Siêu Lý Tình Yêu - Chương 02
BÀI THỨ HAI
I
Cả ở các động vật lẫn ở con người, tình yêu hữu tính là giờ phút phồn thịnh cao nhất của cuộc sống cá thể. Nhưng vì ở các động vật, sự sống chủng loại hệ trọng hơn nhiều so với sự sống cá thể, cho nên cường độ cao nhất của cái thứ hai ấy chỉ phụng sự cho quá trình chủng loại. Không phải niềm ham mê tính dục chỉ là phương tiện đơn thuần cho các cơ thể tái sản xuất và sinh sôi nẩy nở, song nó phục vụ cho sự sản sinh ra những cơ thể hoàn hảo hơn thông qua cạnh tranh và lựa chọn hữu tính. Người ta cố gán một ý nghĩa cũng như thế cho tình yêu hữu tính trong thế giới con người, nhưng như ta đã thấy, hoàn toàn uổng công bởi vì trong loài người, tính cá thể có ý nghĩa độc lập và trong biểu hiện mạnh nhất của mình, nó không thể chỉ là công cụ cho những mục đích của tiến trình lịch sử nằm ở ngoài nó. Hay là, nói đúng hơn, mục đích chân chính của tiến trình lịch sử không thuộc loại mục đích để cho cá nhân con người phục vụ nó chỉ như một công cụ thụ động nhất thời.
Niềm tin sắt đá vào giá trị tuyệt đối của con người không dựa vào sự tự đề cao của nó và cũng không dựa vào một hiện thực thấy được là chúng ta không biết một sinh linh nào khác hoàn hảo hơn trong trật tự tự nhiên. Phẩm giá vượt lên trên thể tương đối của con người rõ rằng là ở chỗ nó có một hình thức (kiểu thức) tuyệt đối của ý thức hữu trí. Con người, cũng như con vật, ý thức những trạng thái đã trải nghiệm và đương trải nghiệm, nhìn thấy giữa chúng quan hệ này hay quan hệ kia và trên cơ sở những mối quan hệ ấy mà dự đoán những trạng thái tương lai, nhưng ngoài cái đó ra, con người còn có khả năng đánh giá những trạng thái và những hành vi của mình và nói chung nhìn nhận mọi sự việc trong quan hệ không chỉ với những sự việc đơn nhất khác mà còn với những tiêu chuẩn lý tưởng phổ quát; ý thức của con người, bên trên những hiện tượng đời sống, còn được quy định bởi trí tuệ của chân lý. Làm cho những hành động của mình phù hợp với cái ý thức cao nhất ấy, con người có thể hoàn thiện vô tận cuộc sống và bản chất của mình mà không vượt ra ngoài ranh giới của hình thái con người. Chính vì thế nó mới là sinh linh cao nhất của thế giới tự nhiên và là sự kết thúc thực sự của tiến trình kiến tạo hoàn vũ; bởi vì ngoài Sinh Linh mà bản thân Ngài là chân lý vĩnh hằng và tuyệt đối giữa tất cả các chân lý khác, cái sinh linh có năng lực nhận thức và thực hiện chân lý trong cuộc sống của mình là sinh linh cao nhất - không phải theo nghĩa tương đối, mà tuyệt đối. Có thể nghĩ ra một căn cứ hữu lý nào cho sự sáng tạo những hình thái mới, hoàn hảo hơn về bản chất, khi đã có một hình thái có năng lực tự hoàn thiện vô tận, có thể chứa nạp đầy đủ toàn bộ nội dung tuyệt đối? Với sự ra đời của hình thái như thế, sự tiến bộ tiếp tục chỉ có thể là những bậc phát triển mới của chính nó, chứ không phải là sự thay thế nó bằng những sản phẩm khác, bằng những hình thái sinh tồn khác, chưa từng có. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa tiến trình phát sinh vũ trụ và tiến trình lịch sử. Tiến trình thứ nhất tạo ra liên tiếp, trước khi xuất hiện con người, những chủng loại sinh vật mới; những chủng loại cũ một phần bị diệt vong, như là những thí nghiệm không thành, một phần cùng tồn tại với những chủng loại mới một cách bên ngoài và tiếp xúc, va chạm với nhau một cách ngẫu nhiên, không hình thành một thể thống nhất thật sự nào cả, bởi lẽ ở chúng không có cái ý thức chung gắn bó chúng với nhau và