ Đàm. Khi cuộc đảo chính do mấy ông tướng ở Sài Gòn cầm đầu thành công, ông Ngạn lại trở về; về trong hình hài tiều tụy và mắc chứng điên từ dạo đó. Phần lớn chuyện ông Ngạn điên tôi biết được qua lời kể của chị Tương Ngẫu, chị biết khá rõ ông ta vì thời ấy chị cũng có tham gia tranh đấu. Theo chị Ngẫu: ông Ngạn học rất giỏi, bơi lội rất hay, đàn guitare cũng tài tình nữa, đặc biệt ông ta có lối nói chuyện khá hùng biện và thu hút đám đông. Mỗi lần kể chuyện ông Ngạn, vẻ mặt chị Tương Ngẫu rầu rầu, nhưng đôi mắt lộ vẻ gì đó gần như là khâm phục. Cũng theo chị Ngẫu và nhiều người khác nói, sở dĩ ông Ngạn điên vì hồi bị bắt bọn mật vụ tra tấn ông dã man quá. Một vài cực hình nghe kể lại tôi thấy lạnh xương sống, thành thử đôi khi tôi cũng cảm thấy thương người đàn ông mất trí ấy vô cùng.
Mặc dù đã chữa trị khắp nơi, tốn tiền bạc triệu bệnh ông Ngạn vẫn không dứt được. Gửi vào dưỡng trí viện thì không đành, gia đình dành một căn biệt phòng nuôi ông ta như một người tù. Mùa hè mùa xuân dường như chẳng bao giờ thấy mở cửa, tôi thường thấy khuôn mặt buồn thiu của ông im sững bên sau vuông cửa lưới nhìn qua phía nhà tôi. Mùa thu mùa đông, thỉnh thoảng tôi đứng bên này ngó qua thấy ông bận bộ đồ trắng lặng lẽ đi tha thẩn trong vườn, xa xa có ông già làm cỏ đứng canh chừng. Ông già ngoài nhiệm vụ chăm sóc cây cối vô tri trong vườn, còn quản trị người điên nữa.
3.
TRONG BA CHỊ EM, CHỊ TỊNH HOA LÀ NGƯỜI đa sầu đa cảm mau nước mắt nhất, xúc động nào dù nhỏ nhặt tới đâu cũng có thể xui chị khóc được, nhưng chị ấy vốn cởi mở, không nghiêm nghị và kín đáo bằng chị Tương Ngẫu. Kể về nhan sắc thì tôi thích đôi mắt to buồn của chị Ngẫu hơn vẻ trong sáng trong mắt chị Tịnh Hoa, có lẽ vì cả nhà ai cũng cho rằng tôi giống hệt chị Tương Ngẫu như hai giọt nước.
Chị Ngẫu hơn tôi 5 tuổi bởi giữa thời gian tôi và chị được sinh ra, mẹ bị sẩy thai liên tiếp hai lần trong vòng hai năm. Do sự chênh lệch về tuổi tác nên cuộc sống thầm lặng của chị hồ như hoàn toàn khép kín trước tầm hiểu biết thấp lè tè và trí óc non nớt của tôi. Chị thường muốn tôi cũng có những ý thích giống chị. Ví dụ chị thích màu trắng, chị khuyên tôi chỉ nên mặc áo trắng. Chị thích đọc sách, chị mua một lô về dúi vào tay tôi nhẹ nhàng bảo: “mi đọc đi, hay lắm”. Dĩ nhiên chị mua những sách hợp với lứa tuổi tôi. Ban đầu tôi hơi có vẻ chống báng, ngủng ngoẳng với những ý thích đặc biệt của chị (đặc biệt vì trong nhà chẳng có ai thích những cái chị thích cả), lâu dần tôi nghe theo chị lúc nào không hay. Ban đêm kêu một gánh chè bán rong ngoài đường vào, chị ăn chè bột lọc, tức khắc tôi cũng đòi ăn thứ chè đó. Vào tiệm kem, chị ăn kem dâu, tôi ăn kem dâu. Đi ngoài đường, nhìn một cô gái lạ chị bảo dễ thương, tôi lập lại: dễ thương, dẫu lúc nói tôi chưa kịp xét cô ta dễ thương ở điểm nào. Tôi lớn lên dưới sự hướng dẫn nhu mì của chị nên cảm tình tôi nghiêng về chị thật rõ rệt. Thời gian chị Tịnh Hoa theo anh Thuyên vô Cần Thơ, tôi và chị càng khắng khít nhau hơn, nhưng lối sống chị vẫn khép kín trước tôi một cách khá bí ẩn.
