Sinh Ra Để Chạy - Chương 16
* * *
31
Tôi thường tưởng tượng ra một người chạy bộ chạy nhanh hơn, kiểu như một bóng ma, đang chạy trước tôi với sải bước nhanh hơn.
- Gabe Jennings người về nhất ở cự ly 1.500 m, kỳ tuyển chọn Olympic Trial năm 2000 tại Hoa Kỳ.
Năm giờ sáng, Mamá Tita đã bày sẵn bánh tráng, đu đủ, và món pinole nóng trên mặt bàn. Arnulfo và Silvino đã đặt pozole – món canh đậm đà, gồm thịt bò nấu với cà chua và hạt ngô thơm ngậy – cho bữa ăn trước khi đua. Tita, dù chỉ được ngủ có ba tiếng đồng hồ, vẫn vừa cười nói luôn miệng, vừa thoăn thoắt bưng đồ ăn lên. Silvino đã thay sang bộ đồ đặc biệt chuyên mặc khi đua, là một chiếc áo choàng màu ngọc lam cùng với chiếc váy zapete màu trắng có viền thêu hoa.
“Guapo!” Caballo trầm trồ; trông đẹp đấy. Silvino cúi đầu thẹn thùng. Caballo đi qua đi lại trong khu vườn và nhấp cà phê với vẻ bứt rứt. Anh nghe nói rằng có mấy người nông dân định lùa gia súc lên một trong các lối mòn, nên đã trằn trọc suốt cả đêm, tính toán phương án thay đổi đường chạy vào phút chót. Khi tỉnh dậy và lê bước xuống ăn sáng, anh ta mới biết rằng cha của Luis Escobar đã giải quyết vấn đề đó cùng với ông Bob già, người bạn gringo lang thang đến từ Batopilas của Caballo. Bọn họ tình cờ gặp những người chăn gia súc nọ tối hôm qua khi đi chụp ảnh phong cảnh và đã cảnh báo để những người này rời khỏi đường đua. Giờ đây, khi không còn canh cánh về đàn gia súc chạy tán loạn nữa, thì Caballo lại đang đi tìm kiếm một nỗi lo âu nào đó khác. Và anh ta cũng chẳng phải kiếm đâu xa.
“Hai đứa Nhóc đâu rồi?” Anh ta hỏi.
Đáp lại anh ta chỉ là những cái nhún vai.
“Chắc tôi phải đi gọi chúng thôi.” Anh ta nói. “Tôi không muốn hai đứa ấy lại tự giết mình bằng cách nhịn bữa sáng một lần nữa.”
Khi cùng Caballo bước ra ngoài, tôi bị choáng ngợp khi thấy cả thị trấn đã có mặt ở đó để chào đón chúng tôi. Trong khi chúng tôi ngồi ăn sáng phía bên trong, thì những vòng hoa tươi cùng với các dải băng bằng giấy đã được chăng ngang phố, và một ban nhạc mariachi đội mũ rộng vành sombrero, mặc quần áo đấu bò tót torero, đang dạo đầu một vài giai điệu. Phụ nữ và trẻ con bắt đầu nhảy múa trên phố, còn ngài thị trưởng đang giương một khẩu súng săn lên trời, ngắm trước để lát nữa không bắn nát các dải băng trang trí.
Tôi kiểm tra đồng hồ, và đột nhiên thấy ngộp thở: chỉ còn 30 phút nữa là đến giờ xuất phát. Chuyến vượt núi dài 35 dặm tới Urique, như Caballo tiên đoán, “đã nhai nát và thải tôi ra ngoài”, để rồi chỉ trong vòng nửa giờ nữa, tôi lại phải lặp lại cả quãng đường như vậy một lần nữa, và phải chạy xa thêm 15 dặm nữa. Caballo đã vẽ ra một đường chạy quỷ quyệt; chúng tôi sẽ phải leo lên và xuống hơn 1.900 m trên quãng đường dài 50 dặm, bằng khít với mức tăng độ cao của nửa đầu giải Leadville Trail 100. Caballo không ở phe giám đốc giải Leadville, nhưng khi chọn địa hình cho giải thì anh ta cũng tồi tệ chẳng kém.
Caballo cùng tôi leo lên ngọn đồi để đi tới khách sạn nhỏ. Jenn và Billy vẫn ở trong phòng, đang tranh luận chuyện Billy có cần phải mang theo bình nước bổ sung hay không, và rồi cuối cùng thì cậu ta cũng chẳng thể tìm thấy cái bình ấy. Tôi lại có thừa một bình nước, vẫn dùng để đựng cà phê espresso, nên vội quay về phòng, đổ hết chỗ cà phê đi và quẳng nó cho Billy.
“Bây giờ thì ăn chút gì đi! Và phải nhanh lên!” Caballo gắt gỏng. “Ông thị trưởng sẽ bắn phát súng hiệu lệnh vào đúng bảy giờ!”
Caballo và tôi vớ lấy mớ đồ nghề – một chiếc ba lô nước chứa đầy các gói gel và các phong PowerBar cho tôi, một bình nước và một túi pinole nhỏ xíu cho Caballo – rồi chúng tôi lại quay ngược xuống đồi. Chỉ còn 15 phút nữa. Chúng tôi rẽ về hướng nhà hàng của Tita, và nhận ra rằng cuộc tiệc tùng trên phố đã biến thành lễ hội Mardi Gras cỡ nhỏ. Luis và Ted đang xoay tít mấy người phụ nữ lớn tuổi và chống cự không cho cha của Luis chen vào nhảy cùng. Scott và Bob Francis thì đang vỗ tay và gắng hết sức hát cùng với các ca sĩ mariachi. Còn những người Tarahumara của Urique thì đã tập hợp được một dàn nhạc bộ gõ riêng, và đang dùng gậy chơi bóng palia gõ lên vỉa hè.
Caballo vui ra mặt. Anh len vào đám đông và bắt đầu biểu diễn kiểu lên đài của Muhammad Ali, hụp đầu, nghiêng người tránh né và tung các cú đấm vào khoảng không. Cả biển người cùng gầm lên. Mamá Tita thì gửi những chiếc hôn gió đến anh.
“¡Ándale! Chúng ta sẽ được khiêu vũ suốt cả ngày!” Caballo khum hai bàn tay làm loa và gào lên. “Nhưng đấy là nếu như không ai mất mạng. Hãy bảo trọng!” Anh ta quay về phía đám mariachi và đưa một ngón tay cứa ngang cổ. Hãy tắt nhạc. Giờ trình diễn đã đến.
Caballo cùng ông thị trưởng bắt đầu dẹp đám người đang nhảy múa khỏi mặt đường và vẫy các tay đua về vạch xuất phát. Chúng tôi túm tụm lại thành một mớ người kỳ quặc, với các khuôn mặt, thân thể và trang phục khác nhau. Những người Tarahumara của Urique mặc quần soóc và đi giày chạy bộ, tay vẫn cầm theo gậy palia. Scott đã cởi bỏ áo phông. Arnulfo và Silvino, trong bộ áo choàng sáng màu mà họ mang theo và để dành đặc biệt cho ngày đua, chen sát vào bên cạnh Scott; những người thợ săn Hươu sẽ không rời mắt khỏi chú Hươu dù chỉ một giây. Mặc dù không hề có thỏa thuận trước, chúng tôi đều đồng loạt chọn vạch xuất phát ngay chỗ một vết nứt trên nền đường và bước sát đến đó.
Lồng ngực tôi như bị bóp nghẹt. Eric cố len đến bên cạnh tôi. “Nghe này, tôi có tin xấu đây.” Anh ta nói. “Anh sẽ không giành chiến thắng được đâu. Dù có làm thế nào đi nữa, thì anh cũng sẽ phải ở ngoài đó suốt cả ngày. Vì vậy, tốt nhất là anh nên thả lỏng, chạy từ từ, và tận hưởng cuộc đua. Hãy nhớ lấy điều này – nếu như anh cảm thấy mình đang phải nỗ lực, thì có nghĩa là anh đang cố gắng quá mức rồi.”
“Thế thì tôi sẽ rình lúc bọn họ ngủ gật,” tôi rền rĩ, “và xuất chiêu.”
“Không được xuất chiêu trò gì hết nhé!” Eric cảnh cáo. Anh ta thậm chí còn chẳng muốn ý nghĩ đó lọt vào đầu tôi, dù chỉ là câu bông đùa. “Ngoài kia nhiệt độ có thể lên tới hơn 37 độ C. Nhiệm vụ của anh là phải về được đích bằng chính đôi chân của anh đấy.”
Mamá Tita bước tới chỗ từng tay đua, mắt ngấn lệ khi nắm tay chúng tôi. “Ten cuidado, cariño.” Bà dặn dò. Hãy cẩn thận, các con yêu!
“¡Diez!... ¡Nueve!...”
Ông thị trưởng bắt nhịp cho đám đông đếm ngược.
“¡Ocho!... ¡Siete!...” Hai đứa Nhóc đâu rồi?” Caballo hét lớn.
Tôi nhìn quanh. Không thấy Jenn và Billy đâu hết.
“Bảo ông ấy gượm đã!” Tôi gào đáp trả.
Caballo lắc đầu. Anh quay mặt đi và vào tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Anh ta đã chờ nhiều năm, thậm chí, đã phải đánh liều mạng sống cho thời khắc này. Anh sẽ không trì hoãn nó vì bất cứ ai hết.
“¡BRUJITA!” Những người lính trỏ về phía sau chúng tôi.
Jenn và Billy đang lao như bay xuống từ phía ngọn đồi, đúng vào lúc đám đông đếm đến “Cuatro.” Billy mặc quần đùi lướt sóng và cởi trần, còn Jenn thì mặc chiếc quần lửng màu đen bó sát, và chiếc áo con chạy bộ cũng màu đen. Tóc cô được tết chặt lại thành hai bím kiểu Pippi Tất Dài. Bị phân tán tư tưởng bởi đám lính hâm mộ, Jenn quẳng túi đồ tiếp tế chứa thức ăn và tất dự phòng sang phía bên kia con phố, khiến khán giả giật mình và né vội. Chiếc túi luồn qua chân họ và biến mất tăm. Tôi lao vội tới, giật lấy chiếc túi, mang nó đến bàn tiếp tế đúng vào lúc ngài thị trưởng bóp cò.
ĐOÀNG!
Scott nhảy vọt lên trong tiếng thét, Jenn thì tru như sói, còn Caballo thì cất tiếng hú. Người Tarahumara thì chỉ chạy. Đội Urique lao đi theo đội hình trên con đường đất, và biến mất vào vùng bóng tối chưa kịp được bình minh chiếu sáng. Caballo đã cảnh báo với chúng tôi rằng người Tarahumara sẽ xuất phát mạnh mẽ ngay từ đầu, nhưng trời ơi! Thật dữ dội. Scott đuổi theo họ, trong khi đó Arnulfo và Silvino thì bám anh ta sát gót. Tôi chạy thật chậm, để cả đoàn đua chạy vượt qua, cho đến khi đã ở hẳn vị trí cuối cùng. Giá mà có ai đó chạy cùng thì hay biết mấy, nhưng ở thời điểm này, tôi cảm thấy chạy một mình sẽ an toàn hơn. Lỗi lớn nhất mà tôi có thể mắc phải, chính là bị cuốn vào cuộc đua của người khác.
