Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 02
3
Vianne có biết chút ít về chiến tranh. Không hẳn là tiếng bom rơi đạn nổ hay cảnh máu chảy đầu rơi, mà là hậu quả của nó. Mặc dù được sinh ra trong thời bình, những ký ức đầu đời của chị đều gắn với chiến tranh. Chị còn nhớ đã chứng kiến mẹ mình khóc lóc khi từ biệt chồng. Chị còn nhớ mình luôn đói và lạnh. Nhưng chủ yếu chị nhớ cha đã thay đổi như thế nào khi ưở về, ông đi tập tễnh, thở dài sườn sượt và im lặng. Đó là lúc ông bắt đầu uống rượu, chỉ quan tâm đến bản thân và không chú ý đến gia đình. Sau đó, chị nhớ những lần cha mẹ đóng sập cửa, những trận cãi vã nổ ra để rồi chấm dứt trong sự im lặng khó chịu và hai người ngủ ở hai phòng riêng biệt.
Người cha lên đường ra mặt trận và người cha quay trở về là hai người khác hẳn nhau. Vianne đã cố gắng để được yêu thương; và cố gắng để tiếp tục yêu thương cha mình, nhưng cuối cùng; cả hai điều đó đều không thực hiện được. Suốt nhiều năm sau khi được cha gửi về Carriveau, Vianne đã sống một cuộc sống tự lập. Chị gửi thiếp mừng Giáng sinh và Sinh nhật cho ông, nhưng chẳng bao giờ nhận được gì. Hai cha con hiếm khi nói chuyện với nhau. Còn gì để mà nói nữa? Không giống với Isabelle, đứa có vẻ như không thể từ bỏ được, Vianne hiểu và chấp nhận rằng khi mẹ qua đời, gia đình chị đã tan vỡ theo cách không thể hàn gắn. Đơn giản cha chị là một người đàn ông không muốn làm cha của hai đứa con mình.
- Anh biết em sợ chiến tranh như thế nào. - Antoine nói.
- Phòng tuyến Maginot sẽ cầm cự được. - Vianne nói, cố tỏ ra thuyết phục. - Đến Giáng sinh anh sẽ về thôi.
Phòng tuyến Maginot là hàng dặm bê tông, vật cản và vũ khí được dựng lên dọc theo biên giới Đức sau Thế chiến I để bảo vệ nước Pháp. Quân Đức không thể xuyên thủng nó được.
Antoine ôm vợ vào lòng. Mùi hoa nhài thật ngây ngất. Đột nhiên Vianne nhận ra rằng kể từ nay, bất cứ khi nào ngửi thấy mùi hoa nhài, chị sẽ nhớ đến cuộc chia ly hôm nay, chắc chắn là như vậy.
- Em yêu anh, Antoine Mauriac, và em mong anh sẽ quay về nhà với em.
Sau đó, chị không nhớ hai người đã trở vào trong nhà, leo lên cầu thang, nằm xuống giường, và cởi quần áo cho nhau. Chị chỉ nhớ mình khỏa thân trong vòng tay anh, nằm dưới anh trong khi anh làm tình với chị theo một cách anh chưa từng làm trước đây, với những nụ hôn cuồng loạn, sục sạo, và đôi tay tựa như muốn xé toạc chị ra dù đang ôm ấp chị.
- Em mạnh mẽ hơn là em tưởng đấy, V. - Antoine lên tiếng sau đó, lúc họ nằm im lặng trong vòng tay nhau.
- Không phải vậy đâu. - Chị thì thầm, khẽ đến mức anh không nghe thấy.
+++++
Sáng hôm sau, Vianne chỉ muốn giữ Antoine ở trên giường cả ngày, chị còn định thuyết phục anh rằng cả nhà nên gói ghém đồ đạc và lén lút trốn đi trong đêm.
Nhưng họ sẽ đi đâu? Chiến tranh đang treo lơ lửng trên toàn cõi châu Âu.
Chị đã làm xong bữa sáng và đang rửa bát thì một cơn đau đầu như búa bổ ập đến.
- Nhìn mẹ có vẻ buồn. - Sophie lên tiếng.
- Sao mẹ lại buồn được trong một ngày hè đẹp như thế này, khi chúng ta chuẩn bị đi thăm những người bạn thân thiết? - Vianne nhoẻn miệng cười, hơi quá tươi tắn.
Chỉ đến khi Vianne ra khỏi cửa và đứng dưới một gốc táo ở sân trước, chị mới nhận ra mình đang đi đất.
- Mẹ ơi! - Sophie sốt ruột gọi.
- Mẹ đến đây. - Chị đáp, rồi theo chân Sophie băng qua cái sân trước, chuồng chim bồ câu cũ (giờ là nơi cất dụng cụ làm vườn) và nhà kho trống. Sophie mở cổng chạy sang cái sân được chăm sóc kỹ lưỡng của nhà hàng xóm, hướng về phía một căn nhà nhỏ xây bằng đá với cửa màu xanh dương.
Sophie gõ cửa một tiếng, rồi khi không nghe thấy ai trả lời, con bé bước vào nhà.
- Sophie! - Vianne gọi giật giọng, nhưng cô con gái bỏ ngoài tai. Sự khách khí là không cần thiết khi đến chơi nhà bạn thân, vì suốt mười lăm năm qua Rachel de Champlain vẫn là người bạn tốt nhất của Vianne. Hai người gặp nhau chỉ một tháng sau khi cha chị bỏ hai đứa con gái ở lại Le Jardin.
Kể từ đó hai người trở thành một cặp đôi khăng khít: Vianne gầy gò, xanh xao và hay lo lắng, còn Rachel cao như bọn con trai, với hàng lông mày rậm rì và giọng nói oang oang như lệnh vỡ. Cả hai cô gái đều là những đứa không thể hòa nhập, cho đến khi họ gặp nhau. Hai cô bé trở nên không thể tách rời ở trường học và làm bạn với nhau trong suốt những năm qua. Họ cùng đi học đại học và trở thành giáo viên, cùng mang bầu một lượt. Giờ đây họ dạy ở hai lớp cạnh nhau tại ngôi trường làng.
Rachel xuất hiện trên ngưỡng cửa, tay bế cậu con trai mới sinh, Ariel.
Hai người phụ nữ trao đổi với nhau bằng ánh mắt. Trong ánh mắt đó là tất cả những gì họ đang cảm nhận và sợ hãi.
Vianne theo cô bạn thân vào trong một căn phòng nhỏ, sáng sủa và vô cùng ngăn nắp. Một bình hoa dại tô điểm cho chiếc bàn gỗ thô mộc bên cạnh bộ ghế cọc cạch. Trong một góc phòng khách là chiếc va li bằng da, bên trên có đặt chiếc mũ phớt màu nâu yêu thích của Marc, chồng Rachel. Chủ nhà đi vào bếp lấy chiếc đĩa gốm đựng đầy bánh canelé, sau đó hai người bước ra bên ngoài.
