Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 11

6.

Ở RỪNG, MÙA MƯA KHẮC NGHIỆT HƠN MÙA KHÔ gấp bội. Đó là mùa sinh sản cấp tập của sên vắt, muỗi mòng, những “người bạn” khó chịu của thợ sơn tràng, người đi rừng, cực chẳng đã phải sống chung với chúng, củi khô trở nên khan hiếm để nhóm bếp hơ quần áo, và nấu ăn, mái lều tạm lắm khi khó chống chỏi với những cơn mưa trút, những con suối sớm mai ngang qua ròng sát đáy, chiều quay về mưa đã biến thành những dòng sông vạm vỡ tràn bờ khó thể vượt qua... Đã từng trải qua nhiều mùa mưa đồng bằng lẫn miền núi, nhưng mùa mưa ở Hiệp Đức năm ấy để lại trong Hãn dấu ấn không thể nào phai.

Một ngày như mọi ngày, ra khỏi trại lúc hừng sáng, mỗi người khoác một tấm nylon phong phanh lầm lũi bước dưới trời lất phất mưa pha sương. Đến cửa rừng, toán lấy mây rẽ trái khuất dạng sau xưởng mộc, xưởng rèn ồn động tiếng cưa, bào, thổi bễ, quai búa. Đi chung thêm một quãng nữa, toán đốt than lại rẽ phải mất hút sau bạt ngàn bạch đàn gầy guộc trong mùa khô giờ đua nhau đâm cành, nẩy lộc, và toán đẵn gỗ đông đảo nhất, trong đó có tổ lao động của Hãn và Kiêm băng qua con suối cạn, vượt dãy đồi chập chùng xanh mượt nương bắp, khoai mì, đậu phộng nối mãi vào rừng chồi rải rác nhiều hố pháo hố bom, lúp xúp những chồi non mới nhú, vượt thêm chừng dăm cây số đường rừng nữa mới tới rừng đại ngàn với lắm khe suối, đồi, lũng sâu, còn nhiều dấu vết hầm hào, lán trại của một căn cứ cũ nay bỏ hoang. Đến nơi, nghỉ ngơi chừng mươi phút rồi từng tốp tản ra đi khai thác gỗ. Gỗ được đẵn bằng rựa, dao hoặc mác, chẳng có cưa máy hay cưa tay trợ giúp, nhưng qua ngày này tháng nọ nhiều vạt rừng cũng phải lùi bước trước sức chịu đựng nhẫn nại, dẻo dai của bọn người trước đây chưa từng biết lao động là gì.

Quá trưa, cây chò dài 14 thước, đường kính 2 tấc đúng chuẩn chỉ tiêu được giao, khiêng bởi bốn người: Hãn và Kiêm một đầu, đầu kia, hai bạn chung tổ – theo kiểu khiêng quan tài với hai đòn ngang xỏ vào dây mây máng cây gỗ toòng teng ở giữa, và hai đòn khiêng ngắn hơn đặt trên vai mỗi người – đưa từ dưới thung lên nhập vào các tốp khác ở cửa rừng chờ lệnh xuất phát.

Cơn mưa dai dẳng từ sau bữa cơm ăn vội đứng quây quanh dưới mái lều che tạm làm bếp đến giờ mỗi lúc mỗi nặng hạt. Tất thảy mọi người đều tỏ vẻ ái ngại, duy chỉ có hai cảnh vệ đi kèm là coi thường thời tiết.

Một cảnh vệ giảm âm cái radio nhỏ đeo bên hông đang phát tin thời sự, lật tay dòm đồng hồ, hét tướng:

– Tập họp đủ rồi chứ? Nào bắt đầu đếm!

Từ trái sang phải vang lên tiếng đếm từ 1 đến 14.

– Tốt! Lên đường – Xốc lại chiếc áo mưa chiến lợi phẩm màu đất sét, tăng âm cái radio, tay cảnh vệ lại hét và, 14 tổ khiêng lục tục nâng đòn lên vai.

Trong màn mưa trùng điệp, thoạt tiên các tốp nối thành hàng một giữ khoảng cách khá đều, dần dà tốp trước tốp sau có khi cách quãng cả vài trăm thước.

