Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 05
9
Vianne đóng cửa phòng ngủ và tựa người vào đó, cố gắng trấn tĩnh lại. Chị có thể nghe thấy tiếng Isabelle tức tối rảo bước trong phòng khiến ván sàn rung bần bật. Vianne đã đứng đó bao lâu để kiểm soát tâm trí mình? Tưởng như cả giờ đồng hồ đã trôi qua trong khi chị vật lộn với nỗi sợ hãi của bản thân.
Những lúc bình thường, có lẽ chị đã tìm được đủ sức mạnh để nói chuyện phải trái với Isabelle, kể lại một số chuyện từ lâu không được nhắc tới. Để nói với Isabelle mình cảm thấy có lỗi thế nào khi đã cư xử không tốt với em gái. Và làm cho Isabelle hiểu mình.
Sau cái chết của mẹ, Vianne đã rất tuyệt vọng. Khi ba gửi hai chị em tới sống ở cái thành phố nhỏ xíu này, dưới con mắt lạnh lùng nghiêm khắc của một người phụ nữ không có tình thương, Vianne đã trở nên vô cùng chán nản.
Nếu vào một lúc khác, có lẽ chị đã chia sẻ với Isabelle về những điểm chung của hai chị em, về sự gục ngã của chị sau khi mẹ mất, và hành động phủi tay của ba đã làm chị tan nát cõi lòng như thế nào. Hoặc là cách ông đối xử với chị hồi năm mười sáu tuổi, khi chị xuất hiện với cái thai trong bụng và tình yêu trong tim... để rồi chị nhận được một cái tát nổ đom đóm mắt và bị gọi là nỗi ô nhục. Lúc đó Antoine đã xô mạnh ba ra và nói:
- Tôi sẽ cưới cô ấy.
Còn ba thì đáp:
- Tốt thôi, nó là của anh. Anh có thể lấy cái nhà. Nhưng anh cũng phải nhận cả đứa em gái lắm mồm của nó nữa.
Vianne nhắm mắt lại. Chị ghét phải nghĩ tới tất cả những chuyện đó. Đã nhiều năm qua chị gần như quên bẵng chúng. Giờ thì làm sao chị có thể gạt nó sang một bên được đây? Chị đã cư xử với Isabelle y hệt như cách mà cha đã làm với hai chị em. Đó là sự tiếc nuối lớn nhất trong đời Vianne.
Nhưng giờ không phải là lúc để sửa chữa điều đó.
Bây giờ, chị phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ sự an toàn của Sophie cho đến khi Antoine quay về. Chỉ cần làm cho Isabelle hiểu điều đó.
Thở dài đánh sượt, chị xuống gác để kiểm tra bữa tối.
Lúc vào trong bếp, Vianne phát hiện ra món xúp khoai tây sôi hơi mạnh quá, nên chị mở vung và giảm bớt lửa.
- Chị có lạc quan chứ?
Vianne nhăn mặt khi nghe thấy giọng nói của anh ta. Đại úy Beck đã vào đây từ lúc nào? Chị hít một hơi và vuốt lại mái tóc. Tiếng Pháp của anh ta thật tệ.
- Cảm ơn anh.
- Mùi thơm quá. - Đại úy Beck nói và tiến đến sau lưng Vianne.
Chị đặt cái muôi gỗ xuống bên cạnh bếp lò.
- Tôi xem chị đang nấu gì được không?
- Tất nhiên rồi. - Chị đáp. Cả hai người đều làm ra vẻ như ý muốn của chị rất quan trọng. - Đây là món xúp khoai tây.
- Vợ tôi, thật đáng tiếc, lại không biết nấu ăn.
Lúc này Đại úy Beck đã đứng ngay bên cạnh chị, ở chỗ mà Antoine hay đứng. Một người đàn ông háu đói đang nhòm ngó bữa tối.
- Anh đã có gia đình. - Tự dưng chị cảm thấy yên tâm bởi thông tin này.
- Và chúng tôi sắp có em bé. Chúng tôi dự định sẽ đặt tên cho thằng bé là Wilhelm. Nhưng tôi sẽ không thể có mặt khi con tôi chào đời, và lẽ tất nhiên, quyền quyết định chuyện đó chắc chắn sẽ thuộc về mẹ cháu.
Đó là một chuyện rất... con người. Bất giác Vianne quay người nhìn Đại úy. Anh ta cao ngang chị, và điều này khiến chị bối rối. Việc nhìn thẳng vào đôi mắt của anh ta làm chị trở nên yếu đuối.
- Ơn Chúa, tất cả chúng tôi rồi sẽ sớm quay về nhà. - Đại úy Beck nói.
Anh ta cũng muốn cuộc chiến này kết thúc. Vianne nhẹ cả người.
- Đã đến giờ ăn tối. Đại úy, anh có muốn cùng ăn với chúng tôi không?
- Tôi rất hân hạnh. Mặc dù chị sẽ hài lòng khi biết hầu hết các buổi tối tôi sẽ làm việc muộn và ăn cùng các sĩ quan. Tôi cũng sẽ thường xuyên đi chiến dịch. Chị sẽ ít khi nhận thấy sự hiện diện của tôi.
Vianne bỏ lại anh ta trong bếp và mang dao nĩa sang phòng ăn. Suýt nữa chị đâm sầm vào Isabelle.
- Chị không nên ở một mình với anh ta. - Isabelle rít lên.
Tay Đại úy bước vào phòng ăn.
- Cô đừng nghĩ tôi đáp lại lòng hiếu khách của chị em cô bằng cách gây rắc rối chứ. Như tối nay chẳng hạn. Tôi mang cho chị em cô chai rượu. Một chai Sancerre ngon tuyệt.
- Anh mang rượu cho chúng tôi. - Isabelle nói.
- Như mọi người khách đàng hoàng vẫn làm. - Đại úy Beck đáp.
Không được rồi, Vianne nghĩ bụng. Nhưng chị không thể làm gì để bịt miệng Isabelle được.
- Anh biết chuyện ở Tours chứ, Đại úy? - Isabelle hỏi. - Làm thế nào những chiếc Stuka của các anh lại đi nã đạn vào đám đàn bà con trẻ đang chạy nạn và thả bom xuống đầu chúng tôi?
- Chúng tôi? - Gương mặt của Đại úy thoáng trầm tư.
- Tôi đã ở đó. Anh có thể thấy những vết thương trên mặt tôi.
- À. - Anh ta đáp. - Chắc là do sơ suất.
Isabelle cứng người. Ánh mắt xanh của nàng đối nghịch với màu đỏ của vết thương và các vết bầm trên làn da trắng tái.
- Sơ suất?
- Hãy nghĩ đến Sophie. - Vianne nói bâng quơ.
Isabelle nghiến răng, rồi biến nó thành một nụ cười giả tạo.
- Đại úy Beck, để tôi chỉ cho anh chỗ ngồi.
Vianne hít một hơi thoải mái đầu tiên sau cả giờ đồng hồ. Thế rồi, chậm rãi, chị quay vào trong bếp để lấy thức ăn ra đĩa.
+++++
Vianne im lặng dọn bữa tối. Không khí tại bàn ăn nặng nề như đeo đá bao trùm lên tất cả mọi người. Thần kinh Vianne căng thẳng tựa như sắp đứt. Bên ngoài, mặt trời bắt đầu lặn, ráng chiều màu hồng tràn qua các ô cửa sổ.
- Cô có muốn một chút rượu vang không, thưa cô? - Beck nói với Isabelle trong khi tự rót cho mình một ly Sancerre.
- Nếu như những gia đình Pháp bình thường không thể có điều kiện uống nó, thì Đại úy này, làm sao tôi có thể thưởng thức nó được?