Trong cái sân nhỏ sau nhà, hoa hồng mọc men theo hàng rào cây thủy lạp. Một cái bàn và bốn chiếc ghế nằm cập kênh trên khoảng sân lát đá. Những chiếc đèn cổ treo lủng lẳng trên cành một cây dẻ.
Vianne cầm một chiếc bánh lên cắn thử, thưởng thức lớp nhân kem đậm đà mùi vani bên trong phần vỏ bánh giòn và hơi xém cạnh. Chị ngồi xuống.
Rachel ngồi đối diện với Vianne, đứa trẻ trên tay vẫn ngủ ngon lành. Sự yên lặng dường như đã lây từ người nọ sang người kia, khiến trong lòng họ cùng dâng lên một nỗi lo âu khắc khoải.
- Mình tự hỏi liệu thằng bé có được biết mặt bố nó hay không. - Rachel lên tiếng, mắt nhìn xuống cậu con trai.
- Rồi họ sẽ bị thay đổi. - Vianne trầm ngâm đáp. Cha của chị từng tham gia trận Somme, trong đó hơn bảy trăm ngàn người đã bỏ mạng. Những lời đồn đại về tính hung bạo của quân Đức đã theo những người ít ỏi còn sống sót bay về quê nhà.
Rachel chuyển sang đỡ đứa bé trên vai và nhẹ nhàng vỗ lưng cho nó.
- Marc không giỏi thay tã. Ari thì lại thích ngủ trên giường bọn mình. Bây giờ thì chuyện đó sắp được thu xếp ổn thỏa.
Vianne nhoẻn cười. Câu đùa của Rachel chẳng có gì to tát, nhưng cũng giúp chị cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút.
- Tiếng ngáy của Antoine chẳng khác nào người ta cưa gỗ. Mình sắp được ngủ ngon rồi.
- Và chúng ta có thể làm món trứng chần cho bữa tối.
- Bớt được một nửa lượng quần áo phải giặt. - Vianne tiếp lời, nhưng rồi giọng chị lạc đi. - Mình không giỏi chuyện này đâu, Rachel
- Có chứ. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nó.
- Trước khi mình gặp Antoine...
Rachel xua tay.
- Mình biết rồi. Cậu gầy như que củi, lắp ba lắp bắp mỗi khi lo lắng và dị ứng với mọi thứ. Mình biết hết. Mình có mặt ở đó mà. Nhưng giờ chuyện đó đã qua rồi. Cậu sẽ mạnh mẽ. Cậu có biết tại sao không?
- Tại sao?
Nụ cười của Rachel biến mất.
- Mình biết mình là đứa có da có thịt. Như tượng tạc, theo lời mấy mụ bán áo ngực và bít tất dài khi họ muốn bán được hàng cho mình. Nhưng mình cảm thấy... hoang mang vì chuyện này, V. à. Sẽ có lúc mình phải dựa vào cậu đấy. Tất nhiên là không phải với toàn bộ trọng lượng này, tất nhiên rồi.
- Như vậy chúng ta không được gục ngã cùng một lúc.
- Chính xác. - Rachel nói. - Kế hoạch là thế nhé. Giờ thì chúng ta có nên mở một chai cognac không nhỉ? Hay là gin?
- Mới có mười giờ sáng thôi đấy.
- Cậu nói chí phải. Một ly French 75 vậy.
+++++
Sáng ngày thứ Ba, khi Vianne thức giấc, ánh nắng đã tràn qua cửa sổ, lấp lánh rọi sáng những thanh xà trên trần.
Antoine đang ngồi bên cửa sổ, trên chiếc ghế đong đưa bằng gỗ óc chó mà anh đã làm hồi Vianne mang bầu đứa thứ hai. Chiếc ghế trống đã chế giễu họ suốt nhiều năm qua. Trong những năm chị sẩy thai liên tiếp, Vianne nghĩ lại. Đúng là cây khô mọc giữa đất màu: ba sinh linh mất đi trong bốn năm trời. Những mạch đập yếu dần, những bàn tay tím tái. Thế rồi, một phép màu xảy ra: một đứa bé đã sống sót. Sophie. Ẩn trong những thớ gỗ của chiếc ghế kia là những bóng ma nhỏ đáng thương, nhưng cũng có những kỷ niệm đẹp đẽ.
- Có lẽ em nên đưa Sophie lên Paris. - Antoine đứng dậy. - Ông ngoại sẽ trông nom hai mẹ con em.
- Cha em đã có quyết định khá rõ ràng về chuyện sống cùng con gái. Em không nghĩ ông sẽ chào đón bọn em đâu. - Vianne đẩy cái chăn chần qua một bên và đứng lên, đặt đôi chân trần xuống tấm thảm đã sờn.
- Hai mẹ con sẽ ổn chứ?
- Sophie và em sẽ không sao đâu. Dù sao thì anh cũng sẽ sớm quay về. Phòng tuyến Maginot sẽ đứng vững. Và Chúa biết quân Đức không phải là đối thủ xứng tầm với chúng ta.
- Rất tiếc là vũ khí của bọn chúng thì có đấy. Anh đã rút hết tiền khỏi ngân hàng. Có sáu mươi lăm ngàn franc ở dưới nệm. Em tiêu tiền cẩn thận nhé, Vianne. Cùng với đồng lương giáo viên của em, hai mẹ con sẽ đủ sống một thời gian dài.
Vianne bỗng thấy hoảng sợ. Chị biết quá ít về tình hình tài chính của gia đình. Antoine trước giờ vẫn lo liệu chuyện đó.
Anh chậm rãi đứng dậy và vòng tay ôm chị. Vianne chỉ muốn đóng chai cảm giác an toàn mình đang có ngay lúc này, để về sau có thể lấy ra uống những khi cô đơn và hoảng sợ.
Hãy nhớ điều này, chị thầm nghĩ. Nhớ ánh sáng vương trên mái tóc lòa xòa của anh, tình yêu trong đôi mắt nâu của anh, đôi môi nứt nẻ vừa mới hôn chị chỉ một giờ trước đó, trong bóng tối.
Qua ô cửa sổ mở rộng phía sau hai người, Vianne nghe thấy tiếng vó ngựa chậm rãi khua cồm cộp trên đường và tiếng lạch cạch của cỗ xe mà con ngựa kéo theo.
Chắc là ông Quillian đang trên đường chở hoa ra chợ. Nếu lúc này Vianne đang ở dưới sân, ông sẽ dừng xe, tặng cho chị một cành hoa và nói rằng hoa cũng chẳng thể đẹp bằng người, trong khi chị tủm tỉm cười cảm ơn rồi mời ông uống chút gì đó.