với quá khứ của vũ trụ. Ý thức chung ấy chỉ xuất hiện trong loài người. Trong thế giới động vật, quan hệ tiếp nối từ những hình thái thấp đến những hình thái cao, mặc dù rất đúng đắn và hợp đích, vẫn chỉ là một thực tại hoàn toàn bên ngoài, xa lạ đối với chúng, tuyệt không tồn tại cho chúng: con voi và con khỉ không thể biết một cái gì về quá trình phức tạp của những biến thái địa chất học và sinh học đã quy định sự xuất hiện của chính chúng trên trái đất; một mức độ phát triển tương đối cao của ý thức cục bộ và đơn nhất ở đây không là một tiến bộ nào cả trong ý thức chung, ý thức chung ấy tuyệt đối không có ở những con vật thông minh ấy, cũng như ở con sên ngu ngốc; bộ óc phức tạp của con vật có vú cấp cao nhất cũng ít phục vụ cho việc thiên nhiên tự nhận biết mình trong chỉnh thể toàn vẹn của mình, chẳng hơn tí nào những hạch thần kinh manh nha của một con giun nào đó. Trong loài người thì, ngược lại, thông qua ý thức cá thể thăng tiến, ý thức tôn giáo và khoa học, ý thức phổ thông cũng thăng tiến. Trí tuệ cá nhân ở đây không chỉ là cơ quan của cuộc sống riêng nhưng còn là cơ quan hồi tưởng và đoán định cho toàn thể loài người và thậm chí cho toàn thể thiên nhiên. Người Do Thái nào ngày xưa đã viết: đây là sách về sự đẻ trời và đẻ đất (elle tol’ dot gashammaim ve gaarez) - và tiếp theo: đây là sách về sự đẻ ra con người (zhe sefe tol’ dot gaadam) - con người ấy đã thể hiện không chỉ ý thức cá nhân và dân tộc của mình, thông qua anh ta lần đầu tiên trong vũ trụ bừng sáng chân lý về tính nhất thống của toàn thể thế giới và toàn thể loài người và tất cả những thành tựu sau này của ý thức chỉ là sự phát triển và hiện rõ cái chân lý ấy, chúng không cần và không được ra khỏi cái hình thức bao quát toàn bộ ấy: một khoa thiên văn và một khoa địa chất học hoàn hảo nhất có thể làm được cái gì, nếu không phải là khôi phục lại toàn bộ lịch sử phát sinh trời và đất; cũng đúng như thế, nhiệm vụ cao nhất của nhận thức lịch sử chỉ có thể là khôi phục lại’’ sách về những cuộc sinh đẻ của con người’’, tức là quan hệ di truyền - thừa kế trong đời sống nhân loại và cuối cùng, hoạt động sáng tạo của chúng ta cũng không thể có một mục đích nào cao hơn sự thể hiện bằng những hình tượng cảm tính cái thể thống nhất khởi thuỷ đã được tạo ra và được tuyên cáo - thể thống nhất của trời, đất và con người. Toàn bộ chân lý - thể thống nhất chính diện của tất cả - khởi thuỷ vốn có trong ý thức sống động của con người và được thực hiện từng bước trong đời sống nhân loại với tính kế thừa có ý thức (bởi lẽ chân lý không nhớ họ hàng không phải là chân lý). Nhờ tính co dãn vô tận và tính liên tục của ý thức được kế thừa của mình, con người, vẫn còn lại là con người, có thể nhận thức và thực hiện toàn bộ sự viên mãn vô tận của sinh tồn, và vì thế không cần thiết và cũng không thể có những chủng loại sinh linh cao hơn thay thế nó. Trong biên giới của cái thực tại nghiệm chứng của mình, con người chỉ là một bộ phận của thiên nhiên, nhưng nó thường xuyên và nhất quán vượt ra ngoài cái biên giới ấy; trong những sản phẩm tinh thần của mình- tôn giáo và khoa học, đạo đức và nghệ thuật- nó tự bộc lộ như là một trung tâm của ý thức phổ thông của thiên nhiên, như là một linh hồn của thế giới, như là một tiềm năng được hiện thực hóa của thể thống nhất tuyệt đối của tất cả và do đó, cao hơn nó chỉ có thể có chính cái tuyệt đối nhất ấy trong hành động hoàn hảo, hay là trong hiện hữu vĩnh cửu của mình, tức là Thượng Đế.