Cây gỗ dài đòn khó xoay chuyển mỗi lúc qua các lối mòn cua ngặt, quẹo gắt, hai anh bạn chung tổ gánh phần ngọn vẫn càu nhàu than nặng. Kiêm nói:

– Kể chuyện gì vui vui cho tụi tao đỡ nặng đi mày, Hãn!

Nhấc cái đòn khiêng đổi từ vai trái sang vai phải, Hãn làu bàu:

– Mệt thấy ông bà ông vãi dưới suối vàng, mếu chứ cười gì nổi! Tụi mày cứ vừa đi vừa nhắm mắt mường tượng thấy mình là cây chò chứ chẳng phải người khiêng nó sẽ nhẹ nhõm ngay.

Ba thằng “phu khiêng” gần như cùng lúc kêu lên:

– Xạo, đồ xạo! Thì ra nãy giờ mày vừa đi vừa ngủ à?

– Thực chứ xạo gì! – Hãn cãi: – Này nhé, các Thiền sư đạt đạo, trở thành bậc Quán Tự Tại có thể dùng trí huệ siêu nhiên thấy được năm Uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là Không! Rõ chưa? Tới năm Uẩn cònKHÔNG thì nhằm nhò gì một cây chò này.

– Đúng là không nhằm nhò gì! – Kiêm nói: – Chỉ nặng thấy ông bà ông vãi thôi, nhưng cây chò là cây chò, còn mày đếch phải... Thiền sư hay bậc Quán Tự Tại con ạ!

– À vậy hả! – Hãn làm bộ nhăn nhó: – Tại tao... quên!

Cả bọn cùng cười. Sau mươi lần dừng nghỉ dọc đường, bọn Hãn rớt lại sau cùng với một cảnh vệ đi khóa đuôi. Tay này luôn miệng ca cẩm, giục đi mau, ngại trời tối.

Và rồi tai nạn xảy ra khi họ cố vượt qua khe Ma Đuổi – một trong những cái tên tự đặt để ghi nhớ những mốc, chặng trên đường, nơi hẹn gặp để cùng cơm nước, nghỉ ngơi. Có những tên buồn cười như Dốc Tức Ngực, Suối Bì Bạch hoặc Rú Đoạt Hồn vân vân – Cái khe hẹp nhưng nước chảy xiết, đường xuống khe dốc nghiêng chừng 30 đến 35 độ, hễ đổ dốc là phóng nhanh như bị ma đuổi, ma rượt. Trước khi qua khe – lúc này nước tràn, chảy xiết hệt con thác – bọn họ đã cẩn thận “sắm” mỗi người một cây gậy để chống đỡ lúc trượt dốc. Dù đã hết sức trì níu, thận trọng dò dẫm từng bước đưa phần ngọn xuống trước, nhưng rồi không cưỡng được dòng cuốn, đòn khiêng tuột khỏi vai người khiêng đằng gốc, Kiêm bị trượt chân ngã ngửa. Trên đà lao theo dòng cuốn, cây chò xoay gốc bật mạnh vào phần dưới người Hãn, hắn bị té sấp, ngất xỉu, bị cuốn đi chừng hai mươi thước, may mắn vướng vào một thân cây mục đổ ven bờ, dừng lại.

Hạ bộ bị thương trầm trọng, máu ra nhiều, người bị nạn được chuyển về – sau khi băng bó sơ cứu – bằng nhiều phương tiện, thoạt tiên trên cáng làm bằng cây rừng, tiếp đến quá giang trên cộ xe bò, xe kéo máy cày, và trên chuyến xe đò liên tỉnh cuối cùng trong ngày, về đến bệnh viện huyện gần nửa đêm, ở đó điều trị hơn mười hôm, rồi quay về tiếp tục an dưỡng ở trạm xá trại, sau cùng được trại chiếu cố, Hãn chuyển sang làm việc nhẹ ở xưởng mộc. Hắn giấu kín không hề báo cho Ngà và gia đình biết về sự cố bất hạnh này.