Vianne miễn cưỡng rời khỏi vòng tay chồng. Chị tiến đến chỗ cái bàn gỗ, đổ một chút nước ấm từ trong chiếc bình bằng gốm ra chậu rồi rửa mặt. Trong cái hốc tường được tận dụng làm nơi thay quần áo, phía sau hai lớp màn vải lanh màu vàng và trắng, Vianne mặc áo ngực, quần đùi dây rút và đeo nịt bít tất. Chị xỏ chân vào đôi tất lụa, kéo chúng lên rồi gài vào nịt bít tất. Sau đó chị mặc một chiếc váy cổ vuông bằng vải bông có dây lưng. Khi chị bước ra khỏi chỗ thay quần áo, Antoine không còn ở trong phòng nữa.
Chị lấy ví rồi đi xuôi theo hành lang tới phòng của Sophie. Cũng giống như phòng của hai vợ chồng, phòng của Sophie khá nhỏ, có trần dốc không ốp ván, sàn gỗ, và một cửa sổ trông ra vườn cây. Trong phòng có đặt một chiếc giường sắt, một cái bàn đầu giường bên trên có chiếc đèn ngủ được truyền lại qua nhiều người, và một tủ quần áo sơn màu xanh. Những bức tranh của Sophie treo trên tường để trang trí.
Vianne mở cửa sổ cho ánh nắng tràn vào phòng.
Như thường lệ, trong những tháng hè nóng nực, Sophie đã đá cái chăn xuống đất trong lúc ngủ. Con gấu bông màu hồng nằm dụi đầu vào má con bé.
Vianne cầm con gấu lên, quan sát khuôn mặt xinh xắn đáng yêu của nó. Năm ngoái gấu Bébé đã bị bỏ lăn lóc trên một cái kệ gần cửa sổ khi Sophie chuyển sang chơi những món đồ chơi mới hơn.
Giờ thì Bébé đã trở lại.
Vianne cúi xuống hôn lên má con gái. Sophie trở mình, chớp chớp mắt.
- Con không muốn bố đi, mẹ ơi. - Sophie thì thầm. Con bé với lấy Bébé, gần như giật con gấu ra khỏi tay mẹ.
- Mẹ biết. - Chị thở dài. - Mẹ biết mà.
Vianne tiến lại chỗ tủ áo và chọn lấy chiếc váy lính thủy yêu thích của Sophie.
- Con đội vòng hoa bố đã tết được không ạ?
Chiếc “vương miện” xộc xệch bằng hoa cúc nằm trên bàn đầu giường. Những bông hoa nhỏ đã héo úa. Vianne nhặt nó lên và đội cho Sophie.
Vianne đã nghĩ mình sẽ giữ được bình tĩnh, nhưng rồi chị bước
vào phòng khách và trông thấy Antoine.
- Bố ơi! - Sophie ngập ngừng chạm tay vào vòng hoa cúc dại trên đầu. - Bố đừng đi.
Antoine quỳ xuống, ôm con gái vào lòng.
- Bố phải ra trận để bảo vệ mẹ và con. Nhưng bố sẽ quay về trước khi con kịp nhận ra điều đó.
Vianne nghe thấy sự nghẹn ngào trong giọng nói của chồng.
Sophie lùi lại. Vòng hoa cúc lệch sang một bên đầu con bé.
- Bố hứa là bố sẽ về nhé?
Antoine nhìn vào đôi mắt lo lắng của Vianne phía sau khuôn mặt hớn hở của Sophie.
- Ừ. - Cuối cùng anh đáp.
Sophie gật đầu.
Ba người im lặng ra khỏi nhà. Họ nắm tay nhau đi lên sườn đồi tới chỗ căn nhà kho bằng gỗ màu xám. Cỏ úa vàng cao ngang đầu gối phủ kín quả đồi; trong khi những bụi tử đinh hương um tùm như những cỗ xe kéo mọc men theo hàng rào. Ba cây thập tự nhỏ màu trắng là tất cả những gì còn lại trên thế giới này để nhắc Vianne nhớ tới những đứa con mà chị đã đánh mất. Hôm nay chị không muốn để ánh mắt mình nấn ná ở đó chút nào. Tâm trạng chị đã đủ nặng nề rồi. Chị không thể bồi thêm sức nặng của những ký ức ấy nữa.
Bên trong nhà kho là chiếc Renault cũ màu xanh lá cây của gia đình. Khi cả ba người đã vào trong xe, Antoine nổ máy, lùi xe ra ngoài; rồi cho xe chạy qua những đám cỏ chết màu nâu để tiến ra con đường. Vianne nhìn qua cửa kính xe nhỏ xíu đầy bụi, quan sát những thung lũng xanh rì loang loáng trôi qua cùng những hình ảnh quen thuộc - những mái ngói đỏ, những ngôi nhà đá, đồng cỏ và ruộng nho, những cánh rừng với các thân cây mảnh dẻ.
Chẳng mấy chốc họ đã đến nhà ga xe lửa ở gần Tours.
Sân ga ken đầy những nam thanh niên xách va li, phụ nữ ôm hôn từ biệt và trẻ con khóc lóc. Một thế hệ đàn ông lên đường ra trận. Một lần nữa.
Đừng nghĩ đến chuyện đó, Vianne tự nhủ. Đừng nhớ lại cảnh bọn họ tập tễnh trở về nhà, mặt cháy xém, tay chân không còn lành lặn...
Chị nắm chặt tay chồng trong khi Antoine mua vé rồi dẫn cả nhà tới chỗ đoàn tàu. Trên toa tàu hạng ba nóng như chảo lửa, hành khách chen chúc như đám lau sậy trong đầm lầy, chị ngồi thẳng người, vẫn nắm tay chồng; chiếc túi xách để trong lòng.
Khi đến nơi, khoảng một chục người xuống tàu. Cả ba đi theo những người khác trên một con đường lát đá dẫn tới nơi có vẻ là thành phố nhỏ nhất ở vùng Touraine. Làm sao chiến tranh lại có thể đang đến gần và cái thành phố lạ lùng với những chùm hoa lộn xộn và những bức tường đổ này lại đang tập hợp lính tráng đi đánh giặc được kia chứ?
Antoine giật tay vợ để chị đi tiếp. Chị đã dừng lại từ lúc nào?
Phía trước mặt họ là một cánh cổng đôi bằng sắt mới dựng bên cạnh các bức tường đá. Phía bên kia cổng là những dãy nhà tạm.
Cánh cổng sắt bật mở. Một người lính cưỡi ngựa tiến ra để chào đón những người mới đến, cái yên bằng da kêu kẽo kẹt theo nhịp bước của con ngựa. Khuôn mặt người lính lấm lem bụi đất và đỏ bừng vì thời tiết nóng nực. Anh ta giật cương bắt con ngựa dừng lại, ngoặt đầu sang hai bên và thở phì phò. Một chiếc máy bay rền rĩ bay qua đầu họ.
- Các anh. - Người lính nói. - Mang giấy tờ đến chỗ cậu trung úy đằng kia, cạnh cổng. Nào, nhanh chóng lên.
Antoine hôn Vianne, dịu dàng khiến chị muốn khóc.
- Anh yêu em. - Anh nói lí nhí.