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, chị được bổ nhiệm dạy ở một trường nữ trung học chỉ cách nhà chừng 5 cây số, chị đi bộ tới trường đều đặn mỗi ngày bốn bận. Ngạc nhiên một điều là hồi còn đi học chị vẽ rất nhiều, sau này rất ít khi thấy chị cầm cọ. Một số lớn tranh treo trong phòng bí mật biến đi đâu mất hết; chỉ còn độc một bức khá lớn dựng đứng trong góc phòng, dựng chứ không treo. Tranh phủ ngát màu xanh thâm huyền hoặc, khuôn mặt gã đàn ông buồn bã với những đường nét mơ hồ dính cứng trong một ô vuông đẫm nét chật hẹp; dưới ô vuông ấy có lúc chị vẽ một bông hoa trắng muốt, được đôi ba ngày lại xóa đi bằng tảng màu đen thật đậm. Vài tuần lễ tôi không để ý, khi dòm lại thấy chị vẽ đóa hoa thành màu đỏ chói. Xóa, vẽ, xóa vẽ hoài như vậy và đóa hoa dưới ô vuông lần lượt mang các màu sắc: đỏ trắng tím vàng xanh lơ lục nhạt... Không chịu nổi sự tò mò tôi e dè hỏi chị:
– Tại răng chị cứ vẽ rồi xóa đóa hoa hoài, lại đổi cả màu sắc nữa?
– Tại chị chưa tìm ra màu mô cho thích hợp.
– Thích hợp cái chi hả chị?
Chị buông khóe nhìn đẹp não nùng xuống hai bàn tay nổi gân xanh trên bàn rồi ngước mắt âu yếm nhìn tôi:
– Em còn nhỏ chưa hiểu được mô Cẩm Các à!
– Tại răng chị không vẽ thêm vài bức khác nữa? Chỉ có bức ni mà vẽ lui vẽ tới không biết chán răng?
– Răng chừ chán chị mới vẽ bức khác, chừ thì chưa.
– Nhưng em muốn chị vẽ thiệt nhiều.
Chị cười xòa kéo tôi ra bìa vườn đứng ngắm những người bơi périssoire trên dòng sông Hương trầm ngâm êm ả, chấm dứt câu chuyện về bức tranh kỳ dị ấy.
Nhiều lần tôi bắt gặp chị một mình trong phòng ngồi mơ màng trước bức tranh đó. Không biết những lúc như thế chị nghĩ gì mà vẻ mặt thật buồn, thật đăm chiêu, dường như hồn phách chị lạc đâu mất hết, chị ngồi nom y hệt một cốt đồng đang mật đàm với các âm binh trong thế giới kẻ chết, gọi tới hai ba lần mới giật mình ra khỏi cơn hôn mê rồi chị ngượng ngùng khẽ mắng yêu tôi: “con quỷ, làm ta hết hồn nà!” Giọng chị bao giờ cũng dịu dàng nhưng chị rất ít nói. Tôi thương đến xót xa cái dáng lẻ loi của chị trong nhà này. Tôi cố gắng làm hài lòng bất cứ cái gì chị muốn, nhưng khốn nỗi, tôi chẳng phải là kẻ đồng hành trên con đường dẫn tới cõi ảo huyền do chị âm thầm thiết lập. Tôi biết rõ, ngoài sự thở chung, ăn uống chung, cười nói chung với chúng tôi chị còn đời sống riêng tây nào đó. Đôi khi tôi muốn khóc van xin chị tâm sự với tôi, dù chỉ là một điều rất nhỏ trong vạn điều bí ẩn chất chồng trong hồn chị. Tôi chỉ lờ mờ hiểu chị qua những cử chỉ khác thường như thế; trí óc tôi chưa đủ khả năng sắp đặt có hệ thống để có một cái nhìn khả dĩ thấu suốt tâm can chị. Tôi mơ hồ nối kết lối sống trầm lặng của chị và màu sắc bức tranh kỳ dị kia rồi đi đến một giải đoán nửa vời: chắc chắn tranh và người có mối buộc ràng nào đó. Tôi rắp tâm quyết ý rình chị.