- Một ngụm chắc cũng đâu có...
Isabelle ăn nốt chỗ xúp của mình và đứng lên.
- Tôi xin lỗi. Tôi thấy bụng dạ không ổn.
- Cháu cũng vậy. - Sophie lên tiếng. Con bé đứng dậy và theo chân dì rời phòng, tựa như một chú cún con đi theo con chó đầu đàn, đầu cúi xuống.
Vianne ngồi bất động, thìa xúp lơ lửng trên cái bát. Hai dì cháu đã bỏ chị lại một mình với tay Đại úy người Đức.
Những hơi thở run rẩy trong lồng ngực chị. Vianne cẩn thận đặt chiếc thìa xuống và dùng khăn ăn chấm miệng.
- Xin anh thứ lỗi cho em gái tôi, Đại úy. Nó là đứa bốc đồng và ương bướng.
- Con gái lớn của tôi cũng giống như thế. Chúng tôi đang sợ nó càng tệ hơn khi lớn thêm chút nữa.
Vianne ngạc nhiên đến nỗi chị quay đầu nhìn Đại úy.
- Anh có một đứa con gái à?
- Gisela. - Đại úy Beck đáp, miệng nhoẻn cười. - Con bé sáu tuổi rồi, nhưng mẹ nó không tài nào dạy cho nó làm được những việc đơn giản nhất, như đánh răng chẳng hạn. Gisela thích chơi trò xây pháo đài hơn là đọc sách. - Anh ta thở dài và mỉm cười.
Vianne cảm thấy bối rối khi biết được điều này. Chị cố nghĩ ra một câu trả lời, nhưng đầu óc chị quá căng thẳng. Chị cầm thìa lên và ăn tiếp.
Bữa tối dường như kéo dài vô tận, trong sự im lặng làm chị suy sụp. Ngay khi anh ta ăn xong và nói lời cảm ơn, chị lập tức đứng dậy và bắt đầu dọn dẹp.
May mắn là Đại úy Beck không đi theo chị vào bếp. Anh ta ngồi lại trong phòng ăn, tiếp tục uống chai rượu đã mang đến. Thứ rượu mà chị biết nồng đượm mùi vị của mùa thu - mùi lê và táo.
+++++
Lúc chị rửa sạch, lau khô bát đĩa rồi cất đi thì trời đã tối hẳn. Vianne bước ra khoảng sân trước tìm một khoảnh khắc bình yên dưới bầu trời sao. Trên tường rào, một bóng đen di chuyển. Có lẽ đó là một con mèo.
Phía sau lưng mình, chị nghe thấy tiếng chân, tiếp đến là tiếng quẹt diêm và mùi lưu huỳnh bốc lên.
Chị nhẹ nhàng lui lại một bước, chủ ý náu mình vào trong bóng tối. Nếu di chuyển đủ khẽ, chị có thể quay vào bằng cửa bên hông mà không làm anh ta chú ý. Chị giẫm phải một cái cành con, nghe thấy nó gãy rắc dưới gót giày, và cứng người.
Anh ta bước ra từ vườn cây ăn quả.
- Vậy ra chị cũng thích ngắm sao. Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy.
Vianne e ngại không dám di chuyển.
Đại úy Beck thu hẹp khoảng cách giữa hai người. Anh ta dừng lại bên cạnh Vianne, như thể chỗ của mình là ở đó, rồi đưa mắt quan sát vườn cây của chị.
- Làm sao có thể tưởng tượng được đang có một cuộc chiến tranh ở ngoài kia.
Vianne nghe thấy nỗi buồn trong giọng anh ta. Nó nhắc cho chị nhớ cả hai người đều giống nhau ở một điểm: họ đều phải xa người mà mình yêu thương.
- Người... chỉ huy trưởng của anh... Ông ta nói tất cả tù binh chiến tranh sẽ bị giữ lại Đức. Như vậy nghĩa là sao? Những người lính của chúng tôi ấy? Rõ ràng các anh đâu có bắt hết tất cả bọn họ?
- Tôi cũng không biết nữa. Một số sẽ quay trở về. Nhưng với nhiều người thì không.
- Ồ, tưởng đâu là một khoảnh khắc dễ thương giữa hai người bạn mới quen. - Isabelle chợt lên tiếng với chất giọng sắc như dao.
Vianne giật mình, kinh hoàng trước việc chị bị bắt gặp đứng ngoài này với một người Đức. Một kẻ thù. Một người đàn ông.
Isabelle đứng dưới ánh trăng, trên người là bộ trang phục màu caramel. Một tay nàng xách va li, tay kia cầm một trong những chiếc mũ rộng vành tốt nhất của chị gái.
- Em lấy mũ của chị. - Vianne thốt lên.
- Có thể em sẽ phải đợi tàu. Mặt em vẫn còn đang lên da non sau những vết thương của quân phát xít. - Isabelle mỉm cười với Beck. Đó không phải là một nụ cười đúng nghĩa.
Beck nghiêng đầu.
- Hai chị em rõ ràng đang cần trao đổi với nhau. Tôi xin phép.
Với một cái gật đầu nhanh gọn, anh ta quay vào trong nhà, khép cửa lại sau lưng.
- Em không thể ở lại đây. - Isabelle lên tiếng.
- Em hoàn toàn có thể.
- Em không có nhu cầu làm bạn với kẻ thù, V.
- Chết tiệt, Isabelle. Sao em dám...
Isabelle tiến lại gần hơn.
- Em sẽ gây nguy hiểm cho chị và Sophie. Không sớm thì muộn. Chị vẫn biết điều đó mà. Chị đã nói em cần phải bảo vệ Sophie. Đây là cách duy nhất để bảo vệ con bé. Em cảm thấy như sẽ nổ tung lên mất nếu em ở lại.
Cơn giận của Vianne tan biến. Không có nó, chị cảm thấy mệt mỏi một cách kỳ lạ. Giữa hai chị em vẫn luôn tồn tại một khác biệt cơ bản. Vianne là người theo khuôn phép, còn Isabelle nổi loạn. Ngay cả hồi còn bé, lúc gặp chuyện buồn, cách bộc lộ cảm xúc của hai người cũng khác nhau. Vianne rơi vào im lặng sau khi mẹ mất, cố làm ra vẻ như không bị tổn thương khi bị cha bỏ rơi, trong khi Isabelle đùng đùng giận dỗi, bỏ nhà đi và đòi được chú ý. Mẹ đã thề là hai chị em rồi sẽ trở thành bạn thân của nhau. Sự tiên đoán của mẹ chưa bao giờ xa sự thật hơn thế.
Căn cứ theo điều đó, ngay lúc này thì Isabelle nói đúng. Vianne sẽ luôn lo lắng trước những gì cô em gái nói hoặc cư xử với tay Đại úy, và thật sự chị không đủ sức lực cho chuyện đó.
- Em sẽ đi bằng gì? Em đi đâu?
- Tàu hỏa. Đi Paris. Em sẽ đánh điện cho chị khi đến nơi an toàn.
- Cẩn thận đấy. Đừng làm chuyện gì ngu ngốc.
- Em á? Chị thừa biết em còn gì.
Vianne ôm em gái thật chặt rồi để Isabelle ra đi.
+++++
Con đường dẫn vào thành phố tối đến nỗi Isabelle không thể nhìn thấy bàn chân của mình. Mọi thứ chìm trong một sự im lặng khác thường, căng thẳng như nín thở, cho đến khi nàng đến được sân bay. Tại đây, nàng nghe thấy tiếng ủng nện rầm rập trên đất cứng, tiếng mô tô và xe tải chạy dọc theo những cuộn dây thép gai được chăng để bảo vệ kho đạn.