- Em cũng yêu anh. - Chị đáp, nhưng những từ ngữ tưởng rất lớn lao ấy sao bây giờ lại nhỏ bé đến lạ. Tình yêu có là gì khi đối mặt với chiến tranh?
- Con nữa, bố ơi. Con nữa! - Sophie hét lên và lao vào vòng tay bố. Cả gia đình ôm nhau một lần cuối, cho đến khi Antoine gỡ mình ra.
- Tạm biệt. - Anh nói.
Vianne không biết nói gì để đáp lại. Chị nhìn anh bước đi và lẫn vào đám đông những chàng trai nói cười rộn rã, đến khi không còn nhận ra anh được nữa. Hai cánh cổng sạt đồ sộ đóng sầm lại. Âm thanh kim loại lạnh lùng vang lên giữa bầu không khí nóng bức đầy bụi bặm, trong khi hai mẹ con chị đứng trơ trọi giữa đường.
4
Tháng Sáu năm 1940
Pháp
Ngôi biệt thự thời Trung cổ nằm trên một sườn đồi xanh rì cây cối. Trông nó tựa như thứ được trưng bày trong tủ kính của một người bán mứt kẹo: một tòa lâu đài bằng caramel, với các ô cửa sổ bằng sợi đường và cửa chớp màu kẹo táo. Xa hơn phía bên dưới là mặt hồ xanh biếc phản chiếu mây trời. Những khoảnh vườn được tỉa tót cẩn thận cho phép dân làng, và quan trọng hơn là những vị khách của họ, đi dạo loanh quanh các khu đắt, nơi chỉ những chủ đề được chấp nhận mới được thảo luận.
Trong căn phòng ăn trang trọng, Isabelle Rossignol ngồi thẳng đuỗn bên chiếc bàn ăn phủ vải trắng đủ lớn để phục vụ cho hai mươi bốn người. Mọi thứ trong phòng thật nhợt nhạt. Các vách tường và sàn nhà được ốp đá màu con hàu. Trần nhà vút cong tới một đỉnh nhọn cao phải đến sáu mét. Bị mắc kẹt giống như những người trong phòng, âm thanh được khuếch đại lên đáng kể.
Bà Dufour đứng ở đầu bàn, mặc một chiếc váy giản dị màu đen để hở một khoảng trống bằng cái thìa canh ở phần gốc cái cổ dài của bà ta. Chiếc trâm cài đầu gắn một viên kim cương là món trang sức duy nhất bà ta mang trên người (một món duy nhất, các cô gái, hãy chọn cho kỹ vào, mọi thứ đều có tiếng nói của nó, và không gì nói to bằng sự rẻ tiền). Khuôn mặt hẹp của bà ta dừng lại nơi chiếc cằm thô và được đóng khung bằng những lọn tóc bạc màu rõ đến mức phá hỏng vẻ trẻ trung mà bà ta mong muốn.
- Mánh khóe ở đây, - bà Dufour nói với giọng hiểu biết, rành rọt và gọn ghẽ, - là hoàn toàn yên lặng và không gây chú ý trong khi làm phận sự của các cô.
Mỗi cô gái ngồi quanh bàn mặc một chiếc áo khoác len màu xanh dương vốn là đồng phục của trường. Vào mùa đông thì không đến nỗi, chứ trong buổi chiều hè tháng Sáu này thì bộ trang phục quả là không thể chịu đựng nổi. Isabelle cảm thấy mình bắt đầu toát mồ hôi và chẳng có lượng oải hương nào trong loại xà phòng nàng dùng có thể che giấu nổi mùi gắt của nó.
Isabelle nhìn xuống quả cam chưa bóc vỏ nằm giữa chiếc đĩa sứ Limoges của mình. Những món dụng cụ được xếp đặt đúng chỗ ở hai bên chiếc đĩa. Nĩa dùng cho xa lát, nĩa dùng cho món chính, dao, thìa, dao xắn bơ, nĩa để ăn cá. Vân vân và vân vân.
- Nào! - Bà Dufour nói. - Cầm đúng món dụng cụ lên... khẽ thôi, thưa các cô, và bóc vỏ quả cam.
Isabelle cầm lấy nĩa và cố gắng ấn những cái răng sắc của nó vào lớp vỏ dày, nhưng quả cam lăn ra và lao qua phần mép viền của chiếc đĩa, khiến nó kêu lanh canh.
- Khỉ thật. - Nàng lẩm bẩm, nhanh tay chộp lấy quả cam trước khi nó rơi xuống sàn.
- Khỉ á? - Giọng nói của bà Dufour vang lên phía sau lưng cô gái.
Isabelle giật nảy mình. Chúa ơi, bà ta di chuyển nhanh như rắn bò trong đám lau sậy.
- Em xin lỗi, thưa cô. - Isabelle lên tiếng, tay đặt quả cam về chỗ cũ.
- Cô Rossignol, làm thế nào mà trong suốt hai năm gia ân cho các phòng học của chúng tôi bằng sự hiện diện của mình, cô vẫn chẳng học được gì nhiều thế nhỉ?
Isabelle lại chọc cái nĩa vào quả cam. Một thao tác không đẹp mắt, nhưng hiệu quả. Nàng mỉm cười ngước lên nhìn bà Dufour.
- Thưa cô, thường thì thất bại của người học chính là thất bại của người dạy đấy ạ.
Mọi người quanh bàn nhất loạt nín thở.
- A. - Bà Dufour lên tiếng. - Vậy ra chúng tôi là lý do khiến cô chưa thể ăn cam đúng cách cơ đấy.
Isabelle cố gắng cắt xuyên vỏ cam, với một nỗ lực quá mức. Lưỡi dao trượt ra khỏi lớp vỏ sần sùi và đập vào cái đĩa sứ.
Những ngón tay của bà Dufour vươn tới túm lấy cổ tay của Isabelle.
Các cô gái ngồi quanh bàn trố mắt nhìn cảnh tượng đó.
- Lịch sự trò chuyện đi, các cô gái. - Bà Dufour nhếch mép cười khẽ. - Không ai muốn ăn tối cùng một pho tượng cả.
Được nhắc nhở, các cô gái bắt đầu khe khẽ trao đổi với nhau về những chuyện mà Isabelle không hề quan tâm. Vườn tược, nắng mưa, áo váy. Những chủ để được chấp nhận đối với phụ nữ. Isabelle phải huy động toàn lực để khỏi thét lên khi nghe cô gái ngồi bên cạnh nói khẽ:
- Mình rất thích đăng ten Alençon, còn cậu?
- Cô Rossignol. - Bà Dufour cất tiếng. - Phiền cô đi gặp hiệu trưởng và nói với bà ấy là cuộc thử nghiệm của chúng ta đã đến lúc kết thúc.
- Như vậy nghĩa là sao ạ?
- Bà ấy sẽ biết. Đi đi.
Isabelle nhanh chóng rời bàn trước khi bà Dufour đổi ý.
