Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 08
15
Trước tiên hãy tự hỏi mình cuộc kháng chiến bắt đầu như thế nào rồi hãy hỏi câu đó với người khác.
REMCO CAMPERT
Tháng Năm năm 1941
Pháp
Thứ Hai, Isabelle đi Paris còn Vianne thì bận túi bụi. Chị giặt quần áo, phơi lên dây cho khô, sau đó rẫy cỏ trong vườn và hái ít rau chín sớm. Kết thúc một ngày dài, chị thưởng cho mình một chầu tắm gội. Vianne đang lau tóc thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Giật mình vì có khách bất ngờ, chị cài khuy áo rồi đi ra cửa. Nước rỏ giọt xuống vai chị.
Chị mở cửa và thấy Đại úy Beck đứng đó trong bộ quân phục, khuôn mặt anh ta bám đầy bụi.
- Chào Đại úy, - chị nói và vén mớ tóc ướt khỏi mặt.
- Chào chị. Hôm nay, tôi và đồng nghiệp đi câu cá. Tôi mang cá về cho chị đây.
- Cá tươi ư? Tuyệt quá. Tôi sẽ rán cho anh.
- Cho chúng ta, chị ạ. Chị, tôi và bé Sophie.
Vianne không thể rời mắt khỏi Beck hay con cá trên tay anh ta. Chị biết Isabelle nhất định sẽ không chịu nhận món quà này. Chị cũng biết bạn bè, hàng xóm mình đều muốn chị từ chối. Đồ ăn từ tay của kẻ thù. Từ chối là kiêu hãnh. Mọi người đều biết thế.
- Tôi không ăn cắp cũng không chiếm đoạt nó. Không người Pháp nào có quyền có nó hơn tôi. Chị chẳng việc gì phải hổ thẹn khi nhận nó.
Beck nói đúng. Con cá này sống trong vùng và anh ta không tịch thu nó. Nhưng khi đưa tay ra nhận, chị vẫn cảm thấy lời giải thích hợp lý đó đang đè nặng lên chị.
- Anh hiếm khi cho chúng tôi vinh hạnh được ngồi ăn cùng anh.
- Hôm nay thì khác, - Beck nói. - Em gái chị đi vắng.
Vianne lùi lại để anh ta vào trong nhà. Như thường lệ, Beck bỏ mũ ngay khi vào trong và nện giày cồm cộp trên sàn gỗ lúc về phòng mình. Vianne không nhận ra đến khi tiếng cửa phòng anh ta đóng cách, chị vẫn đứng đó, cầm con cá đã chết gói trong tờ Pariser Zeitung, tờ báo Đức in ở Paris số gần đây.
Chị quay vào bếp. Lúc đặt con cá lên thớt, chị phát hiện nó đã được làm sạch sẽ, thậm chí còn được đánh hết vẩy. Chị châm bếp gas và đặt chiếc chảo gang lên, đổ vào đó một thìa dầu quý giá. Trong lúc chờ khoai tây và hành tây chín đều, chị ướp gia vị vào cá và để sang một bên. Chẳng mấy chốc, mùi thơm ngào ngạt dậy khắp căn nhà. Sophie chạy vào bếp và dừng lại ở chỗ trống, nơi trước đây từng kê bàn điểm tâm.
- Cá, - con bé thốt lên đầy ngưỡng mộ.
Vianne đặt con cá vào chảo giữa những miếng khoai tây và hành tây. Những mẩu mỡ nổ lốp bốp, da cá cháy xèo xèo rồi giòn tan. Cuối cùng, chị xếp một vài lát chanh đã cắt sẵn vào chảo, ngắm nước chanh chảy lên trên tất cả.
- Con hãy đi nói với Đại úy Beck là bữa tối đã xong. - Vianne bảo con gái.
- Ông ấy ăn cùng với chúng ta sao mẹ? Dì Isabelle sẽ không đồng ý. Trước khi đi, dì dặn con không bao giờ được nhìn vào mắt ông ta và cố tránh không ở cùng phòng với ông ta.
Vianne thở dài. Bóng dáng của em gái chị vẫn quanh quẩn đâu đây.
- Ông ấy cho mẹ con mình cá, Sophie ạ, và ông ấy sống ở đây.
- Vâng, con biết điều đó. Nhưng dì bảo...
- Lên gọi Đại úy xuống ăn tối đi nào. Dì Isabelle đi rồi, và những nỗi lo lắng quá mức của dì con cũng tan biến theo.
Vianne trở ra bếp lò và lát sau, chị bưng ra một khay sứ to ở giữa bày món cá rán, xung quanh là các loại rau áp chảo và những lát chanh, điểm thêm rau mùi tươi. Nước xốt chanh thơm phức ở đáy chảo, rưới ngập những mẩu da cá nâu giòn. Không cần thêm bơ mà món cá vẫn dậy mùi vị ngon tuyệt. Chị bưng khay vào phòng ăn và thấy Sophie đã ngồi ở bàn, bên cạnh là Đại úy Beck. Anh ta đang ngồi ở chiếc ghế của Antoine.
Vianne đã chậm một bước.
Beck lịch thiệp đứng dậy và nhanh nhẹn kéo ghế cho chị. Chị chỉ dừng lại một chút lúc anh ta đỡ cái khay trên tay mình.
- Món này trông thích hợp nhất, - anh ta nói, giọng thân mật Một lần nữa, tiếng Pháp của anh ta không hoàn toàn đúng.
Vianne ngồi xuống nhưng tránh ngồi đúng ghế của mình bên bàn ăn. Chị chưa biết nói gì thì anh ta đã rót vang cho chị.
- Một chai Montrachet 37 ngon, - Beck nói.
Vianne biết Isabelle sẽ nói gì về chuyện này.
Beck ngồi đối diện chị. Sophie ngồi bên trái chị. Nó đang kể về chuyện hôm nay ở trường. Lúc nó ngừng lại, Beck nói gì đó về việc câu cá khiến Sophie cười vang, còn Vianne cảm nhận sâu sắc sự vắng mặt của em gái mình y như trước đây chị cảm thấy sự hiện diện của Isabelle vậy.
Hãy tránh xa Beck.
Vianne nghe thấy lời cảnh báo ấy rõ ràng như thể nó vang to bên cạnh chị. Chị biết em gái mình đúng trong việc này. Xét cho cùng, Vianne không thể quên đi bản danh sách, những cuộc xử bắn, hay cảnh tượng Beck ngồi bên cái bàn dưới chân là những sọt đựng đầy thực phẩm và đằng sau anh ta là bức chân dung Quốc trưởng.
- ... vợ chú hoàn toàn thất vọng vì tài khéo của chú với cái lưới và sau đó... - anh ta vừa nói vừa mỉm cười.
Sophia cười phá.
- Có lần bố ngã tõm xuống sông khi chúng ta đang câu cá, mẹ có nhớ không? Bố bảo con cá to quá nên kéo tuột bố xuống, có đúng vậy không mẹ?
Vianne chậm rãi chớp mắt. Mất một lúc chị mới nhận ra câu chuyện đã xoay chiều.
Ít ra cũng cảm thấy... thật kỳ cục. Trong các bữa ăn trước đây có Beck bên bàn, họ rất hiếm khi trò chuyện. Làm sao mọi người có thể nói chuyện được trước sự giận dữ của Isabelle?
Bây giờ thì khác rồi vì em gái chị đi vắng.
Vianne hiểu ý anh ta. Không khí căng thẳng trong nhà và bên bàn ăn giờ cũng đã biến mất.
Sự vắng mặt của Isabelle sẽ còn mang lại những thay đổi gì nữa?
Hãy tránh xa Beck.
Sao Vianne có thể làm thế được? Lần cuối cùng chị ăn một bữa ngon như thế này... hoặc nghe Sophie cười là bao giờ vậy?
+++++
Ga Lyon đầy lính Đức khi Isabelle xuống khỏi toa tàu. Nàng vật lộn lôi cái xe đạp ra cùng, thật không dễ vì va li cứ đập vào đùi nàng và suốt lúc đó, những người dân Paris nôn nóng cứ xô đẩy nàng. Nàng đã mơ được trở lại nơi đây từ nhiều tháng nay.
Trong những giấc mơ của nàng, Paris là Paris, không bị chiến tranh động tới.
Nhưng trong buổi chiều thứ Hai này, sau một ngày dài di chuyển, nàng đã nhìn ra sự thật. Ách chiếm đóng có thể để những tòa nhà tại chỗ, không có bằng chứng về những cuộc bỏ bom ở bên ngoài ga, nhưng ở đây dù giữa thanh thiên bạch nhật vẫn là sự ảm đạm, lặng lẽ của mất mát và thất vọng lúc nàng đạp xe xuống đại lộ.
Thành phố thân yêu của nàng giống như một gái điếm hạng sang có thời xinh đẹp, nay về già và gầy gò, mệt mỏi, bị các tình nhân bỏ rơi. Chưa đầy một năm, thành phố tráng lệ này đã bị tước bỏ hết tinh túy vì tiếng lộp cộp không ngừng của những đôi ủng Đức trên đường phố và bị biến dạng vì những chữ thập ngoặc tung bay trên từng công trình kỷ niệm.