Từ đâu đó, một chiếc xe tải bỗng xuất hiện, đèn pha tắt, lao ầm ầm trên con đường. Isabelle vội vàng nhảy xuống rãnh để tránh chiếc xe.
Tại thành phố, việc đi lại cũng chẳng dễ dàng hơn, với những cửa hiệu đóng chặt, đèn đường tắt và cửa sổ bị che kín. Không khí im lặng thật kỳ quái và căng thẳng. Tiếng chân bước của nàng dường như quá lớn. Với mỗi bước đi, nàng nhận ra lệnh giới nghiêm đang có hiệu lực và mình đang vi phạm nó.
Isabelle đi vào một con phố, mò mẫm bước trên vỉa hè gồ ghề. Đầu ngón tay nàng lướt qua các mặt tiền cửa hiệu để dò đường. Mỗi khi nghe thấy tiếng người, nàng dừng lại, nấp vào trong bóng tối cho đến khi mọi thứ yên ắng trở lại. Tưởng chừng như một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua khi rốt cuộc nàng cũng tới được ga tàu hỏa ở rìa của thành phố.
- Đứng lại!
Isabelle nghe thấy một giọng nói hô vang đúng lúc bị một ngọn đèn rọi chiếu luồng sáng trắng vào người. Nàng ngồi thụp xuống.
Một tên lính Đức tiến lại gần nàng, súng quàng vai.
- Chỉ là một cô gái! - Anh ta kêu lên và bước lại gần hơn. - Cô không biết đã có lệnh giới nghiêm hả?
Nàng chậm rãi đứng dậy, đối mặt tên lính Đức với một sự can đảm khác thường.
- Tôi biết chúng tôi không được phép ra ngoài vào giờ muộn như thế này. Nhưng đây là trường hợp khẩn cấp. Tôi cần phải đi Paris. Cha tôi bị ốm.
- Thẻ căn cước của cô đâu?
- Tôi không có.
Tên lính Đức gỡ súng khỏi vai, cầm lăm lăm trong tay.
- Không có thẻ căn cước thì không được đi.
- Nhưng...
- Về nhà đi, cô gái, trước khi gặp rắc rối.
- Nhưng...
- Về nhà ngay, trước khi tôi báo động.
Isabelle gào thét tức tối trong lòng. Nàng phải nỗ lực ghê gớm để quay gót bỏ đi mà không nói gì nữa. Trên đường về nhà, nàng thậm chí không thèm đi trong bóng tối. Nàng mặc sức thể hiện sự chống đối lệnh giới nghiêm, thách thức họ chặn mình một lần nữa. Một phần trong nàng chỉ muốn bị bắt gặp để có thể thoải mái gào thét những từ ngữ thóa mạ đang chất chứa trong đầu.
Đây không thể là cuộc sống của nàng. Mắc kẹt trong một ngôi nhà với một tên Đức Quốc xã, tại một thành phố đã đầu hàng quân thù không chút kháng cự. Vianne không phải là người duy nhất muốn vờ như nước Pháp không đầu hàng và chưa bị xâm lược. Trong thành phố, những người chủ cửa hàng, chủ quán rượu tươi cười với lính Đức, rót champagne và bán cho bọn họ những miếng thịt ngon nhất. Dân làng, chủ yếu là nông dân, chỉ nhún vai và tiếp tục sống cuộc sống của mình, ừ thì họ cũng lầm bầm phản đối, lắc đầu và chỉ đường lung tung cho người Đức khi được hỏi, nhưng ngoài những trò phản kháng vặt vãnh ấy thì họ chẳng làm gì khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đám lính Đức tỏ ra cực kỳ ngạo mạn. Chúng đã chiếm được thành phố này mà không tốn giọt mồ hôi nào. Tệ nhất là bọn chúng đã làm điều tương tự với toàn bộ đất nước Pháp.
Nhưng Isabelle không thể quên được những gì mình đã nhìn thấy trên cánh đồng ở gần Tours.
Khi về đến nhà, Isabelle trèo lên gác, vào phòng ngủ từng là của nàng khi còn bé, rồi đóng sầm cánh cửa sau lưng. Vài phút sau đó, nàng ngửi thấy mùi thuốc lá. Nó khiến nàng bực tức đến mức muốn thét lên.
Hắn ta đang ở dưới kia, hắn đang hút một điếu thuốc lá. Đại úy Beck, với khuôn mặt đẹp như tượng tạc và nụ cười dụ dỗ, có thể tùy ý tống cổ họ ra khỏi nhà. Vì bất cứ lý do gì, hoặc không cần đến lý do. Sự bực bội của Isabelle tích tụ thành một cơn giận dữ mà nàng chưa từng cảm thấy. Dường như bên trong nàng có sẵn một quả bom chờ nổ. Chỉ cần một hành động, hoặc một lời nói sai lầm, nàng sẽ nổ tung.
Isabelle đi tới phòng của Vianne và mở cửa.
- Cần có thẻ căn cước để rời thành phố. - Nàng nói, rồi nổi đóa. - Bọn con hoang ấy sẽ không cho chúng ta đón tàu hỏa đi thăm gia đình.
Vianne từ trong bóng tối nói vọng ra:
- Thế à.
Isabelle không rõ trong giọng nói của chị gái mình là sự nhẹ nhõm hay thất vọng.
- Sáng mai chị nhờ em đi vào thành phố. Em xếp hàng mua những gì có thể mua được trong khi chị đi dạy.
- Nhưng...
- Không có nhưng nhị gì cả, Isabelle. Em đang ở đây và sẽ ở lại đây. Đã đến lúc em phải nhúc nhắc lên. Chị cần phải trông cậy được vào em.
+++++
Suốt một tuần lễ sau đó, Isabelle cố gắng cư xử một cách lịch sự nhất, nhưng chuyện đó là không thể với tay người Đức đang sống chung dưới một mái nhà. Đêm này qua đêm khác nàng không ngủ, chỉ nằm trên giường, một mình trong bóng tối, mường tượng ra điều tồi tệ nhất.
Sáng nay, trước lúc bình minh khá lâu, Isabelle thôi không viện cớ nữa và bước xuống giường. Nàng rửa mặt, mặc một chiếc váy trơn bằng vải bông, rồi vừa quàng khăn che mái tóc lởm chởm vừa bước xuống cầu thang.
Vianne đang ngồi đan ở trường kỷ, bên cạnh ngọn đèn dầu. Trong quầng sáng của ngọn đèn làm chị nổi bật lên giữa bóng tối, Vianne trông tái nhợt và yếu ớt. Rõ ràng tuần vừa qua chị cũng ăn không ngon ngủ không yên. Chị ngạc nhiên ngước nhìn Isabelle.
- Em dậy sớm thế.
- Em còn cả ngày xếp hàng trước mặt. Có lẽ em nên bắt đầu luôn. - Isabelle đáp. - Người đứng đầu hàng sẽ lấy được đồ ngon.
Vianne đặt đồ đan sang một bên và đứng dậy. Vuốt phẳng lại chiếc váy (lại một sự nhắc nhở khác cho biết anh ta đang ở trong nhà, và hai chị em không được mặc áo ngủ xuống gác), chị bước vào trong bếp rồi quay lại với phiếu thực phẩm.
- Hôm nay là ngày bán thịt.
Isabelle cầm lấy cái phiếu từ tay Vianne và rời nhà, hòa mình vào bóng tối của một thế giới nhá nhem không ánh đèn.
Bình minh dần ló rạng trong lúc nàng bước đi, soi sáng một thế giới nằm trong thế giới, một nơi trông giống như Carriveau nhưng lại cho cảm giác hoàn toàn lạ lẫm. Khi Isabelle đi ngang qua sân bay, một chiếc xe hơi nhỏ màu xanh với mấy chữ POL vượt qua nàng trên đường.