Khuôn mặt bà ta rúm ró đầy khó chịu khi nghe thấy tiếng chân ghế miết ken két trên sàn đá.
- Thật ra em không thích cam, thưa cô. - Isabelle mỉm cười.
- Thật à? - Bà Dufour mỉa mai hỏi lại.
Isabelle chỉ muốn bỏ chạy khỏi căn phòng ngột ngạt đó, nhưng vì đã gặp rắc rối đủ rồi nên nàng cố buộc mình đi chậm rãi, vai đưa ra sau, cằm ngẩng cao. Tại cầu thang, nơi nàng có thể bước xuống với ba cuốn sách đặt trên đầu khi bắt buộc, Isabelle nhìn quanh quất. Không thấy ai khác ngoài mình, nàng chạy bổ xuống thang.
Xuống đến hành lang bên dưới, Isabelle giảm tốc độ và thẳng người lại. Khi đi đến phòng hiệu trưởng, hơi thở của nàng đã trở lại bình thường.
Isabelle gõ cửa.
Nghe thấy hai chữ “mời vào” vang lên đanh gọn, nàng mở cửa bước vào.
Hiệu trưởng Allard đang ngồi sau cái bàn giấy bằng gỗ gụ có thếp vàng ở các mép. Thảm trang trí kiểu Trung cổ treo đầy trên những vách tường bằng đá, trong khi một cửa sổ ghép kính hình vòm cho phép nhìn bao quát những khu vườn được cắt xén nhiều đến nỗi thành ra nhân tạo nhiều hơn là tự nhiên. Ngay cả những con chim cũng hiếm khi đậu xuống đó. Rõ ràng chúng cảm nhận được bầu không khí ngột ngạt và không muốn nán lại.
Isabelle ngồi xuống, rồi nhận ra mình chưa được mời, nàng bật dậy.
- Em xin lỗi, thưa cô.
- Ngồi xuống đi, Isabelle.
Nàng làm theo, cẩn thận bắt chéo hai chân ở đoạn mắt cá như các quý cô nên làm, rồi đan hai tay vào nhau.
- Cô Dufour bảo em đến nói với cô là cuộc thử nghiệm đã chấm dứt ạ.
Bà hiệu trưởng với tay tìm một chiếc bút máy Murano trên bàn, rồi cầm nó lên, gõ gõ xuống mặt bàn gỗ.
- Vì sao em đến đây, Isabelle?
- Em ghét cam.
- Sao cơ?
- Và nếu em phải ăn một quả cam, một điều mà thực lòng em không hiểu tại sao mình phải làm dù không thích, em sẽ dùng tay như người Mỹ vẫn làm. Thực ra là như mọi người vẫn làm. Dùng dao và nĩa để ăn cam á?
- Ý tôi là, vì sao em đến ngôi trường này?
- À, ra là vậy. Ơ thì... Tu viện Thánh Tâm ở Avignon đã đuổi học em. Chẳng vì lý do gì cả, có thể nói như vậy.
- Thế còn trường dòng nữ tu Phanxicô?
- À, họ cũng có lý do để đuổi em.
- Và ngôi trường trước đó nữa?
Isabelle không biết phải nói gì.
Bà hiệu trưởng đặt chiếc bút máy xuống.
- Em sắp mười chín tuổi rồi.
- Vâng ạ, thưa cô.
- Tôi nghĩ đã đến lúc em đi.
Isabelle đứng lên.
- Em phải quay lại lớp học ăn cam ạ?
- Em hiểu nhầm rồi. Ý tôi là em nên rời khỏi trường, Isabelle à. Rõ ràng em không thích học những điều chúng tôi dạy.
- Cách ăn một quả cam, khi nào được phết phô mai, và ai có địa vị quan trọng hơn: con trai thứ của một quận công hay một đứa con gái không có quyền thừa kế hay đại sứ của một đất nước vô danh tiếu tốt ạ? Thưa cô, cô có biết điều gì đang diễn ra trên thế giới ngoài kia không?
Isabelle có thể bị đưa về miền thôn quê hẻo lánh, nhưng không vì thế mà nàng không nắm được tình hình thế sự. Ngay cả trong ngôi trường này, bị kiềm tỏa phía sau những hàng giậu và trói buộc bởi phép lịch sự, Isabelle vẫn biết chuyện gì đang diễn ra trên đất Pháp. Đêm đêm, trong căn phòng tu viện của mình, khi đám bạn học đã đi ngủ, nàng vẫn ngồi mãi để nghe lén đài BBC qua chiếc radio của mình. Pháp đã về phe Anh tuyên chiến với Đức, và Hitler đang tấn công. Khắp nơi trên đất nước, người Pháp đang tích trữ lương thực, lắp tấm che cửa sổ và học cách sống như loài chuột chũi trong bóng tối.
Họ đã chuẩn bị, đã lo lắng, và rồi... chẳng có gì xảy ra.
Nhiều tháng đã trôi qua, vẫn không có gì xảy ra.
Lúc đầu, tất cả những gì người ta trao đổi với nhau là về Thế chiến I, và những mất mát đã xảy ra với quá nhiều gia đình, nhưng cùng với thời gian, người ta chỉ còn nghe nói về chiến tranh, và các cô giáo của Isabelle gọi nó là cuộc chiến nực cười. Thảm kịch thực sự đang diễn ra ở chỗ khác của châu Âu, tại Bỉ, Hà Lan và Ba Lan.
- Trong chiến tranh thì cách cư xử có quan trọng không, Isabelle?
- Hiện tại nó không quan trọng ạ. - Isabelle buột miệng và lập tức thầm mong mình không nói câu đó ra.
Bà hiệu trưởng đứng dậy.
- Chúng tôi không phải là nơi thích hợp cho em, nhưng...
- Cha em sẽ gửi em tới bất cứ đâu cho nhẹ nợ.
Isabelle thà nói toẹt sự thật còn hơn là một lời dối trá khác. Nàng học được rất nhiều bài học trong hơn mười năm di chuyển qua các trường nội trú và tu viện, nhưng trên hết Isabelle đã hiểu nàng phải tự đứng trên đôi chân của mình. Hiển nhiên nàng không thể trông cậy vào cha và chị gái.
Hiệu trưởng Allard nhìn Isabelle. Cánh mũi cô gái hơi nở ra, cho thấy một sự phản kháng nhẹ nhàng nhưng đau đớn.
- Đàn ông mất vợ thì đau đớn lắm.
- Con gái mất mẹ cũng rất đau đớn ạ. - Isabelle nhếch mép cười bướng bỉnh. - Nhưng em đã mất cả mẹ lẫn cha, đúng không cô? Một người qua đời, người kia quay lưng với em. Không biết sự mất mát nào đau đớn hơn.
- Chúa ơi, Isabelle, em có cần phải lúc nào cũng nói ra mọi suy nghĩ trong đầu như vậy không?