Hai dặm đầu tiên chỉ là một cuộc dạo chơi trên nền đường bằng phẳng dẫn ra khỏi thị trấn, dọc theo mặt đường đất xuống bờ sông. Những người Tarahumara Urique chạm đến mép nước trước, nhưng thay vì lao thẳng xuống để lội qua con nước nông rộng chừng 50 m ấy, đột nhiên họ dừng lại và sục sạo quanh bờ sông, lật từng tảng đá để tìm kiếm thứ gì đó.
Cái quái gì vậy…? Bob Francis băn khoăn. Ông đã đi trước cùng với cha của Luis để chụp ảnh từ bờ bên kia con sông. Ông trông thấy những người Tarahumara Urique lôi ra những chiếc túi nylon, kiểu túi mua sắm trong siêu thị, mà họ giấu dưới các tảng đá từ đêm hôm trước. Kẹp gậy palia vào nách, họ xỏ chân vào trong những chiếc túi, buộc chặt lại bằng phần quai xách, rồi bắt đầu lội qua sông, và vô tình trình diễn hậu quả của việc đưa công nghệ mới thay thế thứ gì đó vẫn hoạt động tốt suốt 10.000 năm qua: vì sợ làm ướt giày chạy bộ Salvation Army quý báu, người Tarahumara Urique đang lội bì bõm với những đôi ủng lội nước tự chế.
“Chúa ơi!” Bob lẩm bẩm. “Tôi chưa từng thấy trò này bao giờ.”
Khi những người Tarahumara Urique còn đang loay hoay trên những tảng đá trơn nhẵn thì Scott đã tới bờ sông. Anh ta lao thẳng xuống sông, làm nước bắn tung tóe, còn Arnulfo và Silvino vẫn bám chặt sau lưng. Những người Tarahumara Urique đã tới được bờ bên kia, lột túi nylon ra, rồi lại giắt những chiếc túi đó vào cạp quần để dùng lại lần nữa. Họ bắt đầu hướng lên đụn cát dốc, trong khi Scott đang thu gọn khoảng cách nhanh chóng, đôi chân anh khua tung bụi cát. Khi những người Tarahumara Urique tới được con đường đất nhỏ dẫn lên núi thì Scott và hai người của tộc Quimare đã bắt kịp họ.
Cùng lúc đó, Jenn lại đang vướng phải một vấn đề khác. Cô cùng Billy và Luis sóng vai vượt qua sông cùng với một nhóm người Tarahumara, nhưng khi Jenn lao lên xé tung đồi cát, cô gặp chút rắc rối bên bàn tay phải. Những người chạy ultra thường dùng “bình nước đeo tay”, loại bình nước có quai đeo, quấn quanh bàn tay. Jenn đã đưa cho Billy một trong hai chiếc bình đeo tay này, và tự chế bình nước thứ hai cho mình từ băng dán thể thao và một chai nước suối. Khi gắng sức chạy lên đồi cát, bình nước đeo tay tự chế của cô tạo cảm giác bì bì khó chịu. Cảm giác đó dù nhỏ xíu, nhưng nó sẽ là thứ khó chịu mà cô sẽ phải chịu đựng từng phút một trong suốt tám giờ tiếp theo. Vậy, cô có nên để mặc nó như vậy hay không? Hay nên một lần nữa liều mạng chạy vào hẻm núi, chỉ với hơn chục ngụm nước trong tay?
Jenn bắt đầu cắn dải băng dính. Cô biết rằng, hy vọng duy nhất để có thể cạnh tranh được với những người Tarahumara, là phải chơi tất tay. Nếu cô quyết định đánh bạc và rồi thất bại, thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu thất bại trong cuộc đua của cả đời người này chỉ vì chọn giải pháp an toàn, thì cô sẽ mãi mãi hối hận. Jenn vứt bỏ chai nước và thấy khá hơn ngay lập tức. Và tiếp theo đó, cô lại phải đưa ra một quyết định liều lĩnh hơn. Đến khi Mặt trời lên, cô hầu như sẽ không còn cơ hội đeo bám những người Tarahumara có khả năng “ăn được cả cái nóng” này nữa.
“Ôi dào, quên mẹ nó đi!” Jenn nghĩ. “Cứ tranh thủ chạy nhanh ngay lúc này, khi trời còn mát.” Chỉ trong năm bước chạy, cô đã bứt khỏi tốp. “Hẹn gặp lại, các chàng trai.” Cô ngoái cổ lại chào.
Những người Tarahumara lập tức đuổi theo. Hai tay đua sành sỏi lớn tuổi, Sebastiano và Herbolisto chạy chắn phía trước Jenn, trong khi ba người Tarahumara khác bao vây cô từ hai bên. Jenn cố tìm một khoảng trống để vọt thoát đi. Thế nhưng, ngay lập tức, những người Tarahumara lại bủa vây và khóa chặt cô lại. Người Tarahumara bình thường rất hiền hòa, nhưng khi đã vào cuộc đua, họ chơi rất quyết liệt.
“Tôi không muốn nói ra điều này, nhưng Jenn sẽ gục ngã mất thôi.” Luis bảo Billy khi họ nhìn Jenn cố vọt lên đến lần thứ ba. Bọn họ mới chỉ chạy được đến dặm thứ ba trong một cuộc đua 50 dặm, vậy mà cô ấy đã bắt đầu chơi tay bo với nhóm bám đuổi gồm năm người Tarahumara. “Nếu muốn hoàn thành được cuộc đua thì không thể chạy theo kiểu đó được.”
“Nhưng cô ấy luôn vượt qua được.” Billy nói.
“Với đường đua này thì không.” Luis đáp. “Nhất là khi đụng phải những gã này.”
Nhờ có sự sắp đặt tài tình của Caballo, chúng tôi đều được chứng kiến trận đấu trong thời gian thực. Caballo vẽ ra đường chạy theo hình chữ Y, với vạch xuất phát nằm đúng ở điểm chính giữa. Như vậy, dân làng có thể được theo dõi cuộc đua nhiều lần liền, vì đường đua phải quanh đi và ngoặt trở lại, còn các đấu thủ luôn biết được rằng mình cách tốp dẫn đầu bao xa. Và đường đua hình chữ Y đó còn mang lại một lợi ích không ngờ khác: vào đúng thời điểm đó, Caballo bắt đầu cảm thấy nghi ngờ những người Tarahumara Urique.
Caballo chạy cách phía sau khoảng 400 m, vì vậy, anh có thể nhìn rõ Scott cùng đám thợ săn Hươu khi họ bắt kịp với người Tarahumara Urique trên ngọn đồi bên kia sông. Khi anh nhìn thấy bọn họ chạy ngược trở lại về phía mình sau đoạn quay đầu thứ nhất, Caballo kinh ngạc: chỉ trong quãng đường dài bốn dặm, đội Urique đã bứt lên dẫn trước hẳn bốn phút. Họ không những bứt phá khỏi hai đấu thủ cừ khôi nhất trong thế hệ người Tarahumara hiện tại, mà còn bỏ rơi tay đua leo dốc giỏi nhất trong lịch sử chạy bộ siêu dài phương Tây.
“KHÔNG. Thể. Thế. Được!” Caballo gầm lên khi đang chạy cùng tốp của mình, gồm Ted Chân Đất, Eric và Manuel Luna. Khi tới điểm quay đầu sau năm dặm đầu tiên, tại khu trú ngụ nhỏ của người Tarahumara ở Guadalupe Coronado, Caballo và Manuel bắt đầu dò hỏi các khán giả người Tarahumara. Và họ chẳng mất nhiều thời gian để hiểu chuyện: người Tarahumara Urique đã chạy trên một đường nhánh tắt và rút ngắn đường chạy. Thay vì tức giận, Caballo thấy xót xa cho họ. Anh nhận ra rằng, người Tarahumara ở Urique đã đánh mất tài năng chạy bộ cổ xưa, và mất luôn cả lòng tự tin với nó. Bọn họ không còn là Người Chạy Bộ nữa. Họ chỉ đang cố gắng một cách tuyệt vọng để sống như những cái bóng của bản thân mình trước đây.
Caballo tha thứ cho họ với tư cách một người bạn, nhưng với tư cách là giám đốc giải đua thì không. Anh quyết định: người Tarahumara Urique bị loại khỏi cuộc đua.
Về phần mình, chính tôi cũng bị bất ngờ khi chạm đến bờ sông. Tôi đã quá tập trung vào việc theo dõi cách bàn chân tiếp đất trong bóng tối và liên tục rà soát một bản danh sách các nội dung cần kiểm tra được sắp sẵn trong đầu (gập đầu gối… bước chân nhẹ như chim… không để lại vết), tới mức khi bắt đầu lội qua dòng nước sâu đến đầu gối, tôi sực nhận ra: Tôi vừa chạy hai dặm mà không hề gì. Thậm chí, còn hơn thế nữa – tôi thấy nhẹ nhàng, thư thái, với sức bật nảy cũng như năng lượng tràn trề còn hơn cả trước khi xuất phát.
“Khá lắm, Oso!” Bob Francis gọi vọng sang từ bờ bên kia. “Sắp tới đoạn hơi dốc lên đấy nhé. Nhưng không có gì đáng ngại đâu.”
Tôi chạy vọt khỏi làn nước và hướng lên đồi cát, cứ mỗi bước chân, hy vọng của tôi lại lớn dần lên. Đương nhiên, tôi còn phải chạy 48 dặm nữa, nhưng cứ như thế này thì rất có thể tôi sẽ vượt qua được khoảng hơn chục dặm đầu tiên mà chưa cần dốc sức. Tôi bắt đầu leo lên con đường đất nhỏ đúng lúc Mặt trời ló lên phía trên hẻm núi. Ngay lập tức, mọi vật bừng sáng: dòng sông lấp lánh, khu rừng xanh ngát mắt, con rắn san hô đang cuộn tròn ngay dưới chân tôi…
Tôi hét lên và nhảy khỏi lối mòn, trượt xuống sườn dốc dựng đứng và cố bám vào các cây bụi nhỏ để khỏi trượt sâu xuống dưới. Tôi có thể nhìn thấy con rắn ngay phía trên, nằm cuộn tròn, im lặng, sẵn sàng tấn công. Nếu leo ngược lên, rất có thể tôi sẽ dính cú đớp chết người; còn nếu trèo xuống về phía dòng sông, có thể tôi sẽ ngã lộn khỏi bờ đá. Cách duy nhất là bò ngang, vừa bò vừa bám từng bụi cây.
Hết bụi đầu tiên, đến bụi tiếp theo. Khi đã di chuyển ra xa thêm khoảng ba mét, tôi cẩn thận leo lên để trở lại lối mòn. Con rắn vẫn nằm đó, chặn đường đi, và may sao – nó đã chết. Ai đó đã quật gẫy lưng nó bằng một cái que. Tôi dụi đám bụi đất trong mắt và kiểm tra xem có tổn hại gì không: Hai ống chân tôi bị đá cào xước, lòng bàn tay thì bị gai đâm, còn tim thì như gióng trống trong lồng ngực. Tôi dùng răng nhổ đám gai ra, rồi rửa tạm vết thương bằng nước uống. Phải đi tiếp thôi. Tôi không muốn ai bắt gặp cảnh mình đổ máu và hoảng loạn chỉ vì một con rắn đang chết thối.