Gestapo* .
Cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã (viết tắt từ Geheime Staatspolizei).
Lúc này sân bay đã tấp nập hoạt động. Isabelle nhìn thấy bốn lính gác phía trước - hai ở cổng vào mới xây, và hai ở cửa ra vào của tòa nhà. Những lá cờ phát xít bay phần phật trong gió sớm. Nhiều máy bay đã sẵn sàng cất cánh cho những chuyến ném bom nước Anh và toàn bộ châu Âu. Những tên lính canh đi tuần trước mấy tấm bảng màu đỏ ghi hàng chữ CẤM VÀO - VI PHẠM SẼ BỊ XỬ TỬ.
Isabelle tiếp tục đi.
Khi nàng đến nơi đã có bốn người phụ nữ xếp hàng trước cửa hàng thịt. Isabelle đứng vào cuối hàng. Đúng lúc đó nàng nhìn thấy một mẩu phấn nằm trên đường, sát vào vỉa hè. Nàng biết ngay mình có thể dùng nó vào việc gì.
Isabelle liếc mắt nhìn quanh, nhưng không ai nhìn nàng. Mà tại sao họ phải làm thế khi lính Đức hiện diện ở khắp nơi? Những gã đàn ông mặc quân phục rảo bước trong thành phố như những con công, mua mọi thứ đập vào mắt. Cứng đầu, ồn ào và cười cợt. Bọn họ lúc nào cũng lịch sự mở cửa cho phụ nữ và nhấc mũ, nhưng Isabelle không dễ bị lừa.
Nàng cúi xuống nhặt mẩu phấn rồi giấu vào trong túi. Chỉ cầm được nó thôi cũng đủ cho cảm giác nguy hiểm và tuyệt vời. Tiếp đến, nàng nhịp chân, sốt ruột chờ đến lượt mình.
- Chào bác. - Isabelle nói và đưa phiếu thực phẩm cho bà vợ ông hàng thịt. Đó là một phụ nữ có vẻ mệt mỏi với mái tóc mỏng và đôi môi càng mỏng hơn.
- Chân giò, hai cân. Chỉ còn có thế.
- Xương ạ?
- Người Đức lấy hết thịt ngon rồi, cô gái. Thật ra là cô gặp may đấy. Thịt lợn bị cấm chỉ đối với người Pháp, nhưng người Đức không thích chân giò. Cô có muốn lấy nó hay không?
- Tôi sẽ lấy. - Có ai đó lên tiếng phía sau lưng Isabelle.
- Tôi cũng lấy! - Một phụ nữ khác la lên.
- Tôi sẽ lấy. - Isabelle nói.
Nàng cầm lấy gói thịt nhỏ, bọc nó bằng một lớp giấy nhăn nhúm rồi buộc lại. Phía bên kia đường, nàng nghe thấy tiếng giày nện cồm cộp trên đá, tiếng lưỡi kiếm khua lạch cạch trong vỏ, tiếng đàn ông cười ha hả và giọng nói rù rì của những cô ả người Pháp sưởi ấm giường bọn chúng. Ba tên lính Đức đang ngồi cùng bàn tại một tửu quán cách đó không xa.
- Cô nàng gì ơi? - Một tên cất tiếng gọi và vẫy tay với nàng. - Đến uống cà phê với bọn anh nào.
Isabelle ghì chặt chiếc làn bằng liễu đan đựng những gói giấy quý báu nhỏ nhoi và ít ỏi, phớt lờ đám lính Đức. Nàng vòng qua góc đường vào một cái ngõ nhỏ hẹp và quanh co, giống như mọi ngõ hẻm khác trong thành phố. Chúng có lối vào hẹp và có vẻ như là ngõ cụt. Chỉ người địa phương mới biết cách đi lại trong đó dễ dàng như người lái thuyền len lỏi qua đoạn sông lầy bùn. Isabelle bước đi mà không sợ ai để ý. Các cửa hiệu trong ngõ đều đã bị đóng.
Một tấm áp phích tại một cửa hiệu bán mũ bỏ không, vẽ một ông già còng lưng có cái mũi to và khoằm, vẻ mặt tham lam độc ác, trong tay cầm túi tiền, để lại vết máu và những cái xác người sau lưng. Isabelle nhìn thấy từ Juịf- Do Thái và đứng lại.
Nàng biết mình nên đi tiếp. Xét cho cùng, đó chỉ là một bức tranh tuyên truyền, một nỗ lực vụng về của kẻ thù nhằm gán trách nhiệm cho người Do Thái về những tiêu cực của thế giới, cũng như cuộc chiến tranh này.
Còn lâu.
Nàng nhìn sang trái. Cách đó chưa đầy mười lăm mét là phố La Grande, con phố chính chạy qua thành phố. Phía bên phải nàng là một chỗ rẽ ngoặt của con hẻm.
Isabelle thò tay vào trong túi và rút mẩu phấn ra. Khi đã chắc chắn xung quanh không có ai, nàng vẽ một chữ V to tướng tượng trưng cho chiến thắng trên tấm áp phích, đè lên những hình vẽ trên đó nhiều hết mức có thể.
Ai đó tóm lấy cổ tay Isabelle mạnh đến nỗi làm nàng thở hổn hển. Mẩu phấn rơi xuống, kêu tách trên lớp đá rồi lăn vào một khe hở.
- Này, cô gái. - Người đàn ông lên tiếng và đẩy dúi Isabelle vào tấm áp phích mà nàng vừa bôi bẩn, đè má nàng vào lớp giấy khiến cho nàng không thể nhìn thấy anh ta. - Cô không biết chuyện này bị cấm sao? Có thể bị xử tử đấy, cô biết không?
10
Vianne nhắm mắt lại và nghĩ, Về nhà nhanh lên, anh Antoine Chị chỉ cho phép mình được làm có thế, như một lời nài xin nhỏ nhoi. Một mình chị, sao có thể xử lý mọi chuyện này - chiến tranh, Đại úy Beck và Isabelle?
Chị muốn mơ mộng hão huyền, giả bộ như thế giới của chị vẫn đứng thẳng, thay vì nghiêng hẳn sang bên, rằng cánh cửa đóng chặt ở phòng dành cho khách chẳng ăn nhằm gì, đêm qua Sophie ngủ cùng chị chỉ vì hai mẹ con đang đọc sách thì ngủ quên, Antoine đang ở ngoài kia trong buổi bình minh đẫm sương này, đang chẻ củi để dành cho mùa đông vẫn còn nhiều tháng nữa mới đến. Lát nữa anh sẽ vào nhà và nói, Ờ, anh sẽ mất cả ngày đi phát thư đây. Có khi anh sẽ kể cho chị về cái dấu nhật ấn mới nhất của mình - một bức thư từ châu Phi hoặc châu Mỹ - và làm chị chóng cả mặt vì câu chuyện tưởng tượng đầy lãng mạn kèm theo.
Thay vào đó, chị bỏ đồ len đan vào cái làn bên đi văng, xỏ ủng và đi ra ngoài chẻ củi. Chẳng mấy chốc nữa, trời sẽ chuyển sang thu, rồi vào đông, và khu vườn bị những người tản cư tàn phá nhắc chị một điều rằng, muốn cân bằng để sống sót mới gian nan làm sao. Chị giơ rìu lên và bổ xuống thật mạnh.
Nắm chặt. Giơ lên. Giữ vững. Bổ xuống.
Mỗi nhát rìu khiến cánh tay chị giật mạnh, cơ vai đau nhức. Mồ hôi từ các lỗ chân lông rịn ra, làm ẩm tóc chị.