Một đêm tôi choàng thức vì tiếng đập phá náo động bên kia hàng dâm bụt. Tiếng đập phá của ông Ngạn điên. Theo phản ứng tự nhiên, tôi định ôm lấy chị Tương Ngẫu, tay tôi quơ phải khoảng trống lạnh tênh. Tôi thảng thốt nhỏm dậy nhìn đôi vai ốm nhom và mớ tóc lòa xòa của chị in rõ mồn một trên vuông cửa sổ mở toang. Ngoài vườn ngập đầy ánh trăng. Chị Tương Ngẫu ngồi quay lưng lại phía tôi bất động, chị mải ngước mặt về phía tiếng đập phá cuồng nộ bên kia vườn. Qua ánh trăng, chiếc bóng chị ngả dài trên nệm gối đập vào đôi mắt ngái ngủ tôi cảm giác lạnh ghê người; tôi thoáng rùng mình chồm tới níu vai chị lắc gọi: “Chị Ngẫu”. Chị khẽ quay đầu lại, tôi suýt rú lên hoảng kinh: khuôn mặt chị trắng bệch đẫm ướt những lệ, giọng nói vẫn là giọng cũ, câu mắng vẫn là câu quen thuộc thường ngày: “con quỷ, làm ta hết hồn nà!”. Nói rồi chị nằm xuống quay mặt vào vách im lặng. Tôi vói tay kéo nhanh hai cánh cửa sổ đóng ập lại. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chị khóc.
Những chuyện khác thường của chị Tương Ngẫu qua một tuần ngủ chung phòng với chị tôi không hề kể với ai. Chị cũng không có vẻ sợ tôi biết những gì về chị. Có lẽ đối với chị những chuyện ấy chẳng có chi đáng gọi là nghịch thường cả? Dưới mắt chị tôi là đứa bé con, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn bận vừa vặn áo dài của chị để ra phố mà không sợ thiên hạ biết mình mặc áo nính. Về tầm vóc tôi lớn bằng chị, nhưng còn tâm hồn? Tôi thấy chị là cả một núi bí mật khổng lồ.
Có vợ chồng chị Tịnh Hoa về sống chung, không khí gia đình vui nhộn hơn. Lâu lâu chúng tôi có những cuộc đi chơi chung, về Vỹ Dạ ăn bánh bèo; về Cồn Hến ăn chè; xuống dốc cầu Đông Ba ăn bánh khoái hoặc đi xi nê... Bụng chị Tịnh Hoa nổi rõ quá rồi, ra đường chị khoác cái áo rộng vẻ núng na núng nính trông đáng yêu hết sức. Trong nhà toàn đàn bà con gái, anh Thuyên là đàn ông độc nhất cho nên giữa chúng tôi tình anh em rể có lúc cơ hồ biến thành tình huynh đệ cùng chung huyết thống. Những buổi đi chơi tôi cố nài nỉ chị Tương Ngẫu đi cùng, ban đầu chị không hưởng ứng lắm, sau, chị vui lây cái vui của chúng tôi. Nhiều bữa chị Tịnh Hoa mệt không muốn đi, tôi bận học bài, chị Tương Ngẫu đi với anh Thuyên một cách tự nhiên. Tôi mừng thấy chị được vui; chị vui như chính tôi vui vậy.