Ánh nắng ngày càng gay gắt hơn khi tôi leo lên cao, nhưng sau khoảng thời gian giá lạnh ban sớm thì ánh nắng lúc này mang lại cảm giác phấn chấn hơn là mỏi mệt. Tôi luôn nhớ đến lời dặn dò của Eric – “Nếu có cảm giác như đang phải cố, thì có nghĩa là anh đang gắng sức quá mức” – cho nên, tôi quyết định không tự gò ép mình nữa và ngừng tự ám ảnh về từng bước chạy. Tôi bắt đầu chiêm ngưỡng quang cảnh vùng hẻm núi, ngắm nhìn Mặt trời biến đỉnh đồi bên kia dòng sông thành vàng khối. Tôi nhận ra là chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ lên cao ngang với đỉnh bên ấy.
Chỉ thoáng sau, Scott vọt ra từ một lối rẽ trên đường mòn. Anh mỉm cười với tôi, giơ ngón tay cái lên rồi lại biến mất. Arnulfo và Silvino ở ngay sau anh, áo choàng phất phơ như những cánh diều khi họ lướt đi. Tôi nhận ra mình hẳn phải đang rất gần điểm quay đầu năm dặm rồi. Tôi leo lên, vòng theo lối rẽ uốn quanh tiếp theo, và rồi ở đó hiện ra Guadalupe Coronado. Nơi đây, chỉ có một ngôi trường quét sơn trắng, vài căn nhà nhỏ, một cửa hiệu tí xíu bán nước có ga không lạnh và các túi bánh quy phủ bụi, không có gì hơn, thế nhưng, ngay từ khi cách hẳn một dặm, tôi đã nghe thấy tiếng hò reo và tiếng trống cổ vũ.
Một nhóm các tay đua vừa rời khỏi Guadalupe và bắt đầu cuộc rượt đuổi Scott và hai người trong tộc Quimares. Dẫn đầu nhóm này, không phải ai khác, chính là Brujita.
Ngay khi thấy cơ hội, Jenn lập tức chớp lấy. Trong chuyến leo núi đến đây qua đỉnh Batopilas, cô để ý thấy người Tarahumara chạy xuống dốc đúng theo cách mà họ chạy lên, theo một mạch chạy có kiểm soát và chắc chắn. Jenn thì khác, cô thích lao nhanh xuống dốc. “Đó là thế mạnh duy nhất của tôi,” cô nói, “và vì vậy, tôi sẽ tận dụng nó hết sức.” Do đó, thay vì tự làm mình mệt nhoài với việc cạnh tranh cùng Herbolisto, cô quyết định để ông ta dẫn tốc độ cho lượt leo lên. Ngay khi họ lên tới chỗ ngoặt quành lại và bắt đầu chuyến đổ dốc dài hơi, cô lập tức tăng tốc và bứt phá.
Lần này, những người Tarahumara để mặc cô. Cô vượt lên trước xa tới mức khi cô tới đoạn lên dốc tiếp theo – đoạn đường phủ đá chỉ một người đi lọt hướng lên nhánh thứ hai của hình chữ Y ở dặm thứ 15 – Herbolisto và nhóm của ông ta không thể tới gần để bao vây nữa. Jenn cảm thấy tự tin tới mức khi tới chỗ ngoặt ở nhánh này, cô còn dừng lại để nghỉ lấy hơi và đổ thêm nước vào chai. Có vẻ như hôm nay thần may mắn đã mỉm cười với cô về chuyện nước nôi; Caballo đã nhờ dân làng Urique mang theo bình nước lọc tỏa đi khắp thung lũng, và gần như cứ mỗi lần Jenn uống xong ngụm nước cuối cùng, thì cô lại gặp được một tình nguyện viên tiếp nước.
Khi cô còn đang rót nước vào chai thì Herbolisto, Sebastino và những người còn lại của nhóm bám đuổi bắt kịp. Họ chạy vòng qua mà không dừng lại, và Jenn cũng để mặc cho họ đi. Sau khi đã lấy đủ nước, cô bắt đầu lao rầm rập xuống dốc. Chỉ trong khoảng hai dặm, cô đã lại rút ngắn dần khoảng cách với họ và rồi lại vượt qua, bỏ họ lại phía sau. Cô bắt đầu hình dung đường chạy phía trước để tính toán xem có thể vượt được bao xa. Để xem nào… tiếp theo sẽ là hai dặm đổ dốc, rồi bốn dặm đường bằng quay trở về ngôi làng, rồi sau đó…
Bịch! Jenn ngã sấp mặt xuống đám đá, nảy tưng lên rồi trượt sấp mặt thêm một đoạn trước khi dừng hẳn lại. Cô nằm đó, đau đến tối tăm mặt mũi. Đầu gối cô như vỡ nát và một cánh tay thì bê bết máu. Trước khi cô kịp hoàn hồn và đứng lên được thì Herbolisto và nhóm bám đuổi đã ầm ầm lao xuống trên lối mòn. Họ lần lượt nhảy qua Jenn và biến mất, chẳng thèm ngoái nhìn lại.
Chắc họ đang nghĩ… Đáng đời đứa không biết cách chạy trên đường sỏi đá. Jenn cay đắng. Có vẻ như họ có lý. Cô cẩn thận đứng dậy để đánh giá các thương tổn. Hai ống đồng của cô trông như bánh pizza, nhưng đầu gối có vẻ như chỉ bị sưng và chỗ máu mà cô tưởng là tuôn ra từ bàn tay hóa ra chỉ là sô-cô-la nhớt, bục ra từ một gói PowerGel mà cô nhét trong túi đựng nước cầm tay. Jenn thận trọng bước thêm vài bước, chuyển sang chạy chậm, và cảm thấy khá hơn nhiều so với cô tưởng. Cô cảm thấy thoải mái tới mức khi tới chân đồi đã bắt kịp và vượt qua tất cả những người Tarahumara nhảy qua cô lúc trước.
“¡BRUJITA!” Đám đông ở Urique như phát cuồng khi Jenn chạy về ngôi làng, người đầy vết máu nhưng vẫn mỉm cười khi đạt đến mốc 20 dặm. Cô dừng lại ở trạm tiếp tế để lôi ra một gói gel mới trong túi đồ, trong khi đó, Mamá Tita hào hứng lấy tạp dề thấm phần ống chân đẫm máu của Jenn và liên tục gào “¡Cuarto! ¡Estás en cuarto lugar!”
“Cháu làm sao cơ? Một căn phòng á?” Khi đã chạy được nửa đường ra khỏi thị trấn thì vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi của Jenn mới giúp cô luận ra được điều Mama Tita nói: cô đang ở vị trí thứ tư. Chỉ có Scott, Arnulfo và Silvino dẫn trước, và cô đang từ từ rút dần khoảng cách với họ. Caballo đã chọn cho cô một biệt danh hoàn hảo: 12 năm sau giải Leadville, phù thủy bruja đã trở lại để báo thù.
Nhưng giá mà cô có thể chịu được cái nóng ngày hôm ấy. Nhiệt độ lên đến gần 38 độ C khi Jenn bắt đầu tiến vào lò lửa – đoạn đường dốc khúc khuỷu – để tới khu định cư Los Alisos. Đường mòn này ôm sát theo một bức tường đá thẳng đứng, liên tục đổ xuống, dốc lên, rồi lại lao xuống tiếp, với mức tăng và giảm độ cao tới hơn 900 m. Bất kỳ quả đồi nào trong đoạn đường chạy tới Los Alisos cũng đều thuộc loại khó nhằn nhất trong đời cô, và có ít nhất nửa tá đồi như vậy nối tiếp nhau. Sức nóng tỏa ra từ những tảng đá như muốn hun da cô phồng rộp, nhưng cô vẫn phải bám sát bên phía tường đá thung lũng để tránh bị trượt khỏi mép vực và rơi xuống rãnh sâu phía dưới.
Khi vừa lên tới đỉnh một trong những ngọn đồi ấy thì Jenn bất chợt nép vội vào tường đá: Arnulfo và Silvino đang chạy sóng vai và lao như tên bắn về phía cô. Những người thợ săn Hươu khiến tất cả bất ngờ; chúng tôi đều nghĩ người Tarahumara sẽ bám sát gót Scott suốt cả ngày và sau đó bùng lên để vượt qua anh tại vạch xuất phát. Nhưng thay vào đó, họ lại quyết định tăng tốc và bứt lên trước.
Jenn đứng dựa lưng sát vào tường đá nóng để họ chạy qua. Trước khi kịp băn khoăn rằng Scott đang ở đâu, thì cô lại phải lập tức nhảy nép vào tường một lần nữa. “Scott đang chạy thẳng lên con dốc quái quỷ này theo cách dữ dội nhất mà tôi từng nhìn thấy ở con người.” Jenn sau này kể lại. “Anh ấy lao rất nhanh, với tiếng thở ‘Phù-phù-phù-phù’. Tôi đang nghĩ không biết liệu Scott có buồn nhận ra mình hay không, vì đang quá tập trung, thì bỗng thấy anh ta ngẩng đầu lên và bắt đầu hét: ‘Yaaaah, Brujita, ôôôôô!’”
Scott dừng lại và mô tả ngắn gọn cho Jenn biết về đoạn đường mòn phía trước, vị trí điểm tiếp nước. Sau đó anh ta hỏi cô một chút về Arnulfo và Silvino: Họ ở phía trước bao xa? Trông họ ra sao? Jenn đoán rằng họ đã chạy trước được khoảng ba phút và đang rất nỗ lực.
“Tốt đấy!” Scott gật đầu. Anh vỗ lên lưng cô và phóng vọt đi.
Jenn nhìn theo, nhận ra anh chạy ở mép đường mòn và ôm cua rất sát. Đó là một mẹo cũ của ông già Marshall Ulrich: làm như vậy sẽ khiến người đang dẫn trước khó ngoái đầu lại nhìn và phát hiện rằng bạn đang lẻn tới từ phía sau. Scott không bị bất ngờ chút nào vì quái chiêu của Arnulfo. Gã Hươu giờ đang quay lại săn đuổi các thợ săn.
“Chỉ cần chiến thắng đường chạy.” Tôi tự nhủ. “Không một ai khác. Chỉ đường chạy mà thôi.”
Trước khi bắt đầu giải quyết đoạn đường leo lên Los Alisos, tôi dừng một lát để trấn tĩnh lại. Tôi nhúng đầu xuống sông và giữ nguyên như vậy, hy vọng dòng nước sẽ làm mình nguội bớt, và cảm giác thiếu oxy sẽ kéo giật tôi trở lại thực tại. Tôi vừa tới giữa chặng và chỉ mất có bốn giờ đồng hồ. Bốn giờ, cho một giải marathon đường mòn khó nhằn dưới nắng sa mạc! Tôi đã vượt rất xa so với kế hoạch, và bắt đầu có ý định cạnh tranh: Đuổi kịp Ted Chân Đất có khó lắm không? Chân anh ta chắc hẳn đang đau vì chạy suốt trên đá. Và Porfilio trông có vẻ như cũng đang phải gắng sức lắm rồi…
Nhưng thật may, việc nhúng đầu xuống nước đã mang lại hiệu quả. Tôi nhận ra lý do mình cảm thấy khỏe hơn nhiều so với buổi leo núi kéo dài từ Batopilas, là vì tôi đang chạy như những người Bụi rậm Kalahari. Tôi đã không cố gắng bắt kịp con linh dương; tôi chỉ giữ nó trong tầm mắt. Điều khiến tôi mệt lử đử khi leo qua Batopilas chính là cố bắt kịp tốc độ của Caballo và những người khác. Còn ngày hôm nay, cho đến lúc này, tôi chỉ phải đọ sức với đường chạy, chứ không phải với các tay đua.