Isabelle đã nghe mãi lời chỉ trích này, nhưng tại sao nàng phải giữ mồm giữ miệng kia chứ? Có nói thế nào thì cũng chẳng ai buồn lắng nghe nàng kia mà.
- Như vậy em sẽ rời trường hôm nay. Tôi sẽ đánh điện cho cha em. Tómas sẽ đưa em ra ga.
- Đêm nay ạ? - Isabelle chớp mắt. - Nhưng... cha em sẽ không muốn đón nhận em.
- À. Các hậu quả, - bà hiệu trưởng đáp. - Có lẽ bây giờ em đã hiểu đó là điều mình nên nghĩ đến.
+++++
Isabelle lại ngồi một mình trên tàu hỏa, đi đến một nơi chưa biết sẽ tiếp nhận mình ra sao. Qua lớp kính cửa sổ bẩn thỉu đầy vết ố, nàng nhìn phong cảnh loang loáng trôi qua: những cánh đồng cỏ, mái ngói đỏ, những ngôi nhà bằng đá, những cây cầu xám, lũ ngựa...
Mọi thứ trông vẫn y nguyên như trước, một điều khiến Isabelle ngạc nhiên. Chiến tranh đang đến gần, nàng những tưởng nó sẽ để lại dấu vết trên mọi thứ theo cách nào đó, thay đổi màu cỏ, làm chết cây cối hoặc xua đuổi lũ chim chẳng hạn. Nhưng hiện tại, trong lúc đang ngồi trên đoàn tàu xình xịch chạy vào Paris, nàng nhận thấy mọi thứ trông vẫn hoàn toàn bình thường.
Tại ga Lyon rộng lớn, đoàn tàu rít lên, phun phì phì rồi dừng lại. Nàng cúi xuống chiếc va li nhỏ dưới chân và kéo nó đặt lên lòng. Trong khi quan sát các hành khách vội vã rời toa tàu, câu hỏi mà Isabelle vẫn né tránh bỗng xuất hiện trở lại trong đầu nàng.
Cha nàng.
Isabelle muốn tin ông sẽ đón chào nàng về nhà, và rốt cuộc ông sẽ chìa tay ra gọi tên con gái một cách đầy yêu thương, giống như Trước Kia, khi mẹ còn là chất keo gắn kết họ với nhau. Isabelle nhìn xuống chiếc va li mòn vẹt của mình.
Nhỏ quá.
Hầu hết những học sinh nữ cùng trường với nàng đều mang theo cả bộ rương hòm bọc da và gắn đinh tán bằng đồng. Bọn họ có tranh ảnh trên bàn học, đồ lưu niệm trên bàn đầu giường và các album ảnh trong ngăn kéo.
Về phần mình, Isabelle chỉ có một tấm ảnh đóng khung của một người phụ nữ mà nàng muốn nhớ nhưng lại không thể. Những khi cố gắng, tất cả những gì hiện lên trong đầu nàng là hình ảnh nhạt nhòa của những người đang khóc, ông bác sĩ lắc đầu và mẹ nói gì đó về việc nắm tay chị gái nàng thật chặt.
Như thể điều đó có ích. Vianne cũng nhanh chóng bỏ rơi Isabelle hệt như cha nàng đã làm.
Isabelle nhận ra toa tàu chỉ còn một mình nàng. Nắm chặt chiếc va li trong bàn tay đeo găng, nàng rụt rè rời khỏi chỗ ngồi và xuống tàu.
Sân ga đầy kín người. Những đoàn tàu rùng rùng xếp hàng, khói than vương đầy trong không khí, cuộn bốc lên vòm trần cao tít. Một hồi còi rít lên đâu đó. Những cái bánh xe bằng sắt bắt đầu khua động. Sân ga rung lên dưới chân Isabelle.
Cha nàng kia, nổi bật giữa đám đông.
Khi ông nhận ra con gái, Isabelle trông thấy sự khó chịu làm thay đổi nét mặt của ông, biến nó thành một khuôn mặt sắt đá.
Ông là một người cao, ít nhất cũng phải một mét chín mươi, nhưng Thế chiến I đã làm ông trở nên lom khom. Hay chí ít đó cũng là điều mà người ta nói, theo trí nhớ của Isabelle. Đôi vai rộng của ông xuôi hẳn xuống, như thể với tất cả những thứ trong đầu mình ông chẳng còn bận tâm đến tư thế nữa. Mái tóc thưa của ông bạc phơ và rối bù. Mũi ông rộng và phẳng, nom như một cái bay, còn đôi môi thì mỏng như lá lúa. Vào một ngày hè nóng nực như hôm nay, ông mặc chiếc áo sơ mi trắng nhàu nhĩ, hai ống tay áo xắn lên. Chiếc cà vạt thắt hờ hững trên cái cổ áo sờn rách, trong khi cái quần nhung kẻ của ông rõ ràng cần phải được giặt.
Isabelle cố tỏ ra người lớn. Có thể đó là điều cha nàng muốn ở nàng.
- Isabelle.
Nàng dùng cả hai bàn tay nắm chặt quai xách của chiếc va li.
- Ba..
- Lại bị đuổi?
Nàng gật đầu, khó nhọc nuốt khan.
- Thời buổi này làm sao chúng ta tìm được một ngôi trường khác đây?
Được lời như cởi tấm lòng, Isabelle nói luôn:
- Con muốn ở với ba.
- Với ba á?
Cha nàng có vẻ khó chịu và ngạc nhiên. Nhưng một cô gái muốn ở với cha ruột của mình thì có gì là bất thường kia chứ? Isabelle tiến thêm một bước tới gần cha mình.
- Con có thể làm việc trong hiệu sách. Con sẽ không quẩn chân ba đâu.
Isabelle hít một hơi, chờ đợi. Mọi âm thanh đột nhiên lớn hẳn lên. Nàng nghe thấy tiếng người ta đi lại, sân ga rền rĩ dưới chân, bồ câu đập cánh trên đầu và một đứa bé khóc oe oe.
Tất nhiên rồi, Isabelle.
Về nhà thôi.
Cha nàng thở dài ngán ngẩm rồi quay gót.
- Này, - ông ngoảnh lại gọi, - con có đi không đấy?
+++++
Isabelle nằm trên tấm chăn trải lên lớp cỏ có mùi ngòn ngọt, một quyển sách mở toang trước mặt. Ở đâu đấy gần bên nàng, một con ong bay vù vù trên một bông hoa, tựa như một chiếc xe mô tô nhỏ xíu giữa khung cảnh yên tĩnh. Hôm nay là một ngày nóng rộp da, đúng một tuần sau ngày nàng về Paris. Không phải về nhà. Isabelle biết cha mình vẫn đang tìm cách tống khứ con gái đi, nhưng nàng không muốn nghĩ đến chuyện đó vào một ngày rực rỡ như thế này, giữa một không gian đượm mùi anh đào và cỏ xanh tươi.
- Em đọc nhiều quá đấy. - Christophe lên tiếng, miệng nhai nhai một nhánh cỏ. - Sách gì thế? Tiểu thuyết diễm tình à?