Sau tai nạn, sức khỏe bình phục khá nhanh nhờ sức trẻ, nhưng Hãn cơ hồ biến thành kẻ nào khác, xa lạ với mọi người, xa lạ với chính bản thân mình. Từ một người thích đùa, hễ nhắc đến chuyện tiếu lâm hay truyện chưởng là bốc hứng thao thao bất tuyệt, giờ thì hắn cứ y như cái hũ đóng kín nút, đâm ra kiệm lời, sau giờ lao động thường ở lại chăm chút mảnh vườn nho nhỏ bên xưởng mộc trồng gần như đủ các loại rau củ như cải, rau thơm, ngò gai, mướp ngọt, ớt... tăng thêm chút chất tươi cho bếp ăn tập thể, ngồi hàng giờ trông ra cây mít cô đơn bên cửa sổ, hoặc lên hội trường vùi đầu vào mớ sách báo của cái góc khiêm tốn được gọi là thư viện trại.

Kiêm luôn bị dằn vặt bởi cái ngã ngửa không thể cưỡng chống của mình khi vượt khe Ma Đuổi, tiền đề dẫn đến tai nạn khiến thằng bạn đồng cảnh ngộ hóa ra đổi tính đổi nết một cách ngang xương như thế. Càng hiểu rõ nỗi đau kín thầm của Hãn – nỗi đau hầu hết mọi người ở trại ai cũng biết nhưng vì tế nhị, ai cũng vờ như không biết – Kiêm càng hết lòng chăm sóc bạn hơn. Đổi lại, Hãn luôn tiếp nhận sự tốt bụng của Kiêm một cách hờ hững, thậm chí lạnh lùng. Nhìn dáng vẻ lủi thủi, cô đơn như cố tách biệt mình ra khỏi thế giới chung quanh mà không thể của Hãn trong lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, thỉnh thoảng Kiêm lại lắc đầu, lẩm bẩm: “Giá như mình đừng ngã, hôm ấy trời đừng mưa. Phải chi... Sao ông Trời lại giáng cho nó một đòn đau, hiểm ác đến thế!”

Cái tên Hãn buột miệng nói ra trong ngày chủ nhật thăm nuôi ấm cúng, hạnh phúc giờ đã hóa xa xôi ấy, tưởng như đùa ấy lại được Ngà thực hiện. Đứa con trai sinh ra nàng đặt tên Công – Thái Ngọc Công, và sau kỳ ở cữ chừng hơn ba tháng, Ngà lại khăn gói lên Hiệp Đức.

Nàng hết sức kinh ngạc khi Kiêm thay mặt Hãn ra nhà tiếp tân nhận đồ thăm nuôi. Hắn nhận ra nàng ngay, còn Ngà thì cảm thấy ngờ ngợ.

– Rất tiếc Hãn bệnh đột xuất nên... Tôi là Kiêm, cô Ngà còn nhớ tôi không? Mình từng gặp nhau...

– À thì ra là anh. Anh Hãn em bệnh thế nào ạ?

– Cũng xoàng thôi, bị viêm răng sưng má trông kỳ cục nên cu cậu không muốn gặp Ngà đấy thôi! – Kiêm nói dối một cách trơn tru. Ngà cười buồn:

– Tiếc thật, thế mà đêm qua ngủ trọ dưới thị trấn Hà Lam chờ đón xe thồ lên đây em cứ thao thức mãi không chợp mắt được, chuẩn bị biết bao lời sẽ nói với anh ấy, cứ ngỡ bữa nay sẽ rất vui.

– Cháu vẫn khỏe chứ? Hôm nhận thư cô báo tin đã sinh con trai, Hãn nó mừng lắm. Trên đường đi làm tôi đã lén mua được một bi đông rượu đế cùng vài anh em làm tiệc khoai mì bảy món chúc mừng...

Kiêm bỏ lửng câu nói, không nỡ kể tiếp về cuộc rượu chúc mừng ấy, vì Hãn đã uống rượu mà chẳng tỏ ra hân hoan chút nào, cứ trầm ngâm như thể đang đắm vào thế giới bí ẩn nào khác. Mắt người đàn bà vụt ngời lên giống bao bà mẹ khác khi nhắc đến con mình, giọng trở nên ấm áp hẳn:

– Cảm ơn anh, cháu vẫn khỏe. Có cái ảnh chụp nó kèm thư gửi anh Hãn trong giỏ xách, nhờ anh...