Trước khi trở nên quá tham vọng, tôi lại thử thêm một chiến thuật khác của người Bụi rậm, là thực hiện rà soát lại cơ thể một lượt. Và khi đó, tôi nhận ra mình đang ở trong tình trạng tệ hơn tôi vẫn nghĩ. Tôi khát, đói và chỉ còn một nửa chai nước. Tôi đã không đi tiểu trong suốt hơn một giờ qua, và nếu xét đến toàn bộ số nước đã uống vào thì đó không phải là một dấu hiệu tốt. Nếu như không lập tức tiếp nước cho cơ thể và nhồi một ít calo xuống cổ họng, tôi sẽ gặp rắc rối to trên các ngọn đồi dốc lên xuống liên tục phía trước. Khi bắt đầu lội qua đoạn sông rộng chừng 50 m, tôi lấy đầy nước sông vào ba lô nước, và bỏ vào vài viên i-ốt. Tôi sẽ chờ khoảng nửa giờ để chỗ nước đó được khử trùng, và trong thời gian đó, tôi cố nuốt trôi xuống một thanh ProBar – thanh thực phẩm thô hỗn hợp gồm hạt yến mạch cán dẹt, nho khô, chà là, và xi-rô gạo lứt – cùng với chỗ nước sạch còn lại.
Và tôi đã đúng khi làm như vậy. “Chuẩn bị tinh thần nhé!” Eric nhắc khi chúng tôi chạy qua nhau ở bờ bên kia con sông. “Trên đó căng hơn nhiều so với những gì anh nhớ đấy.” Các con dốc khó nhằn tới mức, Eric phải thừa nhận suýt nữa thì bỏ cuộc. Nhận một tin xấu như vậy chẳng khác nào ăn một cú đấm vào bụng, nhưng Eric tin rằng điều tệ hại nhất mà bạn có thể làm với một người chạy bộ, là cho anh ta hy vọng hão huyền. Sự khó lường sẽ giúp bạn tập trung hơn; nhưng nếu biết rõ mình chuẩn bị phải đương đầu với điều gì, thì bạn có thể thong thả giải quyết nó.
Eric đã không hề phóng đại. Trong suốt hơn một tiếng đồng hồ, tôi phải leo lên và trèo xuống các ngọn đồi thấp, thậm chí còn tưởng rằng mình bị lạc và sắp sửa biến mất vào vùng hoang vu. Chỉ có duy nhất một lối mòn, và tôi đang chạy đúng trên nó – nhưng cái vườn bưởi nhỏ ở Los Alisos nằm ở chỗ quái nào vậy? Nó đáng nhẽ phải nằm cách bờ sông khoảng bốn dặm, nhưng tôi cảm thấy như mình đã chạy tới tận 10 dặm rồi mà vẫn chưa nhìn thấy nó. Và cuối cùng, khi hai bắp đùi đã nóng ran, với các cơ đùi bắt đầu giật giật, tới mức tôi nghĩ mình sắp sụm xuống đến nơi, thì tôi bỗng nhìn thấy mấy cây bưởi trên quả đồi phía trước. Tôi leo lên được đến đỉnh, và ngồi thụp xuống bên cạnh một nhóm người Tarahumara khác của Urique. Họ nghe nói mình đã bị loại khỏi cuộc đua và quyết định ngồi hóng mát trong bóng râm trước khi đi bộ trở về làng.
“No hay problema!” Một trong số họ nói. Không vấn đề gì cả. “Tôi đằng nào cũng đã quá mệt, không chạy tiếp được nữa rồi.” Anh ta đưa cho tôi một chiếc cốc thiếc cũ kỹ. Tôi chúi đầu vào cốc pinole làm theo kiểu địa phương, và quên phắt con vi khuẩn giardia chết tiệt. Nó thật mát, ngon ngon kiểu lạo xạo, như món đá bào trộn với ngô bung. Tôi xơi hết một cốc đầy, rồi thêm một cốc nữa, vừa ăn vừa nhìn lại con đường mòn vừa chạy qua. Xa xa phía dưới, dòng sông trông mờ nhạt như một vệt phấn vẽ trên vỉa hè. Tôi không thể tin được rằng mình đã chạy được từ dưới đó lên tận đây. Và càng không thể tin rằng tôi chuẩn bị phải lặp lại việc đó một lần nữa.
“Thật không thể tin nổi!” Caballo thốt lên.
Anh ta đẫm mồ hôi, mắt bừng lên vì phấn khích. Vừa cố gắng hớp hơi, anh ta vừa gạt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên ngực và vẩy ngang mặt tôi, tạo nên một màn giọt sương lóng lánh dưới ánh mặt trời thiêu đốt của Mexico. “Chúng ta đang có một sự kiện tầm cỡ thế giới!” Caballo hổn hển. “Ở đây, một nơi mà không ai biết đến!”
Ở mốc 42 dặm, Silvino và Arnulfo vẫn đang dẫn trước Scott, trong khi đó Jenn đang bám theo phía sau cả ba người. Lần thứ hai chạy qua Urique, Jenn ngồi vật xuống một chiếc ghế để uống Coke, nhưng Mamá Tita đã xốc nách cô dậy và bắt cô đứng lên.
“¡Puedes, cariño, puedes!” Tita gào lớn. Con làm được mà, con yêu!
“Con không bỏ cuộc.” Jenn đáp. “Con chỉ thèm nước thôi.”
Nhưng đôi tay của Tita đã đặt lên lưng của Jenn, và đẩy cô trở lại mặt phố. Cũng vừa kịp lúc; Herbolisto và Sebastiano đã tận dụng được đoạn đường bằng dẫn vào thị trấn để rút ngắn khoảng cách với Jenn xuống chỉ còn hơn 400 m, trong khi đó Billy Đầu Đất đã bứt khỏi Luis và bám phía sau nhóm này tầm 400 m.
“Hôm nay là ngày của mọi người!” Caballo nói. Anh đã bám theo đám dẫn đầu trong khoảng nửa giờ, và rồi nó khiến anh phát điên. Không phải vì thua cuộc; mà vì anh có nguy cơ bỏ lỡ mất khoảnh khắc mọi người về đích. Cảm giác chơi vơi đó khó chịu tới mức Caballo cuối cùng đã quyết định bỏ cuộc trong cuộc đua của mình và đi tắt về Urique, để xem liệu mình có kịp tới đó và chứng kiến cuộc đọ sức cuối cùng hay không.
Tôi nhìn anh chạy đi, và chỉ thèm được chạy theo. Tôi mệt lử, không thể tìm được đường tới cây cầu treo nhỏ xíu bắc qua sông, và không hiểu sao lại chui xuống phía dưới cây cầu ấy, để rồi buộc phải lội qua con sông đến lần thứ tư. Bàn chân ngấm nước của tôi trĩu nặng, tưởng như không nhấc lên nổi khi tôi loạng choạng lên bờ cát phía bên kia sông. Tôi đã chạy suốt cả ngày, và bây giờ tôi lại đang ở chính chân con dốc cao ngất như núi Alp mà tôi suýt ngã lộn khỏi đó sáng nay khi bị giật mình bởi con rắn chết. Tôi không thể nào kịp leo xuống trước khi Mặt trời lặn, nên lần này sẽ phải mò mẫm trong bóng tối.
Tôi gục đầu xuống và bắt đầu lê bước. Khi tôi ngẩng lên đã thấy một đám trẻ con Tarahumara vây quanh mình. Tôi nhắm mắt lại, rồi mở mắt lần nữa. Lũ trẻ vẫn ở đó. May sao chúng không phải là ảo giác, tôi mừng chảy nước mắt. Chúng từ đâu đến, và tại sao chúng lại chọn quanh quẩn với tôi, tôi không thể hiểu nổi. Chúng tôi cùng nhau leo cao dần lên trên ngọn đồi.
Sau khi đi được khoảng nửa dặm, bọn trẻ chạy vụt lên một đường mòn nhánh gần như vô hình và vẫy tôi đi theo.
“Không được!” Tôi trả lời đầy tiếc rẻ.
Bọn trẻ nhún vai, rồi biến mất vào bụi rậm. “Gracias!” Tôi rên lên, và ngay lập tức cảm thấy nhớ lũ trẻ. Tôi tiếp tục cố sức leo lên đồi, chuyển từ lê lết sang chạy nước kiệu mà thực ra chẳng nhanh hơn đi bộ là mấy. Khi tôi tới một đoạn đường bằng ngắn, lũ trẻ đã ngồi chờ sẵn ở đó. Vậy ra đó chính là cách người Tarahumara Urique bứt lên dẫn trước được xa đến vậy. Lũ trẻ lại bật dậy, chạy song song với tôi một lần nữa, để rồi lại biến mất vào bụi rậm. Khoảng nửa dặm sau, chúng lại chui ra. Trò này biến thành một cơn ác mộng: Tôi cứ tiếp tục chạy mãi, chạy mãi, nhưng mọi thứ chẳng thay đổi. Ngọn đồi cứ như kéo dài ra mãi, và nhìn đâu đâu, tôi cũng thấy Lũ Trẻ Đồng Ngô xuất hiện.
Nếu là Caballo, anh ta sẽ làm gì nhỉ? Tôi băn khoăn. Anh ta luôn tự đẩy mình vào tình thế khó khăn đến vô vọng trong vùng hẻm núi này, rồi luôn tìm được cách thoát ra. Anh ta sẽ bắt đầu ở ngưỡng dễ. Tôi tự nhủ. Bởi vì nếu bạn chỉ làm được như vậy thôi, thì cũng đã là không tệ lắm rồi. Sau đó, anh ta sẽ đẩy lên mức nhẹ nhàng. Anh ta sẽ chạy ở ngưỡng không cần phải nỗ lực, như thể không cần quan tâm xem ngọn đồi cao bao nhiêu hay còn phải chạy bao xa…
“OSO!” Ted Chân Đất chạy về phía tôi, trông như phát điên.
“Có mấy đứa trẻ cho tôi ít nước và tôi cảm thấy nước rất mát, tôi nghĩ là nên dùng nó để hạ nhiệt cơ thể.” Ted Chân Đất nói. “Vì thế, tôi té nước lên khắp người, phun nước ra xung quanh…”
Tôi gặp khó khăn khi dõi theo câu chuyện của Ted Chân Đất, bởi giọng của anh ta nghe lúc to lúc nhỏ, cứ như một chiếc đài bắt không đủ sóng. Tôi nhận ra rằng đường huyết của mình đã tụt xuống rất thấp, và tôi đang ở cận kề ngưỡng đụng tường.
“… và rồi, tôi chợt nghĩ: ‘Thôi chết, thôi chết, mình hết nước rồi…’”
Qua lời than vãn của Ted Chân Đất, tôi biết mình còn cách điểm quay đầu cỡ khoảng một dặm nữa. Tôi chẳng đủ kiên nhẫn để nghe, chỉ muốn lao thật nhanh tới trạm tiếp tế để nhai tiếp một thanh năng lượng nữa và nghỉ một chút trước khi chạy nốt năm dặm cuối cùng.