II
Ưu thế của con người trước những sinh linh khác của thiên nhiên - cái khả năng nhận thức và thực hiện chân lý - không chỉ là của chủng loại, mà còn là của từng cá thể: mỗi một con người đều có khả năng nhận thức và thực hiện chân lý, mỗi người đều có thể trở thành một hình ảnh phản chiếu sống động của chỉnh thể tuyệt đối, một cơ quan hữu thức và độc lập của cuộc sống hoàn vũ. Cả trong thiên nhiên phi nhân tính cũng có chân lý (hay là hình ảnh của Chúa Trời), nhưng chỉ ở trong tính khách quan chung của nó không được các sinh linh riêng lẻ biết đến. Chân lý ấy tạo tác chúng, tác động ở trong chúng và thông qua chúng như một sức mạnh định mệnh, như một quy luật tồn tại của chính chúng mà bản thân chúng không hay biết, song phục tùng một cách ngoài ý chí và vô ý thức. Để cho chính mình, trong cảm giác và ý thức nội tại của mình, chúng không thể vươn lên cao hơn cái sinh tồn nghiệm chứng riêng lẻ của mình, chúng tìm thấy mình chỉ ở trong thể riêng lẻ, cách li cái toàn thể và do đó chúng ở ngoài chân lý. Vì thế, chân lý hay là cái phổ quát chỉ có thể ưu thắng ở đây trong sự chuyển đổi thế hệ, trong sự trường tồn của chủng loại và sự tử vong của cuộc sống cá thể không chứa nạp nổi chân lý. Còn cá thể con người thì chính vì nó có thể chứa nạp chân lý, nó không bị chân lý xoá bỏ, mà được bảo toàn và tăng cường trong sự toàn thắng của chân lý.
Thế nhưng để cho một sinh linh cá thể tìm thấy ở chân lý - ở thể thống nhất của tất cả - sự biện chính và sự khẳng định của mình, chỉ một ý thức về chân lý từ phía nó là chưa đủ - nó phải ở trong chân lý, mà khởi thuỷ và trực tiếp thì con người cá thể, cũng như con vật, không ở trong chân lý: nó nhận thấy mình như là một bộ phận nhỏ biệt lập của chỉnh thể hoàn vũ và với bản tính vị kỉ, nó khẳng định sự tồn tại cục bộ ấy của mình như là một chỉnh thể cho mình, nó muốn là tất cả trong sự tách rời khỏi tất cả - tức là ở ngoài chân lý. Chủ nghĩa vị kỉ như là một yếu tố hiện thực cơ bản của sự sống cá thể thẩm thấu toàn bộ nó và chỉ huy nó, quy định tất cả ở trong nó, cho nên chỉ một ý thức lý thuyết về chân lý không thể bằng cách nào vượt qua và xóa bỏ được chủ nghĩa vị kỉ ấy. Chừng nào sức sống của chủ nghĩa vị kỉ chưa bắt gặp ở bên trong con người một sinh lực khác đối lập với nó, thì ý thức về chân lý vẫn chỉ là sự soi sáng từ bên ngoài, là hồi quang của một ánh sáng khác. Nếu mà con người chỉ có thể chứa nạp chân lý theo một nghĩa ấy, thì mối liên quan giữa chân lý và cá nhân con người sẽ không là nội tại và khăng khít; cái sinh linh của chính nó, vẫn ở lại bên ngoài chân lý giống như con vật, sẽ cũng như con vật tất yếu tử vong (trong tính chủ quan của mình), chỉ lưu lại như một ý niệm trong tư duy của trí tuệ tuyệt đối.