Những chiếc xe hơi duy nhất nàng trông thấy là Mercedes-Benz màu đen với những lá cờ thu nhỏ có chữ thập ngoặc bay phần phật trên những cái chắn bùn, và những xe tải quân sự, thỉnh thoảng còn có một xe tăng xám xịt. Suốt dọc đại lộ, các cửa sổ bị che tối và các cánh chớp kéo kín. Hình như cứ cách một góc phố là lại có chặn đường. Những tấm biển viết bằng chữ cái đậm nét màu đen chỉ hướng bằng tiếng Đức, đồng hồ đã thay đổi thời gian, chạy nhanh lên hai giờ - theo giờ của Đức.
Nàng vẫn cúi đầu lúc đạp xe qua một tốp lính Đức và những hiệu cà phê trên vỉa hè, toàn những gã đàn ông mặc quân phục. Lúc rẽ vòng sang đại lộ Bastille, nàng trông thấy một bà già đi xe đạp đang cố đi vòng một rào chắn. Một tên Đức Quốc xã chặn đường bà, mắng mỏ bà bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ mà rõ ràng bà chẳng hiểu gì. Người đàn bà quay xe và đạp đi.
Isabelle càng muốn đến hiệu sách nhanh hơn, và lúc nàng lao xe tới đỗ ở trước cửa hiệu, thần kinh nàng căng thẳng. Nàng dựa xe đạp vào một cái cây và khóa nó lại. Nắm chặt va li trong đôi bàn tay đi găng đẫm mồ hôi, nàng tiến đến gần hiệu sách. Nàng bắt gặp hình ảnh mình trong cửa kính một quán rượu nhỏ: mái tóc vàng hoe cắt không đều, gương mặt xanh xao với đôi môi đỏ thắm (thứ mỹ phẩm duy nhất nàng có). Nàng vận bộ đồ đẹp nhất cho chuyến đi - áo khoác kẻ ca rô màu xanh nước biển và màu kem, rất hợp với cái mũ và váy xanh nước biển. Đôi găng của nàng hơi quá cũ, nhưng thời buổi này chẳng ai để ý đến một thứ như thế.
Nàng muốn bộ dạng mình gây được ấn tượng tốt nhất với cha. Trưởng thành.
Biết bao lần trong đời, nàng phải dằn vặt, suy nghĩ về kiểu tóc, quần áo trước khi về nhà ở Paris, rồi phát hiện ra cha mình đi vắng và Vianne “quá bận” trở về vùng nông thôn, để mặc Isabelle cho một người bạn gái nào đó của cha chăm sóc trong kỳ nghỉ. Đủ để đến năm mười ba tuổi, nàng đã ngừng hẳn về nhà trong những kỳ nghỉ, thà ngồi một mình trong phòng ngủ tập thể còn tốt hơn lê chân giữa một đám người không biết nên làm gì với nàng.
Tuy nhiên, lần này khác hẳn. Henri và Didier - cùng những người bạn bí ẩn của họ trong tổ chức Nước Pháp Tự do - cần Isabelle sống ở Paris. Nàng sẽ không để họ thất vọng.
Các tủ kính trong hiệu sách bị che tối, lưới sắt bảo vệ lớp kính lúc ban ngày đã được kéo xuống và khóa chốt. Nàng thử lay cửa và thấy nó cũng khóa nốt.
Khóa cửa lúc bốn giờ chiều một ngày thứ Hai ư? Nàng đến một chỗ nứt trên mặt tiền cửa hiệu luôn là nơi cất giấu của cha nàng, và tìm thấy chiếc chìa khóa vạn năng han gỉ rồi vào được bên trong.
Cửa hiệu chật hẹp hình như nín thở trong bóng tối. Không một âm thanh đến với nàng. Không có tiếng cha nàng giở từng trang của cuốn tiểu thuyết yêu quý hoặc tiếng ngòi bút của ông sột soạt trên giấy lúc ông vật lộn với những vần thơ vốn là niềm đam mê của ông khi mẹ nàng còn sống. Nàng đóng cửa lại và bật công tắc đèn ngay bên cửa.
Không có điện.
Nàng dò dẫm đến bên bàn và thấy một cây nến trên cái giá cũ bằng đồng. Lục lọi hồi lâu các ngăn kéo mới tìm thấy diêm, và nàng châm nến.
Ánh sáng tuy lờ mờ song vẫn để lộ sự tàn phá trong từng xó xỉnh của cửa hiệu. Phân nửa các giá sách trống rỗng, nhiều giá bị gẫy vỡ và xiêu vẹo, những cuốn sách rơi thành đống trên sàn, dưới chân giá sách. Nhiều bức tranh khổ lớn bị xé toạc và gạch xóa. Dường như bọn cướp đã hoành hành ở đây, lục lọi thứ gì đó giấu giếm và phá hoại tất cả.
Cha nàng.
Isabelle vội rời hiệu sách, không buồn để chìa khóa lại chỗ cũ. Nàng bỏ nó vào túi áo khoác và mở khóa xe đạp rồi lên yên. Nàng phóng xe theo những con phố nhỏ hơn (một vài phố không có rào chắn), cho đến khi tới phố Grenelle, nàng rẽ và đạp về nhà.
Căn hộ trên đại lộ La Bourdonnais của gia tộc cha nàng đã hơn một trăm năm tuổi. Những tòa nhà bằng sa thạch màu xanh xám xếp thành hàng hai dọc phố, có ban công bằng sắt đen và mái lợp ngói ác đoa màu xám đen. Những tiểu thiên sứ bằng đá chạm trang trí cho các gờ đắp nổi trên trần. Cách đó khoảng sáu khối nhà, tháp Eiffel cao vút lên bầu trời, khống chế toàn quang cảnh. Trên phố, có hàng chục mặt tiền cửa hàng che vải bạt đẹp mắt và nhiều hiệu cà phê. Bàn ghế xếp cả ra ngoài: tất cả các tầng cao đều có người ở. Bình thường, Isabelle thong thả tản bộ trên vỉa hè, thưởng thức cảnh tất bật ngược xuôi xung quanh. Nhưng không phải là hôm nay. Các hiệu cà phê và các quán rượu nhỏ vắng ngắt. Phụ nữ vận những bộ áo cũ sờn, vẻ mệt mỏi đứng xếp hàng mua thực phẩm.
Nàng ngước nhìn những tủ kính bày hàng bị che kín lúc rút chìa khóa ra. Mở cửa, nàng bước vào hành lang đầy bóng tối, kéo theo chiếc xe đạp. Nàng khóa xe vào một ống nước trong hành lang. Bỏ qua lồng thang máy cỡ bằng cái quan tài, hồi này chắc chắn không chạy vì điện bị hạn chế, nàng trèo lên cầu thang hẹp, dựng đứng, cuốn quanh trục thang máy lên chiếu nghỉ tầng năm, nơi có hai cánh cửa, một ở bên trái tòa nhà và cửa nhà họ ở bên phải. Nàng mở khóa và vào trong. Nàng tưởng như nghe thấy tiếng cửa hàng xóm mở ra sau mình. Lúc nàng quay lại chào bà Leclerc, cánh cửa khẽ đóng lại đánh tách. Rõ ràng bà già tọc mạch đang quan sát những người đến và đi trong căn hộ 6B.
Nàng bước hẳn vào căn hộ và đóng cửa lại.
Mặc dù đang giữa trưa, nhưng cửa kính bị che chắn làm bên trong tối mò.
- Ba ơi?
Không có tiếng trả lời.
Nói thật, nàng nhẹ cả người. Nàng mang va li vào phòng khách. Bóng tối làm nàng nhớ đến một thời khác, trước đó đã lâu. Căn hộ tối tăm và mốc meo lúc đó có hơi gió thoảng và những tiếng bước chân cót két trên sàn gỗ.
Xuỵt, Isabelle, đừng nói chuyện. Lúc này mẹ con đang ở với các thiên thần.
Nàng bật đèn trong phòng khách. Một ngọn chúc đài bằng thủy tinh lung linh hồi tỉnh, các nhánh thủy tinh chạm khắc tinh tế lấp lánh dường như từ một cõi khác. Trong ánh sáng lờ mờ, nàng nhìn quanh căn hộ, nhận ra vài tác phẩm nghệ thuật đã mất khỏi bức tường. Căn phòng phản ánh cả khả năng chính xác về phong cách của mẹ nàng và bộ sưu tập đồ cổ từ nhiều thế hệ. Hai cửa kính - lúc này kín mít - đáng lẽ cho thấy quang cảnh tuyệt đẹp của tháp Eiffel nhìn từ ban công.
Isabelle tắt đèn. Chẳng có lý gì phí phạm nguồn điện quý giá trong lúc nàng đợi. Nàng ngồi xuống bên cái bàn tròn bằng gỗ dưới ngọn chúc đài, bề mặt thô tháp của nó sứt sẹo vì hàng ngàn bữa tối qua nhiều năm ròng. Bàn tay nàng trìu mến lướt trên lớp gỗ cực tốt.
Ba cho con ở lại đi. Con xin ba. Con sẽ không gây phiền toái gì đâu.