“… Vì vậy, tôi tự nhủ rằng nếu phải đi tiểu, thì nên tiểu vào chai, đề phòng trường hợp hết sạch nước, anh biết đấy, hết nhẵn nhụi. Vì thế, tôi tè vào cái chai này, và nó có màu gần như nước cam. Trông có vẻ không ổn. Và còn nóng nữa. Tôi nghĩ mọi người nhìn tôi tè vào chai và nghĩ: ‘Oa, lũ ngoại nhân này ghê thật!’”
“Gượm đã!” Tôi bắt đầu hiểu ra. “Không phải anh đang uống nước tiểu đấy chứ?”
“Nó đúng là thứ đồ uống tệ nhất! Nó là món nước tiểu dở nhất mà tôi từng nếm. Anh có thể đóng chai thứ này và đem bán để dựng người chết sống dậy. Tôi vẫn biết là có thể uống được nước tiểu, nhưng quả là không thể khi nó đã bị đun nóng và bị xóc lên trong thận suốt 40 dặm. Đây là một thí nghiệm thất bại. Tôi sẽ không uống thứ nước tiểu này ngay cả khi nó là thứ chất lỏng duy nhất còn lại trên Trái đất.”
“Đây!” Tôi bảo, và đưa cho anh ta chỗ nước còn lại của mình. Tôi không hiểu tại sao anh ta không chịu quay lại trạm tiếp tế để lấy thêm nước nếu như cảm thấy lo lắng đến thế, nhưng tôi đã quá mệt và chẳng muốn hỏi thêm một câu nào nữa. Ted Chân Đất đổ bỏ thứ “nước thánh” của mình, lấy nước vào chai và quấy quả chạy đi. Dù có là kẻ lập dị, thì cũng không thể chối bỏ khả năng xoay xở cũng như lòng quyết tâm của anh ta; chỉ còn chưa tới năm dặm là anh ta cán đích trong cuộc chạy đua dài 50 dặm bằng dép cao su xỏ ngón, và sẵn sàng uống cả nước thải từ cơ thể để tới được đích.
Chỉ khi tới được điểm quay đầu Guadalupe thì cái đầu mụ mị của tôi mới vỡ lẽ ra được tại sao Chân Đất lại hết sạch nước: ở đây không còn chút nước nào hết. Và không một bóng người. Dân làng đã kéo về Urique tham gia tiệc tùng sau cuộc đua, đóng cửa luôn cả cửa hàng nhỏ và chẳng để lại ai để chỉ đường đến chỗ giếng nước. Tôi ngồi phịch xuống một tảng đá. Đầu óc tôi quay cuồng, còn miệng thì khô rộp lên tới mức không nhai nổi đồ ăn nữa. Ngay cả khi xoay xở nhét được vài miếng xuống cổ họng thì tôi cũng đã mất nước tới mức không thể hoàn thành nổi quãng đường dài một giờ đồng hồ để về đích nữa. Cách duy nhất để trở về Urique là đi bộ, những tôi đã yếu đến mức không đi nổi.
“Cái giá phải trả cho lòng trắc ẩn đây.” Tôi lẩm bẩm. “Mình cho đi thứ gì đó, và mình nhận lại được gì? Một quả đắng.”
Và khi tôi ngồi đó, thảm bại, hơi thở nặng nhọc sau khi leo dốc dần chậm lại, đủ để tôi nghe thấy một âm thanh khác – một thứ tiếng huýt sáo lảnh lót kỳ lạ, dường như càng lúc càng đến gần hơn. Tôi nhỏm dậy để nhìn, và ở đó, đang tiến lên ngọn đồi bị lãng quên này, là ông già Bob Francis.
“Này, amigo!” Bob vừa gọi tôi, vừa lôi ra hai lon nước xoài từ túi đeo trên vai, giơ chúng lên cao trên đầu và lắc lắc. “Tôi đã nghĩ bụng là anh sẽ cần ít đồ uống.”
Tôi sững người. Ông Bob già đã leo năm dặm đường mòn khó khăn dưới nhiệt độ 35 độ C để mang nước quả cho tôi? Nhưng rồi tôi nhớ ra: vài ngày trước, Bob đã trầm trồ trước con dao mà tôi cho Ted Chân Đất mượn để làm dép xăng đan. Đó là một món đồ kỷ niệm từ chuyến thám hiểm châu Phi, nhưng vì Bob đã đối xử với chúng tôi rất tử tế nên tôi đành tặng cho ông con dao đó. Có thể chuyến giao hàng kỳ diệu này của Bob chỉ là một sự tình cờ may mắn, nhưng khi uống chỗ nước quả và chuẩn bị chạy về đích, tôi có cảm giác rằng mảnh cuối cùng trong bức tranh ghép về người Tarahumara đã về đúng vị trí.
Caballo và Tita bị xô đẩy vào đám đông ở vạch đích, cố nghển cổ lên để ngóng những người dẫn đầu đoàn đua. Caballo lôi ra từ trong túi một chiếc đồng hồ Timex cũ kỹ đã đứt dây và kiểm tra thời gian. Sáu tiếng. Có thể là quá nhanh, nhưng biết đâu…
“Vienen!” Ai đó hét lên. Họ đang tới kìa!
Caballo vội ngẩng đầu lên. Anh nheo mắt nhìn xuôi xuống con đường thẳng, phóng ánh nhìn xuyên qua những cái đầu đang nhô lên thụt xuống của các vũ công. Báo động nhầm! Đó chỉ là một đám bụi và – mà không, đúng thật rồi! Mớ tóc sẫm màu và áo choàng màu đỏ. Arnulfo đang dẫn đầu.
Silvino ở vị trí thứ hai, nhưng Scott đang rút ngắn khoảng cách. Khi chỉ còn cách một dặm, Scott vượt qua Silvino. Nhưng thay vì vọt đi thật nhanh, Scott vỗ vào lưng anh ta. “Đi nào!” Scott hét, vẫy Silvino chạy theo. Giật mình, Silvino rướn lên và cố theo kịp từng bước chạy của Scott. Họ cùng nhau đuổi theo Arnulfo.
Những tiếng hò reo đã nhấn chìm âm thanh của ban nhạc mariachi khi ba tay đua vào đoạn bứt tốc cuối cùng để về đích. Silvino loạng choạng, rồi lại dấn lên, nhưng không thể theo kịp tốc độ của Scott. Scott băng lên. Anh ta từng ở vị trí như thế này, và luôn tìm được chút sức mạnh còn lại. Arnulfo ngoái lại và nhìn thấy kẻ từng đánh bại những tay cừ khôi nhất thế giới đang dốc sức đuổi theo mình. Arnulfo lao vọt qua nền gạch của Urique, tiếng hò hét càng vang dội khi anh tiến dần tới dải băng. Và khi anh lao qua dải băng ấy, Tita đã ứa nước mắt.
Đám đông đã nuốt chửng lấy Arnulfo khi Scott chạy qua vạch đích ở vị trí thứ nhì. Caballo hối hả chạy tới để chúc mừng, nhưng Scott đẩy anh sang một bên mà không nói một lời. Scott không quen với việc bại trận, đặc biệt là trước một gã tiểu tốt, trong một cuộc đua vô danh giữa vùng hoang vu. Điều này chưa từng xảy ra với anh – nhưng anh biết mình phải làm gì.
Scott bước về phía Arnulfo và cúi đầu.
Đám đông như phát điên lên. Tita chạy vội tới để ôm Caballo và thấy anh đang lau nước mắt. Và trong mớ hỗn loạn ấy, Silvino gắng sức vượt qua vạch đích, theo sau là Herbolisto và Sebastiano.
Còn Jenn thì sao? Quyết định liều chết giành chiến thắng cuối cùng cũng hạ gục cô.
Khi về tới Guadalupe, Jenn như sắp ngất đến nơi. Cô ngồi sụp xuống tựa lưng vào một gốc cây và gục cái đầu đang quay cuồng xuống giữa hai đầu gối. Một đám người Tarahumara vây quanh, cố gắng động viên Jenn đứng dậy. Jenn ngẩng đầu và ra hiệu muốn uống nước.
“¿Agua?” Cô hỏi. “¿Agua purificada?”
Ai đó nhét vào tay cô một lon Coke ấm.
“Càng tốt!” Cô nói, miệng cười chua chát.
Cô vẫn còn đang nhấp từng ngụm soda thì chợt có tiếng hét. Sebastiano và Herbolisto đang chạy vào làng. Jenn không nhìn thấy họ được nữa khi đám đông vây quanh để chúc tụng và đưa pinole cho họ. Và rồi, Herbolisto đứng đó ngay trước mặt cô, chìa tay ra. Tay kia, ông ta chỉ về phía đường mòn. Cô ta có đi không? Jenn lắc đầu. “Chưa được!” Cô nói. Herbolisto bắt đầu chạy, rồi dừng lại và đi bộ ngược trở lại. Một lần nữa, ông chìa tay ra. Jenn mỉm cười và vẫy tay ra hiệu cho ông đi trước. “Đi đi nào!” Herbolisto vẫy tay tạm biệt.
Chẳng lâu sau khi ông biến mất trên đường mòn, tiếng hò hét lại vang lên. Ai đó báo tin đến cho Jenn: con Sói đang tới.
Đầu Đất! Jenn để dành lại cho cậu ta một ngụm Coke to, và cố gượng đứng dậy trong khi cậu ta uống hết chỗ nước. Tất cả những lần chạy cùng nhau, tính cả những buổi chạy lúc Mặt trời lặn trên bãi biển Virginia, họ chưa lần nào sóng đôi về đích.
“Sẵn sàng chưa?” Billy hỏi.
“Anh toi rồi đấy.”
Họ cùng nhau lao như bay xuống ngọn đồi dài, chạy rầm rập qua cây cầu treo lắt lẻo. Họ vừa tiến vào Urique vừa hú hét, với một kết quả không phải hổ thẹn: mặc dù Jenn phải chạy với đôi chân rướm máu còn Billy thì chuẩn bị cho cuộc đua như người bị bệnh ngủ li bì, ngoài bốn người Tarahumara, họ vẫn đánh bại được những người khác, bao gồm cả Luis và Eric, hai tay chạy bộ siêu dài dạn dày kinh nghiệm.
Manuel bỏ cuộc giữa chừng. Anh đã cố gắng hết sức để tham gia cuộc đua vì Caballo, nhưng nỗi đau sau cái chết của cậu con trai đã khiến anh không còn tâm trạng nào thi đấu. Nhưng dẫu tâm trí không thể hướng vào việc cuộc đua, anh vẫn dành toàn tâm toàn ý cho một đấu thủ khác. Manuel đi lang thang dọc theo đường chạy để dõi theo Ted Chân Đất. Và rồi, Arnulfo… Scott và cả Jenn và Billy cũng theo bước anh. Một điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra: những người chạy bộ càng chạy chậm, tiếng hò reo cổ vũ càng lớn. Mỗi khi có một tay đua gắng gượng vượt qua vạch đích – Luis và Porfilio, Eric và Ted Chân Đất – họ ngay lập tức quay lại và bắt đầu đi tìm những người chạy bộ còn chưa về tới nơi.