- Xin chị vui lòng cho phép tôi làm giúp việc này.
Chị ớn lạnh, cái rìu lơ lửng trong không khí.
Beck đứng gần đó, đi ủng, mặc quần dài và một chiếc áo phông mỏng màu trắng. Gò má nhợt nhạt của anh ta ửng đỏ vì cạo râu buổi sáng, mái tóc vàng hoe còn ướt. Nhiều giọt nước rơi trên áo phông, tạo thành hình một chùm pháo hoa nhỏ màu xám.
Vianne cảm thấy cực kỳ bất tiện trong chiếc váy và đôi ủng làm vườn, mái tóc quấn lô để tạo độ quăn. Chị hạ cái rìu xuống.
- Có một số việc nhà đàn ông phải làm. Chị quá mảnh mai để chẻ củi.
- Tôi có thể làm được.
- Tất nhiên là chị có thể làm, nhưng sao lại là chị? Thôi nào, thưa chị. Hãy đi chăm con gái đi. Tôi có thể làm việc này, còn việc nhẹ phần chị. Nếu không thì mẹ tôi sẽ quật tôi vài roi cho mà xem.
Trong lúc chị muốn cử động nhưng lại không thể, thì Beck đã bước tới, giành lấy cái rìu khỏi tay chị. Theo bản năng, chị nắm lấy nó giây lát.
Họ nhìn nhau đăm đăm, tần ngần.
Chị thả tay và lùi lại, nhanh đến mức suýt ngã. Beck nắm lấy cổ tay chị, giữ cho chị đứng vững. Lí nhí nói lời cảm ơn, chị quay người và bỏ đi, cố giữ lưng thẳng hết mức có thể. Chị thu hết can đảm ít ỏi để không chạy. Dù vậy, lúc đến cửa, chị cảm thấy như đã chạy từ Paris đến đây. Chị đá tung đôi ủng quá rộng, nhìn chúng đập xuống sàn đánh thịch và rơi thành một đống. Điều cuối cùng chị muốn là hành động tử tế của gã đàn ông này, kẻ đã chiếm nhà của chị.
Chị sập mạnh cửa sau lưng và vào trong bếp, châm lò và đun sôi ấm nước. Rồi chị đến chân cầu thang, gọi con gái xuống ăn sáng.
Chị phải gọi thêm hai lần nữa rồi đe dọa thì Sophie mới lê chân xuống cầu thang, tóc tai bù xù, mặt mày cau có.
Con bé vẫn còn mặc chiếc váy lính thủy. Đã mười tháng trôi qua kể từ khi Antoine ra trận, chiếc váy đã trở nên quá chật với con bé, nhưng Sophie không chịu mặc váy khác.
- Con dậy rồi đây. - Con bé vừa nói vừa uể oải tiến đến ngồi vào bàn.
Vianne đặt bát cháo bột ngô trước mặt Sophie. Sáng nay, chị đã phung phí rưới thêm một thìa mứt đào lên trên.
- Mẹ không nghe thấy gì sao? Có người đang gõ cửa kìa.
Vianne lắc đầu (chị chỉ nghe thấy tiếng thịch-thịch-thịch của chiếc rìu đáng sợ kia) và ra mở cửa.
Rachel đứng đó, tay ẵm đứa nhỏ, còn Sarah nép sát vào mẹ.
- Hôm nay cậu định quấn lô đi dạy đấy à?
- Ối! - Vianne cảm thấy mình thật ngốc nghếch. Chị làm sao thế nhỉ? Hôm nay là ngày học cuối cùng trước khi nghỉ hè.
- Nhanh lên, Sophie. Mẹ con mình muộn mất. - Chị chạy ào vào trong nhà dọn bàn. Sophie đã liếm sạch đĩa, nên Vianne xếp nó vào cái chậu đồng để rửa sau. Chị đậy xoong thức ăn còn lại và cất lọ mứt đào. Rồi chạy vội lên gác sửa soạn.
Trong chốc lát, chị đã tháo hết lô và chải tóc thành những làn sóng nhẹ. Chị chộp lấy mũ, găng tay và xắc rồi ra khỏi nhà, Rachel và bọn trẻ đang đợi trong vườn cây ăn quả.
Đại úy Beck cũng ở đó, đang đứng cạnh kho củi. Chiếc áo phông của anh ta ướt đẫm nhiều chỗ và dán sát vào ngực, để lộ những xoáy lông. Cái rìu vắt vẻo trên vai anh ta.
- Xin chào, - anh ta nói.
Vianne cảm thấy cái nhìn xét nét của Rachel.
Beck hạ rìu xuống.
- Đây là bạn chị ư?
- Rachel, - Vianne nói, sít sao. - Hàng xóm của tôi. Còn đây là Herr* . Đại úy Beck. Anh ấy... trú ở nhà mình.
Herr: Ông, ngài (tiếng Đức).
- Xin chào, - Beck nhắc lại và gật đầu lịch sự.
Vianne đặt bàn tay lên lưng Sophie và đẩy nhẹ, tất cả cất bước qua lớp cỏ cao của vườn cây ăn quả, cùng đi ra con đường đất.
- Anh ta rất điển trai, - Rachel nói lúc họ đi tới sân bay, đang ồn ào vì những hoạt động đằng sau các cuộn dây thép gai. - Cậu không kể với mình điều đó.
- Về anh ta ư?
- Mình đoan chắc là cậu thừa biết là thế, nên câu hỏi của cậu thú vị đấy. Anh ta là người như thế nào?
- Người Đức.
- Bọn lính trú ở nhà Claire Moreau trông như những cây xúc xích có chân. Mình nghe nói bọn chúng uống rượu như hũ chìm và ngáy như lũ lợn thiến. Cậu may đấy, mình nghĩ thế.
- Cậu mới là người may mắn, Rachel ạ. Không kẻ nào dọn đến nhà cậu.
- Rốt cuộc thì nghèo cũng có cái hay của nó.- Rachel khoác tay bạn. - Đừng khổ sở thế, Vianne. Mình nghe nói bọn chúng được lệnh cư xử đúng mực.
Vianne nhìn người bạn thân nhất.
- Tuần trước, Isabelle cắt phăng mớ tóc của nó trước mặt Đại úy và nói cái đẹp ắt bị ngăn cấm.
Rachel không nén được cười.
- Ồ.
- Không phải chuyện đùa đâu. Tính khí của nó có thể làm cả nhà bị giết đấy.
Nụ cười của Rachel tắt ngay.
- Cậu có thể nói chuyện với nó không?
- Chao ôi, mình mà có thể nói chuyện! Có bao giờ nó nghe ai đâu?
+++++
- Anh làm tôi đau, - Isabelle nói.
Người đàn ông giật mạnh người nàng khỏi bức tường và lôi tuột xuống phố, anh ta bước nhanh đến nỗi nàng phải chạy mới kịp, mỗi bước nàng lại va vào bức tường đá của cái ngõ nhỏ. Lúc nàng vấp phải hòn đá cuội và suýt ngã, anh ta càng nắm chặt và giữ cho nàng đứng thẳng lên.
Suy nghĩ đi nào, Isabelle. Anh ta không mặc quân phục, vì thế chắc hẳn là một tên Gestapo. Thế thì tệ quá. Anh ta đã bắt quả tang nàng đang xóa tấm áp phích. Liệu như thế có bị coi là hành động phá hoại, hoặc làm gián điệp hay chống lại sự chiếm đóng của quân Đức?
Nó không giống như đánh sập một cây cầu hoặc bán những điều bí mật cho nước Anh.