Mùa hè êm đềm trôi qua với những ngày vang lừng tiếng chim và ve sầu mở hội trong vườn xanh. Thỉnh thoảng tôi lại có vài đêm thảng thốt thức dậy nhìn bóng chị Tương Ngẫu in trên vuông cửa sổ, những lần sau này tôi không hề thấy chị khóc. Có đêm chị lẻn ra đi tha thẩn ngoài vườn, không biết chị kiếm tìm cái gì ngoài đó. Mùa hè chấm dứt. Cơn điên của người đàn ông tên Ngạn lắng dịu dần, tôi không còn nghe tiếng đập phá kinh hoàng giữa khuya nữa. Bông hoa trong bức tranh chị Tương Ngẫu lúc này mang màu trắng tinh khiết của một đóa bạch lan.
4.
MÙA HÈ ĐÃ CHẾT. THEO GIÓ GIAO MÙA THỔI vào vườn từng đợt nhẹ, hoa cúc và hoa phù dung bắt đầu hé nụ. Nắng hanh vàng óng ánh làm mượt thêm màu xanh vương giả trên các tàng lá căng no nhựa mạnh. Buổi sáng ngâm tay vào thau nước lạnh dưới bầu trời ngát rộng hơi sương, chị Tương Ngẫu khẽ bảo tôi:
– Mùa thu đã gần kề, còn một hai đêm nữa thôi. Cẩm Các thấy không?
Tiếng nói chị ngấm chút vui bâng quơ khiến tôi ngạc nhiên. Tôi nhìn mông ra vườn hỏi chị:
– Trong bốn mùa chị thích mùa mô nhất?
– Mùa thu và mùa đông.
Tôi buột miệng nói theo ý thích của chị:
– Em cũng rứa, em cũng thích hai mùa nớ nhất.
Chị đổi giọng, ra vẻ hững hờ:
– Răng mà thích?
Tôi bối rối ậm ừ:
– À à, tại thu và đông trời mát mẻ tuy hơi lạnh một chút cũng không chết ai, đã có áo len; vả lại vào hai mùa này mình không bị đánh thức bởi tiếng đập phá của ông Ngạn điên.
Tôi chăm chú nhìn thẳng vào mắt chị khi nói tới mấy tiếng ông Ngạn điên. Không có phản ứng lạ nào trên mặt chị hết. Chị buông thõng:
– Ừ, chị cũng nghĩ như rứa.
Tôi ném thêm một viên sỏi thăm dò nữa, bằng cách lại nhắc đến ông Ngạn:
– Nhiều người nói ông Ngạn điên vào mùa hè và mùa xuân thôi phải không chị? Tại răng rứa hè?
– Chị cũng nghe người ta nói rứa nhưng chắc chi đã đúng?
– Té ra chị không để ý đến ông ta chi hết à?
– Vô duyên, ai để ý đến người điên làm chi?
– Răng chị vẽ hình ông ta?
– Tại chị thấy hay hay thì vẽ chơi.
Tôi lập lại câu hỏi cũ từ lâu vẫn dính cứng trong tâm não hồ nghi:
– Còn bông hoa răng chị cứ đổi màu hoài rứa?
Không biết thật tình quên hay chị giả vờ, chị ngạc nhiên hỏi tôi:
– Bông hoa mô?
– Cái hoa chị vẽ trong tranh đó.
– À, tại chị chưa tìm ra màu thích hợp.
Tôi biết, có hỏi thêm nữa cũng vô ích, chị chẳng bao giờ nói cho tôi biết đâu, dù chỉ là điều bí ẩn rất nhỏ trong vô số điều bí ẩn trong hồn chị.