Cái chân lý như một sức sống chiếm lĩnh sinh linh nội tại của con người và thực sự dẫn đưa nó ra khỏi trạng thái tự khẳng định sai trái, gọi là tình yêu. Tình yêu như một sự giải thể thực sự chủ nghĩa vị kỉ, là sự biện chính và cứu vớt thực sự tính cá thể. Tình yêu to lớn hơn ý thức hữu trí, nhưng không có nó thì tình yêu không thể hoạt động như một sức mạnh cứu độ nội tại, nâng cao chứ không xoá bỏ cái cá thể. Chỉ nhờ có ý thức hữu trí (hay là, cũng thế, ý thức về chân lý) con người mới có thể phân biệt chính mình, tức là cái tôi chân chính của mình, tách biệt nó khỏi chủ nghĩa vị kỉ của mình. Và hi sinh cái chủ nghĩa vị kỉ ấy, hiến dâng mình cho tình yêu, con người tìm thấy ở tình yêu không chỉ một lực sống, mà còn lực làm sống; từ bỏ chủ nghĩa vị kỉ của mình, nó không đánh mất sinh linh cá thể của mình, mà ngược lại tìm thấy cho nó sự sống vĩnh hằng. Trong thế giới các động vật, bởi ở chúng không có ý thức hữu trí của riêng chúng, cái chân lý hiện thực hóa trong tình yêu không tìm ra được ở trong chúng điểm tựa nội tại cho hoạt động của mình, cho nên nó chỉ có thể tác động một cách trực diện, như một sức mạnh bên ngoài, định mệnh đối với chúng, thu nạp chúng như những công cụ mù loà cho những mục đích thế giới xa lạ với chúng; tình yêu ở đây xuất hiện như là sự toàn thắng một chiều của cái chung, cái chủng loại, đối với cái cá thể ; và vì ở các động vật, tính cá thể trùng hợp với tính vị kỉ trong sinh tồn cục bộ trực tiếp của chúng, cho nên cái cá thể cũng tử vong cùng với tính vị kỉ ấy.
III
Cái lẽ chung của tình yêu trong loài người là biện minh và cứu vớt cá nhân bằng sự hi sinh chủ nghĩa vị kỉ. Trên cơ sở chung ấy chúng ta có thể giải quyết cả nhiệm vụ chuyên biệt của chúng ta: giải thích ý nghĩa của tình yêu nam nữ. Không phải ngẫu nhiên mà những quan hệ nam nữ không những được gọi là tình yêu, mà còn, theo quan niệm chung, biểu thị bản chất tình yêu, là kiểu mẫu và lý tưởng của mọi thứ tình yêu khác (xem Tuyệt diệu ca và sách Khải huyền).
Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỉ hoàn toàn không phải ở chỗ con người này hay con người kia đánh giá mình quá cao, gán ghép cho mình một ý nghĩa tuyệt đối, một phẩm giá vô cùng vô tận: chính ở đấy, nó đúng, bởi vì mọi chủ thể con người như một trung tâm độc lập của các lực sống, như một tiềm năng (khả năng) hoàn thiện vô tận, như một sinh linh có khả năng, trong cuộc sống và trong ý thức của mình, chứa nạp chân lý tuyệt đối - mỗi một con người với tư cách ấy đều có ý nghĩa và phẩm giá siêu tương đối, đều là một cái gì đó tuyệt đối không thể thay thế, cho nên nó không thể đánh giá mình quá cao (theo lời kinh Phúc Âm: người ta sẽ lấy gì mà đổi linh hồn của mình?). Sự không thừa nhận ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối ấy ngang bằng với sự chối từ phẩm giá con người, đây là một sai lầm cơ bản khơi mào cho mọi sự không tin: người ấy thấp hèn đến nỗi không tin vào chính mình, vậy thì làm sao nó có thể tin vào một cái gì khác? Cái sai và cái ác cơ bản của chủ nghĩa vị kỉ không phải ở sự tự ý thức và tự định giá tuyệt đối ấy của chủ thể, mà ở chỗ, quy cho mình một cách chính đáng cái ý nghĩa tuyệt đối, nó phủ nhận một cách bất chính ý nghĩa ấy ở người khác; thừa nhận mình là trung tâm của sự sống, mà nó đúng là thế, nó hất đẩy mọi người khác ra ngoại vi của sinh tồn của mình, để lại cho họ chỉ một giá trị bề ngoài và tương đối.