Isabelle đóng sách lại, lăn người về phía anh. Đó là một cuốn sách về Edith Cavell* , một y tá thời Thế chiến I. Một nữ anh hùng.
Edith Cavell (1865-1915): Nữ y tá người Anh. Trong Thế chiến I, bà đã cho 200 lính Anh, Pháp và Bỉ ẩn náu trong nhà và giúp họ trốn thoát. Bà bị quân Đức xử bắn ngày 12 tháng Mười năm 1915. Vụ xử tử đã gây nên làn sóng phẫn nộ rộng rãi. (Các chú thích của người dịch).
- Em cũng có thể làm một nữ anh hùng thời chiến đấy, Christophe.
Anh bật cười.
- Một cô gái ư? Anh hùng? Vớ vẩn.
Isabelle nhanh chóng đứng dậy, giật phắt mũ và đôi găng tay trắng ra.
- Đừng có giận anh. - Christophe nhăn nhở cười. - Anh mệt mỏi vì câu chuyện chiến tranh này rồi. Và sự thực là phụ nữ vô dụng trong chiến tranh. Công việc của bọn em là chờ đợi bọn anh quay trở về.
Christophe chống một tay vào má, mắt ngước lên nhìn Isabelle qua lọn tóc vàng lòa xòa che mắt. Trong chiếc áo kiểu thủy thủ và quần trắng ống rộng, anh đúng là anh, một sinh viên “có điều kiện”, không quen động tay động chân vào bất cứ công việc gì. Nhiều sinh viên cùng tuổi anh đã tình nguyện rời giảng đường để nhập ngũ. Christophe thì không.
Isabelle leo lên dốc, băng qua vườn cây tới mỏm đồi cỏ nơi chiếc Panhard mui trần của Christophe đang đậu.
Nàng đã ngồi sau tay lái và nổ máy giòn giã khi anh xuất hiện, khuôn mặt đẹp trai theo kiểu chuẩn mực lấp lánh mồ hôi, trên tay vắt vẻo chiếc làn đựng đồ picnic trống rỗng.
- Anh bỏ cái đó ra sau xe đi. - Nàng nói với một nụ cười tươi tắn.
- Ai cho em lái?
- Em đấy. Anh lên xe đi.
- Xe của anh mà, Isabelle.
- Này, chính xác mà nói, và em biết sự thật quan trọng như thế nào với anh, Christophe, đây là xe của mẹ anh. Em trộm nghĩ xe của phụ nữ thì nên để con gái cầm lái.
Isabelle cố gắng không mỉm cười khi anh đảo mắt và lẩm bẩm “tốt thôi” trong khi chồm người cất cái làn ra phía sau ghế lái. Sau đó, thật chậm rãi để làm tăng hiệu quả, anh bước vòng qua phía trước xe và ngồi vào chiếc ghế bên cạnh nàng.
Anh chỉ vừa dập cửa là nàng liền cài số và đạp ga. Chiếc xe lừng khừng một giây, rồi lao tới, phả khói bụi trong lúc tăng dần tốc độ.
- Chúa ơi, Isabelle. Chậm thôi!
Nàng dùng một tay giữ chiếc mũ rơm đang đập phần phật, tay kia nắm chặt vô lăng, chỉ hơi giảm tốc độ một chút khi vượt mặt những tài xế khác.
- Chúa ơi, chậm thôi. - Christophe lại nói.
Rõ ràng anh phải hiểu là nàng không hề có ý định vâng lời anh.
- Ngày nay một phụ nữ có thể ra trận. - Isabelle nói khi rốt cuộc lưu lượng giao thông ở Paris cũng buộc nàng phải lái chậm lại. - Em có thể làm một tài xế xe cứu thương chẳng hạn. Hoặc em có thể tham gia giải các thông điệp mã hóa. Hoặc quyến rũ kẻ thù để moi thông tin về một địa điểm hoặc một kế hoạch bí mật nào đó. Anh nên nhớ là trò chơi...
- Chiến tranh không phải trò chơi, Isabelle.
- Em biết chứ, Christophe. Nhưng nếu nó nổ ra thật, em có thể có ích. Ý em là thế.
Trên phố Đô đốc Coligny, nàng buộc phải đạp phanh để tránh đâm vào một chiếc xe tải. Một đoàn xe của Nhà hát Quốc gia đang kéo ra khỏi bảo tàng Louvre. Thật vậy, xe tải ở khắp nơi và nhiều hiến binh mặc đồng phục đang điều khiển giao thông. Những bao cát đã được chất đống quanh một số tòa nhà và tượng đài để bảo vệ trước sự tấn công chưa hề xảy ra kể từ khi nước Pháp tham chiến.
Tại sao lại có nhiều cảnh sát Pháp trên đường phố như thế nhỉ?
- Lạ thật. - Isabelle nhíu mày lẩm bẩm.
Christophe vươn cổ quan sát chuyện đang xảy ra.
- Họ đang đưa các cổ vật ra khỏi Louvre. - Anh nói.
Quan sát thấy một khoảng gián đoạn của dòng xe cộ, Isabelle tăng tốc. Chẳng bao lâu sau, nàng đã dừng xe trước cửa hiệu sách của cha.
Isabelle vẫy tay chào Christophe và bước vào trong cửa hiệu. Nó vừa dài vừa hẹp, sách chất chồng từ dưới đất lên tận trần nhà. Qua năm tháng, cha nàng đã cố gắng gia tăng quy mô trữ sách bằng cách làm những giá sách tự đứng. Kết quả của “sự cải thiện” đó là một mê cung được hình thành. Các chồng sách tạo ra những lối đi lắt léo, càng vào trong càng sâu hun hút. Ở cuối cửa hiệu là sách du lịch. Một số chồng sách được chiếu sáng, số khác nằm trong bóng tối. Không có đủ ổ cắm điện để lắp đèn cho mọi ngóc ngách và xó xỉnh. Nhưng cha nàng thuộc lòng mọi tựa sách nằm trên các kệ.
- Muộn thế! - Ông cất tiếng, ngước mắt lên khỏi bàn làm việc ở phía sau cửa hiệu. Ông đang làm gì đó với cái máy in, chắc là để in mấy quyển thơ chẳng ai thèm mua của ông. Những ngón tay bè bè của ông dính đầy mực xanh. - Chắc bọn con trai quan trọng với con hơn là công việc.
Isabelle ngồi vào chiếc ghế đẩu phía sau quầy tính tiền. Sau một tuần sống cùng với cha, nàng đã quyết định không cãi lại ông, dù trong bụng không đồng tình. Nàng sốt ruột nhịp nhịp chân. Những từ ngữ, câu chữ - những lời bào chữa - chỉ chực bùng ra. Thật khó mà không nói với ông những suy nghĩ của nàng, nhưng Isabelle biết ông muốn nàng cuốn xéo nhiều đến mức nào, nên đành ngậm miệng lại.