Chị Tương Ngẫu ngày mỗi gầy đi một cách đáng lo ngại. Mẹ vội vã về Bến Ngự bốc 4 lạng thuốc tể, loại thuốc bổ hạng nhất của một danh y người Triều Châu. Chị vui vẻ uống để mẹ an lòng, nhưng thật ra chị vẫn không giấu được những lúc buồn rầu bị tôi bất chợt bắt quả tang. Mối thắc mắc tò mò trong tôi ngày mỗi gia tăng. Tôi âm thầm rình chị từ từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất và lắm lúc tôi hãi sợ nhớ lại những lần bắt gặp chị ngồi trầm ngâm bên cửa sổ. Hình ảnh chị những lúc đó đã hiện hình rõ trong tôi như một ám ảnh.
Một đêm sáng trăng. Vâng, trăng sáng lắm. Khuya, rất khuya. Tôi choàng thức, không nghe thấy hơi thở ấm quen thuộc của chị Tương Ngẫu bên mình. Tôi rón rén đẩy nhẹ cửa ra khỏi phòng nghĩ chắc chị đi tha thẩn đâu đó ngoài vườn. Gió lành lạnh giúp tôi tỉnh hẳn người lúc bước đi dưới những hàng cây. Tôi nhìn quanh quất thất vọng chẳng thấy tăm dạng chị đâu cả. Trăng vụn vỡ dát mỏng viền óng ánh những dấu chân đọng mềm cát mịn. Đêm run rẩy trút sương xuống lá đê mê. Cây ghép bóng vào nhau tợ những đôi cặp vụng trộm. Đi giữa miền thinh lặng ấy, tôi cảm tưởng mình đang bị xúc phạm, mơn trớn bởi muôn ngàn tay trăng mượt mềm ma quỷ. Tôi rùng mình dừng lại, trấn áp nỗi sợ bâng quơ bằng cách ôm siết lấy thân một cây cau mọc sát lối đi. Thân cây thẳng cứng trong tay ôm nhưng sự cận kề lan nhanh truyền thấu sang tôi niềm hân hoan nào đó hết sức kỳ quặc. Tôi gần như tê dại lắng hết tâm thần thể phách nghe chút sương đêm buồn đọng trên vỏ cây len ngấm dịu dàng qua lần vải mỏng mơn man đầu vú cứng cảm giác buồn rười rượi. Ngỡ mình sắp bật khóc, nhưng phút chốc tôi bị choáng váng bởi ý tưởng khá táo bạo: tôi muốn biến mất, tôi thèm níu cây cau ngả xuống đè tôi bẹp dí và, thật là đáng xấu hổ: lúc bấy giờ tôi muốn mình bị chiếm đoạt tả tơi bằng lối tàn dại bẽ bàng nhất. Trời ơi, sao tôi lại có ý nghĩ điên khùng vậy nhỉ? Tôi ngước nhìn bầu trời cao. Trăng hững hờ quá. Niềm im lặng lớn quá, mênh mông quá; tôi hèn mọn tựa con kiến nhỏ vô vọng đứng dưới chân núi cao. Dưới sức nặng của chất chồng im thẳm tôi chợt hiểu thế nào là sự cô độc của người lạc giữa rừng già. Tôi hay chị Tương Ngẫu là kẻ đi lạc ấy?
Tôi rời cây cau sau khi đặt môi hôn lên lần da láng bóng nó đoạn bước đến bên hàng dâm bụt với ý định đi tiểu một cái cho khỏe rồi vào ngủ lại, nhưng tôi bỗng bàng hoàng đứng im câm không cục cựa; giật thót người khi nghe có tiếng nói rất khẽ từ phía vườn bên kia: tiếng trò chuyện của một đôi trai gái. Tôi đứng sững như tượng cố lắng tai nghe và, thảng thốt nhận ra giọng người nữ đúng là của chị Tương Ngẫu. Nhưng còn người đàn ông là ai? Tôi nhón gót nhìn qua hàng dâm bụt, hàng rào cao quá không thể nhìn suốt bên kia, tôi chỉ thấy ô cửa vuông đen thẫm của căn biệt phòng ông Ngạn điên. Tiếng nói của chị tôi và kẻ nào đó đều đặn thả đi trong gió, thì thầm, thì thầm. Tôi cố khử loại mọi vọng âm khẽ khàng khác và nghe lỏm câu chuyện của họ với hết lòng hồi hộp tò mò bẩm sinh. Có lẽ hai người đứng khá sát hàng rào vì tôi nghe rất rõ tiếng lá khô kêu giòn dưới chân họ mỗi khi một trong hai người bước đi hoặc làm cử chỉ di động nào đó. Tiếng nói họ mơ hồ như vọng từ chiều sâu kín đìu hiu, như thoát từ tiếng đàn không rõ giai điệu nhưng rõ âm, có thể ví như tiếng thông reo được không (?).