Dĩ nhiên, trong ý thức trừu tượng, trong lý thuyết, bất cứ ai chưa mất trí cũng luôn luôn coi những người khác là bình quyền hoàn toàn với mình; nhưng trong ý thức sống, trong cảm giác bên trong và trong hành vi, nó khẳng định một sự khác biệt một trời một vực, một sự không thể so sánh giữa mình và những người khác: nó tự nó là tất cả, họ tự họ không là gì cả. Trong khi ấy thì, với sự tự khẳng định ngoại trừ tuyệt đối như thế, con người trong thực tế sẽ không thể là cái mà nó khẳng định. Cái ý nghĩa vô điều kiện, cái tính tuyệt đối mà nó nói chung chính đáng thừa nhận ở mình, nhưng không chính đáng lấy đi ở những người khác, tự chúng chỉ mang tính tiềm năng - đó mới là khả năng còn phải được hiện thực hóa. Thượng Đế mới là tất cả, tức là Ngài có, trong hành động tuyệt đối của mình, toàn bộ nội dung chính diện, toàn bộ sự tồn hữu viên mãn. Con người (nói chung và bất cứ con người cá thể nào, nói riêng) đã là người này trong thực tại, chứ không phải người khác, thì chỉ có thể trở thành tất cả bằng cách xoá bỏ trong ý thức và trong cuộc sống cái đường biên nội tại ngăn chia nó với người khác. “Con người ấy’’ có thể trở thành ‘’tất cả’’ chỉ cùng với những người khác, chỉ cùng với những người khác nó mới có thể thực hiện được cái ý nghĩa tuyệt đối của mình - trở thành một bộ phận không thể tách rời và không thể thay thế của chỉnh thể thống hợp tất cả, một cơ quan sống động, độc lập và độc đáo của sự sống tuyệt đối. Tính cá nhân chân chính là một kiểu thức nhất định của tính-nhất-thống-của-tất-cả, một phương cách nhất định để tiếp thu và biến thành của mình toàn bộ cái không phải là mình. Khẳng định mình ở bên ngoài tất cả, con người bằng cách ấy tước đoạt sự sinh tồn của chính mình, lấy đi của mình cái nội dung chân chính của sự sống và biến tính cá thể của mình thành một hình thức trống rỗng. Như vậy, chủ nghĩa vị kỉ tuyệt không phải là sự tự ý thức và tự khẳng định của cá nhân, mà ngược lại - nó là sự tự phủ định và tự diệt vong.