Hồi đó nàng bao nhiêu tuổi nhỉ? Mười một? Mười hai? Nàng không nhớ chắc. Nhưng nàng mặc đồng phục màu xanh của trường dòng. Tưởng như đã xa xôi lắm rồi. Và nàng lại ở đây, một lần nữa, sẵn sàng van xin ông - hãy yêu thương nàng - để nàng ở lại.
Sau đó... bao lâu nhỉ? Nàng không biết mình ngồi trong bóng tối bao lâu, để nhớ đến những chi tiết về mẹ vì nàng đã quên gương mặt của bà trông ra sao, thì nghe thấy tiếng bước chân rồi sau đó là tiếng lách cách trong ổ khóa.
Nàng nghe thấy tiếng cửa mở và đứng dậy. Cửa đóng lại đánh cách. Nàng nghe thấy tiếng cha lê bước trên lối vào, qua căn bếp nhỏ.
Lúc này nàng cần phải mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng sự can đảm cố hữu tựa như màu xanh trong mắt nàng thường nhạt hẳn khi có mặt cha, và lúc này đã biến đâu hết.
- Ba à? - Nàng nói trong bóng tối. Nàng biết ông ghét mọi sự bất ngờ.
Nàng nghe thấy ông khựng lại.
Rồi tiếng bật công tắc và ngọn chúc đài bừng sáng.
- Isabelle, - ông nói và thở dài. - Con đang làm gì ở đây?
Nàng biết tốt hơn là không nên nói cụ thể tình hình của mình với người cha rất ít quan tâm đến cảm xúc của nàng. Nàng có một nhiệm vụ phải làm bây giờ.
- Con đến sống với ba ở Paris. Một lần nữa, - nàng nói tiếp luôn, sau khi suy nghĩ thêm.
- Con bỏ Vianne và Sophie lại một mình với bọn Đức Quốc xã ư?
- Họ an toàn hơn nếu con ra đi, ba hãy tin con. Sớm hay muộn, con cũng sẽ mất bình tĩnh.
- Con mất bình tĩnh? Có chuyện gì vậy? Sáng mai, con sẽ trở về Carriveau. - Ông đi qua chỗ nàng, tới tủ ly bằng gỗ kê sát bức tường dán giấy. Rót một cốc brandy cho mình, ông uống ba ngụm lớn cạn cốc và rót cốc khác. Lúc uống hết cốc thứ hai, ông quay sang Isabelle.
- Không, - nàng nói. Lời đáp cụt ngủn khiến nàng phấn khích. Trước kia nàng đã từng nói với cha như thế chưa? Nàng nói lại lần nữa, rất chừng mực. - Không ạ.
- Gì hả?
- Con nói không, thưa ba. Lần này con sẽ không tuân theo ý muốn của ba. Con sẽ không ra đi. Đây là nhà con. Nhà của con. - Nói câu đó, giọng nàng yếu hẳn. - Con đã xem mẹ may những tấm rèm kia trên máy khâu. Đây là cái bàn mẹ thừa hưởng của ông bác. Trên các bức tường trong phòng ngủ của con, ba sẽ tìm thấy những chữ cái đầu của tên con, viết bằng son môi của mẹ những khi mẹ không để ý. Con đánh cược là trong căn phòng bí mật, căn cứ của con, những con búp bê của con vẫn xếp hàng dọc các bức tường.
- Isabelle...
- Không. Ba sẽ không đuổi con đi. Ba đã đuổi con quá nhiều lần rồi. Ba là ba con. Đây là nhà con. Chúng ta đang trong thời chiến. Con sẽ ở lại, - nàng cúi xuống va li dưới chân và nhấc nó lên.
Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn chúc đài, nàng thấy sự khuất phục hằn sâu thêm những nếp nhăn trên má cha nàng. Vai ông sụm xuống. Ông rót một cốc brandy nữa và uống từng ngụm, thèm thuồng. Hiển nhiên là ông không thể đứng nhìn nàng mà không cần đến rượu.
- Không có tiệc tùng mà dự đâu, - ông nói, - và tất cả bọn bạn trai ở đại học của con đã ra đi hết rồi.
- Đây mới thật là những gì ba nghĩ về con, - nàng nói. Rồi nàng thay đổi chủ đề. - Con đã ghé qua hiệu sách.
- Bọn Đức Quốc xã, - ông đáp lại. - Một hôm chúng xông vào rồi lục ra mọi cuốn của Freud, Mann, Trotsky, Tolstoy, Maurois, chúng đốt hết, cả sách nhạc nữa. Ba thà đóng cửa hiệu còn hơn chỉ bán những thứ được phép. Ba vừa làm thế đấy.
- Thế ba sống bằng gì? Còn thơ của ba?
Ông cười lớn. Đó là một âm thanh cay đắng, líu nhíu.
- Đây không phải là thời cho những mưu cầu thanh cao.
- Thế ba trả tiền điện và đồ ăn bằng cách nào?
Có một cái gì đó thay đổi trên mặt ông.
- Ba kiếm được việc làm kha khá ở khách sạn Crillon.
- Phục vụ ư? - Nàng không thể tin ông phục vụ bia cho những tên Đức cục súc.
Ông nhìn lảng đi nơi khác. Isabelle cảm thấy nôn nao trong bụng.
- Ba làm việc cho ai, hở ba?
- Chỉ huy cao cấp của Đức ở Paris, - ông nói.
Lúc này Isabelle đã hiểu cảm giác đó. Nỗi xấu hổ.
- Sau những việc mà bọn chúng đã làm với ba hồi Thế chiến I...
- Isabelle...
- Con nhớ những câu chuyện mẹ kể về ba trước cuộc chiến và nó đã làm ba suy sụp ra sao. Con thường mơ ước có ngày ba nhớ ra mình là một người cha, nhưng tất cả chỉ là dối trá, phải không? Ba chỉ là một kẻ hèn nhát. Bọn Đức Quốc xã vừa trở lại là ba đã lao ra giúp chúng.
- Sao con dám phán xét ta và những gì ta đã trải qua? Con mới mười tám tuổi.
- Mười chín, - nàng đáp. - Kể cho con biết đi ba, ba bưng cà phê cho bọn xâm chiếm hay vẫy taxi cho chúng đến Maxim? Ba có ăn đồ thừa của chúng không?
Hình như ông nhụt chí, già đi trước cái nhìn của nàng. Nàng cảm thấy một niềm hối tiếc không sao giải thích nổi vì những lời gay gắt của mình, dù chúng là thật và đích đáng. Nhưng lúc này nàng không thể lấy lại nữa rồi.
- Vậy chúng ta thỏa thuận nhé? Con sẽ dọn vào phòng cũ của con và sống ở đây. Chúng ta chỉ cần nói ít nếu đấy là điều kiện của ba.
- Trong thành phố này không có thực phẩm, Isabelle, dù sao cũng không có cho những người Paris chúng ta. Khắp thành phố đâu đâu cũng có những tấm biển cảnh báo chúng ta không được ăn chuột và những biển báo đó là cần thiết. Dân chúng nuôi chuột lang để ăn. Ở nông thôn, con sẽ dễ chịu hơn vì có vườn tược.
- Con không tìm kiếm sự dễ chịu. Hoặc an toàn.
- Vậy con tìm gì ở Paris này?
Nàng nhận ra mình vừa mắc sai lầm. Nàng đã dọn một cái bẫy vì những lời ngu xuẩn của mình và bước thẳng vào đó. Cha nàng có nhiều tật, song không hề ngu xuẩn.
- Con ở đây để gặp một người bạn.
- Hãy cho ta biết chúng ta không nói về một thằng con trai nào đó. Hãy cho ba biết con khôn ngoan hơn thế.
- Sống ở nông thôn chán lắm ba ơi. Ba hiểu con mà.
Ông thở dài, rót một cốc rượu nữa. Nàng đã thấy vẻ đờ đẫn hiển hiện trong mắt ông. Nàng biết chẳng bao lâu nữa ông sẽ loạng choạng bỏ đi, ở một mình với những suy nghĩ của ông, cho dù chúng là gì.
- Nếu con ở lại, sẽ có những quy định.
- Quy định?
- Đến giờ giới nghiêm con phải ở nhà. Luôn luôn và không có ngoại lệ. Con sẽ để mặc đời tư của ba. Ba không chịu được việc bị quấy rầy. Sáng sáng con sẽ tới các cửa hàng xem phiếu thực phẩm của chúng ta mua được những gì. Và con sẽ phải tìm việc làm. - Ông ngừng lời và nhìn nàng, mắt ông nheo lại. - Nếu con gặp rắc rối giống chị con, ba sẽ tống cổ con đi. Thế thôi.
- Con không...
- Ba không quan tâm. Kiếm việc đi, Isabelle. Hãy tìm một công việc. Ông còn đang nói, Isabelle đã quay gót và bỏ đi. Nàng vào phòng ngủ cũ của mình và sập cửa lại. Thật mạnh.
Nàng đã thành công! Lần đầu tiên nàng đạt được mục đích. Ai cần quan tâm việc cha nàng khó chịu hay càm ràm như thế nào? Nàng đã ở đây. Trong phòng ngủ của mình, ở Paris và sẽ lưu lại.