Tôi đang làm một tác phẩm... nó sẽ là một bình đầy hoa... Không phải là một chữ V tượng trưng cho chiến thắng, mà là một bình hoa. Không phải là sự chống đối, mà chỉ là một cô gái ngớ ngẩn đang vẽ lên tờ giấy duy nhất cô ta tìm thấy. Tôi chưa bao giờ nghe nói về tướng de Gaulle.
Nhỡ họ không tin nàng?
Người đàn ông dừng lại trước một cánh cửa gỗ sồi có vòng gõ cửa là đầu một con sư tử đen ở chính giữa và gõ lên cửa bốn lần.
- Anh đưa tôi đi đ-âu-âu?
Đây phải chăng là cửa sau của trụ sở Gestapo? Cố nhiều tin đồn khủng khiếp về các cuộc thẩm vấn của Gestapo. Chúng bị coi là rất tàn nhãn và ác dâm, nhưng không ai biết chính xác là như thế nào.
Cánh cửa từ từ mở ra, một ông già đội mũ nồi xuất hiện, ông già ngậm một điếu thuốc tự cuốn giữa đôi môi dày, đốm nâu. Ông ta trông thấy Isabelle và nghiêm nét mặt.
- Mở ra đi, - người đàn ông đứng cạnh Isabelle càu nhàu và ông già bước tránh sang bên. Nàng bị kéo vào một căn phòng đầy khói thuốc. Mắt nàng cay xè lúc nhìn quanh. Nó là một cửa hàng mới còn bị bỏ hoang, trước kia bán mũ và đồ khâu các loại. Trong ánh sáng mờ khói, nàng thấy các tủ trưng bày trống trơn đã được dẹp sát tường, những giá mũ bằng kim loại xếp thành chồng trong góc. Cửa sổ nhìn ra đằng trước đã xây gạch bít kín, còn cửa sau thông ra phố La Grande được chốt từ bên trong.
Có bốn người đàn ông trong phòng: một người đàn ông cao, tóc muối tiêu, ăn mặc tả tơi, đứng ở một góc, một cậu trai ngồi cạnh ông già ra mở cửa, và một thanh niên đẹp trai mặc áo len rách tả tơi, quần mòn xơ, đi đôi ủng trầy xước đang ngồi bên bàn nước.
- Ai đây, Didier? - Người hỏi là ông già vừa mở cửa.
Lần đầu tiên Isabelle nhìn rõ người đàn ông bắt giữ nàng - anh ta cao lớn và vạm vỡ, khuôn mặt to quá khổ, cằm xị, vẻ ngạo mạn.
Nàng đứng thẳng người hết mức có thể, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngẩng cao. Nàng biết trông mình trẻ con đến lố bịch trong trang phục váy kẻ ca rô, áo bó sát, nhưng nàng cố không để bọn họ được thỏa mãn khi biết nàng đang sợ hãi.
- Tôi thấy cô ta đang vạch chữ V bằng phấn lên các áp phích của bọn Đức, - Didier, người đàn ông da ngăm đen đã tóm nàng lên tiếng.
Isabelle nắm chặt bàn tay phải, cố xóa sạch vết phấn màu cam mà họ không để ý.
- Cô không có gì để nói sao? - Người đứng trong góc hỏi. Rõ ràng ông ta là chỉ huy ở đây.
- Tôi không có viên phấn nào hết.
- Tôi đã trông thấy cô ta làm việc đó mà.
Isabelle nắm ngay lấy cơ hội.
- Anh không phải là người Đức, - nàng nói với người đàn ông vạm vỡ. - Anh là người Pháp. Tôi đánh cược bằng tiền đấy. Còn ông, - nàng nói với ông già, - ông là người giết mổ lợn. Nàng bỏ qua cậu trai và nói với chàng thanh niên đẹp trai ăn vận tả tơi, - nom anh đói khát, và tôi nghĩ anh đang mặc quần áo của đứa em trai hoặc thứ tìm thấy trên một cái dây phơi ở nơi nào đó. Anh là cộng sản.
Anh ta cười toét miệng với nàng, nụ cười thay đổi hẳn thái độ của anh ta.
Nhưng nàng cẩn trọng nhất với người đàn ông đứng ở góc phòng. Người đứng đầu. Nàng tiến một bước tới chỗ ông ta.
- Ông có thể là người Aryan. Có lẽ ông đang ép những người khác đến đây.
- Tôi biết anh ta từ nhỏ, thưa cô, - ông già đồ tể nói. - Tôi đã chiến đấu sát cánh cùng bố anh ta và bố cô ở Somme. Cô là Isabelle Rossignol, đúng vậy không?
Nàng không trả lời. Liệu đây có phải là một cái bẫy?
- Không trả lời, - chàng thanh niên cộng sản nói. Anh ta đứng lên và tiến đến chỗ nàng. - Cô gặp may đấy. Tại sao cô lại viết phấn chữ V lên áp phích?
Isabelle lại im lặng.
- Tôi là Henri Navarre, - anh ta nối, lúc này đã đến đủ gần để chạm vào nàng. - Chúng tôi không phải người Đức, cũng không làm việc cho chúng. - Anh ta nhìn nàng đầy ẩn ý. - Không phải tất cả chúng ta đều thờ ơ. Nào, hãy nói vì sao cô lại vạch chữ lên tấm áp phích của chúng?
- Đấy là tất cả những gì tôi nghĩ ra, - nàng đáp.
- Có nghĩa là?
Nàng thở ra, bình tĩnh.
- Tôi đã nghe tướng de Gaulle nói chuyện trên radio.
Henri liếc nhìn ông già ở phía cuối căn phòng. Nàng quan sát hai người đang trao đổi về nàng mà không nói ra lời. Rốt cuộc, nàng đã biết ai là chỉ huy. Chính là Henri, chàng cộng sản đẹp trai.
Cuối cùng, Henri quay về phía nàng, nói:
- Cô có muốn làm một việc hơn thế không?
- Ý anh là gì? - Nàng hỏi.
- Có một người ở Paris...
- Thật ra là một nhóm ở Bảo tàng Nhân chủng học. - người đàn ông vạm vỡ sửa lại.
Henri giơ tay lên.
- Chúng ta không nói nhiều hơn những gì cần nói, Didier. Dù sao thì cũng có một người - một thợ in đang đánh liều cả mạng sống để làm truyền đơn cho chúng tôi phân phát. Biết đâu chúng tôi có cơ hội làm cho người Pháp tỉnh ngộ để hiểu chuyện gì đang diễn ra. - Henri thọc tay vào cái túi da treo trên ghế và rút ra một bó truyền đơn. Đập vào mắt nàng là dòng chữ đầu tiên: “Tướng de Gaulle muôn năm”.
Nguyên văn là một bức thư ngỏ gửi Thống chế Pétain, chỉ trích thẳng thừng hành động đầu hàng. Cuối thư viết “Chúng tôi ủng hộ tướng de Gaulle”.
- Thế nào? - Henri nói khẽ, và trong một từ duy nhất ấy, Isabelle nghe thấy lời kêu gọi chiến đấu mà nàng đang chờ đợi. - Cô sẽ phát truyền đơn chứ?
- Tôi ư?
- Chúng tôi là những người cộng sản và cấp tiến, - Henri nói. - Bọn chúng đang theo dõi chúng tôi gắt gao. Cô là phụ nữ. Hơn nữa là một cô gái xinh đẹp. Sẽ chẳng ai nghi ngờ cô.
Isabelle không hề do dự.
- Tôi sẽ làm việc này.
Mọi người đồng thanh cảm ơn nàng và Henri phải ra hiệu im lặng.