– Chúc cô và cháu khỏe vui luôn, tôi phải vào đây.

Cầm lấy giỏ đồ thăm nuôi đã được cán bộ quản giáo kiểm kỹ, đoạn Kiêm lấy từ túi quần ra cái hộp diêm nhỏ xíu dúi lẹ vào tay Ngà, thấp giọng nói:

– Suýt quên, Hãn gửi...

Cử chỉ lẹ làng của hắn không thể qua mắt cảnh vệ. Anh ta bước đến chìa tay trước Ngà, lừ mắt nghiêm giọng:

– Xin lỗi, cho tôi mượn cái hộp quẹt.

Săm soi sợi dây chuyền vàng mang hình tượng Phật, và mảnh giấy nhỏ chỉ ghi vỏn vẹn một dòng chữ xong, cho lại vào hộp diêm đưa trả Ngà, rồi anh ta quay lại gay gắt cảnh cáo Kiêm về cử chỉ lén lút vừa rồi. Kiêm thành khẩn nhận lỗi, hứa lần sau không dám tái phạm, đoạn xách giỏ đồ quày quả vào trại.

7.

GẮNG NUÔI CON. QUÊN ANH ĐI. THỨ LỖI CHO anh! Hãn. Đó là nội dung dòng chữ bút chì trên mảnh giấy xé từ tập vở học trò gấp tư, kèm sợi dây chuyền vàng giấu trong hộp diêm. Mười một chữ hệt mười một con nhặng, vừa đọc thấy tức khắc chúng cất cánh bay vù đáp vào mắt khiến Ngà tối tăm mày mặt. Mười một chữ viết theo lối đánh điện tín ngắn gọn, mà chứa lượng thông tin có sức nặng làm trĩu trái tim giàu cảm xúc của người đàn bà trẻ.

Sững sờ, nước mắt lặng lẽ ứa lăn trên má, đọc lui tới không biết bao nhiêu lần, vẫn chẳng thể hiểu nổi sự thực ẩn giấu sau dòng “điện tín” ấy, Ngà đến khẩn nài ông cán bộ quản giáo trực tiếp tân xin được gặp “chồng” lần nữa. Ông này lắc đầu:

– Từ trước tới nay không có lệ cho trại viên tiếp thân nhân hai lần.

Ngà trưng mẩu thư ngắn nom tầm thường nhưng chứa cả nội dung “vĩnh biệt” ngậm ngùi, kèm những giọt vắn giọt dài không thể ngăn:

– Hai lần trong một ngày phải không ạ? Vậy tôi xin nán lại chờ đến mai, mong ông thông cảm.

Trả lại mẫu thư cho “khổ chủ”, ông ta lạnh lùng nói:

– Mai không phải là ngày nghỉ. Đây là việc nhà, tôi nghĩ chị có thể trao đổi qua thư từ.

Sau đó bao nhiêu thư đi không hề nhận được tin lại. Vài lần Ngà lên thăm nuôi mang cả thằng cu Công theo, Hãn vẫn cố tình tránh mặt. Kẻ “đại diện” hắn vẫn là Kiêm. Kiêm thường kết thúc nhanh chóng cuộc gặp, nhận giỏ đồ tiếp tế xong là quay vào trại ngay, và bao nhiêu lần hắn lập lui lập tới mãi một câu nghe phát chán: “Hãn vẫn thường, chúc cô Ngà và cháu khỏe vui luôn!”