Căn phòng nhỏ hơn là nàng nhớ. Sơn một màu trắng dịu mát, có một cái giường đôi vòm sắt và một tấm thảm cũ bạc màu trên sàn gỗ, một ghế bành kiểu Louis XV đã trải qua những ngày tốt đẹp. Cửa sổ - đã che tối - nhìn xuống cái sân trong của tòa nhà. Lúc còn bé, nàng thường biết khi nào hàng xóm đi đổ rác, vì từ đây nàng nghe thấy tiếng họ mở nắp thùng loảng xoảng, rồi sập lại. Nàng quẳng va li lên giường và bắt đầu dỡ đồ.
Quần áo nàng mang theo trong cuộc tản cư - và đem về Paris - đã sờn cũ hơn vì mặc liên tục, và hầu như chẳng đáng để treo trong cái tủ đứng cùng những trang phục nàng thừa hưởng của mẹ - những bộ đầm thiếu nữ rất đẹp, mang hơi hướng cổ điển, những chiếc váy xòe, những bộ áo dạ hội diềm lụa, những bộ quần áo bằng hàng len đã sửa lại cho vừa với người nàng, những bộ váy áo diện ban ngày bằng hàng crếp. Một dãy những mũ, giày rất hợp bộ để khiêu vũ hoặc đi dạo trong khuôn viên bảo tàng Rodin, khoác tay một chàng trai thích hợp. Những trang phục cho một xã hội không còn nữa. Paris không còn những chàng trai “thích hợp". Hầu như chẳng còn chàng trai nào. Tất cả bọn họ hoặc bị giam cầm trong các trại ở Đức hoặc đang ẩn náu đâu đó.
Khi đã treo xong quần áo vào trong tủ, nàng đóng cánh cửa bằng gỗ gụ và đẩy cái tủ sang một bên chỉ đủ lộ ra cánh cửa bí mật ở đằng sau.
Căn cứ của nàng.
Nàng cúi xuống, đẩy cánh cửa gắn vào bức tường ốp gỗ trắng lên trên. Nó bật mở, kêu cót két, để lộ một phòng kho khoảng 2m x 2m, mái nghiêng đủ cho một cô bé lên mười, nên nàng phải lom khom mới đứng được trong đó. Những con búp bê của nàng vẫn ở đó, vài con ngã kềnh còn những con khác vẫn đứng thẳng.
Isabelle đóng cánh cửa chứa đồ kỷ niệm của mình và đẩy cái tủ đứng về chỗ cũ. Nàng nhanh nhẹn cởi quần áo rồi chui vào chiếc áo choàng lụa hồng, nhắc nàng nhớ tới mẹ. Chiếc áo vẫn còn phảng phất mùi hương hoa hồng - hoặc nàng tưởng thế. Lúc ra khỏi phòng để đánh răng, nàng dừng lại bên cánh cửa đóng chặt của cha.
Nàng có thể nghe thấy tiếng ông đang viết, ngòi bút sột soạt trên giấy thô. Thỉnh thoảng ông nguyền rủa rồi im lặng (chắc chắn lúc đó ông uống rượu). Sau đó, có tiếng thịch của cái chai - hoặc nắm đấm - xuống bàn.
Isabelle sửa soạn đi nằm, nàng cuốn tóc thành nhiều lọn quăn, rửa mặt và đánh răng. Lúc đi tới giường, nàng nghe thấy tiếng cha nàng rủa lần nữa - lần này to hơn, có lẽ ông đang uống - nàng leo lên giường và đóng cửa lại.
+++++
Ba không chịu được việc bị quấy rầy.
Rõ ràng câu này có nghĩa là cha nàng không thể chịu nổi cảnh ở trong cùng một phòng với nàng.
Buồn cười thay, năm ngoái nàng chẳng hề để ý đến điều đó, khi nàng sống cùng ông những tuần lễ bị đuổi khỏi trường nữ sinh và cuộc lưu đày về miền quê của nàng.
Nói thật, hồi đó hai cha con chưa bao giờ ngồi ăn cùng nhau. Hoặc có cuộc nói chuyện nào đáng để nhớ. Họ đã cùng làm việc trong hiệu sách. Nàng có từng cảm động thống thiết vì sự có mặt của ông đến mức nàng không hề để ý đến sự im lặng của ông?
Còn bây giờ nàng chú ý đến nó. Nàng đã ở Paris được ba ngày. Ba ngày lặng lẽ đầy dằn vặt.
- Ba đi làm đây, - cha nàng nói qua cánh cửa. - Phiếu thực phẩm để trên quầy. Ba để cho con một trăm franc. Mua cái gì có thể.
Nàng nghe thấy tiếng chân ông vang vọng trên hành lang lát gỗ, nặng nề đến mức các bức tường rung lên. Rồi tiếng cửa sập lại.
- Con cũng tạm biệt ba đây, - Isabelle lẩm bẩm, nhức nhối vì giọng điệu của cha mình.
Rồi nàng nhớ ra.
Hôm nay là ngày ấy.
Nàng quăng tấm khăn phủ và ra khỏi giường, mặc quần áo mà không buồn bật đèn. Nàng đã trù tính cho trang phục của mình: áo màu xám tẻ ngắt, mũ nồi đen, găng tay trắng và đôi xăng đan đế mềm màu đen cuối cùng của nàng. Buồn thay, nàng không có bít tất dài.
Nàng ngắm mình trong gương ở phòng khách, thử bình phẩm, nhưng chỉ thấy một cô gái bình thường trong bộ áo xám xịt, cầm cái xắc màu đen.
Nàng mở xắc (một lần nữa) và nhìn lớp vải lót bên trong phồng lên. Nàng đã rạch một vết nhỏ trong lớp lót và nhét cái phong bì dày vào trong. Mở xắc ra, trông nó rỗng tuếch. Dù nàng có bị chặn lại- (điều nàng không muốn, tại sao lại bị chặn kia chứ? Một cô gái mười chín tuổi ăn vận chỉnh tề đi ăn trưa?) bọn chúng sẽ chẳng nhìn thấy gì trong xắc ngoài giấy tờ của nàng, các phiếu thực phẩm, thẻ căn cước, giấy chứng nhận nơi ở và giấy thông hành. Trong xắc chỉ có thế.
Mười giờ, nàng ra khỏi nhà. Bên ngoài, dưới ánh mặt trời rực rỡ, nóng nực, nàng lên chiếc xe đạp xanh và đạp tới bến cảng.
Khi nàng tới phố Rivoli, những chiếc ô tô đen và xe tải quân sự màu xanh, nhiều thùng chứa nhiên liệu mắc bên thành xe, những người đàn ông cưỡi ngựa đã đầy đường phố. Có vài người dân Paris đi bộ trên vỉa hè, hoặc đạp xe xuống những con phố được phép đi xe đạp, xếp hàng mua thực phẩm kéo dài xuôi theo khối nhà. Thật dễ nhận ra họ vì vẻ thất bại trên khuôn mặt và cung cách vội vã đi qua bọn lính Đức mà không dám nhìn. Ở nhà hàng Maxim, dưới mái hiên màu đỏ nổi tiếng, nàng trông thấy một đám Đức Quốc xã cao cấp đang đợi vào trong. Có tin đồn rằng mọi thứ thịt ngon nhất và những sản vật tốt nhất trong nước được đưa thẳng tới Maxim, phục vụ cho đám chỉ huy cao cấp.
Lúc đó nàng nhận ra nó: cái ghế dài bằng sắt gần lối vào Nhà hát kịch Pháp.
Isabelle bóp phanh xe, dừng lại sau một cú xóc và đưa một chân xuống khỏi bàn đạp. Mắt cá chân nàng hơi vặn đi lúc nàng dồn cả trọng lượng lên nó. Lần đầu tiên, sự háo hức của nàng biến thành nỗi sợ buốt nhói.
Chiếc xắc của nàng bỗng cảm thấy nặng trịch và dễ nhận thấy. Mồ hôi tụ lại trong lòng bàn tay và ven vành mũ nỉ của nàng.
Thôi đi, đừng sợ.
Nàng là một người đưa tin, chứ không phải một nữ sinh hoảng sợ. Đó là sự rủi ro mà nàng đã chấp nhận.
Trong lúc nàng đứng đó, một phụ nữ đến gần chiếc ghế dài và ngồi xuống, quay lưng lại Isabelle.
Một phụ nữ. Nàng không ngờ đầu mối liên lạc của mình là phụ nữ, nhưng đó là niềm an ủi lạ lùng.
Nàng hít một hơi thật sâu, bình tĩnh và tiến đến chiếc xe đạp của mình ở bên kia phần đường đi bộ tấp nập, qua các quán bán khăn quàng và các đồ nữ trang rẻ tiền. Lúc nàng đến cạnh người phụ nữ trên ghế, nàng nói câu đã được dặn.
- Bà có nghĩ hôm nay tôi cần một cái ô không?