- Một thợ in đã liều cả mạng sống để viết truyền đơn này, và người khác đã liều cả mạng sống để đánh máy nó. Còn chúng tôi liều mạng mang chúng đến đây. Nhưng cô, Isabelle, cô sẽ là người bị bắt trong khi phân phát chúng - nếu cô bị phát hiện. Phải thật cẩn trọng. Đây không phải là viết một chữ V bằng phấn lên tờ áp phích. Đây là việc có thể bị tử hình.
- Tôi sẽ không để bị bắt, - nàng nói.
Henri mỉm cười:
- Cô bao nhiêu tuổi?
- Sắp mười chín.
- Chà. Làm thế nào một cô gái trẻ như thế giấu được gia đình việc này?
- Gia đình tôi không phải là vấn đề lớn, - Isabelle đáp. - Họ chẳng hề chú ý đến tôi. Nhưng... có một lính Đức đang trú quân ở nhà tôi. Và tôi sẽ phải vi phạm lệnh giới nghiêm.
- Việc này sẽ không dễ đâu. Tôi hiểu nếu cô sợ. - Henri bắt đầu quay đi.
Isabelle vồ lấy bó truyền đơn khỏi tay anh ta.
- Tôi đã nói là tôi sẽ làm.
+++++
Isabelle rất phấn chấn. Lần đầu tiên kể từ khi đình chiến, nàng không còn hoàn toàn lẻ loi trong tình trạng muốn làm việc gì đó cho nước Pháp. Những người này kể với nàng khắp đất nước có hàng trăm nhóm như họ, theo de Gaulle tham gia kháng chiến. Họ càng nói, nàng càng hào hứng với viễn cảnh cùng tham gia với họ. Ôi chao, nàng biết lẽ ra mình nên sợ. (Họ thường nhắc nàng điều đó).
Thật nực cười, bọn Đức dọa tử hình vì việc phát vài mảnh giấy. Nàng tin chắc nếu bị bắt, nàng có thể tìm được cách thoát. Nàng sẽ không để bị bắt. Biết bao lần nàng đã lẻn ra khỏi trường hoặc lên tàu không có vé, hoặc thoát khỏi rắc rối nhờ dẻo miệng? Sắc đẹp của nàng luôn làm cho nàng dễ dàng phạm luật mà không bị phạt.
- Khi chúng tôi có nhiều hơn, chúng tôi sẽ liên hệ với cô bằng cách nào? - Henri hỏi lúc nàng mở cửa rời đi.
Nàng liếc nhìn xuống phố.
- Bên trên cửa hàng mũ của bà La Foy có một căn hộ. Nó vẫn còn trống chứ?
Henri gật đầu.
- Kéo rèm khi các anh có truyền đơn. Tôi sẽ đến nhanh hết mức có thể.
- Gõ cửa bốn lần. Nếu chúng tôi không trả lời, phải đi ngay, - anh nói. Ngừng một chút, Henri nói thêm. - Cẩn trọng nhé, Isabelle.
Anh đóng cánh cửa ở giữa hai người.
Lại một mình, nàng nhìn xuống cái làn. Nằm dưới mảnh vải lanh kẻ ca rô đỏ trắng là những tờ truyền đơn. Trên cùng là cái chân giò muối bọc trong giấy gói thịt. Không có nhiều thứ để ngụy trang. Nàng sẽ cần nghĩ ra thứ gì đó tốt hơn.
Nàng đi xuống cái ngõ nhỏ và rẽ vào con phố nhộn nhịp. Trời đang tối dần. Nàng đã ở cùng cả nhóm suốt ngày. Các cửa hàng đang đóng cửa, những người duy nhất đang thơ thẩn là lính Đức và vài người đàn bà được chọn làm bạn với chúng. Ngồi đầy bên các bàn cà phê ngoài đường là những người đàn ông mặc quân phục, ăn những món tốt nhất, uống các loại vang ngon nhất.
Nàng phải huy động từng tí ti can đảm để bước đi từ tốn. Vừa ra khỏi thành phố, nàng bắt đầu chạy. Lúc đến gần sân bay, nàng đã đẫm mồ hôi và hết cả hơi, nhưng nàng không di chuyển chậm lại. Nàng chạy cho đến khi vào trong sân nhà. Cánh cổng đóng lại sau nàng lách cách, nàng gập người, thở hổn hển, nén cơn đau xóc vào trong, cố lấy lại hơi thở.
- Cô Rossignol, cô không khỏe ư?
Isabelle giật mình thẳng người lại, tim nàng đập thình thịch. Đại úy Beck xuất hiện sau nàng. Anh ta đã ở đây trước nàng sao?
- Đại úy, - nàng nói, cố gắng lắm mới không làm tim đập loạn xạ. - Một đoàn xe vừa đi qua... tôi... ờ, tôi phải chạy tránh đường.
- Một đoàn xe ư? Tôi không trông thấy.
- Đấy là lúc trước rồi. Còn tôi... đôi khi tôi thật ngớ ngẩn. Tôi nhầm thời gian, đang nói chuyện với bạn bè thì, ờ... - Nàng tặng anh ta nụ cười quyến rũ nhất và vuốt lại mái tóc rối tung của mình, như thể trông nàng xinh xắn mới là việc quan trọng.
- Hôm nay xếp hàng ra sao?
- Dài vô tận.
- Cho phép tôi xách hộ cô cái làn vào trong nhà nhé.
Nàng nhìn xuống làn, thấy một góc tờ giấy bé xíu, trăng trắng lấp ló dưới mảnh vải lanh.
- Ồ không, tôi...
- À, tôi nài xin đấy. Chúng tôi là người lịch sự mà.
Beck nhẹ nhàng đỡ lấy chiếc làn từ trong tay nàng bằng những ngón tay dài, móng tay được cắt sạch sẽ, cẩn thận. Lúc anh ta quay về phía ngôi nhà, nàng vẫn ở bên cạnh.
- Chiều nay tôi trông thấy một đám đông tụ tập ở tòa thị chính. Cảnh sát của Vichy làm gì ở đây vậy?
- À. Cô không cần bận tâm. - Beck đợi nàng ở trước nhà để nàng mở cửa. Nàng căng thẳng dò dẫm tìm quả đấm, rồi xoay và mở cánh cửa. Mặc dù có đủ mọi quyền để ra vào trong nhà, Beck vẫn đợi được mời, như thể anh ta là khách vậy.
- Isabelle đấy à? Em đã ở đâu vậy? - Vianne bất ngờ xuất hiện, bước vào trong ánh đèn.
- Hôm nay xếp hàng dài kinh khủng.
Sophie đang chơi với gấu bông Bébé ở trước lò sưởi liền nhỏm dậy hỏi:
- Hôm nay dì mua được gì thế?
- Chân giò muối, - Isabelle nói và lo lắng liếc nhìn cái làn trong tay Beck.
- Chỉ thế thôi à? - Vianne nói gay gắt. - Còn dầu ăn đâu?
Sophie lại ngồi phịch xuống tấm thảm trải sàn, rõ là thất vọng.
- Em sẽ cất xuống phòng để thức ăn, - Isabelle nói và với lấy cái làn.
- Cô cứ để tôi, - Beck nói. Anh ta nhìn Isabelle chằm chặp, quan sát nàng kỹ lưỡng. Hoặc có thể chỉ là cảm giác của nàng.
Vianne châm một cây nến và đưa cho Isabelle.
- Đừng lãng phí nến nhé. Làm nhanh lên.
Beck tỏ ra rất lịch sự lúc bước qua gian bếp lờ mờ và mở cửa xuống hầm.
Isabelle xuống trước, soi đường. Các bậc bằng gỗ cót két dưới chân nàng, cho đến lúc nàng giẫm lên mặt sàn bằng đất nện và vào gian hầm lạnh giá. Các giá gỗ hình như xít lại quanh họ lúc Beck tiến đến cạnh nàng. Ngọn nến chiếu ánh sáng nhảy nhót trước mặt họ.