Để có tiền sinh sống, nuôi con, Ngà chẳng nề hà bất cứ công việc gì, từ nặng nhọc như rửa chén bát trong các tiệm ăn, quán phở, giúp việc trong các lò giết mổ heo, bò... đến tạp nham như bán hàng rong, buôn hàng nhu yếu phẩm ở cửa hàng đằng đông đi bỏ mối lẻ ở các quán tạp hóa đằng tây, theo tàu lửa Thống Nhất buôn chuyến đủ loại hàng hóa trong Nam cần, ngoài Bắc sẵn có, hay ngoài Bắc thiếu, trong Nam thừa, luồn lách tận biên giới Lào buôn lậu hàng qua ngả cửa khẩu Lao Bảo, đường 9... Ăn uống thất thường, ăn vận tuềnh toàng nhưng nhan sắc cứ lồ lộ hệt sen trong đầm, trăng đầu ngõ, đi bất cứ đâu và làm bất cứ gì, không ít phen Ngà phải chống chỏi với các lũ trai lơ, bọn đàn ông thích cà rỡn, ưa trò chim chuột, coi quấy rối tình dục là tuồng mua vui. Người mẹ trẻ ấy chưa bao giờ ngã lòng.

Và, ngày nọ bỗng gặp lại bà Chanh ở giữa chợ Đông Ba, hai người hàn huyên tâm sự gần nửa buổi ở một quán nước. Nghe bà Chanh rủ rê, nói về lợi lộc của cái nghề “tối mật” mối lái, móc nối cho đường dây đưa người vượt biên ra nước ngoài qua cửa biển Thuận An, Ngà phân vân, nửa tin nửa ngờ, đoạn hứa sẽ thử việc. Qua vài lần móc nối trót lọt, nhận thù lao gấp nhiều lần thu nhập do các nghề hầm bà lằng trước đây mang lại, nàng trở thành cái bóng luôn theo hình là bà Chanh, được coi như bà chị kết nghĩa.

Nghề nghiệp mới đòi hỏi phải sống kiểu nửa tối nửa sáng, thoắt ẩn thoắt hiện, lắm lúc phải “tàng hình” bám chặt các bến bãi trước mỗi “trận đánh” đến cả tuần lễ, mươi ngày, không thuận tiện lắm cho việc nuôi con, Ngà đánh bạo mang thằng Công về quê Hãn ra mắt ông bà nội nó. Hết sức ngỡ ngàng, chẳng ai dám nhận, bảo chờ xác minh. Sau đó được Hãn xác nhận qua thư, người em trai vội vã đi tìm Ngà, và không chút ngại ngần nhận thằng cháu về nuôi. Vậy là năm lên ba, thằng Công về ở luôn với ông bà nội và chú thím nó. Thỉnh thoảng Ngà lại về thăm con, dẫu chưa được cưới xin, nàng vẫn đối xử khá tốt với gia đình “chồng”, dưới mắt mọi người, Ngà được tiếng là nàng “dâu” thảo.

Ngày Hãn nhận giấy phóng thích quay về quê thì thằng Công gần lên bốn, ông bà nội rất cưng chiều thằng cháu đích tôn. Trước đó không lâu, vợ chồng người em không con, mới tậu được một cửa hàng nhỏ kinh doanh vàng bạc ngoài phố, dọn ra ở ngoài đó luôn, Hãn trở thành trụ cột chính của gia đình.

Như một số gia đình khác trong làng, ngoài ruộng vườn canh tác quanh năm, nhà Hãn còn có truyền thống kinh doanh vàng bạc từ bao đời nay. Người cha nói:

– Bây giờ thong thả rồi con học nghề là vừa, trước mắt giúp em con phát triển cửa hàng của nó, sau này có cái nghề lận lưng để nuôi vợ con.

– Không, con không có ý định sống xa nhà nữa.

– Xa nhà là sao?

– Thì từ bao đời nay làng mình ai muốn ăn nên làm ra bằng nghề thợ bạc cũng phải tha hương ra phố, ra huyện, thậm chí lang bạt kỳ hồ khắp nơi. Bản thân cha cũng vậy thôi, nếu chưa chào thua tuổi già, cha đâu đã chịu “qui cố hương”!

Người cha cười:

– Đi thỉnh thoảng lại về, có gì đâu mà ngại.

– Vả lại, con đã nguyện sống độc thân đến hết đời.