___________________
Từ trên ngọn đồi cao, tôi có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy của những ngọn đèn xanh đỏ treo trên con đường dẫn vào Urique. Mặt trời đã lặn, để lại tôi một mình chạy xuyên qua ánh sáng nhá nhem màu xám bạc của vùng hẻm núi sâu thẳm, thứ ánh sáng mờ ảo như ánh trăng, cứ tĩnh lặng như thế, không thay đổi, cho tới khi bạn cảm thấy tất mọi thứ đều đã đông cứng lại, trừ chính bạn. Và đúng lúc đó, từ những cái bóng màu trắng đục như sữa, hiện ra hình hài của kẻ lãng du đơn độc vùng High Sierras.
“Có cần bạn đồng hành không?” Caballo nói.
“Tuyệt vời.”
Chúng tôi cùng nhau chạy lóc cóc qua cây cầu treo, luồng không khí mát mẻ từ dòng sông khiến tôi cảm thấy thân thể nhẹ bỗng lạ lùng. Khi chúng tôi tới đoạn đường thẳng cuối cùng dẫn vào thị trấn, tiếng kèn trumpet trỗi lên. Chạy sóng đôi bên nhau, khớp từng nhịp bước, Caballo và tôi tiến vào Urique.
Tôi thậm chí còn chẳng biết mình có đi qua vạch đích hay không. Tôi chỉ nhìn thấy một cái bóng có mớ tóc tết bím nháng lên khi Jenn lao vọt ra khỏi đám đông, khiến tôi sửng sốt. Eric đỡ tôi ngay trước khi tôi gục xuống nền đất và ấn một chai nước lạnh vào sau gáy tôi. Arnulfo và Scott, cả hai mắt đều đã vằn sọc đỏ, mỗi người dúi vào mỗi bên tay tôi một chai bia.
“Anh thật đáng kinh ngạc.” Scott bảo.
“Ừ.” Tôi nói. “Chậm một cách đáng kinh ngạc.” Tôi mất đến hơn 12 tiếng đồng hồ để về đích, đồng nghĩa với việc Scott và Arnulfo có thể chạy lại cả đường đua một lần nữa và vẫn về đích trước tôi.
“Ý tôi chính là như vậy đấy.” Scott khẳng định. “Tôi đã từng trải qua chuyện đó rồi, anh bạn ạ. Tôi đã từng nếm nó rất nhiều lần. Để làm được như vậy thì cần nhiều lòng dũng cảm hơn cả chạy nhanh đấy.”
Tôi lê bước về phía Caballo, lúc này đang nằm dài ra dưới một gốc cây trong khi tiệc tùng nổi lên ầm ĩ xung quanh. Không lâu sau đó, anh sẽ đứng dậy và có một bài phát biểu tuyệt vời bằng thứ tiếng Tây Ban Nha kỳ cục. Anh sẽ giới thiệu Bob Francis, lúc đó vừa kịp đi bộ về đến thị trấn để trao cho Scott một chiếc đai dùng trong nghi lễ của người Tarahumara, cho Arnulfo một con dao bấm của riêng ông. Caballo sẽ trao giải thưởng bằng tiền, để rồi nghẹn họng khi thấy cặp Nhóc Tiệc Tùng, dù chẳng còn đủ tiền để đi xe buýt quay về El Paso, vẫn tặng hết tiền mặt cho những người Tarahumara về đích sau họ. Caballo sẽ cười rống lên khi Herbolisto và Luis nhảy điệu Robot.
Nhưng tất cả những việc ấy sau đó mới xảy ra. Còn ngay lúc này, Caballo cảm thấy thỏa mãn với việc ngồi một mình dưới gốc cây, nhấm nháp bia, và chứng kiến giấc mơ của mình diễn ra ngay trước mắt.
* * *
32
Đầu óc của anh ấy từ quá lâu đã bị choán hết bởi những vấn đề không thể giải quyết của xã hội đương đại, và anh ấy vẫn đang tiếp tục chiến đấu với thiện tâm và nguồn năng lượng không giới hạn của mình. Những nỗ lực của anh ấy đã không uổng phí, nhưng có thể anh ấy sẽ không sống được tới lúc nhìn thấy thành quả của chúng.
- Theo Van Gogh, 1889
Anh phải nghe cái này.” Ted nắm lấy cánh tay tôi.
Khỉ thật! Anh ta bắt được tôi ngay khi tôi định chuồn khỏi bữa tiệc đường phố man dại và lết về, nằm lăn ra khách sạn. Tôi đã phải nghe toàn bộ phần bình luận sau giải của Ted Chân Đất, bao gồm cả nhận định: nước tiểu của con người không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là thuốc làm trắng răng, và tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao anh ta có thể thấy thứ gì hấp dẫn hơn một trận ngủ say trên chiếc giường êm ái. Nhưng lần này không phải là giờ kể chuyện của Ted, mà là Caballo.
Ted Chân Đất kéo tôi trở lại khu vườn của Mamá Tita, tại đây, Caballo như đang hớp hồn Scott, Billy và một vài người khác. “Các anh đã bao giờ tỉnh dậy trong một phòng cấp cứu…” Caballo đang nói, “… mà cảm thấy băn khoăn không biết rằng mình có muốn tỉnh dậy hay không chưa?” Và cứ thế, anh đi vào câu chuyện mà tôi đã chờ đợi gần hai năm qua. Tôi hiểu tại sao anh lại chọn thời điểm đó. Khi trời sáng, tất cả chúng tôi sẽ lại tản mát về nhà. Caballo không muốn chúng tôi quên đi những gì đã cùng nhau chia sẻ, vì vậy, lần đầu tiên, anh tiết lộ về thân thế của mình.
Anh sinh ra với cái tên Michael Randall Hickman, con của một Trung sĩ nhất Thủy quân Lục chiến. Việc thay đổi địa điểm đóng quân của cha anh đã khiến gia đình phải di chuyển lên xuống khắp vùng Bờ Tây. Vốn gầy gò và thường xuyên phải tự vệ khi nhập học ở các ngôi trường mới, ưu tiên số một của cậu nhóc Mike mỗi khi chuyển nhà là tìm Câu lạc bộ Thể thao Cảnh sát gần nhất để đăng ký học đấm bốc.
Những đứa nhóc vạm vỡ thường cười khẩy và nện găng vào nhau khi nhìn cậu mọt sách với mái tóc dài kiểu hippie óng mượt lúng túng bước vào võ đài, nhưng những nụ cười mỉa mai đó thường tắt ngay lập tức khi cánh tay trái vươn dài của cậu tung những cú đấm thẳng vào mắt chúng. Mike Hickman là một cậu bé nhạy cảm, ghét làm đau người khác, nhưng điều đó không ngăn cản cậu trở nên rất giỏi trong việc ấy. “Tôi thích mấy đứa to xác, cơ bắp, ‘bởi vì chúng cứ liên tục bám theo tôi.’” Anh ta hồi tưởng lại. “Nhưng lần đầu tiên hạ nốc ao một gã, tôi đã khóc. Và rất lâu sau đó, tôi không đấm nốc ao ai nữa.”
Sau khi tốt nghiệp trung học, Mike theo học ngành Tôn giáo phương Đông và Lịch sử thổ dân châu Mỹ tại Đại học Humboldt State. Để trang trải học phí, anh tham gia các trận đấm bốc chui, và tự đặt biệt danh là Cao bồi Du mục (Gypsy Cowboy). Vì anh chẳng ngán việc bước vào các phòng tập thể hình hiếm khi có mặt người da trắng, và ở những nơi này càng hiếm khi có một gã ăn chay mặt trắng huyên thuyên về nhịp điệu của vũ trụ với nước ép cỏ lúa mì, nên chẳng bao lâu, gã Cao bồi đã được thỏa sức thi đấu. Những gã cò cấp thấp người Mexico thích kéo anh ra một góc và thì thầm vào tai về các kèo thi đấu.
“Oye, compay.” Bọn chúng bảo. “Nghe này, bạn tôi. Chúng ta sẽ khơi lên một tin đồn, một lời thì thầm rất khẽ, rằng cậu là gã nghiệp dư hàng đầu ở miền đông. Lũ ngáo ở đây sẽ khoái lắm. Tất cả đám da trắng đó sẽ đem cả con ruột đặt cửa cho cậu.”
Chàng Cao bồi Du mục nhún vai. “Vậy cũng được.”
“Cậu cứ nhảy múa quanh võ đài sao cho đừng để bị dần nát xác tới hiệp thứ tư.” Bọn họ dặn – hoặc hiệp thứ ba, hoặc hiệp thứ bảy, hay bất kỳ thời điểm nào khác đã được định trước. Chàng Cao bồi sẽ phải tự lo thân mình trước các võ sĩ da đen hạng nặng với thân hình khổng lồ, bằng cách tránh né và ôm chặt đối thủ, cho đến khi cần ngã xuống sàn đấu, nhưng khi đối đầu với các võ sĩ hạng trung Latin nhanh nhẹn, anh phải thực sự chiến đấu để sinh tồn. “Trời ạ, có lúc họ phải lôi thân xác bê bết máu của tôi ra khỏi đó.” Anh kể. Nhưng ngay cả khi ra trường, anh vẫn tiếp tục mắc kẹt với môn này. “Tôi lang thang khắp nơi để đánh đấm. Nhào xuống thảm, hay giành chiến thắng, hoặc đôi khi thua nhưng thực ra là thắng, chủ yếu là diễn sao cho đẹp, và học cách thi đấu mà không bị thương.”
Sau vài năm nhặt nhạnh tích cóp từ thế giới ngầm của thi đấu đối kháng, chàng Cao bồi mang tiền thưởng, bay tới đảo Maui. Ở đó, anh quay lưng lại với các khu nghỉ dưỡng để đi về phía đông, tới con đập, khu tăm tối của hòn đảo và các ngôi đền bí ẩn ở Hana. Anh đi tìm mục đích đời mình. Nhưng lại tìm thấy Smitty, nhà tu hành ẩn dật sống trong một cái hang. Smitty dẫn Mike tới một cái hang dành cho anh, và các địa điểm thiêng liêng bí ẩn của Maui.
“Smitty chính là người đầu tiên đưa tôi đến với chạy bộ.” Caballo kể. Thỉnh thoảng, họ lại khởi hành ngay giữa buổi đêm để chạy 20 dặm lên Đường mòn Kaupo, để đi đến Ngôi nhà Mặt trời, ở độ cao hơn 900 m trên ngọn núi Haleakala. Họ thường ngồi im lặng khi những tia nắng sớm mai lóe lên trên Thái Bình Dương, rồi chạy trở xuống, chỉ mang theo vài quả đu đủ hái trên cây. Gã đấm bốc chui với cái tên Mike Hickman dần dần biến mất. Và ở vào chỗ của gã, trỗi dậy một con người khác với cái tên Micah True, cái tên lấy cảm hứng từ “tinh thần quả cảm và không biết sợ hãi” của nhà tiên tri Micah trong Kinh Cựu ước và lòng trung thành của một chú chó lai tên là True Dog. “Tôi không phải lúc nào cũng sống xứng đáng với tinh thần của True Dog.” Caballo thường nói. “Nhưng đó là tấm gương đáng để noi theo.”