- Con có nghe thấy không đấy? - Một lúc sau cha nàng lên tiếng.
Không lẽ nàng ngủ gục?
Isabelle ngồi thẳng dậy. Nàng không nghe thấy tiếng cha mình bước lại gần, nhưng hiện tại ông đang đứng ngay bên cạnh, lông mày nhíu lại.
Có một âm thanh khác lạ trong cửa hiệu, chắc chắn rồi. Bụi đang rơi xuống từ trên trần, các giá sách khẽ rung lên tạo ra tiếng động như những hàm răng va vào nhau. Những cái bóng lướt qua tủ kính bày sách ở lối vào cửa hiệu. Hàng trăm cái bóng như thế.
Người ư? Người đâu mà nhiều thế?
Cha nàng bước ra cửa. Isabelle leo xuống khỏi ghế và đi theo ông. Khi ông mở cửa, nàng nhìn thấy cả một đám đông đang chạy trên phố, đặc kín vỉa hè.
- Chuyện quái gì thế này? - Cha nàng lẩm bẩm.
Isabelle đẩy ông qua một bên và tiến đến gần đám đông.
Một người đàn ông va vào Isabelle mạnh đến nỗi làm nàng loạng choạng. Ông ta thậm chí không buồn xin lỗi. Thêm nhiều người nữa lao qua chỗ hai cha con.
- Có chuyện gì thế? Chuyện gì đang diễn ra vậy? - Isabelle hỏi một người đàn ông mặt đỏ gay, miệng thở khò khè đang cố gắng thoát ra khỏi đám đông.
- Quân Đức đang tiến vào Paris. - Ông ta nói. - Chúng ta phải đi. Tôi đã từng tham gia Thế chiến I. Tôi biết...
Isabelle cười khẩy.
- Quân Đức ở Paris á? Không thể có chuyện đó.
Người đàn ông bỏ chạy, luồn lách qua trái rồi qua phải, hai nắm tay hết co vào lại duỗi ra.
- Chúng ta phải về nhà thôi. - Cha nàng lên tiếng và khóa cửa hiệu sách lại.
- Đó không thể là sự thật. - Isabelle nói.
- Điều tệ hại nhất vẫn luôn có thể là sự thật. - Cha nàng rầu rĩ đáp. - Đi sát vào ba nhé.
Nói đoạn ông hòa mình vào đám đông.
Isabelle chưa bao giờ chứng kiến một sự hoảng loạn như thế. Ngược xuôi trên phố, các bóng đèn bật sáng, xe ô tô nổ máy, các cánh cửa nhà đóng sập lại. Mọi người thét gọi nhau, cố gắng không để lạc mất nhau giữa đám đông lộn xộn.
Isabelle bám sát cha mình. Sự hỗn loạn trên phố làm hai cha con đi chậm lại. Các tuyến xe điện ngầm quá đông đúc nên họ phải đi bộ. Rốt cuộc, lúc trời gần tối hẳn hai cha con cũng về đến nhà. Cha của Isabelle phải thử hai lần mới mở được cổng của tòa nhà có căn hộ mà họ đang sống. Bàn tay ông run rẩy dữ dội. Khi vào đến bên trong, họ không buồn dùng chiếc thang máy ọp ẹp mà vội vã leo năm tầng lầu để lên nhà.
- Đừng bật đèn. - Cha của Isabelle vội nói ngay khi mở cửa căn hộ.
Nàng theo cha vào phòng khách và nhanh chân tiến đến cửa sổ, vén tấm che nhìn ra ngoài.
Từ phía xa vọng lại một âm thanh rì rầm. Khi nó lớn dần lên, khung cửa sổ kêu lạch cạch như viên đá bị lắc trong cái cốc.
Isabelle nghe thấy tiếng xé gió chỉ vài giây trước khi nhìn thấy một nhóm các vật thể đen trùi trũi trên bầu trời, như những con chim bay thành đàn.
Máy bay.
- Bọn Đức. - Cha nàng thì thào.
Những chiếc máy bay Đức bay qua Paris. Âm thanh rú rít tăng lên, trở thành giống như tiếng ré của phụ nữ, thế rồi ở đâu đó, chắc là khu quận Hai, một quả bom phát nổ tạo ra một quầng sáng rực lạ lùng, và lửa bốc lên.
Còi báo động réo vang. Cha của Isabelle vội đóng các màn che lại và đưa nàng ra khỏi căn hộ, xuống cầu thang. Hàng xóm của họ cũng đang làm điều tương tự. Mọi người mang theo áo khoác, trẻ nhỏ và thú cưng xuống sảnh, sau đó theo những bậc thang hẹp, quanh co bằng đá xuống tầng hầm. Trong bóng tối, họ ngồi bên nhau, túm tụm lại. Không khí đặc quánh mùi ẩm mốc, hơi người và nỗi sợ hãi - đó là thứ mùi rõ nét nhất. Cuộc ném bom tiếp tục diễn ra cùng những tiếng rít và rì rầm. Vách hầm rung chuyển xung quanh họ, bụi rơi lả tả từ trên trần. Một đứa bé bắt đầu khóc không dỗ được.
- Làm ơn dỗ cho nó nín đi. - Ai đó gắt lên.
- Tôi đang cố đây, thưa ông. Nó sợ.
- Ai mà chẳng sợ!
Sau một khoảng thời gian dài như vô tận, im lặng bao trùm lấy họ. Nó còn tệ hơn cả tiếng động. Paris còn lại những gì?
Khi mọi chuyện đã ổn, Isabelle cảm thấy toàn thân tê liệt.
- Isabelle?
Nàng muốn cha vươn tay ra nắm lấy tay mình và dỗ dành, cho dù chỉ trong thoáng chốc, nhưng ông đã quay đi và leo lên cầu thang tăm tối của căn hầm. Khi trở lại căn hộ của họ, Isabelle lập tức tiến đến bên cửa sổ, nhìn qua tấm màn che tìm kiếm tháp Eiffel. Nó vẫn còn đó, vươn cao trên một dám khói đen dày đặc.
- Đừng có đứng cạnh cửa sổ. - Cha nàng lên tiếng.
Isabelle chậm rãi quay đi. Ánh sáng duy nhất trong phòng phát ra từ chiếc đèn pin của ông, một vệt sáng vàng vọt trong bóng tối.
- Paris sẽ không gục ngã. - Nàng nói.
Cha nàng không đáp. Ông chỉ nhíu mày. Isabelle tự hỏi liệu có phải ông đang nhớ về Thế chiến I và những gì mình chứng kiến trên các chiến hào. Có lẽ vết thương của ông cũng đang nhói đau, đồng điệu với tiếng bom rơi lửa cháy.
- Đi ngủ đi, Isabelle.
- Sao con có thể ngủ được giữa lúc như thế này?
Cha nàng thở dài.
- Rồi con sẽ học được, nhiều chuyện có thể xảy ra lắm con à.