- Tôi nghĩ là trời còn nắng. - Người phụ nữ quay lại. Chị có mái tóc đen cuộn xoắn quanh gương mặt được chăm chút và rõ nét, vẻ mặt điển hình của người Đông Âu. Chị lớn tuổi hơn nàng - trạc ba mươi - nhưng cái nhìn trong mắt chị còn già dặn hơn nữa.
Isabelle định mở xắc thì chị nói đanh gọn:
- Không, đi theo tôi, - sau đó đứng nhanh dậy.
Isabelle vẫn theo sau lúc chị băng qua khoảng sân Napoléon rộng lớn với các tòa nhà của Louvre vô cùng tao nhã vươn cao hùng vĩ quanh họ. Nhưng với những lá cờ chữ thập ngoặc ở khắp nơi và lính Đức ngồi trên các ghế dài trong công viên Tuilleries, nó không còn giống một nơi có thời là cung điện của các hoàng đế và nhà vua nữa. Sang đến bên kia đường phố, người phụ nữ lách vào một hiệu cà phê nhỏ. Isabelle khóa xe vào gốc cây bên ngoài và theo vào trong, ngồi đối diện với chị.
- Cô có phong bì không?
Isabelle gật đầu. Nàng mở xắc trên lòng và rút ra cái phong bì, rồi chuyển cho chị ta dưới gầm bàn.
Hai sĩ quan Đức bước vào quán, ngồi ở bàn cách đấy không xa.
Người phụ nữ ngả người và chỉnh mũ ngay ngắn cho Isabelle. Đó là một cử chỉ thân mật lạ lùng, dường như họ là chị em hoặc bạn bè thân thiết. Ngả gần hơn, chị nói thầm vào tai nàng:
- Cô có nghe về những kẻ cộng tác với địch* không?
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
- Không.
- Bọn chỉ điểm. Những người Pháp đang làm việc cho Đức. Họ không chỉ ở trong chính quyền Vichy* . Cảnh giác nhé. Bọn chỉ điểm này rất thích báo cáo về chúng ta với Gestapo. Khi chúng biết tên cô, Gestapo sẽ thường xuyên theo dõi. Đừng tin ai.
Chính phủ Pháp cộng tác với Đức Quốc xã, đóng tại Vichy (thành phố ở phía Đông Nam Paris).
Isabelle gật đầu.
Người phụ nữ lùi lại và nhìn nàng.
- Kể cả cha cô.
- Sao chị biết cha tôi?
- Chúng tôi muốn gặp cô.
- Thì chị vừa gặp đấy thôi.
- Chúng tôi, - chị ta nói khẽ. - Trưa mai, đứng ở góc đại lộ Saint- Germain và phố Saint-Simon. Đừng đến muộn, không đi xe đạp và không để bị theo dõi.
Isabelle ngạc nhiên vì chị ta đứng dậy nhanh đến thế. Chị bỏ đi ngay lập tức, chỉ còn mình Isabelle ở lại hiệu cà phê, dưới con mắt soi mói của tên lính Đức ở bàn bên kia. Nàng buộc mình gọi một cà phê sữa (mặc dù nàng biết không hề có sữa và cà phê chỉ là rễ rau diếp xoăn). Uống hết thật nhanh, nàng ra khỏi hiệu.
Ở góc phố, nàng thấy một tấm biển dán lên cửa kính cảnh cáo tử hình để trả đũa những hành động vi phạm. Cạnh đó, trên cửa sổ một rạp chiếu bóng là tấm biển đề CẤM NGƯỜI DO THÁI.
Lúc nàng mở khóa xe, một tên lính Đức đến cạnh nàng. Nàng va phải hắn.
Với vẻ quan tâm, hắn hỏi liệu nàng có ổn không. Nàng đáp lại bằng nụ cười và cái gật đầu giả lả. "Không sao. Cảm ơn”. Nàng vuốt phẳng tà váy, kẹp chặt ví vào nách và lên xe. Nàng đạp xe đi và không nhìn lại.
Nàng đã làm xong việc. Nàng đã lấy được một giấy thông hành và đến Paris, ép cha phải cho nàng ở lại, và đã chuyển bức thư mật đầu tiên của mình cho tổ chức Nước Pháp Tự do.
16
Isabelle đã đi được một tuần, và Vianne phải thừa nhận rằng cuộc sống ở Le Jardin thoải mái hơn hẳn. Không còn những cơn bột phát, không còn những lời bình luận úp mở cố tình để lọt vào tai Đại úy Beck, không còn gì đẩy Vianne phải tiến hành những cuộc chiến vô ích trong một cuộc chiến tranh đã thất bại. Dẫu vậy, đôi khi vắng Isabelle, ngôi nhà quá lặng lẽ, và trong sự im lặng ấy, Vianne thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều.
Như lúc này chẳng hạn. Chị đã thức giấc nhiều giờ, chỉ nhìn chằm chằm lên trần phòng ngủ, đợi bình minh.
Cuối cùng, chị ra khỏi giường và xuống dưới nhà. Chị rót cho mình một tách cà phê làm bằng quả đấu đắng ngắt và mang ra sân sau, chị ngồi xuống cái ghế ưa thích của Antoine dưới các cành thông đỏ vươn dài, lắng nghe lũ gà mái đang uể oải bới đất.
Tất cả số tiền của chị đã cạn. Giờ đây họ phải sống bằng đồng lương dạy học còm cõi của chị.
Chị biết làm sao đây? Khi chỉ có một mình...
Chị uống hết tách cà phê và cảm thấy kinh hãi. Lúc mang cái tách rỗng vào trong căn nhà tối om, đã được sưởi ấm, chị trông thấy cánh cửa đến phòng ngủ của Đại úy Beck đã mở. Anh ta đã đi trong lúc chị ra ngoài. Thế cũng tốt.
Chị đánh thức Sophie, ngồi nghe con bé kể về giấc mơ mới nhất của nó, rồi làm bữa sáng gồm bánh mì nướng và mứt đào. Sau đó, cả hai mẹ con vào thành phố.
Vianne giục Sophie đi nhanh hết mức, nhưng con bé đang lúc bực bội nên phàn nàn và lê từng bước. Thế là, quá trưa họ mới đến được cửa hàng thịt. Một hàng người dài, rồng rắn từ cửa xuống phố. Vianne đứng vào cuối hàng và căng thẳng liếc nhìn những tên Đức trên quảng trường.
Hàng người nhích tới trước. Ở tủ kính bày hàng, Vianne để ý một áp phích tuyên truyền mới, vẽ một lính Đức đang cười, đưa mời một nhóm trẻ em Pháp bánh mì. Cạnh đó là một tấm biển đề CẤM NGƯỜI DO THÁI.
- Cái kia nghĩa là gì vậy mẹ? - Sophie hỏi và chỉ vào tấm biển.
- Xuỵt, Sophie, - Vianne nói dứt khoát. - Chúng ta đã nói về việc này rồi. Có một số việc không được nói đến.
- Nhưng cha Joseph bảo...
- Xuỵt, - Vianne sốt ruột ngắt lời, chị kéo tay Sophie để ra hiệu.
Hàng người dịch tới trước. Vianne bước tới và nhìn chằm chặp vào một phụ nữ tóc hoa râm có nước da màu nâu nhạt và thớ thịt chảy nhão.
Vianne cau mày.
- Bà Fournier đâu rồi? - Chị hỏi và giơ phiếu thịt hôm nay của mình lên. Chị mong vẫn còn chút gì đó.
- Người Do Thái không được phép bán hàng, - bà ta nói. - Chúng tôi chỉ còn một ít thịt chim hun khói.
- Nhưng đây là cửa hàng nhà Fournier.
- Trước đây thôi. Bây giờ nó là của tôi. Chị muốn mua thịt chim hay không nào?
Vianne cầm cái hộp nhỏ đựng thịt chim hun khói và thả vào trong cái làn bằng liễu đan. Không nói gì, chị dẫn Sophie ra ngoài. Ở góc phố đối diện, một lính Đức đứng gác trước cửa nhà băng, nhắc dân Pháp nhớ rằng nhà băng đã bị người Đức tịch biên.
- Mẹ ơi, - Sophie than vãn. - Nó sai với...
- Xuỵt. - Vianne chộp lấy bàn tay Sophie. Lúc hai mẹ con ra khỏi thành phố và đi theo con đường đất về nhà, Sophie tỏ ra bất mãn đủ thứ. Nó nổi cáu, thở hổn hển và càu nhàu.
Vianne mặc kệ con bé.
Lúc họ về đến cánh cổng xiêu vẹo của Le Jardin, Sophie giằng tay ra và quay ngoắt, đứng trước mặt mẹ nó:
- Sao bọn chúng có thể chiếm cửa hàng thịt? Dì Isabelle sẽ làm gì đó còn mẹ thì chỉ sợ thôi!
- Thế mẹ nên làm gì đây? Lao ra quảng trường và đòi trả lại cửa hàng cho bà Fournier ư? Bọn chúng sẽ làm gì mẹ, con biết không? Con đã trông thấy các tờ áp phích trong thành phố rồi đấy. - Chị hạ giọng. - Bọn chúng đang xử tử dân Pháp, Sophie ạ. Xử tử họ.
- Nhưng...