Trong một lần chạy xuyên rừng sâu kiếm tìm lẽ sống, chàng trai mới tái sinh Micah True gặp cô gái trẻ, xinh đẹp từ Seattle đến đây nghỉ mát. Họ khác nhau đến cùng cực – Melinda là một học viên cao học ngành Tâm lý và là con của một nhà đầu tư giàu có trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi Micah chỉ là một kẻ sống trong hang động, theo nghĩa đen – nhưng họ lại yêu nhau. Và sau một năm ở vùng hoang dã, Micah quyết định rằng đã đến lúc để trở lại với thế giới.
Ầm! Chàng Cao bồi Du mục đã hạ nốc ao đối thủ thứ ba…
… rồi người thứ tư…
… và thứ năm…
Với nàng Melinda luôn chờ ở góc võ đài cùng những cuộc chạy bộ xuyên rừng mưa nhiệt đới trui rèn sức mạnh đôi chân, Micah gần như bất khả chiến bại; anh có thể nhảy nhót và tránh né cho tới khi cánh tay của đối thủ trì xuống như đổ bê tông. Ngay khi ấy, Micah sẽ lao vào và nện đối thủ xuống mặt võ đài. “Tôi được truyền cảm hứng từ tình yêu, thưa các vị.” Micah nói. Anh và Melinda chuyển đến sống tại Boulder, Colorado, ở đây, anh có thể chạy các lối mòn trên núi và kiếm được các trận đấu trên võ đài ở Denver.
“Anh ta trông chẳng giống võ sĩ gì cả.” Don Tobin, nhà vô địch kick-box hạng nhẹ vùng Rocky Mountain sau này kể lại với tôi. “Anh ta có mớ tóc dài và đeo đôi găng cũ nát, như thể được truyền lại từ Rocky Graziano.” Don Tobin trở thành bạn của chàng Cao bồi và thỉnh thoảng làm đối thủ cùng nhau luyện tập, và cho tới tận bây giờ, anh ta vẫn rất hâm mộ tinh thần làm việc của chàng Cao bồi. “Anh ta tự tập luyện theo những cách khó tin. Vào ngày sinh nhật lần thứ 30, anh ta đi chạy 30 dặm. Hẳn 30 dặm!” Không nhiều vận động viên marathon của Mỹ đạt được con số đó.
Đến khi chuỗi trận bất bại đạt đến con số 12-0, danh tiếng của chàng Cao bồi đã trở nên dữ dội tới mức đủ để anh xuất hiện trên trang bìa của Westword, tuần báo ở Denver. Dưới tựa đề THÀNH PHỐ NẮM ĐẤM là bức hình Micah chiếm trọn cả trang, ngực trần đẫm mồ hôi, nắm đấm sẵn sàng và mớ tóc tung bay, cặp mắt của anh vẫn giữ nguyên tia sáng mà tôi nhìn thấy 20 năm sau đó, khi tôi phục kích được anh ta ở Creel. “Tôi sẽ đấu với bất kỳ ai nếu có đủ tiền” là trích dẫn của chàng Cao bồi.
Bất kỳ ai? Bài báo đó lọt vào tay một người khởi xướng môn kick-box của ESPN, người này nhanh chóng tìm ra chàng Cao bồi và đưa ra một lời đề nghị. Mặc dù Micah là võ sĩ đấm bốc chứ không phải là dân kick-box, nhưng cô ta vẫn sẵn sàng đưa anh lên võ đài trong một trận đấu truyền hình quốc gia với đối thủ Larry Shepherd, võ sĩ hạng dưới nặng đứng thứ tư nước Mỹ. Micah thích cơ hội được nổi tiếng đó và món tiền thưởng kếch xù, nhưng anh đánh hơi thấy sự lừa lọc. Chỉ vài tháng trước, anh vẫn còn là một gã lập dị không nhà cửa, thiền định trên đỉnh núi; và nay, bọn họ lại đưa anh ra đấu với một võ sư có thể dùng đầu đập gạch. “Tất cả chỉ là một trò đùa lớn với bọn họ.” Micah nói. “Tôi là thằng dị hợm tóc dài mà họ muốn đẩy lên đài để mang lại những tràng cười cợt.”
Điều xảy ra tiếp theo đã tóm tắt lại toàn bộ cuộc đời của Caballo: những quyết định dễ dàng nhất mà anh từng đưa ra đều nằm ở giữa sự cẩn trọng và niềm kiêu hãnh. Khi tiếng chuông rung lên trong trận đấu Superfight Night của ESPN, chàng Cao bồi Du mục bỏ chiến thuật khôn ngoan quen thuộc là tránh né và nhảy múa. Thay vào đó, anh chạy thẳng sang bên kia võ đài và tấn công Shepherd bằng một con mưa những cú đấm cả trái và phải đầy giận dữ. “Anh ta không hiểu tôi đang làm gì, nên cứ đứng thủ thế ở góc võ đài, cố công tìm hiểu.” Micah nhớ lại. Micah co cánh tay phải lại để chuẩn bị cho một cú trời giáng, nhưng rồi lại nghĩ ra ý hay hơn. “Tôi đá vào mặt anh ta mạnh tới mức gãy cả ngón chân mình.” Micah nói. “Và cả mũi anh ta nữa.”
Reng reng reng.
Người ta giương cao cánh tay của Micah lên trời, trong khi đó, một vị bác sĩ đang kiểm tra mắt của Shepherd xem võng mạc có bị bong ra hay không. Một chiến thắng nốc ao nữa cho Cao bồi Du mục. Anh không thể chờ đợi lâu hơn để về nhà và ăn mừng với Melinda. Nhưng anh nhận ra Melinda đã chuẩn bị sẵn một cú nốc ao dành cho mình. Rất lâu trước khi cuộc nói chuyện đó kết thúc – trước khi cô thú thật về cuộc tình vụng trộm cũng như kế hoạch bỏ anh đi theo người khác và chuyển về sống tại Seattle – óc của Micah đã quay mòng mòng với nhiều câu hỏi. Không phải cho cô; mà là cho chính anh.
Anh vừa đập vỡ mặt một người đàn ông ngay trên sóng truyền hình quốc gia, tại sao? Để trở nên vĩ đại trong mắt của người khác? Để trở thành một nghệ sĩ trình diễn mà thành tích chỉ được đo đếm bằng tình cảm của người khác? Anh không ngu ngốc; anh có thể kết nối từ cậu bé hay lo lắng, có người cha vĩ đại như người hùng Santini, với kẻ cô đơn, thèm khát tình yêu mà anh ta đã trở thành. Anh là một võ sĩ vĩ đại, hay nói theo cách khác, chỉ là kẻ chuyên đòi hỏi?
Không lâu sau, Tạp chí Karate gọi tới. Theo lời người phóng viên, Bảng xếp hạng cuối năm chuẩn bị ra mắt và trận đấu bất ngờ của Cao bồi Du mục đã đưa anh lên hạng thứ năm trong giới kick-box hạng dưới nặng toàn nước Mỹ. Sự nghiệp của chàng Cao bồi chuẩn bị lên hương; ngay khi Karate lên các sạp báo và các lời mời đổ tới, anh sẽ có bộn cơ hội kiếm nhiều tiền để tìm hiểu xem điều mình thực sự yêu thích là môn đấu đá, hay đơn giản là đánh nhau để được yêu.
“Xin lỗi!” Micah nói với người phóng viên nọ. “Nhưng tôi vừa mới quyết định giải nghệ.”
Làm cho chàng Cao bồi Du mục biến mất còn đơn giản hơn việc tống khứ Mike Hickman. Tất cả những gì không mang theo được trên lưng đều bị Micah vứt bỏ. Điện thoại ngắt kết nối, căn hộ bỏ không. Chiếc xe bán tải Chevy đời 69 trở thành nhà. Ban đêm, anh ngủ trong túi ngủ ở ghế sau. Ban ngày, anh đi cắt cỏ thuê và khuân vác đồ đạc. Thời gian còn lại, anh chạy bộ. Nếu như không thể có được Melinda, thì anh sẽ quyết làm cho mình kiệt sức. “Tôi ngủ dậy vào bốn giờ rưỡi sáng, chạy 20 dặm, và mọi việc sẽ tốt đẹp.” Micah nói. “Sau đó, tôi làm việc cả ngày và lại muốn có cảm giác đó một lần nữa. Vì vậy, tôi về nhà, uống một chai bia, ăn một ít đậu, và chạy thêm một chút nữa.”
Anh ta không biết mình chạy nhanh hay chậm, giỏi hay kém, cho đến khi lái xe tới Laramie, Wyoming trong một kỳ nghỉ cuối tuần hè 1986, để thử sức ở giải Rocky Mountain Double Marathon. Anh tự khiến mình phải ngạc nhiên khi giành giải nhất với thời gian 6 giờ 12 phút, vượt qua quãng đường mòn có độ dài bằng hai cuộc marathon liền nhau, với thời gian chỉ hơn ba tiếng đồng hồ mỗi cuộc. Anh ta phát hiện ra, chạy đua siêu dài còn khó nhằn hơn cả đấu võ kiếm giải. Trên võ đài, đối thủ quyết định ta sẽ bị đánh mạnh tới mức nào, nhưng trên đường mòn, sự trừng phạt đến từ chính bản thân ta. Với một gã đang tìm cách tự hành xác đến tê dại, thì chạy bộ cực hạn có thể là môn thể thao thú vị tột cùng.
Mình có thể thi đấu chuyên nghiệp, nếu thoát khỏi mấy chấn thương dai dẳng này… Ý nghĩ đó chạy qua tâm trí của Micah khi đang đạp xe và đổ một con dốc gắt trên phố ở Boulder. Điều tiếp theo mà anh nhận thức được, là mình đang chớp chớp mắt nhìn vào ánh đèn chói chang trong phòng cấp cứu của Bệnh viện cộng đồng Boulder, mắt anh bị máu khô đóng đặc quánh và trán thì đầy vết khâu. Cố gắng nhớ lại, thì có vẻ như anh đã vấp phải một viên sỏi trơn và văng cả người qua ghi đông xe đạp.
“Anh còn sống được là may lắm rồi đấy.” Bác sĩ bảo anh, trong khi đó thực ra chỉ là một cách nhìn nhận. Ở mặt kia của vấn đề, cái chết vẫn treo lơ lửng trên đầu anh. Micah vừa bước sang tuổi 41, và viễn cảnh nhìn từ cái cáng ở phòng cấp cứu không có vẻ gì là đẹp đẽ. Anh không có bảo hiểm y tế, không nhà cửa, người thân, và không có công việc ổn định. Anh không có đủ tiền để ở lại qua đêm cho các bác sĩ theo dõi, và cũng chẳng có giường nằm dưỡng bệnh nếu ra viện.
Nghèo túng và tự do là cách sống mà anh chọn lựa, nhưng liệu anh có muốn chết như vậy không? Một người bạn đã để cho Micah nằm dưỡng thương trên ghế xô-pha của cô, và ở đó, trong vài ngày tiếp theo, anh suy nghĩ về tương lai. Chỉ có những kẻ nổi loạn may mắn mới có thể ra đi trong ánh hào quang, điều này Micah biết rất rõ. Kể từ hồi lớp hai, anh đã thần tượng Geronimo, người Apache dũng cảm từng trốn thoát kỵ binh Hoa Kỳ bằng cách chạy bộ xuyên qua vùng đất hoang Arizona. Nhưng kết cục của Geronimo ra sao? Một tù nhân, chết trong say xỉn dưới rãnh nước, trong một khu bảo tồn bụi bặm.