Những điều kiện siêu lý và vật lý, lịch sử và xã hội của nhân sinh bằng mọi cách làm biến thể và giảm nhẹ chủ nghĩa vị kỉ của chúng ta, đặt ra muôn vàn trở ngại mãnh liệt và đa dạng cho sự hiển lộ của nó ở dạng thuần tuý, với tất cả những hậu quả khủng khiếp của nó. Song toàn bộ cái hệ thống phức tạp của những trở lực và những điều chỉnh ấy, mà ý trời đã định trước và thiên nhiên và lịch sử đương thực hiện, vẫn để nguyên vẹn bản thân cái nền móng của chủ nghĩa vị kỉ, nó thường xuyên ló ra từ dưới tấm vải phủ của đạo đức cá nhân và xã hội và nếu có cơ hội thì bộc lộ rõ toàn bộ. Chỉ có một sức mạnh có thể làm nổ tung từ bên trong, tận gốc chủ nghĩa vị kỉ và trong thực tế nó vẫn làm việc ấy, đó chính là tình yêu, và chủ yếu tình yêu nam nữ. Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỉ là ở sự thừa nhận chỉ ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối và phủ nhận nó ở người khác; lý trí cho ta thấy cái đó là vô căn cứ và bất công, còn tình yêu thì xoá bỏ trực tiếp và trong thực tại cái thái độ bất công bất chính ấy, nó bắt ta không chỉ trong ý thức trừu tượng, mà cả trong tình cảm nội tâm và ý chí sống tiếp nhận cho mình cái ý nghĩa tuyệt đối của người khác. Nhận thức trong tình yêu một cách không trừu tượng mà cơ bản chân lý của người khác, chuyển dịch trong thực tại trung tâm sự sống của mình ra ngoài biên giới tính cá thể nghiệm chứng của mình, chúng ta bằng cách ấy thể hiện và thực hiện cái chân lý của ta, cái ý nghĩa tuyệt đối của ta, nó chính là năng lực vượt ra ngoài ranh giới của kiểu tồn tại hiện tượng, thực chứng của ta, là năng lực sống không chỉ trong mình, mà còn trong người khác.
Mọi tình yêu đều là biểu hiện của năng lực ấy, nhưng không phải tình yêu nào cũng thực hiện nó ở mức độ như nhau, không phải tình yêu nào cũng làm nổ tung tận gốc như nhau chủ nghĩa vị kỉ. Chủ nghĩa vị kỉ là một sức mạnh không chỉ hiện thực mà còn cơ bản, bắt rễ vào tận trung tâm sâu nhất của sinh tồn chúng ta và từ đó thẩm thấu và bao trùm toàn bộ thực tại của ta - một sức mạnh tác động liên tục tới mọi bộ phận và mọi chi tiết của cuộc sống chúng ta. Để thực sự phá vỡ chủ nghĩa vị kỉ, phải có để đặt đối lập với nó một tình yêu cũng cụ thể - xác định như thế, cũng thẩm thấu toàn bộ và bao trùm tất cả trong sinh linh ta như thế. Cái khác ấy, cái phải giải phóng cá nhân ta khỏi xiềng xích của chủ nghĩa vị kỉ, phải có quan hệ tương liên với toàn bộ cá nhân ta, phải là một chủ thể cũng hiện thực và cụ thể, cũng được khách thể hóa hoàn toàn như chính ta, nhưng đồng thời nó lại phải khác ta toàn bộ, để có thể thực sự là cái khác; tức là, có tất cả cái nội dung cơ bản mà ta có, nó phải có cái đó bằng cách khác hay là bằng kiểu khác, dưới hình thức khác, để cho mỗi biểu hiện của sinh linh ta, mỗi hành vi sống của ta bắt gặp ở người khác ấy một biểu hiện tương ứng, nhưng không hệt như ta, để cho quan hệ của ta với người ấy là sự trao đổi đầy đủ và thường xuyên, là sự khẳng định mình trong người khác cũng đầy đủ và thường xuyên, là sự tương tác và giao lưu hoàn hảo. Chỉ khi ấy chủ nghĩa vị kỉ sẽ bị phá vỡ và xoá bỏ không chỉ trong nguyên tắc, mà trong toàn bộ thực tại cụ thể của nó. Chỉ với sự kết hợp có thể nói hóa học ấy của hai sinh linh đồng nhất về bản chất và ngang bằng về giá trị, nhưng khác nhau toàn diện về hình thức, mới có thể có (trong trật tự tự nhiên cũng như trật tự tinh thần) sự kiến tạo con người mới, sự thực hiện thật sự tính cá nhân chân chính của con người. Một sự kết hợp như thế, hay ít nhất một khả năng tiến gần nhất tới sự kết hợp ấy, ta tìm thấy trong tình yêu nam nữ, vì thế mà ta coi trọng đặc biệt nó như là một cơ sở không thiếu được và không thể thay thế của toàn bộ sự hoàn thiện hóa đến cùng cái hữu thể, như là một điều kiện tất yếu và thường trực, mà chỉ có nó con người mới có thể thật sự ở trong chân lý.