- Không nhưng nhị gì hết. Có những thời kỳ vô cùng nguy hiểm, Sophie. Con cần hiểu điều đó.
Mắt Sophie mờ đi vì những giọt nước mắt.
- Con ước gì bố ở đây...
Vianne kéo con gái vào lòng và ôm nó thật chặt.
- Mẹ cũng thế.
Hai mẹ con ôm nhau một lúc lâu, rồi từ từ tách nhau ra.
- Hôm nay chúng ta sẽ làm rau quả dầm, được không ạ?
- Ồ. Hay đấy. - Vianne đồng ý ngay. - Sao con không đi hái dưa chuột? Mẹ sẽ đi lấy dấm.
Vianne quan sát con gái chạy lên phía trước, len qua những cây táo nặng trĩu quả ra vườn. Lúc nó khuất dạng, nỗi lo của Vianne trở lại. Chị sẽ làm gì đây khi không có tiền? Khu vườn tươi tốt thật đấy, nhưng chỉ có quả và rau, còn mùa đông sắp đến thì sao? Làm thế nào để Sophie giữ được sức khỏe nếu thiếu thịt, sữa hoặc pho mát, làm thế nào mẹ con chị mua được giày mới? Chị run rẩy lúc tìm đường vào căn nhà ấm áp nhưng tối om. Trong bếp, chị nắm lấy mép quầy và cúi đầu.
- Chị Mauriac?
Vianne quay ngoắt lại, nhanh đến mức suýt trượt chân.
Beck đang ngồi trên đi văng trong phòng khách, và đọc sách bên ngọn đèn dầu.
- Đại úy Beck. - Chị nói khẽ và bước đến chỗ anh ta, đôi bàn tay run run đan lại với nhau. - Tôi không thấy mô tô của anh ở đằng trước.
- Hôm nay trời đẹp quá nên tôi quyết định đi bộ về. - Anh ta đứng dậy. Chị thấy Beck vừa cắt tóc, trên mặt có một vết xước nhỏ, có lẽ là do lúc sáng nay anh ta cạo râu sơ ý làm xước. - Trông chị lo lắng quá. Có lẽ từ hôm em gái chị đi, chị ngủ không ngon chăng?
Chị ngạc nhiên nhìn Beck.
- Tôi nghe thấy tiếng chị đi loanh quanh trong đêm.
- Vậy là anh cũng thao thức, - chị ngơ ngẩn nói.
- Tôi thường xuyên mất ngủ. Tôi nghĩ đến vợ và các con. Con trai tôi còn bé xíu. Tôi tự hỏi liệu nó có biết chút nào về bố nó không.
- Tôi cũng nghĩ như thế về Antoine, - chị nói, ngạc nhiên vì lời thú nhận. Chị biết mình không nên cởi mở như thế với người đàn ông này - một kẻ thù - nhưng chị đang quá mệt mỏi và sợ phải mạnh mẽ.
Beck đăm đăm nhìn chị, và trong mắt anh ta, chị nhìn thấy nỗi mất mát mà họ cùng chia sẻ. Cả hai đều xa cách người mà họ yêu quý, và cô đơn hơn bao giờ hết.
- À. Tất nhiên là tôi định không xâm phạm vào một ngày của chị, nhưng tôi có một số tin tức cho chị đây. Tôi đã tìm kiếm rất nhiều và phát hiện chồng chị đang ở trong một trại giam sĩ quan ở Đức. Một người bạn của tôi canh gác ở đó. Chồng chị là sĩ quan. Chị không biết ư? Chắc chắn anh ấy là một người hùng trên chiến trường.
- Anh tìm thấy Antoine rồi sao? Anh ấy còn sống chứ?
Beck chìa ra một phong bì nhàu nát, đầy vết bẩn.
- Đây là thư anh ấy viết gửi chị. Bây giờ chị có thể gửi cho anh ấy gói vật dụng cá nhân, tôi tin rằng điều đó sẽ khiến anh ấy vô cùng vui mừng.
- Ôi... chồng tôi. - Chị cảm thấy chân mình mềm nhũn.
Beck giữ lấy Vianne giúp chị đứng vững và đưa chị tới đi văng. Lúc sụp xuống ghế, chị cảm thấy những giọt lệ dâng đầy trong mắt.
- Anh đã làm một việc tử tế, - chị thì thào, ép chặt bức thư vào ngực.
- Bạn tôi chuyển thư này cho tôi. Tôi xin lỗi, từ nay trở đi, chị sẽ chỉ được trao đổi bằng bưu thiếp thôi.
Beck mỉm cười và chị có một cảm giác lạ lùng nhất rằng anh ta biết những bức thư dài dòng mà đêm đêm chị nghĩ trong đầu.
- Cảm ơn* , - chị nói, và mong ước đó không phải là một từ thông thường.
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
- Tạm biệt chị* , - Beck nói rồi quay gót, để chị lại một mình.
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
Chị nắm chặt bức thư nhàu nát, bẩn thỉu trong bàn tay run rẩy, những con chữ đề tên chị mờ đi và nhảy múa lúc chị mở nó ra.
Vianne yêu quý của anh,
Trước hết, em đừng lo cho anh. Anh an toàn, ăn uống khá tốt. Anh không bị thương. Thật đấy. Trên người anh không có vết đạn nào đâu.
Trong trại, anh rất may mắn được nằm giường trên, vì thế anh có được một chút riêng tư trong một nơi có quá nhiều đàn ông. Qua một cửa sổ nhỏ, anh có thể ngắm trăng vào ban đêm và nhìn thấy những ngọn tháp ở Nuremburg. Nhưng chính ánh trăng khiến anh nghĩ đến em.
Đồ ăn của bọn anh đủ để sống sót. Anh đã quen với những viên bột mì và những miếng khoai tây bé xíu. Khi về nhà, anh rất mong được em nấu ăn cho. Anh mơ về ngày đó, lúc nào cũng nhớ đến em và Sophie.
Em yêu quý của anh, anh xin em chớ buồn phiền. Chỉ cần giữ sức khỏe và ở đó đợi anh, khi thời cơ đến anh sẽ rời bỏ nhà giam này. Em là ánh mặt trời trong bóng đêm, là mặt đất dưới chân anh. Vì em, anh có thể sống sót. Anh hy vọng em cũng có thể tìm được sức mạnh trong anh, V. Vì có anh, em sẽ tìm ra cách để sống mạnh mẽ.
Tối nay em hãy ôm con gái thật chặt và nói với con rằng ở một nơi xa xôi lắm lắm, bố đang nghĩ đến nó. Nói với con là anh sẽ trở về.
Anh yêu em, Vianne.
PS. Hội Hồng Thập tự đang phát các gói vật dụng cá nhân. Nếu em có thể gửi cho anh một đôi găng đi săn, anh sẽ rất mừng. Mùa đông ở đây lạnh lắm.
Vianne đọc xong lá thư và lập tức đọc lại lần nữa.
+++++
Đúng một tuần lễ sau khi tới Paris, Isabelle gặp những người cùng chung dam mê về một nước Pháp tự do với nàng. Nàng căng thẳng khi đi giữa những người dân Paris mặt mũi tái xám, và bọn Đức béo tốt, no đủ, tới một mục tiêu chưa được xác định. Sáng nay, nàng cẩn thận mặc bộ đầm bằng tơ nhân tạo màu xanh lơ, thắt lưng màu đen. Đêm qua, nàng đã cuốn tóc và sáng nay chải thành từng sóng óng ả, ghim ra đằng sau cho sáng gương mặt. Nàng không trang điểm, chỉ đội chiếc mũ nồi xanh lơ của trường nữ sinh và đi đôi găng trắng.
Mình là một nữ nghệ sĩ và đây là vai diễn của mình, nàng nghĩ lúc dạo bước xuống phố. Mình là một nữ sinh đang yêu, lẻn ra ngoài gặp bạn trai...
Đó là câu chuyện nàng chọn để phù hợp với trang phục của nàng. Nàng tin chắc rằng, nếu bị chất vấn, nàng có thể khiến quân Đức tin lời nàng.
Vì mọi đường phố đều có rào chắn, nàng mất nhiều thời gian hơn để tới đích, nhưng rốt cuộc nàng đã chui qua một rào chắn và tới đại lộ Saint-Germain.
Nàng đứng dưới một ngọn đèn đường. Đằng sau nàng, dòng xe cộ chầm chậm tiến lên đại lộ, còi inh ỏi, động cơ mô tô rền vang, móng ngựa gõ lóc cóc, chuông xe đạp bấm kính coong. Đủ thứ tiếng khiến con phố này trước kia tươi đẹp là thế mà nay dường như cạn kiệt cả sức sống lẫn màu sắc.
Một xe cảnh sát chạy tới cạnh nàng, và một hiến binh bước xuống xe, áo choàng phủ trên vai. Hắn vung vẩy cây dùi cui trắng.
- Cô có nghĩ hôm nay tôi cần một cái ô không?
Isabelle giật mình, thốt lên một tiếng nhỏ. Nàng đã quá tập trung vào một cảnh sát đang băng qua đường và tiến tới một người phụ nữ vừa ra khỏi hiệu cà phê, đến mức quên cả nhiệm vụ của mình.