Khi đã bình phục, Micah đi tới Leadville. Và ở đó, trong một đêm kỳ diệu cùng chạy bộ xuyên rừng với Martimano Cervantes, anh đã tìm ra câu trả lời. Geronimo không thể chạy mãi mãi trong tự do, nhưng một gã “thổ dân da trắng” thì có thể. Một gã thổ dân da trắng không có tài sản, không cần đến ai, và không sợ bị biến mất khỏi Trái đất mà không để lại dấu vết.
“Vậy anh sống bằng gì?” Tôi hỏi.
“Mồ hôi.” Caballo trả lời. Cứ đến mùa hè, anh lại rời căn lều và đi xe buýt trở về Boulder, nơi chiếc xe bán tải cổ lỗ sĩ vẫn nằm đó chờ anh phía sau căn nhà của một người nông dân tốt bụng. Trong khoảng từ hai đến ba tháng, anh lấy lại danh tính Micah True và cố kiếm các công việc tự do kiểu như vận chuyển đồ nội thất. Ngay khi kiếm đủ tiền để sống qua một năm nữa, anh lại ra đi, biến mất xuống đáy sâu của vùng hẻm núi, và xỏ vào chân đôi xăng đan của El Caballo Blanco.
“Khi quá già, không làm việc được nữa, tôi sẽ làm điều mà Geronimo sẽ làm nếu họ để anh ta được tự do.” Caballo nói. “Tôi sẽ đi bộ vào vùng hẻm núi sâu thẳm và tìm một nơi yên tĩnh nằm xuống.” Không có chút cường điệu hay tự thương hại bản thân nào trong cách Caballo nói ra những lời này, đơn giản chỉ là một sự chấp nhận, rằng một ngày nào đó, cuộc sống mà anh ta đã lựa chọn sẽ đòi hỏi phải có một hành động biến mất cuối cùng.
“Vì vậy, có thể tôi sẽ gặp lại tất cả các bạn.” Caballo kết thúc câu chuyện, cùng lúc Tita tắt đèn và xua chúng tôi đi ngủ. “Hoặc có thể chẳng gặp nhau nữa.”
Lúc Mặt trời mọc sáng hôm sau, những người lính ở Urique đã đợi sẵn bên chiếc xe buýt mini nổ máy chờ bên ngoài nhà hàng của Tita. Khi Jenn tới nơi, đám lính lập tức đứng nghiêm.
“Hasta luego, Brujita!” Họ chào.
Jenn gửi tới họ nụ hôn gió kiểu các nữ minh tinh màn bạc với một cái vung tay thật rộng, rồi leo lên xe. Ted Chân Đất theo sau cô, rón rén trèo lên. Hai bàn chân anh ta được quấn vải băng bó dày tới mức gần như không chui vừa dép. “Không tệ lắm đâu, thật đấy!” Anh ta phân bua. “Chỉ hơi phải giữ gìn chút thôi.” Anh ta chen vào bên cạnh Scott, và được Scott ngồi dịch sang để nhường chỗ.
Đám còn lại chúng tôi lên xe và cố gắng để mình mẩy đang đau nhức cảm thấy càng dễ chịu càng tốt trong chuyến đi gập ghềnh sắp tới. Người thợ làm tortilla của ngôi làng (đồng thời cũng là thợ cắt tóc, thợ giày, và là tài xế xe buýt) ngồi vào sau bánh lái, rồ máy rung lên bần bật. Ở bên ngoài, Caballo và Bob Francis đang đi dọc theo chiều dài chiếc xe buýt, áp bàn tay của họ lên từng ô cửa.
Manuel Luna, Arnulfo, và Silvino đứng cạnh họ khi chiếc xe buýt bắt đầu lăn bánh. Tất cả những người Tarahumara khác đều đã xuất phát từ trước để vượt qua quãng đường xa lắc trở về nhà, nhưng mặc dù ba người này phải đi xa nhất, họ vẫn ở lại chờ để tiễn chúng tôi. Rất lâu sau đó, tôi vẫn còn nhìn thấy họ đứng trên đường, vẫy tay, cho tới khi cả thị trấn Urique biến mất vào một màn mây bụi.
LỜI CẢM ƠN
Năm 2005, Larry Weissman đọc các bài của tôi cắt ra từ tạp chí và tóm gọn lại thành một câu hỏi khôn ngoan. “Sức bền nằm ở trung tâm các câu chuyện của cậu.” Anh nói vậy, hoặc câu gì tương tự như thế. “Còn chuyện nào anh chưa kể không?”
“Ờ, cũng có. Tôi đã nghe nói về cuộc đua này ở Mexico…”
Kể từ đó, Larry và người vợ tuyệt vời của anh, Sascha, đóng vai trò là quản lý của tôi, chỉ cho tôi cách một mớ ý tưởng thành lời đề xuất khả thi, giật dây nhắc nhở mỗi khi tôi trễ hạn. Không có họ, cuốn sách này vẫn chỉ là một câu chuyện phiếm trên bàn bia.
Tạp chí Runner’s World, và đặc biệt là biên tập viên Jay Heinrichs đã cử tôi đến Copper Canyon và tỏ ra thích thú (dù chỉ một chút) về ý định phát hành chuyên đề người Tarahumara. Tôi còn nợ James Rexroad, nhiếp ảnh gia cự phách, vì đã bầu bạn cùng tôi và chụp những bức ảnh tuyệt vời trong chuyến đi đó. Người có bộ não cũng như dung tích phổi khổng lồ như biên tập viên danh dự của Runner’s World, Amby Burfoot, đã hào phóng chia sẻ với tôi kho thời gian, kinh nghiệm và thư viện của mình. Tôi vẫn giữ của ông 25 cuốn sách, và hứa trả lại nếu ông chịu chạy cùng tôi lần nữa.
Tôi đặc biệt biết ơn tạp chí Men’s Health. Nếu chưa đọc tạp chí này, bạn đang bỏ lỡ một trong những tờ tạp chí tuyệt vời nhất, đáng tin cậy bậc nhất. Tạp chí này có đội ngũ biên tập viên như Matt Marion và Peter Moore, những người cổ vũ cho ý tưởng phi lý như cử tay viết bị chấn thương tới vùng hoang vu để tham gia cuộc thi chạy bộ với thổ dân da đỏ vô hình. Men’s Health đã cấp kinh phí cho tôi tập luyện rồi lại giúp tôi định hình câu chuyện. Giống như tất cả những thứ tôi đã từng viết cho Matt, nó được đưa đến tay anh như một tấm ga giường nhàu nhĩ và trở ra vuông vắn, phẳng đét như trong phòng khách sạn.
Là một nhóm người thường không được nhìn nhận đúng đắn, cộng đồng chạy bộ siêu dài đã ủng hộ nghiên cứu cũng như thử nghiệm cá nhân của tôi. Ken, Pat, và Cole Chlouber luôn khiến tôi cảm thấy như ở nhà khi tới Leadville và đã dạy cho tôi nhiều hơn cả mức tôi muốn học về đua lừa. Giám đốc giải Leadville, Merilee O’Neal, đã đáp ứng mọi yêu cầu mà tôi có thể nghĩ ra và còn cho tôi cái ôm dành cho người hoàn thành cuộc đua, mặc dù tôi chưa xứng đáng. David “Wild Man” Horton, Matt “Skyrunner” Carpenter, Lisa Smith-Batchen và Jay, Marshall và Heather Ulrich, Tony Krupicka – tất cả đã chia sẻ với tôi những câu chuyện phi thường và bí mật của đường mòn. Sunny Blende, chuyên gia dinh dưỡng của môn chạy siêu dài, đã giúp chúng tôi tránh được thảm họa trong sa mạc khi Jenn, Billy, Ted Chân Đất và tôi loay hoay hỗ trợ cho Luis Escobar ở giải Badwater 2006, và đưa ra định nghĩa tuyệt vời nhất về môn thể thao này: “Chạy siêu dài chỉ là cuộc thi ăn và uống, điểm thêm chút vận động và cảnh quan.”
Nếu như bạn không bị loạn óc bởi những đoạn lạc đề khi đọc cuốn sách này, thì cả tôi và bạn đều nợ lời cảm ơn với Edward Kastenmeier, người biên tập của tôi ở Knopf, và trợ lý của ông là Tim O’Connell. Ngoài ra, còn có Lexy Bloom, biên tập viên cấp cao ở Vintage Books, người đã đưa ra những nhận xét quý báu. Họ đã tìm ra cách cắt bớt phần mỡ thừa trong đống chữ nghĩa của tôi mà không làm mất đi chút hương vị nào. Bạn tôi, Jason Fagoe, tác giả tuyệt tác Horsmen of the Esohagus (Kỵ sĩ của Esophagus), đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa kể chuyện và sự lan man. Max Potter là một tay bút cao thượng hiếm hoi khi khuyến khích một tay bút khác sáng tác. Patrick Doyle của tạp chí 5280 đã xác nhận tin tức trong cuộc đời bí ẩn của Caballo, và thậm chí tìm được tấm ảnh đăng báo tưởng như đã thất lạc hoàn toàn của chàng Cao bồi Du mục thời còn thi đấu. Nhiều năm trước, Susann Linnee đã hào phóng cho tôi một công việc tại Associated Press và sau đó dạy tôi cách làm công việc đó. Nếu có thêm nhiều người biết về Susan thì hẳn là sẽ có ít người chê trách nghề báo hơn.
Để trở thành một vận động viên vĩ đại, bạn cần phải chọn cha mẹ thật kỹ. Để sống sót được với tư cách nhà văn, bạn cũng cần điều tương tự ở gia đình. Các anh chị em ruột, anh chị em họ đã cho tôi nguồn động viên to lớn, và tha thứ vì tôi đã bỏ lỡ các ngày sinh nhật, cũng như các trách nhiệm khác. Hơn hết thảy, tôi nợ vợ tôi, Mika, và những cô con gái tuyệt vời, Sophie và Maya.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao người Tarahumara và nhóm Điên Rồ lại thân thiết với nhau như vậy. Họ là những con người kỳ diệu và hiếm có, và được ở bên họ là diễm phúc đời tôi. Tôi ước gì mình có thời gian để uống thêm một lon nước xoài với Bob Francis, người thổ dân da trắng vĩ đại. Không lâu sau cuộc đua, ông qua đời. Và cũng như hầu hết những cái chết ở Copper Canyon, cái chết của ông vẫn là một bí ẩn.
Trong khi vẫn đang gặm nhấm nỗi đau mất mát của người bạn già trung thành ấy, Caballo đã nhận được lời đề nghị hiếm có trong đời. The North Face, công ty dụng cụ thể thao ngoài trời nổi tiếng, đã đề nghị trở thành nhà tài trợ cho cuộc đua của anh ta. Tương lai của Caballo và cả cuộc đua của anh ta cuối cùng cũng được đảm bảo.
Caballo nghĩ rất kỹ. Trong khoảng một phút.
“Không, cảm ơn!” Anh quyết định. “Tôi không muốn mọi người làm bất cứ điều gì khác ngoài chạy, tiệc tùng, nhảy múa, ăn và chơi cùng chúng tôi. Chạy bộ nên được tự do, anh bạn ạ.”