“... mùa thu!
“Em đã tới, anh rất mừng.
“Em đã mòn mỏi đợi suốt hai mùa mới lại được gặp anh, năm mô cũng rứa cả, anh nhớ không?
“Mùa xuân và hè vừa rồi anh làm chi anh cũng không nhớ nổi nữa.
“Anh ngủ một giấc ngon lành suốt cả hai mùa đó.
“Không, đừng dối gạt anh, để anh cố nhớ lại thử coi...
“...
“A nhớ rồi, hình như anh đã làm cái chi đó ghê gớm lắm mà. Phải rồi, anh đã diễn thuyết trước một biển người đông đảo, anh nói với họ dự tính tương lai anh sẽ làm để mang hạnh phúc đến cho đám nhân loại khổ đau đang lóp ngóp trên địa cầu nhầy nhụa này. Thế giới sẽ xích lại gần nhau. Mặt đất sạch bong không còn dấu vết một nhà tù; không còn sắc cờ của ý thức hệ mô nữa cả. Ta phải đốt hết, đốt hết: đốt văn chương tư tưởng triết lý vì còn cái giống này là con người còn khắc khoải, ta sẽ sống hồn nhiên, hồn nhiên tuyệt đối phải không em; đốt hết những cái chi dính rớ tới nền văn minh kỹ thuật tàn hại, đốt hết tôn giáo, tinh thần ta không còn bị cầm cương bởi một tên giáo chủ... (nghe không rõ)... đốt hết mọi thần tượng cũ; đốt, đốt, đốt, đốt hết bọn ma đầu, những chuyên viên gieo rắc mầm phân ly từ mỗi cuống lá xinh tươi tới trung tâm thần kinh nhân loại... Ta phải làm lại tất cả, từ đầu. Anh mơ thấy ngày hội lớn sẽ tới trong một tương lai rất gần, gần như em và anh lúc này đang gần nhau. Em có thấy anh là một kẻ hùng biện không?
“Đúng lắm, anh là một người hùng biện.
“Nhưng đám đông chẳng ai hiểu nổi anh cả, bọn ngu xuẩn đó họ chống đối, chế giễu, hò hét in hệt một bầy thú man rợ, anh buồn lắm.
“Quên hết đi anh, có em hiểu anh là được rồi.
Một tiếng cười nhẹ. Im lặng chừng một khắc rồi:
“Em vẫn chưa tìm ra sắc màu cho đóa hoa trong bức tranh kỳ diệu của em!
“Suốt hai mùa qua vẫn chưa tìm thấy à?
“Dạ, suốt hai mùa qua luôn thay đổi sắc màu em vẫn chưa vẽ đúng cái màu huyền diệu đó. Có lẽ em bất tài.
“Em không bất tài, tại chưa tìm ra đó thôi. Phải vẽ đúng cái màu tương lai tuyệt vời ấy, em phải biết tin tưởng như thời gian qua em đã tin tưởng.
“Màu tương lai, suốt ngày đêm em luôn hướng tưởng tới cái màu đó nhưng...”
Tiếng chị tôi khóc nhỏ – rồi im bặt.
Tôi run rẩy bước trở vào nhà, mở nhẹ cửa phòng, lên giường quấn chặt chăn quanh người, nước mắt tôi trào ra thật mạnh mẽ. Tôi chuồi mình dưới cơn khóc như dưới một cơn bão nhỏ êm đềm.