IV
Thừa nhận hoàn toàn tầm quan trọng vĩ đại và phẩm giá cao quý của các loại hình tình yêu khác, mà chủ nghĩa duy tinh thần sai trái và chủ nghĩa duy đạo đức bất lực muốn lấy để thay thế tình yêu hữu tính, ta tuy vậy vẫn thấy rằng chỉ có loại tình yêu này mới đáp ứng hai yêu cầu cơ bản mà không có chúng thì không thể có sự xoá bỏ đến cùng tính tự kỉ trong giao hòa viên mãn, sống động với người khác. Ở mọi loại tình yêu khác thiếu vắng hoặc là sự đồng nhất về chất, sự bình đẳng và tương tác giữa bên yêu và bên được yêu, hoặc là sự khác biệt toàn diện của các thuộc tính bổ sung cho nhau.
Chẳng hạn trong tình yêu thần hiệp, đối tượng của tình yêu cuối cùng được đưa về trạng thái bất phân tuyệt đối hút thu cá tính con người; ở đây chủ nghĩa vị kỉ được xoá bỏ theo một nghĩa rất không đầy đủ, giống như nó được xoá bỏ, khi con người rơi vào giấc ngủ sâu (trong kinh Upanishad và trong triết học Vedanta người ta so sánh và đôi khi trực tiếp đồng nhất hóa với trạng thái ngủ sâu ấy sự hòa đồng của tâm linh cá thể với tâm linh hoàn vũ). Giữa con người sống và cái “vực không đáy’’ huyền bí của sự bất phân tuyệt đối, do tính dị đồng về chất và tính không thể so sánh của hai đại lượng ấy, không thể có không chỉ sự giao lưu sống động, mà ngay cả sự cùng tồn tại đơn thuần: nếu có đối tượng của tình yêu, thì không có chủ thể - nó đã biến mất, đã đánh mất bản thân, đã như thể chìm vào một giấc ngủ sâu không chiêm mộng, và khi nó trở lại với mình, thì đối tượng tình yêu đã biến mất và thay vì cái bất phân tuyệt đối lại hiện ra cuộc sống thực tại tạp sắc, với muôn vàn sự phân biệt - trên cái nền chủ nghĩa vị kỉ của bản thân chủ thể, được tô điểm bằng niềm kiêu ngạo tinh thần. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã từng chứng kiến những nhà thần hiệp và cả những trường phái thần hiệp, mà ở đấy đối tượng tình yêu được tri ngộ không phải như là cái bất phân tuyệt đối, mà thâu thái những hình thức cụ thể cho phép có được những quan hệ sống động với nó, thế nhưng - rất đáng để ý - những quan hệ ấy ở đây thu nhận tính chất rõ ràng và nhất quán của tình yêu hữu tính…
Tình yêu của cha mẹ - nhất là tình yêu của người mẹ - cả về sức mạnh tình cảm lẫn về tính cụ thể của đối tượng, tiến gần tới tình yêu hữu tính, nhưng vì những nguyên nhân khác nó không thể có được một ý nghĩa cho bản ngã con người ngang bằng với tình yêu hữu tính. Tình yêu của cha mẹ được quy định bởi thực tại sinh con đẻ cái và chuyển giao thế hệ, với quy luật ngự trị trong đời sống động vật nhưng quy luật này không có, hoặc trong mọi trường hợp, không được có ý nghĩa đến thế trong đời sống con người. Ở các động vật, thế hệ sau trực tiếp và nhanh chóng xoá bỏ thế hệ trước và lột trần tính vô nghĩa của sự tồn tại của chúng, để rồi đến lượt mình cũng nhanh chóng bị những sản phẩm của chính mình bóc trần cái tồn tại vô nghĩa của mình. Tình yêu của người mẹ trong nhân loại, nhiều khi đạt độ tự hi sinh cao mà ta không tìm thấy ở tình yêu của loài gà, là một tàn dư rõ ràng đương còn rất cần thiết, của cũng cái trật tự tự nhiên ấy. Trong mọi trường hợp điều không phải bàn cãi là trong tình mẫu tử không thể có sự có đi có lại hoàn toàn và sự giao lưu sự sống, bởi lẽ đơn thuần là người yêu và những người được yêu thuộc về những thế hệ khác nhau; đối với những người được yêu, cuộc sống ở trong tương lai với những lợi ích và nhiệm vụ mới, độc lập, mà giữa chúng, những đại diện của quá khứ chỉ xuất hiện như những chiếc bóng mờ nhạt. Chỉ cần nhận ra một điều là cha mẹ không thể là mục đích sống cho con cái như là con cái nhiều khi là mục đích sống cho cha mẹ.