– Cái gì mà... độc thân? – Người cha xoe tròn mắt kinh ngạc nhìn gã trai như thể trên trán hắn bất thần nẩy ra cái sừng... bò: – Thế đã báo tin cho Ngà nó biết con về chưa? Bao nhiêu năm người ta sắt son chờ đợi, lo kiếm tiền nuôi con mọn, sao giờ con lại...

Run tay châm thêm cho đầy tách trà, ông cụ uống cạn cơ hồ đang rất khát. Đan hai tay bó lấy đầu gối, Hãn lảng mắt ra cây bồ đề cổ thụ cao chừng năm sáu tấc thu mình đứng trong chậu kiểng màu lam ngọc với bộ rễ sù sì chưng trước hiên, thường ngày ai cũng khen thế đẹp, oai phong, bộ rễ mạnh mẽ, ấn tượng, giờ nom lẻ loi đến phiền muộn. Hãn nói:

– Dù mẹ thằng Công đã từng... nhưng giờ con coi cô ấy cũng chỉ là bạn!

– Lâu nay ở nhà vẫn đối xử với nó như dâu thảo, và nó coi cha mẹ như cha mẹ chồng, tình cảm như bát nước đầy. Đừng có ruồng bỏ, quay lưng lại với người ta một cách vô ơn bạc nghĩa thế con ạ!

– Con có một lý do rất riêng chưa tiện thưa với cha lúc này, xin khất lúc khác tiện hơn. Mỗi thằng Công con nghĩ trả hiếu cho cha mẹ cũng đủ rồi. Biết đâu sắp tới vợ chồng chú Hiếu hết “tịt ngòi”, lại đẻ sồn sồn năm một, lúc đó chỉ sợ cha lại than mệt vì bị cháu chắt quấy rầy.

– Con có tự thấy bây giờ con khác trước nhiều không?

– Con vẫn là con thôi, có gì khác đâu? Con muốn chăm sóc lại khu vườn, cha thấy thế nào ạ?

– Chơi với cuốc xẻng chẳng nhàn nhã bằng chơi với các dụng cụ nhỏ gọn của nghề thợ bạc đâu, con cần cân nhắc kỹ. Việc cuốc đất lật cỏ ai chẳng làm được?

– Đất sẽ đẻ ra vàng nếu mình biết cách bắt nó đẻ. Còn nghề thợ bạc chỉ là gia công vàng thôi!

Đẩy mục kỉnh lên tận gốc mũi, người cha ngắm đứa con nay đã rắn rỏi, phong trần hơn trước, có cái gì đó cứ phảng phất trên vẻ mặt hắn nom buồn buồn, nghiêm nghiêm khó thể hiểu nổi. Ông khẽ phẩy tay:

– Ờ thì... – Ông cụ bỏ lửng câu nói với vẻ mặt cau có, cau ríu đôi mày sâu róm y hệt mày của Hãn, nhưng Hãn biết ông sẽ không bắt buộc hắn phải theo cái nghề thợ bạc truyền thống của gia đình nữa.

Vốn gốc gác nhà nông, rời làng ra phố chợ học hành, đỗ đạt, đi lính theo sắc luật tổng động viên, thất trận, rã ngũ, giờ quay về lại “hiện nguyên hình” là anh nông dân với ít chữ nghĩa trong đầu, ít trải nghiệm cuộc sống, và tâm hồn hằn dấu một nỗi đau thầm, Hãn cầm lại cây cuốc thoạt tiên hơi lọng cọng sau quen dần, chí thú chăm sóc mảnh vườn tạp hơn 7 sào đất quanh nhà lâu nay gần như hoang phế. Thuê người làm sạch cỏ dại, khơi lại giếng, khai thông mương tưới tiêu, gia cố thêm vồng, liếp. Không chỉ các loại trái cây lưu niên như cam, quít, bưởi, xoài, sabôchê... mà cả các loại rau củ ngắn ngày cũng được lên kế hoạch sản xuất, sau vài tháng, khu vườn đã có “bộ mặt” mới.

Công việc vườn tược chiếm hầu hết thời gian trong ngày, phần còn lại Hãn dành cho việc chăm chút, dạy dỗ thằng Công và đọc sách, đa số là sách Thiền học, Phật học và Triết học.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3