- Tôi... tôi thấy trời vẫn nắng, - nàng nói.
Người đàn ông nắm lấy cánh tay nàng (không nói thêm lời nào, anh ta nắm rất chặt) và đưa nàng xuống một con phố vắng vẻ bất ngờ. Thật buồn cười là một xe cảnh sát có thể làm dân chúng Paris biến mất. Không người nào lảng vảng gần đó chứng kiến vụ bắt giữ - để làm nhân chứng hoặc giúp đỡ.
Isabelle cố nhìn người đàn ông cạnh nàng, nhưng họ di chuyển quá nhanh. Nàng liếc nhìn đôi giày ống bằng da cũ của anh ta lúc này đang nện nhanh khi băng qua vỉa hè, dây buộc đã sờn, một cái lỗ xuất hiện từ những vết trầy xước ở ngón chân trái.
- Nhắm mắt lại, - anh ta nói lúc họ băng qua đường.
- Sao vậy?
- Làm đi.
Nàng không phải người tuân lệnh một cách mù quáng (vào những tình huống khác, nàng đã nói một lời dí dỏm), nhưng nàng tha thiết muốn là một phần của công việc này đến nỗi nàng làm theo ngay. Nàng nhắm mắt và bước loạng choạng bên cạnh anh ta, có lần suýt bị vấp.
Cuối cùng, họ tới chỗ dừng. Nàng nghe thấy anh ta gõ bốn lần lên một cánh cửa. Sau đó là tiếng bước chân, nàng nghe thấy tiếng rít vèo của cánh cửa mở và mùi khói thuốc cay xè phả vào mặt nàng.
Lúc này nàng chợt nghĩ - chỉ lúc này thôi - rằng nàng có thể gặp nguy hiểm.
Người đàn ông kéo nàng vào trong và cửa đóng sầm lại sau họ.
Isabelle mở mắt, dù chưa ai bảo nàng làm thế. Tốt hơn hết là nàng phải chứng tỏ khí phách của mình.
Nàng không nhìn rõ căn phòng ngay. Nó rất tối, và đặc khói thuốc. Mọi cửa sổ đều bị che kín. Ánh sáng duy nhất tỏa ra từ hai ngọn đèn dầu, kêu phù phù một cách táo bạo như chống lại những cái bóng và khói thuốc.
Ba người đàn ông ngồi bên bàn gỗ, trên đó đặt cái gạt tàn đầy tràn. Hai người trẻ mặc áo khoác nhiều mảnh vá và quần rách tả tơi. Ngồi giữa họ là một ông già gầy như cái que, ria mép vuốt sáp mà nàng nhận ra ngay. Đứng dựa tường là người phụ nữ - đầu mối liên lạc của Isabelle. Chị ta mặc toàn đồ đen như một góa phụ, và đang hút thuốc.
- Ông Lévy? - Nàng hỏi ông già. - Là ông à?
Ông ta kéo cái mũ nồi rách khỏi cái đầu hói, nhẵn bóng và cầm nó trong hai bàn tay đan vào nhau.
- Isabelle Rossignol.
- Ông biết người này sao? - Một trong hai thanh niên hỏi.
- Tôi là khách quen, thường đến hiệu sách của cha cô ấy, - Ông Lévy nói. - Tin cuối cùng tôi nghe được cô là người bốc đồng, vô kỷ luật và có sức quyến rũ. Bao nhiêu trường học đã đuổi cô rồi, Isabelle?
- Hơi bị nhiều, ba tôi sẽ nói thế. Trong những ngày này, biết con trai thứ của một đại sứ ngồi đâu trong bữa tiệc tối thì có gì là hay ho? - Isabelle nói. - Tôi vẫn có sức quyến rũ.
- Và vẫn vạ miệng. Một cái đầu hấp tấp và những lời nói thiếu suy nghĩ sẽ khiến tất cả mọi người trong phòng này bị giết đấy.
Ngay lập tức, Isabelle hiểu ra sai lầm của mình. Nàng bèn gật đầu.
- Cô còn trẻ quá, - người phụ nữ mặc đồ đen nói và phả khói thuốc
- Không còn trẻ nữa đâu, - Isabelle đáp. - Hôm nay tôi mặc để trông trẻ hơn. Tôi nghĩ đấy là một việc có ích. Ai lại nghi ngờ một cô gái mười chín tuổi có thể làm việc gì phi pháp? Chị và mọi người nến biết rằng, phụ nữ cũng có thể làm mọi việc mà một người đàn ông có thể làm.
Ông Lévy ngồi yên trên ghế và quan sát nàng.
- Một người bạn của chúng tôi đã nhiệt tình giới thiệu cô. Henri.
- Anh ấy kể với chúng tôi rằng cô phát truyền đơn của chúng tôi trong nhiều tháng trời. Và hôm qua Anouk nói cô rất vững vàng.
Isabelle liếc nhìn người phụ nữ tên Anouk và thấy chị ta gật đầu hưởng ứng.
- Tôi sẽ làm bất cứ việc gì giúp cho sự nghiệp của chúng ta, - Isabelle nói. Ngực nàng thắt lại vì hồi hộp. Chưa bao giờ nàng nghĩ mình có thể đến tận đây và bị từ chối gia nhập mạng lưới của những người có chung mục đích với nàng.
Cuối cùng, ông Lévy nói:
- Cô sẽ cần những giấy tờ giả và một thẻ căn cước mới. Chúng tôi sẽ kiếm cho cô, nhưng phải mất một thời gian.
Isabelle hít mạnh một hơi. Nàng đã được chấp nhận! Dường như là một sự an bài của số phận. Giờ đây, nàng sẽ làm một việc có ý nghĩa. Nàng biết là thế.
- Hiện giờ, bọn Đức Quốc xã rất ngạo mạn, chúng không tin bất cứ một phong trào kháng chiến nào có thể chống lại chúng thành công, - ông Lévy nói, - nhưng rồi chúng sẽ thấy... chúng sẽ thấy, và lúc đó mối nguy hiểm của chúng ta sẽ tăng lên. Cô không được nói với ai về việc hợp tác với chúng tôi. Không một ai. Kể cả gia đình cô. Vì an toàn của họ và của chính cô.
Với Isabelle, che giấu hành động của mình là việc dễ dàng. Chẳng ai đặc biệt quan tâm nàng ở đâu và làm gì.
- Vâng, - nàng nói. - Vậy... tôi sẽ làm gì?
Anouk rời khỏi bức tường và băng qua phòng, giẫm lên chồng báo của bọn khủng bố trên sàn. Isabelle không nhìn rõ đầu đề - cái gì đó về RAF* ném bom ở Hamburg và Berlin. Chị thọc tay vào túi và rút ra một gói nhỏ, cỡ bằng bộ bài được gói trong giấy nhăn màu nâu vàng, buộc bằng sợi chỉ.
Không lực Hoàng gia Anh.
- Cô sẽ chuyển cái này tới quầy bán thuốc lá* trong khu phố cổ tại Amboise, ở ngay dưới tòa lâu đài. Phải đến đó trước bốn giờ chiều mai - Chị đưa cái gói cho Isabelle và nửa tờ năm franc. - Đưa cho anh ta tờ bạc này. Nếu anh ta đưa cho cô nửa tờ kia, hãy đưa cái gói. Rồi bỏ đi ngay. Không ngoảnh lại. Không nói chuyện với anh ta.
Tiếng Pháp trong nguyên bản.
Lúc nàng cầm cái gói và tờ giấy bạc, nàng nghe thấy một tiếng gõ ngắn, đanh vào cánh cửa sau nàng. Sự căng thẳng ngay lập tức làm không khí trong phòng căng lên. Những cái liếc mắt trao đổi. Nó nhắc Isabelle nhớ đây là một việc nguy hiểm. Ngoài cửa có thể là cảnh sát hoặc một tên Đức Quốc xã.
Ba tiếng tiếp theo.
Ông Lévy gật đầu bình tĩnh.
Cửa mở, một người đàn ông to béo, đầu trọc lốc, nhẵn thín và mặt đốm đồi mồi vì tuổi tác, bước vào.
- Tôi thấy anh ta lang thang đây đó, - ông già nói lúc tránh sang bên lộ ra một phi công RAF vẫn mặc bộ đồ bay.
- Trời ạ, - Isabelle thì thào. Anouk gật đầu rầu rĩ.
- Họ ở khắp mọi nơi, - Anouk nói khe khẽ. - Rơi từ trên trời xuống. - Chị mỉm cười, căng thẳng vì câu đùa. - Những người lẩn trốn, vượt ngục khỏi nhà tù của Đức, những phi công bị bắn rơi.
Isabelle chăm chú nhìn viên phi công. Ai cũng biết rõ hình phạt nếu giúp đỡ các phi công người Anh là như thế nào. Khắp thành phố dán đầy thông báo: bỏ tù hoặc tử hình.
- Lấy cho anh ta ít quần áo, - Lévy nói.
Ông già quay sang viên phi công và bắt đầu nói chuyện.
Rõ ràng anh ta không nói được tiếng Pháp.