Isabelle cố nén cơn run trên tay nàng lúc với lấy miếng chân giò muối bọc giấy. Nàng đặt nó lên giá, cạnh các thứ được cung cấp ít ỏi
- Lấy ba củ khoai tây và một củ cải nhé, - Vianne gọi vọng xuống. Isabelle hơi giật mình vì tiếng chị gái.
- Cô có vẻ căng thẳng, - Beck nói. - Dùng từ ấy có đúng không, thưa cô?
Cây nến cháy xèo xèo giữa hai người.
- Hôm nay trong thành phố có nhiều chó quá.
- Của Gestapo đấy. Chúng thích những người chăn dắt chúng. Cô chẳng có lý do gì phải sợ cả.
- Tôi sợ... những con chó to tướng ấy. Tôi đã bị chó cắn một lần rồi. Lúc còn bé.
Beck tặng nàng một nụ cười, nó méo xệch đi dưới ánh nến.
Đừng nhìn vào cái làn. Nhưng đã quá muộn. Nàng đã thấy góc những tờ giấy thò ra thêm một chút.
Nàng gượng mỉm cười.
- Anh biết đấy, bọn con gái chúng tôi sợ đủ thứ.
- Đấy không phải là tính cách tôi sẽ miêu tả cô, thưa cô.
Nàng thận trọng với lấy cái làn và giật nó khỏi tay Beck. Vẫn nhìn vào mắt Beck, nàng để cái làn lên giá, ra ngoài tầm ánh nến. Rốt cuộc nó đã nằm trong bóng tối, nàng thở phào.
Họ chằm chặp nhìn nhau trong sự im lặng khó chịu.
Beck gật đầu.
- Bây giờ tôi phải đi đây. Tôi chỉ về đây lấy một số giấy tờ cho cuộc họp tối nay. - Anh ta quay trở lại các nấc thang và bắt đầu trèo lên.
Isabelle trèo sau viên Đại úy lên cây cầu thang hẹp. Lúc nàng thò đầu vào bếp, Vianne đang đứng đó, tay khoanh lại, mặt cau có.
- Khoai tây với củ cải đâu? - Vianne hỏi, và trừng trừng nhìn Isabelle.
- Em quên mất.
Vianne thở dài:
- Đi đi, - chị nói. - Đi lấy đi.
Isabelle trở lại tầng hầm. Sau khi lấy khoai và củ cải, nàng đến chỗ cái làn, giơ nến lên soi. Nó đây: mẩu giấy trắng bé xíu hình tam giác thò ra. Nàng vội rút những tờ giấy khỏi làn và nhét vào trong quần lót. Cảm thấy chúng cọ vào da thịt, nàng trèo lên cầu thang và mỉm cười.
+++++
Bữa tối, Isabelle ngồi với chị và cháu gái, ăn món xúp loãng toẹt với bánh mì cũ, cố nghĩ ra điều gì để nói mà không thể. Sophie hình như không để ý, con bé huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện khác. Isabelle sốt ruột giậm nhẹ chân, lắng nghe tiếng mô tô đến gần ngôi nhà, tiếng lộp cộp của đôi ủng Đức trên lối đi trước nhà, đợi một tiếng gõ đanh, bâng quơ lên cửa. Cái nhìn chằm chằm của nàng chiếu thẳng vào bếp và cánh cửa hầm.
- Tối nay em cư xử thật lạ lùng, - Vianne nói.
Isabelle phớt lờ nhận xét của chị. Cuối cùng, khi đã ăn xong, Isabelle nhổm lên khỏi ghế và nói:
- Em sẽ rửa bát đĩa, V. ạ. Sao chị với Sophie không chơi nốt ván cờ ca rô đi?
- Em sẽ rửa bát đĩa ư? - Vianne hỏi, ngờ vực nhìn Isabelle.
- Vâng, em xung phong - Isabelle đáp.
- Thế mà chị không nhớ ra đấy.
Isabelle thu dọn bát đĩa, nồi niêu. Nàng tranh làm chỉ để bận bịu, nàng cần phải làm một việc gì đấy.
Sau đó, Isabelle thấy chẳng còn việc gì nữa. Màn đêm đã buông. Vianne, Sophie và Isabelle chơi bài, nhưng Isabelle không sao tập trung nổi, nàng quá lo lắng và phấn khích. Nàng viện một cớ rất vu vơ để bỏ cuộc chơi, giả vờ mệt mỏi. Nàng lên phòng riêng trên gác, nằm lên chăn và vẫn mặc nguyên quần áo. Nàng đợi.
Quá nửa đêm, Isabelle nghe thấy Beck trở về. Nàng nghe thấy tiếng anh ta vào sân, rồi mùi khói thuốc lá bay lên. Lát sau, Beck vào trong nhà - tiếng ủng bước nặng nề - nhưng lúc một giờ đêm, mọi thứ lại yên tĩnh. Nàng vẫn đợi. Bốn giờ sáng, nàng ra khỏi giường, mặc chiếc áo dài tay màu đen, đan bằng thứ len nặng và tấm váy kẻ ca rô bằng vải tuýt. Nàng rạch một đường vào lớp lót của chiếc áo khoác mùa hè và nhét truyền đơn vào trong, rồi mặc vào, thắt lưng quanh eo. Nàng nhét phiếu thực phẩm vào túi áo.
Lúc xuống cầu thang, nàng nhăn mặt với từng tiếng cót két. Hình như đi đến cửa trước lâu như vô tận, hơn cả mãi mãi, nhưng cuối cùng nàng cũng đến được đó, khẽ khàng mở cửa và đóng lại.
Sáng sớm, trời lạnh giá và tối tăm. Một con chim ở đâu đó cất tiếng hót, chắc là giấc ngủ của nó bị tiếng cửa mở quấy rầy. Nàng hít phải hương thơm của hoa hồng và kinh ngạc nhận ra nó tầm thường đến thế nào lúc này.
Từ đây, sẽ không có đường quay lại.
Nàng đến cánh cổng xiêu vẹo, nhiều lần liếc nhìn ngôi nhà tối om, tưởng như Beck đứng đó, cánh tay khoanh lại, chân đi ủng trong tư thế của một chiến binh, đợi nàng.
Nhưng chỉ có mình nàng.
Điểm dừng đầu tiên là nhà Rachel. Dạo này hầu như không còn chuyện phát thư, nhưng những người phụ nữ có chồng đi xa như Rachel vẫn kiểm tra thùng thư hàng ngày, hy vọng hão huyền rằng bưu điện sẽ mang tin đến cho họ.
Isabelle thò tay vào trong áo khoác, lần tìm đường rạch trên lớp lụa lót và rút ra một tờ truyền đơn. Trong chớp mắt, nàng mở nắp thùng thư và nhét tờ giấy vào trong rồi đóng lại rất êm.
Lại ra đường, nàng nhìn quanh và không thấy một ai.
Nàng đã làm được rồi!
Điểm dừng thứ hai là nông trại của ông già Rivet. Ông ta là người cộng sản từ đầu xuống chân, một con người của cách mạng, và đã mất con trai ở mặt trận.
Lúc phát hết tờ truyền đơn cuối cùng, nàng cảm thấy mình như một nhà vô địch. Trời vừa rạng đông, ánh mặt trời mờ nhạt thếp vàng lên các tòa nhà bằng đá vôi trong thành phố.
Sáng nay, nàng là người đầu tiên xếp hàng ở bên ngoài cửa hàng, và vì thế, nàng mua được cả suất bơ. Một trăm năm mươi gam cho một tháng. Hai phần ba cái chén.
Một kho báu thực sự.