Một người mẹ dồn tất cả tâm hồn mình vào các con, tất nhiên, hi sinh tính ích kỉ của mình, nhưng đồng thời cũng đánh mất cá tính của mình, còn ở các con, tình yêu của mẹ nếu bồi đắp cá tính của chúng thì cũng bảo toàn và thậm chí làm gia tăng tính ích kỉ. Ngoài ra, trong tình mẫu tử vẫn không có sự thừa nhận ý nghĩa tuyệt đối ở người mình yêu, không có sự thừa nhận cái tính cá thể chân chính của nó, bởi vì đối với người mẹ, mặc dù đứa con là quý hơn tất cả, nhưng chỉ với tư cách đứa con đẻ của bà ta, không khác hơn ở những động vật khác, tức là ở đây, sự tưởng chừng thừa nhận giá trị tuyệt đối của người khác trong thực tế được quy định bởi quan hệ sinh lý học.
Những loại tình cảm quý mến khác lại càng không thể có tham vọng thay thế tình yêu hữu tính. Tình bạn giữa những người cùng một giới thiếu sự khác biệt toàn diện về hình thức của những phẩm chất bổ sung cho nhau, và nếu mặc dù như thế tình bạn ấy vẫn đạt một cường độ đặc biệt thì nó biến thành một thứ thay thế phản tự nhiên cho tình yêu hữu tính. Còn nếu nói về chủ nghĩa yêu nước và tình yêu nhân loại thì những tình cảm ấy, với tất cả tầm quan trọng của chúng, tự chúng không thể xoá bỏ được chủ nghĩa vị kỉ trong đời sống cụ thể, do tính không thể so sánh được của bên yêu với bên được yêu: cả nhân loại lẫn thậm chí dân tộc, nhân dân đối với một con người riêng lẻ không thể là một đối tượng cũng cụ thể như bản thân nó. Tất nhiên, có thể hi sinh cuộc đời mình cho dân tộc hoặc nhân loại, nhưng không thể tạo ra từ mình một con người mới, thể hiện và thực hiện bản ngã chân chính của con người trên cơ sở cái tình yêu quảng tính ấy. Ở đây, trong trung tâm thực tế vẫn còn lại cái tôi cũ kĩ, vị kỉ của ta, còn dân tộc và nhân loại được đưa ra ngoại vi của ý thức như là những đối tượng lý tưởng. Cũng cái đó phải nói về tình yêu đối với khoa học, nghệ thuật, v..v…
Bằng không nhiều lời chỉ ra ý nghĩa thực thụ của tình yêu hữu tính và tính ưu việt của nó so với những tình cảm tương tự, bây giờ tôi phải giải thích vì sao tình yêu ấy lại được thực hiện yếu đến thế trong thực tại, và cho thấy bằng cách nào có thể thực hiện nó một cách đầy đủ. Việc ấy, tôi sẽ làm trong những bài viết tiếp theo.