- Họ đang đi lấy quần áo cho anh, - Isabelle dịch sang tiếng Anh. Căn phòng lặng ngắt. Isabelle cảm thấy tất cả đang nhìn nàng.
- Cô nói được tiếng Anh ư? - Anouk hỏi khẽ.
- Cũng không nhiều. Tôi đã học hai năm ở trường nữ sinh Thụy Sĩ mà.
Lại im lặng. Rồi Lévy nói:
- Nói với anh ta rằng chúng tôi sẽ đưa anh ta đến nơi ẩn náu cho đến khi tìm được cách ra khỏi nước Pháp.
- Các vị có thể làm việc đó ư? - Isabelle hỏi.
- Không phải bây giờ, - Anouk đáp. - Đương nhiên, đừng nói với anh ta điều đó. Chỉ nói rằng chúng tôi luôn đứng về phía anh ta và anh ta an toàn - chỉ tương đối thôi - và anh ta phải làm những gì được bảo.
Isabelle tiến đến viên phi công. Lúc đến gần, nàng trông thấy nhiều vết xước trên mặt và tay áo bay của anh ta bị rách toạc. Nàng đoan chắc rằng vệt đen ở chân tóc anh ta chính là máu khô, và nàng nghĩ: Anh ta đã ném bom lên đất Đức.
- Không phải tất cả chúng tôi đều thụ động, - Isabelle nói với anh ta.
- Cô nói được tiếng Anh, - anh ta nói. - Ơn Chúa. Máy bay của tôi rơi cách đây bốn ngày. Từ đó, tôi nấp trong những xó tối tăm. Tôi không biết đi đâu cả, cho đến lúc ông này tóm được tôi và lôi tôi đến đây. Các vị sẽ giúp tôi chứ?
Nàng gật đầu.
- Như thế nào? Các vị có thể đưa tôi về nhà không?
- Tôi không có câu trả lời. Cứ làm như người ta bảo anh, mà anh này?
- Vâng, thưa cô?
- Họ bất chấp tính mạng để giúp anh. Anh có hiểu điều đó không?
Anh ta gật đầu. Isabelle quay sang những người đồng chí mới.
- Anh ta hiểu và sẽ làm theo lời mọi người.
- Cảm ơn Isabelle, - Lévy nói. - Chúng tôi sẽ liên lạc với cô ở đâu, sau khi cô từ Amboise trở về?
Isabelle ngay lập tức có câu trả lời khiến chính nàng cũng ngạc nhiên:
- Ở hiệu sách, - nàng đáp cứng cỏi. - Tôi sẽ mở lại cửa hiệu.
Ông già Lévy nhìn nàng.
- Cha cô sẽ nói gì về việc này? Tôi nghĩ ông ấy đóng cửa khi bọn Đức Quốc xã bắt ông phải bán thứ chúng bảo.
- Cha tôi làm việc cho Đức Quốc xã, - nàng cay đắng nói. - Ý kiến của ông ấy không quan trọng lắm. Ông yêu cầu tôi đi tìm việc làm. Đây là công việc của tôi. Tôi sẽ có thể gặp gỡ tất cả các vị bất cứ lúc nào. Đấy là một giải pháp hoàn hảo.
- Đúng vậy, - Lévy nói, dẫu câu đó vang lên như thể ông không tán thành. - Vậy thì tốt rồi. Anouk sẽ đưa giấy tờ mới cho cô ngay khi chúng tôi kiếm được một thẻ căn cước. Chúng tôi sẽ cần một tấm ảnh của cô. - Cái nhìn chăm chú của ông hẹp lại. - Isabelle, lúc này hãy cho phép tôi là một ông già nhắc nhở một cô gái trẻ hay bốc đồng rằng không thể như vậy nữa. Cô biết đấy, tôi là bạn của cha cô - hoặc từng là bạn cho đến khi ông ấy lộ rõ bản chất thật của mình - và trong nhiều năm, tôi đã nghe đủ chuyện về cô. Đây là lúc để cô trưởng thành và thực hiện những nhiệm vụ được giao. Luôn như thế. Không có ngoại lệ. Vì sự an toàn của cô cũng như của chúng tôi.
Isabelle bối rối thấy ông cảm thấy cần phải nói với nàng điều này, trước mặt tất cả mọi người.
- Tất nhiên rồi.
- Nếu cô bị bắt, - Anouk nói, - cô sẽ trở thành đàn bà. Cô hiểu không? Bọn chúng sẽ làm... những việc cực kỳ tồi tệ với chúng ta.
Isabelle nuốt khó khăn. Nàng đã nghĩ - thoáng qua - về việc bị bỏ tù và xử tử. Đầy là điều nàng chưa bao giờ cân nhắc. Lẽ tất nhiên nàng nên nghĩ đến.
- Thứ mà tất cả chúng tôi yêu cầu lẫn nhau - hoặc hy vọng trong bất cứ trường hợp nào - là hai ngày.
- Hai ngày?
- Nếu cô bị bắt và... bị thẩm vấn. Cô không được nói gì trong hai ngày. Như vậy sẽ đủ thời gian để chúng tôi biến mất.
- Hai ngày, - Isabelle nói. - Như thế không phải là quá dài.
- Cô còn trẻ quá, - Anouk nói và cau mày.
+++++
Suốt sáu ngày vừa qua, Isabelle đã rời Paris bốn lần. Nàng chuyển những cái gói đến Amboise, Blois và Lyon. Nàng mất nhiều thời gian ở các ga tàu hơn là ở trong căn hộ của cha mình - một sự thu xếp tiện cho cả hai. Miễn là ban ngày nàng đứng xếp hàng mua thực phẩm và về nhà trước giờ giới nghiêm, còn cha nàng chẳng buồn để ý nàng làm những gì. Tuy vậy, hiện giờ nàng đã về Paris và sẵn sàng dấn bước vào đoạn sau của kế hoạch.
- Con đừng mở lại hiệu sách.
Isabelle chằm chằm nhìn cha. Ông đứng gần cửa sổ đóng kín. Trong ánh sáng lờ mờ, căn hộ trông huy hoàng một cách tiều tụy, nó vốn được trang trí bằng những món đồ cổ lộng lẫy từ nhiều thế hệ. Những bức tranh đẹp đóng khung mạ vàng, duyên dáng trên tường (một số bị mất để lại khoảng đen trên tường, chắc cha nàng đã đem bán chúng), và nếu các tấm che được nhấc ra, quang cảnh ngoạn mục của tháp Eiffel ở ngay bên kia ban công nhà nàng.
- Ba bảo con đi tìm việc làm, - nàng bướng bỉnh nói. Cái gói giấy trong xắc đem lại cho nàng sức mạnh mới khi đối diện cha. Hơn nữa, ông đã ngà ngà say. Chẳng mấy chốc, ông sẽ nằm ườn trên ghế trong phòng khách, rên rỉ trong giấc ngủ. Lúc nhỏ, những âm thanh buồn bã ấy đã khiến nàng thèm được an ủi cha. Bây giờ thì hết rồi.
- Ý ta là một công việc có lương, - ông nói cộc lốc rồi rót một cốc brandy nữa.
- Sao ba không dùng một bát xúp? - Nàng hỏi.
Ông phớt lờ nàng.
- Ta không thích. Thế thôi. Con sẽ không được mở lại hiệu sách.
- Con đã làm xong rồi. Hôm nay. Con đã lau dọn cả buổi chiều.
Hình như ông lặng người đi. Đôi lông mày hoa râm, rậm rạp của ông nhếch lên vầng trán đầy nếp nhăn.
- Con đã lau dọn ư?
- Vâng, - nàng đáp. - Con biết việc này sẽ làm ba ngạc nhiên, nhưng con không còn là cô bé mười hai nữa. - Nàng tiến đến chỗ ông. - Con đang làm việc này, ba ạ. Con đã quyết định. Nó sẽ cho con có thời gian xếp hàng mua thực phẩm và cơ hội kiếm một số tiền nho nhỏ. Bọn Đức sẽ mua sách của con. Con hứa với ba như thế.
- Con sẽ tán tỉnh chúng ư? - Ông nói.
Isabelle cảm thấy nhức nhối vì phán đoán của cha.
- Người đang làm việc cho chúng nói đấy nhé.
Ông trừng mắt nhìn nàng.
Nàng cũng trừng mắt nhìn ông.
- Thôi được, - cuối cùng, ông nói. - Con sẽ làm việc con muốn. Nhưng phòng kho ở đằng sau. Nó là của ba. Của ba, Isabelle. Ta sẽ khóa nó lại và cầm chìa khóa, con hãy tôn trọng mong muốn của ba bằng cách tránh xa căn phòng đó ra.
- Tại sao?
- Chẳng sao trăng gì hết.
- Ba đã có những cuộc hẹn hò với đàn bà ở đó sao? Trên sofa?
Ông lắc đầu.
- Con là đứa con gái ngốc nghếch, ơn Chúa, mẹ con không còn sống để thấy con thành người thế nào.
Isabelle ghét câu nói đó, nó làm tổn thương nàng sâu sắc.
- Hoặc là ba, ba ạ, - nàng nói. - Hoặc là ba.